Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
786
123.135.295
 
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tràng hột/chuỗi hột - chuỗi mân khôi/mai khôi/môi côi ... (phần 19)
Nguyễn Cung Thông

 

Phần này bàn về cách dùng tràng hạt (hột), chuỗi hạt[2] từ thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến nay. Phần này cũng đề nghị một cách giải thích tại sao lại có các dạng Mân Khôi (tắt là MK), Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Côi ...  từ quá trình cấu tạo của chữ Hán Việt so với chữ Việt. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?

id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là HV (Hán Việt), CNNAGN (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), CQN (Chữ Quốc Ngữ), TQ (Trung Quốc), BK (Bắc Kinh), TK (thế kỉ), A (tiếng Anh), P (tiếng Pháp), LT (tiếng La Tinh). Tương quan ngữ âm HV và Việt ghi trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Việt hay Hán Cổ của chúng, cần nhiều dữ kiện hơn để thêm chính xác. Trang/cột/tờ của VBL được ghi xuống để người đọc dễ tra cứu thêm. Các cách đọc phiên thiết trình bày theo thời gian (lịch đại): từ thời Hán đến thế kỉ XVII (Tự Vị, Chính Tự Thông) cho đến giọng BK hiện nay so sánh với các phương ngữ khác cũng như âm HV (đồng đại). Dấu hoa thị * đứng trước một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound), không nên lầm thanh điệu hay chỉ số đứng sau một âm tiết và số phụ chú.

1. VBL ghi tràng hột/chuỗi hột

Mỗi tôn giáo đều có một số từ dùng đặc biệt như trong CG có các cách dùng kinh Mân Côi, tháng Mân Côi, mầu Nhiệm Mân Côi, chuỗi Mân Côi hay chuỗi Mai Côi/Môi Côi/Mai Khôi. Từ thời LM de Rhodes, ông đã ghi các cách dùng tràng hột ("tlàng hột" - dạng "tràng" chỉ xuất hiện một lần trong trang 340) hay chuỗi hột để chỉ chuỗi Mân Côi - xem hình bên dưới

VBL trang 123

VBL trang 804

LM de Rhodes đã dịch trực tiếp tiếng La Tinh rosarium (xem hình chụp) với nét nghĩa[3] (a) tràng hạt, so với nét nghĩa nguyên thủy là (b) vườn hoa hồng: cấu trúc chữ rosarium là từ gốc rosa/LT (hoa hồng) + -arium (nơi chốn) cho nên rosarium là vườn hoa hồng. Một thí dụ khác là Rosalia (hay Rosaria), hàm nghĩa "lễ vãi hoa hồng trên mồ mả" (trích từ cuốn "Dictionarium Anamitico-Latinum" của LM Taberd, sđd), một lễ hội quan trọng vào thời cổ đại phản ánh truyền thống thờ tổ tiên của người La Mã. Tuy nhiên, VBL còn ghi globuli precarij/LT hay ‘chuỗi hột dùng để cầu nguyện’ (NCT) để cho nghĩa của chuỗi hạt trở thành rõ ràng hơn (tràng hạt còn có thể dùng để làm trang sức, trang trí nhà cửa ...). Cầu nguyện như ghi nhận ở trên là cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, hoạt động này đã được hình thành từ thời Trung Cổ rồi được phổ biến vào thế kỷ XII. Sau này, năm 1328 người ta tìm được một tập ghi chép các phép lạ của Đức Mẹ. Trong tập này có nói đến việc Đức Mẹ trao chuỗi Mân Khôi cho thánh Đa Minh (năm 1208), và chuỗi MK cũng được thánh Đa Minh truyền dạy và cũng là cốt lõi của dòng Đa Minh do ông sáng lập. Và từ đó trở đi, người ta cứ truyền tụng cho nhau là thánh Đa Minh (1170–1221) đã lập ra chuỗi Mai Khôi. Vì thế, trong dòng Đa Minh[4] mới có tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mai Khôi cho thánh Đa Minh - điều này đã được LM dòng Tên Maiorica ghi nhận trong đoạn trích bên dưới cũng như xem tranh vẽ thánh Đa Minh được Đức Mẹ Maria truyền chuỗi MK[5] bởi họa sĩ người Ý Bernardo Cavallino (1616–1656), trích từ trang https://www.gallery.ca/magazine/your-collection/your-collection-the-vision-of-st-dominic-c-1640-1645-by-bernardo-cavallino

Trở lại với cách dùng tràng hạt vào thời VBL, trong cuốn "Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài" (trang 131, sđd) LM de Rhodes viết: "... chúng tôi đã chia các Mầu Nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy nghiệm một trong mười lăm sự khó, sau một lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội La Mã" (hết trích). Trong “Tường Trình về Đàng Trong 1645” (1651/sđd) LM de Rhodes viết "... Ông cho bắt mấy người Kitô hữu cho tra tấn để họ nộp các ảnh thánh, tràng hạt và sách đạo, tuy có mấy người bị tra tấn đã nhượng bộ ..." trang 41. Đoạn này cho thấy 150 lần đọc kinh MK theo quy trình từ giáo hội CG tuy rằng LM de Rhodes đã không đi vào chi tiết về chuỗi hạt nào (150, 50, 63..) trong các tài liệu trên.

Vào thời LM de Rhodes, LM Maiorica cũng viết nhiều tài liệu bằng chữ Nôm để giúp công việc truyền đạo, tuy nhiên không thấy ông dùng "tràng hột" hay "chuỗi hột" mà phiên âm trực tiếp tiếng Bồ-Đào-Nha rosario[6] (xem phần tiếng Bồ-Đào-Nha của VBL, hình chụp bên trên). Rosario có dạng chữ Nôm (Maiorica) là 嚕沙移烏 lỗ/rô sa di ô (HV):

"trong sách ấy cùng nhiều truyện về Thân Mẫu Phúc, cùng sự Rô-sa-ri-ô và Cô-rô-na Đức Bà nữa …"  trang 116 cuốn "Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông"

"Sau nữa có một trăm rưỡi kinh A-ve, mười lăm kinh Tại Thiên, chia ra làm ba phần, gọi là Rô-sa-ri-ô nghĩa là vườn hoa quế vì nguyện lời ấy thơm tho trước mặt Đức Bà như hoa thơm vậy ... Người làm cho quan ấy ở Rô-ma khi rình sinh thì vì nguyện Rô-sa-ri-ô nên. Vậy người rằng : quan ấy có nghĩa cùng con tao là Duminh[7] và năng nguyện Rô-sa-ri-ô ... Nói đây một truyện này cho ta được trọng sự nguyện Rô-sa-ri-ô. Ai muốn biết phép nhiều về sự nguyện ấy thì xem hết sách giảng phép Đức Bà Ma-ri-a, cùng có Cô-rô-na nghĩa là triều thiên, vì kẻ nguyện kinh ấy về Đức Bà Ma-ri-a đội triều thiên sang trọng..." trang 93 ... đến trang 96 cuốn "Thiên Chúa Thánh Mẫu - quyển trung".

So với LM de Rhodes trong VBL, LM Maiorica đã đi xa hơn và dùng chữ rosarium/LT với nét nghĩa "kinh cầu nguyện" như đã giải thích trong các tài liệu chữ Nôm trích lại bên trên. Nên nhắc ở đây vài chi tiết thú vị. Hành động dùng ngón tay để đếm và chạm đến từng hạt trong xâu chuỗi thì gọi là lần hạt (lần hột - percurrere precarios globulos/L - VBL trang 397, 340). Khác với tiếng Việt và HV hạt (hột), bead tiếng Anh từng có nghĩa cổ là lời cầu nguyện và sau này được dùng để chỉ vật tròn và nhỏ (hạt). LM Maiorica cũng thường nhắc đến Cô-rô-na khi dùng Rô-sa-ri-ô (kinh cầu nguyện) trong các bản Nôm, với một dạng phiên âm chữ Nôm của Cô-rô-na là 姑嚕那 cô lỗ/rô na. Cô-rô-na có gốc La tinh là corona (lại có gốc Hi Lạp κορώνη korṓnē, tràng hoa) với các nét nghĩa (a) tràng hoa cho kẻ thắng cuộc (lực sĩ, binh sĩ, thần thánh ...) (b) vương miện đội trên đầu (như vương miện gai trên đầu Đức Chúa Giê Su, vương miện vàng trên đầu Đức Mẹ Maria - còn gọi là mũ triều thiên/VBL). Một thí dụ là coronaria/L là cô bán (làm) tràng hoa (theo LM Taberd/1838 sđd). Cô-rô-na cũng có nghĩa mở rộng là kinh cầu nguyện mà LM Maiorica đã giải thích:"Sau nữa có mười hai cái sao là mười hai ơn trọng Đức Chúa Trời cho Người làm triều thiên trọng ấy. Vì vậy kẻ nguyện Cô-rô-na Tiểu[8] kính Đức Bà vì mười hai sự trọng ấy ... Cô-rô-na Tiểu có mười hai kinh A-ve, ba king Tại Thiên, chia làm ba phần, một phần bốn kinh A-ve và một kinh Tại Thiên ..." trang 186 cuốn "Thiên Chúa Thánh Mẫu, quyển trung".

2. Chuỗi trăm rưỡi, chuỗi năm mươi, chuỗi sáu mươi ba

Tới thời LM Béhaine (sđd, 1772/1773) thì ông ghi ba loại chuỗi hột: chuỗi trăm hạt (toàn bộ chuỗi hột), chuỗi năm mươi (một phần ba) và chuỗi sáu mươi ba (kinh gọi là triều thiên Đức Mẹ Maria). Sau hơn một thế kỉ, tiếng Việt vẫn còn dùng tràng hột, chuỗi hột như thời VBL.

 

Hình một chuỗi trăm rưỡi (hay 15 decades, 15 lần đoạn 10 hạt[9]) - năm 1720 (ở Đức) - trích từ trang http://www.rosaryworkshop.com/HISTORYjournalingBead.htm

"Chuỗi trăm rưỡi" đã có từ lâu, 150 hạt là 150 bài thánh ca/thánh vịnh/thánh thi và cũng là là một trăm năm mươi bông hồng kính dâng lên Đức Mẹ Maria, khi đọc thì lòng suy gẫm về vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong Mầu nhiệm (Mystery) Cứu độ của cuộc đời Đức Mẹ - xem hình chuỗi năm mươi trang dưới. Nên nhắc ở đây là tràng hạt cũng đã được dùng trong các tôn giáo khác như Phật giáo chẳng hạn. Chuỗi hạt trong PG còn gọi là niệm châu 念珠, hay sổ châu[10], châu sổ, tụng châu, chú châu, Phật châu (數珠、珠數、誦珠、咒珠、佛珠): số hạt cũng khác nhau như theo Kinh Kim Cương Đính du già thì niệm châu lấy 1,080 hạt làm thượng phẩm, 108 hạt làm tối thắng, 54 hạt làm trung phẩm và 27 hạt làm hạ phẩm; Kinh Sổ châu công đức cũng nêu 4 loại: loại 108 hạt, loại 50 hạt, loại 27 hạt và loại 14 hạt ...v.v... Hình vẽ sau chỉ một cách lần hạt đọc kinh theo truyền thống CG (hạt nhỏ là Hail Marys/Kinh Kính Mừng, hạt lớn màu đỏ đặt sau mười hạt nhỏ/decade là đọc Our father/Kinh Lạy Cha). Hình trích từ trang này https://www.quora.com/What-is-the-significance-of-the-number-of-beads-on-a-ca

 

Cho đến TK XIX, các tài liệu CG vẫn cho thấy cách dùng tràng hạt, như trong cuốn "Sách sổ sang chép các việc" của LM Philiphê Bỉnh (1822) có ghi (chữ quốc ngữ):

".. cũng có tràng hạt Rosario ở trong tay Đ.C.J (Đức Chúa GiêSu) cùng rất thanh Đ.M. (Đức Mẹ) ... khi đi kiệu Rosario hoặc là đi kiệu 7 sự thương khó Đức Bà ..." trang 120

"Các ảnh cùng tràng hạt thì dộ  7, 8 quan ... tràng hạt 3 quan ..." trang 534-535

hay trong "Phép dòng Chị Em mến Câu Rút Đức Chúa Giê Su" (1869) có ghi[1]

"... Đoạn lần hạt năm chục và Kinh Thân Mẫu Phúc ... đoạn lần hạt trăm rưỡi, rồi đọc Kinh Thân Mẫu Phúc ..." trang 10, 16

Các cách dùng tràng hạt (hột), chuỗi hạt đã hiện diện trong tiếng Việt từ TK XVII, tuy nhiên vì danh từ chỉ hoa hồng là mai khôi[2] HV 'nên chuỗi Rosarium được người miền Bắc gọi là “Chuỗi Mân Côi”, hoặc “Chuỗi Văn Côi”; riêng người miền Nam và miền Trung lại gọi là “Chuỗi Môi Khôi”. Đây là khuynh hướng dùng từ Hán Việt để cho thấy sự tôn kính/“văn chương hơn” như tên người VN vàng thì gọi là kim HV, núi thì gọi là san HV ...v.v... Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương nêu trên, các cha Dòng Đa Minh thuộc nhánh Lyon, Pháp còn gọi là “Chuỗi Mai Khôi”. Cách gọi này hiện nay được khá nhiều người dùng, nhất là các tu sĩ và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát hay viết các bài suy niệm' - trích từ bài viết[3] "NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI CỦA CHUỖI MAI KHÔI" (Thầy Tro Bụi tổng hợp và sưu tầm - truyenthongconggiao.org). Thật ra là có những cách gọi khác nhau tùy theo địa phương[4] (không gian), tùy theo thời gian, tùy theo các dòng riêng của giáo hội ở VN và sự cấm đoán CG sau thời vua Gia Long cũng làm cho các tập thể CG không được thống nhất. Thí dụ như các trường hợp sau đây dựa theo Trương Vĩnh Ký (1884, sđd)

- dòng Đức Chúa Giê Su (Jesuit) thì Đàng Ngoài (Tonkin viết tắt là T) gọi là dòng Tên

- bà nhà dòng, bà phước (nonne/P) ~ bà mụ[5] (T)

- ông từ (sacristain/P-lão từ/Huỳnh Tịnh Của) ~ người dọn nhà thờ, kẻ giữ các đồ nhà thờ (T)

- thần năm chức, thầy phó nhì (sous-diacre/P) ~ thầy già năm (T)

- thầy sáu chức, thầy phó tế (diacre/P) ~ thầy già sáu (T)

- khâm sứ đức giáo tông (nonce/P) ~ khâm mạng tòa thánh (T)

- tông đồ (apôtre/P) ~ đầy tớ cả (T)

- sách phần (catéchisme/P) ~ sách bổn, bổn (T)

- đức thầy thất thập trụ[6], tòng mai tể tướng (cardinal/P - LM Taberd dịch là thầy cả cardinale) ~ đức Cardinale (T) bây giờ gọi là đức hồng y

- thánh bổn mạng (patron/P) ~ quan thầy, bản mệnh (T)

- chuỗi một trăm năm mươi, chuỗi một trăm rưỡi (rosaire/P) ~ tràng hạt trăm rưỡi (T)

…v.v…

Thay vì đi vào chi tiết quá trình hình thành chuỗi và lễ MK trong CG, chúng ta hãy thử tìm hiểu tại sao có những cách gọi khác nhau như vậy qua cách đọc HV và phạm trù nghĩa của các chữ trên trong giới hạn của bài viết này (phần 19 trong loạt bài viết về tiếng Việt thời LM de Rhodes).

Đầu tiên có lẽ là học giả Trương Vĩnh Ký (năm 1884) trong cuốn "Petit dictionnaire francais annamite" đã ghi rose/P là hoa hồng (hường), nhưng ở Đàng Ngoài (Tonkin) thì gọi là hoa mân côi. Sau đó học giả Huỳnh Tịnh Của (năm 1895) đã nhận thấy trong cách đọc môi khôi thì (a) môi phải đọc là mai và (b) mai khôi phải đọc là mai quế: nghĩa là quí báu, ít có, lạ lùng, hoa hồng, loài ngọc (ĐNQATV Tome II trang 45) - so sánh với cách đọc côi/khôi là quý theo CTT ở phần dưới. Sau đó là LM Gustave Hue (năm 1937, sđd) cũng nhận thấy có những điều không ổn về các cách gọi mai côi/mai khôi nên ông đề nghị mân khôi là cách đọc sai của môi quí hay môi quí hoa (hoa hồng). LM Béhaine (năm 1898, sđd) ghi mân côi là rose/P (hoa hồng), phù hợp với ghi nhận của các học giả ở Đàng Ngoài như P. G. Vallot[7] (năm 1898, Hà Nội sđd), Ravier và Dronet (năm 1903, Kẻ Sở sđd). Tuy nhiên, không thấy cách dùng chuỗi mân côi thay thế cho tràng hạt - đấy là các tác giả theo đạo hay thầy giảng CG nên các nhận xét rất đáng chú ý.

3. Các cách đọc chữ mai

Chữ mai 玫 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu hôi 灰 bình thanh, hợp khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

莫桮切 mạc bôi thiết (TVGT, ĐV)

莫杯切 mạc bôi thiết (QV)

謨杯切 mưu bôi thiết (TV, LT, CV, TVi) - TVi ghi âm mai 音梅

莫回反 mạc hồi phản (LKTG)

謨桮切,音枚 mô bôi thiết, âm mai (VH)

莫裴切,音梅 mạc bùi/bồi thiết, âm mai (CTT)

CV ghi cùng vần 枚 梅 煤 玫 莓 每 䍙

Nguyễn Cung Thông
Số lần đọc: 1995
Ngày đăng: 07.12.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về chữ "Bậu" - Nguyên Lạc
Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc - hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17) - Nguyễn Cung Thông
Vài từ "thậm ngôn" trong ngôn ngữ Việt - Ngô Nguyên Dũng
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về cách dùng thì hiện tại/tương lai/quá khứ (phần 16) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng con và cái (phần 14) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5B) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột cho đến vật âm mình! (phần 13) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về tiếng Việt - Nguyễn Cung Thông
Chánh Tả Việt Ngữ với hai phụ âm đầu d/gi(1) - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả