Phục đạp xích lô chạy trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Sáng nay anh đã chạy hai cuốc xe cũng kiếm được mười mấy ngàn dằn túi. Anh loay huay ngóng ngó bên này bên kia, coi có khách nào gọi xe mình không. Không có ai. Anh nghĩ, thôi bây giờ đạp xuống chỗ công viên Tao Đàn tìm bóng mát nghỉ chân để xả hơi chút đỉnh.
Phục về thành phố được hai tháng, anh tìm đến nhà Chức và cùng được chia chạy chiếc xích lô này. Phục đạp xe buổi sáng, khoảng 4 giờ chiều anh đem xe về trả Chức rồi về nhà trọ, tắm rữa, đi ăn cơm bụi, rồi về ngủ. Anh cố để dành để dụm, dự định sẽ thuê một căn nhà nhỏ, sẽ đem Nguyệt và hai con xuống ở. Anh sẽ làm một tủ thuốc lá hay một xe bánh mì cho Nguyệt đứng bán, phụ thêm tiền chợ.
Lúc này, cư dân các vùng kinh tế mới thất bại, họ trở về thành phố khá đông, nhà cửa bị nhà nước tịch thu bán hoá giá cho các cán bộ miền bắc vô, nên họ không còn nhà để trú ngụ nữa. Trở về thành phố, họ trở thành vô gia cư, sống chui rúc ở các gầm cầu, bến xe hay các công viên mới khởi công xây cất. Họ lấy những tấm bạt làm nhà, che mưa, che nắng.
Buổi sáng, người trẻ khoẻ thì chui vào các chợ, khiêng thuê vác mướn, còn trẻ con, bà già, thì đi lượm, móc, bao ni lông, gọi là đi móc bọc. Có người gia nhập vào đội quân chôm chỉa, con gái có chút nhan sắc thì vào làm tiếp viên ở những quán bia ôm, sau đó thì vào làm gái ở các động.
Phục muốn đem mồ hôi và sức lao động của mình để đổi lấy bác cơm. Gần sáu năm ở kinh tế mới anh chẳng được gì, làm mùa nào phủi lủm mùa đó, không dư được đồng nào. Bây giờ anh muốn đổi đời, thử cuộc sống của mình sẽ đi đến đâu, anh thấy niềm vui rộn lên khi nghĩ đến ngày đón mẹ con Nguyệt về đây, chồng đạp xe, vợ bán bánh mì hay bán thuốc lá. Cuộc đời, đừng nhìn lên mà chỉ nhìn xuống, mình cũng thấy hạnh phúc chán đi rồi.
Xe chạy đến ngã ngã tư Nguyễn Thông - Lý Chính Thắng thì có người ngoắc xe. Phục đạp xe chậm lại. Anh dự tính đạp qua Lý Chính Thắng rồi quẹo phải bà Huyện Thanh Quan xuống vườn Tao Đàn, mà nay có mối gọi xe, thôi thì hãy chạy tiếp, chạy tiếp đi con, đem mồ hôi ra mà kiếm bát cơm, còn danh dự chán, còn hơn bao thằng ăn trên ngồi trốc, uống máu của dân mà vinh thân phì da, mà miệng nói leo lẻo là phục vụ nhân dân. Phục hay lý tưởng hóa cuộc đời và lý luận rởm. Cái đó cũng làm cho anh yên tâm và tự hào một mình, cái tự hào xoa vuốt cái nghèo hèn cho đở tức tối riêng mình.
Người đàn bà đứng trên đường Nguyễn Thông đợi chiếc xích lô trờ tới. Dáng người đàn bà phục phịch, tuổi độ trên bốn mươi, tóc cắt ngắn kiểu demi garcon, mắt đánh quần đen, tô đôi môi son hình trái tim màu đỏ lợt. Người đàn bà chỉ đống đồ bỏ trong hai cái bao bằng nhựa, hỏi Phục:
- Anh chở hai cái bao này và tôi lên Khu Thương Mại Quận Mười, bao nhiêu?
- Chị cho mười ngàn.
- Bảy ngàn đi.
- Bớt chị hai ngàn, tám ngàn.
- Thôi được.
Phục xuống xe, anh khiêng hai cái bao đồ để phía trước, xong anh ngồi lên xe mời người đàn bà:
- Mời chị lên xe.
Người đàn bà bước lên xe, cái ống quần rộng mắc vào càng xe phía trước khiến người đàn bà phải nhoài người tới gở ống quần ra. Cái chồm về phía trước khiến nàng phải đưa cánh tay lên khá cao, cái áo sát nách để lòi những chồm lông đen nhánh. Phục nghĩ thầm, bà này lông lá dữ quá ta.
Phục im lặng đạp xe, xe chạy qua bùng binh Công trường Dân Chủ, hướng lên đường Ba tháng Hai. Phục nhoài người lên đạp, anh cảm thấy đói bụng, hết cuốc này phải nghỉ để đi ăn cơm thôi, từ sáng tới giờ chỉ có một ly cà phê đen nhỏ, sức người có hạn, làm sao chịu nổi những bà phục phịch như thế này.
Người đàn bà quay lại hỏi:
- Anh đạp xích lô lâu chưa?
- Mới mấy tháng thôi, tôi ở kinh tế mới về.
- Anh đi kinh tế mới nào vậy?
- Trên vùng Dầu Tiếng.
- Ở trên đó làm ăn không được hay sao mà về?
- Khó lắm, nơi hóc bà tó mà, nên ai cũng bỏ về.
- Anh về đây rồi ở đâu?
- Thì thuê nhà trọ ở đở, vợ con tôi còn ở trển.
- Về chạy xe có khá không?
- Cũng sống qua ngày, nhưng còn đở hơn trên kinh tế mới.
Hai người im lặng, người đàn bà quay người lại nhìn về trước. Phục nhìn từ đàng sau, một dáng dấp mà anh thấy quen quen, hình như anh gặp ở đâu đó, rất xa, trong trí nhớ mù mờ của anh. Anh đã quên hết từ ngày đi tù về, nhưng bây giờ người đàn bà đang ngồi trước mặt, cho anh thấy một hình bóng quen thân ngày cũ, có thể hồi còn trung học, hay thuở thiếu thời ở một miền quê cơ khổ, anh mơ hồ thế thôi, rồi không còn nghĩ ra nữa.
Xe chạy vào khu thương mại quận Mười, anh dừng xe. Người đàn bà bước xuống, anh cũng xuống xe đến phía trước ôm hai thùng hàng để xuống đất. Một người con trai từ trong một sạp hàng chạy ra, nói:
- Chị Hạnh Nhân đến rồi kia, để em mang hàng vô cho.
Phục nhận tiền. Người đàn bà nhìn anh rồi cười nói:
- Mỗi buổi sáng khoảng giờ này, nếu anh có chạy xe qua đường Nguyễn Thông, anh đến chở tôi đi chợ với, tôi bán hàng trong khu thương mại này.
Phục suy nghĩ, không biết mình có thì giờ không đây, nhưng nơi này cũng gần nơi nhà trọ của anh, khu chợ Hòa Hưng, cũng có thể anh quanh quẩn khu này rồi đến giờ đến chở, như là một mối thường xuyên, cũng đở phải ngơ ngác đạp xe không đi tìm mối. Anh trả lời:
- Dạ, nếu chị đợi được thì hàng ngày khoảng mười giờ tôi đến.
Phục đạp xe đi, bỗng nhiên cái tên Hạnh Nhân đập vào trong trí nhớ anh. Một cái tên của một thuở xa lắc, đó là ngày tháng trung học, cô gái có khuôn mặt đỏ, thường mặc bộ đồ dài trắng đã chuyển sang màu vàng nhạt, đi chiếc xe đạp cũ. Cô là cô gái nhà quê nghèo khổ, đi học phải đạp xe hàng chục cây số mới đến trường. Cái tên sao nghe quen cùng dáng dấp đó. Có phải Hạnh Nhân ngày tháng đó không? sao bây giờ nhìn nàng lạ quá. Hơn ba mươi năm trôi qua, mọi chuyện đã trở thành quá khứ. Người đàn bà có mái tóc demi garcon, môi kẻ màu đỏ lợt, cánh tay để trần nhễ nhại những chùm lông nách rậm đen bóng mượt như móng vuốt con bạch tuột. Phục luay huay trong suy nghĩ khiến anh đến quán cơm bình dân trong hẻm lúc nào không hay.
*
Nói thế, nhưng mấy ngày sau Phục không đến rước người đàn bà. Anh nghĩ chắc đúng đó là Hạnh Nhân ngày cũ. Thời gian và sự giàu có đã biến đổi người con gái ốm o trở thành người đàn bà phục phịch bây giờ. Anh không muốn mình lộ mặt ra giữa nhân quần thế thái. Mọi chuyện anh muốn mình rút êm vào bóng tối, bóng tối của cuộc đời, của cuộc vật lộn mưu sinh, anh không còn muốn biết đến ai nữa. Sự liên hệ? có ích gì cho đời sống anh bây giờ nữa chứ!
Sau cuộc đổi đời, có biết bao người phất lên, làm giàu, xây nhà xây cửa, đi xe xịn, tất cả đó là sự thành công. Còn anh, sáu năm tù khổ sai vì tội là sĩ quan chế độ cũ, đã làm anh xanh xao vàng vỏ. Anh chỉ còn trơ là một người cùng đinh, nên anh muốn dấu mặt. Ngoài những người bạn cùng lính tráng một thời, những người bạn cùng trong lò cải tạo, gặp nhau, vào những quán bình dân, làm vài xị đế cho quên đời, còn thì anh biến mất dạng, anh muốn thế, muốn ẩn mình thật sâu, thật kín, cho mọi người quên anh đi, cho dễ sống hơn.
Hằng ngày, anh như con ngựa già, lê lếch trên những đoạn đường dài chở khách, người ta gọi một câu vui mà thấm thía vô cùng, nghề đạp xích lô là nghề “dân biểu”. Dân biểu chạy đi đâu thì đi đó.
*
Hạnh Nhân theo chân Đạt vào quày, đứa em ngoài quê nàng mới đem vào Sài Gòn để giúp đỡ nàng trong việc buôn bán, kinh doanh.
Công việc chính của Hạnh Nhân là buôn bán. Nàng có hai cái sạp hàng bán đồ ngoại cao cấp như rượu, thuốc lá, xà phòng, bột giặt, nước hoa. Hể những hàng xịn, hàng ngoại nhập vào Việt Nam theo các đường trôi nổi, như cán bộ đi nước ngoài mang về, các du khách, các thủy thủ tàu viễn dương, các Việt kiều về thăm quê hương. Những món hàng nàng nhắm dễ tiêu thụ là nàng mua ngay, bù vào đó, những món hàng nhái, hàng giả, của những tay trùm ba Tàu bắt chước hàng ngoại, làm giống y hàng thật, nàng cũng mua luôn, để lẫn lộn ngoại, nội, trên cùng một quày, nàng bán giá đúng theo lô hàng ngoại, nên ai cũng tin là mình mua nhằm thứ thiệt. Nhờ những món lời như vậy nàng phất lên mau chóng.
Nói thật ra, nàng phất lên cũng nhờ nàng “chạy” về nhà đất. Cách đây khoảng năm năm, căn nhà ở đường Nguyễn Thái Học nàng mua hồi mới vào Sài Gòn, nay đã quá xập xệ. Nàng muốn bán đi để mua căn nhà khác khá hơn tí đỉnh, nàng tiếp nhiều người đến hỏi mua. Không ngờ giá nhà lại lên cao đến vậy, mới tháng trước giá khác, tháng sau giá nhảy vọt lên thêm hai ba cây vàng.
Cái đầu óc con buôn của nàng làm việc ngay, lúc này là lúc nhà đất đang lên cơn nóng sốt, sao mình lại không nhảy vào kiếm ăn. Nghĩ vậy, Hạnh Nhân quyết định bán ngay ngôi nhà sập sệ với giá bốn mươi cây, nàng đi mua một ngôi nhà khác của một người quen sắp đi Mỹ, cũng giá bốn mươi cây. Rồi nàng bán lại với giá sáu mươi cây, như vậy nàng đã lời hai mươi cây vàng ngon ơ trong vòng không đầy một tháng. Thấy khấm khá nàng tiếp tục mua, rồi bán, bán, rồi mua, đến khi giá nhà đất đứng lại là nàng đã lời hàng mấy trăm cây kèm theo một ngôi biệt thự lớn ở mặt tiền đường. Nàng chễm chệ bước lên hàng đại gia, tỉ phú.
Hạnh Nhân đã trút bỏ được tháng ngày bùn lầy nước đọng nơi quê nhà, những ngày tháng lội mưa đi học bằng chiếc xe đạp cũ mềm. Những ngày tháng không một đồng vốn trong tay, chạy ngược chạy xuôi thu mua từng kilô hạt tiêu trong các hợp tác xã, đem ra chợ ngồi bán lẻ kiếm mấy đồng lời. Trong cảnh cùng quẩn không ngóc đầu lên đó, nàng bỏ quê đi Sài Gòn, tìm nhà người quen xin tá túc, rồi đi bán hàng thuê cho chủ, rồi khi nắm được mối manh, nàng mua lại sạp hàng.
Hôm nay tự nhiên Hạnh Nhân thấy lòng mình trầm lại, những ngày tháng bon chen cũng qua đi. Bon chen? thật tình nàng đã bon chen trong suốt mười mấy năm qua, bon chen kiếm tiền, bon chen kiếm chồng, bon chen tìm đến đỉnh cao, cái ảo vọng của cuộc sống. Bây giờ nàng đã có hết, nhà cửa, xe cộ, bạn bè, chồng con. Những người bạn xa lơ xa lắc đâu đâu cũng tìm đến làm quen, gợi lại những kỷ niệm cũ, những ngày xa xưa hồi nàng còn nghèo khó, rồi nhờ nàng giúp đở. Mọi chuyện như một vở kịch, bi, hài, mà người diễn kịch lúc nào cũng đóng vai chính xuất sắc. Dù sao, nàng cũng thấy được bề trong của sân khấu, người ta quanh quẩn bên nàng vì nàng giàu, nàng có thể đãi họ một bữa ăn ngon, một hộp bia lon, một cốc rượu mạnh hay có người năn nỉ nàng mượn tiền. Chứ lúc nàng còn bận cái quần xa tanh đen bạc màu, lê lếch ngoài chợ, bán từng lon tiêu, từng mớ hành, mớ tỏi, có ai thèm ngó ngàng, tìm đến kết thân với nàng đâu.
Nàng hiểu, nhưng nàng không thoát ra khỏi cái chợ đời bạc bẽo đó.
Với Trường, người chồng bây giờ cũng thế. Khi Hạnh Nhân đã làm chủ ba căn nhà và hai cái sạp hàng thì Trường lù lù dẫn xác đến. Anh là bạn học hồi cùng quê, ở cái xã ấp xó xỉnh chó ăn đá gà ăn muối. Nàng cũng đã trải qua mấy mối tình lớn, nhỏ, không đâu tới đâu, nàng đã trên ba mươi tuổi nên cần có chồng ghê gớm, còn Trường thì cần một chỗ tấp vào. Thế là họ lấy nhau cái rụp, ân ái tràn đầy, xác thịt bùng lên nóng hôi hổi.
Thế nhưng, sau khi sinh đứa con thứ nhất, nàng mới thấy là Trường không hợp với nàng về chuyện gối chăn. Anh chàng chỉ nước nô, bộp chộp, hung hăng con bọ xít, nhưng một chốc rồi thôi, chẳng đi đến đâu. Còn nàng đang ngắt ngứ, lắc lư con tàu đi nửa vời. Mới đầu thì nàng cam chịu, nhưng dần dần, sức bật của tuổi trẻ làm nàng nóng mặt, nàng chê trách Trường ra mặt, dáng người cao lớn đẩy đà thế kia mà lúc nào cũng “khóc ngoài quan ải”. Dở ẹt, tệ hết biết, thân nam nhi chi chí già mà “như gà”. Trường biết mình ở thế cởi cọp, con cọp cái hung hăng, dã man và thâm độc, nên Trường đành chịu trận, lép vế, ngậm miệng ăn tiền, tránh voi chả xấu mặt nào.
Thế nên Trường hay lánh mặt nàng, chỉ trừ những lúc anh hứng lên, anh đòi hỏi. Còn Hạnh Nhân thì từ từ niềm ham muốn cũng lụi tàn dần. Nàng mơ ước những cái mới, ham muốn những cơn làm tình dài lâu với những người thanh niên trẻ, khoẻ, dẽo dai. Điều có thể tìm được, như kiếm một thanh niên trẻ trung nào đó, để họ phục vụ rồi “ăn bánh trả tiền”. Nhưng đó cũng chỉ là trong ý nghĩ mà thôi, chứ thực ra Hạnh Nhân cũng chưa thực hiện lần nào.
Sáng nay, nàng gặp người đàn ông đạp xích lô, nàng ngờ ngợ một người quen cũ, một bóng hình mờ khuất trong tiềm thức nàng những ba mươi mấy năm. Đó là hình ảnh người học trò học trên nàng mấy lớp. Người nam sinh áo trắng quần xanh vẫn còn in trong trí nhớ nàng như một mối tình đầu tươi rói, đắng chát, mà nàng nghĩ chẳng sẽ bao giờ với tới. Anh xa lạ, lúc nào cũng xa lạ, nàng chỉ đơn phương mơ mộng trong tâm hồn thuở ấy.
*
Buổi sáng khu thương mại quận Mười đầy ắp tiếng người mua bán, trả giá, kỳ kèo, cùng tiếng xe gắn máy gầm rú ngoài đường. Tiếng cười nói của bạn hàng quanh quẩn bên nàng không làm Hạnh Nhân vui hơn. Nàng lấy gương ra soi lại khuôn mặt. Một gương mặt khác, lạ, hiên trên tấm gương, ai vậy cà, Hạnh Nhân đây sao? Hạnh Nhân với mái tóc ngắn, ngấn cổ trắng bệch với những mạng mở ẩn hiện bên trong. Nguy rồi! mình mập quá, lên cân vùn vụt từ hai ba năm nay. Phải ít ăn lại thôi, cứ tiệc tùng, bạn bè kêu réo. Mình phải dừng lại, mập quá, đâu có tốt lành gì.
Buổi trưa, Hạnh Nhân đang nằm trên chiếc ghế dựa nghỉ ngơi thì Thanh Hương đến. Hương là con bạn học lúc còn ở quê, Hương theo chồng vào sinh sống trong này, thỉnh thoảng Hương lại đến chơi.
Hương cười nói huyên thuyên:
- Tau xuống thăm mày một chút, lâu không gặp mày tau cũng nhớ, tụi mình có còn được mấy mống ở đây đâu.
Rồi Hương nhìn vào thân thể Hạnh Nhân, kêu lên:
- Trông mày dạo này mập ra, sao mày không làm cho giảm bớt cân đi, lứa tuổi tụi mình đừng nên mập quá, không tốt đâu.
Hạnh Nhân cười lên khanh khách:
- Tau mập quá chứ gì, tại cứ tiệc tùng đàn đúm hoài thôi. Tau nghe lời mày đây, tuần sau tau sẽ nằm nhà, ai mời ăn tiệc cũng khai bịnh cho yên. Có thể tau mua cái máy về tập chạy bộ cho bớt mỡ.
- Ừ đúng đó, tập thể dục tốt lắm đó mày.
Rồi Thanh Hương như nhớ ra điều gì, Thanh Hương nhìn thẳng vào mặt Hạnh Nhân:
- Nhưng có chuyện này mày không được từ chối tham dự nhe, đó là tháng sau trường mình tổ chức hội ngộ đoàn tụ, mày phải đi dự, không được vắng mặt nha mày.
Hạnh Nhân hỏi lại:
- Tháng sau là ngày mấy, ở đâu?
- Mười lăm tháng sau nhằm ngày chủ nhật, tổ chức ở trường Nguyễn Thượng Hiền.
- Mầy chắc không?
- Chắc chớ, mấy anh trong Ban Tổ Chức có giấy mời tau rồi, để tau lấy giấy mời cho mày, mà mày là đại gia mày phải ủng hộ nhiều đó nhen.
- Chuyện đó mày đừng lo, tau chỉ muốn gặp mấy đứa học chung lớp mình. Bây giờ đứa nào cũng có chồng con hết, phải không?
- Chứ còn gì nữa, không chồng thì có ở giá hay chửa hoang.
- Mày biết ai lên chức bà ngoại chưa?
- Con Khanh, nó có chồng sớm, con gái nó sinh tháng trước, thế là lên chức bà ngoại sớm nhất.
- Nó mới bốn mươi, làm bà ngoại trẻ quá.
Hạnh Nhân lại nhớ đến những ngày tháng học trò hoa mộng trong sân trường nữ trung học. Nàng lúc đó là một nữ sinh nghèo nên chỉ chơi thân với nhóm bạn gái từ quê xuống thị xã trọ học. Những đứa học trò suốt năm chỉ một bộ áo quần dài trắng, đi học về, lo giặt phơi khô để mai đi học bận lại. Những đứa con gái thị xã lúc nào cũng kiêu kỳ, tụi nó sống tách biệt với những đứa học trò nhà quê, chạy xe đạp mini, áo quần dài trắng bằng loại vải đắc tiền, cặp da tốt. Cái sang cả của bọn nó làm nàng mặc cảm. Bây giờ, nàng đã đổi đời, nàng muốn nhìn lại những khuôn mặt ấy. Đời sống, biết đâu mà lường, nàng biết có những đứa bạn cùng học chung, giàu có thuở ấy, đã lấy chồng sĩ quan chế độ cũ, người chồng đi cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, phải đi chạy chợ từ đầu này ngã kia. Nàng thấy một chút hả hê trong dạ.
Thanh Hương đứng dậy:
- Thôi tau về đây, nếu có thiệp mời tuần sau tau đem lại cho mày, nhé.
- Ừ, hôm nay tau mệt lại không muốn ăn uống gì, tuần sau mày đến, tau dẫn mày đi ăn mì Quảng.