(Photo by Hạnh Tuyền)
Tình yêu là những khoảnh khắc xúc động trong đời, được nhớ lại khi tâm hồn an tĩnh, và được thăng hoa thành nghệ thuật.
Tìm em gió hú rừng hiu quạnh
Ôi tấm lòng em như cẩm lai
Khi biến mất, tình yêu trở thành sự tìm kiếm. Khi có mặt, nó đòi hỏi sở hữu, dành riêng, thuộc về, nhưng cũng đồng thời cho phép chúng ta nhìn thấy ở người khác sự tử tế, bao dung, và nhờ thế khuyến khích những phẩm chất ấy trong chúng ta. Bản chất của tình yêu là vị tha, vì đó là sự chia sẻ các giá trị, quên mình. Một tình yêu vị tha không dẫn tới chứng rối loạn ám ảnh của chiếm hữu, nó hướng đến hạnh phúc của người khác, thay vì thỏa mãn nhu cầu của chủ thể, mặc dù nhu cầu ấy là có thật. Một tình yêu ích kỷ, ngược lại, chỉ tìm cách thỏa mãn trước hết những nhu cầu của chủ thể, thật ra chỉ là ham muốn. Ham muốn là nhất thời. Vì vậy, cân bằng giữa sở hữu và vị tha là nghệ thuật căn bản nhất, khó khăn nhất, của tình yêu.
Người ở cùng tôi mỗi mũi đường
Lập lòe năm tháng nạm không gian
Ngỡ ai hát nhỏ, mà, sao lạ
Nghe rõ ràng như tiếng hát nàng
Du Tử Lê nói về sự thiêng liêng, cõi khác, luân hồi, cứu chuộc, nhưng thơ của anh chính là hôm nay, tình yêu của anh là bây giờ, cái khả thể và cái bất lực. Chính vì tính thất bại, tự loại trừ, thơ anh trở thành thơ của người thua cuộc, ngay từ đầu trong trận đánh của số phận. Nhưng đó là sự thất bại có ý thức, đau đớn nhưng ngay thật. Nhiều câu thơ của anh trừu tượng hơn là cụ thể, do đó làm cho tính trữ tình đậm hơn chất tự sự. Nghệ thuật dùng chữ của Du Tử Lê không đều. Trong một số bài thơ, cách dùng chữ đẹp, độc đáo, không ai bắt chước được, trong một số bài thơ khác, nhiều chữ cũ, nhiều ý tưởng làm dáng, mang tính trang trí. Điều này có thể thấy rõ hơn trong vài trường hợp khi anh cố gắng chuyển từ thơ có vần sang thơ tự do. Một số bài như thế không thành công, nhưng Mẹ về biển Đông là ngoại lệ. Trong thơ Du Tử Lê, nỗi buồn là chất melancholy rõ rệt, đen tối, rời rã, gần như hủy diệt, gần với cái chết. Điều đáng ngạc nhiên là nỗi đau buồn ấy có khả năng mang người đọc đi qua ranh giới giữa quá khứ và tương lai, cái cũ và cái mới, sự trần trụi và huyền bí, rất gần với khái niệm thanh tẩy trong Thiên Chúa giáo, phân tâm học gọi là thăng hoa.
Tôi về trí nhớ như son
Sáng soi tâm tưởng chiều trưng ảnh người
Phục sinh tôi. Một nụ cười
Dẫu chia tan vẫn gửi đời cho nhau
Mai kia xuống phố, lên lầu
Thấy trong hạt gạo mối sầu nước sông
Lục bát đẹp và mới. Rất mới. Trong tay anh, nỗi buồn của tình yêu biến thành niềm vui của chữ, sự rung động, nhảy múa, quanh cảm giác nhục thể. Đó không phải là một tình yêu lãng mạn của thơ mới, không mơ mộng nhưng cũng không cay đắng bạo liệt của điều kiện sống bây giờ. Có lẽ Du Tử Lê là người cuối cùng của sự giao hòa lãng mạn cổ điển và hậu hiện đại. Những cố gắng phối hợp như thế không phải khi nào cũng thành công. Thơ anh có nhiều bài không hay, có lẽ cần được loại ra khỏi các tuyển tập, nhưng những bài còn lại thì như chữ đã thoát xác, thơ như có linh hồn, sở hữu một thứ tiếng nói chưa từng ai có, và sẽ không.
Chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt
Mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
Nhát cắt vào vô thức. Anh vừa như người che chở cho người phụ nữ, lại vừa như đứa trẻ được họ bảo vệ. Thơ Việt Nam thường nói đến tình yêu mà ít nói đến hôn nhân, gia đình. Thỉnh thoảng anh cũng nói đến con mình, nhiều lần nói về mẹ, nhưng, như những người đàn ông Việt Nam khác, anh ít nói về vợ. Tôi nghĩ trong chữ em không phải chỉ có người yêu mà còn có hình ảnh của hôn nhân. Trong tình yêu không những ta chỉ rung động trước hiện hữu của người khác, sự gần gũi, mà còn đi tới nhận thức về người khác, về giá trị căn bản, sự phản hồi và học tập.
Khi yêu người tôi mới lớn cao hung
Thơ tình bất cứ thời nào cũng viết cho chiến thắng của tình yêu. Nó không quan tâm đến các hệ quả về đạo đức, xã hội, gia đình. Cũng vậy, tình yêu, đối tượng của thơ tình, thực sự không màng đến các khía cạnh thực tế của đời sống, như xuất thân, tiền bạc, vì vậy bao giờ cũng có thể xảy ra xung đột giữa nó, tức là quan hệ giữa hai người, và hiện thực xung quanh. Mối quan hệ giữa hai người yêu nhau, dù nam nữ truyền thống hay cùng phái, là trung tâm của thơ tình, nhưng không phải là tất cả. Ví dụ: tình dục, một yếu tố quan trọng hàng đầu trong tình yêu, mặc dù có thể không phải quan trọng nhất, nhưng một nền văn chương có khả năng mô tả nó hay không là vấn đề khác. Ví dụ khác: hôn nhân, vốn xưa nay không phải là đề tài được khai thác. Thơ tình có một lịch sử riêng, với những bước phát triển từ xưa đến nay, từ thấp đến cao, không những xét về thẩm mỹ, mà còn về các giá trị mà nó xiển dương qua các thời đại.
Tôi xa người như xa núi sông
Em bên kia núi- bên kia rừng?
Em bên kia nắng?- bên kia gió?
Tôi một giòng sương lên mênh mông
Như thế tình yêu cũng là một không gian, một lịch sử, một hành trình, với bước ngoặt thăng trầm, nơi kỳ vọng được thỏa mãn và không bao giờ thỏa mãn. Không những tình yêu bị thử thách mà cả niềm tin, phẩm chất căn bản, cội rễ văn hóa, lòng tốt. Sự kết hợp giữa hai người là một nghệ thuật, vừa làm cho họ trở thành một, nhưng lại không được phép xóa nhòa tính chất cá biệt của mỗi người, không đồng hóa, người nữ vẫn là nữ, nam vẫn là nam. Thực ra trong một mối quan hệ tin cậy, những con người có cá tính riêng biệt sẽ cùng nhau đi xa hơn những người trở nên hoàn toàn giống nhau, đánh mất bản sắc. Đó là vì sao trong hôn nhân và tình yêu, sự khác biệt, ở một khoảng cách vừa phải, những va chạm không quá lớn, là không thể tránh được. Người nào chỉ quan tâm đến mình, ít chú ý đến người khác, là những người đau khổ. Khi nghe nhạc, bạn cảm thấy rung động vì âm thanh tạo ra phối hợp của vang động. Sự rung động giữa người này và người khác là nơi diễn ra tác động của tình yêu thương, mẹ con, tình bạn, nam nữ.
Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
Và thấy trong kinh đủ bóng hình
Tình yêu nam nữ là mối quan hệ đặc biệt, thách thức các quan hệ khác, vì hướng đến tuyệt đối. Tình yêu không chấp nhận thỏa hiệp, sự chung chạ, rực rỡ như bông hoa đẹp có đời sống ngắn, nếu muốn tồn tại lâu dài, tình cảm đam mê ban đầu phải được kéo dài bằng quan hệ nâng đỡ khác. Thơ Du Tử Lê tư riêng đến cùng cực, nhưng vì anh chia sẻ với chúng ta nhiều phẩm tính, như hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và nhút nhát, trung thành và phản bội, nên những gì anh nói về mình, về cái tôi của mình, cũng phần nào thay mặt chúng ta. Trong thơ không nhất thiết cái gì cũng thật, chân phương quá may ra chỉ có thể viết sử chứ không thể làm thơ, nhưng ngôn ngữ quá khéo léo có thể làm cho lòng tin của độc giả giảm xuống. Bổ sung, anh có những câu mô tả rất thật.
Đến như vệt sáng xuyên âm vực
Gieo khắp nhân gian luống lửa mừng
Truy thân thế tước tưa hình tích
Trí tuệ thơm mềm nốt trắng đen
Tình yêu là một xúc cảm dương tính, tựa sáng tạo. Cũng như một người khỏe mạnh không phải chỉ là không đau ốm, một người vui vẻ không phải chỉ là không buồn bã. Xúc cảm dương tính là chiều kích sâu xa, sự thỏa mãn bên trong, và do đó, và nhất thiết là, sự biết ơn. Trạng thái dương tính có hai đặc tính: không bền vững; nhưng có thể lập lại.
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
Vở kịch của tình yêu thật vĩ đại, có bao nhiêu người là có bấy nhiêu vở kịch, với mở đầu và xung đột khác nhau, đỉnh cao và kết thúc khác nhau. Nhân loại chẳng bao giờ học được bài học của tình yêu, những kinh nghiệm mà người đi trước truyền lại không giúp họ khôn ngoan hơn, bài học ấy không bao giờ thuộc. Đó là một ký ức không được nhớ lại.
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Thơ Du Tử Lê có nhiều nữ tính. Tình yêu của anh vừa thế tục, nhục thể, vừa đầy lòng thánh thiện. Trong tình yêu có sự tầm thường của đời sống mỗi ngày và sự hướng tới cái cao cả. Tình yêu gần với tôn giáo nhưng không phải là tôn giáo, gần với hưởng thụ nhưng không phải là hưởng thụ, gần với sự hy sinh nhưng không phải là chủ nghĩa anh hùng. Khi hai người kết hợp, đó không phải chỉ là hai cá nhân, mà còn là hai nền văn hóa, hai truyền thống gia đình, phong tục, hai hệ thống giá trị luân lý, tôn giáo, thậm chí hai quốc gia, vì vậy sự dung hợp của hai người trở thành sự hòa hợp của nhiều di sản.
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi
Có thể ví các nguồn xúc cảm của thơ Du Tử Lê như một hợp lưu lớn gồm nhiều nhánh sông nhỏ, khi gần ra đến đại dương thì khó phân biệt những luồng chảy này với nhau. Anh trải qua nhiều mối quan hệ, mỗi cuộc tình là một nguồn cảm hứng, gần như độc lập, trong một giai đoạn của thơ anh. Các giai đoạn này chồng lên nhau. Dĩ nhiên văn chương không phải là cuộc đời, và khi một nhà thơ đang yêu một người, thì không phải bài thơ tình nào cũng chỉ hoàn toàn khởi đi từ người đó mà thôi. Đừng tin vào các lời đề tặng. Theo phân tâm học, quá trình sáng tạo thơ ca phức tạp, được kiểm soát cùng lúc bởi ý thức và vô thức, được chi phối bởi các quá trình tâm lý khác nhau, ví dụ: phủ nhận (denial), hóa làm một với người khác (identification), phóng chiếu (projection).
Tình yêu như một chất liệu nghệ thuật. Điều ấy không mới, nhưng nhờ trường hợp Du Tử Lê mà chúng ta sẽ thấy trong thơ, chúng có vai trò quan trọng ra sao. Những mối tình mà anh đi qua, đủ mùi vị, để lại những hệ lụy, là những chất liệu sáng tạo. Nhưng đối với anh, chúng cũng không chỉ là chất liệu, mà còn là ẩn dụ lớn. Đó là con đường phải đi qua và tấm gương chiếu rọi. Tôi chia các quan hệ với phái nữ của Du Tử Lê ra làm bảy hay tám giai đoạn sau đây, như được nhìn thấy trong tác phẩm, tiểu sử (*) và một số thư từ trao đổi riêng.
1. Thời gian 1957 - 1961: Trong khoảng thời gian từ 1957, lúc anh bắt đầu dùng bút hiệu Du Tử Lê, cho đến năm 1961, hai người phụ nữ ảnh hưởng lên tuổi ấu thơ là mẹ anh và người chị dâu cả, tên Uyển. Thơ anh giai đoạn này nặng về cảm xúc mới vào đời, với những rung động của tình yêu mơ hồ, nửa là một thứ tình chị em, tình mẫu tử. Thời của tập Thơ Du Tử Lê (1958-1963, xuất bản năm 1964).
Thôi anh chim nhỏ từ ngàn
Dấu chân du tử in hoang bãi gần
Rồi anh sẽ sớm lao vào cuộc đời với biết bao tình cảm hệ lụy, thơ mộng và khắc nghiệt. Thơ lúc này còn chập chững.
Tôi hăm hở đua theo nghìn cám dỗ
Tay hoan hô và miệng a dua
Cũng chẳng từ van lơn kẻ lạ
Bởi quá sợ cô đơn
2. 1961- 1968: Giai đoạn say mê cuồng nhiệt. Mối tình Lê Huyền Châu kéo dài, trở thành cái bóng lớn của đời anh. Hạnh phúc và khổ đau tìm thấy tiếng nói của mình trong Tình Khúc Tháng Mười Một (1964), Tay Gõ Cửa Đời (1967), và một phần của tuyển tập Thơ Du Tử Lê 1967-1972. Tuyển tập này được trao giải thơ của giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1973. Cùng năm 1973, còn có Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư, đoạt giải thể loại thơ trường thiên. Giai đoạn này để lại những tác phẩm thành công bậc nhất. Ngôn ngữ thơ trở nên phức tạp:
Cánh vàng đã vỗ muôn xa
Vó thu ngựa ngủ đời ta lưng gù
(Về Huyền Châu)
hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt không cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
(Và "67, Khúc thêm cho Huyền Châu")
Từ Công Phụng phổ nhạc thành Trên ngọn tình sầu, hình như Xuân Sơn hát đầu tiên. Anh bắt đầu viết về chiến tranh. Đáng ngạc nhiên là trong những bài thơ tự do, anh sử dụng một phương pháp hiện thực rất ít có:
Đêm bắt đầu thật sớm trên từng lớp tôn ám khói
Bố cũng bắt đầu ấm ức về tương lai con trong căn nhà hộp vuông vắn này
(Khát vọng cho con, 1965)
3. 1968-1975: mối tình cay đắng với Huỳnh Thụy Châu, tức Huỳnh Laure Brigitte, nữ sinh trường Văn học, hiệu trưởng là Nguyên Sa, sau này cô theo học Dược khoa Sài gòn. Giai đoạn lên cao của chiến tranh miền Nam. Khúc Thụy Du viết năm 1968, tháng Ba, sau thảm kịch Mậu thân, ấn tượng về cảnh nồi da xáo thịt:
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thuỵ ơi và thuỵ ơi
Đó không phải là một bài thơ tình thuần túy.
Tôi làm ma không đầu
Tôi làm ma không bụng
Tôi chỉ còn đôi chân
Là anh tả thực khi làm phóng viên chiến trường. Giai đoạn này vừa hạnh phúc vừa lo âu, trước những gian khổ trong thực tại.
4. Nguyễn Lan Anh 1969: Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
là một trong những bài thơ lục bát hay của Du Tử Lê, âm điệu đẹp, hình ảnh và cách nói mới, sau này được Phạm Duy phổ nhạc (1969). Từ Công Phụng năm 1972 cũng phổ nhạc bài này. Thơ Du Tử Lê đặc biệt cá nhân thế giới trong thơ anh là thế giới cảm xúc, một thứ lãng mạn đương thời. Thật ra không một nhà thơ nào thuần túy đi theo khuynh hướng nào, mỗi nhà thơ tài năng là một trường phái riêng biệt. Khi ra hải ngoại, thơ có nhiều hoài niệm, nhờ độ lùi lại về thời gian, quãng cách đối với chiến tranh. Trong những bài thơ thành công, như Ơn em, Khúc thêm cho Huyền Châu, Viện cớ, Người nhón gót, Du Tử Lê tìm cách kết hợp giữa một bên là hồi tưởng một bên là sự quan sát khách quan. Chúng ta vong thân đối với số phận của chính mình cũng như đối với đất nước. Mặc dù nhắc đến thiên nhiên khá nhiều, có những năm sống ở nông thôn, Du Tử Lê là một nhà thơ thành thị. Anh lớn lên trong gia đình trung lưu, trong chiến tranh giặc giã cũng chịu đựng những tổn thương như nhiều người khác. Thơ đầy bóng đêm, tối, sầu muộn. Nhưng trong thơ có những khoảng sáng, khoảng trống, khoảng tỉnh thức, bàng hoàng, có thể như một thanh lọc. Tôi ngạc nhiên thấy giữa những câu dễ hiểu, những ý tưởng rõ ràng, là những câu phức tạp, mỗi câu gồm hai mệnh đề trở lên. Những câu thơ bất ngờ, đến từ một lối tư duy đặc biệt, khác nhiều người:
Về khi rừng hú ngang tim bão
Núi lớn nhưng đầu sông ăn năn
5. 1972-1975: Nguyễn Thục Thúy Nga (Thục Ngạn): Đời ở mãi phương Đông. Tình yêu dịu dàng.
nơi sương sa như sữa suốt buổi chiều
nơi mưa bụi xuống lòng nhau lấm tấm
nơi đêm bước những bàn chân rất chậm
Giai đoạn thăng hoa trở lại: tình yêu đã mất, sau nhiều năm tháng chia ly, cay đắng, quay trở lại trong một trái tim khác, thơ mộng, êm ả hơn, với thương cảm kiếp người.
Bồ Tát! Ngàn sau góc phố còn
Chỗ ngồi ân nghĩa, ghế bàn ngoan
Bàn tay thứ nhất cho nhau đó
Vĩnh cửu trong tôi: giọt lệ nàng
Chữ “giai đoạn” tạm dùng ở đây thật ra không đúng lắm vì nó ám chỉ một quãng thời gian, trong khi tôi muốn nói đến một quá trình hay cơ cấu.
Ngày mai ai cũng là thi sĩ
Tìm thấy vầng trăng thật: của mình
Nhìn kỹ vào một người khác để thấy nỗi sợ hãi, lo buồn, thương yêu, căm giận. Du Tử Lê có lúc bị ám ảnh bởi hạnh phúc và đau khổ mà kẻ khác gây ra cho anh, và không phải bao giờ anh cũng thoát ra khỏi nỗi ám ảnh này. Chỉ thấy:
Ngoài trống vắng mà thôi
Chỉ khi nào anh không nghĩ đến mình, thoát khỏi sự cay đắng, thì anh nói lời dịu dàng, ai cũng muốn nghe :
Khi em lạnh tôi biến thành ngọn lửa
Củi yêu thương, than đỏ hực ân tình
Em cần thơ, cho buổi sáng thơm lâu?
Tôi lập tức hóa thân thành vần điệu
Thục Ngạn xuất hiện trong đời như dấu hiệu báo trước sự chấm dứt của một nền văn học lừng lẫy, đẹp nhất đã từng có: sự sụp đổ của miền Nam. Do những di truyền đặc biệt, con người có thể sống cô độc nhưng không chấp nhận cô đơn; có thể chịu đựng nhưng bao giờ cũng hướng tới vui thú. Nguyên lý về vui thú đã được người Hy Lạp, và người La Mã sau này, nâng lên thành nguyên tắc sống, đạo lý. Freud cũng nhiều lần nhắc đến vui thích (pleasure), bên cạnh nguyên lý hiện thực (reality). Cái đẹp làm mới tâm hồn bạn, mỗi buổi sáng.
Này tháng chín, mùa thu về rất mới
Bởi hôm qua có kẻ đã qua đời
Hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
Em xạ hương từ quá khứ tôi
Như thế là Du Tử Lê đã qua đời, rồi sinh trở lại.
Anh có những câu thơ mượt mà, không biết là nói về tình yêu hay về quê hương.
Trưa về trên rẫy xanh, non
Gọi tôi cát ẩm, bãi còn sông, trôi
Bằng cách đem cho không cuộc đời phần tài sản riêng của anh, tình yêu, Du Tử Lê nhận lại biết bao của cải tinh thần khác, mà tiền bạc không thể mua, công danh không thể sắm.
Người ở cùng tôi mỗi mũi đường
lập lòe năm tháng nạm không gian
Trong tình yêu anh chưa chắc chu toàn:
Hồn hải điểu có bao giờ quy thuận
6. Thục Ngạn giai đoạn hải ngoại, 1975 - 1989: Thục Ngạn hải ngoại nối tiếp ảnh hưởng của mình, thay thế Thụy Châu. Người phụ nữ này chiếm lĩnh lãnh vực hoài niệm quê hương mà tiêu biểu là bài thơ được hát bởi Thái Thanh những năm tám mươi: Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (1980), nhạc Phạm Đình Chương.
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Sự cầu nguyện trong thơ Du Tử Lê là đặc biệt. Gần như mỗi bài thơ tình là một lời kinh cầu, tâm linh, hướng về cái cao cả. Vẫn biết rằng có khi anh chỉ dùng Chúa và Phật như một cái cớ.
Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Là cách nói điệu đàng. Người ta có thể ngờ trong câu ấy không có niềm tin nào cả, nhưng ai nỡ trách anh? Cũng có những bài thơ khác, mối xúc động sâu đậm hơn.
Chiều như bài hát cũ
Giọng sầu lên nguy nga
Hình dung người khách lạ
Một ngày qua vườn tôi
Lời cầu nguyện âm thầm bên dưới đời sống, bên dưới ngôn ngữ. Có một thứ cũng sâu sắc như tình yêu, nhưng đôi khi bí mật hơn, đó là tâm hồn. Tâm hồn với bao kỷ niệm vỡ thành nhiều mảnh.
cùng ta em xuống như rừng
đêm muôn năm lạnh, ngày trùng khói than
lỡ đời, một phút chung thân
máu xương hiến tặng, hồn câm báo đền
Người Việt than khóc nhiều, nhưng họ ít khi chịu mô tả tỉ mỉ vết thương của mình. Nhiều người tin rằng văn học cần có tính nhân đạo và phản chiếu hiện thực, nhưng trong sáng tác của anh, trí tưởng tượng đóng vai trò lớn. Du Tử Lê đôi khi chỉ ngồi ngắm cái bóng của mình mà viết được những câu để đời. Anh có khả năng nén xúc cảm, những kinh nghiệm chấn thương, vào những câu thơ tuy nhiều hình ảnh, nhiều mệnh đề, mà vẫn cứ tự nhiên.
Trời đất lui về cõi lặng thinh
Gỗ lên nước gỗ, vân lên ngọc
Tiếng hát lên mầm nắng gió riêng
Hầu như mỗi câu thơ của anh đều có nhiều hơn một hình ảnh, thường là hai hình ảnh.
7. Quách Thu Hồng, 1983-1985: Người con gái gốc Triều Châu mang lại cho anh cảm hứng mới của sự mất mát, một hạnh phúc không an toàn, thể hiện trong thi phẩm Thơ Tình cùng với tập truyện Tan Theo Ngày Nắng Vội.
Và, tháng tám, dòng sông về rất lạ
Mùa thu tôi em thả tóc đi qua
Rụng xuống mãi đầy lòng tôi bi thiết
Chiều quê người từng phiến lá thiết tha
Sự tuyệt vọng, khả năng sống tận cùng cảm giác mất mát, và chuyển hóa chúng, làm cho anh trở thành một trong những nhà thơ viết được những câu tình ái xúc động bậc nhất. Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê cũng không hoàn hảo, nhiều khi có câu thừa, chữ lập lại, nhiều giai điệu cũ, nếu như thế ở một nhà thơ khác, là dấu chấm hết cho một sự nghiệp, thế nhưng kỳ lạ thay ở anh, những thứ tôi vừa nói chỉ là mới bắt đầu, vì bên cạnh những khuyết điểm ấy, lối nói của anh khi thành công lại chưa từng có. Tính chất mà các nhà phê bình Anh Mỹ gọi là originality.
Khi gối đầu mình lên ngực em
Kỳ diệu thay
Tôi nghe được rất nhiều tiếng sóng
Là những câu dễ, nhiều người hiện nay có thể viết được, và họ đang viết loạn cả lên.
Nhưng những câu trung bình chưa hẳn là xuất sắc này:
Em giấu bàn tay trong tóc mây
Những ngày mưa giấu nắng trên cây
Đàn chim giấu những mùa di trú
Ta giấu hờn ghen góc trái này
Là của riêng anh. Một nhà thơ đương đại có thể viết những bài thơ mang tính tâm linh huyền bí không? Tôi tự hỏi. Chủ đề quan trọng nhất trong thơ Du Tử Lê là tìm kiếm sự dung hợp giữa tự do và bổn phận, giữa tin cậy và nghi ngờ, trao tặng và nắm giữ.
Này tháng chín mùa thu về rất mới
Bởi hôm qua có kẻ mới qua đời
Hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
Em xạ hương từ quá khứ tôi
8. Một nghệ sĩ tên tuổi, 1985-1989. Mối tình tai tiếng. Sự mê đắm muộn màng, ngọt ngào, khổ nhục, như ngọn roi quất lên da thịt, như hủy diệt. Tình yêu này là nguồn phát sinh tập thơ Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu.
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Ta vào đời khác nhớ đêm mưa
Vết dao xẻ mấy bàn tay lạnh
Dấu thẹo dư thừa nỗi nhớ nhau
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi thấy em từ trên hư không
Cám ơn trời đất đưa em tới
Để rụng cùng tôi lá tật nguyền
Giai đoạn bất ổn, báo động: tình yêu như con thuyền ra khơi khi sóng to gió lớn, nhưng cũng có những ngày bầu trời tạnh mây quang đãng, chen lẫn vào nhau.
Tôi về trí nhớ như son
Sáng soi tâm tưởng chiều trưng ảnh người
Phục sinh tôi. Một nụ cười
Dẫu chia tan vẫn gửi đời cho nhau
9. Thúy Ngọc, 1989-1994: Trong tay thánh nữ có đời tôi, những bài thơ siêu hình, triết học, trong tập Đi với về cùng một nghĩa như nhau.
hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày
hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?
Hình ảnh thánh nữ đi ra từ Thúy Ngọc, người con gái nhỏ tuổi có đạo Công giáo mà anh dan díu từ 1989 đến 1994. Giai đoạn này anh viết những bài thơ nặng tính suy nghiệm triết học, trong tập Đi Với Về Cùng Một Nghĩa Như Nhau. Niềm tin tôn giáo trong Du Tử Lê không phải là một thứ tôn giáo nặng nghi lễ. Lòng tin vào vĩnh hằng, cứu rỗi.
10. Mai Trinh, 1991-1997: Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi. Lưu vong, thương nhà, nhớ nước. Giai đoạn bi phẫn. Mọi tình yêu đều lồng trong tình cảm xứ sở.
nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau
hẹn bay về chết trong tay mẹ
tổ quốc nghìn năm bỏ được sao?
Cũng là giai đoạn hồi phục: lấy lại thăng bằng tâm lý, chữa lành vết thương tâm hồn.
Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà
Dòng chảy hoài niệm, về mặt tâm linh sẽ kéo dài rất lâu, là nơi cất giữ gia tài thơ của anh.
Cây bông vải ngõ sau cào cửa miết
Kể từ trưa bàn, ghế tiễn em về
Ta dọn, dẹp luôn chỗ ngồi bỏ lại
Riêng em thì khôn đặng xóa, bôi đi
Thời gian này anh viết liên tiếp hai tập thơ, cùng trên mạch tâm tư: Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi, và Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà. Tôi đã nghe nhạc sĩ Phan Ni Tấn hát bài thơ phổ nhạc của anh trong một đêm ở Toronto: Em Mang Hoa Về.
Em mang hoa vào chiêm bao
Mái tóc thơm tho ngắn ngờ vực
Chim truyền đi tin hai người
11. Giai đoạn 2007 - 2008: Một người con gái trẻ tuổi, xuất hiện bất ngờ. Người nhón gót: thả vầng trăng thứ nhất.
chào thơ ấu! - Chông chênh sầu, nẫu, đỏ
bước lầm than trong ngày, tháng tôi, vơi
người nhón gót: thả vầng trăng thứ nhất
trên tay tôi / cổ tích: mắt, môi người
Những năm sau này, sức khỏe của anh có phần xuống. Con đường sáng tạo với nhiều người như vậy đã hoàn mỹ. Nhưng Du Tử Lê không thể dừng lại, có một điều gì đó được ký thác để anh viết cho đến ngày cuối. Đêm đêm anh vẫn :
Trì tụng cho tình kinh vãng sanh
Một pho Phụ Rẫy. Một Pho Quên
12. Năm 1994 đánh dấu khúc quanh quan trọng bậc nhất, lúc Du Tử Lê gặp lại Phan Hạnh Tuyền, người con gái xứ Huế mà anh yêu thương một thời gian ngắn trước khi hai bên mất liên lạc vào tháng 4 năm 1975.
Cả hai tâm thất đầy hoa khế
Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà
Đôi mắt quầng đắm đuối
Từ khi đeo tình người
Chị là người chung thủy tận tình nhất với anh. Từ những ngày xa xưa hoa khế rụng đầy sân cho đến sau này xa quê, anh đứng ngẩn ngơ bên đường mà viết:
Không ai hiểu tâm hồn tôi bìa sách
Bọc bao ngoài quá đỗi thực hư chung
Tình yêu của họ cũng có lúc gặp sóng gió, mất mát. Nhưng Hạnh Tuyền sẽ là người vợ bao dung của anh, là người mang lại hạnh phúc trong bình an, đem anh đến bên ngọn lửa ấm của gia đình. Ngôi nhà cuối đời của anh.
Du Tử Lê được quần chúng biết đến phần lớn vì các ca khúc phổ thơ.
Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
Từ ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau
Giọng hát Xuân Sơn, Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Vũ Khanh. Các câu chuyện anh kể trong thơ được trình bày mà không có một lời giới thiệu nào, một lối nói trần trụi và trực tiếp làm cho anh gần với phong cách hậu hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại dựa trên niềm tin về sự thất bại của nghệ thuật như một tấm gương và như một phương pháp thay đổi. Vượt ra ngoài ý định của tác giả, thơ Du Tử Lê chỉ có thể được hiểu bởi những người sống đẫm mình trong ý thức tự do, và trong nhận xét của tôi, số người này đang ngày một đông đảo hơn. Nếu bạn không quen thuộc với các chọn lựa và mặt tối của chúng, không quen thuộc với tính vô mục đích của đời sống, và tính vô sở cầu của tình yêu, thì bạn khó yêu mến được ngôn ngữ Du Tử Lê.
chúng tôi lớn: vào đời không lựa, chọn
hoa tình cờ nẻ đá mọc hoang mang
suối không mạch: thác không nguồn: chảy ngược
ngón vực ngờ khỏ vỡ trán cô đơn
Dấu phẩy của anh giữa hai chữ lựa, chọn không có nghĩa gì. Mọi thứ đều có thể sai lầm. Bất cứ một tài năng nào đều rơi vào hai hoàn cảnh đối nghịch: hoặc quá nhiều người biết, hoặc chẳng ai biết. Thơ vốn viết về sự sai lầm, cảm giác có lỗi, cảm giác thất bại. Cái chết là sự thua cuộc cuối cùng, tuyệt đối. Du Tử Lê chống lại các ảo tưởng trong thơ: ví dụ cái đẹp cứu rỗi thế giới. Sự thật và vẻ đẹp là hai chuyện khác nhau: anh chú ý đến cái đẹp. Ảo tưởng khác: thơ phải dẫn đến sự tốt đẹp. Thơ buồn, kết thúc đau đớn, không tìm thấy lối thoát:
Vì sao thân anh run
Vì sao chân không vững
Ảo tưởng nữa: thơ phải truyền thống. Ảo tưởng khác: thơ phải đương đại, phản kháng, thay đổi xã hội. Có một xung đột trong sáng tạo Du Tử Lê. Ý muốn cách tân, thể hiện sớm trong nhiều bài thơ tự do, nhưng cuối cùng lục bát, thơ bảy chữ, thơ năm chữ vẫn là gia tài đồ sộ nhất của anh. Anh có nhiều người bạn, nhận xét về họ tinh tế, như Nguyên Sa, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, nhưng tôi chưa thấy anh chịu ảnh hưởng của ai. Có lẽ cũng vì một lẽ đó mà anh ít dùng các chữ Hán Việt, và sử dụng một thứ ngôn ngữ bình dân của người Sài Gòn. Chính sự thiếu vắng ngôn ngữ cổ điển làm cho thơ anh giàu, khoáng đạt. Mặt khác, khi muốn viết các câu thơ như thể hiện một ý tưởng, anh ít thành công. Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ, thơ tự do viết năm 1969, ở Indiana, là một bài thơ thành công hiếm, theo hướng này.
Không bao giờ đâu Donna Donna
Dù anh có yêu em
Hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
Thì anh cũng vẫn trở về
Bài thơ có thể dừng lại ở đó, bốn câu hay nhất trong toàn bài. Những câu khác tiếp theo có thể đoán được. Ví dụ:
Thì anh cũng trở về
Quê hương anh với trăm ngàn đời khốn khó
Không sánh được với một thứ linh cảm lạ, nhiều nhà nghiên cứu hàn lâm dễ bỏ qua:
Người nay xa xôi người bên kia trời
Tuy vậy, do ý thức thường trực về số phận đất nước, thơ anh bao giờ cũng được đặt trên nền gian khổ chiến chinh. Mai Thảo, Nguyên Sa và nhiều người đọc Du Tử Lê, lấy làm ngạc nhiên là thơ anh “bỗng hay lên một cách đột ngột” từ những năm 1980. Tôi tin rằng tài năng ấy đã lấp lánh từ những năm sáu mươi. Thoạt đầu anh viết câu đơn giản, với nghĩa một chiều, mỗi câu là một ý. Trong đó có những câu tầm thường:
Thời gian đẹp là thời gian đánh mất
Mộng không thành là mộng quá cao xa
Cho đến những câu thơ thành công hơn :
Kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đầm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
Thời còn ở Việt Nam, chữ của anh chất phác. Tuy nhiên anh cũng có đột phá; đây là dấu hiệu báo trước tài năng hai mươi năm sau.
Hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
Trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
Bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
Trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
(1967)
Sau cuộc đổi đời, một điều gì đó đã xảy ra mãnh liệt, đánh động giác quan, mở bừng tâm thức. Điều đáng chú ý là ở một số nhà thơ khác, cũng có thể cùng trải qua cảnh ngộ như anh, không có sự phơi trần như Du Tử Lê, bay kịp đôi cánh của chữ. Anh mở ra chiều kích mới, làm giàu cho ngôn ngữ mẹ. Đôi khi anh viết giản dị:
Em xạ hương từ quá khứ tôi
mà vẫn làm rung động. Nhưng thường anh viết khó hơn :
Than, củi gọi ngày, đêm xương máu, rợn
Trí câng câng; tâm gõ nẩy bong bong
Thuở mông muội thiêng liêng rừng gỗ đá
mỗi tiếng kêu: nóng hổi một linh hồn
Nghệ thuật Du Tử Lê trước hết bắt đầu ở cách chọn chữ. Trong giai đoạn đầu:
Buổi sáng nào quên thức trên những hàng cây xanh
Nỗi xót xa nào đậu mãi trên những cặp môi khô nhăn
Thậm chí dễ dãi:
Mình về phố ấy ấm êm
Tôi lêu lỏng suốt nghìn đêm bạn bè
Anh bắt đầu dùng chữ khó hơn, có mức nghĩa dày đặc, gọi là hàm súc. Điều khó khăn là chữ như thế có thể làm cho một bài thơ trở nên mất tự nhiên. Hãy xem Du Tử Lê vượt qua cạm bẫy như thế nào.
Giữa vùng tư tưởng đêm lu
Tay xưa mắt nọ kỳ khu hồn người
Chưa hay, nhưng lạ. Càng về sau, anh càng tránh được cả hai: sự dễ dãi và sự trúc trắc. Khi viết thơ tự do, Du Tử Lê mới đầu hình như chưa nhận ra rằng bằng cách làm thơ tự do, anh vô tình chuyển qua hệ thẩm mỹ khác, trong đó cấu trúc ngôn ngữ được quyết định nhiều hơn bởi ý tưởng: không có một ý tưởng cốt lõi, bài thơ sụp đổ. Cũng như vậy, tính mơ hồ của ngôn ngữ, vốn có vai trò quan trọng trong thơ có vần, trở nên phần nào ít quan trọng hơn trong thơ tự do. Nhưng Du Tử Lê lại chú ý đến các âm tiết (syllables) khác nhau trong thơ. Sau đây là ví dụ:
-
Âm- an, -ang gây cảm giác rộng rãi mênh mông:
Chiều dâng lênh láng chiều, giăng hàng
-
Âm –ui gây cảm giác khô, lững lờ, hẫng:
Cây vùi, chôn nhau khôn lui
Ngọn liên hoa tạnh, gốc hồi dương, khô
-
Âm –ách, -ất, -ấc gây cảm giác ngắn gọn, sắc, vui vẻ:
Bông hoa mách một con đường ngắn nhất
Một trong những đặc điểm của anh là dùng chữ bình dân táo bạo. Một số nhà thơ Việt Nam rất ít sử dụng từ bình dân: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền. Một số sử dụng nhiều các yếu tố dân gian, ca dao: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Tô Thùy Yên. Ít người dùng chữ như:
Em xâm thực nửa đời tôi chín muỗm.
Mày đã mười năm không nhúc nhích.
Các chữ như chín muỗm, nhúc nhích là các chữ bình dân. Sự tương tác giữa chữ này và chữ khác trong một câu thơ, về nghĩa và âm, là một hiện tượng đặc biệt, cần phân tích sâu hơn. Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý rằng Du Tử Lê là một trong số ít các nhà thơ hiện nay dành cho chúng sự cẩn trọng cần thiết. Đôi khi không sử dụng đến vần, anh vẫn có cách đặt chữ chen vào theo một vị trí làm chúng va vào nhau, vang lên:
Chân đi gió tạt sầu ba hướng
Tay vói một trời: trời mưa bay
Chữ vói hay hơn chữ với. Chữ vói níu lại, thấp hơn, gây cảm giác hụt hẫng. Thật ra Du Tử Lê ít dùng chữ lạ, mà dùng nhiều hơn các từ thuần Việt. Các chữ thuần Việt có nội dung rõ, nghĩa cụ thể, ít gây cảm giác mơ hồ, như trong chữ Hán Việt. Một câu thơ của anh nhiều khi có hơn một hình ảnh, các hình ảnh hay ý tưởng này quyện vào nhau, tạo nên âm hưởng.
Bóng lá chính là tên giữ cổng
mời em trở lại nắng trong veo
những con bướm nhạt in trên đất
đừng dẫm lên, nghe, chút bọt bèo
Đôi khi sự phát triển từng cặp không chỉ diễn ra trong một câu mà cả trong một đoạn.
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Câu lục có hai động từ, nghĩa là hai mệnh đề, câu bát có hai động từ, là hai mệnh đề khác. Đây là một trong những chìa khóa của biến ảo ngôn ngữ Du Tử Lê. Anh còn dùng thành ngữ thành công, biến các chữ quen thuộc thành mới.
Ai không nín thở qua cầu chứ?
Người vác hoài cây thập giá đời
(Gởi Phạm Nhuận)
Nín thở qua cầu là thành ngữ. Nhưng anh hay dùng thành ngữ mới; các thành ngữ cũ ít gặp. Việc sử dụng chữ bình dân trong thơ có năm tính chất. Thứ nhất, trong các thành ngữ, như vừa nói. Thứ hai, chữ địa phương.
Mai này thế kỷ sang trang khác
Chẳng có ai thừa hơi hát ngao
Thứ ba, các chữ nhiều người nói, nhưng người ta nói mà không viết: ngôn ngữ nói.
trưa cao liền tiếng chim
cây dướn mình uống gió
Dướn mình, nếu viết rướn thì đúng chính tả hơn, nhưng dướn là một cách phát âm. Thứ tư, không phải ở các chữ, mà ở cách nói phổ biến trong một số tầng lớp.
Con đường rộng hai hàng cây đứng lại
Tôi buổi trưa, tàn khốc chia ly
Mấy chữ tàn khốc rất kiếm hiệp, nhưng anh đem vào được. Tinh tế khó nhận ra là cách nói sau:
Sông tuyệt tự hô hào ta đứng dậy
Dang tay ra tựa Chúa kẹt chân tường
Khó nhận ra hơn nữa :
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Kẹt. Đủ hết đời. Trong thơ Anh Mỹ, có một khái niệm gọi là thơ vernacular (tục, bình dân), nhưng các bài thơ vernacular không có nhiều tính chất văn học như thơ Du tử Lê, và thường được xếp vào một nhóm riêng. Anh góp phần vào việc thi hoá ngôn ngữ đường phố, làm cho chúng có vị trí đáng kể trong thơ, và bằng cách đó mà làm cho ngôn ngữ thơ sống động, có hồn, có máu thịt, có hơi hướm hoang đàng, nam tính, nhưng riêng tư, quyến rũ. Nhiều chữ mới của anh là mới thật :
Đêm đầu tư thêm cho ngày
Sáng huy hoắc lá, cây lòng dạ chim
Chữ huy hoắc mới, nhưng khi anh dùng rồi, khó thay. Như thế ngôn ngữ Du Tử Lê có tính hiện đại, với nghĩa là gần với đời sống đương thời, ngoài các suy tưởng và cảm xúc trẻ trung, là nhờ một ngôn ngữ trực tiếp, trần trụi, thậm chí bất cần. Tôi xin dẫn thêm thí dụ khác, chỉ trong hai câu ngắn :
Xóc dằn nỗi nhớ. Lem năm tháng
Treo lửng a tỳ nửa trái tim
Các chữ xóc dằn, lem, treo lửng là những chữ bình dân. Tuy vậy, thơ anh khá xa ngôn ngữ ca dao, mà ta thường tìm thấy dấu vết trong một số nhà thơ, nhất là các nhà thơ từ miền Bắc. Có thể một phần do anh ít sử dụng các từ lấp láy, một đặc trưng của thơ Việt truyền thống.
Tịch mịch rơi ngang trời thọ thương.
Hôm nay trời đất lừng khừng.
Anh hay gọi đến các chữ trùng lặp, vần vào nhau.
Ngày nghiêng nhớ xuống vai tiền kiếp
Chuông mõ âm âm ngã mạn nào?
Ngày nghiêng /tiền kiếp /nghiêng tiền kiếp /âm âm /âm âm ngã mạn tạo nên hiệu ứng đặc biệt của tiếng chuông tiếng mõ. Du Tử Lê dùng nhiều hơn các vần cuối trong thơ bảy chữ và tám chữ, ít dùng vần lưng, vốn là vần gây cảm giác lưu luyến. Chỉ thỉnh thoảng những vần như thế được anh đặt khẽ bên nhau:
Soi gương thấy lệ ai còn, chảy
Chiếc lá người bay ngoài nhân duyên
Ai, chảy, bay, ngoài.
Các chữ trong thơ có hai nghĩa, một nghĩa từ điển, thông tin, cố định, và một nghĩa đặc biệt, mơ hồ, bí mật. Nghĩa thứ hai này tạo ra liên kết mạch ngầm. Một liên kết như thế làm cho ngôn ngữ trở nên lay động.
Lênh đênh hồn cắm sào ngang
Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ
Anh làm mới lục bát là bắt đầu từ những câu như câu trên đây. Chúng ta theo dõi tiếp.
dấu trong ký ức âm u
cành xương tháng chín. Mưa mù tháng giêng
hồn cây phong úa truy tầm
dấu chân. Nghìn dặm. Lá mừng. Thôi nôi
vàng sau lưng. Vàng ghế ngồi
mùa em. Thu tím. Rừng tôi phía nào ?
Tôi không chú ý lắm các dấu chấm trong bất kỳ thơ của ai. Trong thơ, khác với văn xuôi, các dấu chấm ít có gía trị, vì chúng dễ dãi, và đôi khi, hơi giả tạo.
Hình như lục bát chật chội đối với anh ? Có lẽ. Từ những năm 1980, lục bát của anh tìm cách nổi loạn: cuộc nổi loạn hiền lành nhất.
hồn cuối bãi, tim đầu ghềnh
những chai máu lạnh. Ân tình treo cao
vói bàn tay. Vói cõi nào ?
cõi quen hơi hướm. Cõi đào thải, đau.
xe ngang cửa. Sầu lên đèo
vực sâu tiếng thảm. Chim chiều cánh, mưa
Bạn có nhớ Huy Cận không ?
Ngập ngừng mép núi quanh co,
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang
So với thời Huy Cận, thời đại bây giờ khác: càng về sau, người ta sống càng buồn, khinh bạc. Vì mất mát lớn hơn, người như thế, tình như thế, thơ phải thế, chớ sao? Về sau Du Tử Lê mở rộng bằng cách biến đổi các dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu gạch chéo, cho tất cả các thể thơ khác. Hãy nghe anh giải thích:
Tôi sẽ để rất nhiều khoảng trống
Giữa hai gạch chéo/slash
Thí dụ: ……/…... /…... /……/
Trong bài thơ
Mời những người đọc tôi
Hôm nay, ngày mai tham, dự
Không phân, biệt cội nguồn, xuất xứ
Chúng ta: đồng tác giả
Bài thơ xuất hiện lần đầu
Hãy khảo sát một câu của anh :
Mặt trời rơi, hẫng, nhớ nhung / đen ?
Nhớ nhung đen trở thành nhớ nhung và đen, mặt trời đen, hay cái rơi là đen? Đôi khi anh thành công :
Gió /nhấm nhẳng/ cất chưng mùa hẹn, hết
Vỗ đôi bờ: xương, thịt ám ui, ui
Tôi nhớ mãi hai câu này của anh, với tất cả những dấu chéo, dấu phẩy, dấu hai chấm rắc rối của nó. Không phải ai cũng nhớ như vậy. Trong câu này:
Ta nghĩa trang nào ? chôn, cất nhau !?
Hai dấu chấm than và chấm hỏi đi liền nhau là một sự lạm dụng: anh đã đi hơi quá xa sức trương nở của ngôn ngữ. Nhưng dấu hỏi ( ? ) sau chữ "nào", dấu phẩy ( , ) giữa hai chữ "chôn cất" là tiêu biểu cho cách chấm câu của Du Tử Lê. Và thành công. Hay bạn lắc đầu?
Du Tử Lê thường chẻ đôi các chữ kép, làm cho mỗi chữ, mỗi âm tiết, có một ý nghĩa riêng.
Giầy ai, xin cởi, bỏ hiên ngoài
Cởi, bỏ. Trong một bức thư riêng anh gởi cho tôi, phần cuối, anh viết :
Thân, mến.
Đọc kỹ, chúng cũng thú vị. Dấu trong tiếng Việt đương thời thuộc ba nhóm tạm gọi là các dấu ký thanh, dấu chữ, và dấu nối. Các dấu ký thanh gồm có: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, (và không dấu). Các dấu của chữ gồm có: ă, â, ơ, ư, ô. Ở đây chúng ta chú ý đến các dấu nối, gồm có năm loại riêng biệt :
1/ Dấu liên hợp:
- Dấu hai chấm:
Được dùng rất nhiều trong thơ Du Tử Lê.
Truy tầm lý lịch: người không bóng
- Dấu chấm phẩy ;
gỗ lên nước gỗ; vân lên ngọc
tiếng hát lên mầm nắng, gió thiêng
- Dấu gạch ngang – (dash)
Ít dùng.
- Dấu gạch ngang nhỏ - (linking hyphen)
Được anh dùng nhiều .
trước sau nhớ lại: - không sau , trước
một đời như thế hỏng hay được
2/ Dấu bao gồm:
- Dấu ngoặc đơn ( )
Hay gặp:
trong những bông huỳnh-anh chói vàng (ký ức)
- Dấu ngoặc kép “”
- Dấu ngoặc đơn in [ ]
Chưa được anh dùng nhiều.
3/ Dấu ngắt câu hay tách biệt:
- Dấu chấm .
- Dấu phẩy,
- Dấu hỏi ?
- Dấu chấm than !
Các dấu này thường xuất hiện trong thơ Du Tử Lê. Ngay cả dấu phẩy, vốn được nhiều người khác dùng, cũng xuất hiện nhiều hơn.
buồn cân, đo ta trong gương
chiếc khăn gỡ xuống. Tấm lòng máng, lên.
4/ Dấu bỏ lửng:
Chấm chấm chấm …
Ít gặp.
5/ Dấu đa nghĩa:
Dấu gạch chéo / (slash). Đây là dấu trong văn nói (spoken), chưa được chính thức công nhận. Như trong các ví dụ hay gặp hiện nay: được/bị, đã/đang, và/hoặc.
Chúng được dùng nhiều trong thơ Du Tử Lê:
dậy thì/ lá/ trên cành sương góa bụa
hoa ngoại tình : sinh, nở hạt cây thơm
Hay :
truy thân, thế ;tước tưa hình, bóng
trí tuệ thơm/mềm/nốt trắng, đen
Hoặc :
đời sau nào ai hay đâu
bắc ngang sinh tử : cây cầu ta / em/
chiều. Sông. Saint. Laurent,
Các dấu chấm, dấu hai chấm, và dấu phẩy chẻ dọc câu thơ, trong khi các dấu slash lại lắp ghép chúng vào, như người ta lắp các mảnh gương vỡ, một thứ thơ concrete, cụ thể. Theo tôi dấu slash sau chữ ta là thú vị, nhưng dấu slash sau em là thừa.
Ai đã từng băng qua sông Saint Laurent mênh mông ở Quebec một buổi chiều sương xuống ướt đầm, như tôi, có tâm trạng gãy nhịp của Du Tử Lê, chắc hiểu hơn sự trắc trở của bài này. Tuy nhiên một số cách ngắt câu khác không thành công và có lẽ sẽ không được lặp lại. Phản ứng trước thời cuộc và cách tân ngôn ngữ là những khuynh hướng xung đột. Chúng ta đang nói về lĩnh vực mới: thơ thể nghiệm (experimental), thơ cụ thể (concrete), nằm ở đường biên mà nhà phê bình duy nhất có thể chứng nghiệm là thời gian. Nhưng ngay cả đối với những thể nghiệm thơ mà ngày nay chưa có câu trả lời, tôi vẫn thấy ở đó dấu ấn kỳ lạ của tài năng.
Gỗ lên nước gỗ vân lên ngọc
Tiếng hát lên mầm nắng gió riêng
Mối quan hệ trong tình yêu được làm mới lại mỗi ngày. Đó là một hành trình chung của hai người, không bao giờ yên tĩnh, mà biến động. Tình yêu có hai mặt, thơ mộng và thực tế, trong khi thơ tình chỉ nói về khía cạnh thứ nhất. Nghệ thuật chỉ chú ý đến phần đẹp nhất, cao thượng nhất, kịch tính nhất, và loại trừ các yếu tố vốn rất thật như dung tục, cái xấu, buồn chán hàng ngày, sự thất bại. Nghệ thuật không có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề đời sống, vì vậy nó không phải là tất cả. Nhưng chúng ta đừng quên rằng tình yêu được nuôi nấng không chỉ bằng những chương trình lớn, mà còn bởi những chi tiết lặt vặt, sự chú ý, cái cầm tay, sự ân cần. Thơ Du Tử Lê tinh tế điểm này:
Vết son trên tách trà bông cúc
Vai ghế còn thơm sợi tóc người
Nhiều người không biết đời sống tình yêu gồm nhiều việc vặt: quét nhà, rửa bát, đi chợ, mua quà, con cái, sửa xe, giặt áo. Người nào không những thấy được chúng, mà còn thấy được một cách rõ ràng và hào hứng chia sẻ, xem như công việc của tình yêu chứ không phải công việc của bổn phận, người ấy sẽ thành công. Thơ không có nhiệm vụ khuyên bảo, không cố vấn về luân lý nhưng ở một nhà thơ có tài, có những bài học tình cờ bạn nhặt được trong tác phẩm của họ, riêng tư đến nỗi chính người viết không biết. Ngay cả trong những bài thơ viết cho bạn bè, về thiền, Du Tử Lê cũng sử dụng hình ảnh người nữ như một ẩn dụ. Như vậy không phải thơ tình nào của anh cũng chỉ nói về tình yêu, mà còn nói về nhiều thứ khác, đất nước, nhớ nhà, chiến tranh, sống chết.
Cám ơn em rồi đầu thai:
Với tâm Đức Phật/ trong hình hài tôi
(Và, NĐT)
Trong nhiều trường hợp, thơ anh không có lịch sử, không có hiện thực xã hội, không có sự mô tả một thế giới như chúng ta vẫn thấy. Anh loại trừ tất cả các yếu tố khách quan ra khỏi thơ mình. Khúc Thụy Du, tức là khúc thêm cho Huyền Châu được viết vào năm 1968, ngay sau vụ Tết Mậu Thân, như được anh kể lại, mô tả tâm trạng buồn thảm, bi tráng của một người đi qua cái chết của đồng bào, nhưng đọc bài thơ ta không thấy khung cảnh chi tiết và sự phản kháng tội ác, mà chỉ thấy tâm trạng. Đó là một loại thơ phi hiện thực, phi nhân chứng. Thật ra nhà thơ không để cho lịch sử kiểm soát mình, thế giới ngoại cảnh không chi phối văn chương của anh. Tác giả không xác nhận sự quan trọng của thời gian mang tính lịch sử. Tuy nhiên bản chất của tình yêu Du Tử Lê chính là cuộc đời anh, một cuộc đời chìm nổi theo số phận dân tộc, chạy loạn, tản cư, tị nạn, những lời máu huyết của anh tất phải là thời thế, chảy ngầm trong những câu thơ tình diễm lệ, đôi khi khốc liệt, như chưa có ai khốc liệt đến thế, đôi khi lại mềm mại một cách quá đáng.
Hãy mang đi hồn tôi
Một hồn đầy côn trùng
Một hồn đầy tháp chuông
Ngân nga lời báo tử
Vì đời sống thật hơn khi ta nhìn nó qua người khác, và thật hơn khi ta nhìn nó qua thơ. Đó là điều kỳ lạ, vì ai cũng tưởng rằng tiểu thuyết và thơ chỉ là hư cấu, tưởng tượng. Sự thật thơ ca chỉ có thể là những sự thật toàn vẹn, từ mọi phía. Du Tử Lê gọi toàn vẹn đó là tính cứu rỗi. Riêng tôi, mỗi khi nhớ anh, tôi nhớ hai câu này, như nhớ một thế hệ:
Nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Tình yêu như một đứa trẻ, vận động liên tục, có mặt khắp nơi, trong không gian, thời gian, vui cũng nhiều mà sầu cũng lắm, xác thịt lặn lội mà cũng mờ ảo vô cùng. Tốt đó rồi xấu đó. Một chút gió lạnh, một vết son nơi tách trà một mùi hương nhài thoảng qua gây xúc động. Khác với thời kỳ thơ mới, các nhà thơ như những tâm hồn rung lên trước thời đại mới, tươi trẻ, sảng khoái, thơ tình Du Tử Lê buồn chết người, thê thảm như cuộc chiến hai mươi năm, nó không thơ mộng, nó chống lại ảo tưởng của thơ mới, chống lại niềm tin. Tôi đặc biệt chú ý đến những bài thơ trong đó suy nghĩ của Du Tử Lê về đất nước được bộc lộ. Anh hoàn toàn không dễ dãi như nhiều người tưởng. Ngược lại, cái nhìn đối với hiện thực của anh nghiêm khắc, có tính phê phán. Ngôn ngữ và âm nhạc được đánh thức cùng một lúc, vang lên, nén lại, trau chuốt, phối trí, cũng có lúc vụng về, ẻo lả, thất bại, nhưng nhiều lúc sắc bén dị thường, và cách viết ấy không có ai bắt chước được.
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
Căn nhà của Du Tử Lê, nơi anh an nghỉ mỗi ngày, đời đời, căn nhà ấy chính là thơ ca. Tình yêu mà anh đan dệt trong thơ, tuy là từ những cuộc tình có thực, tình yêu ấy là quà tặng của cảm hứng. Căn nhà thực sự của Du Tử Lê chính là ngôn ngữ thơ của anh. Người đọc đến với anh, lắng nghe anh không ngừng nói: hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi, chính là lắng nghe chính mình, trái tim mình, đang đập. Chúng ta đến căn nhà ấy, cửa thường xuyên mở, nhà vắng, bạn ngồi xuống, bạn được mời, và bạn ngồi đó lắng nghe thứ âm nhạc kỳ diệu của tình yêu sắp vang lên, đã vang lên rồi, và bạn bỗng nhìn thấy tác giả ngồi trước mặt mình, khi thì như một người lớn tuổi chừng mực, khi như một kẻ hoang đàng, yếu đuối, lầm lỗi, nhưng bạn không ngừng yêu mến anh, tha thứ cho anh, trở lại với anh, lắng nghe thơ anh một lần nữa, lần nữa, cũng có khi bởi các ca khúc phổ nhạc, và bạn tin rằng bạn đang ở trong căn nhà của giấc mơ, sự trở lại, đau khổ hay hạnh phúc một cách tự do. Chỉ khi nào con người rời bỏ vai trò trung tâm của mình, cái tôi của họ biết nhường lối cho kẻ khác, hòa vào dòng sông lớn như nhành suối nhỏ, như cây con trong đám rừng nhân loại, người ấy mới chấm dứt sự cô đơn. Du Tử Lê nói khác đi, nói hay hơn, nhưng từ một điểm nhìn không khác:
Chấm dứt luân hồi: em bước ra
Từ bỏ sự ám ảnh về mình, tự hòa tan mình vào một chiếc bình không đáy, anh lấy người phụ nữ mà anh yêu làm thứ dung dịch hòa tan vô tận.
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
em sống cùng ta mỗi sớm hôm
nhớ trên khung cửa môi thơm gọi
buổi sáng em về như Quan Âm
Tình yêu có thực của Du Tử Lê không chỉ là chất liệu sáng tạo mà đôi khi tôi nghĩ chúng như được sinh ra vì thơ ca, phục vụ cho nó. Không một tác giả nào hoàn toàn tách rời tác phẩm và viết như một kẻ sáng tạo thuần túy, người ấy cũng phải trả giá thực tế cho bài thơ của mình, thế thì chính cuộc đời của bạn được sinh ra để phục vụ cho bài thơ ấy. Người sáng tạo là kẻ làm việc không công cho nữ thần sáng tạo. Ngay cả cái chết, sự u tối, sự hủy diệt trong thơ Du Tử Lê không chỉ là bất hạnh của nhà thơ, như chính anh hay nhiều người có thể nghĩ, mà chính ra là mơ ước thầm kín của hiện hữu, nếu sáng tạo là mục đích của đời sống. Thời gian tồn tại không phải bằng cách kéo dài mà bằng cách tích lũy những phút giây đặc biệt khi cuộc sống có ý nghĩa nhất, tình yêu đẹp nhất, sự tồn tại của bạn có tính hướng thượng nhất. Mỗi khi nhớ một người bạn không còn ở với chúng ta, nghĩ thế, tôi lại thấy lòng nhẹ nhõm. Chúng ta nhìn thấy sự chuyển hóa của tình yêu trong thơ tình Du Tử Lê, sự chuyển hóa từ khổ đau thành an ủi, từ tối đến sáng, từ hao mòn thành vĩnh viễn, từ hận thù thành tha thứ, từ cái cuối cùng thành cái đầu tiên, tức là sự trở lại rực rỡ hơn, của đời sống.
(viết nhân thất tuần Du Tử Lê, 11. 2019)
(*) "Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn", p. 55- 71, NXB Tự lực bookstore, 2007