Anh tài xế tắc xi đón tôi trước phi trường Vigo vào lúc xế chiều và đưa tôi về khách sạn. Sau khi đưa căn cước cho cô ngồi sau quày tiếp khách xác nhận, cô đưa tôi thẻ khoá và số phòng của tầng một. Anh tài xế tắc xi coi như xong nhiện vụ, anh day qua vui vẻ bắt tay giã từ và hẹn tám giờ sáng ngày mai anh tới chở tôi xuống tàu. Tôi lên phòng tắm rửa, thay áo quần xong, rồi đi xuống, định đi ra phố. Vừa ra khỏi thang máy liền gặp một anh nhân viên khách sạn đứng trước cửa, chào tôi và lịch sự đưa hai tay, khom người ra dấu mời tôi vô phòng ăn. Đã quen với cảnh ăn búp phê, ngủ khách sạn, tôi cũng không lạ gì mấy cái khách sạn do công ty đài thọ, nếu không tự bỏ tiền túi ra thì khó mà chọn được thức ăn cho vừa miệng, biết vậy nên tôi chẳng cần hỏi họ có đặt phần ăn cho tôi không. Nhưng thấy anh nhân viên vui vẻ cười chào, tôi bèn quẹo vô xem thử, chỗ để thức ăn cũng chỉ mấy món bánh mì, bơ, mứt trái cây, đồ uống có trà, cà phê và nước trái cây. Tôi đi rảo một vòng rồi dừng lại máy pha cà phê, bỏ tiền vô bấm lấy một tách cà phê đứng uống và móc túi lấy điện thoại, nhìn đồng hồ, mới hơn bốn giờ chiều, cũng còn sớm. Tôi uống cạn tách cà phê, để tách lên bàn rồi bước ra đường.
Tôi đứng trước cửa khách sạn, mở điện thoại bấm xem bản đồ, thấy một con đường chỉ đi thẳng tới trung tâm gần hơn con đường dọc bờ sông. Tôi lưỡng lự một chút rồi quyết định men theo con đường dọc bờ sông, tuy đường hơi xa nhưng tôi thích cảnh bờ sông vì sông lúc nào cũng đẹp và ít ồn ào hơn trên đường phố, nhứt là những dòng sông nằm dưới chân núi.
Tôi có thói quen hễ mỗi lần tới một địa danh nào, thời gian rảnh tôi dành hết cho ngoài đường, đối với tôi thời gian lang thang ngoài trời là bác sĩ chữa lành mọi bịnh tật, hơn nữa đi bộ giữa thế giới tự do và không gian mở rộng cũng là bậc thầy tuyệt vời nhất về tinh thần, nó cho ta có thời gian để suy ngẫm về cuộc sống, sắp xếp lại nội tâm cho hoà hợp với cảnh đẹp hào phóng của thiên nhiên. Ở trên tàu tụi nhỏ không hiểu được ý nghĩ của tôi, chúng cho tôi là ông già hà tiện. Nhiều lần mấy đứa ngồi trong tắc xi, thấy tôi đi bộ bên đường, chúng kêu tắc xi dừng lại rồi hai đứa nhào xuống xốc nách rinh tôi nhét vô xe, muốn cho tôi đi tắc xi mà giống như cảnh sát bắt tội phạm vậy. Phần đông người trẻ ngày nay xem chuyện đi bộ là một cực hình, chúng làm việc với màn ảnh vi tính, chuyện gì cũng muốn cho mau xong. Còn đi thì như chạy và ngại con đường, đoạn đường đi bộ chừng mười lăm, hai mươi phút đối với chúng cũng đã dài lắm rồi, phải gọi tắc xi mới được.
Vigo là một thị xã ven biển thuộc vương quốc Tây Ban Nha và nằm day mặt ra Đại Tây Dương. Vào mùa thu trời chiều lành lạnh, tôi bận chiếc áo lót bên trong áo sơ mi và khoác chiếc áo len bên ngoài cho phù hợp với khí hậu miệt này. Tôi đi bên bờ sông có nhiều cây xanh và bông hoa nhiều màu sắc, dưới dòng sông tàu bè xuôi ngược, bên trên là dãy núi đồi thâm thấp. Trong khuôn viên, những cây cổ thụ buông tàn lá xanh um và cùng dãy phố đứng sừng sững day mặt ra bờ sông, nơi có bến cảng cho những du thuyền từ bốn phương tới đậu. Trong không khí man mác và cái ánh nắng hanh vàng như tô điểm sắc màu cho buổi chiều thêm phần rực rỡ.
Đi giữa khu phố thoai thoải dốc lên, dốc xuống và chung quanh bao bọc những ngọn đồi thấp làm cho tôi có cảm giác như đi trong những phố núi trên vùng Cao Nguyên ở Việt Nam. Có lẽ hôm nay tôi nhớ về miền cao, vì hồi sáng khi sắp lên đường, tôi có nhận tin của người bạn trẻ ở Tây Nguyên, cậu ta nhắn vài dòng và mấy câu thơ:
“Tặng anh mấy câu thơ hoa dã quỳ, anh đọc lên cho nhớ nước, nhớ non chơi:
Em là hoàng hậu Tây Nguyên
bông dã quỳ
mà anh yêu tha thiết
em rung rinh đong đưa trong sương lạnh
sao vẫn ấm nồng trong trái tim anh
Cậu ta viết tiếp:
Tây Nguyên-Việt Nam mình giờ là mùa cà phê chín và hoa dã quỳ nở rộ rồi đó anh. Anh đi nhiều và thấy nhiều cảnh lạ, nhưng chắc không nơi nào đẹp bằng quê hương mình phải không anh?”
Không hiểu sao những ngày đầu lang bạt, tôi chỉ có cái radio bằng bàn tay, mang tiếng loại radio bắt được các đài trên thế giới nhưng thật ra là tùy vùng, tùy lúc, những lúc tàu ra khơi thì không nghe được gì hết. Ngày hai mươi bốn giờ, nếu đi bên vùng Châu Á, thì nghe được vài giờ của mấy đài nước ngoài phát tiếng Việt, còn qua Phi Châu hay Nam Mỹ, có khi cả năm chẳng nghe, chẳng biết gì về tin tức quê nhà. Ấy vậy mà trong lòng tôi lại luôn canh cánh nhớ về quê hương sông nước, biển đảo, đồng bằng cho tới núi non Đại Ngàn của miền cao nước Việt, dạo đó tôi thấy quê hương tôi nơi nào cũng đẹp, không nơi nào trên trái đất này sánh bằng và nỗi nhớ, niềm thương triền miên làm tôi mất ngủ. Còn bây giờ thì tin tức, ca nhạc, thơ văn đều ở trong điện thoại thông minh, nằm gọn trong lòng bàn tay, muốn biết bất cứ thứ gì thì chỉ cần mở ra bấm, quẹt vài cái là nghe và đọc được hết những chuyện gì đã xảy ra trên vũ trụ hành tinh này. Nhứt là qua những người bạn trẻ mà tôi biết rất nhiều chuyện đất nước Việt Nam, từ chuyện trộm cắp, cho vay nặng lãi, giết người cướp của, hiếp dâm, buôn người cho tới chuyện quốc gia đại sự, chuyện ngàn đời trên nước Việt Nam với những tham quan hại người cướp của và cũng tự họ thanh toán lẫn nhau. Chuyện nhỏ, chuyện to, chuyện phóng đại, chuyện tào lao, chuyện nào cũng có trên mạng nhưng sao tôi có cảm giác nó xa lạ, hổng dính líu gì tới tôi hết. Có lẽ tuổi tác tôi đã cao, mà cũng có lẽ vì cả đời tôi nghe và chứng khiến sự dối trá của thế nhân quá nhiều nên tâm thức tôi không cho phép tôi suy nghĩ lung tung. Tôi để dành thời gian cho trí óc được nghỉ ngơi, nghỉ ngơi chớ hổng phải nghĩ ngợi. Chiều nay nhờ người bạn trẻ, cậu ấy là một nhà thơ, gợi lại tâm trí tôi về miền đất Tây Nguyên nơi thiên nhiên phong phú có phố núi, có hoa dã quỳ màu vàng giống như hoa hướng dương, mỗi năm vào mùa đông ở Việt Nam, tức là đầu mùa thu Âu Châu, khắp vùng Cao Nguyên hoa dã quỳ vàng rực.
Tôi bèn đi tới một băng đá trong khuôn viên, ngồi xuống. Sau khi hơi thở đều hoà, tôi moi óc, lục lạo coi trong đó có còn nhớ thêm được chút gì về miền Tây Nguyên nữa không. Lần theo tin nhắn của nhà thơ và tình cờ ngồi ở giữa phố núi quê người, tôi nhớ lại được nơi miền cao quê hương tôi bây giờ là mùa cà phê chín đỏ, theo nhà thơ trẻ là gia đình cậu ta cùng nhiều gia đình khác, còn được cái may mắn của những người trồng cà phê, tuy không khá giả nhưng còn có thu hoạch mỗi mùa. Cũng ở Tây Nguyên có một xã nhờ trồng tiêu mà giàu có, trước đó không lâu, cả xã nhà cửa bình thường, phải nói là xập xệ, bỗng chốc biệt thự mọc lên như nấm mọc sau mưa, nên người ta đặt cho đó là xã Tỷ Phú Hồ Tiêu. Được đâu vài năm những vườn tiêu bị bịnh và chết sạch, cả xã lâm cảnh nợ nần bủa vây đành phải bỏ nhà, bỏ đất, lìa quê, trốn nợ làm người tha phương cầu thực. Bây giờ vườn tiêu chỉ còn những trụ cột dành cho giây tiêu leo bằng xi măng trơ trọi trong đám cỏ dại và nhiều ngôi biệt thự không có người ở, nằm lạnh lẽo giữa những cây cối um tùm trông như những toà lâu đài hoang trong truyện cổ tích. Xã Tỷ Phú Hồ Tiêu bây giờ có thể gọi là xã Tiêu Điều cũng được.
Xã Tỷ Phú Hồ Tiêu Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông thời huy hoàng
Tôi đứng lên rời băng đá và đi tiếp lên con đường hướng về trung tâm. Nhưng trong đầu tôi lởn vởn câu hỏi của người bạn trẻ: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương mình phải không anh?” Trước kia nghe câu này tôi liền hô “Yes” hoặc “Right”. Nhưng sau khi về thăm quê hương chứng kiến sự đổi thay không còn dấu vết thì những ý nghĩ thường tình đã biến mất trong tâm trí tôi luôn. Tôi lưỡng lự, chưa biết trả lời sao, nếu tôi trả lời thẳng e rằng nhà thơ hiểu lầm rồi cho tôi là một tên mất gốc, bội nghĩa vong ân. Trong lúc tôi còn vu vơ suy nghĩ để tìm câu trả lời, thì chợt thấy trong một hẻm nhỏ có mái che bằng kiếng và nhiều người ngồi ăn uống bên những chiếc bàn xếp đặt cạnh nhau trên đường. Tò mò tôi men vô xem, thì ra những hàng ăn treo bảng hiệu furanchos bằng tấm bản gỗ, hai bên trước cửa nhà hàng bàn ghế lấn ra lề đường chỉ chừa lại lối đi hẹp. Ở Tây Ban Nha thường có những ngôi nhà mang tên furanchos, nơi đây bán thức ăn truyền thống của gia đình tự chế biến và rượu nho cũng tự ủ để gia đình uống, họ uống không hết mới đem ra bán lại, nối tiếp nhau đời này qua đời khác cả mấy trăm năm, riết rồi thành tập quán, về sau nó nổi tiếng được bảo tồn và được công nhận văn hoá ẩm thực để phổ biến cho khách du lịch đến nước này. Dọc theo lối đi có vài chiếc bàn dành cho những người đàn bà bán hàu, những con hàu tươi sống được các bà cạo rửa sạch sẽ và tách ra để trưng bày trên dĩa trông hấp dẫn vô cùng. Những gian bán hàu trông riêng lẻ, nhưng thật ra họ có liên hệ với các nhà hàng, khách mua một dĩa hàu có thể ngồi vào bàn tại một trong những nhà hàng nào cũng được. Trong nhà hàng bán rượu tự ủ và những món ăn khác truyền thống khác. Bây giờ mới đầu mùa thu, khách du lịch còn rất đông, nghe họ nói tiếng Anh, tôi ngờ rằng những thực khách ngồi trong đây, họ đến từ những chiếc thuyền buồm đậu dưới bến sông kia. Số thực khách ngồi trong dãy quán hơi đông nhưng không ồn ào và không chật chội lắm, trông mấy chị bán hàu cũng thảnh thơi. Tôi nhìn giá những dĩa hàu mỗi dĩa tám con, con nhỏ giá mười tám euro, con lớn hai mươi lăm euro. Tuy Vigo nổi tiếng hàu tươi và ngon nhất, không biết có “ngon nhất” như quảng cáo không, nhưng nhìn dĩa hàu tươi, sống được tách ra trong và trắng kèm theo trái chanh chẻ đôi để trong dĩa thấy hấp dẫn lắm, nhìn là muốn ăn ngay. Có lẽ thực khách ăn hàu để khai vị với rượu trắng chơi thôi, thường thì bàn nào tôi cũng thấy ngoài đồ biển ra cũng có các món thịt, cá, tôm, cua lẫn lộn trên bàn.
Tôi nhìn đồng hồ đã hơn sáu giờ chiều, vậy là ăn chiều được rồi. Tôi trờ tới một chiếc bàn trống trước một nhà hàng ngồi xuống chiếc ghế. Anh phục vụ đem menu ra đưa tôi và hỏi tôi uống gì.Tôi nói anh chờ tôi xem menu trước. Anh ta gật đầu đồng ý và đi trở vô trong làm gì đó. Tôi mở menu ra xem, phải nói là ở Tây Ban Nha đồ biển rất phong phú, mỗi vùng biển có vài loài tôm, cá khác nhau. Nhà hàng hải sản nơi đây họ chế biến đồ biển trông bắt mắt và lại rất ngon, nói theo ngôn ngữ bình dân của người miền Tây Nam Việt là:
– Ngon bá chấy!
Từ Địa Trung Hải ra Đại Tây Dương, nếu muốn biết vùng biển đó có loại hải sản nào thì chỉ cần gọi một dĩa mariscada. Trước khi ăn, ví von một chút cho vui, ngồi nhìn dĩa mariscada ta tha hồ mà tưởng tượng ra hải sản ở nơi đó có những loài gì và có thể hình dung dưới biển có các loài thủy tộc như tôm thẻ, tôm hùm, mực nang, mực ống và loài cá nhiều màu sắc đang bơi lội hoặc những loại nghiêu, sò, ốc, hến, chem chép trầm mình phía dưới lòng đất, cát của đáy biển cạn và sâu. Thực đơn đầy đủ giá từ năm chục tới một trăm euro, nhưng bụng tôi không đủ đói để tiêu thụ hết. Cuối cùng tôi chọn mấy món đơn lẻ, chiều rồi tôi không dám ăn hàu vì cái bụng tôi không được tốt lắm, bạch tuộc và tôm thẻ luộc cũng khá hấp dẫn nhưng tôi không thể ăn hết một lần ba bốn món. Tôi gọi anh bồi bàn lại và chọn món mực nhỏ chiên dòn (chipirones) ăn kèm bánh mì và một ly rượu nho trắng. Bao nhiêu đó cũng đủ cho tôi lấp đầy bao tử buổi chiều nay và thưởng thức được hương vị của miệt biển Vigo này.
Tôi có thói quen, hễ mỗi tới một nơi lạ, tôi thích tìm hiểu thức ăn nơi đó hơn. Ngoại trừ đi chung với bạn bè, kêu một mâm mariscada ra cho họ ăn, riêng tôi thì nhấm nháp rượu và để ý tới hương vị của từng món hơn là chuyện ăn nhiều hoặc ăn cho đã. Ngồi vừa nhâm nhi rượu vừa nhìn người ta ăn uống cũng thấy hay hay. Bỗng trong đầu tôi nảy ra câu trả lời cho cậu nhà thơ trẻ bên quê nhà. Tôi bèn móc điện thoại ra và bấm trả lời câu hỏi của người bạn thơ: “Cũng như sự biến đổi trong tự nhiên ta có thể đem ra so sánh với mùa xuân xuất hiện hoa, bướm, cỏ cây, chim muông tất cả với sắc màu tươi trẻ, tới mùa hè vui tươi hớn hở, mùa thu thì buồn vui tùy cảnh ngộ và cuối cùng tất cả tàn lụi theo mùa đông. Mùa đông chim bay xa tìm nắng ấm và bướm đã chết, lá hoa cây cỏ tiêu điều. Hoa dã quỳ ở quê hương ta vậy, vào cuối đông trên quê hương ta, nó sẽ tàn phai rồi đầu mùa đông năm sau nó sẽ trở lại. Cái quê hương mà ta đã thấy nó cũng như mọi vật trên đời, nó cứ xoay vần, thay đổi và biến mất theo thời gian. Nhưng con người không chấp nhận sự thay đổi nên lòng luôn bất an và tâm thức không bao giờ được yên nghỉ. Có khi nào cậu nghĩ trong lòng mỗi con người chúng ta còn có một quê hương rất thanh bình, nơi có nhiều hoa thơn cỏ lạ và đẹp vô cùng. Có thể nói rằng trên trái đất này không còn có một quê hương nào khác đẹp hơn.”
Sines 20.12.2019