Trọng dịp trở về cố hương dự Festival Huế, nhà thơ có bút danh TRẦN KINH THƯỢNG có tặng tôi tập thơ “ Khúc Tình Phố Núi”. Anh tên thật là Trần Văn Hòa– cử nhân vật lý ĐHSP Huế, hiện sống và dạy học tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thơ anh đã được công bố trên nhiều tạp chí văn học.
Tác phẩm đã in: Nhớ Huế xưa 2009
-Em và tôi 2015
-Khúc tình phố núi 2016 ( Nhà xuất bản Thuận Hóa)
Trong quá trình giảng dạy với vai trò là thầy giáo bộ môn vật lý, ngoài thời gian của công việc chuyên môn lúc có thời gian rảnh niềm yêu thích thi ca đã thôi thúc anh đến với sáng tác như một cuộc dao chơi với thi ca. Anh khiêm tốn chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ cả. Anh nói rằng: "Tôi chỉ là người yêu thơ và ghi lại những cảm xúc của mình với cuộc đời. "
Tôi nhận thấy thơ anh là những dòng tâm trạng, những cảm xúc thể hiện qua ngôn từ giản dị mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành đã đưa nhiều độc giả trong đó có tôi đọc từ bài đầu cho đến bài cuối của tập thơ một cách thú vị.
Có thể nói đề tài tình yêu chiếm tỷ lệ khá lớn trong các sáng tác của anh.Thơ tình của anh rất lãng mạn và đắm say. Anh viết về mối tình một thời áo trắng thật đẹp:
-“ Em xuôi phố chợ xuống chi lăng
Thả tà lụa trắng đến vĩnh hằng
Gót son Tôn Nữ ngày xưa ấy
Gõ nhịp thất thần tôi tháng năm"
(Áo tím Ngự Viên)
Tình yêu muôn đời vẫn vậy không riêng gì tác giả.Thơ tình của anh vì thế chứa đủ cung bậc những ngọt ngào pha lẫn đắng cay của những dang dở chia xa với giai điệu man mác buồn. Mối tình đầu bao giờ cũng vậy rất ngọt ngào mà cũng lắm đắng cay.Những kỷ niệm êm đềm trong ký ức không thể phai mờ.
-“Em đi rồi sao còn để lại
Nỗi nhớ trong tôi em có hay
Nỗi buồn lặng lẽ mang đến lớp
Tôi đã nhận ra tôi mất em”
(Lục bát thu)
Những câu thơ nói về tình yêu thoáng chút ngậm ngùi của những chất chứa thương mong và day dứt không nguôi:
-“Mai ta về tạ từ em lần cuối
Thăm giảng đường nhớ một thời nông nổi"
( Mai ta về)
Kỷ niệm nào trong buổi chia ly cũng xót xa và buồn cho cả người ra đi và người ở lại.
-"Trong đáy cốc thấy môi em mím chặt
Giọt lệ buồn em nghe chuyện đời tôi"
( Mai ta về)
Thơ anh phần lớn là thơ tự do. Hầu như anh không đặt nặng niêm luật và các ràng buộc của các thể thơ bởi vì anh quan niệm là anh không làm thơ mà chỉ là nhờ câu chữ chuyển tải cảm xúc của mình trước tình yêu và cuộc sống. Sống xa quê anh có những nỗi niềm riêng với Huế với người thương xứ Huế một thời đã qua vì thế những vần thơ anh dành cho Huế rất thiết tha và nồng thắm.
_”Anh dắt em leo đỉnh núi Ngự Bình
Nghe thông hát để lòng thanh tịnh
Thăm lại hoàng cung đền đài lăng tẩm
Xuống bến đò Thừa Phủ qua sông".
( Hẹn cùng em về thăm Huế)
-“Lâu lắm tôi về Huế đón tôi
Phố mới lênh loang chiều nắng hạ
Ngơ ngẩn cánh đồng làng quê mạ
Quay trở về vịn lấy ký ức xa.”
-"Trăn trở ruộng vườn đêm thao thức
Lục tìm ký ức tuổi mười lăm
Con đường cùng nhỏ xưa đi học
Nhớ buổi trưa hè tắm mua dông"
Vâng! Giản dị thôi, hình ảnh một chiều nắng hạ, một cánh đồng làng, con đường đi học, một buổi trưa hè tắm mưa dông…tất cả đã trở thành kỷ niệm gắn bó với tuổi thơ của tác giả để làm hành trang mang theo trong dặm đường lữ thứ.
Thỉnh thoảng anh cũng có những bài thơ làm theo thể thơ truyền thống. Những câu thơ lục bát của anh khá mượt mà và sâu lắng:
-"Ta về mang cả nụ cười
Trôi theo nỗi nhớ đầy vơi nỗi buồn"
( Lục bát thu)
-« Lặng thinh…sỏi đá …em cười
Lạ chưa khao khát bao lời yêu thương”
Những vần thơ của anh phải nói là giàu hình ảnh, gợi tả, gợi cảm và vì thế dễ đi vào lòng người.
-"Từng hạt mưa bay nghiêng vào đôi mắt
Em khóc chiều tiễn biệt một người dưng
Anh phố Thượng nghiêng lòng lữ thữ
Vuốt mặt mình nghe gió rưng rưng"
( Gói nổi buồn thả về phía không em )
Buổi chia tay với người thương trong cảnh trời mưa. Giọt mưa bay nghiêng hay giọt nước mắt em? khóc cho mối tình dang dở buổi chia xa. Anh phải đi tới một chân trời mới với công việc mới. Anh cũng rơi nước mắt qua hình ảnh: "vuốt mặt mình nghe gió rưng rưng" mà nghe gió cũng rưng rưng như tiếng lòng thổn thức.
Năm 1973 -1974 anh đã là sinh viên trường Y thuộc ĐH Y Khoa Huế.Cuộc đời luôn có những thăng trầm ngoài ý muốn. Lẽ ra anh là bác sỹ chữa bệnh cứu người chứ không phải là thầy giáo bộ môn vật lý.Nhưng âu cũng là số phận, thầy thuốc hay thầy giáo thì nhiệm vụ nào cũng cao quý cả. Mặc dù tuổi trẻ thì luôn chọn những ước mơ hoài bão nhưng do thời thế đôi khi ước nguyện lại không thành do yếu tố khách quan. Buổi giao thời có những thiệt thòi mất mát không chỉ riêng anh.(Tôi rất hiểu điều này vì người thân của tôi cũng từng bị những phủ phàng của thực tế giai đoạn lịch sử này như anh) vì thế có những bài thơ của anh phản án tâm trạng về những thiệt thòi mất mát đã qua đầy nỗi ưu tư.
Anh rời quê hương Thừa Thiên Huế để làm nhiệm vụ của thanh niên xung kích xây dựng vùng kinh tế mới Hương Lâm trước khi anh cầm phấn giảng bài trên bục giảng anh cũng đau đáu với ơn nghĩa sinh thành chưa đền đáp:
-"Xa xa là núi trước mặt là sông
Đã mấy mùa trăng chưa về thăm mẹ
…
Đêm nằm thao thức nhớ cha thương mạ
Bài hát quê mình sao da diết thấm sâu"
( Nhớ mẹ)
Tác giả dành những câu thơ thành kính, cảm động để nói với thân sinh lúc tuổi già bóng xế sức khỏe xuống dần khi tuổi tác càng cao.
-"Gần tám tư cha bị cơn đột quỵ
Con sợ chiều tàn – con sợ lúc ở xa
Nhìn đôi tay tê cứng của tuổi già
Đôi chân khỏe ngày nào giờ tê dại"
Cuộc đời lữ thứ đậm chất phong sương của tác giả thể hiện qua các câu thơ mà ở đó ta cũng thấy được duyên thơ đã đến với một cách rất tự nhiên "chỉ là lạc lối vườn thơ "
"Tôi trốn chạy của đời phận bạc
Đôi chân trần lạc lối vườn thơ
Cứ trượt dốc trên đỉnh đồi sỏi đá
Bước chân trần mong tìm chốn an nhiên"
(Mặt trời với chốn an nhiên)
Vâng có lẽ “chốn an nhiên” anh đã tìm thấy trong góc thơ yên bình giữa bộn bề cuộc sống!
Anh viết về nối đau nhân tình thế thái đầy băn khoăn trăn trở. Chúng ta hãy đến với chia sẻ của anh. Vâng ai cũng vậy tránh sao khỏi nhưng thiệt thòi mất mát của phận người giữa biển đời nhân thế.
“Sáng xuống núi xin làm giọt nắng
Sưởi ấm hồn tôi khắc khoải cơn đau
Ừ thì thôi chút tình còn vương dại
Treo mắt buồn thêm chút nắng xa”
Vượt lên trên thực tế đôi khi còn đâu đó chút phủ phàng của cuộc sống anh xem như sự an bài đầy lạc quan. Ánh mắt có buồn nhưng hi vọng phía chân trời vẫn còn tia nắng ấm đang lên và ngày mai sẽ khác, sẽ lại đẹp hơn ngày hôm nay.
Thơ anh nhìn chung là những vần thơ trữ tình nhẹ nhàng buồn, sâu lắng lãng mạn và không kém phần tha thiết với tình đời, tình người. Đọc những bài thơ như bài : “ MAI TA VỀ”, M VÀTÔI, ĐÀ LẠT KHÔNG CÓ EM ta thấy rõ tác giả có dụng ý tìm tòi sáng tạo đổi mới trong sáng tác: về tứ thơ, về hình thức thể hiện. Phần lớn anh chọn thể thơ tự do để diễn đạt phong phú phù hợp với những cung bậc tình cảm. Anh viết thơ bát ngôn, thất ngôn, ngũ ngôn..Có những bài thơ với những câu thơ dài ngắn khác nhau: năm chữ, bốn chữ , ba chữ làm phong phú thêm cách diễn đạt người đọc vẫn chấp nhận được bởi câu thơ có hình ảnh và có cảm xúc.
"Mai ta về say cùng bè bạn
Bên căn nhà cỏ lợp"
( Mai ta về)
Hoặc: "Chiều phố núi một mình
Loanh quanh chân sương trắng
Cuối nhánh đường
Giọt nắng rũ vàng
chiều bâng quơ "
Những bài thơ ra đời càng về sau càng hay hơn trước, dạt dào sâu lắng lôi cuốn hơn. Xin trích dẫn những câu thơ mượt mà anh vừa mới gửi qua thư điện tử cho tôi sáng nay (7/7/2018) trước khi anh công bố trên facebook.
"Đêm nay buồn vắng không tên
Trông mây vương nhẹ lưng miền trăng sao
Hạ buồn...một giấc mơ cao
Để anh dệt mộng đan vào vườn thơ
Bây chừ trăng đã xa mờ
Anh bên ngõ vắng ru lời hạ yêu
Vu vơ với hạ cuối chiều
Anh đem nhuộm tím lời yêu nồng nàn
Gom chiều, đem giấu thời gian
Cột vầng trăng mảnh với ngàn gió mây"
( VU VƠ CHIỀU CUỐI HẠ)
Cuộc sống muôn màu và tràn đầy ý nghĩa. Cảm ơn nhà thơ đã biết chắt lọc cảm xúc để đưa cái đẹp từ cuộc sống vào thơ. Những vần thơ đầy tình tình đời, tình người để cuộc sống tình thần thêm phong phú. Con người sẽ hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn qua hình tượng thơ. Ở đâu có cuộc sống, ở đó có thi ca. (Tsec-nư-sep-xki)Nga
Như chúng ta đã biết: Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt giàu tính nhạc và giàu hình ảnh gợi cảm...thơ lại sử dụng ngôn từ làm chất liệu song sức gợi mở của nó lại dồi dào, mạnh mẽ. Những vần thơ tác động vào liên tưởng của con người và khơi dậy những cảm nhận về màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, giai điệu.
Thơ Trần Kinh Thượng phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm). "Thi trung hữu họa" và đây là những câu thơ giàu hình ảnh của anh: -"Ngày anh đi áo trắng nhuộm màu đất
Trung tre rừng không xóa được niềm đau
Còn đâu nữa nắng hàng cau thôn Vỹ
Hoa bắp lay tiễn biệt tuổi học trò"
Những câu thơ gợi cho người đọc một bức tranh Hình ảnh cậu thư sinh ngày nào với « áo trắng » bây chừ đã nhuốm màu sượng gió « Nhuộm màu đất ». hình ảnh bờ tre , khóm trúc thật đẹp thật êm đềm có xạc xào trong gió cũng cũng không làm vơi đi nỗi buồn chia xa của tác giả .HÌnh ảnh hàng cau Thôn Vỹ dưới anh nắng vàng hay hoa bắp lay trong gió. Anh đã biết vận dụng kế thừa và sáng tạo từ thi ca truyền thống để nói đến điều rất riêng của mình.
Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm của tác giả mang màu sắc của cảm xúc và trí tưởng tượng phong phú...
Nói về "thi trung hữu nhạc" anh cũng đã có những câu thơ có tính nhạc. Cảm xúc biểu lộ ở thanh điệu, nhịp điệu của lời nói (ngôn từ).Tuy chưa nhiều.Tính nhạc là đặc thù cơ bản của việc phô diễn tình cảm. Âm thanh và nhịp điệu làm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không thể nói hết. Nhạc điệu trong thơ thể hiện nhịp vận động của đời sống, của nhịp đập trái tim, bước đi của tình cảm.Vì vậy tôi cũng mạo muội muốn anh tăng cường thêm tính nhạc trong thơ. Độc giả thì luôn cũng có những đòi hỏi khi đọc thơ, thơ hay rồi còn muốn hay hơn! Đa số ngôn từ tác giả dùng để diễn đạt là giản dị, dễ hiểu. Có số ít từ ngữ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày thuộc về phương ngữ mong tác giả có thể lưu ý chọn lọc để diễn đạt phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn!
Anh không nhận mình là nhà thơ nhưng rõ ràng thi phẩm của anh giàu hình tượng. Anh đã dụng công chắt lọc cảm xúc và tìm hình thức thể hiện để làm ra những bài thơ tâm đắc dạt dào cảm xúc, rất ấn tượng và lôi cuốn độc giả biết đến và đón nhận.
Đọc tập thơ KHÚC TÌNH PHỐ NÚI tôi nhận thấy tác giả Trần Kinh Thượng đã gửi gắm lòng mình vào trang thơ với những câu thơ giàu cảm xúc rất thực, rất tự nhiên giản dị mà chân thành. Xin chúc anh luôn có những sáng tác mới để tiếp tục đưa đến cho độc giả tiếng lòng đầy thi vị để thêm yêu cuộc sống này.
Thành phố Huế, ngày 7/7/2018