Mùa ôn thi đại học, các lò luyện đưa ra những lời chào mời hấp dẫn còn hơn thuốc dán của mấy ông Sơn Đông mãi võ. Trong lúc tôi đang phân vân thì nhỏ Thanh đến rủ đi luyện thi chỗ ông giáo già ở gần nhà nó. Thanh nói năm trước chị nó nhờ luyện ở đây mà thi đậu đại học Y khoa. Tôi đồng ý với suy nghĩ là cứ vào luyện vài ngày thử xem sao. Nhà có hai chị em gái, hai năm trước chị Hạnh tôi thi đậu vào trường đại học Tài chánh kế toán với số điểm cao. Khổ cho thân tôi, ba má xem đó như một tiêu chuẩn mà tôi phải vượt qua ngay trong năm nay, khiến tôi cảm thấy căng thẳng quá trời !
Tuần lễ đầu, tôi thấy hình như ông giáo này luyện thi cho học sinh mà không phải vì tiền. Ông không lập danh sách học sinh, không qui định ngày đóng tiền, ai muốn vào học thì vào, muốn ra thì ra ông không hề quan tâm. Sau đó nhỏ Thanh còn khẳng định là luyện thi chỗ này khỏi lo vụ tiền bạc. Ai có thì đóng, không có thì thôi, nhiều đứa không có tiền, đem lại cho ông thầy vài ký gạo, cũng xong.
Những hôm đến trước giờ, tôi thấy ông thầy mặc chiếc áo màu nâu, quì gối trước bàn thờ Phật gõ mõ tụng kinh. ( Nhỏ Thanh nói là ông tụng để cầu cho học trò của ông thi đậu vào đại học? ) Giọng tụng của ông đều đều nghe buồn nhớ những chuyện xa xăm. Trên tủ thờ lúc nào cũng nghi ngút khói nhang, vẻ trang nghiêm trầm mặc ấy khiến tôi nghĩ ông là người khó tính. Nhưng khi tiếp xúc mới biết tính ông rất cởi mở và thân thiện với học trò.
Một hôm tôi đến sớm nhưng không thấy ông thầy tụng kinh. Đến giờ học cũng không thấy ông đâu. Mọi người chờ đợi. Hồi lâu thì một nam thanh niên dáng người cao ráo, gương mặt sáng sủa bước ra nói :" Hôm nay tía tôi bệnh, tôi sẽ thay thế. Nào, chúng ta bắt đầu vào học". Tôi hơi ngạc nhiên vì sự lịch lãm và tự tin của anh chàng còn trẻ tuổi này. Lúc đầu mọi người cứ lo anh ta không đủ khả năng thay thế ông giáo già đầy kinh nghiệm, nhưng rồi anh ta càng giảng càng thấy thích. Anh ta còn biết cách pha trò để làm thư giãn lớp học. Nhỏ Thanh ghé vào tai tôi nói nhỏ :" Anh chàng này tốt nghiệp đại học Bách khoa, hơn một năm qua chưa tìm được việc làm, ở nhà ăn bám ông giáo già." Tôi thầm nghĩ :" Sao con nhỏ này nó rành quá, chuyện gì của nhà ông giáo nó cũng biết." Đến giờ giải lao, anh thanh niên mới giới thiệu tên mình là Tân và tự bộc bạch với cả lớp bằng giọng nói có vẻ chán chường:" Mười hai năm cơm cha áo mẹ để lấy bằng tú tài, thêm năm năm lấy bằng đại học để rồi bây giờ ngồi nhà tiếp tục ăn bám đồng lương hưu còm cõi của ông giáo già. Hi vọng sau này đến lượt các anh chị ra trường sẽ gặp may mắn hơn tôi ".
Thấy cảnh anh ta khiến cả lớp ai nấy đều phát oải cho con đường tương lai của mình.
Vài hôm sau, nhỏ Thanh lại nói : Anh chàng Tân tìm được việc làm rồi, nhưng phải nộp hai cây vàng cho ông Giám đốc nào đó. Phải chung đủ hai cây người ta mới nhận. Ông thầy chạy qua mượn má tao một cây, còn một cây phải đi vay với lãi suất cao.
Nghe vậy tôi cũng lấy làm mừng vì hôm trước thấy anh ta có vẻ chán đời quá. Còn chuyện chung chi, hối lộ đại khái tôi cũng đã nghe nhiều rồi, nghe riết trở thành bình thường và chấp nhận được.
Mấy hôm sau nhỏ Thanh lại nói : Ông thầy vay người ta một cây vàng sợ đóng lời không nổi nên phải bán cái tủ thờ. Cái tủ xưa, cẩn xà cừ của ông bà qua đời để lại. Tội nghiệp ông thầy, ổng thương cái tủ dữ lắm. Hôm dọn bộ lư đồng, cái chuông, cái mõ trên bàn thờ xuống để giao cái tủ cho người ta, tao thấy ổng khóc. Lúc đó anh chàng Tân giọng đầy cay đắng nói với ông thầy :" Thôi, tía đừng khóc nữa ! Con thề với tía là con sẽ lấy lại gấp trăm gấp ngàn lần những gì tía bỏ ra hôm nay !" Nghe vậy ông thầy chỉ còn biết lắc đầu, gạt nước mắt.
Hôm sau đi học tôi thấy cái tủ thờ của ông thầy không còn, thay vào đó là cái bàn gỗ tạp, dưới bốn chân được kê thêm mấy viên gạch thẻ, tuy nhiên bên trên vẫn được bày biện một cách trang nghiêm, vẫn bộ lư đồng, cái chuông, cái mõ, vẫn khói hương nghi ngút.
Thắm thoát đã hai năm trôi qua. Bây giờ tôi đã là sinh viên đại học Y khoa. Chị Hạnh bước vào năm cuối của chương trình đại học và đang đi thực tập tại cơ quan do ba tôi làm Giám đốc để chuẩn bị cho luận án tốt nghiệp. Thấy chị Hạnh sắp ra trường tôi cũng nôn nao. Tôi ấp ủ trong lòng một tâm nguyện đến khi ra trường tìm được việc làm, tôi sẽ đền ơn ông thầy luyện thi cho tôi. Tôi sẽ giúp ông mua lại cái tủ thờ cẩn xà cừ còn đẹp hơn cái tủ mà ông ngậm ngùi gạt nước mắt lúc bán nó đi.
Chị Hạnh đi thực tập, cứ vài ba ngày thì trở về trường và lần nào cũng tạt qua ký túc xá thăm tôi . Lúc này chị có vẻ rất tươi tắn, hay nói hay cười, thích trang điểm, thích mua sắm quần áo mới. Là con gái với nhau, chẳng khó khăn gì tôi cũng đoán biết ra là chị đang yêu. Nhưng chị yêu ai thì tôi chưa vội gì hỏi. Một hôm, có lẽ không nén nổi hạnh phúc của mình, chị hỏi tôi bằng giọng vui vẻ :
- Bộ Thủy hổng thấy lúc này chị có gì lạ sao ?
- Có, em cũng đoán được phần nào rồi nhưng em muốn tự chị nói ra… anh ấy quê ở đâu, người như thế nào ?
Chỉ chờ có vậy, chị kể với tôi một cách say sưa về tình yêu và hạnh phúc của mình. Nào là anh ấy rất ga-lăng, lịch lãm và điển trai nữa. Nói chung là hai người rất hợp nhau. Anh ấy giỏi Anh văn, vi tính, có năng khiếu ngoại giao… Anh ấy giúp đỡ chị rất nhiều trong việc thu thập thông tin, tìm số liệu để hoàn thành bản luận án tốt nghiệp. Chị nói trong niềm lâng lâng hạnh phúc : Tối hôm qua anh ấy đã chính thức cầu hôn chị và tặng chị chiếc nhẫn thật xinh xắn. Chị đưa tay lên khoe chiếc nhẫn với tôi. Mặc dù tôi chưa yêu nhưng cũng cảm nhận được sự tuyệt diệu của tình yêu như thế nào qua ánh mắt long lanh của chị . Có điều khiến tôi thầm băn khoăn sao hai người quyết định mau lẹ quá vậy, và ba má tôi cũng chưa hay biết gì cả. Nhưng tôi cố nén nỗi lo dẫu sao cũng chỉ là mơ hồ ấy, để nói với chị một câu vui vẻ :
- Tuần sau chị về dưới cho em theo để biết mặt ảnh .
Chị dí ngón tay lên mũi tôi, nói :
- Đừng lo, ngày mơi ảnh lên thành phố công tác, sẽ ghé đây đãi chị em mình ăn kem- Chị cười khúc khích trong niềm hạnh phúc thật ngọt ngào.
Trưa hôm sau tôi với chị Hạnh ra cổng trường đón anh ấy. Đứng chờ chừng mười phút thì chiếc Mẹc- xi- đéc trờ tới đậu ngay trước mặt. Tôi nhận ra ngay chiếc xe màu cà phê sữa quen thuộc của ba tôi. Người từ trong xe bước ra khiến tôi giật mình vì đó không phải là ba tôi, mà là anh chàng Tân, con ông thầy giáo luyện thi đại học cho tôi từ hai năm trước ! Tân tươi cười hơn hớn bước đến nắm tay chị Hạnh đưa lên môi hôn một cách điệu nghệ, sau đó quay qua nghiêng mình chào tôi, khiến tôi hết sức lúng túng. Anh chàng này không nhận ra tôi, có lẽ bởi anh ta chỉ một lần giảng bài thay ông thầy, và lần đó tôi ngồi khuất phía sau tấm lưng to một vừng của nhỏ Thanh. Vậy cũng tốt, vì không ai nhận thấy sự lúng túng của tôi. Chị Hạnh hăm hở giới thiệu :
- Đây là anh Tân, trợ lý Giám đốc cho ba. Còn đây là Thủy, đứa em mà em thường nói với anh.
Tân ra vẻ ờ à vã lã. Tôi tìm cách nói khéo với chị Hạnh :
- Em ra đây để gặp cho biết mặt ảnh vậy cũng được rồi, bây giờ chị với ảnh đi chơi, em trở vô ôn bài. Ngày mơi thi rồi, việc học cần hơn .
Chị tin ngay và tỏ ra hài lòng về sự chăm chỉ học hành của tôi.
Cuộc gặp bất ngờ ban nãy làm tôi choáng váng. Không biết có phải hai năm trước chính ba tôi là người nhận Tân vào làm việc hay không ? Tôi rùng mình chợt nhớ lại lời thề của Tân trước ông thầy giáo già mặc dù chỉ nghe nhỏ Thanh nói lại. Anh ta vào làm việc chưa lâu mà đã lấy xe Giám đốc đi công tác, kể ra cũng giỏi lấy lòng thiệt ! Không biết ai đã tạo ra cái nhân quả trả vay vay trả này ! Ba tôi, chị tôi, tôi, hay còn ai nữa trên đời này đã nợ ông giáo già cái tủ thờ thiêng liêng ấy ! Để bây giờ khiến anh chàng Tân xuất hiện làm tôi lo canh cánh trong lòng về hạnh phúc của chị tôi như thế này!