Trong con người Nguyễn Công Trứ, ta thấy hiển thị hai mẫu nhà nho: nhà nho hành đạo và nhà nho hành lạc. Giai đoạn tại triều, Uy Viễn tướng quân là mẫu nhà nho “vẫy vùng” chí anh hùng, chí nam nhi, lập công để lập danh, để khẳng định tài năng và bản lĩnh cá nhân:
Đã mang thân ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
(Nợ tang bồng)
Năm 1848 (70 tuổi), Nguyễn Công Trứ xin lui về trí sĩ, an hưởng nhàn lạc, xem đó là sự tự thưởng sau khi đã hăng hái sống vì đời. Mười năm cuối đời có thể xem là giai đoạn đấng tài tử sống vì mình. Công danh nam tử đã vẹn thì đây là lúc “ông ngất ngưởng” hưởng lạc với “thơ túi rượu bầu”:
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
(Bài ca ngất ngưởng)
Vì thế, nếu giai đoạn bạch diện thư sinh, Nguyễn Công Trứ thường viết về đề tài cảnh nghèo, về thế tình thế thái, về cảnh nhàn (lý tưởng đề cao chữ nhàn đã có từ thời tác giả còn trẻ) thì thời “tài bộ vào lồng”, ông viết nhiều về nợ công danh, chí nam nhi, chí anh hùng, nhục vinh của kẻ sĩ. Còn lúc đã thoát vòng cương tỏa, bên cạnh vịnh cảnh nhàn và thú hành lạc, tác giả tiếp tục vịnh cảnh, vịnh tình, gọi nôm na là thơ tình cảm.
Nguyễn Công Trứ sáng tác chủ yếu chữ Nôm trên nhiều thể loại: phú, thơ Đường luật, hát nói. Đặc biệt, trên tiến trình văn học trung đại, ông được xem là người có đóng góp lớn cho sự định hình và phát triển của thể thơ hát nói. Thể hát nói đi suốt cuộc đời sáng tác của Nguyễn Công Trứ, nhưng có lẽ, thể thơ này thăng hoa nhất trong giai đoạn lão thần đã ra ngoài vòng cương tỏa, biết sống và dám sống với câu thơ, bầu rượu, cuộc cờ, tiếng đàn, tổ tôm, cô đầu:
Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề,
Có yến yến hường hường mới thú!
Khi đắc ý mắt đi mày lại,
Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng.
(Tài tình)
Qua thơ, ta thấy Nguyễn Công Trứ quan niệm trong các lối hành lạc thì hát ả đào hợp với người “tài tình”, “tài tử” nhất! Bởi trong cuộc chơi ấy, bậc phong lưu được cầm kỳ thi tửu, phô diễn tài cầm kỳ thi họa – những tài năng nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người.
Hát nói là một trong mấy chục điệu hát của ca trù (còn gọi là hát ả đào, hát nhà trò, hát nhà tơ,…). Riêng hát nói cũng có nhiều tên gọi (như nói nôm, hát quốc âm, bài ca quốc âm,…), phần lời thơ gọi là thơ hát nói (hoặc bài hát nói). Hấp lực để người ta sáng tác thơ hát nói là “đưa cho ca nương lên giọng hát đi với cung đàn, nhịp phách rồi chính mình cầm chầu thưởng thức văn của mình giữa chỗ trù nhân quảng tọa, trước chiếu rượu tưng bừng nhộn nhịp” (Nguyễn Văn Ngọc)(1).
Kết cấu một bài hát nói gồm 11 câu, chia ba khổ (còn gọi là trổ), trong đó khổ đầu và khổ giữa mỗi khổ 4 câu, khổ xếp (khổ cuối) 3 câu. Những bài thiếu khổ (thường thiếu khổ giữa) dưới 11 câu; những bài dôi khổ (thường dôi ở vị trí khổ đầu và khổ giữa) hơn 11 câu.
Một bài hát nói có thể chen vào những câu chữ Hán, thường là dòng thứ năm và thứ sáu (đầu khổ giữa). Số chữ trong câu khá tự do, từ 4 đến 20 chữ. Câu cuối cùng thường 6 chữ, để lại khá nhiều ý, tình.
Trước bài hát nói nếu có 2 hoặc 4 câu thơ lục bát, gọi là mưỡu tiền (hoặc mưỡu đầu), 2 câu gọi là mưỡu đơn, 4 câu gọi là mưỡu kép. Nếu thơ này nằm sau câu kết thì gọi là mưỡu hậu. Mưỡu tiền và mưỡu hậu không bắt buộc phải có trong một bài hát nói.
Về hiệp vần, thơ hát nói hiệp cả vần bằng lẫn vần trắc. Chữ cuối của dòng đầu tiên gieo vần trắc. Hai câu tiếp theo gieo vần bằng, hai dòng tiếp nữa là vần trắc theo kiểu gieo vần liên tiếp hai câu một, gieo cuối câu (vần chân) với sự luân phiên đều đặn hai vần bằng, hai vần trắc, hai vần bằng,…
Trong 81 bài thơ hát nói của Nguyễn Công Trứ hiện nay sao lục được(2), có một số lượng không ít những bài thơ “vịnh”. Trong những bài vịnh cảnh, ta thấy bức tứ bình bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Cùng với bài Xuân trong chùm thơ này, mùa xuân còn xuất hiện trong một số bài khác như Chơi xuân kẻo hết xuân đi (I, II), Ngày xuân, Chữ nhàn, Hành tàng, Trong trần mấy mặt làng chơi,…
Thơ hát nói về đề tài mùa xuân thể hiện khá rõ quan niệm nhân sinh và mỹ cảm của Nguyễn Công Trứ. Ông khích lệ người đời biết “chơi” xuân bởi “xuân ý” do trời đất ban cho, bởi ý xuân đẹp nhưng qua đi rất nhanh:
Lần lữa tiết xuân dương có mấy
Bóng quang âm chơi lấy kẻo già
(Trong trần mấy mặt làng chơi)
Vì vậy, Nguyễn Công Trứ thường dùng hoán dụ “ba vạn sáu ngàn ngày” hơn là hoán dụ “trăm năm” với hàm ý đời người ngắn ngủi, mỗi ngày xuân phải biết sống “phong lưu cho bõ kiếp người”, “kẻo hết xuân đi”, kẻo tiếc nuối:
Dẫu ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc
Xuân một khắc, dễ nghìn vàng khôn đổi chác
(Chơi xuân kẻo hết xuân đi, I)
Cảm hứng xuân trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ là cảm hứng xuân ở thời điểm xuân đang tới, mới tới:
Đầm ấm thuở tin xuân phút bắn
Khí phát sinh rải rác trên cành.
(Xuân)
Thảnh thơi thuở đông qua xuân đến
Ngấn hàn băng từng phiến tan không
Cỏ hoa muôn tía nghìn hồng
Trên tiệc mở câu thơ cùng chén rượu
(Ngày xuân)
Thậm chí, lạ thay, ngay cả khi vịnh mùa đông thì nhà thơ vẫn kết bằng những câu thơ báo tin xuân:
Phút tin xuân đã hé đầu cành
Đành hay âm cực dương sinh
(Đông)
Mùa xuân với hình, sắc, thanh, hương, khí đi vào thơ Nguyễn Công Trứ ở độ tỏa phát xôn xao, sắc xuân thanh tân, sức xuân động cựa:
Xuân sang hoa cỏ đua tươi
Khoe màu quốc sắc trẻ mùi thiên hương.
Đầm ấm thuở tin xuân phút bắn
Khí phát sinh rải rác trên cành.
Thử tập bay, bướm mới uốn mình,
Muốn học nói, oanh còn lựa tiếng.
Mái đông phong mày liễu xanh rì,
Buổi hòa hú khí trời êm ả
(Xuân)
Cái hoàng oanh xáo xác trên cành
Lơ thơ tơ liễu đương xanh
(Ngày xuân)
Đặc biệt, có nhiều lần, khách đa tình nhắc đến cái giá “nghìn vàng” của “một khắc xuân tiêu” (“xuân tiêu” là đêm xuân) rất gợi, nhất là gợi cảm:
Nghìn vàng một khắc xuân tiêu
(Xuân)
Một khắc xuân tiêu đáng mấy chăng
(Chữ nhàn)
Sự so sánh một khắc đêm xuân là nghìn vàng thể hiện triết lý hành lạc, “chơi” hết mình, “chơi” cho mình của bậc hưu quan đa tài không ngần ngại khẳng định cá tính sau khi đã sống một quãng đời “dọc ngang” dốc sức, dốc trí, dốc tâm hành đạo cho đời.
Những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ về đề tài mùa xuân rất ít bài viết đủ khổ (11 câu). Có lẽ, chỉ có 1 bài đủ khổ – bài Ngày xuân, còn lại là dôi khổ (13, 15, 17 câu). Mà phải dôi khổ như thế trong một thể thơ khá tự do như hát nói thì mới thể hiện hết sự phóng túng, tự do trong tư tưởng, bút pháp của người sáng tác.
Câu thơ ngắn dài linh hoạt nhưng câu cuối cùng của mỗi bài, ông Hy Văn Nguyễn Công Trứ luôn viết câu 6 chữ – một kết thúc bất ngờ, để lại nhiều dư âm, dư vị, dư ba:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
(Chơi xuân kẻo hết xuân đi, II)
Còn xuân mai lại còn hoa
(Hành tàng)
Lơ thơ tơ liễu đương xanh
(Ngày xuân)
Nghìn vàng một khắc xuân tiêu
(Xuân)
Và, những câu kết này luôn hiệp vần bằng với câu ngay phía trước thành một cặp vần bằng luân phiên từng cặp bằng - trắc rất nhịp nhàng và phóng khoáng. Như vậy, có thể nói, có một sự cộng hưởng đẹp đẽ, hài hòa giữa nội dung và hình thức trong thơ hát nói của nhà nho thị tài Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Công Trứ sáng tác vào cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX khi mà ý thức cá nhân chống đối chế độ phong kiến phi nhân bản phát triển rất mạnh mẽ. Người làm thơ văn ngoài nhiệt hứng của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa đang dấy lên còn có ý thức phá vỡ khuôn khổ chật chội, gò bó của những thể loại vay mượn đã mấy trăm năm. Bộ ba thể loại: truyện thơ Nôm - ngâm khúc - hát nói là những đỉnh cao của ý thức cách tân văn học dân tộc trong giai đoạn này. Nếu thể loại truyện thơ viết bằng thể thơ lục bát, thể loại ngâm khúc chủ yếu sáng tác bằng thơ song thất lục bát – hai thể thơ có sẵn – thì thơ hát nói (vừa là thể loại vừa là thể thơ) là một sáng tạo mới mẻ, độc đáo, thể hiện khát vọng đổi mới thơ ca dân tộc. Khi chúng ta biết rằng “hát nói là thể loại thơ ngắn duy nhất mà lịch sử văn học Việt Nam sáng tạo được” (Nguyễn Đức Mậu)(3) thì chúng ta mới hiểu hết tâm - tài của những nhà thơ tạo tác trên thể loại này.
Kho tàng hát nói đã ghi danh nhiều nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Bá Xuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tản Đà,… Trong đó, Nguyễn Công Trứ được vinh danh là “ông hoàng hát nói”!
-----------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1), (2), (3) Nguyễn Đức Mậu, Tuyển tập hát nói, NXB Đại học Vinh, 2018