Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.128
123.141.118
 
Biên bản thặng dư – một vẻ đẹp nhân văn
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

 

Cầm tập thơ “Biên bản thặng dư” do nhà thơ Phùng Hiệu gửi tặng, bất giác tôi tự hỏi: “Nghệ sỹ - anh là ai?”, sao anh có thể viết được những câu thơ hay đến như thế này: “Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu/ Khi dấu chân dẫm mòn tuổi tác/ Và năm tháng rót dần khô cạn/ Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn… Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra/ Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột” (Quét rác). Hiện thực trần trụi đã xuất hiện trong thơ anh, không mĩ miều, không ngợi ca, mà như những trang đời trên mỗi trang thơ. Người đọc hẳn còn nhớ “tiếng chổi tre” trong thơ Tố Hữu, nhưng tiếng chổi tre đó còn lãng mạn và thi vị lắm; với cái nhìn của thi sĩ Phùng Hiệu chuyện quét rác tuần hoàn không đổi, bởi: “Chị quét cả đời nhưng rác mãi phát sinh”.

 

“Nghệ sỹ - anh là ai?” - là người sáng tạo các giá trị thẩm mĩ, trước hết là cái đẹp. Nghệ sỹ lao động tự nguyện, đam mê sáng tạo ra tác phẩm, và tác phẩm chứa đựng tình yêu, niềm tin và lòng nhân ái của nghệ sỹ. Và tôi lại bắt gặp cái nhìn chứa đựng nỗi đau của thi nhân trong bài thơ “Biên bản thặng dư”, những công nhân ngày đêm tăng ca, tăng giờ làm, để những ngày giờ bán hết sức lao động, chỉ số thặng dư của họ thu về bằng mồ hôi và nước mắt: “Chị mang về hơn một tháng lương/ Chỉ thừa ra bữa cơm lao động/ Sau những đêm cày ải đến không ngờ… Anh run tay nhận việc ngoài giờ/ Sáu tiếng thặng dư được tính tròn ngày chẵn/ Và kiệt sức sau mười bốn giờ căng thẳng/ Với đôi chân rách tướp công trường”. Nếu không có cái nhìn thẳm sâu, cái nhìn cảm thông, cái nhìn đong đếm được sức lực người công nhân bỏ ra, cố kiếm tìm thêm những đồng lương tăng ca của thi nhân và viết thành những bài thơ như thế này thì làm sao người ta hiểu được nỗi khổ của những con người lao động “đầu tắt mặt tối”, nỗi khổ của những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. “Chị đẩy cuộc đời về phía mưu sinh/ Từ gánh ve chai lấm màu tri thức… Chị đẩy vào đời giấc ngủ cu li/ Những đứa con thơ vật vờ trên vỉa hè thành phố… Những mảnh đời loang lổ dấu chân đêm” (Cuộc mưu sinh).

 

“Nghệ sỹ - anh là ai?” Sáng tác của anh là quá trình tìm tòi, sáng tạo. Sáng tạo của anh thuộc về những người lao động nghèo khổ, thuộc về những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời vất vưởng trên hè phố… Trong “Giấc mơ hiện thực”, thi nhân viết: “Năm 14 “lòn” vào xí nghiệp/ Tấm giấy thông hành có tên rất lạ/ Tôi được ngụy trang như đã trưởng thành… Những đứa như tôi vắng bóng mái trường… trong một lần kiệt sức mê man/ tôi bắt gặp giấc mơ/ Giấc mơ tôi được làm người/ một con người thực sự tự do/ Một con người mang tên bình đẳng/ một giấc mơ hiện thực/ được hình thành trong tiểu thuyết chiêm bao”. Đọc xong bài thơ, tôi thấy mắt mình cay. Tôi nhớ, tôi từng giảng về bộ ba tự truyện của M.Gorki về những con người cùng khổ, những cảnh đời bất hạnh. Nhà văn kể chuyện bằng tiểu thuyết, nhà thơ kể chuyện bằng thơ. Một bài thơ ngắn đọc xong như một câu chuyện kể về một cuộc đời, chất tự sự thấm đẫm trong mỗi bài thơ qua cái nhìn cảm thông, thương xót của Phùng Hiệu.

 

Cảm thông và sẻ chia với “Tết của người công nhân góa phụ” “Chị cầm tháng lương nép vào bóng đêm” – câu thơ như kể, như gợi, thấm vào trong ta một nỗi buồn về những mảnh đời nghèo khổ. Giấu đi tiếng nấc nghẹn để kể về “Sự mất tích của người công nhân” khi “Anh rơi xuống từ tầng 18…” và khi “Dự án hoàn thành, dự án được vinh danh”, còn “anh bị xóa tên”. Nhà văn Lê Thiếu Nhơn nói rất đúng về thi nhân Phùng Hiệu: Trên vai anh có mồ hôi người thợ và trong tim anh có nỗi trắc ẩn thi sĩ.

 

Cảm hứng thơ trong anh là những mảnh đời bất hạnh, từ những công nhân nghèo khổ, cô đơn, gặp tai họa khi lao động; đến những người bán vé số, những phận đời với tấm giấy thông hành có tên rất lạ; cả những con người làm những công việc mà “Phía sau ánh đèn lừa dối”, thi nhân nhận ra số phận của họ thật hẩm hiu: “em hiện diện như một nàng tiên chơi trò chuyển nhượng/ giữa thế giới dối lừa/ đam mê phó mặc/ hoang phí thanh xuân/ giễu cợt ái tình…”. Đọc thơ anh, bất giác tôi nhớ đến tứ thơ: “Ta cứ mãi với sắc huyền hỏi ngã/ phóng to đêm/ khuyếch đại chiều tà/ Ta vẫn thấy cuộc đời vô căn cước/ sáu nan đề/ sáng đẹp sáu vầng trăng/ câu thơ số cuối ngày đang mã hóa/ bàn phím văn chương/ thiếu chữ em cần” (Thi sĩ – Phan Thanh Bình). Là nghệ sỹ, thi sĩ hãy viết về nhân dân, viết về những con người đau khổ, đấy mới là thiên chức. “Một ngày thản nhiên/ Cuộc sống bỗng dưng đảo lộn/ Những cánh đồng trắng lưng phố xá… Người nông dân tự nhiên mất đất/ Những cung đường tự do siết chặt…” (Quy hoạch tự do). Cái nhìn của thi nhân thật nhân văn với phận đời những em bé thất học, những cụ già kiếm cơm từ xấp vé số: “Em lớn lên bằng vòng tay vé số/ Em lớn lên từ ve chai sắt vụn/ Em lớn lên bằng sự thờ ơ lạnh lẽo” (Em vẫn lớn lên); “Trên những cung đường quen thuộc tuổi tên/ Một bà lão chống gậy bằng đôi tay vé số” (Đằng sau tờ vé số). Tôi vẫn tự hỏi mình, không biết thi nhân đã lang thang mất bao lâu trên mọi ngả đường, theo sau mỗi phận người để viết, hay cái nhìn của thi nhân đã thật thẳm sâu về những phận đời bất hạnh và khi trái tim đó thật đau thì sẽ viết ra những vần thơ xa xót. Khi đọc bài thơ “Phía sau bức tường giải tỏa”, có cảm giác như ai đó đang bóp nghẹt tim mình bởi một cảm giác bất lực với những phận người “thấp cổ bé họng”: “Tấm bản đồ quy hoạch tự nhiên/ Cuộc mưu sinh đến ngày định giá/ Từ trong những ngôi mộ cổ/ Từ trong những túp lều quy hoạch/ những dây thép gai mọc lên/ Từ những khối bê tông được kết đông bằng máu đỏ/ Cho những tòa nhà cao ốc tự do/ Sững sững vươn lên/ Bằng nhiều mảnh đời khép lại/ đoàn người lại tiếp tục ra đi/ Nhưng triết lý thặng dư/ Vẫn lập trình những bước chân vô sản”.

 

Viết về nhân dân, về những người lao động, anh còn viết về Tổ Quốc qua cái nhìn về biển đảo, những bài thơ mang hơi thở thời đại. Nhưng với tôi, khi đọc những vần thơ viết về những mảnh đời, những thân phận bất hạnh trong thơ anh, tôi đã hiểu thêm về quan niệm nghệ thuật của anh trong bài thơ “Ngôn ngữ lên ngôi”, anh đã khẳng định những vần thơ nhân cách của mình bởi đối tượng trữ tình là hiện thực, hiện thực chân thực, tự nhiên và có phần trần trụi: “Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/ Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa/ Tôi nghe được tiếng hát của mưa/ Tiếng cười của nắng/ Tiếng nói của cỏ cây/ Tiếng rên của mây/ Tiếng buồn của đất…/ Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau!/ Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/ Nhưng còn lại vần thơ nhân cách”.

 

Để có những vần thơ nhân cách, anh đã viết bằng chính trái tim mình, đối mặt với hiện thực, nói rõ sự thật nghiệt ngã và sự thật nghiệt ngã bao giờ cũng chứa đựng những đau đớn, xót xa. Và thơ anh đã trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn băn khoăn: “Nghệ sỹ - anh là ai?”. Anh là người của nhân dân, đứng về phía những người lao động, anh đang viết về họ với cái nhìn thương cảm. Có thể đâu đó vẫn còn vài câu thơ anh viết “bằng trái tim nóng”, mà anh quên giữ cho mình “cái đầu lạnh”, độc giả cũng sẽ cảm thông cho anh. Bởi cái hăm hở, cái nhiệt huyết, cái tình yêu tha nhân đã dồn nén trên câu chữ trong tập thơ “Biên bản thặng dư”. 

    

      Huế, 31/10/2019

 

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 1299
Ngày đăng: 18.01.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Màu thổ cẩm” của Bùi Minh Vũ – Những con ngựa hoang trên cánh đồng thi ca - Bùi Minh Vũ
Có một cõi chưa qua - Nguyễn Thánh Ngã
Trần Kinh Thượng với tập thơ: “Khúc tình phố núi” - Hoàng Thị Bích Hà
Người không lạ - Trần Hạ Vi
Bình thơ: Khúc hát tình rơi - Hoàng Thị Bích Hà
Du Tử Lê, ngôn ngữ tình yêu - Nguyễn Đức Tùng
Đôi dòng cảm nhận Bài thơ “Em đi”của Thục Uyên - Nguyên Bình BRVT
Nguyễn Minh Châu với việc góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận – phê bình văn học thời kỳ đổi mới - Trần Hoài Anh
Bích Ngân, người hay cây cô đơn? - Trương Văn Dân
Lời bình ngắn về “Em” của Đặng Xuân Xuyến * - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả