(Đọc Thao Thức Hương Hồi - thơ Diệp Vy - NXB Hội Nhà Văn 2019)
Mỗi vùng miền đều có hương vị riêng, quyến rũ cảm xúc chúng ta. Nhà thơ nữ Diệp Vy, vừa bước ra từ làn hương hồi thơ ấu. Cảm giác thật đặc biệt, khiến tôi phải đi tìm nơi có ma lực cuốn hút chị, như câu hát rất hay rằng:
Ta sinh ra từ nơi rừng hồi
Và lớn lên trong hương hoa hồi...
(Nhạc phẩm Hoa hồi xứ Lạng - Ngô Quốc Tính)
Vâng, một hôm Diệp Vy trở lại Lạng Sơn, quê hương chôn rau cắt rốn của chị. Và làn hương hồi có thể là từ ký ức, thoang thoảng qua khứu giác, rồi len qua từng mạch nhớ thương đã ấp ủ lâu ngày, có dịp bừng dậy.
Thế là thi phẩm "Thao Thức Hương Hồi" ra đời...
Thơ là thơ của khoảnh khắc, cái khoảnh khắc bồi hồi xúc cảm ấy, sau khi bước chân chạm vào đất quê hương thật mãnh liệt. Ai đã từng có cảm giác này, mới hiểu hết tâm trạng của người con xa quê trở về:
Ta đã khóc chiều nay trên xứ Lạng
Dòng Kỳ Cùng thổn thức nhịp tim đau
Dù đã muộn khi tìm về nguồn cội
Hơi thở hương hồi thấm tận vành nôi
(Thao thức hương hồi)
Mùi thơm của hương hồi choáng ngợp hồn người, tiếng khóc "mừng mừng tủi tủi" đã bật ra từ hương hồi. Thứ mùi nồng ấm rất đặc trưng đó khó ai cưỡng nổi, nên thơ là những gì rất thật. Với Diệp Vy, cái thật đã đi vào thơ chị như một chiều hướng sáng tạo. Cái đau thật, cái buồn thật hiện lên từng câu chữ trong thơ. Phải nói rằng, thơ Diệp Vy rất hiền, cái hiền thông minh trong sáng như chị từng nhận diện mình:
Chỉ là bông súng thôi
Tim tím giữa dòng trôi
Khoe nhụy vàng tinh khiết
Điểm tô cho cuộc đời...
(Bông súng)
Không dám nhận mình là danh hoa như hoa sen, nhưng bông súng cũng có phẩm chất "tinh khiết" của nó. Thật là khiêm tốn mà khéo léo sành điệu.
Đó chỉ có thể là Diệp Vy!
Đúng vậy, một Diệp Vy của Đức Trọng - Lâm Đồng, tôi nhớ từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Diệp Vy là một trong những cây bút đầu tiên tham gia CLB Sáng tác Trẻ Đà Lạt, rồi xuất hiện trên thi đàn cả nước. Tâm hồn thơ lãng mạn, với niềm yêu thương day dứt nhớ quê, đã tạo nên một Diệp Vy, người con gái Tày vững vàng trên đất Cao Nguyên:
Tạm dừng chân ở Lâm Đồng
Năm mươi năm vẫn vọng trông Kỳ Cùng
(Mênh mông hương hồi)
Mạch sông Kỳ Cùng đã tiếp nối hồn thơ cho dòng Đa Nhim chảy qua Đức Trọng, chảy qua thơ Diệp Vy:
Tôi yêu Đức Trọng từ góc phố lùm cây
Nơi dòng Đa Nhim chảy ven bờ thị trấn
(Thị trấn tôi yêu)
Thế đấy, tình yêu của người thơ bắt đầu từ tình yêu một dòng sông. Tôi có thể nói không ngoa rằng, xứ hương hồi Lạng Sơn và vùng Đức Trọng đã nuôi lớn hồn thơ Diệp Vy:
Hai hàng cây xanh ôm kín con đường
Cây đa cổ thụ đã hơn trăm năm tuổi
Con đường tôi qua mỗi ngày mỗi buổi
Mà ngỡ dường như thay áo mỗi ngày
Người Đức Trọng, và ai từng yêu Đức Trọng, đều không quên được cây đa cổ thụ đã trên nhiều trăm tuổi, chứng tích của một thời mở đất, lập chợ sinh cơ. Nhà thơ Diệp Vy từ nhỏ đã đi qua đây mỗi ngày, mỗi ngày cây đa đều thay áo mới, ấy là cái nhìn sắc sảo, làm cho câu thơ mang cảm thức thời gian rất sâu. Và đây là mùa thu trong đôi mắt thơ:
Đức Trọng mùa này trời đã sang thu
Chớm rét ban mai sương trắng giăng mù
Cuộc sống đơn sơ miền riêng tĩnh lặng
Đức Trọng trong tôi là những trang thơ
(Thị trấn tôi yêu)
Thơ! Mạch nguồn của cảm xúc sáng tạo, thì Đức Trọng là nơi mạch nguồn ấy, đã xác lập:"Đức Trọng trong tôi là những trang thơ"... Tôi cho là vô cùng trung thực, bởi Diệp Vy yêu quê hương thứ hai của mình mà không thể nói bằng lời thường, chị gói vào trang thơ để trân quý và để biết ơn. Đọc cách biết ơn mảnh đất Đức Trọng của Diệp Vy, tôi càng yêu và biết ơn vùng đất Lâm Hà của mình, nơi đã cho tôi những câu thơ da diết.
Yêu và hãnh diện nơi có ơn với mình, là tư cách của kẻ sĩ, chỉ có thể có trong một tâm hồn yêu thương bao la. Bởi người nghệ sĩ biết rằng:
Mốt mai về với rạ rơm
Hồn thơ ở lại dâng hương cõi người...
(Mầm thơ)
Câu thơ nhân văn ấy đã làm rung động cõi thơ, cõi người. Một tâm hồn như thế đáng được coi là tâm hồn thơ chân chánh. Vì thời nay cũng có một số người mang danh văn nghệ sĩ, tung bút lên mây gió, mà chưa biết "dâng hương" cho cõi đời mình sống! Nữ nhà thơ Diệp Vy, theo tôi biết đã từng trải qua những cơn đau, những sóng gió cuộc đời, có lúc tưởng như không gượng dậy nổi, nhưng chị đã "vịn câu thơ mà đứng dậy" (Phùng Quán), giữa lúc tang mẹ, tang chồng bối rối, thơ hầu như tắt nghẽn, nhưng rồi thơ lại về, tuôn chảy như mạch nguồn sông suối, cứu vãn và làm nơi nương náu cho thơ, mặc dù vẫn còn đầy những rủi may trong kiếp vô thường:
Tìm về ẩn náu trong thơ
Những khao khát, những đợi chờ rủi may
(Phận lá)
Vượt qua những rủi may, thơ Diệp Vy có lúc lại trổi dậy, mang hơi thở hiện đại mạnh mẽ và bất ngờ:
Đêm xốc nách
Gọi nỗi buồn thức giấc
Ly cafe
Đặc sánh khoảng cô đơn
(Đêm khát)
Như tôi đã nói, thơ Diệp Vy rất hiền, nhưng không phải không hiện đại. Quan trọng là tùy duyên thể hiện mà thôi. Nói vậy chứ ai cũng biết, điều khó nhất là thơ càng hay càng giản dị. Không biết có đúng không, nhưng thơ Diệp Vy giản dị mà không sáo rỗng, mỗi bài thơ là một câu chuyện, mỗi câu thơ có một âm vang riêng:
Người đàn bà chạy trốn cơn mưa
Những hạt mưa tuôn xối xả đuổi theo bước chân vội vã
Như muốn xóa giùm người đàn bà nỗi đau phiền muộn
Đôi môi tím tái một thời hương lửa vẫn dậy men khi kỷ niệm ùa về
Mái tóc đen dài phủ kín bờ vai thon lốm đốm vài sợi bạc
Bánh xe thời gian không bao giờ dừng lại...
(Người đàn bà chạy trốn cơn mưa)
Có phải đây chính là hình ảnh một Diệp Vy, nhà thơ của nỗi khắc khoải chạy trốn những nghiệt ngã của cuộc đời? Đúng thế, và thơ là thế, dù viết cho ai cũng là viết cho mình. Thơ thấm đẫm nỗi đau, nếu ta biết nhân từ với nỗi đau thì ấy là thơ hay.
Và cái chất của Diệp Vy là thật. Phải thật mới sống. Đó là điều tâm đắc nhất của tập thơ này, khiến tôi không thể không bỡ ngỡ, và xao động theo từng tứ thơ nhỏ bé mà có sức lay gợi mênh mang...
Lâm Hà tháng 10. 2019