Từ dưới chân đồi, lên đến nơi, Matthias nói với tôi, đi bộ có lẽ mất khoảng hơn mười lăm phút. Nhưng ngay khi vừa mới khởi hành, tuyết đã rơi khá nhiều, nên lúc chúng tôi tới, thay vì đậu ở phía dưới để tôi tản bộ lên như đã nói, Matthias lại cho xe chạy thẳng đến tận gần cửa.
Căn nhà màu trắng. Lớn. Phía trước nhìn xuống một thung lũng rộng, gần như không có bóng cây nào cao.Tôi đoán mùa hè ở đó có lẽ sẽ là một thảm cỏ xanh mướt. Matthias bảo, còn có thêm hoa vàng. Chỉ lác đác thôi, nhưng rất đẹp. Tôi hỏi có phải hoa cúc dại không. Matthias đáp chắc vậy. Tôi kể ngày đi học trở lại, học mãi mà cho đến lúc nghỉ rồi, mới nhớ được cái tên dandelion của nó. Matthias nói tiếng Đức, tên loài hoa này khá buồn cười. Loewen Zahn. Răng sư tử. Matthias vừa dứt lời là tôi bật cười lớn lên vì cái tên ngộ nghĩnh của nó thật. Tuy nhiên cũng ngay sau đó, tôi chợt nhớ ra ở ngoài chợ, người ta bán Loewen Zahn, với cọng và lá rất lớn, y hệt cải bẹ xanh, chứ không mỏng manh nhỏ bé như dandelion tôi từng biết. Đồng hương tôi thỉnh thoảng vẫn mua Loewen Zahn về hoặc luộc, hoặc làm dưa, ăn tuy không giống cải là mấy, nhưng những ngày thức ăn Á châu chưa được nhập vào xứ sở này, hay thời đông Âu chưa tàn, không ai trồng và chuyên chở rau xanh từ Tiệp khắc qua nhiều như bây giờ, thì với loại rau này, kể cũng được an ủi.
Tôi muốn nói cho Matthias biết có lẽ dandelion không phải Loewen Zahn, nhưng khi thả mắt từ trên con dốc xuống vùng tuyết trắng xóa dưới kia, mường tượng đến màu vàng rực rỡ của những đóa hoa bồ công anh mà tôi mới vừa gọi là cúc dại ấy, sẽ nổi bật lên giữa thảm cỏ xanh biếc, tôi bỗng đổi ý, thôi không muốn nói gì với người đàn ông đang cố làm vui lòng tôi mọi thứ như thế này. Thể muốn giữ chút niềm vui lại cho anh. Một chút đáp trả. Tôi nghĩ.
Chúng tôi đã đứng im rất lâu dưới hàng hiên nhìn mông lung. Tuyết lất phất bay trong không. Vài bông trắng rụng ngay trên thềm, gần chỗ chúng tôi đứng. Matthias hỏi tôi có lạnh không. Tôi lắc đầu. Tuy nhiên một phản ứng tự nhiên bỗng bật ra không kềm lại được, tôi đưa cả hai tay lên, ôm vòng qua vai.
Căn nhà không lớn lắm. Dầu không có chiều sâu, nhưng bề ngang bề thế, nên nổi bật. Căn nhà nằm xôn xao bên con đường lớn. Chỗ buôn bán tấp nập. Nhiều lợi thế. Tôi nhớ tôi nói với ba, tôi thích có một phòng riêng khi ba chuẩn bị xây nhà. Và cũng nhớ rõ như in, ba tôi đã cười dịu dàng bảo, không khó lắm để ba cho mỗi đứa con được một phòng, nhưng như vậy, sẽ không giúp đỡ được người khác.
Ba tôi giải thích một cách ngắn gọn như vậy, và làm những điều ông tỏ bày với con bằng cách mang một lô một lốc cháu bên vợ về nuôi. Bên ba cũng có hai người học đại học ở thủ đô với sự chu cấp của gia đình tôi.
Nhà đông. Bài học vỡ lòng ba tôi dạy về lòng yêu thương, và độ lượng, thuở nhỏ, tôi không biết mình mang vào trí được bao nhiêu, nhưng tôi bằng lòng thu người, co giang sơn của mình lại, vui vẻ với góc bàn học nhỏ được đặt ngay chỗ rẽ dưới cầu thang lên lầu. Cửa sổ mở rộng, tầm nhìn vươn tới ngọn Hải Vân mờ xa với những dải mây trắng. Gần hơn, ra vườn nhà láng giềng, là đà những ngọn dâu tây. Nhếch sang phía bên phải, một cây trứng gà. Kế đến một góc hành lang của căn gác trọ cuối xóm, khuya, thỉnh thoảng xuất hiện một người thanh niên tóc dài, chơi sáo trúc dặt dìu, ngào ngọt. Sau này, cái góc bàn học, và mớ ký ức dễ thương về những ngày ấy, lao xao chìm vào tác phẩm tôi.
Thuở tôi còn bé, khi những ngọn dâu tây và tiếng sáo trúc chưa đủ làm xôn xao, chưa đánh động nổi trái tim tôi, thì dãy hành lang dài phía trước nhà nhìn xuống đường, tiếng nhạc du dương từ phía bên kia, chỗ phòng thu thanh, bán băng đĩa, rồi những chuyến xe convoy chạy lạo xạo trên đường cùng những chuyến xe liên tỉnh khiến tôi tưởng tượng ra cuộc du hành, nghỉ ngơi phương xa, đã hấp dẫn tôi hơn. Chiều nào tôi cũng ra đứng lóng ngóng trên hành lang, rảo mắt nhìn đông nhìn tây. Vẩn vơ và bâng khuâng ao ước những điều không rõ tên, không rõ nét.
Thuở đó ba tôi nuôi một đôi hoàng yến. Lồng đặt tận bên Hồng Kông về, gỗ màu gụ bóng lưỡng. Phía bên dưới con em bà con tôi nuôi thêm một chậu hoa mười giờ hồng rực đặt cạnh bể cá kiểng của hai thằng em út. Một chậu cúc đại đóa của mẹ tôi nữa, ngăn dãy hành lang dài ra thành hai phần. Tôi hoàn toàn không có một chút “tư hữu” nào. Vậy mà những thứ ấy đã là những thứ khiến tôi thẩn thơ ngoài hành lang nhiều hơn. Tôi tưới tắm. Cho cá ăn. Thay hạt kê, thay nước cho đôi vợ chồng chim. Và nhớ có lần về Huế với ba, lúc thấy tôi ngẩn ngơ đứng nghe chim hót trong khu vườn nhà từ đường bên kia cầu Gia Hội, ba tôi nói, tiếng chim sẻ líu ríu, chỉ vui tai nhưng không thanh cảnh, không quí phái như tiếng hót của đôi chim hoàng yến ba nuôi. Tôi nghe. Tin. Và tôi chờ đợi ngày đôi hoàng yến cất giọng véo von.
Tôi nói với Matthias ngay từ lúc nhỏ tôi đã yêu thiên nhiên, yêu hoa đồng cỏ nội, mặc dầu hiếm hoi lắm tôi mới được về quê, mới được thấy một hàng cây xanh mướt, hay nghe được một tiếng chim hót vui tai. Matthias bảo người thành phố thường hay có tâm tình như vậy. Và kể thêm cho tôi nghe khi đi mua ngôi nhà trên đồi này, anh đã bị người quen chê điên vì cái giá của nó không rẻ. Matthias tiếp, những ấn tượng thuở ấu thời một khi đã ăn sâu vào não, thì khó có thể quên được.
Tôi hỏi ấn tượng gì đã để lại trong lòng anh như vậy. Người đàn ông im lặng đôi giây. Rồi kể. Lúc nhỏ nghèo, bố mất sớm, ngày hai buổi mẹ đón đưa đến trường, thường vẫn chọn những con đường có nhiều nhà đẹp, vì bà bảo cả đời chỉ ước mơ có được một căn nhà riêng. Cả đời chỉ thèm khát được một lần làm chủ căn nhà trên đồi...
Matthias thở dài. Một lát sau anh kể tiếp. Khi lớn lên, khi đã làm ra tiền, có thể làm cho mẹ anh được dịp thỏa vui với cái ước mơ của mình, thì mẹ anh không còn nữa. “Bây giờ, một căn nhà trên đồi, một cửa sổ nhìn xuống thung lũng như mẹ tôi thèm khát, đôi khi, hơi thừa, nhưng tôi vẫn làm điều ấy, có lẽ vì ký ức, vì những căn nhà mẹ tôi đã chỉ cho tôi thấy khó quên như tôi đã nói ban nãy”.
Tôi lặng im. Cố lặng im, không biết nói gì để chia xẻ với người đàn ông. Tôi bùi ngùi nghĩ đến việc nếu như Matthias chưa từng chứng kiến bất cứ cái chết nào trước khi mẹ anh qua đời, thì có lẽ nỗi đau đớn ấy của anh còn cùng khủng hơn nhiều.
Tôi đưa hai bàn tay ra trước mặt, hà một hơi thở ấm. Matthias lại hỏi tôi có lạnh lắm không. Tôi lắc đầu. Trong trí hiện ra cái khung cảnh và cơn lạnh gây gây vai khi những cơn bão tháng mười của miền trung, kéo dài lê thê đến hàng tuần lễ quét ngang qua thành phố.
Tôi nhớ vào những ngày như vậy, lũ con nít chúng tôi thường được nghỉ học ở nhà, cả ngày vào ra, chẳng làm gì ngoài chuyện tụ lại đánh tam cúc, rồi sau đó lên giường nằm trùm chăn vừa ăn bắp luộc, đậu phụng rang chị người làm mua về, vừa rân ran tán dóc hoặc đôi khi cãi vả nhau.
Cả lũ bình yên, sung sướng và tràn trề hanh phúc với một tuần mưa to, gió lớn như thế dẫu đôi lúc có hơi buồn vì không có truyền hình để coi. Tôi gần như hoàn toàn quên hẳn ngoài hành lang nhà chúng tôi có những sinh vật, hoa lá, những thứ dính dáng, liên quan đến sự sống và cái chết. Hẳn nhiên con em họ tôi cũng không hề nhớ đến những đóa hoa mười giờ hồng thắm của nó. Người lớn, gần như còn không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoại trừ chuyện khi nào cơn bão sẽ chấm dứt để trở lại những sinh hoạt bình thường.
Khi mẹ tôi ra lịnh kéo màn che kín mít lớp cửa kính nhìn ra hành lang, sau đó lại bắt các chị người làm phải chắn thêm một lớp cửa khác bằng nhôm, để gió lớn không lọt vào nhà, bão bùng không ảnh hưởng gì đến chúng tôi, thì chừng như tôi càng quên mất biệt mọi thứ chung quanh.
Tôi chừng như chẳng để vào tâm mình điều gì, cho đến một sáng, khi thức giấc, không còn nghe tiếng gió hú, tiếng động lộp độp của những hạt mưa tạt lên những ô cửa, co ro áo khăn bước ra ngoài cho đỡ cuồng chân, bất chợt nhìn thấy chậu cúc của mẹ nằm lăn lông lốc trên hành lang, bể cá kiểng vỡ kính chỉ còn lại một hai con cá vàng lóp ngóp ngất ngư gần chết, và chậu mười giờ tan nát, tả tơi, tôi mới hoảng hốt. Mãi lúc ấy tôi mới vội vàng lao đến bên chiếc lồng hoàn toàn đã sờn màu, bạc tróc nhiều chỗ có lẽ do gió lắc lư làm va chạm vào tường và cột xi măng bên cạnh. Tôi đã đứng sững nhìn vào bên trong chiếc lồng, lặng người ngó thanh gỗ nhỏ dùng làm chỗ đậu cho đôi con hoàng yến đã gẫy cụp thành hai mảnh. Một góc lồng là chậu thức ăn và đồ đựng nước uống nhỏ xíu, nằm chõng trơ, nghiêng ngả. Rồi cuối cùng, đập vào mắt tôi, xác hai con chim, một co rúm, một sõng sượt, bộ lông vàng mưót của cả đôi chừng chỉ còn lại một dúm chẳng còn biết gọi là màu sắc gì. Tôi lặng người. Tim tôi thắt lại. Bụng cồn cào như bị say sóng. Toàn thân tôi cứ run lên một cách kỳ lạ. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ có thể chỉ cần một va chạm nhẹ thôi, là tôi đã ngã xuống.
Cái chết đầu tiên tôi chứng kiến trong đời là cái chết của đôi con hoàng yến như thế. Đối với nhiều người, chắc chắn đấy là một chuyện chẳng đáng gì, và hẳn sẽ có người phì cười chế giễu tôi khi nghe tôi nói đã bao nhiêu năm trôi qua, mà tôi vẫn không cách gì quên được cái cảm giác sợ hãi, kinh hoảng ấy của mình. Rất nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng lúc ấy tôi đã ân hận vì không nhớ đến đôi hoàng yến, và cảm thấy bứt rứt vì sự bất cẩn của mình đã đem lại cái chết cho chúng hay không. Con nít cỡ độ tuổi tôi lúc ấy, thường vẫn làm đám ma dế, đám ma lá hoa, nhưng lớn lên thì quên mất mình đã buồn đã khóc cho lũ dế, lũ lá hoa như thế nào. Tôi cũng quên nhiều thứ, nhiều trò con nít, nhưng không hiểu sao cái hình ảnh thang thương tội nghiệp tôi từng chứng kiến ấy, cứ thỉnh thoảng có điều gì gợi nhớ, là lại hiện ra trong trí tôi. Thể như thuở ấy, cách mơ hồ, tôi đã nhận ra sự hữu hạn của người và vật, sự bất lực của mình trước cái chết.
Cái chết, hẳn lạ lùng. Cái chết hẳn có vô vạn điều để con người nghi ngờ. Bởi chẳng ai có thể biết bên kia cõi tử là thế nào. Bởi không ai có thể khẳng định sau khi hơi thở rời khỏi mũi môi, sau khi nhịp tim ngừng đập, thì những nghĩ suy, những cảm xúc của con người sẽ đi về đâu. Khoa học và tôn giáo cãi tranh nhau bao nhiêu năm và bao nhiêu lần, nhưng rõ ràng cái chết vẫn bí ẩn, vẫn nằm ngoài sự hiểu biết của con người.
Tuy nhiên, sống, tôi nghĩ cũng lắm điều lạ lùng. Mỗi sáng thức dậy, mỗi tối trước khi vào giường, tôi vẫn khám phá ra sự lạ lùng vô chừng ấy qua những điều chứng kiến hằng ngày. Vẫn ngạc nhiên vì nhận ra chung quanh mình, đời sống cũng bí ẩn không kém gì cái chết.
Có những đoạn đời đã qua đi với tôi, tưởng không có điều gì lạ, tưởng không có gì hay, lúc ngoảnh lại, mới thấy ngạc nhiên vô cùng vì những diễn biến, những sự lạ lùng của chúng.
Ngày gia đình tôi rời thị xã, thay căn nhà có dãy hành lang dài chốn cũ, bằng một hàng cau trổ bông trắng xóa, hàng móng tay mỏng manh hồng nhạt trước hiên, khóm tướng quân rực rỡ đầu vườn, và dậu giây leo vàng tôi rất thích. Căn nhà còn có cây ăn trái. Dăm ba cây dừa soi bóng bên bờ giếng, nơi làm chỗ cho chị em tôi hong tóc. Dăm cây sa bô chê, mận, chôm chôm trước hiên nhà. Xoài, mít tố nữ phía sau lưng. Một trong những căn nhà đẹp, xinh xắn của cái thị trấn vùng bán cao nguyên đất đỏ.
Nhưng căn nhà ấy, mẹ tôi bảo không cách gì yêu nổi. Chị em tôi sống bao nhiêu năm ở đó, nói không yêu thì quá đáng nhưng rõ ràng là chúng tôi thấy nó khá xa lạ, khá dửng dưng với mình. Khi rời khỏi nơi ấy, những gợi nhớ sâu sắc hầu như không mấy xuất hiện trong trí, dẫu đôi khi tôi cũng hì hà hì hục chở chuyên góc vườn, hàng cây ấy vào thơ văn. Thỉnh thoảng trong những lần gặp gỡ của anh chị em chúng tôi, ngồi lại nhắc nhở chuyện quá khứ, chuyện quê nhà với nhau, tôi đã không hề ngạc nhiên khi nhận ra gần như chẳng có đứa nào bùi ngùi thương nhớ, như tôi từng thương nhớ khung cửa sổ nhìn ra vườn nhà hàng xóm là đà nhánh dâu tây, thương nhớ góc hành lang, chỗ ở của đôi con hoàng yến; hay như con nhỏ em nhớ những góc phố từng qua đi...
Tôi nói với Matthias, có lẽ tại nơi ấy quạnh hiu quá, và phần đời chúng tôi trải qua trong căn nhà ấy, thị trấn ấy có quá nhiều điều buồn tủi. Tất cả mọi ước mơ đầu đời của tôi đã dẫy chết khi gia đình tôi dọn về cái phố huyện buồn tênh, hiu quạnh như một cơn mưa chiều như vậy, dẫu có thể nói, vào cái thời điểm đó, thì ở khắp mọi nơi trên đất nước, chẳng có ước mơ nào là không bị bóp nát, chẳng có hoài vọng nào là không bị dập vùi.
Tôi đã học nhiều bài vào đời trong thời gian sống tại nơi này. Có thể nói có đến hơn chín mươi phần trăm là những bài học buồn. Lúc mẹ tôi vỡ lòng, nói cho tôi biết về những đắng cay đoạn trường của cuộc sống, tôi đã ngẩn ngơ. Không tài nào hiểu được tại sao những chua chát ấy lại ở trong lòng mẹ tôi nhiều như vậy.
Có lần mẹ tôi bảo, một cách hết sức khẳng định, rằng sẽ chẳng bao giờ có một điều nào đó có khả năng tồn tại vĩnh viễn trên đời. Sau đó mẹ tôi thêm, không có bất cứ thứ gì con người được phép nói sẽ thuộc về mình muôn đời.
Nhưng ba tôi không đồng ý với điều ấy. Ông bảo đành rằng không có điều gì có thể tồn tại vĩnh viễn, không có vật gì thuộc về mình muôn đời, nhưng ba tôi tin ở tình yêu và tấm lòng. Ba tôi bảo, tình yêu sẽ còn lại mãi mãi.
Khi tôi rời gia đình, lòng vấn vương hoài câu nói của cả ba lẫn mẹ. Tôi có thể hiểu được điều mẹ tôi đề cập qua thời gian từng trải trong đời, qua những cảnh vật đổi sao dời, những gánh chịu dâu bể trong gia đình và bản thân, và qua những chứng kiến của vô số người chung quanh mình về sự thay lòng đổi dạ. Tôi cũng có thể hiểu được tại sao mẹ tôi không còn tin ở con người.
Sau cơn tai biến của đất nước, như nhiều gia đình khác, chúng tôi bị đá lăn lông lốc từ trên cao xuống vực thẳm, đối với tôi, những gì thuộc về vật chất trên cõi đời này, khó có thể làm chao động được tôi. Tôi không coi thường, nhưng rõ ràng tôi chẳng coi trọng thứ gì thuộc về vật chất.
Ông anh họ tôi làm thơ. Bài nào đó, có câu, con đường nào cũng ngắn. Trừ con đường tình thương. Như ba tôi, anh nghĩ tình yêu là vĩnh viễn, là thiên thu, nghìn năm. Loay hoay giữa những điều mình nghe, tôi phân vân...
Thời con gái tôi yêu người, lấy nhau xong, mấy năm sau tôi rời gia đình, bỏ quê hương, vượt đại dương theo người. Người ấy luôn mơ về một căn nhà nằm trên đồi với những bông hoa tím bâng khuâng. Phía trước nhà, người ấy bảo với tôi sẽ trồng tử đăng hoa. Bên trong trồng anh đào. Trên hàng hiên sẽ có một chỗ cho tôi ngồi viết văn và sau này sẽ thêm cảnh cho tôi vẽ.
Và căn nhà, hoàn toàn chỉ là mơ ước, chỉ là tưởng tượng, chưa được xây, chưa được thực hiện bằng tài chính, chưa phải chạy đôn chạy đáo mượn ngân hàng, chưa phải còng lưng trang trải nhiều năm, cho nên căn nhà thơ mộng không tưởng tượng được. Tôi không mơ theo anh, và cũng chưa bao giờ tôi tin mình có thể trú ngụ trong căn nhà ấy, chẳng hiểu có phải vì anh chưa từng là chỗ cho tôi trú chân, cũng không là bờ vai cho tôi ghé hay chăng. Nhưng cái mơ ước của anh dễ thương, cái hạnh phúc anh thèm khát hiền hòa, căn nhà anh đẹp hơn cả những căn nhà được xây trên cõi đời này, nên tôi đã ngồi rất lặng yên, rất ngoan khi nghe anh nói. Tôi đã dịu dàng mỉm cười khi anh hăng hái mô tả từng chi tiết căn nhà.
Những năm về sau, lúc tôi và anh đã chia tay nhau rồi, tôi khẽ khàng mang ước mơ anh vào tác phẩm tôi. Tôi nhẹ nhàng mang căn nhà của anh vào bài viết của mình. Bài học độ lượng, lòng thương người vỡ lòng tôi học được từ ba, không áp dụng được cách cụ thể, và bằng vật chất như ba tôi từng làm, mà tôi áp dụng cách “tinh thần”. Cho anh.
Tôi kể cho Matthias nghe, bảo tôi đã hy vọng ba tôi nghĩ đúng, mẹ tôi sai. Nên tôi mang niềm hy vọng ấy vượt một đại dương với mình, để gặp lại người đàn ông tôi những tưởng cả đời mình có thể theo cùng. Tưởng có thể sống và có thể chết vì nhau. Cho đến lúc người ấy biến mất khỏi đời sống tôi cách tàn nhẫn, thì tôi bị lung lay dữ dội.
Lúc tôi đều đều giọng kể lể, mặc dầu không quay lại nhìn người đàn ông, nhưng tôi biết Matthias đã nhìn tôi rất lâu từ phía sau lưng. Một phút. Hai phút... Lâu hơn. Tôi nghĩ vậy. Bởi Matthias chẳng hề nói câu gì cho đến khi anh bỗng bật ra câu hỏi, có thật là tôi không còn tin ai nữa hay chăng, và cũng không tin rằng tình yêu vẫn còn ngự trị trên đời này nữa sao. Tôi làm thinh. Nhưng sau đó thì tôi cười. Tôi đáp thật lòng tôi vẫn còn tin ở con người và vẫn tin ở tình yêu, nhưng tôi không còn tin thiên thu, không tin có trăm năm.
Matthias im lặng. Lại thêm môt giây, hai giây. Chung quanh chỗ chúng tôi đứng, vẫn lất phất những bông tuyết bay vào đậu trên vai áo. Lát sau, Matthias thở ra một hơi dài, rồi khẽ khàng hỏi, có bao giờ tôi nghĩ rằng có một sáng nào đó thức dậy, từ phía trong khung cửa sổ sau lưng chỗ chúng tôi đang đứng ấy, Matthias sẽ nhìn thấy tôi sẽ bước ra ngoài, tản bộ xuống chân đồi hay không.
Tôi làm thinh. Đã đến lượt tôi phải làm thinh. Một câu hỏi, tôi biết chắc chắn trước sau gì Matthias cũng thổ lộ ra. Trước sau gì cũng sẽ hỏi. Một câu, mà chỉ cần cái gật đầu, hoặc tiếng đáp trả, “ja”, hay hai chữ “I do” thôi, là tôi sẽ bước sang một phần đời khác. Tôi sẽ có thể dễ dàng rút lại câu vừa mới khẳng định với anh, với mọi người. Cũng như không kể đến đời sống vật chất sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn cho mình mà tôi có thể thực hiện được dăm ba điều từng mơ ước trong quá khứ, thì tôi cũng có thể nói thêm rằng, có thiên thu, có trăm năm!
Một cái gật đầu, một chữ, hai chữ. Một câu trả lời, thật đơn giản. Thật dễ. Đơn giản như trẻ con chọn món ăn ở Mac Donald´s. Dễ như người ta mua cái bánh cái kẹo.
Một câu trả lời. Nhẹ như bông. Như hạt mưa thu không đủ để làm ướt tóc. Nhưng nó làm tôi cắm mắt xuống đất. Rớt trên đôi bàn chân có thể sẽ bước ra từ phía trong căn nhà ấy, tản bộ xuống chân đồi. Tôi nghĩ đến câu hỏi dễ thương của Matthias. Nghĩ đến một câu trả lời, dễ lắm cũng ngọt ngào, thân ái.
Tôi nghĩ. Và rồi tôi đứng im. Rất lâu. Rất lặng. Không nhìn xuống đôi bàn chân nữa mà nhìn xuống thung lũng vào mùa chưa có cỏ xanh, chưa có hoa răng sư tử.
Matthias im theo tôi. Vẻ chờ đợi. Cuồi cùng tôi nói, tôi muốn về nhà trước nửa đêm. Rồi tôi khẽ khàng quay lại nhìn căn nhà phía sau lưng. Thật sát, thật gần. Căn nhà nằm trên đồi. Với tường vôi trắng, khung cửa sổ bằng inox xám, và ánh điện vàng ấm cúng. Căn nhà đẹp tuyệt vời như tranh vẽ.
Tôi thở dài.
Chẳng hiểu sao, chẳng biết có phải vì tuyết đang rơi, vì mùa đông, hay vì chỗ chúng tôi đang đứng không có sưởi, mà tôi lại thấy gây gây lạnh.