1.
Bàn chân cha từng lún trong bùn
cánh cò bay trước mặt
cha của thời mở đất
ngang tàng cánh tay vung
Đêm phương Nam ánh lửa bập bùng
sự sống giấu dưới bao tầng lá mục
bình minh là tiếng gà eo óc
mồ hôi cha hoà cùng sương đêm
Đất phương Nam đặc điểm thành tên
những Xẻo Quít, Mương Trâu
những Bến Đình, Bến Nước
cánh cò nối rừng tràm, rừng đước
nối xóm làng đến tận mênh mông
đường chân trời nối núi và sông
cuộc nhân thế nối kẻ sơn tràng với người hạ bạc
cha đứng giữa ruộng đồng bát ngát
mà nói điều nghĩa nhân
Cha của thời bùn ngập ống chân
đã dạy con "bạc tiền như phấn thổ"
niềm ao ước cho con biết chữ
lớn hơn sản nghiệp đời mình
Ấm lạnh nhân tình giữa phương Nam xanh
cha phơi trải tấm lòng
chén rượu đầy vơi
chào mời hồn hậu
Cánh cò trắng chao tìm chỗ đậu
đất đồng bằng trải ngút ngàn xa
Đã bao mùa nắng gió đi qua
bao mùa nữa lũ tràn nước nổi
đất phương Nam đêm ngày vẫy gọi
cha đi theo thấp thoáng cánh cò
Cả đời người lo chuyện ấm no
trong giấc ngủ còn vung tay gặt
cha đã thở bằng hơi thở đất
đem mùa màng vào cả trong mơ
2.
Đất một thời hoang sơ
cha một thời gian khổ
cơm nắm, chân trần cha đi mở cõi
đất rừng phương Nam xanh
Đất lành
đàn sấu ngủ quên trong bưng
đường rừng đầy dấu chân cọp, beo, mễnh mãng
cha đi trong đêm vừa tan
lòng nhủ lòng
thú dữ không bằng người dữ
Bước chân cha không do dự
đôi tay cha đầy quyết tâm
cỏ lau này
cây dại này
trả lại cho người ý nghĩa của đất
trả lại cho đời giá trị màu xanh
Đất lành
nắng nỏ cháy da, nám mặt
mưa dầm thúi rễ, long cây
cha qua hạn khô đất này
cha qua lụt lớn đất này
mới biết sức người mạnh bền đến vậy
Chuyện đời biết đâu khôn dại
mà cha đôi bàn tay chai
bằng chính sức mình cha tìm sự sống
mồ hôi đổ ra để quý cơm vàng.
Dòng sông chảy qua mùa màng
chảy qua đồng khô
chảy qua đời người
nuôi dưỡng cuộc đời
bằng nghìn trùng phù sa lấp lánh
Cha nhận ra đất lành
trong tiếng cú kêu giữa rừng hoang mạc
tiếng cú chưa mang điềm ác
chưa vương điều tính toan
tiếng cú vang vang thuần khiết
tiếng kêu của loài chim có ích cho đời.
Dòng sông đi qua để lại bãi bồi
cha chọn chỗ ở
cha chọn đất trồng
cuộc sống đổi bằng công khó
để bao đời người được nối dài lâu
3.
Đã qua rồi sáu tháng mùa khô
nắng thôi ong, trời không còn hanh nữa
mùa mưa bắt đầu, đất vừa bả vữa
sông Hậu, sông Tiền nước cũng vừa quay
Con bìm bịp kêu nước lớn sông đầy
con cá thượng nguồn xuôi về quẫy sóng
cà na trổ bông, vông đồng chín rụng
lúa đã đòng đòng hối hả hè-thu
Những cơn mưa làm bóng xế, trăng lu
giàn nhạc của đêm không chờ thời khắc
chim vịt kêu chiều tiếng khoan, tiếng nhặt
giục mẹ trên đồng về với đàn con
Điệu lý buồn nghe chừng buồn hơn
dạt sóng xô dòng kênh no nước
cái vạch đỏ chân cầu năm trước
báo hiệu năm này lụt sớm lên cao
Vẫn bình thường mà rất nôn nao
khi nước nhảy khỏi bờ tháng bảy
mùa lụt đến năm nào cũng vậy
đã biết rồi nhưng lòng vẫn lo
Sông đầy lên từng phút, từng giờ
phù sa chảy xuôi dòng thắm đỏ
chín dòng sông như chín rồng nằm thở
nhịp vơi đầy từ thuở hồng hoang
Sông nằm nghe mưa ở trên ngàn
xa nghìn dặm vẫn chung niềm trăn trở
đồng bằng trải theo từng cửa mở
đưa lụt tràn về với đại dương
Dẫu thế nào cũng là thân thương
dù gian khó, dù bao chìm nổi
mảnh đất đã bao đời vun xới
phương Nam là máu thịt trong ta
Sáu tháng hạn về, sáu tháng lụt qua
hạt lúa cắn đôi nửa phần no đói
chân đứng đồng khô lòng lo nước nổi
lụt đến trính nhà còn giữ giống đợi mùa sau
Đất nước nơi này thấm đẫm gian lao
cơ nghiệp dựng từ lưng trần, chân đất
đời người nối nhau như đàn ong lấy mật
chắt chiu thành vị ngọt tương lai
Này cỏ, cây, này biển rộng sông dài
và hoa lá cùng ruộng đồng bát ngát
cả núi nữa và chim cùng tiếng nhạc
làm giàu thêm sức sống của hồn thơ
Thêm cơn mưa sông vượt khỏi bến bờ
thêm chút gió đất bồng bềnh biển sóng
lại chiến đấu, lại sức người chèo chống
sông êm đềm giờ sóng, gió, bão giông
Ai viết nên bài hát chín dòng sông
không thể thiếu nhịp vơi đầy mưa nắng
không thể vắng những đời người thầm lặng
đã vun bồi cho bờ bãi thêm xanh
Còn nữa kia, nghìn cánh nhỏ mong manh
đàn cò trắng bay lên từ sóng gió
và bình minh vẫn cứ thêm rạng tỏ
từ chân trời nồng ấm đất phương Nam.
Trong tập : Bầu trời chim sáo ,văn nghệ An Giang 2005