Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
472
123.365.824
 
Cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa*
Trần Hoài Anh

 

 

 

     1. Nguyên Sa, một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học miền Nam trước 1975, người đã có những thi phẩm nổi tiếngđược Ngô Thụy Miên phổ nhạc như:Áo lụa Hà Đông; Tuổi mười ba;Paris có gì lạ không em?; Tháng sàu trời mưa… Trong những bài thơ đó có những câu thơđã găm vào tâm cảm người đọc như những lời kinh cầu của “tôn giáo” tình yêulàm say đắm không chỉ những người sống ở miền Nam lúc bấy giờ mà cho đến nay vẫn là những lời kinh cầu của những đôi lứa yêu nhau mà khi đọc lên, lòng ta không khỏi xuyến xao vì những hoài niệm, những ký ức xa mờ nhưng không bao giờ là hư ảnh trong hồn ta: “Nắng Saigon anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng/ (…) Gặp một bửa anh đã mừng một bửa/ Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn/ Thơ học trò anh chất lại thành non/ Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu” (Áo lụa Hà Đông)  Hay: “Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?/ Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay/ Trời nắng ngọt ngào … tôi ở lại đây/ Như một buổi hiên nhà nàng dịu nắng (…) Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ Tôi thay mực cho vừa màu áo tím” (Tuổi mười ba) và “Paris có gì lạ không em ?/ Mai anh về giữa bến sông Seine/ Anh về giữa một dòng sông trắng/Là áo sương mù hay áo em?” (Paris có gì lạ không em?)… Nhưng trong thơ Nguyên Sa, không chỉ có những bài tìnhthơ lay động lòng người mà trong sâu thẳm tâm hồn thi sĩ còn có những vần thơ viết về mùa xuân thật ảo diệu như một cõi tình riêng thi nhân dành cho mùa xuân mà ở đó, ta thấy cảm thức của Nguyên Sa về mùa xuân cũng lung linh, huyền ảo như những câu thơ ông dành cho tình yêu. Bởi, Mùa Xuân – Tình Yêu – Tuổi Trẻ là những thực thể không thể chia cắt trong đời mỗi con người, góp phần tạo nên sự diệu kỳ cho cuộc sống. Và đây cũng là một nét đặc sắc dễ nhận thấy của cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa: “Không có anh thì ai ve vuốt/ Không có anh lấy ai cười trong mắt/ Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong/ Ai cầm tay mà dắt mùa xuân/ Nghe đường máu run từng cành lộc biếc.” (Cần thiết). Bởi, nói như Tạ Tỵ: “Nguyên Sa đúng là thi sĩ của Tình Yêu và Tuổi Trẻ chẳng phải cho hiện tại, còn cho ngày mai phía trước”[1].

 

      2.Mùa xuân là của đất trời, của nhân thế nàophải của riêng ai!? Nhưng cảm nhận về mùa xuân lại là cõi riêng của mỗi người. Đối với thi nhân,cõi riêng ấy thể hiện trong thơ họ, nhiều khi trở thành những“dị biệt” không dễ lý giải. Bởi thế, khi mọi người náo nức chào đón “Chúaxuân” thì Chế Lan Viênlại muốn “nhặt lá vàng” của mùa thu để tạo nên một “Vạn lý trường thành” cản lối xuân sang: “Ai đâu trở lại mùa thu trước / Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!” Bởi, đối với Chế Lan Viên thưở ấy, mùa xuân là hiện hữu của khổ đau, của hư ảo, của địa ngục: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?/ Với tôi, tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!” (Điêu tàn). Mặc dù vậy, không thể nói, thơ viết về mùa xuân của Chế Lan Viên lúc bấy giờ là những bài thơ vô nghĩa. Bởi, nghiệm số của thơ ca trong tiếp nhận của người đọc không bao giờ là một hằng số mà luôn là những biến số. Giải mã về cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa cũng không nằm ngoài qui luật này.

 

  Đọc thơ Nguyên Sa, ta thấy cảm thức xuân trong thơ ông cũng có những điều độc đáo, ẩn chứa nơi đó thế giới tâm cảm riêng có của thi nhân trong cái nhìn về vũ trụ, về thiên nhiên, trong đó có mùa xuân mà khi giải mã thi giới này ta không khỏi bất ngờ trước những ẩn ngữ đầy chất triết luận trong cảm thức xuân của Nguyên Sa, mà nếu không có một quá trình nghiệm sinh,khó có thể thấu hiểu được những mỹ cảm văn chương đầy sự mật khải này: “Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân/ Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng/ Những âm thanh làm sẹo ở tâm hồn.” (Bây giờ)

 

Và có thể nói, Bây giờ là bài thơ đong đầy những ưu tư, trăn trở của thi nhân về cuộc đời, về thế sự, về nhân sinh ở thế kỷ XX. Đó là một thế kỷ mà theo Nguyên Sa: “Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt/ dăm bảy nụ cười không đả xóa ưu tư”. Vì vậy, việc đánh “rơi mất một mùa xuân” để chỉ còn lại “những âm thanh làm sẹo ở tâm trong hồn” như một tất yếu của cuộc sống mà ở đó nỗi buồn, niềm cô đơn thân phận luôn ám ảnh phận số mỗi con ngườicũng là điều dễ hiểu. Có sống trong những năm tháng chiến tranh của thế kỷ trước, chúng ta mới thấu cảm được nỗi buồn khi xuân đếntrên quê hương như thi nhân đã tự vấn trong bài thơ đầy bi cảm Sao mùa xuân buồn lắm em ơi, mà ở đó cái khúc điệumùa xuân buồn lắm em ơi như một tiếng thở dài, xoáy vào hồn người đọc: “Mùa xuân buồn lắm em ơi / Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ (…)Mùa xuân buồn lắm em ơi /Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ (…) Sao mùa xuân mà chẳng có mưa bay/ Chẳng có người đi bên cạnh cầm tay/ Anh chẳng được hôn lên trán ái tình/Và nói năng những lời vô nghĩa” (Sao mùa xuân buồn lắm em ơi). Và bài thơ Nhìn em nhìn thành phố nhìn quê hương là một chứng từ đầy xa xót đã luận giải rõ hơn cho điều bi cảm này“em nhìn coi/mùa xuân đã trôi qua/ mùa hạ đã trôi qua/mùa thu đã trôi qua/bây giờ là mùa đông/ mùa đông ở trên vai/mùa đông trên thành phố/lá chết ở trên cành/ cành chết ở trên cây/ cây chết ở trên đường/thành phố/ phải thành phố đó/ thành phố chiến tranh và đại bác/ thành phố trống vắng/quê hương trống vắng” (Nhìn em nhìn thành phố nhìn quê hương). Song,trong sự trống vắng đó, may quá vẫn còn có Em, có tình yêu của chúng mình. Và như thế là vẫn còn có mùa xuân, có sự sống, có hy vọng... Đó chính là phép màu, là sự kỳ diệu của cuộc nhân sinh: “Buổi sáng thức dậy, anh cởi bộ quần áo ban đầu và cơn ác mộng/ em còn ngủ/anh bỗng nhìn thấy em/như trời đất bỗng nhiên mùa xuân/như cánh tay bỗng nhiên rạo rực”.(Nhìn em nhìn thành phố nhìn quê hương) Và trong dòng chảy của những xúc cảm tình yêu, cảm thức về mùa xuân trên thành phố Sài Gòn trong thơ Nguyên Sa lúc ấy cũng đầy sắc xuân dù cho trên trời “không có bầy chim én”: “Sàigòn mai gọi nhau bằng cưng/Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân/ Lưng trời không có bầy chim én/Thành phố đi về cũng đã xuân.” (Tám phố Saigon)

 

Có thể nói, khi giải mã cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa, ta không chỉ thấy sự hòa quyện những xúc cảm của tình yêu, tuổi trẻ với mùa xuân mà còn thấy trong đó hình ảnh của thiên nhiên, của đất trời quê hương với những vẻ đẹp lung linh khi xuân về. Vì thế, cho dù xa cách quê hương đã lâu và dẫu đang sống nơi xứ người nhưng không khí mùa xuân, cảnh trí của quê hương vẫn đong đầy trong tâm cảm thi nhân: “Paris có gì lạ không em ?/Mai anh về em có còn ngoan/Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ/ Em có tìm anh trong cánh chim”. Và, chính những tâm cảnh này đã kết tinh thành tình tự dân tộctrôi trong tâm thức của Nguyên Sa,Cho nên, dẫu sống ly hương nhưng thi nhân vẫn không quên hương vị của ngày tết quê nhà với những hương cốm, lá sen đặc trưng của văn hóa ẩm thực vùng Bắc bộ, nơi thi nhân sinh ra và lớn lên, để rồi ông tự cật vấn người mình yêu, nhân vật Em trong bài thơ, nhưng cũng là tự cật vấnchính mình: “Paris có gì lạ không em ?/Mai anh về mắt vẫn lánh đen/Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/Chả biết tay ai làm lá sen?...” (Paris có gì lạ không em ?). Không chỉ có sự hiện hữu của những vẻ đẹp về văn hóa ẩm thực mà hình ảnh quê hương hiện lên trong cảm thức xuân ở thơ Nguyên Sa còn là những nét đẹptươi nguyên của văn hóa dân gian thể hiện ở phong tục, tập quán ngày xuân trong tâm thức của thi nhân, khi nhớ về ký ứchồn nhiên của tuổi thơ như những kỷ niệm không bao giờ mờ phai: “Hơi thở mới nguyên của đồng tiền mừng tuổi/Tôi nhìn người ngóng đợi mắt lên ba/Người về đây có phải tự trời xa/ Với nét mắt vòng cung của cầu vồng che mưa nắng?” (Đẹp) Hay hình ảnh của đêm giao thừa trên dòng Cửu Long giang, thi nhân đã đợi chờ từ “muôn kiếp trước” để được hát giữa dòng sông trong những ngày xuân mà khi đọc lên lòng ta không khỏi “dờn dợn” những cảm xúc về tình tự quê hương: “Sông đã về rửa trắng lòng anh/ Đợi từ chín kiếp giao thừa/ Đến sáng hôm nay mới được hát giữa giòng sông/ Đến sáng hôm nay mới được hát giữa ngày mùng một Tết” (Bài hát Cửu Long). Để rồi, như hiện thân của giấc mộng xuân, thi nhân thấy mình trẻ lại trong nắng xuân ngập tràn hạnh phúccủa ngày hội xuânấm áp tình người: “Bước chân lại gần/ Bước chân gần lại/Và lòng tôi khẽ hỏi/ Hôm nay là ngày hội/ Nên hè phố nhớn lên/ Hay lòng mình bé lại/ Như một hôm nào nắng đẹp: Mùa xuân” (Tự do)

 

Đi tìm cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa, một điều không thể không nói đến đó là hình ảnh Người con gái mà vẻ đẹp của “Người ấy”được thi nhân thi vị hóa, huyền thoại hóa và tôn thờ như nhan sắc của mùa xuân: “Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng/ Tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân/ Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân/Vì anh gọi tên em là nhan sắc” (Tháng sáu trời mưa). Vì thế, nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là ông “Hoàng” của thơ tình thì Nguyên Sa được định danh là “thi sĩ của tình yêu”. Và với Xuân Diệu, mùa xuân được xem là hiện thân của tình yêu nên ông xác quyết: “Xuân của đất trời nay mới đến; / Trong tôi xuân đến đã lâu rồi: / Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi / Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”(Nguyên Đán). Nhưng tình yêu và mùa xuân trong thơ Xuân Diệu chỉ là những ẩn dụ mang tính biểu tượngxa mờ, không phải là một thực thể hiện hữu. Trái lại, tình yêu và mùa xuân trong thơ Nguyên Sa là một thực thể hiện hữu như chính sự hiện hữu của tình yêu mà ông dành cho “Người con gái” trong thơ mình. Chính vì vậy, “Người con gái” ấy đã hóa thân thành nhân vật trữ tình Em trong thi giới Nguyên Sa, đã dự phần không chỉ trong cuộc đời mà cả trong thơ ông như một định mệnh chi phối những vui, buồn, được, mất trong cảm thức thi nhân như một tâm thức hiện sinh “Mùa xuân buồn lắm em ơi / Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ (…) Không phải anh ngại đường sá xa xôi/ Anh cần gì đường dài / Anh cần gì nước mía/ Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc/ Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt/ Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa/ Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân…”(Mùa xuân buồn lắm em ơi). Rõ ràng, thi nhân không cần gì cả trên cõi đời này, chỉ cần có Em thôi để được “hôn lên trán ái tình/ và nói những lời vô nghĩa”… Thực thể hiện hữu trong thơ tình của Nguyên Sa kỳ diệu, lạ lùng như thế đó, nhẹ nhàng và sâu lắng, không ồn ào nhưng ám ảnh, thiết tha. Và điều này đã tạo nên một phẩm tính riêng trong thơ tình Nguyên Sa: ảo diệu, ma mị, nồng cháy, tươi trẻ như sức xuân, vốn là những yếu tính của tình yêu đôi lứa mà Nguyên Sa đã chia sẻ trong bài thơ Kỳ Diệu đầy ám gợi: “Khi đám mây cao dừng trên nếp trán/ Anh chợt nghe vỗ cánh chim bay/ Trái thơm ngon nặng chĩu trên môi/ Dòng suối lạ chảy qua hơi thở/Bốn mùa xuân về đứng trên cơ thể/ Ở giữa mầm lộc biếc và lá non/Anh đứng nghe âu yếm gọi tên em/ Khi em đến nằm ngọa trên đồi cỏ/ Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ/ Có xôn xao là núi lớn xôn xao/Cánh tay anh, anh đã dặn nằm im/ Đôi mắt anh đã trở thành tinh tú/ Đứng thật xa để canh chừng giấc ngủ/Đứng thật cao như ngọn hải đăng/Anh canh chừng con thuyền lạ đi ngang/ Sẽ chở emvề quê hương thần thoại” (Kỳ Diệu). Và quả thật, Em không chỉ là thực thể hiện hữu của mùa xuân đem lại cho Anh, cho cuộc đời sự sống diệu kỳ mà đã trở thành sức sống cho mọi dự phóng trong sáng tạo thơ ca của thi nhân: “Mắt thuyền trôi anh chèo cả hai tay/ Sao chẳng ngự cho hồn anh xuống nhạc/ Sao chẳng đến cho lá cành xanh biếc/ Năm ngón tay anh trổ lá mùa xuân/Ngọc cho em anh đúc ở thư phòng/ Có lửa cháy trong mắt buồn da diết/  (…)  Em chói sáng trong tình anh cô độc/ Cả cuộc đời mộng ảo nhớ bừng lên/ Gót kiều thơm chuyển bước: bútthần run/ Chờ em đến tuổi trời anh đốt lửa/ Hãy thở gấp cho anh nhiều hơi thở/ Mắt mở to cho biển rộng vô cùng/ Hãy ban từng khóe mắt đốt hoa đăng/ Và má đỏ tiếp hồng xuân vĩnh viễn” (Người Em sống trong cô độc).

 

        3.Như vậy, cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa đã đủ đầy nhiều cung bậc, nhiều thanh âm, nhiều giọng điệu, nhiều màu sắc vốn có của kiếp nhân sinh với những vui buồn mà nếu không trải qua những tháng năm rong ruỗi trong cuộc đời, thi nhân sẽ không thể hiểu và cảm sâu sắc như thế được!? Chính điều này làm cho ta hiểu thêm nhữngtrị số khác trong thơ Nguyên Sa mà lâu nay người ta cứ nghĩ Nguyên Sa chỉ làm thơ tình và không quan tâmgì đến những bình diện khác của đời sống xã hội. Nhưng không, bên cạnh những bài thơ tình đắm đuối, thiết tha ngợi ca một thứ tình yêu trong trẻo, tinh khôi, thánh thiện và đầy tính nhân bản, khi khám phá cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa, ta còn bắt gặp trong đó những niềm thổn thức, những ưu lo, trăn trở về quê hương, về thân phận con người trong những năm đất nước còn chiến tranh, cho dù những ngày ấy thi nhân có sống xa hay sống trong lòng Tổ Quốc thì hình ảnh quê hương và con người Việt Nam với những nỗi đau trong chiến tranh luôn là điều ám ảnh cảm thức thi ca của ông mà những bài thơ viết về mùa xuân trong tập Thơ Nguyên Sa là một xác chứng.

 Khác với Hoài Khanh trong tập thơ Gió bấc, trẻ nhỏ, đóa hồng và dế(Ca Dao xuất bản, Sài Gòn,1970) hayDu Tử Lê, trong tậpthơ Đời mãi mãi ở Phương Đông(Gìn vàng giữ ngọc xuất bản, Sài Gòn, 1974) không có một câu thơ nào, bài thơ nào nói đến mùa xuân thì trong Thơ Nguyên Sa (Tổ Hợp gió xuất bản, Sài gòn, 1971), hình ảnh mùa xuân lại bàn bạc và đầy ám ảnh đã kết tinh thành cảm thức xuân đa sắc màu trong thơNguyên Sa. Đó là những cảm thức xuân gắn với tình yêu, tuổi trẻ, quê hương, với thân phận con người trong cõi nhân gian và đây cũng là điều độc đáo làm nên phẩm tính riêng của thơ Nguyên Sa trong dòng chảy thi ca miền Nam trước 1975. Và chính điều này tạo cho thơ ông một giá trị riêng có còn lại mãi với thời gian như lời thơ của Trần Tuấn Kiệt viết tặng Nguyên Sa trong bài thơ Lời thi sĩ gởi cho nàng thơ: “Tôi hát khúc trần gian đầy ân ái/ Em dạo cung hồ cầm đó ngày xưa/ Cơn gió xuân xa lưng trời thổi lại/ Mộng bình yên thôi đã mất bao giờ” (Lời thi sĩ gởi cho nàng thơ)[2]. Và hôm nay, trong mùa xuân bình yên của đất nước, thơ Nguyên Sa trong đó, có những vần thơ viết về mùa xuân của ông mãi tồn sinh với dân tộc và quê hương mà thi nhân hằng yêu quí. Cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa, phải chăng cũng là một hằng số văn hóa góp phần làm nên những vẻ đẹp của mùa xuân mà chúng ta cần trân quí, giữ gìn như giữ gìn những hệ giá trị trong “giòng sinh mệnh văn hóa” nước nhà.

 

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 15/11/ 2019

     *Những câu thơ trích trong bài viết lấy trong tậpThơ Nguyên Sa, Tổ Hợp gió xuất bản, Sài Gòn, 1971 và “Nguyên Sa thi sĩ của tình yêu”, Tạp chí Văn học số 99 ra ngày 15/12/1969 tại Sài Gòn.

 


[1]Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tác giả giữ bản quyền, Sài gòn,1970, tr.262

 

[2]Trần Tuấn Kiệt, Lời thi sĩ gởi cho nàng thơ, “Nguyên Sa thi sĩ của tình yêu”, Tạp chí Văn học số 99 ra ngày 15/12/1969, tr.48

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 1903
Ngày đăng: 28.01.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đến với bài thơ hay “Cảm ơn tình yêu” của Hành Giả - Nguyên Bình BRVT
Biên bản thặng dư – một vẻ đẹp nhân văn - Hoàng Thị Thu Thủy
Ma lực một làn hương - Nguyễn Thánh Ngã
“Màu thổ cẩm” của Bùi Minh Vũ – Những con ngựa hoang trên cánh đồng thi ca - Bùi Minh Vũ
Có một cõi chưa qua - Nguyễn Thánh Ngã
Trần Kinh Thượng với tập thơ: “Khúc tình phố núi” - Hoàng Thị Bích Hà
Người không lạ - Trần Hạ Vi
Bình thơ: Khúc hát tình rơi - Hoàng Thị Bích Hà
Du Tử Lê, ngôn ngữ tình yêu - Nguyễn Đức Tùng
Đôi dòng cảm nhận Bài thơ “Em đi”của Thục Uyên - Nguyên Bình BRVT
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)