Trong bài giới thiệu quyển Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh, tái bản năm 1988, học giả Trần Hữu Tá than phiền là giới văn học Việt Nam đã quên làm „Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Hồ Biểu Chánh“ nhà văn „hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam - đặc biệt là người đọc phía Nam Tổ quốc“ [1] . Gs Trần Hữu Tá có lý, nhưng 20 năm sau giới văn học Việt Nam cũng „quên lửng“, ít nhắc đến nhà văn này, người đã mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.
Nếu còn sống thì tháng 10 năm nay Hồ Biểu Chánh vừa đúng 120 tuổi. Ông thuộc vào một số rất ít nhà văn Việt Nam đã sử dụng những từ ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ảnh trung thực tâm tình và tâm lý của người dân bình dị và nhờ đó các truyện viết của ông dễ gây xúc động cho người đọc. Phần lớn độc giả của ông chỉ biết tên Hồ Biểu Chánh, nhưng tên thật của ông là Hồ Văn Trung tự là Biểu Chánh. Ông lấy họ và tên tự của mình ghép lại để viết văn. Sau khi thi đậu bằng thành chung năm 1905 ông làm thông ngôn và cuối đời làm việc được thăng đến chức Ðốc phủ sứ. Năm 1946, ông nghỉ hưu và dành trọn những ngày tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương cho đến khi mất ngày 4 tháng 11 năm 1958 tạiPhúNhuận.
Hồ Biểu Chánh viết văn từ năm 1910. Quyển tiểu thuyết đầu tay của ông Ai làm được ra đời năm 1912 và chỉ trong vòng 19 năm, ông cho xuất bản 18 quyển tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Hồ Biểu Chánh say mê văn chương và viết liên tục cho đến khi mất, tổng cộng hơn 70 tiểu thuyết, đoản thiên. Quyển tiểu thuyết cuối cùng của ông là quyển Hy sinh, chưa xong. Ngoài tiểu thuyết ông còn viết nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tuỳ bút… Tổng cộng có hơn 130 tác phẩm, một con số ít có nhà văn Việt Nam nào đạt được.
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn rất lớn của miền Nam và của cả nước. Ông để lại cho văn học Việt Nam một gia tài đồ sộ với hơn một trăm quyển tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thơ, biên khảo… Tiểu thuyết của ông được phổ biến rộng rãi và đã đi vào lòng của đại đa số dân chúng ở vùng đất phương Nam. GS Nguyễn Văn Trung khi viết về Hồ Biểu Chánh đã tâm sự như sau: „dạy văn học trên 20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh chê, không thèm đọc“. Sau khi đọc xong, GS Trung nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thật cảm động, thật hay, thật hấp dẫn. Một người bạn lớn tuổi của ông đã thú nhận với ông „chả nhẽ, tôi trên 60 tuổi rồi mà còn nói bị xúc động như muốn rơi nước mắt“ và ông đặt ra câu hỏi „Tại sao một cuốn truyện, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn hấp dẫn, gây xúc động với một người ở địa phương khác với địa phương của tác giả?“ [2]
Trong cuộc đời làm việc, ông có những bước thăng trầm, có lúc ông ra làm quan cho Pháp nhưng không lợi dụng vị trí này để hưởng lợi cho bản thân hay cho gia đình mình mà để dễ dàng truyền bá đạo lý cuộc sống theo lý tưởng của ông. Có nhiều người muốn qua đó chỉ trích lập trường „chính trị“ của ông quan Hồ Văn Trung, rồi phủ nhận cả công trình văn học của ông, nhưng „ không ai có thể xoá mờ tên tuổi nhà văn Hồ Biểu Chánh trong lòng người đọc cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam thời cận đại. Hồ Biểu Chánh phải đâu là trường hợp duy nhứt trong quá khứ văn học nước nhà! Một Nguyễn Du với lập trường chính trị không mấy tốt đẹp, ăn lộc nhà Lê rồi khuất thân phò nhà Nguyễn, chống lại cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, vậy mà kiệt tác Truyện Kiều của ông xưa nay vẫn được nhơn dân đề cao hết mức. Một Xuân Diệu từng làm nhơn viên sở Quan thuế thời Pháp thuộc, vậy mà đương thời những bài thơ đầy tính chất lãng mạn trữ tình của ông không hề bị ai xoá bỏ vì lý do ông làm việc cho chính quyền thực dân. Xưa nay còn biết bao trường hợp na ná như thế“ như học giả Nguyễn Văn Y đã bình luận cho lần tái bản quyển tiểu thuyết Tân phong nữ sĩ. [3]
Trong cuộc đời văn chương, ông luôn giữ lập trường và mục đích sáng tác của mình. Ðối tượng độc giả của ông là đại đa số người bình dân, giới trung lưu có học, không phải là giới trí thức cao siêu hay những bậc trưởng giả giàu có. Những người đương thời muốn theo thời, góp ý với ông để ông thay đổi, nhưng Hồ Biểu Chánh „không phải là con người của các trào lưu mà là của truyền thống. Mặc cho thiên hạ khen chê, ông cứ thẳng băng đường của ông, ông tiến. Các văn gia thế hệ 1913 không thuyết phục được ông đã vậy, ngay đến các văn gia thuộc các thế hệ 1932, hay 1945 cũng không làm sao thay đổi được ông“. [4]
Cũng như nhiều nhà văn Việt Nam khác, sống trong buổi giao thời giữa nền văn hoá cổ truyền Ðông phương và nền văn hoá Tây phương, Hồ Biểu Chánh lấy cái mới cái hay của nền văn hoá phương Tây để phát huy nền văn hoá phương Đông, vì vậy cái lý tưởng bảo thủ của ông là một thứ „bảo-thủ sáng-suốt, nên đọc tiểu-thuyết của ông, người ta nhận thấy tuy xuất thân từ Tây-học nhưng ông vẫn thiên trọng những tư tưởng truyền thồng của dân-tộc vốn thấm nhuần Nho, Phật và Lão-giáo“ [5] như Nguyễn Khuê đã nhận xét.
Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... là những người tiên phong đặt nền móng cho chữ quốc ngữ thì Hồ Biểu Chánh là một trong những người đã làm cho chữ quốc ngữ được phong phú. Khi nói đến tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, người ta không thể không nói đến những đặc thù từ ngữ của ông. Những nhân vật trong truyện của ông, thường là những người bình thường và môi trường sinh hoạt hầu hết được diễn ra ở vùng đất phương Nam, vì vậy những từ ông dùng trong truyện hoàn toàn có tính cách Nam bộ. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh cho rằng, „Ngôn-ngữ là dấu ấn của con người, là sản phẩm của quá-khứ để lại. Ngôn-ngữ xưa mà vẫn thu hút người đọc (và người xem) như tiểu-thuyết của Hồ Biểu-Chánh, phải chăng do ở những cái đã mất mà thân thương, đã cũ nhưng dấu ấn và vết tích hãy còn có thể nhận ra, phát-hiện lại, hay phải chăng do phong-vị hãy vương vấn đâu đó, như ngôn-ngữ trong các tiểu-thuyết đó?“ [6]
Tiểu thuyết của ông là một bức tranh sống động về phong tục và cuộc sống người dân miền Nam bằng chữ trong thời kỳ đầu của thế kỷ XX. Vì vậy Nguyễn Thanh Liêm và cả Phạm Thế Ngũ đều cho rằng, „Người nghiên cứu về xã hội về văn hoá hay lịch sử của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ XX có thể lấy được rất nhiều dữ kiện trong kho tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh“ và Hồ Biểu Chánh „đã đóng đúng vai trò của một sử gia của thời hiện tại“.
Ðể kỷ niệm ngày sinh thứ 120 của nhà văn, chúng tôi mượn lời của TS Mai Quốc Liên, Trung tâm nghiên cứu quốc học, trong một bài giới thiệu về Hồ Biểu Chánh: „Xét về đủ mọi phương diện, Hồ Biểu Chánh là một nhà tiểu thuyết lớn của Nam bộ và của cả nước. Chúng ta phải xác định lại cho đúng vị trí của ông trong lịch sử văn học.“ [7]
Tác giả Trang Quang Sen là một trong những người sáng lập và điều hành Web site Hồ Biểu Chánh: www.hobieuchanh.com
© 2005 talawas
[1]Tựa Ngọn cỏ gió đùa, NXB Tổng hợp Tiền Giang tái bản năm 1988
[2]Văn xuôi Nam bộ nửa đầu Thế kỷ XX, NXB Văn nghệ TP HCM & Trung tâm nghiên cứu quốc học, trang 677, 1999
[3]Tân phong nữ sĩ, NXB Tiền Giang, 1988
[4]Bảng Lược đồ văn học Việt Nam, Quyển hạ, Thanh Lãng, NXB Trình Bày, 1967
[5]Chân dung Hồ Biểu Chánh, NXB TP HCM, trang 261, 1998
[6]i>[1] Hồ Biểu Chánh, người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, sắp xuất bản
[7]Văn xuôi Nam bộ nửa đầu Thế kỷ XX, Sđd, trang 11