Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
938
123.366.841
 
Cá không ăn muối
Hồ Đình Nghiêm

 

 

Cá chết rồi, để giúp đẹp mặt, người ta ướp cho nó chút muối lên mình mẫy vốn sẵn tanh hôi. Carol không bao giờ ăn cá cho dù là thứ “vô địch ngư” mỗi lát khi bán ra giá không dưới 40 đô. Nó săng chắc như thịt cua và ngọt ngào như thịt của tất cả mọi sinh vật trú dưới đại dương hợp lại. Carol có lối luận chuyện khác lạ: Cá đẹp khi nó vẫy vùng bơi lội trong nước, mang nó đặt vào lòng đĩa… no fucking way. Cá và muối, đó chỉ mới ngắt khúc đầu của một câu thành ngữ, phần sau nguyên dạng là “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Dĩ nhiên là hoàn toàn được viết bằng tiếng Việt, chỉ riêng người Việt mới thủ đắc lấy nó. Tây tà hả, con cãi cha mẹ hà rầm và có khi cha mẹ nghệch mặt ra: Chúng đúng quá, ta hư hỏng quá, sao ta mãi can thiệp quấy rối tới đời sống riêng tư của nó thế. Khác với Carol, Neil rất thích ăn cá, nó bảo cá chứa nhiều hàm lượng omega-3, rất có lợi cho cơ thể con người, và Neil là thằng con luôn cự cãi đấu võ mồm với nhị vị song thân.

 

Cuộc chiến nào cũng dẫn tới hồi buông màn với hoạt cảnh một kẻ khóc một người cười. Đang ở năm thứ hai đại học, Neil bỏ ngang để xuôi Nam ghi danh vào trường đào tạo Cảnh sát đặc nhiệm. Bỏ lại đằng sau giấc mộng vụn vỡ của thân sinh, câm nín. Tuy chưa học tập việc tác xạ Neil đã bắn gục hình ảnh một tên bác sĩ kỹ sư ngay bên thềm nhà và mọi người sống trong địa hạt yên bình này không hiểu ra cớ sự do đâu Neil đi nuôi mộng trừ gian diệt bạo. Hắn lặng lẽ xa tôi từ dạo ấy, điều này kéo theo chuyện tôi dần thưa gặp mặt Carol. Tôi cũng chẳng đào đâu ra lý do để đến thăm hỏi hai ông bà hiền lành nọ. Họ nấu ăn rất tệ nhưng khi họ mời tới dùng bữa, họ sẽ lấy làm vui vẻ mang thân ra hầu hạ cái đứa “thực bất tri kỳ vị” kia. Cả ông bà rất khoái khẩu món phở gà và chả giò trong khi Neil thích xơi đồ Nhật và Carol khoái nhai thực đơn Pháp. Không cứ là vấn đề ẩm thực, ngay chuyện giải trí xem phim đọc sách mỗi người đều có riêng một trình độ, gu thưởng ngoạn cá biệt và sẵn lòng phun nước miếng vào mặt nhau để bảo vệ thứ chủ quan mình vừa trình bày. Neil bảo tại sao chúng ta phải mất nhiều calories chỉ vì một bên ưa ăn cá bên khoái ăn gà? Carol thì thầm, tranh cãi với kẻ ngốc sẽ chứng minh có hai đứa ngốc.

 

Mùa hè năm đó, như mỗi năm, như đa số bọn sinh viên nghèo, tôi đi làm bán thời gian cho một cửa hiệu phục vụ mọi thứ liên hệ tới sports. Nhân viên sẽ diện đồng phục do “bổn tiệm tự vẽ kiểu” và thú thật tôi chưa bao giờ thấy có bộ đồ thể thao nào xấu xí tới mức ấy. Cũng may khi mặc vào nó không khiến tôi độn thổ, nó gây sự chú ý cho ai đó và rồi tôi gặp lại Carol. Lâu quá, bao nhiêu năm rồi? Có hơn hai năm rồi còn gì. Làm ở đây à, giỏi nhỉ! Trông tôi có gì đổi thay? Carol mập hơn trước nhưng tôi biết cách đánh trống lãng. Tôi giúp được gì cho quý khách đây? Làm như thể là một nhân viên đam mê nghề nghiệp, tôi kéo Carol đi gần hết chu vi rộng rãi của tiệm. Thực sự thì tôi đang chây lười lao động, bắt được con bò lạc và khi sánh vai bên nhau tôi tha hồ hít thở hương hoa của Carol, một mùi vị ấp ủ nhiều kỷ niệm. Thực sự thì  con bé vừa tốt nghiệp trung học này đã thay đổi nhiều thứ quá, nó già trông thấy và xem chừng bất cần đời hơn xưa. Cái nó chẳng thay đổi có lẽ là chuyện: Suốt đời không ăn cá. Tôi đồ vậy mặc dù nó mang vẻ đẹp hoang dại của một mỹ nhân ngư, không vướng mùi rong rêu, thơm nồng nàn kiểu những loài hoa nở rộ ở xứ nhiệt đới, sau cơn mưa. Giày chạy bộ thứ nào tốt? Nó hỏi.Tôi mang tới cho Carol hai hiệu: New Balance và Nike. Tôi không hiểu chữ tốt, tôi chỉ nhắm tới giá tiền cao nhất đồng thời mẫu mã ngó bắt mắt. Carol giống tôi, ghét màu mè thích đen xám. Ngay cả bộ đồ bó người chạy jogging cũng vậy. Đen đúa và giá thì trời ơi đất hỡi. Chẳng sao cả, chả nhiều nhặng gì đâu, chưa kể với tư cách là nhân viên trong cửa hiệu, trình mã số cho máy tính tiền quét, một cách tự động, chúng sẽ giảm đi 15% số thành. Dầu gì thì tôi cũng thiết tha có ngày nhìn thấy Carol chạy bá thở ở khúc đường vắng, mặt đỏ ké và cơ thể coi mòi thon thẻo hơn hiện tại. Mấy giờ thì xong? Ờ, tiệm đóng cửa vào 6 PM. Ông bà bô vẫn khoẻ? Chết tiệt, tui quên nói má tui mất rồi. Chia buồn khi nghe .Thế Neil, có tin gì về nó không? Một tay cảnh sát, một đứa sắp lấy vợ, hai thứ ấy khiến hành tung anh chàng đâm bí mật hơn. Bà già tôi hấp hối, tao có chết, nhắn nó hẳn thằng cớm đó cũng hổng thèm về đâu nhỉ! Bố tôi chửi vào khoảng không: Khốn nạn!

 

Carol hỏi có thích đi kéo ghế không? Đợi trước cửa hiệu, sáu rưỡi tui tới, nếu muốn. Dĩ nhiên là tôi muốn, có cơ hội hồi tưởng chuyện cũ cùng Carol và khi chộn rộn đi bên nhau, những nhân viên làm việc trong cửa hàng lắm chuyện này sẽ thay đổi một cách nhìn khác về cái “thằng người Tàu bí ẩn biết kung-fu” ấy. Tôi không buồn cải chính về những ngộ nhận chúng luôn áp đặt sai, kể cả nếu bọn họ quả quyết Carol là vợ tôi. Cả ngàn lẻ một lần tôi phân trần, không cứ đã là ba Tàu thì buộc phải biết kung-fu và không hẳn da vàng mắt một mí đều là made in China. Chúng ậm ừ làm như thông hiểu đạo lý rồi mọi chuyện lại đi về lối mòn cũ. Hình ảnh một bọn người lam lũ rách rưới đi dựng xây con đường sắt xuyên quốc gia, làm nghề đóng quan tài rồi chủ các quán ăn men theo liên tỉnh lộ có trong những thước phim xưa cổ đã ám mãi vào trí nhớ họ. Không phải sao, ngay cả món mì ống nổi tiếng của dân Ý người ta cũng từng ngờ vực tới sự vi phạm trắng trợn bản quyền do Từ Hy thái hậu thủ đắc. Nữ hoàng anh minh ấy mà buồn đời ra sắc lệnh cho con dân cùng đi đái một lần thì  e rằng sông Dương Tử sẽ gây sóng thần để cuốn trôi một bộ phận không nhỏ các châu lục người anh em sống quanh quẩn gần biên giới. Nếu một ngày kia trong các cửa hàng đều có dựng tấm bảng cảnh báo viết bằng tiếng Việt: “Ăn cắp là hành động xấu xa và chúng tôi buộc lòng phải nhờ cảnh sát can thiệp bla bla bla…” hẳn đến lúc đó tôi sẽ vênh váo: Ngộ là người Tàu a tài lũ, chí ùm chí a? Ngộ piết kung-fu nè, ngộ từng đứng chụp ảnh ở Vạn lý trường thành nè, cái nơi mà nị chưa đặt chân lên thì muôn đời nị chưa thể làm hảo hán.

 

Sáu giờ chiều, cánh cửa sắt kéo lại rít róng. Jimmy khoá nó sau khi đã mở nút hệ thống báo động bắt sau ô cửa gương. Hắn là thủ lĩnh của tiểu đội “lính đánh thuê” trong đó có tôi và khi đã mang “lon lá” cỡ đó cách ăn nói của hắn cũng có chút khan khác: Ê, có thuốc lá không, đưa tớ một điếu coi. Hôm nay mày ăn cái giống gì mà chẳng nhanh chân như những lần trước? Ờ, bị moa có cái hẹn. Ngay trước bổn tiệm? Ờ, đã lỡ định vị rồi. Thuốc đây, hút cho thông cần cổ. Jimmy thở ra một đám mây xám. Hẹn với gái à? Ờ, với gái, bắt buộc rồi, tiếc là không phải gái Tàu. Mẹ nó chứ, vậy là mày ngon cơm hơn tao rồi, tan việc là chóng về nhà kẻo má thằng cu nó chửi vang rân. Thằng người ưa hống hách với thuộc hạ ấy rụt cổ lại, hắn ném điếu thuốc: Tao lặn đây, chúc một cuối ngày an lành. Tôi nói bye và mồi lửa điếu thuốc khác.

 

Carol không thích ăn cá nhưng có thể ưa ăn mực hoặc một thứ thịt dai nhách như cao su. Chờ tới bảy giờ, nản lòng tôi bỏ đi, nhường vuông xi-măng trông khô ráo sạch sẽ ấy cho một gã thanh niên bụi bặm vừa sà tới; hắn dắt theo một con chó, quấn một đống chăn mền và tấm bìa lớn viết sẵn hàng chữ: “Quý vị có thể không cho tôi tiền bạc nhưng thú thật con chó của tôi đã nhịn ăn trong ba hôm rồi. Chúa chứng giám và độ trì cho những tấm lòng thành”. Những gì hắn thổ lộ bằng giấy viết cũng đủ minh bạch một điều: Chó mới gặt hái cảm tình từ tha nhân, con người thì không sánh được. Một gã vô gia cư ngồi mình ên bên đường sẽ nghèo kiết xác nếu so với “đại gia” có dắt chó theo đóng tuồng. Bao giờ cũng vậy, có vây cánh ắt hẳn phải hơn kẻ thế cô.

 

Tôi vẫn chăm chỉ cày bừa, tôi đi làm và nghĩ bụng thế nào Carol cũng sẽ tạt qua, phân trần, xin lỗi về chuyện thất hứa bữa nọ. Hôm ấy một trung niên dáng vẻ khắc khổ với gương mặt có nhiều nếp nhăn tiến lại gần tôi, ngó chăm vào miếng nhựa trắng có ghi khắc tên tôi luôn cài trên bộ đồng phục xấu xí. Xin chào bác, tôi có thể giúp gì cho bác đây? Tôi nói như cái máy. Người trung niên moi trong túi áo ra cuốn sổ nhỏ, ông rút tấm ảnh kẹp giữa những trang oằn cong: Bạn nhìn ra ai đây không? Ông dí tấm hình đen trắng cỡ 5x7 ngay trước mũi tôi và tôi đánh hơi được thằng cha này là một thám tử. Biết chứ, cô ta tên là Carol. Gặp gỡ có thường xuyên? Nghĩa của chữ thường xuyên là sao ạ? Hơn hai năm mới nhìn thấy nhau thì đâu thể gọi là thường xuyên nhỉ? OK, lần gặp mặt mới nhất xảy ra lâu mau rồi? Khoảng mười hôm trước, cô ta lại đây mua một bộ đồ thể thao và đôi giày dùng để chạy bộ. Tốt, tôi có xem qua một đoạn ghi hình ngắn từ camera đặt trong cửa hàng. Sau đó thì sao? Thì chia tay, Carol nói sẽ mời tôi đi ăn tối, tôi đợi nhưng cô ta hứa cuội. Tôi có thể biết chuyện gì đã xảy tới cho Carol không? Người trung niên có bộ mặt khắc khổ ấy nhét cuốn sổ nhỏ vào túi áo. Ông đưa cho tôi tấm giấy nhỏ ghi rõ tên tuổi nghề nghiệp và số điện thoại của ông: Có thu nhận điều gì mới lạ, gọi điện báo cho tôi biết. Tạm thời thì Carol cùng đồng bọn bốn đứa đã bị cảnh sát khu vực 21 phía bên kia sông bắt giữ. Chúng nằm trong một tổ chức buôn bán và tiêu thụ cần sa ma tuý. Những thông tin mà bạn vừa trao có thể chẳng man khai, tôi mong bạn không có gì cần phải dấu diếm. Bạn người Tàu phải không?

 

Ông đại uý Albert sếp khu vực 19 vỗ vai tôi. Chuyện cũng chả quan trọng lắm đâu, tôi vào mua cây vợt đánh bóng bàn rồi nhân tiện hỏi bạn đôi ba câu vậy thôi. Ông đi ra cửa và ném cái nhìn đầy ác cảm xuống thằng người ôm chó ngủ gà gật bên lề đường. Toàn một bọn chây lười, sao bao nhiêu công việc lại để cho bọn di dân nó nhanh tay xí phần cả, lương lậu thấp cũng hổng ke. Cảnh sát mặc thường phục đến thăm hỏi nhân viên cửa hàng hôm trước, hôm sau thằng chủ tiệm đã vò đầu bức tai làm bộ nhăn nhó: Chuyện chẳng đặng đừng, mày là một nhân viên tốt, nhưng do tình trạng kinh tế đang hồi khó khăn, chúng tao rất lấy làm đắn đo hối tiếc để nói rằng bla bla bla… Tôi vào góc kẹt thay đổi xiêm y, ném bộ đồ thể thao xấu xí trong ngăn kệ đựng dụng cụ cá nhân trống trải. Tôi bước ra đường không thèm nghĩ tới chuyện ngày mai. Tôi ném hai đồng vô cái nón của thằng người ăn mày và tôi nói bye bye với con chó có đôi tai rất thính. Lâu lắm mới có được một ngày chủ nhật đúng nghĩa, tôi ngồi vỉa hè quán cà phê tha hồ thắp thuốc thở khói vào cao xanh. Bên kia đường có người đàn ông dáng lạc hồn, lưng còng với cái túi vải móc chéo vai. Ông ta thích ăn phở gà và khoái xơi những cuốn chả giò tôm cua chiên vàng thơm ngọt. Và có lẽ ông là người duy nhất biết tôi không phải bọn Tàu thích bành trướng.

 

Tôi chạy băng qua đường, đón đầu người đàn ông mà nếu có duyên phận, chúng tôi sẽ đổi cách xưng hô: Bố con. Tôi đã ngủ với Carol một đêm chùng vụng và con bé tóc vàng ấy không phải là dân Tàu để xem “trinh tiết sự cực đại”. Có hề gì, chuyện nhỏ, vấn đề là bạn phải mang tôi tới được cuối đường. Vết răng mà Carol cắn vào vai tôi đã lặn mất dấu vết. Hai năm rồi còn gì. Hai năm để vừa nghe đủ những tàn phai. Nhưng trong mắt đã nhuốm bụi trần của ông già 60 vẫn tinh tường khi ngó ra dáng hình một thằng người tử tế, có nghĩa là hắn biết cách cư xử lễ độ với những người lớn tuổi cỡ bố mẹ mà không hề tỏ vẻ mất dạy như hai đứa con mình. Ông chứng minh sự sáng suốt bằng cách reo tên tôi, phát âm một cách chính xác như một kẻ biết ăn nước mắm từ thuở nằm nôi. Ông bắt tay tôi, chặt, như lưu lạc phương xa tình cờ nhìn ra người bạn cũ. Tôi biết ông cô đơn. Hơn ai cả tôi từng nếm trải nỗi khó chịu đó. Tôi chỉ tay sang bên kia đường, mời ông cùng uống với tôi cốc cà phê đen để khơi mào bao đổi thay nằm ở thì quá khứ.

 

Carol bị hai năm tù và điều bất ngờ nhất là Neil, hắn bị án 6 năm vì lạm dụng công việc của một cảnh sát chìm đã tiết lộ thông tin những cuộc bố ráp giúp bọn tội phạm, có em gái mình tham gia, thoát qua nhiều cuộc săn đuổi. Người cha bất hạnh cố giữ sự điềm tĩnh: Tôi đã có lần đi thăm con bé, nhà tù đặc biệt nằm xa chốn đây những 7 tiếng đi xe đò. Nó giống mẹ nó, ở cái chỗ cương cường biết thu cất những bí mật. Điều đó làm mình thương nó không nhiều bằng sự ghét bỏ. Bạn dễ chao lòng vì những thứ yếu đuối hơn, có đúng không? Tôi mời ông đi ăn phở. Ông nói, bạn thật tử tế, đúng như mẹ chúng nó ngày nào đã nhận xét, như vậy thật tiện lợi khi từ quán phở về nơi trú ngụ. Sao cơ ạ? Căn nhà ấy đã bán sau khi mẹ chúng nó mất, thân già này giờ thuê một cái 2 phòng rưỡi đặng tránh gió mưa.

 

Nếu Carol có thai với tôi, không chắc nó lấy đó làm điều để bắt tôi thề thốt gọi ba nó là bố vợ. Tôi biết Carol ưa nếm trải phong vị đời sống chứ nào vướng bận chuyện thương yêu. Quen biết hơn hai năm, tình trong một đêm, ba cái lẻ tẻ ấy không khiến người ta phải vẽ lên một dự án nhằm dựng xây một con đường tiến tới hôn nhân vợ chồng. Nhưng tôi, thú thật là tôi luôn bị dằn vặt bởi những gì Carol đã trao cho. Tôi yêu thứ tình chẳng toan tính bất vụ lợi của Carol.

 

Tôi ra bến xe đò mua vé khứ hồi đi về trong ngày để lặn lội tới nhà tù Ngàn Đảo thăm Carol. Tôi đã điền vào một lá đơn xin thăm viếng và được chấp thuận trước cả tuần lễ. Ký tên sau khi tuân theo những điều ngăn cấm, đồ đoàn có thể bị lục soát trước khi vào cánh cửa mở đóng bằng hiệu lệnh. Carol ngạc nhiên khi trông thấy tôi để khuôn mặt em trông giãn nở tươi vui trong mỗi bước chân thu ngắn dần khoảng cách. Mặc trên người bộ đồng phục màu xanh có in mã số trước ngực, Carol cho hay em nằm trong toán thợ may chuyên vá sửa chăn nệm áo quần bảo hộ lao động theo hợp đồng giữa nhà tù với một công ty phân phối đồ cho bệnh viện nằm ngoài thành phố. Dáng vẻ nhanh nhẹn trông chẳng từng liên hệ tới cần sa, thứ làm người lần khần như thiếu ngủ. Điều đó rất cần thiết, giúp Carol khỏi bị chuyển tới một nơi tựa như trung tâm cai nghiện phục hồi nhân phẩm. Em thật có lỗi với anh, đã nhiều lần gây thất vọng mà nếu là kẻ khác họ sẽ xa lánh em. Hư đốn dường ấy mà anh còn thương em sao? Chúng tôi ngồi đối diện giữa một mặt bàn khá rộng, có người giám thị đứng gần và cái nhân vật hộ pháp đó sẽ nhảy tới can thiệp nếu chúng tôi đưa tay ra sờ soạn nhau. Ôm hôn Carol chỉ là hình ảnh nằm trong mơ mộng, và mông muội.

 

Việc học của anh thế nào rồi? Anh tốt nghiệp vào hè này, trở thành kỹ sư và đi tìm việc làm liên quan tới thảo chương điện toán. Và sau đó? Carol hỏi, mắt em xanh như đang nhìn lên một khung trời rộng. Sau đó… Tôi ngó xuống mặt bàn, ngó tới những ngón tay xoắn xít của Carol. Sau đó anh sẽ mướn một căn hộ rộng rãi, sạch sẽ và nếu thích, em có thể mang vật dụng tới ở chung. Anh sẽ không ăn cá và… Những giọt nước mắt ứa ra trên mặt dù Carol cố kềm giữ. Người giám thị nói lớn tiếng: Đã hết giờ. Em yêu anh. Em sẽ xăm trổ cái tên anh lên bụng mình, phía dưới lỗ rốn. Em cố sức đẻ cho anh một đứa con…

 

Tôi ra lại bến xe đò heo hút. Ngọn đèn vàng treo dưới mái hiên mãi chao đi bởi gió từ ngoài biển đen thổi vào nồng mùi muối mặn. Tôi là một con cá đã lỡ không ăn muối. Trăm đường tôi hư cả trăm bởi ba má bên nhà nói hồi nào con tốt nghiệp đại học, người ta sẽ mua vé máy bay cho con về quê lấy vợ. Con dâu tương lai của ba má ngó cũng mặn mà có duyên. Số con có quới nhơn phò hộ, vừa ẳm được vợ mang qua xứ người vừa có số tiền hoành tráng lận lưng. Tóm gọn bên sui gia họ lo từ a tới z, nghe đã sướng chưa? Y như chuyện khoa học viễn tưởng ấy nhỉ!

 

Như vậy thì lấy một đứa từng là tội phạm vào tù ra khám vì liên hệ tới xì ke ma tuý, nhân thân xấu vãi, ba má nghe thế có bức xúc lắm không. Có nằm mộng cũng chẳng ngờ? Tổ cha mi. Hèn gì bữa nay bày đặt thay tên đổi họ mang những Rắc những Răng, bạc tình không cách gì tả xiết!

 

 

 

 

Hồ Đình Nghiêm
Số lần đọc: 1077
Ngày đăng: 05.02.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hư ảnh - Hồ Đình Nghiêm
Nỗi lười biếng ngọt ngào đêm giao thừa - Phạm Nga
Thành phố không nằm trong trí nhớ - Hoàng Nga
Mặt chuột - Hồ Đình Nghiêm
Nhà trên đồi - Hoàng Nga
Kiếp trước - Nguyễn Thị Kim Lan
Cho mẹ nghe mùi tết - Bùi Thanh Xuân
Tình yêu của người đàn bà câm - Trang Thùy
Kịch Bản Phim - Trần Yên Hòa
Thằng chả - Đoàn Việt Hùng
Cùng một tác giả
Mặt chuột (truyện ngắn)
Hư ảnh (truyện ngắn)
Cá không ăn muối (truyện ngắn)
Trắng xóa màu đêm (truyện ngắn)
Đơn thân (truyện ngắn)
Dáng lụa (truyện ngắn)
Phong thư tình (truyện ngắn)