Cái sân nhỏ trước hàng hiên quán The Last Tempetation có khoảng mười bàn ăn, khách có thể nhìn người đi qua lại trên phố chợ Kensington nổi tiếng, một trong những địa danh du lịch ở thành phố Toronto này. Chợ còn gọi là chợ Do Thái (xưa chủ là người Do Thái), nay là chợ của đám văn nhân nghệ sĩ.
Ned Dickens mải mê ngồi đánh máy vở kịch trên cái computer xách tay bên cạnh ly bia. Rây tóc dài phủ kín khuôn mặt ốm. Sáng sáng anh thường ra ngồi đây. Ned là một trong những người mời tôi qua đây triển lãm hội họa. Anh ta là giám đốc tổ chức KYTES, một tổ chức của Bộ Văn Hóa, đặc trách về Văn hóa nghệ thuật cho thanh thiếu niên nơi này.
Rồi ngồi uống bia chung với Ned. Anh ta chỉ đám thiếu niên bụi đời đầu cạo bóng láng, còn để lại bờm tóc nhuộm đủ màu xanh, đỏ... mặc nhiều kiểu áo quần lạ mắt, ôm nhau trên lề đường dưới hàng cây phong. Anh ta lắc đầu, nhăn mặt nói :
- Ở đây đám trẻ nghiện, chích choác nhiều lắm !
Tôi chỉ vở kịch anh đang viết dở dang :
- Hy vọng đám trẻ này sau khi xem mấy vở kịch anh viết, bớt chích choác. Ned cười, lòi hàm răng đen vì hút quá nhiều thuốc lá. Anh ta nổi tiếng xứ này không phải vì ông Nội là nhà văn lừng danh, cả thế giới đều biết. Ned Dickens nổi tiếng vì những vở kịch của anh được khán giả thích thú trong thành phố Toronto này.
Có hai thằng tóc dài bờm xờm quá vai đi vào quán, tụi nó chào Ned. Giới thiệu lẫn nhau, bọn họ ngồi trong cái bàn trong, uống bia đánh bida. Ned giải thích :
- Năm năm trước tụi nó chơi nhạc ngay trong quán này. Thời đó chỉ cầu mong thằng chủ quán The Last Tempetation cho ăn tối là ôkê rồi. Hiện nay tụi nó giàu to, chơi một xuất nhạc Rock trên Tivi là kiếm bộn tiền, mấy chục ngàn đôla. Tụi nó rất tình cảm.
Bỗng dưng trong quán đều quay mặt hướng ra ngoài cổng để nhìn một người đẹp có mái tóc bạch kim đang đi vào. Cô ta là người mẫu thời trang nổi danh ở New York, cô ta có hình bìa trong tạp chí thời trang Toronto tuần qua. Cô ta chào Ned, vì họ quen biết nhau. Cô đến Canada mùa này du lịch là để xem lá vàng mùa thu. Cảnh mùa thu vàng nơi đây được xếp vào đẹp nhất thế giới.
Những ngọn lá dọc theo phố Do Thái này giờ đây đang đổi màu vàng đỏ. Lá phong đổi màu óng ánh dưới nắng sáng, lấp loáng như mai vàng, như pháo hồng đỏ khắp nước này. Lá Phong cũng là biểu tượng Quốc kỳ của xứ sở Canada an bình này.
Tôi bước qua phía bên kia đường Kensington để chuẩn bị trưng bày tranh tại Tryste khai mạc tối hôm nay.
&
Tại Tryste, cách đây 3 tuần là triển lãm của họa sĩ Younk người Thụy Sĩ. Cuộc triển lãm chấm dứt ngày hôm qua giờ đến lượt tôi. Cô vẽ trên những tấm vải đã được may công phu, uốn lượn như tấm mousse, như tấm lót gối nên cuộn lại dễ dàng, không có khung lỉnh kỉnh. Tranh có nhiều hình dáng lạ khác nhau. Cô ta rất diễm phúc là ngày khai mạc, có Đại sứ Thụy Sĩ ghé xem, mua ba bức. Du khách Thụy Sĩ ghé đến ủng hộ hết mình. Chỉ có họa sĩ mình không có may mắn đó, có những nỗi đau bên trong, có những nỗi buồn, cô đơn khi ra nước ngoài. Khách dự đêm nay đa số của Ned và của Christophe chủ nhân See Gallery đường Barthust.
Christophe cũng là tay nhiếp ảnh khá nổi danh ở đây, có vài chục triển lãm ảnh nhiều nơi trên thế giới. Kỷ niệm anh kể cho tôi nghe là khi ở Hồng Kông, thức giấc sớm, 4-5 giờ sáng len lỏi vào chợ, cố săn được những bức ảnh đời sống người thường. Rồi có những đêm lang thang trên đường phố khu Batagiăng chụp hình gái ăn sương. Anh ta hy vọng có ngày ghé thăm nước tôi ở... Christope trông còn trẻ, độc thân, bô trai.
Có một gã da ngâm đen, đến khá sớm, đi vòng uống bia ngắm tranh khá kỹ. Anh ta tự giới thiệu là Jimmy, bạn thân Christophe hỏi tôi khá nhiều về Việt Nam, về hội họa, về nghệ thuật ... rồi hỏi thăm :
- Dr. Hung. Tối nay chắc có nhiều người bạn Việt ở đây tới tham dự ?
Tôi gật đầu, mỉm cười thầm nghĩ có vài chục người Việt tôi quen thân nơi đây, biết vợ chồng tôi tới Toronto tuần qua. Thành phố có cả trăm ngàn người cùng quê mình ở đây, hàng chục tờ báo Việt ngữ, có vài người bạn bác sĩ, nha sĩ, nhà thơ... thế mà tôi không dám mời ai cả ! Không dám thông báo có triển lãm nơi đây !
Khoảng trăm khách đến chật căn phòng triển lãm, đa số là dân Canada tôi mới gặp lần đầu. Nhiều họa sĩ nữ, vài giáo sư trong đại học... Họ vừa uống rượu, vừa ăn tối, vừa đi ngắm khoảng hai chục bức tranh tôi treo trên tường trắng. Chủ đề triển lãm "Những mảnh vụn của đời sống - The fragmentation of life" vài hình ảnh nào đó, ấn tượng riêng tôi.
Đến 8 giờ tối, có vài cặp vợ chồng người Việt quen thân, nghe tin tôi đến nên ghé thăm chơi, có cả P.P.T., người làm điêu khắc đi chung một người bạn tự xưng là Lo. Người Việt có tật thích ngồi riêng một đám, nói chuyện tầm phào, chuyện người này người nọ. Ở đây cũng vậy chẳng buồn ngó tranh !
P.P.T. quen tôi cách đây vài hôm, ghé nơi vợ chồng tôi ở, mời đi ăn trưa. Anh khoe là mới làm bức tượng "Mẹ bồng con" trên thủ đô Attawa cho cộng đồng người Việt.
Chưa kịp nâng cái ly bia chúc mừng nhau, người bạn tên Lo. mặc áo jean xanh đã tấn công tôi câu hỏi :
- Tại sao vợ chồng anh qua Canada được ?
Cái câu hỏi chán ngấy thường phải bị nghe hàng trăm lần khi có dịp đi ra nước ngoài. Hàng ngàn người Việt khác cũng giống tôi, cũng tai nạn ấy ! Tôi chỉ anh râu ria bờm xờm đang ngồi tán gẫu ngoài hàng hiên trả lời :
- Lo. ra hỏi thằng Canadien kia. Anh ta là Ned Dickens mời tôi qua đây. William ngồi cạnh là người lo tôi chỗ ăn ở trong thời gian triển lãm.
Lo ngồi yên trong góc nhỏ đó, không dám đứng dậy ra hỏi người ta. Đôi khi vốn liếng tiếng Anh không đủ cũng làm người ta e dè. Nhưng lại hỏi tiếp :
- Đi triển lãm là đi tuyên truyền phải không ?
Buồn nôn lắm rồi với những kiểu hỏi tra tấn này! Tôi đi về phía giáo sư Stefan Anderson đang cầm ly bia nâu, mải mê ngó bức tranh "Trong phòng mổ". Chúng tôi cụng ly nhau, nói chuyện trời đất đâu đó.
Sau triển lãm tôi là đến phiên Stefan. Anh ta là người Thụy Điển đến đây đã 3 năm, dạy đại học, thích thành phố này rồi dự định ở luôn. Anh ta thích vẽ, thích đọc thơ. Stefan hôm qua tâm sự với tôi "Tôi thích phố Kensington này, vì đó là nơi anh mặc bất cứ loại áo quần nào chẳng có ma nào chú ý. Anh có thể chọn nhiều món ăn trên thế giới bày bán kề cận nhau. Phố có nhiều kiểu nhà kiến trúc, màu sắc khác nhau ..." bên kia đường đối diện Tryste, có nhà cổ kiểu Anh, bức tường nhà trang trí cờ Mỹ có nhiều ngôi sao trắng trên bức tường đen chìm trong đêm tối.
&
Một người to cao xinh trai, ăn mặc sang trọng len giữa đám khách tiến về phía tôi, to mồm chào. Anh ta là Joseph chủ tịch hội BLAHA cũng là người mời tôi qua đây để triển lãm trong đại học Toronto 3 tuần tới. Sau lưng anh ta, có khoảng hai chục người bạn trong nhóm này theo cùng. Họ kéo nhau ra ngoài vườn (patio) để ngồi. Giới thiệu lẫn nhau. Gino gốc Ý nổi bật trong chiếc veston đỏ thường thích nâng ly với tôi trong tư thế quàng vai lẫn nhau. Leslie có gốc da đỏ thắt chiếc cà vạt xanh ngồ ngộ bằng da..., lão giáo sĩ Do Thái trong bộ veston màu tím thẫm..., George uống liên tục và trầm tư trước những tấm tranh đang treo.
Uống rượu, xem tranh, ăn tối từng người ra vào thẩm bình, bàn chuyện vui ở đời. Gino khoái chí nhìn bức tranh ngoài khung cửa vẽ thành phố tôi đang ở. Hắn đếm có bao nhiêu gốc cây tôi vẽ là tu mấy ly. Stainley thì lặng nhìn, đứng khá lâu, quay lại nhiều lần trước bức "Tình mẫu tử". Anh ta hiền lành, trầm ngâm như nhớ mẹ !
Cuộc vui kéo đến 3 giờ sáng mới chịu ra về. Christophe ra về còn dặn tôi ngày mai thứ bảy có đến 200 khách See Gallery đến dự, nhớ đón. Joseph quàng vai tôi cụng ly, lắc mạnh vai :
- Ba tuần nữa sẽ triển lãm ở Robina Hall, dự định chuyển trong đại học ra. Trong đó khó bán tranh và cấm uống rượu. Phòng Robina bự lắm, từng này tranh thì loãng, phải gởi thêm tranh nữa. Dự định mời vài ngàn người cho vui.
Tôi gật đầu đồng ý. Sẽ báo bên Hawaii gởi thêm một số tranh tôi còn để lại từ cuộc triển lãm năm ngoái. Cuộc đời thật là hạnh phúc khi có nhiều người bạn, dù mới quen nhau đã lo toan cho mình !
Lo. và P.P.T. lặng lẽ ra về lúc nào tôi chẳng hay.
Trích từ
Tập Ký :TẠP CHÍ SINH VIÊN - NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI : TỔ QUỐC NHÌN TỪ XA