Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.158.738
 
Dự đám cưới xứ ngòai…
Dương Ðình Hùng

Trưa thứ bảy chúng tôi thuê một chiếc xe để đi Montreal, cách thành phố Toronto khoảng 700 km. Tôi sẽ có dịp thắp nén nhang cho người bạn thân là anh Giang mất 2 năm trước, cũng là dịp tham dự đám cưới con gái anh L.H. một thi sĩ có đến mấy chục tập thơ được in ấn. Vừa qua có một số thơ của anh ta được đăng báo trong nước.

 

... Chỉ cần đến biên giới tiểu bang Quebec, ngôn ngữ hai bên đường không còn tiếng Anh, thay vào đó là tiếng Tây. Từ bảng đi đường, bảng hiệu, sách  báo hướng dẫn... dấu tích một giai đoạn lịch sử người Pháp thống trị nơi đây, thời gian sau miền đất được nhường bán lại cho Anh do thua trận... Đến thành phố Montreal lúc chiều tà, trời se lạnh. Dừng trên phố Sainte Catherine uống tách cà phê, gọi người bạn đến đón về nhà, rồi hỏi thăm vị trí nhà hàng tổ chức đám cưới ở đâu, tối nay tôi sẽ tìm đường đến.

 

 Phía đầu con phố này còn nhiều bảng hiệu tiếng Anh. Đường phố đông người đủ màu sắc của buổi chiều cuối năm. Những kiến trúc nhà cổ kính kiểu Tây kéo dài suốt con đường lớn, thấp thoáng nóc giáo đường có con gà trên tháp chuông bên kia phố. Người ta ví nơi đây, một hình ảnh ăn chơi sao chép lại của Paris. Cà phê bên hè phố đông người. An uống cũng vậy. Những hộp đêm phong cách Tây 100%.

 

Đám cưới được tổ chức trên lầu một của một nhà hàng Tàu. Anh L.H. là thi sĩ nên thực khách hôm đó khá nhiều những người trong giới viết văn làm thơ, làm báo... nơi đây. Từ nhà thơ T.T.Y. bên Mỹ bay qua, bác sĩ Trang Châu có một thời làm Chủ tịch hội văn bút hải ngoại, thi sĩ P.N.T. cũng từ Toronto lên dự...v.v...Vài người tôi biết mặt, quen tên trong các tạp chí, giờ mới có dịp gặp.

Bắt tay chú rể, chúc mừng cô dâu trong chiếc áo đầm trắng, rồi chụp hình chung ngay cổng vào. Vợ chồng tôi đi vào giữa những đôi mắt ngóng theo và có tiếng xầm xì của nhiều người. Cái bàn dành cho chúng tôi cuối căn phòng nơi  kề cận sân khấu có bục gỗ cao. Kéo chiếc ghế ngồi xuống. Tôi nhìn trả lễ những cặp mắt lạ lẫm, đôi khi như xoi mói hướng về phía mình. Vợ tôi hỏi :

- Sao họ nhìn mình dữ vậy ?

 

Chỉ chiếc gấm tím vợ đang mặc :

- Có lẽ vì áo dài có thêu con rồng vàng. Nên họ thấy lạ.

 

Vợ tôi im lặng, còn tôi cũng nâng cao ly với chục người đàn ông ngồi chung bàn. Có lẽ mấy đấng đàn ông ngồi chung bàn với tôi bị vợ bỏ, cô đơn... tiệc thứ bảy cuối tuần rất quan trọng, phải có mặt vợ. Người đàn bà ở đây quyền họ lớn lắm không dễ gì đi chơi mà không có mặt mấy bà được. Chuyện cặp vợ chồng bên Việt Nam qua sẽ có mặt trong đám cưới này đã được thông báo đến nhiều người trong tiệc rượu hôm nay nên họ nắm bắt vấn đề rất nhanh. Nâng ly bia lên để nghe họ nói chuyện, giới thiệu chúc mừng. Lại nghe cái điệp khúc cũ mèm, cà khịa : Tại sao vợ chồng tôi lại qua đây được ? Tại sao ... và tại sao ? Những câu hỏi giống y chang tối ngày hôm qua ! Tại sao không có những câu hỏi giá trị và đầm ấm khác ? Tại sao không quan tâm đến những chuyện khác ở quê nhà ?

 

Tôi có dịp dự trên chục đám cưới người Việt ở hải ngoại, nhưng đây là lần Cám ơn bạn, cám ơn đời, cám ơn rượu.

 

Đời trống không ly tách cũng trống không.

 

Lần đầu tiên có không khí căng thẳng. Như vậy, có lẽ trong bàn nhậu có một số văn nhân thi sĩ mang nhiều ẩn ức nên có dịp may, thấy tôi đơn độc, bèn cà khịa hội đồng. Tôi bị thói quen nghề nghiệp, thích ngắm mấy cái mũi, mắt sửa hai mí, cái môi to, cằm chẻ... trong đám cưới, rồi đoán tác phẩm đó của bác sĩ nào. Một tiểu bang thường chỉ có một ông bác sĩ Việt hành nghề này, việc đó dễ nhận thấy.

 

Có lần trong một đám cưới, quanh tôi có mấy chục bà trông rất giống nhau. Giống từ cái mũi cao, mắt sâu, cằm chẻ... mặt phinh phính. Tất cả như những con búp bê sống được sản xuất từ một nhà máy, trông vừa khôi hài vừa dễ sợ.

Anh L.H. đến vỗ vai tôi, chỉ chai rượu dấu dưới gầm bàn cạnh ghế tôi ngồi. Tôi hiểu anh có nhã ý tặng riêng bàn tiệc này, cho những đấng nam nhi ngồi cạnh chúng tôi.

 

Cúi xuống, nhặt chai rượu lên, mở tung nâng ly mời từng người trong bàn, rồi với vào người quen bàn kế bên vẫn trong cái xầm xì chán ngắt! Uống một chút cho đời bớt khổ! Uống chút rượu nhớ đời ! Nhớ thơ và người tặng rượu!

 

Đám đông vẫn nhìn hướng về chúng tôi và bàn tán như những chú bé nhìn con vật lạ quý hiếm trong thảo cầm viên. Bàn tay nào tôi nắm bắt nơi đây cũng lành lạnh và đáng sợ. Tôi tiến lại cái bàn bên cạnh, bắt tay anh H.X.S, kéo ghế ngồi, rồi nói nhỏ :

- Còn hai hôm nữa là giỗ anh Hoàng Xuân Giang. Tôi lên đây định thắp nén nhang. Đám giỗ tổ chức ở đâu xin anh cho tôi biết ?

 

H.X.S. quay mặt đứng dậy bỏ đi nơi khác, không trả lời. Tôi thầm nghĩ, dù sao là anh ruột nhạc sĩ Hoàng Xuân Giang sao có thái độ quái lạ như vậy? Sau này tôi mới hiểu, tôi đã đưa ra một câu hỏi không đúng thời điểm, đúng chỗ... nhất là giữa một đám đông ồn ào chống Cộng nơi đây. Xứ này xếp Hoàng Xuân Giang là Cộng Sản, cấm mọi người không được chơi ! Ôi người đã chết rồi cũng bị phiền toái không tha !

 

H.X.S. trong bộ veston màu đen với cái cà vạt đỏ đẹp, anh trịnh trọng làm người hướng dẫn, giới thiệu đám cưới đêm nay. Mái tóc chải láng, chiếc hoa hồng trắng trên nắp áo, anh có nhiều thơ đăng đây đó... anh nói hay, nhưng thiếu dũng cảm khi nói về người em ruột mình, dù đã mất. Tội nghiệp ! Không có tim, không dũng khí... không yêu người thì khó có thơ hay.

 

Nhớ lại, nhiều năm trước đây anh Hoàng Xuân Giang có về nước, về sớm quá để làm du lịch ! Thế là người ta xếp anh vào loại Cộng Sản. Báo chí chưởi anh tơi bời. Người ta cấm hát nhạc của Hoàng Xuân  Giang, cấm đăng thơ anh trên báo, cấm uống rượu với anh, cấm mọi người tới chơi nhà anh dù để xem những bức tranh anh ta vẽ... con người tài hoa đó, cháu ruột cụ Hoàng Xuân Hãn, buồn quá uống rượu tối ngày một mình trong cô lạnh !

 

Hai năm trước, ông trời ban cho anh bệnh ung thư gan. Bệnh viện Canada bó tay. Anh lại ăn cơm gạo lức muối mè. Không ngờ bệnh tình thuyên giảm đôi chút. Anh lại về nước thăm bạn bè và cái vùng đất xưa sinh ra anh, lần cuối. Trở về với cái bụng trướng. Anh vui sướng sống được một mùa Xuân cuối nơi quê nhà.

 

Mùa Xuân 1994 đó, anh hát nhiều giữa bạn bè, những ca khúc mới nhất anh vừa sáng tác. Anh cặm cụi vẽ bức sơn dầu để làm cái bìa tập nhạc, anh hy vọng được ra đời trước khi vĩnh viễn ra đi. Cái ung thư đang gậm nhấm từng ngày. Tháng tư 1994 lúc in xong tập nhạc "Hãy nhìn tôi như thế" là lúc cơn bệnh trở nặng. Những cơn đau hành hạ suốt đêm. Bạn thân là anh Trịnh Công Sơn viết tựa, có đoạn : "... Hãy nhìn tôi như thế, vì đời quên lãng tôi, vì tôi nhỏ bé, vì tôi sẽ biến mất trước khi cuộc đời vội vã nhớ lại, như một thoáng ăn năn vô vị ..."

Ngày tiễn Giang về lại đây, đôi bàn chân không còn mang được giày, phải chạy ra đường Phạm Hồng Thái mua đôi dép cho Giang mang. Bụng phình bằng cái trống, lê bước vào phi trường Tân Sơn Nhất. Hôm đó tôi bắt tay anh, có hứa bằng mọi cách sẽ ghé thành phố Montréal để thăm anh và nhìn thành phố anh đang sống... tâm nguyện sẽ đốt nhang trên mộ phần Giang, nếu tôi qua trễ.

 

Anh mất ngày 29/9/1994 tại Montréal, hôm ấy Sài gòn bỗng dưng có cơn mưa lớn. Bạn bè cũ của anh ngồi lại với nhau uống rượu, trên bàn để một chiếc ly không người uống, khi nghe tin anh không còn nữa.

 

Giữa không khí ồn ào của đám cưới tôi nhớ lại bóng hình Hoàng Xuân Giang với tiếng hát ấm, thân quen bên chiếc đàn guitar. Ở đây đám cưới người ta cũng hát, nhưng không có ban nhạc. Lúc này văn nghệ được tổ chức lạ và mới. Họ để một Tivi chính giữa sân khấu cộng thêm máy chỉnh Karaôkê. Thế là ai cũng lên sân khấu để được hát , ai cũng hóa thân thành ca sĩ. Tiếng vỗ tay dành cho mọi người. Ai cũng có thể trở thành ca sĩ trong chốc lát, dù không cần thuộc nổi  lời bài nào. Thi sĩ T.T.Y. lại gần cụng ly tôi, anh mời tôi tham dự buổi ra mắt tập thơ đầu tay của anh tại đại học Montréal chiều ngày mai. Đây cũng là nhà thơ đa đoan, làm thơ mấy mươi năm thời tôi còn con nít, giờ mới in tập thơ đầu.

 

Vợ tôi ra hiệu về sớm. Bây giờ phải tìm cách thoát ra khỏi đây cho đỡ rối. Làm sao quên được những bàn tay lạnh giá nắm bắt tay mình. Làm sao quên được những đôi mắt còn nhiều ngờ vực, nhiều xa lạ, lạnh lùng... trong đêm tôi ở chốn này. Bên ngoài cơn gió rét vẫn thổi qua đời. Lá bay cuốn tơi tả trên hè phố giữa đêm lạnh cóng người. Nhưng thấm vào đâu cái sầu tình của chúng tôi đêm đám cưới hôm đó !

 

Rồi lại lang thang dưới phố lạnh cóng với nhiều ánh đèn đủ sắc màu quyến rũ. Thành phố ban đêm không ngủ vì thú ăn chơi ngay giữa những phố chính, một đêm Paris. Bên kia sông, một vùng đèn tỏa sáng từ sòng bài Montréal. Giòng sông Saint - Laurent buồn im vắng chảy qua phố lạnh.

&

 

Buổi sáng chủ nhật hôm sau, tôi lại lang thang trên khu phố thị nơi có nhiều người Việt, những mảnh đời buồn di trú. Đậu xe ở góc đường, bước lên lầu ba nơi gia đình anh Giang sống. Cánh cửa đóng kín không ai ở nhà hôm đó. Bên trong căn phòng này, theo lời bạn bè nói vẫn còn để tro cốt, vợ không đủ tiền để chôn cất. Chuyện người ta muốn có một ngôi mồ yên ấm nơi xứ này không phải đơn giản chút nào ! Đắt tiền lắm. Mọi sự chuyện đều bắt đầu bằng : Tiền.

 

Quay gót trở xuống xe với lời tạ từ cùng hương hồn anh, chưa đốt được nén nhang. Mắt nhòe giữa cơn mưa nhỏ. Hững hờ một sáng trong thành phố Montréal xinh đẹp. Nhìn đàn chim lượn trên cao, trên những vòm cây bao trùm thành phố. Người bạn lại dẫn vợ chồng tôi leo lên những bậc thang cao không giống nhà anh Giang, mà lên ngọn đồi cao tít, nơi có Đức Mẹ hiện ra mấy trăm năm trước ban phép cho ông Thánh S. Joseph bị tật nguyền. Ông dùng phép chữa bệnh cho dân vùng này.

 

Người ta làm cái thang máy cao đưa mọi người đến đỉnh đồi, có tượng Chúa, đặc biệt có cái dưỡng đường xưa của ông Thánh dùng để trị bệnh. Chiếc ghế ông ngồi còn đó dưới ánh vàng nhạt. Dãy giường bệnh xưa, dụng cụ y khoa còn lưu giữ... ngoài sân có tượng Thánh nhìn dòng đời bên dưới...

 

Tôi theo những bậc thang xuống đồi và xuống đời. Bên kia đồi có nghĩa trang "Dốc tuyết" nhìn thành phố Montréal bên dưới. Cỏ xanh cắt xén kỹ có gắn bia mộ tên người chết. Vài bó hoa héo tàn còn đó. Lá vàng khô héo rụng rơi kín một vùng. Miếng đất này nó cũng đắc tiền không kém ngôi nhà đang ở. Sống đã khổ vì tiền. Chết không tha. Hỡi anh bạn Giang đã đi xa, dễ gì chết đã được chôn ở đât ! Người đông đất chật cả rồi. Đám chim gà co ro bên hồ nước công viên thành phố đối diện nghĩa trang "Dốc tuyết".

 

Rồi cuối cùng tôi cũng đến đại học Montréal trưa hôm đó để tham dự buổi ra mắt tập thơ. Vợ tôi không dám vào, sợ nhiều thứ, nên đi phố chơi cho khỏe. Bạn bè trốn gần hết. Tôi gặp anh L.H. ngay cổng vào ra, nơi trạm xe buýt. Rồi những khuôn mặt hôm qua dự đám cưới lại xuất hiện, có thêm nhiều khuôn mặt lạ. Học giả này, học thiệt nọ, giáo sư, giáo xứ... bắt tay nhau. Họ cũng lạnh ngắt nhìn tôi trong không khí khó thở.

 

Ra mắt tập thơ này, tác giả phải bay từ bên Mỹ qua, mượn được giảng đường lầu sáu để tổ chức ngày không có sinh viên đi học. Chắc anh ta sợ như mấy tác giả khác phải ra mắt ở mấy quán phở Cali !

 

Người dẫn chương trình vẫn là thi sĩ H.X.S. Cũng chải chuốt đầu láng bóng, vẫn bộ veston đen, nhưng có đổi cái cà vạt khác. Hết ca tụng nhau, lại ngâm thơ, nghe cũng vui tai. Cũng vẫn những đôi mắt lạnh lùng liếc nhìn tôi nhiều lần. Có cô nha sĩ đọc thơ, có bà già nhõng nhẽo trang điểm giống con gái, nhắm mắt, mê nghe thơ... Tiếng ngâm trên bục giảng đường :

- Ta về như lá rơi về cội.

......................................."

                        T.T.Y.

 

Nhân phút giải lao, tôi chuồn ra ngoài, mua tập thơ 14 đôla, rồi giông thoát. Lá rơi kín khuôn viên đại học. Gió mạnh. Những ngày thu hoang nơi đây sao buồn quá ! Những người nhìn Tổ quốc từ xa đang nghĩ gì về những người trong nước ? Lá vàng long lanh như muốn nói điều gì ?

 

Tôi tranh thủ tìm thăm mấy người bạn cũ. Người nào chịu khó đi học lại ra trường được, thì khá. Không thì tàn đời. Buổi tối ở nhà ngồi nhâm nhi, nhiều người bạn tới chơi uống rượu. Có bác sĩ T. học chung nhau thuở còn trung học, rồi vào Sài gòn chung đại học Y Khoa, giờ là bác sĩ ở đây.

 

Anh ta đến một mình, đôi mắt buồn vì vợ ly dị, vẫn hiền lành đôn hậu ít nói như mấy ngày nào. Tôi kể lại cho anh ta nghe chuyện vợ chồng tôi dự đám cưới tối hôm qua, cái bàn tôi ngồi là nam nhi không thôi. Xứ này cuối tuần mà đi dự tiệc một mình thường là vợ bỏ ! Rồi kể chuyện nhỏ chuyện lớn, chuyện trong nhiều thành phố trong nước, nam nhi đi nhậu ít dẫn vợ theo như ở xứ này, chuyện về vùng đất thơ ấu của chúng tôi, chuyện về những người Thầy đáng kính... Anh ta buồn. Buồn nhớ kỷ niệm và vùng đất xưa. Chúng tôi uống rượu và hát hò đến 4 giờ sáng.

 

Từ Tập Ký :TẠP CHÍ SINH VIÊN - NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI : TỔ QUỐC NHÌN TỪ XA (2)

Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2848
Ngày đăng: 13.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim
Chuyện bây giờ mới kể - Vĩnh Nguyên
Món ngon nhớ lâu - 4 - Lê Xuân Quang
Người mê vàng-trắng và triết lý Kinh Dịch - Nguyễn Hoàn
Nỗi niềm sông nước - Trần Đổ Liêm
Thuyền trưởng tàu sông - Trần Đổ Liêm
Chuyện ở VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG - Trương Công Khế