1 - Xoải cánh cô đơn.
Một sáng mùa xuân… một cánh chim tung cánh… vút bay trên bầu trời rồi chấp chới giữa không trung xa mờ. Rồi mất hút.
Nhưng cánh chim mải miết rong chơi kia đã không về với cát bụi… hòa nhập vào cái vũ trụ vô cùng như người ta thường tưởng mà là về với nước, cái thế giới quen thuộc và mê đắm của mình.
Vì nước chính là vũ trụ của xung quanh. Là thứ chất lỏng chiếm ¾ cơ thể con người. Là 3/4 trong cấu tạo địa cầu… và quả cầu ấy nằm lơ lửng giữa không trung như giọt lệ của phận người.
Nước là nước mắt, thứ mà cánh chim ấy luôn đứng về từ khi cầm lấy bút.
Luôn thương cảm về sự khốn khổ của mọi cuộc đời quanh mình.
Bạn bè gọi anh là một nhà văn tài hoa và tử tế. Là một kẻ sĩ có lương tâm trong sáng giữa cuộc đời nhiều hệ lụy và đa truân.
Sáng tinh mơ ngày đầu xuân đó, 4/3, một người bạn báo tin là nhà văn Nguyễn Quang Thân đã ra đi.
Thế là thế nào?
Tôi hốt hoảng tìm cách kiểm chứng tin động trời. Anh khoẻ như voi, sống điều độ, bỏ hàng giờ thể thao thể dục mỗi ngày, và lúc nào cũng lạc quan yêu đời. Nhưng tin tức mỗi lúc một nhiều xác nhận là anh đã đi thật. Thế là không thể không tin, chuyện kinh khủng và khó tin kia, là thật.
Tôi buông người ngồi xuống. Đầu óc âm âm u u như một người ruột thịt vừa rời bỏ trần gian không một lời từ biệt.
Thì chỉ mới đây thôi!
Thật là khủng khiếp. Tôi chợt nghĩ đến chị Dạ Ngân. Chị sẽ như thế nào trong căn nhà có nhiều bóng cây và tiếng chim hót, luôn dày đặc hình ảnh của anh? Chị sẽ thế nào khi không còn nghe tiếng những bước chân không lẫn với ai, nhất là tiếng ngáy vang rền khi ngủ và khi tỉnh thức lúc nào anh cũng lăng xăng, hết làm cái này đến làm cái khác?
Những hình ảnh ngọt ngào như đôi tình nhân son trẻ, những phút giây thương mến của anh chị lúc bên nhau, những lời lẽ cợt đùa trách móc mà như âu yếm ve vuốt nhau… tất cả hiện lên trước mắt tôi rồi nhạt nhòa.
Hình ảnh họ chập chờn trước lăng kính nước mắt đang phủ xuống đôi mắt đa cảm của tôi. Không thể nào ngăn lại.
Và đầu óc tôi như tê dại. Trái tim như đột ngột co thắt.
2- Kẻ sĩ của thế hệ vàng.
Trước khi gặp và quen anh tôi đã “biết” anh qua những bài báo xuất hiện trong những mục bình luận trên các tờ “Thể thao &Văn hóa” hay báo Phụ Nữ Thành Phố HCM.
Trong mỗi bài viết anh Thân luôn có những nhận định sâu sắc đến đến nhiều vấn đề trong đời sống và đưa ra những góc nhìn trực diện của người trí thức về hiện tình đất nước. Vâng, ngòi bút “pro and contro” của anh luôn thể hiện sự quan tâm đến tinh thần phản biện xã hội giải bày sự trăn trở đau đáu của người trí thức trước cuộc đời.
Sau này gặp và quen anh, tôi còn biết thêm là những trang viết mạnh mẽ kia chính là ảnh chiếu của con người anh, chân thật và khao khát cống hiến cho đất nước này tươi đẹp. Nói cách khác, anh sống và viết như một trí thức chân chính, như một nhà văn đúng nghĩa.
Cũng như những người cùng thời, anh Thân thuộc thế hệ vàng mà tôi rất ngưỡng mộ. Họ tiếp thu Tây học nhưng vẫn giữ vững tinh thần của một kẻ sĩ phương Đông.
Họ sống bản lĩnh, ngoan cường, ngay thẳng, không chấp nhận sự vênh váo, không thỏa hiệp với cái tầm thường và hết lòng yêu dân yêu nước.
Và dù sinh ra trong thời chiến nhưng phần lớn họ đều miệt mài đọc sách và trau dồi kiến thức. Anh Thân không chỉ thông thạo tiếng Pháp nhờ học từ thuở nhỏ, mà qua tự học anh còn biết cả tiếng Nga và tiếng Anh. Trong hầu hết các tác phẩm - văn chương hay báo chí- anh đều gửi gắm cả tâm huyết của mình bằng những tư duy tri thức theo dòng thời cuộc. Anh ước mơ về một xã hội tồn tại và vận hành trên những nguyên tắc tự do, công bằng, dân chủ, ở đó phẩm giá của con người được tôn trọng. Nơi mà, nói theo Paul NHĐ, “dục vọng người này không thể chà đạp dục vọng của người kia.”
&
Tôi gặp và quen anh là do một tình cờ. Hôm đó gọi điện thăm nhà văn Đào Hiếu thì được biết là anh đang chuẩn bị đi ăn trưa ở nhà Nguyễn Quang Thân. Nghe tôi nói là rất quý nhà văn này nhưng chưa có dịp gặp thì anh Hiếu bảo vậy thì cùng đi với anh luôn. Tôi ngại ngần, mình đâu có đươc mời, đâu thể đường đột, không báo trước… nhưng anh Hiếu gạt đi bảo sẽ qua đón. “Em đừng ngại, anh Thân vui tính còn chị Dạ Ngân rất hiếu khách… cứ qua nói chuyện cho vui!”
Buổi họp mặt rất vui vẻ và thân tình. Chị Dạ Ngân niềm nỡ đón bạn và bày lên bàn những thức ăn chọn lọc và chế biến rất công phu. Sau này tôi còn được biết là chị nấu ăn rất ngon, một phụ nữ rất đảm đang, yêu quý bạn bè, lúc nào cũng tất bật chu toàn mọi việc để chăm sóc mọi người; Tất bật là thế mà chị vẫn có thời gian để viết, như thể mỗi ngày chị có đến 30 giờ vậy…
Câu chuyện văn chương giòn dã. Anh Thân vừa thông minh vừa hóm hỉnh nên sự cởi mở và thân thiện là điều tất nhiên.
Sau lần đó, tôi thường gọi điện thăm. Mỗi khi nghe giọng tôi là anh nói ngay “Em đó hả, rảnh chạy qua anh đi!” lần nào đến anh chị cũng giữ lại dùng cơm và nhiều khi còn bảo ở lại nghỉ trưa, vì đi về mưa/nắng. Khi ra về thế nào chị Dạ Ngân cũng bảo cầm môt ít trái cây về, nhất là các thứ quả chua mà Elena rất thích.
Nhà anh chị là một căn hộ thoáng mát và gọn ghẽ ở cư xá Thanh Đa, một tổ ấm ăm ắp niềm vui sống vì họ thương yêu và cư xử với nhau như một cặp tình nhân trẻ.
Đến với anh chị là đến với thư viện có nhiều sách quý và tràn ngập tiếng cười; Những câu chuyện văn chương rôm rả của chúng tôi xóa tan mọi phiền muội, những trăn trở của sự bất toàn của đời sống.
Cứ nhìn một “ông lão” gần tám mươi tuổi vẫn tráng niên, vẫn tha thiết đến tận cùng, vẫn mãi xanh với khát vọng yêu… thường làm ta hiểu dù có thế nào thì “Cõi trần gian điên dại này” hãy còn đẹp lắm, việc gì mà bi quan hãy cứ sống chân thật và tôn trọng nhau là ta được bình an. Khi nghe anh gọi chị bằng tiếng gọi thân thương hay chòng ghẹo nhau mà ánh mắt nhìn âu yếm thì rất dễ cảm nhận được hương vị của hạnh phúc. Dù sau bao trắc trở, họ đến với nhau khá muộn màng.
Chị Dạ Ngân kể là lúc gặp nhau khi anh 47 tuổi còn chị cũng đã 30. Đôi “tài tử giai nhân” này gặp nhau qua trại sáng tác ở Vũng Tàu. Mến tài nhau, tiếng chớp ái tình đã loé sáng nhưng phải đợi đến 11 năm sau, khi mọi tồn tại tạm yên, những hệ lụy của đời lắng xuống thì mới nghe được tiếng sét của chiếc pháo hiệu cho phép họ thực sự đến với nhau trong tình nghĩa vợ chồng. Thận trọng và tinh tế, anh chị “tự đeo nhẫn cho nhau” chứ không làm một cái đám cưới để các con hai dòng khỏi bị tổn thương. Họ quyết định không có con chung và bằng tình yêu và trí tuệ họ đã sắp xếp để con cái hai bề con thương nhau như ruột thịt. Có thể nói thời gian đã minh chứng là họ đã thành công cho tâm nguyện này.
Sau ngày cưới, cái tổ ấm khiêm nhường của anh chị được xây bằng những viên-gạch- chữ-nghĩa, vì họ viết báo để nuôi văn, và phải nuôi hai con của chị lúc đó chưa trưởng thành.
Gặp anh Thân lúc nào cũng thấy đôi mắt anh như cười, niềm lạc quan yêu đời lan tỏa. Phong độ khỏe khoắn, anh thường mặc quần Jeans hay nhiều khi là quần short áo thun, phô bắp thịt rắn chắc và những vết đồi mồi năm tháng. Ai nghe giọng nói âm vang rõ ràng thì khó mà tưởng tượng rằng anh đã vượt qua tuổi 80. Tuy vậy, khác với những bạn đồng thời, anh dùng máy tính, sử dụng internet thành thục như dân chuyên nghiệp. Máy móc, phương tiện, chương trình ứng dụng nào mới anh chỉ đọc qua là hiểu. Anh luôn tạo được cảm giác là con người vui tính và tràn đầy năng lượng.
Một kỷ niệm vui trong lần đến thăm anh vì biết không có chị Dạ Ngân ở nhà. Khi chị gọi điện (khi xa, họ gọi điện cho nhau vài lần mỗi ngày) anh báo là có tôi và Elena đến chơi và ở lại dùng cơm. Vốn tính chu toàn chị Dạ Ngân lo lắng, “Dân thì sao cũng được chứ có Elena anh phải làm cho tươm tất.” Nghe chị dặn anh cười ngặt nghẹo: “Em khỏi lo, anh để Dân và Elena đem đồ qua và tự nấu.” Thật ra hôm đó, để khỏi làm anh mất thời gian, tôi đã thông báo là sẽ đem spaghetti qua nấu cho nhanh và để anh biết về cách chế biến món ăn Ý.
Anh Thân là vậy. Đơn giản và chân tình. Không màu mè khách sáo.
Khi biết tôi từ bỏ công việc ở Ý để về sống ở Việt Nam và phải chờ nhiều năm mới nhận được tiền hưu, rồi sau đó Elena cũng về theo và dạy ở Nhạc Viện thành phố và ở trường KHXH & Nhân Văn mà tiền lương chỉ đủ đổ tiền xăng thì anh rất ngạc nhiên và thật lòng lo lắng.
Cả anh và chị Dạ Ngân đều nhiều lần hỏi: “Nghỉ việc, chờ hơn 10 năm mới có tiền hưu mà công việc như vậy thì hai em có đủ phương tiện để sống không?” “Em sống một mình thì không sao chứ còn Elena đã theo về VN là một hy sinh to lớn. Em phải tạo điều kiện để cô ấy sống tốt, vui và không thiếu thốn một thứ gì”. “ VN và Ý rất xa xôi, các em phải đi lại rất tốn kém”… Những lần như vậy đều làm tôi xúc động và cảm kích về tình cảm và sự quan tâm mà anh chị đã dành cho mình. Vấn đề sinh tử này nhiều người thân cũng chẳng mấy ai đặt ra…
Dĩ nhiên trước khi quyết định về sống ở VN tôi cũng đã tính toán và dự phòng, trả lời thêm để anh chị an tâm là thỉnh thoảng cũng có thu nhập nhờ việc tư vấn kỹ thuật cho các công ty Dược &Thú Y.
Sau khi 2 nguời thân trong gia đình là anh Hiếu và ba tôi đã bỏ tôi để đi về cõi giới khác thì anh Thân là người mà tôi tin yêu và quý mến nhất, cả về tri thức, nhân cách và thân tình. Với anh tôi có thể trao đổi hằng giờ về văn chương, thời sự và rất nhiều điều về cuộc sống. Sau những lần trò chuyện với anh, tôi được học hỏi thêm rất nhiều điều và tôi xem cơ duyên được gặp và quen anh là một may mắn hiếm có.
Với riêng tôi, anh xuất hiện như một gạch nối giữa anh Hiếu và ba tôi. Tôi có thể nói rất nhiều điều với anh mà không thể nói với ai khác. Kiến thức của anh đa dạng, anh dạy tôi từ việc ăn uống gạo lức muối mè, nhai kỹ đến những lời khuyên rất giá trị, như không nên ăn cá lớn mà phải ăn cá con để có đủ các vi lượng đến chuyện tập thể dục thường xuyên để giữ gìn sức khỏe. Những lần cùng đi bơi ở hồ Yết Kiêu anh quan sát rồi khuyên tôi là cuối mỗi vòng đừng bơi tiếp mà nên dừng lại vài phút để thở bụng. “Bơi chỉ là chuyển động cơ bắp, còn thở tích cực mới thêm nhiều oxy và giúp nội tạng hoạt động hiệu quả”.
Nói chung tôi và Elena đến với anh chị bằng tấm lòng chân thật và rất vui như được anh chị xem như thành viên của gia đình. Cả hai người đều là chỗ dựa tinh thần.
3- Những kết nối với tri thức
Căn nhà của anh chị Thân và Dạ Ngân ở cư xá Thanh Đa hầu như không lúc nào vắng khách. Phần đông là những bạn văn và trí thức đến thăm và trao đổi những chuyện đời vui, buồn, thế sự.
Anh Thân là người chân tình, quý bạn, vui tính ham chơi và cũng là một người nói tục và... viết tục có duyên. Trò chuyện với anh không khi nào thiếu tiếng cười. Anh Nguyễn Văn Thành, viện phê bình sân khấu & điện ảnh nói rằng chất hoa tình thường “phát tiết” ở anh Thân và nhiều chị em phụ nữ khi nghe anh ví von đều thẹn thùng, nhưng vẫn thích nghe. “thấy môi cười chúm chiếm là nhận ra ngay”
Anh Thành nhắc lại một chi tiết trong truyện ngắn “Sông nước đời thường”[1]: một nhân vật là người thanh niên làm nghề đò dọc hát nghêu ngao để châm chọc tình địch: “Trăng lên khỏi núi mu rùa/ Cho anh đ... chịu đến mùa trả khoai”. Nè, Có phải thằng xứ Nghệ nào đó đ. chịu rồi đẻ ra mày không?
Tôi cười ngặt nghẹo. “Bản thân tôi chưa hề nghe câu ca dao ấy. Tôi cũng chưa thấy ai phải “nợ” nhau như thế bao giờ.” Nhưng theo lời nhân vật thì câu ca dao ấy ở quê anh là có thật. Và cái một vùng đất khô cằn sỏi đá, nhưng con người dữ dội, tràn trề sức sống và yêu đương mãnh liệt.
Nhưng đó chỉ là nhắc lại chuyện ở quê anh. Còn khi nhận định về các tác phẩm làm dáng chữ nghĩa, người đọc không hiểu tác giả muốn gì thì anh nói:
“Sự tương tác giữa tác giả và bạn đọc giống như một cuộc làm tình. Cả hai đều phải sướng. Nếu tác phẩm mà người đọc không hiểu thì khác gì tên nhà văn ấy… thủ dâm.”
&
Nhờ tính hiếu khách của cả anh và chị nên mỗi lần đến thăm là tôi đều có dịp làm quen với tất nhiều trí thức trong và ngoài nước như Gs Nguyễn Đăng Mạnh, gs Hòang Dũng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Bùi Quang Minh, người quản lý trang mạng chungta.com, nhà văn Trần Kỳ Trung… vài người bạn Pháp, hay nhà văn Việt Nam từ nước ngoài về…
Sự kết nối có khi là tình cờ, nhưng cũng có khi do anh Thân chủ động, gọi tôi qua nhà vì có các bạn văn ở Hà Nội vào thăm và ở lại dùng cơm như trường hợp với anh Bùi Ngọc Tấn.
Khi tôi vừa gửi xe và chuẩn bị lên nhà anh thì thấy có một người vừa bước xuống xe ôm và hỏi lô II nằm ở đâu. Tôi liền chào và nói anh là Bùi Ngọc Tấn phải không, em cũng đang lên nhà anh Thân đây. Nhìn vẻ ngạc nhiên của anh Tấn, tôi giải thích là biết anh qua các bài viết và hình trên mạng nên gặp là nhận ra ngay. Sau bữa gặp đó chúng tôi cũng rất thân và quý nhau, và có lần tôi đã đến tận Hải Phòng để thăm anh Tấn và chị Bích.
Khi a Bùi Ngọc Tấn bị bệnh thì chúng tôi rất buồn và thường gọi điện hỏi thăm. Lần nào anh chị Bùi Ngọc Tấn vào Sài Gòn thì anh Thân cũng gọi điện và hẹn tôi đến thăm: “Mình đến nhà thăm anh ấy đi. Có nhiều bạn bè quan tâm, anh ấy vui và mau lành bệnh.”
Sau đó vài năm thì anh Tấn mất. Lúc đó tôi vừa mới qua đến Úc để thăm các em và biết tin qua thông báo trên FB của bạn văn Hoàng Kim Oanh.
4 -Văn chương và những lời khuyên chân tình
Trong làng văn làng báo bạn bè đều xem anh Thân như một kẻ sĩ hiếm hoi khi mọi thứ xung quanh đều xói mòn và tơi tả.
Anh luôn sống và viết với tư thế của một trí thức dấn thân, một người tự tin vào tâm huyết của mình. Ở đâu Nguyễn Quang Thân cũng bộc lộ một sự quan tâm mạnh mẽ đến những vấn đề nóng đang đặt ra trong đời sống xã hội… anh viết chừng mực phân tích và nhận định ôn hòa, bút lực vừa phải, không quá khích cực đoan để đẩy đời mình vào bi kịch bản thân như vài người bạn. Anh khôn ngoan, biết tránh đàn voi ác nhưng không bao giờ câu chữ của anh mềm yếu và, nhiều khi cũng phóng bút viết ra những câu văn đầy phẫn nộ, phản ứng dễ hiểu của lòng chân chính trước những chướng tai gai mắt trong đời sống.
Anh thường nói với bạn bè: viết gì thì viết nhưng “Nếu coi con người không ra gì, thì cả sự nghiệp vứt đi hết”.
Với tính cách ấy… nhiều lần anh thành thật khuyên tôi:
“Em phải viết! Đâu phải ai cũng có điều kiện sống Âu Châu gần 40 năm và hiểu sâu sắc văn hóa Tây Phương như em. Rồi bây giờ trở về sống ở VN, trong một bối cảnh xã hội nhiều biến động thì đề tài và tư liệu để viết là không thể thiếu. So sánh, nhận định, cảm xúc… thế nào là tùy, nhưng tuyệt đối không viết những trang viết nhạt nhẽo hay giả dối với mình.” “Em đọc nhiều và nhiều thể loại, anh nghĩ nếu có thời gian thì em nên viết tiểu thuyết để tải được nhiều vấn đề. Là một nhà khoa học quen lý luận bằng tư duy logic nên anh tin là cách kết cấu và bố cục tiểu thuyết của em sẽ hợp lý hơn nhiều người cầm bút. Hiện nay có nhiều kẻ ít đọc và non tay, có chút ít thành công trong truyện ngắn nhưng khi bước vào tiểu thuyết, sau vài chục trang là đuối sức, hụt hơi, hết vốn kiến thức…”
Anh còn khuyên: “Khi viết em hãy là mình! Không chiều chuộng thị hiếu của người đọc cấp thấp. Tuyệt đối không quan tâm đến những điều phù phiếm như giải thưởng, chức danh… mà chỉ coi trọng ngòi bút, tôn trọng nhân cách của mình”.
Dưới góc nhìn của tôi, anh Thân đã sống và viết đúng như thế.
*
Có lẽ có nhiều điểm giống nhau nên tôi, Elena và anh Thân cùng chị Dạ Ngân rất dễ gần nhau. Cả hai cùng yêu văn. Sau nhiều năm chờ đợi mới đến được với nhau. Không có con chung… và người vợ nào cũng đảm đang còn ông chồng nào tính khí cũng trẻ con, ham chơi và hay nhỏng nhẻo.
Thông thường thì người đàn ông sống bằng chữ nghĩa rất mãnh liệt ở nhiều mặt: độc lập, gai góc, lúc ân cần thì tuyệt đối ân cần, mà lúc khó tính bắt bẻ thì cũng cực kỳ… khó chịu. Tâm hồn họ đa cảm mà cũng phức tạp vô cùng. Người đàn bà thiếu hiểu biết hay ít vốn triết lý hay văn chương sống với họ rất khổ. Nhưng ở đôi uyên ương kia, chị Dạ Ngân đã… khắc chế được anh Thân. Thứ nhất, chị cũng là nhà văn và thứ hai là khi đã chấp nhận chia sẻ với anh, chị đã biết “tỏng” mọi thứ, đã chuẩn bị tâm lý vị tha, độ lượng và chịu đựng và có khi gánh chịu thiệt thòi! Thứ thiệt thòi mà người nào yêu một nghệ sĩ phải gánh chịu.
Và anh Thân cũng rất hiểu những hy sinh đó của vợ mình. Một hôm ở nhà anh, tôi và anh đang nói chuyện văn chương chợt anh nhìn thấy Elena đang phụ giúp chị Dạ Ngân chế biến thức ăn dưới bếp. Đang cao hứng, anh chợt đổi giọng: “Em có đồng ý là bọn đàn ông như bọn mình là vô cùng ích kỷ không? Họ cũng làm việc, viết lách như mình… nhưng phải mất bao nhiêu thời gian lo cho bữa ăn, cho các việc tề gia nội trợ. Ăn xong còn dọn dẹp, rửa bát chén.. còn mình thì an nhiên thụ hưởng. Thằng nào không biết yêu vợ thì quá tệ!”. Nói vậy thôi chứ đối với chị Dạ Ngân được phục vụ cho người thân là một niềm hạnh phúc. Niềm vui của chị là cho đi chứ không phải nhận lại. Và tình yêu mà anh dành cho chị là vô cùng sâu sắc. Không phải là chị thường nói “Anh là tình yêu vĩ đại, người chồng hài hước của tôi'” đấy hay sao?
Tôi nhớ đến lần ở nhà anh, hình như vừa nhận được món cà pháo và nhút mít mà anh rất thích từ quê Hà Tĩnh gửi vào. Gặp món khoái khẩu nên tuy mặn mà anh ăn hơi nhiều. Thế là bị chị la: “Anh bị bệnh tim và huyết áp cao. Ăn vừa vừa thôi. Không được bỏ tôi sống một mình đâu nhé!”. Nhà văn, họ sâu sắc. khi mắng cũng ẩn dụ và chữ nghĩa ghê gớm. Có lần ăn trưa xong tôi giúp chị mang chén bát xuống bếp, chị ngăn lại, kêu anh làm. Anh cũng vào phụ… tôi nói anh cứ ngồi đọc báo đi. “Cứ để ổng làm đi em. Ham chơi lắm. Suốt ngày cứ lên tò mò trên Facebook chứ có làm gì đâu.” Nói xong chị còn phán thêm một câu đa nghĩa: “Số ổng là số sướng. Ổng tuổi Hợi đó em!” Bữa đó tôi có một trận cười nghiêng ngửa, về đến nhà vẫn còn tủm tỉm.
Trước ngày ra mắt quyển tiểu thuyết “Người Yêu Dấu” của chị Dạ Ngân, có thể do tác động từ những nỗ lực của vợ, anh tâm sự là lâu nay ít viết nhưng lần này tự dưng anh có cảm hứng để cầm lấy bút. Tôi vội vàng khích lệ khuyên anh nên cầm lấy bút. Xưa nay tôi vẫn tin rằng, dù nhiều truyện ngắn của anh Thân thành công và để lại dư âm, nhưng với một nhà văn chuyên nghiệp và kiến thức như anh, thế mạnh phải là tiểu thuyết. Anh sáng tác rất nhiều, nhưng có lẽ những tác phẩm đã in vẫn chưa xứng với tầm của anh.
Như còn một món nợ văn chương với bạn đọc vì ước nguyện ấy không thành mà anh đã rời bỏ cõi tạm để tìm về một vùng trời yên tĩnh.
Tiếc thì có tiếc. Nhưng ngẫm cho cùng Anh Thân thích hòa mình với thiên nhiên, thích nghe chim hót. Nhiều lần trên ban công nhà anh… tôi và anh say sưa ngắm nhưng chú chim đang ríu rít, chuyền cành. Thiên nhiên đâu có bắt anh phải viết tiểu thuyết. Nó cũng không cần hay chờ anh viết tiếp. Thiên nhiên muốn để anh sống tự tại như anh vốn là, như thõa thích vui chơi và không vướng bận tâm trí vào việc gì nữa ở những ngày cuối đời.
Cũng có lúc tôi nghĩ là ý muốn viết tiểu thuyết vào nhũng ngày cuối của anh có lẽ cũng chính là lúc mà chị Dạ Ngân sau này kể lại về những đêm mà anh chị can đảm đối diện và nhìn thẳng vào mặt tuổi già. Trong điếu văn viết bằng máu và nước mắt vào 1 đêm thức trắng khi quan tài của anh còn nằm bên cạnh: “Chúng tôi bắt đầu nhìn vào tuổi già và cái chết, một cách vừa thẳng thừng vừa lãng mạn quen thuộc của nhau. Tôi bảo “Anh nói anh sống đến trăm tuổi, lúc đó em cũng 83, chết cùng ngày được rồi, chỉ một điều ước duy nhất nữa là được chết cùng ngày để các con làm giỗ cho tiện”. Anh cười kiểu cười hào sảng và đôi chút giễu nhại: “Ừ, anh một trăm thì em cũng mới có 83 thôi, bằng anh thời điểm này, vậy thì thiệt cho em quá”. Đó là một đêm trước Tết. Họ ngồi bên nhau, bộc lộ tâm can, giả như đùa mà vô cùng nghiêm túc, và họ đã dừng lại khi thấy vấn đề bắt đầu nhạy cảm!
Ôi! chỉ mới đây thôi!
Thật thương chị và nhớ anh!
5-Sống vui, sống khỏe đến cuối đời
Tuy không còn trẻ nhưng anh Thân vẫn khiến mọi người kinh ngạc về cách sống trẻ trung, vui tươi và năng động. Ngoài viết văn, viết báo anh còn tham gia facebook, thú vui đọc sách và gần như ngày nào cũng tập thể dục vào buổi sáng và xế chiều đến hồ Yết Kiêu bơi hằng giờ để thư giãn. Có khi anh cao hứng nhảy phóng đầu vào hồ nước như thanh niên làm mọi người rất bất ngờ. Về sức khỏe anh thường nói từ nhỏ tới giờ mình chỉ uống vài viên thuốc khi thực sự cần thiết và tuy ngoài 80 mà vẫn chưa phải vào bệnh viện lần nào.
Theo chị Dạ Ngân thì anh đã làm được điều mà mình thường tuyên bố: Khỏe mạnh cho tới lúc chết! Và bây giờ có lẽ anh đang đứng ở trên cao, hí hửng nhìn mọi người.
Thực ra, đến lúc cuối đời mà không bệnh tật không phiền hà người thân rồi ra đi không đau đớn là điều nhiều người mơ ước.
Biết thế, nhưng tôi vẫn cứ chạnh lòng.
Tin nhà văn Nguyễn Quang Thân ra đi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trên khắp các mặt báo đều rộ lên những dòng tin về sự ra đi đột ngột này với nhiều tiếc nuối:
Ngày trước khi anh mất, chị Dạ Ngân có việc phải về quê thì anh đang bị cảm mà vẫn đi bơi thì thiên nhiên đã gọi anh về với nước.
Khi chị về tới Sài Gòn để làm các thủ tục cần thiết thì đã ba tiếng rưỡi trôi qua: Thời gian vàng để cứu người đột quỵ đã không còn.
Và thế là anh đã tạm biệt cõi trần gian!
&
Sau buổi tối cùng Quán Văn đến viếng anh, ngay đêm đó một bạn văn là Hoàng Kim Oanh đã thức trắng đêm để viết một bài thơ đầy cảm xúc. Xin được trích nguyên văn:
Nhân loại – tôi không chơi với các anh nữa
Ván nào anh cũng ăn jan… (Trần Dần, Sổ bụi – 1982)
Vậy là anh bỏ đi…
Không chơi cùng nhân loại nữa!
Còn bao điều chưa viết
Còn bao người rất thương chưa kịp lời từ tạ
Còn ngôi nhà chạm đất*
Hai nhà văn Việt Nam
chưa kịp chạm ước mơ…
Anh Nguyễn Quang Thân ơi!
Đêm cuối Thanh Đa
ngoài kia gió lộng…
em vẫn nghe mênh mang tiếng nước vỗ thì thầm
tiếng anh bình rất duyên. rất nghịch
về Trần Dần đích thực người đầu tiên cách tân Thơ Mới
chỉ đọc lên đã mở ra bao ám dụ rưng rưng
về văn chương, về con người
và số phận của con người, số phận của văn chương…
sáng. tối. một thời chữ nghĩa
Hay anh đang lặng im giữa Quán Văn rộn rịp
ngồi bên em kể về những trang văn… trang đời dang dở
ấm áp những ân tình
trăn trở…
Hay anh đang ở cafe Thứ Bảy
cùng chị Dạ Ngân nói về những nhà văn quốc doanh đong câu đếm chữ… ăn lương
ăn cả lương tâm người cầm bút
giọng dịu dàng mà chắc nịch ngàn cân…
Đêm Thanh Đa…
hình như anh vẫn ngồi đó
lặng lẽ bên bao đồng đội
ngòi bút ngày càng thêm sắc
từng mảnh đời đau đáu chật trang văn…
hình như anh đang ngủ.
muộn phiền nào trong hạnh phúc viên mãn bất an?
Bình an. ngủ đi anh.
người anh lớn của tôi
mai.
một chuyến. không về…
Hạt bụi nào kiếp này trót nặng
Xin tháng ngày còn được cuốn theo nhau
“anh chỉ ngủ thôi mà…”
(chị Dạ Ngân…bảo thế
vỗ về em khi dòng lệ em rơi…
hay đang vỗ về mình:
anh Thân ơi!
Vậy là anh bỏ đi…
Không chơi cùng nhân loại nữa…
thật sao?
anh!
Thanh Đa. Đêm cuối
6.3.2017
* Anh chị ở chung cư…
6- Mẹ và con- Tuổi thơ cuộc đời. mẹ và vợ
Nếu ba tôi là người mà tôi cực kỳ tôn kính và quý trọng thì anh Thân lại là người kính mẹ, yêu mẹ và hết lòng tán dương mẹ. Lúc nào, ở đâu, bất cứ thời điểm nào, khi câu chuyện nào chuyển sang hay chạm vào mẹ thì lập tức anh trở nên trang trọng, sáng bừng và mê say.
Trong điếu văn viết bằng máu và nước mắt của chính mình, Chị Dạ Ngân cho biết vài chi tiết về tuổi thơ anh:
“Là đứa con cầu tự, anh rất được mẹ thương yêu và cưng chiều. Anh thường tự hào kể là mẹ anh từng tuyên bố: “Thằng Thân mà có bị cọp vồ, tao cũng sẽ đấu tay đôi với cọp để giành lại nó!”.
“Ánh mắt anh nghiêm trang và thành kính mỗi khi có ai nhắc đến mẹ: “Mẹ đã làm sẵn cho anh tất cả, ơn cao đức dày, những câu chuyện có tính văn xuôi, những trang Kiều bà thuộc và những lời dạy mà anh chỉ làm đúng như thế thì không phải phấn đấu gì nữa cả.” Bà dạy anh phần lớn là qua những lời răn như ca dao, tục ngữ.”
Được sinh ra và nuôi nấng bởi một bà mẹ như vậy nên anh luôn xem mình là đứa con may mắn. Cuộc đời anh viên mãn tràn trề, sức khỏe, công việc, tình yêu, nói chung là viên mãn từ tinh thần tới vật chất. Nhưng ở giờ phút cuối đời, theo chị Dạ Ngân thì sự viên mãn, quá hoàn toàn, có lúc làm họ lo sợ là… sẽ có một ngày. Bởi sự hoàn hảo nào mà không xúc phạm đến thần linh. Những nghệ nhân xưa, khi hoàn thiện một bức tượng vĩ đại, sau khi say sưa ngắm kỳ công tuyệt diệu của mình đều lấy búa làm vỡ đi một mảnh nhỏ để khỏi phải bị thần linh ghen tị đó sao?
Thu Uyên, con gái riêng của chị, mà thương và quý trọng anh Thân như cha đẻ, đêm ấy sụt sùi: “Kết thúc như vầy uổng quá mẹ ơi!”. Uổng thật! Đôi tình nhân đều mang trong lòng hai tình yêu vĩ đại, tình người và tình văn chương, đang sung sức về trí tuệ để chắp cánh cho nhau bay lên cao, nhưng sức khỏe của anh bất ngờ gặp một khúc quanh.
Thế là anh ra đi như một trò đùa tinh quái làm bè bạn và người thân rất đỗi bàng hoàng! Chị Dạ Ngân cho rằng trời đã lấy đi của anh ít nhất cũng là mười năm mơ ước, người chồng nhà văn và là thi sĩ nhưng chỉ làm thơ tình cho người mà anh yêu dấu:
Gió về đâu mây trắng bay về đâu
Chiếc xe đò đưa em về đâu
Cơn lốc thổi bay vèo chiếc lá
Khoảng trời vàng trong mắt em nâu
Hoa sứ Vũng Tàu chắc vẫn còn tươi
Cát ở Vũng Tàu vẫn trắng
Rừng dương vẫn im lìm nắng
Kỷ niệm thắp lên những ngọn đèn mờ
Đom đóm cổng chùa rọi suốt giấc mơ
Đường lên núi vẫn mọc đầy gai cỏ
Chiếc nón hai màu vàng và đỏ
Dướn lên cao như một cánh bướm trời
Cơn gió thổi bay vèo chiếc lá rơi
Xa cảng mờ trong mái tóc
Nỗi đau này anh không kịp khóc
Trời đã ở xa khơi
SG, 25/6/1982
7- Tình yêu muộn đậm đà
Câu chuyện tình anh Thân và chị Dạ Ngân từng làm nên một “love story” đầy những thăng trầm trước khi họ đến được với nhau thành một “Gia đình bé mọn”, như tên quyển tiểu thuyết nổi tiếng mà chị đã viết và kể lại bằng trái tim với bao nghẹn ngào, cay đắng.
Tuy muộn màng, nhưng những năm tháng mà họ sống bên nhau thật đậm đà, và ngày tháng nối tiếp nhau thành một chuỗi dài hạnh phúc. Nó thể hiện trong ánh mắt, nụ cười và cả trên những trang viết, dày đặc tình yêu, niềm vui sống cùng những khát vọng về một đời sống tốt đẹp trên đất nước mà họ mến yêu.
Với một người vợ hạnh phúc, mất chồng là nỗi đau thấu tâm can. Nhưng Dạ Ngân là một nhà văn tài năng và mạnh mẽ chắc chắn sẽ vượt qua nỗi đau bằng những trang viết, cho mình và cho những hoài bão dang dở của chồng: “ Em sẽ là bà góa tận hiến của anh, tình yêu vĩ đại của em, người chồng hài hước của em, người đồng nghiệp trác việt của em, người đáng để em tôn thờ và phụng sự.”
Khi chị Dạ Ngân đưa tôi đến nhìn anh Thân lần cuối, trong rất nhiều hương khói chung quanh, tôi lặng người nhìn thấy anh tươi tỉnh như đang nằm ngủ. Có thể nào nghĩ rằng là chỉ vài ngày nữa, tất cả những gì còn lại cho người thân chỉ còn là tro bụi…
Một cánh chim đang lơ lửng trên tầng cao, bỗng chấp chới nhảy ùm trên biển nước mênh mông. Tro bụi hòa tan trong nước.
Anh Thân ơi... Nếu “thác chỉ là thể phách” thì em tin rằng tinh anh đó vẫn còn. Nó nằm trên những trang sách mà anh để lại.
Phòng sách của anh, em thấy chị Dạ Ngân sau này chỉ sắp lại cho ngăn nắp chứ chẳng đổi thay, như giữ nguyên trạng lức anh còn.
Thắp mấy nén nhang, tôi lạy anh… tiễn đưa anh về một nơi chưa biết là đâu. Mà rồi ai ai cũng sẽ đến.
Sài Gòn tháng 12-2017.
[1] http://music.vietfun.com/trview.php?cat=13&ID=5354