Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.148.000
 
Thầm lặng
Nguyễn Thị Kim Lan

 

 

Kim Thy hai lăm tuổi, mắt sáng tóc dài ra trường, nhận quyết định đi dạy cách nhà 25 km. Cô được phòng tổ chức cho sang xem thử. Đi qua một dòng sông nước trong vắt, qua nhiều cánh đồng lúa chín vàng ( sau này Kim biết không phải hôm nào nước cũng trong và không phải mùa nào lúa
cũng chín vàng). Thêm một chiếc cầu thang nép dưới cây xà cừ và chiếc kẻng treo dưới cây hoa sữa cổ thụ nữa là đủ để Kim Thy nhận lời dạy học ở đó cả đời rồi.Trong sáng tác của Pautopxki luôn thế.

Cô đi từ 5giờ sáng bằng xe đạp và về đến nhà lúc 7 giờ tối, cũng chiếc xe đạp đó, thêm gió ngược thổi từ biển về, cùng với cả một ngày dài kiệt sức.  Trưa ở đó, ngại nhất là cơm có ruồi. Chủ quán yêu cô, cho cô cả phích nước để tráng bát. Nhưng dù vậy, bụng cô luôn ngâm ngẩm đau và sôi lên suốt những năm dài. Nhưng những điều này dường như chỉ như ta thêm vào canh chua một chút cay  để ngon xuýt xoa thôi, như cách nghĩ của bà ngoại cô mỗi lần các cháu làm hỏng hay vỡ đổ gì thì của đi thay người.
Kim tóc hương, áo hương, giọng bay, lại ngốc nghếch, nên cô luôn có vẻ nhỏ hơn học trò. Vùng cô dạy học, truyền thuyết xưa là vùng các nghịch tử và thê thiếp bị phạt của vua chúa đưa đến đây giam lỏng. Có lẽ vì thế trẻ vùng này học trò: gái thì vóc ngọc, trai thì tuấn tú. Năm mươi học sinh má đỏ mắt sáng rực cả một lớp.
Nhiều cô bé viêm tai, dị ứng, Kim Thy  vét cặp sách bòn hết các đồng tiền gầy cho em chữa bệnh. Nhiều nam sinh đói lả hay rét run, Kim Thy bòn đồng lẻ mua cho các em bánh quà khăn hay áo. Nhớ nhất thỉnh thoảng trong lớp có đứa lém lỉnh trêu Kim Thy, đứa nhát cô đi qua thì cúi xuống vở. Kim Thy thường dỗ dành để chúng thiếu ăn thiếu ngủ đỡ mệt.Từ bục giảng đi xuống, cô đi qua em này đang nhìn qua cửa sổ, cô vỗ nhẹ lên cánh tay, đứa nào xì xầm cãi bướng, cô lấy lòng bàn tay nhè nhẹ cốc lên cái đầu tóc tổ quạ. Nhiều đứa trẻ mệt, gù lưng xuống, Kim Thy bẻ lưng cho thẳng lại.

Những ngày khốn khổ đói kém, buổi liên hoan chia tay ra trường con trai con gái uống rượu, say ôm nhau ôm cô khóc và nói những điều dễ sợ.
Tụi con trai hầu hết đều nói yêu cô. Theo cái cách không còn của những đứa trẻ. Duy chỉ có một cậu bé, dù cũng say như các bạn, nhưng mặt cứ đỏ lên rồi thẹn thùng cúi xuống mặt bàn, không nói năng chi cả.

Ngày hôm sau vẫn trở lại lớp học, bọn con trai cứ cố nhìn sâu vào mắt Kim Thy để cố


đọc lại được những điều chết người hôm qua đã nói không. Làm sao mà Kim Thy để lộ được!

Rồi như các dòng sông thì trôi ra cửa bể, các cây non thì vút lên mây, các cây cổ thụ thì luồn vào đất, trò lớn lên, đi khắp ngả; thày cô cũng đi qua tuổi xuân và vàng, hay héo, hay úa, hay bay biến, rơi về đâu đó cả.

Mấy chục năm sau, nhân một chuyến công tác, Kim Thy qua một ngôi chùa cổ lớn ở một tỉnh phía nam Hà Nội. Ở đó có buổi toạ đàm của một vị tiến sĩ Phật học, Đại đức chủ trì các chùa của tỉnh, làm chủ toạ. Nghe nói cậu ấy tuổi còn trẻ nhưng thông minh và thấu đáo. Kim vốn ít chịu bị cuốn vào tin đồn, cứ cười cười, không nói gì. Tuy thế, vẫn có ý rằng để xem sao. Thì ra vị đó là cậu học trò bẽn lẽn không dám ôm cô trong tiệc rượu ngày trước.
Hôm ấy cậu trò ấy nói về nhiều vấn đề, nhưng Kim Thy nhớ nhất khi cậu ấy trích dẫn Đạt Ma, mạnh không ở nhấc lên mà là đặt
xuống. Tấm si tình không ở mắc phải, mà ở cởi bỏ, nếu trái duyên. Thay tình trái duyên bằng duyên thuận, thay yêu một người thành yêu mọi người, thay luyến ái bằng nhân ái. Như là thơ. Cô giáo tôi có giảng: Thơ là giúp con người nồng nàn thêm mấy cõi. Thơ và Phật thật ra rất gần nhau và gần chính mỗi chúng ta.
Nói đến đó, vị Đại Đức trẻ đẹp hao gầy mắt sáng ấy nhìn sâu vào mắt Kim Thy, như cô đã dạy em ấy về cách biểu lộ lòng chân thành.
Giờ cô hiểu vì sao mỗi lần sau này gọi factime với cô, cậu đều thất thanh hỏi “ Cô ơi, gương mặt cô đâu mà em không thấy”.
Phật không nhớ nhung khao khát chúng sinh theo cách đó. Đó là cách của con người. Con người đã thức tỉnh.

Kim Thy hiểu rồi. Tình thơ đâu chỉ ở thơ, tình thơ ở khắp cõi.

Chào em ấy về, khi đi qua trai phòng, cô  thoáng thấy những tên sách quen trên kệ sách, chiếc áo ngày xưa và một mùi hương như đã từ lâu lắm. Mùi của tháng năm thanh xuân. Ai trong chúng ta đều từng.
Rồi Kim Thy xuống núi. Sương giăng mênh mông. Cô vừa thấy êm ả vừa thấy khổ đau.

29.02.2020
 

 

 

Nguyễn Thị Kim Lan
Số lần đọc: 1805
Ngày đăng: 02.03.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đỉnh trời gió bấc - Nguyễn Thị Kim Lan
Đơn thân - Hồ Đình Nghiêm
Người trở về - Trần Yên Hòa
Lan man chuyện tết - Hoàng Xuân
Trắng xóa màu đêm - Hồ Đình Nghiêm
Tí ta tí tách - Nguyễn Thị Kim Lan
Cá không ăn muối - Hồ Đình Nghiêm
Hư ảnh - Hồ Đình Nghiêm
Nỗi lười biếng ngọt ngào đêm giao thừa - Phạm Nga
Thành phố không nằm trong trí nhớ - Hoàng Nga
Cùng một tác giả
Trở lại (truyện ngắn)
Midi&Tidi (truyện ngắn)
Kiếp trước (truyện ngắn)
Tí ta tí tách (truyện ngắn)
Đỉnh trời gió bấc (truyện ngắn)
Thầm lặng (truyện ngắn)
Nhẹ rơi bồ công anh (truyện ngắn)
Mây Cô Ban (truyện ngắn)
Sau mù sương (truyện ngắn)
Dưới hàng gió bách (truyện ngắn)
Thoảng gió tháng Tư (truyện ngắn)
Hồ đào lá vát (truyện ngắn)
Chênh vênh (truyện ngắn)
Đêm tìm em (truyện ngắn)
Phóng xạ (truyện ngắn)