Cách đây 10 năm, một người bạn thân của tôi là nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình tặng tôi một cuốn sách đặc biệt: Trò chơi dân gian trẻ em, của NXB Giáo dục, 2008 ( Tác giả: Trần Hòa Bình & Bùi Lương Việt). Trước đó, anh cũng tặng tôi cuốn Đồng dao Việt Nam (NXB Giáo dục) do anh sưu tầm. Hai cuốn này bổ sung cho nhau để như thêm một bước tổng kết về các trò chơi dân gian Việt Nam từ xưa tới nay mà các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và các nhà giáo dục đã tiến hành suốt trong nhiều thập kỷ. Điều đặc biệt nhất, đáng trân trọng nhất của hai tác giả Trần Hòa Bình & Bùi Lương Việt trong cuốn sách này là đã “ưu tiên trò chơi dân gian của miền núi”, bởi theo các anh: “đây là mảng ít được nhắc tới từ trước tới nay. Đó là những trò chơi hết sức độc đáo của trẻ em, mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc, đang có nguy cơ bị mai một dần.” (Sđd, tr. 4)
Mười năm sau, người bạn trẻ của tôi, một giảng viên trường Đại học Tây Bắc, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái đã tặng tôi cuốn sách anh vừa xuất bản: Tập đồng dao: Cháu nhỏ chơi hát ( Làn Nọi Ỉn Khắp) do Hội LHVHNT Sơn La ấn hành năm 2017, của hai tác giả: Lò Bình Minh & Lò Văn Lả. Cuốn sách hoàn toàn “ưu tiên” cho các bài đồng dao của đồng bào Thái Tây Bắc gắn với các trò chơi dân gian; và đây là cuốn sách đầu tiên làm được điều này, một cách hệ thống, có ý nghĩa mở đầu cho các cuốn sách cùng loại, chuyên và sâu về các trò chơi dân gian trẻ em từng dân tộc trên cả nước.
Nhà nghiên cứu cũng đồng thời là thầy giáo dạy văn Lò Bình Minh đã mở đầu cho công trình đồng tác giả như sau, khiến chúng ta cảm thấy ấm áp và thêm độ tin cậy ở hàm lượng khoa học cũng như khát vọng của các tác giả gửi gắm trong cuốn sách: “Nếu ta ví ngôn ngữ mẹ đẻ như một nguồn nước tinh khiết, thì đồng dao chính là lớp mẫu giáo, vỡ lòng giúp trẻ có thể bước vào tòa lâu đài ngôn ngữ mẹ đẻ bằng những bước chân non nớt của các em nhưng không hề vụng dại… Mong cuốn sách này sẽ được xử dụng trong giảng dạy, trong tổ chức các trò chơi dân gian, trong học tiếng, chữ dân tộc Thái được tốt hơn.” ( Sđd, tr.6)
Mỗi người lớn chúng ta cũng đã từng là một đứa trẻ, từng chơi và mê mẩn các trò chơi dân gian, dù mãi sau này mới nhận thức được rằng: chúng là cả một kho tàng đời sống tinh thần phong phú, bổ ích, là món quà lớn dành cho tuổi thơ nhiều thời, nhiều vùng quê, được ông cha ta sáng tạo ra trong bất kỳ cảnh ngộ nào… Các trò chơi dân gian, ở dân tộc nào cũng vậy, hầu như đều mang tính tập thể, tính cộng đồng sâu sắc, dù là những trò chơi bình dị, dễ chơi. Thường mỗi trò chơi đều có sự kèm theo một bài hát đồng dao hay một bài vè ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng một số trò chơi đã đạt tới trình độ thẩm mỹ cao, khơi gợi trí thông minh, tài ứng đáp, phản xạ linh hoạt của con người. Chúng không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo, mà còn giúp các em hiểu và thêm trân trọng tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước. Trò chơi dân gian, gắn với những bài đồng dao, bài vè ngôn ngữ xúc tích, đầy hình ảnh và nhạc điệu, sẽ là một sự định hướng hành động Chơi một cách tuyệt vời nhất cho trẻ em trong những năm đầu đời; mà theo nhà tâm lý giáo dục người Pháp Maurice Percheron trong cuốn “Tâm lý nhi đồng” (Psychologie de l’enfant): “Thật là một việc hấp dẫn và bổ ích khi chúng ta theo dõi những thái độ của đứa trẻ trong những giờ chơi của nó: ở đây có một sự sài phí năng lực và tình cảm mà không một hoạt động nào có thể làm được. Xuyên qua những ý thích kế tiếp của đứa trẻ, hình như chỉ là trong vài năm nó sống lại tất cả lịch sử của nhân loại” (Trần Hữu Đức dịch, Cấp Tiến xuất bản, Saigon 1970- Trg.154).
Nhưng những năm vừa qua, những trò giải trí điện tử mà không ít là những trò chơi vô bổ, thậm chí có hại đã góp phần “thủ tiêu” dần những trò chơi dân gian lý thú của người Kinh như: Thả diều, Chơi chuyền, Rồng rắn lên mây, Thả đỉa ba ba, Ô ăn quan, Nu na nu nống, Kéo cưa lừa xẻ, v,v, của người Thái như: Chơi quay, Đếm sao, Chơi bắn bia, Kéo co, Oẳn tù tì, Nhắn bươm bướm, v.v. Điều đó cũng có nghĩa là sự gắn bó gần gũi với thiên nhiên, với con người cũng bị rạn nứt, góp phần tạo ra những con người ích kỷ, thù ghét thiên nhiên… Giờ đây, tại các lễ hội truyền thống của dân tộc, nhiều địa phương đã tổ chức lại các trò chơi dân gian: đu quay, ném còn, kéo gậy, đánh quay...; song như ông Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã nhận xét: “Phục dựng trò chơi dân gian chính là phục dựng văn hóa, tín hiệu tốt đẹp của đời sống văn hóa hòa bình…Tuy nhiên, nhiều trò chơi hiện nay phục dựng chỉ với ý nghĩa bảo tồn chứ chưa tạo điều kiện để chúng trở về đời sống, nơi nó được sinh ra.”
Việc ra đời cuốn sách Tập đồng dao: Cháu nhỏ Chơi Hát (Làn Nọi Ỉn Khắp)- in cả chữ Thái, phiên âm tiếng Thái và dịch tiếng Việt, được thực hiện một cách cẩn thận, công phu, là một việc làm rất đáng quý, một nỗ lực cao cả của những nhà sưu tầm & dịch thuật và Hội LHVHNT Sơn La, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy một hành động Giáo dục đáng kể hôm nay, giúp những trò chơi dân gian con trẻ được “trở về đời sống, nơi nó được sinh ra”, và trở thành những hoạt động vui chơi thiết thực, quan trọng của trẻ em ở nhà cũng như ở trường học.
Thay mặt các thầy cô giáo và những người làm cha mẹ, cảm ơn hai tác giả Lò Bình Minh & Lò Văn Lả!