(Nguyên tác tiếng Ý : un bricciolo di felicità)
Trương Văn Dân dịch
Sau một thời gian chung sống thì cả vợ lẫn chồng đều không cần dùng lời nói mà vẫn hiểu nhau.
Tôi thường hay nhớ. Nhưng không phải nỗi nhớ về quê hương mà tôi đã rời xa mà nhớ về những người mà tôi yêu mến ở đất nước Việt Nam.
Tôi có rất nhiều bạn, thật là may mắn, nhưng nỗi nhớ ở đây là nói về vợ chồng anh chị Đặng Châu Long và chị Hạnh và vợ chồng Nguyên Cẩn và Ngọc Anh.
Chồng tôi hiểu rất rõ điều ấy, nên mỗi lần tôi ngừng đọc sách và nói “nhớ” thì anh ấy hiểu ngay điều tôi đang mong ước. Một cú điện thoại, hay có khi chỉ là một tin nhắn là chúng tôi đã có một cuộc hẹn hò.
–“Vậy nhé, 7h30 sáng thứ bảy ở quán cà phê “Tắt Đèn”, Bánh mì, bắp, đậu phộng khoai lang. ”
Tôi còn nhớ là mình đã gặp anh Đặng Châu Long vào khoảng thời gian mà chúng tôi thường gặp nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh. Sau đó anh Chu Trầm Nguyên Minh bị bệnh nặng và điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên và chú ý là chính anh Chu Trầm Nguyên Minh đã ủy quyền cho anh Đặng Châu Long được quyền công bố những trang viết thuộc loại thâm cung bí sử của đời mình.
Chu Trầm Nguyên Minh là một con người rất nhạy cảm và tương đối khép kín thế nhưng trong những cơ hội cuối cùng chúng tôi gặp anh luôn cố gắng mỉm cười. Về quãng thời gian đó tôi còn nhớ là tay chúng tôi thường cùng nắm lấy nhau, miệng cố gượng cười mà trong mắt ai cũng rươm rướm ướt. Chúng tôi muốn truyền cho anh một chút năng lượng tích cực dù ai cũng đều ý thức rằng một ngày thật gần người bạn thân thiết này sẽ vĩnh viễn từ giã cõi tạm này.
Kể từ những ngày đó Đặng Châu Long như giữ một vai trò thiên thần hộ mệnh cho tôi, anh như một chiến binh thầm lặng và cẩn trọng và là một người mà tôi tin tưởng gần như tuyệt đối. Cảm giác đó càng ngày càng được củng cố theo thời gian, trong những cơ hội được ở gần nhau, như trong những chuyến đi về Qui Nhơn, Đà Nẵng, Miền Tây, Hà nội..., trong các buổi gặp gỡ của gia đình “Quán Văn” và những buối cà phê ‘Tắt Đèn” vào buổi sáng có đậu phộng, bắp luộc và củ lang, củ mì.
Tôi thường ngồi dưới sân chung cư và nhìn thấy vợ chồng anh đi đến bằng xe máy. Chị Hạnh người quấn và phủ đầy mọi thứ để che nắng và khi vừa gỡ khẩu trang liền chào tôi với một nụ cười rất tươi. Đó cũng chính là nụ cười mỉm nhưng chứa đầy niềm vui trên môi Đặng Châu Long. Anh là một người ít nói nhưng tôi không khó khăn gì nắm bắt những cảm xúc của anh.
Tất nhiên cũng có lúc tôi nhìn thấy những cụm mây ẩn sau đôi mắt ấy (của anh) và tôi nhận ra ngay cái lớp mỏng buồn phiền và sầu muộn của anh. Cuộc sống ban cho ta những đóa hồng mà cũng có cả gai, và có những chiếc gai mà chúng ta khó thể nào gỡ bỏ. Nó đâm vào da thịt và làm chúng ta vô cùng đau đớn. Nhưng tôi biết anh Đặng Châu Long vững chắc như một viên đá tảng. Trong đời anh đã xảy ra bao nhiêu biến cố, gặp biết bao phút giây khốn khó, nhưng anh vẫn kiên cường và dũng cảm vượt qua. Tôi thường nhìn tấm hình mà anh chị chụp từ nhiều năm trước với một lòng thương cảm: anh Đặng Châu Long đầu trần đeo túi xách ngồi trên xe máy, cười mỉm, trên xe chất đầy giỏ, bao ny lông... và chị Hạnh đội nón đứng gần bên, tay phải nắm một chồng soong chảo... có lẽ đó là thời kỳ khó khăn mà anh chị phải vất vả, buôn gánh bán bưng. Nụ cười của họ vẫn y hệt nụ cười bây giờ và có lẽ bí mật của một cuộc hôn nhân bền vững là cùng nhau nắm tay vượt qua mọi trở ngại, người này dựa vào người kia để phấn đấu bên nhau.
Mỗi lần đến, bước xuống xe máy là chị Hạnh đến ngồi gần cạnh tôi. Đó là chỗ ngồi dành riêng cho chị còn anh Đặng Châu Long thì đến ngồi bên cạnh chồng tôi. Cất chìa khóe xe vào túi quần, anh rút một điếu thuốc, xoay xoay trong tay, chưa kịp đốt thì anh đã bắt đầu mỉm cười hay trả lời một câu nói đùa nào đó của chồng tôi trong khi tôi cũng chào chị Hạnh bằng ba tiếng “nhớ, nhớ, nhớ”.
Những lúc này tôi rất vui, vì mỗi khi ngồi bên họ tôi luôn có cảm giác mình được chở che. Một sự bảo bọc trìu mến bởi vì anh Đặng Châu Long đối với tôi đồng nghĩa với quý mến, tin tưởng, một người mang trong lòng những giá trị vững chắc dù trong cái thế giới hiện đại những giá trị, tình thương và tin tưởng gần như đã không còn quan trọng như xưa nữa.
Cũng có thể là tuổi đời và năm tháng chất chồng, nhưng những năm sau này tôi đã thực hiện một vài chọn lựa, một trong những chọn lựa quan trọng ấy là dành thời gian cho những người mang đến cho tôi một chút niềm vui và sự bình an.
Tất nhiên trong cuộc sống cũng có nhiều giây phút đớn đau, vì đó là một phần của đời sống, nhưng trong giây phút đó tôi luôn muốn có được một người nào đó hiểu và chia sẻ cùng mình. Cùng xúc động có nghĩa là sẻ chia, và không chỉ khổ đau mà còn có hạnh phúc. Tôi không thích sự đố kỵ, những ganh đua, những trò ngồi lê đôi mách, nịnh bợ để nhận ơn huệ hay chạy theo tiền bạc... trước nay chưa bao giờ nằm trong chuỗi giá trị của tôi.
Với tôi những giá trị căn bản là lòng kính mến, sự tin tưởng và khả năng cảm xúc, tất cả những thứ đó đều có trong Đặng Châu Long và gia đình anh. Nhiều năm trước miền Nam nước Ý có những làng quê xa xôi, mà mỗi khi người dân có bất đồng hay tranh chấp, liên hệ với nhà nước rất khó khăn nên để giải quyết vần đề họ đều đến một người có uy tín và kính trọng để nhờ phân xử, xem sự dàn xếp của ông ta như một điều không thể bàn cãi nữa. Người này bình tĩnh lắng nghe lý lẽ của hai phía, sau vài phút mời họ uống một ly rượu vang và mời họ siết tay nhau. Thế là cả hai đều xem sự dàn xếp của ông ta như một điều không thể bàn cãi nữa, và phán quyết khôn ngoan của ông ta để tránh được những cuộc đổ máu vô ích.
Đây chính là loại công lý nguyên thủy và lòng kính trọng mà tôi tìm thấy ở anh Đặng Châu Long nên mỗi lần được gặp anh và chị Hạnh, đối với tôi như được hớp thêm một luồng không khí trong lành.
Tôi luôn tìm sự bình an ở đôi vợ chồng này qua những cảm giác dịu nhẹ mà mang đến cho tôi nhiều niềm vui và điều này đã giúp tôi vượt qua những nỗi đau. Và cứ thế, chỉ cần chờ cơ hội được gặp anh chị trong những lần tới, được nắm bắt một chút hạnh phúc và tôi cảm thấy trong lòng, mình là người giàu nhất.
Sài gòn 7- 2019