Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.253
123.155.425
 
Dưới hàng gió bách
Nguyễn Thị Kim Lan

                               

 

        Cài hết các nút chiếc đầm hoa nhí nâu trên nền hổ phách, lựa chiếc đồng hồ Ấn Độ có đính bông màu vàng thanh mảnh, với tay mở tủ, chiếc xương hông nhô lên, Ly ly chọn đôi giày gót mảnh, màu ngà. Đội lên chiếc mũ xanh nhạt, cô mở cửa, xuống thềm, ra đường.  Cô luôn đẹp như thế hay ít ra là cảm thấy đẹp như thế mỗi khi hò hẹn với  người ấy. Người ta bảo đó là dấu hiệu mãi mãi tình đầu. Cười. Cô tản bộ dọc theo con lộ lớn, định khi nào mỏi chân sẽ bắt taxi đi thăm một người.  Người ấy ở nghĩa trang phía tây thành phố. Trời tháng mười ở Matxcova mát lạnh như cửa hàng kem Tràng Tiền tháng chạp, lúc cô cùng Bách đến mua, một nón, cho cả lớp ngày ấy. Các cửa sổ khép hờ, tuyết bay nhẹ như một chuỗi cười vô cớ thả từ cao vòm  xuống, các âm thanh va nhẹ vào các bức tường cũ, vào các tháp chuông nhà thờ dày tròn như  những nậm rượu ở thành phố này, vang lên các hợp âm trầm, khô, cũ và thơm thơm như mùi vụn phoi bào hoặc vỏ bánh quế. Bất giác Ly ly nghĩ đến Bách, vì Bách rất yêu mùi. Bách đã dạy cô mang cơm với mì sợi  lên cầu cuối gió nhà máy nước mắm để không phải ăn với cá; mang lạc rang húng lìu đến bức tường  nhà máy rượu trên phố Nguyễn Công Trứ để say mùi rượu. Khi cô 14 tuổi, khi cô chưa một lần có khái niềm về say. Mãi tận mười năm sau, cô mới biết đó là say, khi cô đi từ cuộc uống ở chân núi xuống, trong một lần đi tìm Bách, chân cô không chạm đường, tiếng cười cô đưa cô về chiếc giường đơn trong một khách sạn, và cô thiếp đi, nghiêng trên lá cỏ. Nghiêng mãi vế phía nụ hôn đầu mà Bách đã mượn của gió trời mang đến đặt lên môi cô, thứ gió trên núi thông, ấm như như một ánh nhìn thăm thẳm giấu trong tay áo. Bách hơn cô 5 tuổi, học cùng chú út nhà cô, nên gọi Ly ly là cháu. Mà dù không là bạn chú út thì vẫn là chú. Vì khoảng cách thế hệ của con người ta không tính bằng năm. Ly ly  nghĩ năm cô 25 tuổi, cô có thể yêu và lấy chàng Hamlet  hơn nàng cả 500 tuổi. Người ta chỉ khác biệt giữa non nớt và già dặn thôi. Còn đã sang trường của cái già thì bình đẳng như nhau cả. Bách sang nhà Ly ly nghe nhạc vàng từ dàn akai trứ danh -chiến lợi phẩm từ miền Nam của chú Dũng, chú thứ hai, mang về. Bà nội Ly ly ngồi giã trầu bên tràng kỉ. Mẹ nàng tóc rẽ ngôi, vấn trần, ngồi xếp chân một bên, kim gài trên khăn vấn, thúng khâu bên cạnh đựng đầy hơi ấm ngày mưa cùng với cơ man nào vui thú. Những vui thú thơm ngậy từ các gói kẹo mềm Hải Hà mẹ dành chia cho các chú cháu chị em trong lúc nghe bolero cùng tiếng mưa tháng ba trên vòm lá trúc rơi xuống vỉa hè lát gạch đỏ. Bách giọng ấm, nhất là các âm sâu trong cổ họng của tiếng Pháp, người xuống rất mịn, bao giờ cũng kèm theo một ánh mắt huyền đi, tiếng huýt sáo rất dài, trĩu và đôi chân đung đưa khi người ngồi hẳn lên bàn. Ly ly gọi ánh mắt ấy là son giáng. Bách bảo “tên Ly ly này hát sai nhạc quá, thật là vô vàn thất vọng, mà giọng thì lại như vừa uống một hũ dấm. Mợ ơi, tên Ly Ly nấu canh ạ? Ừ sao con? Biết ngay mà. Nào Ly ly, ta đi bơi thôi. Ơ sao lại bơi? Thì nấu cả một hồ canh thế kia chả bơi thì sao? Ly ly đọc gì đấy? Đọc báo Tiền phong à? Định đi làm  nghề bí thư cắm đon rau muống vào lọ ư? Cho chú xem tên 5 cuốn tiểu thuyết gần đây nhất cháu đọc nào. Thung lũng Cô tan của Lê Phương. Giamylia của Aimantop, Rừng Nga của L. Leonop, Anh em nhà Karamazop, Hội chợ phù hoa nữa kia à. Có hơi nặng quá với một bé con trước chủ nghĩa hiện thực u ám Nga và Anh không? Cũng được, không tệ lắm, nhưng rất bề bộn và không hệ thống. Ta làm lại thử xem nhé”. Bách lúc đó hai mươi tuổi. Tuổi hai mươi thế kỉ ấy là tuổi mỗi người đều tương đương một học giả, một triết gia, một nhà tư tưởng, một nghệ sĩ, một vĩ nhân, ở cung cách ấy. Thế kỉ chỉ mới mớn  chút công nghiệp rất cổ lỗ, nói gì công nghiệp hiện đại, nói gì công nghệ 4.0. Thế nên, thế kỉ ấy con người với bộ óc của mình, kiêu hãnh là chúa tể; khác hẳn thời nay, trí tuệ nhân tạo đã khiến con người bị gạt ra lề thế giới của chính mình. Y như nàng công chúa chắp tay cung kính đứng phục vụ cô hầu đang nói cười giả lả cùng hoàng tử, trên bàn tiệc hoàng cung vậy. Bách cũng như các chú của Lyly và cố nhiên cả chị em nàng nữa, họ đọc hàng ngàn đầu sách trong thư viện gia đình, thư viện quận Hai Bà, thư viện thành phố. Không rõ sách làm sáng hay làm tối họ, nhưng chắc chắn làm khó, làm khổ họ.Nào chỉ có sách.còn cả một chân giời mà sách mở ra. Ai cũng khăng khăng hoàn thiện thanh xuân bằng các mốc cao chót vót của các vĩ nhân. Bách dạy Ly ly xướng âm, bơi, làm bò bít tết, dạy chọn và cắm hoa. Bách luôn cạu nhạu điệu đà vì thói quen cắm hoa thập cẩm của một Hà Nội đoàn thể mít tinh phong trào. Anh dạy cô chọn lay ơn phải trắng ngà, hồng bạch cành phải gầy guộc. Và qua ngày lễ, anh rủ cô ra đê sông Hồng, thả trôi hoa đi, không để hoa chết khi đã úa. Nhưng hai kì quan mà Bách đã kiến tạo trên thảo nguyên hoang sơ Ly ly đó là  cô bé đọc sách và cô bé mộng tưởng. Trong những ngày chờ ra lính, vào mặt trận, và sau này, những lần về phép hay ( suỵt) “đào ngũ” một đêm, những lần bị cấm trại ( do mắc lỗi tiểu tư sản), Bách đã dành cả thời gian đọc cùng Ly ly. Cô đọc từng nền, từng chủ nghĩa, từng tác gia, từng châu lục. Cô hoặc tản bộ bên bờ sông ở nơi Bách đóng quân, hoặc viết thư, hoặc ghi nhật kí, trao đổi với Bách về những điều họ đọc. Cô smool Ly ly đã trở thành tri âm tri kỉ của chú Bách tự lúc nào chẳng biết. Bố của Bách và ông  của Ly ly mừng lắm vì Ly ly cuốn hết thời gian của anh chàng lãng tử luôn có nguy cơ biến mất vào các giấc mơ lãng du của anh.  Mà anh là con trưởng. Bà anh trông đợi anh lấy vợ và sinh cho gia đình Hà Nội  mười đời này một thế hệ người Hà Nội ưu tú như xưa. Mà anh thì luôn muốn làm các anh chàng Hamlet, Don Rodri, Zhivago… Việc kèm cặp cô Ly ly  cũng khuôn phép chỉn chu Bách lại. Ít nhất người lớn họ nghĩ thế. Nhưng họ, người lớn, chúa nhầm. Càng lớn càng nhầm chết người. Như châu Âu và nước Mỹ năm 2020 nhầm về covina vậy, tưởng cũng như các loại dịch khác, tưởng trong tầm tay họ. Ai ngờ.  Ai cũng nhầm cho đến khi hết nhầm và gẫy bao nhiêu xương sườn. Bách nói thế. Cười nho nhỏ. Rồi không rõ tại sao, anh cúi xuống Ly ly và nụ hôn đầu đời của hai thiếu niên ấy đã gieo xuống cây tình. Bách lạc giọng: Sau này chú sẽ nói với người yêu của chú rằng nụ hôn đầu tiên anh đã trao cho cô bé Ly ly rồi. Sau này, hai ông bố đều học trường Tây, quan chức sở Tây, đọc sách Tây, yêu vài cô tân thời trước khi cưới các bà mẹ Hà Nội ba sáu phố phường thì  mừng nhưng hai bà mẹ gương mặt búp sen  thì lo, họ đã  thống nhất với nhau ( thống nhất với nhau luôn là đặc điểm hầng đầu của hôn nhân Hà thành; và đặc điểm số hai ở bố Bách, Bách biết, là rất  nể vợ, rất nịnh đầm- theo một cách rất kì lạ) tách Bách  ra khỏi Ly ly trước khi hai kẻ ấy hiểu có chuyện gì.

 

Bách ra trận. Thư viết về cho Ly ly cả chồng, toàn bàn về chiến tranh, về chính sách kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa, về  mâu thuẫn giữa lí tưởng và hiện thực, về những nỗi buồn không gọi được tên. Rồi Ly ly lớn. Các chàng trai khác xếp hàng chờ mời cô đi chơi. Nhưng, y như đời các bà, đời các mẹ, nàng không hò hẹn vu vơ, hoặc tình đầu hoặc lập gia đình, không rong ruổi đường tình. Ly ly lấy chồng ít lâu sau,  được nửa năm thì Bách cưới một ai đó. Theo Bách là xinh hơn Ly ly, như một lời biện minh khó hiểu nào đó. Ở cả hai đám cưới, đôi mắt ánh nhìn son giáng đều thật buồn. Bách bảo Ly ly: Một phần trái núi dựng lên từ phía cháu. Ly ly không hiểu. Hoặc hiểu mà không nói gì. Mười năm sau, khi Bách đã vượt sang Nga,  bỏ cả nhà cửa cơ nghiệp lại cho cô vợ Hà Tây làm trụ sở đưa của họ hàng nhà quê lên Hà Nội đổi đời chuyển phận, anh chạy về. Cô gặp anh ngồi trên thành phà qua con sông nơi cô công tác, hai khuỷu tay chống lên thanh thép chắn, bàn tay đỡ cằm như khi xưa nghe nhạc, nhìn sâu vào mắt cô. Sâu đến mức chưa bao giờ Ly ly có thể tin là cô hiểu được cái nhìn ấy:” Cháu sống thế nào?”, anh hỏi. Rồi kể cho cô nghe về thành phố Matxcova và với mùi tuyết, mùi rừng tai ga, mùi lũ xuân, đối chứng với các trang sách ngày xưa họ đã cùng đọc. Sự sùng đạo và ngây thơ là có thật, ở tính cách Nga, anh bảo cô. Đẹp là có thực. Và tan vỡ, là có thực. Rồi anh đi, như chỉ để nói với cô rằng mộng  chính là có thực và rồi vỡ tan. Và người ta sống là để hồi cố mà hàn gắn. Đừng bao giờ nghi ngờ điều đó. Có lẽ thế chăng.

 

Trong một giấc mơvào một năm nào đó, Ly ly đi Hòa Bình cùng chồng, khi nàng thấy mình  ngã xuống sông, dòng nước chảy  rất xiết thì Bách hiện ra, trên một thân cây bách ngả xuống ven bờ, đưa tay cho cô : Em bám chặt vào anh, để anh kéo em lên, đừng sợ. Anh không thể để mất em lần nữa. Cô ướt, nép vào ngực Bách, khóc nức nở. Bách hôn cùng khắp mặt cô, tay cô, vai cô, bụng cô ướt nhẹp, qua lần áo, cuống quýt như muốn thâu cô vào mình. Tim anh đập dữ dội như muốn dứt tung, nhưng nhịp đập anh đã dừng nó lại suốt bao nhiêu tháng ngày mòn mỏi. Toàn cảnh ấy, Kiên, chồng Ly ly thấy cả. Cũng không thể nói thêm gì. Bách biết ý nghĩ của Kiên. Lạ kì thay, anh hiểu cảm giác mặc cảm có tội của Kiên. Vì Kiên biết, Ly ly là của Bách, Bách và cô ấy là hai sinh thể của một sự sống.Lẽ ra, Kiên phải trả Nàng lại cho Bách ngay từ nụ hôn đầu tiên mà cô giao phó cho anh, nụ hôn mất hồn, Kiên đã hiểu. Nhưng anh đã không thể, vì anh ích kỉ.  Bách nhìn Kiên đi xa, ôm siết Ly ly vào lòng, bằng thiết tha ân hận của cả hai người đàn ông, với tình yêu và sự xót xa cho Ly ly của họ. Tỉnh dậy, Ly ly biết mình đã qua cơn mộng dữ bên người chồng lành, cô lay Kiên còn đang say ngủ, bảo : Kiên à, em nóng ruột quá. Không biết có chuyện gì với chú Dũng và chú Bách bên đó nữa. Em thu xếp công việt cơ quan, việc nhà anh đỡ em, em sang đó xem thế nào.

Lần ấy, Ly ly sang đến nơi thì Bách đã đi Siberia, nghe nói do khủng hoảng đổi tiền, Bách gần như mất trắng các công hàng ở Matxcova, anh chuyển xuống Siberia, buôn rượu và ở với một người đàn bà Nga nào đó hơn tuổi anh. Ly ly quay lại Nga khi nghe tin Bách mất. Anh bị kẹt trong rừng và hoại tử do lạnh. Người đàn bà Nga trông rất từng trải và già nua, lầm lì đưa cho cô  một thùng lớn. Toàn là thư anh viết cho cô. Để sau này em đọc, lúc chúng ta đã già. Khi ấy không còn ai cần chúng ta nữa, chúng ta sẽ lại như thuở thiếu thời, lại được bên nhau. Anh đi khỏi để khung trời em không bị che khuất. Cũng là để rồi rốt ráo, ta lại về bên nhau. Những ghi chép của anh để em dùng làm vật liệu viết. Tài khoản là tiền anh tự kiếm được, em dùng để mua một căn nhà ở đâu đó trên thảo nguyên nhiều gió, và để em in sách. Kiên đã cho em những đứa trẻ. Cảm ơn Kiên. Còn thảo nguyên sẽ để em gieo các giấc mơ của mình lên đó. Tạm biệt em. Anh chờ em ở con sông dưới triền thảo nguyên. Cảm ơn Giamylia cho anh. Chị ấy yêu em nhiều hơn cả anh yêu đó. HB của em”. Giamylia đỡ bức thư và trao cho Ly ly một cốc trà nóng.

 

Ly ly trở về, cô lên Mộc Châu, mua một ngôi nhà trên cao nguyên đó. Cô trồng rất nhiều  hàng bách trên lối xuống sông. Đôi khi, xách nước lên, những làn gió bứt quả, lá rơi vào xô nước. Ly ly đun sôi, pha trà cô hái từ bờ rào. Ngồi trên bậu cửa, cầm cốc trà bách trong tay,  cô như uống cả những làn hơi thở từ bầu trời đi qua những tán cây bách đang  độ thanh xuân. Khi ấy, cô lấy laptop ra, và viết. Như con sông, chảy. Dưới chân thảo nguyên.

 

4.3.2020

 

 

Nguyễn Thị Kim Lan
Số lần đọc: 1360
Ngày đăng: 20.04.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tệ thiệt - Bùi Thanh Xuân
Một chút hạnh phúc - Elena Pucillo Truong
Cúng cơm cho mẹ - Bùi Thanh Xuân
Đời đổi thay biết bao lần. - Trương Văn Dân
Nhớ mẹ - Bùi Thanh Xuân
Nhà toàn con gái - Nguyễn Đại Duẫn
Không phải tại con tàu - Vân Hạ
Những cánh hoa gạo cuối mùa - Xuân Tuynh
Quán rượu - Nguyễn Thỵ
Cuộc chạy đua với thời gian. - Elena Pucillo Truong
Cùng một tác giả
Trở lại (truyện ngắn)
Midi&Tidi (truyện ngắn)
Kiếp trước (truyện ngắn)
Tí ta tí tách (truyện ngắn)
Đỉnh trời gió bấc (truyện ngắn)
Thầm lặng (truyện ngắn)
Nhẹ rơi bồ công anh (truyện ngắn)
Mây Cô Ban (truyện ngắn)
Sau mù sương (truyện ngắn)
Dưới hàng gió bách (truyện ngắn)
Thoảng gió tháng Tư (truyện ngắn)
Hồ đào lá vát (truyện ngắn)
Chênh vênh (truyện ngắn)
Đêm tìm em (truyện ngắn)
Phóng xạ (truyện ngắn)