Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.145.800
 
Nhà báo kỳ cựu Phan Quang
Minh Tứ

 

Là thế hệ làm báo đi sau, tôi có vinh dự lớn là mỗi khi có sách mới xuất bản, nhà báo Phan Quang đều gửi tặng, với lời đề từ rất tình cảm: “Thân tặng đồng nghiệp, đồng hương”. Tiếp xúc với ông, nhiều người đều có cảm nhận là nhà báo kỳ cựu nhưng ông có phong cách rất gần gũi, thân thiết với mọi người. Hai tập sách: “Thương nhớ vẫn còn” tập I mang tên “Lấp lánh trời sao” và tập II mang tên “Cánh gió chưa rời” - Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2017 khi nhà báo Phan Quang bước sang tuổi 90 thể hiện một bút lực dồi dào hiếm thấy. Đọc tác phẩm của nhà báo Phan Quang, chúng ta học hỏi thêm được nhiều điều về nghề báo, nghề văn, kể cả nhân cách người cầm bút; biết thêm nhiều gương mặt chính khách cũng như những cây bút tài hoa từ trong nước đến thế giới mà ông đặc tả. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, từ tác phẩm văn học của nhà báo Phan Quang, “qua những con người bắt gặp được cả một thời đại”.

Những tác phẩm để đời…

Bạn đọc biết đến nhà báo Phan Quang không chỉ là một nhà báo lịch lãm mà còn là một nhà văn và một dịch giả tài năng. Tác phẩm của ông là kết tinh của quá trình tích lũy vốn sống sâu dày, từ thời ông làm các báo: Cứu Quốc, Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi ông đảm đương công việc Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội. Trong tác phẩm của mình, nhà báo Phan Quang không dừng lại ở việc ghi chép đơn thuần những mốc chính trong cuộc đời của nhân vật mà đi xa hơn, có cách nhìn sắc sảo, thấu đáo về sự nghiệp, tâm lý, tình cảm của nhân vật. Là người có bảy mươi năm làm báo và làm công tác lãnh đạo báo chí, nhà báo Phan Quang có điều kiện đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều nhân vật quan trọng. Với phong cách làm việc rất trách nhiệm, ghi chép nhật ký tỉ mỉ, cùng với sự dấn thân vào đời sống xã hội từ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như những năm hòa bình, thống nhất đất nước, nhà báo Phan Quang đã tích lũy được vốn sống phong phú, đa dạng, từ đó ông viết nên những tác phẩm báo chí, văn học sống động. Đó là những bút ký chân dung về các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Tùng, Xuân Thủy, Phan Đăng Lưu…; hay những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Lương An, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Hoàng Yến, Sơn Nam…; các nhà báo: Thép Mới, Ngô Đức Mậu, Trần Công Mân; nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị; nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhà khoa học Lương Định Của... Bút ký của ông không dừng lại ở các sự kiện, cách ứng ứng xử của nhân vật mà còn đan lồng “cái tôi” của tác giả bởi những suy tư, bình luận đúng lúc, đúng nơi. Với anh Ba Lê Duẩn, nhà báo Phan Quang nhìn thấy chiều kích của một lãnh đạo kiệt xuất của Đảng qua bút ký Lê Duẩn - Tầm cao trí tuệ”, làm nổi bật những tư tưởng, quan điểm đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng của anh Ba một cách khái quát: “Lê Duẩn là một tầm cao trí tuệ, là ngọn đèn pha, là tư duy lý luận lỗi lạc và luôn mới, đồng thời là một con người đậm đà tình cảm”, từ đó làm cho người đọc hiểu thêm sức mạnh tư duy chính trị của người đã vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn để giải phóng miền Nam, như lời của Tổng Bí thư Trường Chinh: “Đồng chí Lê Duẩn có công đầu trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước”. Với "Người anh lớn" Trường Chinh, nhà báo Phan Quang có những kỷ niệm đẹp, ấm áp về những lần tiếp xúc, làm việc và rút được từ ông nhiều bài học về nghề báo: "Bài anh viết lập luận chặt chẽ, kết cấu hợp lý, chứng cứ rạch ròi, văn phong trong sáng điểm chút hài hước mà không dung tục; biện luận sắc bén, ít lời lẽ đao to búa lớn. Anh dạy chúng tôi, văn chính luận trước hết phải mang tính khoa học..." (Người Anh lớn). Với nhà báo Trần Công Mân, Phan Quang phác thảo nhân cách của một nhà báo làm công tác quản lý với phẩm chất thật đáng trân trọng: "Trong các cuộc họp bàn tập thể, bao giờ ông cũng có suy nghĩ, ý kiến riêng và biết cách bảo vệ ý kiến của mình. Nhưng sau khi người phụ trách đã có kết luận cuối cùng và tập thể đã đi đến kết luận, cho dù quyết định ấy chưa hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của ông, ông vẫn chỉ đạo anh em trong cơ quan nghiêm túc thực hiện "cứ thế mà làm". Ông không cho phép ai được làm ngang sau khi đã có nghị quyết tập thể hoặc ý kiến của cấp có thẩm quyền..." (Cây bút sắc sảo)…

 
 

Ngòi bút của nhà báo Phan Quang còn vươn tới những chân trời văn học xa xôi. Đối với Gabried Marguez, ngôi sao sáng của văn học hiện thực huyền ảo, Phan Quang cũng có cách nhìn nhận khác với người khác: "Một điều tối hôm ấy ở Paris không ai đề cập, chúng tôi đều thấy, nhà văn bậc thầy về huyền ảo trước sau vẫn gắn bó với thực tế, với thời cuộc, trước sau vẫn phản đối chủ nghĩa đế quốc dưới mọi hình thức của nó. Rất ít, nếu không nói chưa có nhà văn nào như ông, dành một phần bài diễn văn tại lễ nhận giải Nobel mạnh mẽ lên án đế quốc, dù không chỉ  đích danh ai cũng biết là Mỹ: Châu Mỹ la tinh không muốn, cũng không có lý do trở thành con cờ trong tay người khác sắp đặt" (Một tác phẩm khó phân thể loại). Phan Quang còn phác chân dung những nhà văn, nhà báo nổi tiếng thế giới như nhà thơ Chi Lê Paoblo Neruda; nữ thi sĩ Nga Olga Bergholtz; nhà báo Pháp Madeleine Riffaud; nhà văn Mỹ gốc Phi Richard Uright... Hầu hết các bài viết được ra đời khi tác giả đã ở tuổi xưa nay hiếm, thể hiện một trí tuệ uyên thâm và một nhãn quan văn hóa rất đáng cảm phục.

 

Trong nền báo chí, văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, bạn đọc biết đến Phan Quang không chỉ là môt nhà quản lý báo chí lịch lãm mà hơn thế ông là cây bút nổi tiếng với số lượng đầu sách đáng kính nể. Ra đi từ bến sông Nhùng, Phan Quang viết báo từ năm hai mươi tuổi (1948), đến nay ở độ tuổi 90, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức. Nếu tính từ tập truyện ngắn "Không khai" - Nhà xuất bản (NXB) Minh Đức xuất bản năm 1954 đến tập sách “Thương nhớ vẫn còn” - Nhà xuất bản Văn học xuất bản vào năm 2017 thì trong suốt hơn 70 cầm bút ông đã có trong tay 7 tập truyện ngắn, truyện vừa; 9 tập ký; 1 tuyển tập (3 tập); 6 tập tiểu luận, chân dung văn học và báo chí; 6 tác phẩm dịch từ văn học nước ngoài. Đó là chưa kể ông có nhiều sáng tác văn học, tác phẩm dịch in chung với các tác giả khác cùng hàng ngàn bài báo in đều đặn trên các báo, tạp chí của cả nước. Có thể kể một vài tác phẩm nổi tiếng của ông đã ra mắt độc giả trong 70 năm qua. Đó là những tác phẩm: Không khai, tập truyện ngắn, NXB Minh Đức, 1954. Đất rừng, truyện vừa, NXB Xây Dựng,1955. Hẹn cưới, tập truyện ngắn, NXB Thanh Niên, 1956. Săn cá voi, truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 1958. Đất nước một dải, tập ký, NXB Thanh Niên, 1975. Lâm Đồng - Đà Lạt, tập ký, NXB Văn hóa, 1978. Hạt lúa bông hoa, tập ký, NXB Văn học, 1978. Đồng bằng Sông Cửu Long, tập ký, NXB Văn hóa, 1981, NXB Cửu Long và NXB Cà Mau, 1985, NXB Trẻ, 2002. Một mình giữa đại dương, truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng 1984, NXB Trẻ 2000. Chinh phục Himalaya, truyện thiếu nhi, NXB Thuận Hóa, 1987, NXB Trẻ 2000. Người và đất, tập ký, NXB Thuận Hóa, 1988. Theo dòng thời cuộc, tiểu luận, NXB Văn hóa thông tin, 1995. Tuyển tập (ba tập), NXB Trẻ 2000. Về diện mạo báo chí Việt Nam, tiểu luận và chân dung, NXB Chính trị quốc gia, 2011. Những người tôi quý mến, chân dung văn học và báo chí, NXB Hội Nhà văn 2002. Thơ thẩn Paris, tập ký, NXB Văn học 2002. Bên mộ vua Tần, tập ký, NXB Thuận Hóa. Dịch và giới thiệu: Hoa Lạ, tập truyện ngắn các nước Á Phi, NXB Thanh Niên 1957. Hội chợ bán người, tập truyện ngắn các nước Á Phi, NXB Văn học 1961. Những ngôi sao ban ngày, tập ký Nga, NXB Văn học 1963, NXB Thuận Hóa 1996, NXB Văn học 2003. Nghình lẻ một đêm, tập truyện Ả Rập, NXB Văn học 1981, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh 1992, NXB Văn hóa thông tin 2002, NXB Văn học 2003. Nghìn lẻ một đêm, loại dành cho thiếu nhi, 15 tập, NXB Kim Đồng 2003. Trở lại với đời, Tiểu thuyết Bỉ, NXB Tác phẩm mới, 1988... Đặc biệt, trên các báo và tạp chí bây giờ, tác phẩm của ông vẫn xuất hiện đều đặn, như thể đời ông, trang viết là nỗi thao thức sáng tạo đến vô cùng. Ở lĩnh vực sáng tác văn học, báo chí, phê bình văn học hay dịch thuật, lĩnh vực nào ông cũng thể hiện vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng và tấm lòng của một cây bút không ngừng nghỉ sáng tạo, gắn bó với cuộc sống, cống hiến cho độc giả những cách nhìn sắc sảo về con người cũng như thời cuộc.

 

Có thể rút ra được nhiều điều bổ ích khác từ các nhân vật trong các tập sách của nhà báo Phan Quang. Tác phẩm của ông mang chứa kiến văn sâu rộng của một nhà dịch thuật, tính cẩn trọng, chuẩn mực của một nhà báo, sự thăng hoa của một nhà văn, do vậy dù đọc tác phẩm báo chí, sáng tác văn học hay tác phẩm dịch thuật của ông, bạn đọc không chỉ tìm thấy ở đó những kiến thức, thông tin về các lĩnh vực mà còn có những xúc cảm nội tâm, nâng tâm hồn người đọc lên một cung bậc mới. Tính thẩm mỹ trong tác phẩm của nhà báo Phan Quang là ở chỗ đó. Trong tác phẩm của ông, chất văn - báo bất phân, tuy nhiên, tác giả không lạm dụng quá liều lượng văn trong báo, chỉ sử dụng đủ để cuốn hút người đọc từ sự kiện này đến sự kiện khác. Theo tôi Phan Quang là nhà báo có phong cách riêng khó lẫn những nhà báo cùng thời.

…Và những người bạn văn

Hôm ra Hà Nội dự Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, tôi nhận được tin nhắn của nhà báo Phan Quang. Thì ra ông muốn gặp, tặng cho tôi cuốn sách “Cỏ lau Thành Cổ” vừa được Nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Mặc dù đã được đọc nhiều tác phẩm của nhà báo Phan Quang nhưng bây giờ đọc “Cỏ lau Thành Cổ” vẫn thấy mới mẽ, xúc động về tình người, nhất là những bài ký chân dung viết về những người bạn văn ấn tượng của ông.

Tôi dừng lại, đọc chậm ở bài viết “Tiếng lòng Viên Tĩnh”. Viên Tĩnh Viên là cõi đi về của nhà thơ Chế Lan Viên, nơi nhà báo Phan Quang nhiều lần về thăm trước và sau ngày nhà thơ qua đời. Đối với Phan Quang, Chế Lan Viên là người anh về tuổi đời và nghề báo, nghiệp văn, do đó trong hồi ức của ông luôn thể hiện một sự thành kính, chân thành. Thắp nén hương cho nhà thơ nơi Viên Tĩnh Viên ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phan Quang có những quan sát thật xúc động: “Cảnh quan bên ngoài nay khác trước nhiều lắm, nhưng cái làm tôi xúc động mỗi lần có dịp trở lại sau ngày anh qua đời là nhiều thứ trong nhà hầu như nguyên vẹn. Dường như anh Hoan vẫn đâu đây, anh vừa chạy ra ngoài có việc gì đấy để rồi đột ngột xộc vào ôm choàng lấy bạn. Phòng khách và cũng là nơi làm việc của anh chị gần như ngày trước…”. Cũng qua trang viết của nhà báo Phan Quang, người đọc có thể cảm nhận được nhờ có mảnh vườn bé bỏng này, nơi Chế Lan Viên từng tự bạch: "Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên/Xanh um chỉ có màu xanh cỏ/Tôi đặt cho lòng Viên Tĩnh Viên" mà nhà thơ tìm được không gian yên tĩnh để miệt mài làm việc, lưu lại cho đời một phần quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình. Qua lời kể của nhà báo Phan Quang, trước mắt chúng ta hiện lên một Chế Lan Viên mặc dù bệnh tình nặng bủa vây vẫn không ngừng thao thức, trăn trở, trách nhiệm với bạn văn, với thơ, với đời, vẫn chạy đua với quỹ thời gian hạn hẹp còn lại để viết. Thư Chế Lan Viên viết cho nhà báo Phan Quang: “...Năm nay tôi đề bốn cái tựa sách, trong đó có tập thơ anh Lành (Tố Hữu), tập thơ Hàn Mặc Tử...". "Tôi vừa xong cái tựa (về) anh Lành. Sau những cuốn sách dày 500 trang, 300 trang (luận bàn về thơ Tố Hữu). Lại lúc này nhưng tôi viết khá mới và độc đáo đấy".

 

Viên Tĩnh Viên cũng là nơi nhà văn Vũ Thị Thường, người bạn đời của nhà thơ Chế Lan Viên dành 20 năm cuộc đời sáng tạo văn chương của mình lặng lẽ sưu tầm, sắp xếp, âm thầm dò từng chữ loắng ngoắng (chữ dùng của nhà báo Phan Quang) mà có lẽ không ai ngoài chị đọc ra được khi nhà thơ ghi vội vào tờ giấy rời tình cờ có sẵn trong tay những câu thơ vừa vọt ra, rồi chỉnh lý, biên tập, chú thích. Sau khi nhà thơ mất, 3 tập Di cảo thơ Chế Lan Viên gồm 534 bài đã được in. Di cảo thơ tập 4 cũng đã gom được 150 bài và còn đang tập hợp tiếp. Rồi Nhà xuất bản Văn học công bố “Chế Lan Viên toàn tập” dày ngót năm ngàn trang. Có lẽ ai đó đã đúng khi nói rằng con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên, nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn.

 

Với người bạn đồng nghiệp - nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp, người thuộc lớp cán bộ được điều về báo Nhân Dân tiếp quản thủ đô Hà Nội và chuẩn bị xuất bản báo hằng ngày, nhà báo Phan Quang cũng dành những trang viết thấm đẫm tình đồng nghiệp, qua đó người đọc biết thêm về đời tư “đoạn trường” của người nghệ sĩ tài hoa này (Bút ký Lá Trắng Vu lan). Nhiều người đã từng xem phim do Bạch Diệp đạo diễn với những bộ phim làm lay động lòng người như: Ngày lễ thánh, Điện Biên Phủ, Ai giận ai thương, Huyền thoại mẹ, Hoa ban đỏ…, nhưng ít ai biết rằng trong đời sống tình cảm, người đàn bà ấy có những uẩn khúc riêng. Trước đó Bạch Diệp từng là người yêu của nhạc sĩ tài hoa Tử Phác; sau đó được một nhà lãnh đạo địa phương trí thức, đẹp trai yêu nhưng chị quyết dứt áo trở về Hà Nội sum vầy với gia đình, thế nhưng “như là định mệnh níu kéo người nghệ sĩ, bảo chờ làm bà hoàng ngắn ngủi của ông vua thơ tình?Tôi cầm đóa dạ lan hương/Trong tay. Đi đến người thương cách trùng…”. Nhà báo Phan Quang kể chuyện người bạn đồng nghiệp một cách chân tình: “… Lễ thành hôn nàng Bạch Diệp với nhà thơ Xuân Diệu, mà người mai mối đầy nhiệt tình là Tổng biên tập Hoàng Tùng, tổ chức rôm rả tối hôm ấy tại ngôi biệt thự nhìn ra Hồ Gươm, cạnh cây đa cổ thụ. Chẳng được bao lâu, anh em rỉ tai nhau “Đêm nào nó cũng ra ngồi khóc một mình ở vườn hoa”…

Đọc “Lá Trắng Vu lan”, mới biết thời ấy, sau ngày hòa bình lập lại, ở báo Nhân Dân có cô phóng viên Hà thành Bạch Diệp đi làm hằng ngày vẫn diện áo dài tha thướt, thường dẫn bạn đồng nghiệp về thưởng trăng trên sân thượng ngôi biệt thự cuối phố Bà Triệu của gia đình. Thế rồi cô phóng viên ấy đã thay chiếc áo dài bằng cái sơ mi trắng cổ lá sen, được tổ chức phân công về tỉnh nghèo, làm tờ nội san đoàn cải cách ruộng đất. Vậy mà Bạch Diệp vẫn chưa thôi mơ màng. Thư chị gửi cho nhà báo Phan Quang viết: “Diệp xa Hà Nội vừa đúng tám tháng rồi đấy. Nếu ở Hà Nội lúc này chắc Diệp đã lấy xe đạp đi vòng lên đường Cổ Ngư chơi một mình rồi… Đêm hôm nay sao lặng lẽ thế này. Hình như là đêm chủ nhật. Lâu lắm rồi, đêm nay Diệp mới thấy nhớ Hà Nội, nhớ đến gần như muốn khóc…”. Ít lâu sau đợt thâm nhập ba cùng, Bạch Diệp chuyển sang điện ảnh.

 

Một bút ký nữa của nhà báo Phan Quang gây ấn tượng với bạn đọc là bài viết về nhà thơ Hoàng Yến (Tình người soi dặm đường), người gắn bó với ông từ thời làm báo Cứu Quốc ở Liên khu IV. Theo hồi ức của nhà báo Phan Quang thì Hoàng Yến về Hà Nội sau ngày tiếp quản thủ đô, làm ở Phòng Văn nghệ Quân đội, sau đó dính vào sự cố văn chương cuối những năm 1950 (gọi là vụ Nhân văn - Giai phẩm) và bị bầm dập vì chuyện thơ. Từ đó Hoàng Yến thôi làm thơ, chuyển hẳn sang sân khấu. Sóng gió của thời gian không làm ông ngừng nghỉ sáng tạo, và ở địa hạt sáng tác mới này Hoàng Yến gặt hái được nhiều thành công. Nhà báo Phan Quang cho biết, kịch phẩm của ông diễn tại Paris năm 1973 làm nức lòng bà con kiều bào bên ấy. Cuối đời Hoàng Yến còn viết một loạt tiểu thuyết lịch sử, ý tứ thâm trầm, lời đối thoại đầy kịch tính, chất thơ bàng bạc trong văn xuôi. Chợt nhớ trong bút ký chân dung “Còn đó Tô Hoài”, nhà báo Phan Quang viết, cây đại thụ văn học đồng thời là một tên tuổi quen thuộc của báo chí cách mạng thường khuyên nhà văn cần viết báo và các nhà báo cũng cần thử tài qua văn vì văn học và báo chí có sự giao thoa thì thể nghiệm của nhà thơ Hoàng Yến từ thơ qua kịch, tiểu thuyết lịch sử cũng là một kinh nghiệm quý cho người cầm bút.

 

Nhà báo Phan Quang kể, nhà thơ Hoàng Yến về cuối đời không còn là một người yêu đời, cởi mở, mà là một người đứng tuổi trầm lắng, sống nội tâm nhiều hơn. Ông tự bạch: “Lúc đầu tôi viết bằng mắt, về sau tôi viết cái tôi thấy bằng hồi ức và giấc mơ”.  Vượt qua cái mốc tuổi xưa nay hiếm, Hoàng Yến thổ lộ: “…Tình người soi dặm đường. Vâng, tình người soi, tôi thấy lượng người quá hẹp, lượng trời đất bao la. Tôi cầu xin Thượng đế đầu tiên hãy ban cho tôi tấm lòng rộng lượng. Kẻ hẹp lượng sẽ oán cả Thượng đế đã cho hắn sống sao bắt hắn phải chết. Ý niệm ấy đã đem đến trong đời tôi nhiều tai ương bất hạnh. Nhờ đó mà tôi sáng mắt tinh lòng…” (Chân dung tự họa, NXB Văn học, 1999).

Còn rất nhiều chân dung bạn văn, người cùng thời mà nhà báo Phan Quang đã khắc họa trong tác phẩm của mình. Có thể nói đó là những trang viết để đời mà khuôn khổ một bài viết không thể đề cập hết trong hành trình “Đi - Đọc - Nghĩ - Viết” của nhà báo Phan Quang… Có thể nói nhà báo Phan Quang đã sống hết mình với nhân vật của mình mới có thể viết nên những chân dung về những người bạn văn, người cùng thời với kiến văn sâu sắc đến thế.

 

Mấy năm trở lại đây, thi thoảng tôi vẫn được gặp nhà báo Phan Quang ở các hội nghị, hội thảo văn chương, báo chí. Ông còn dành thời gian trở về thăm vùng cát trắng Hải Lăng, nơi ngày xưa là “Con đường không vui” của quân đội Pháp, nơi “Tiếng cây dương Mỹ Thủy” vẫn còn khắc ghi về vụ thảm sát tàn bạo của đội quân thực dân đối với hơn 500 người dân vô tội mà dự cảm tương lai; bây giờ nơi đây đã trở thành vùng lõi của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ông trở về với quê hương Hải Thượng để tặng sách cho con em ở quê nhà và mới đây ông lại về với Thành Cổ ngàn lau, nơi ông đã sống những năm tháng tuổi thơ để chiêm nghiệm về lẽ được - mất ở đời. Nơi đây cũng là hình ảnh khởi đầu cho bộ phim tư liệu về ông do Đài Truyền hình Đồng Nai thực hiện.

Từng là chính khách, nhà báo, nhà văn, dù đã đi khắp thế gian nhưng quê hương vẫn là nơi chốn đi về của nhà báo Phan Quang, kể cả khi tuổi đã ngả bóng về chiều…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Minh Tứ
Số lần đọc: 1433
Ngày đăng: 24.04.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Larry C Heinemann “Người kể chuyện Việt Nam” - Võ Quê
Rimbeaud (II) Tác giả và tác phẩm - Võ Công Liêm
Nsnd.TS Bạch Tuyết – Cải lương chi bảo - Nguyễn Thanh
Nguyễn Tấn Hải – Gã nhà quê trên cánh đồng chữ nghĩa - Mai Bá Ấn
Nhà thơ Lê Anh Xuân - Dáng đứng Việt Nam - Nguyễn Thanh
Võ Thanh Hùng "một hồn thơ chiến sĩ" - Nguyễn Thanh
Diệp Minh Châu - Nhà nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ - Nguyễn Thanh
Nguyễn Bính - Xuân mãi nở trong hồn thơ chân đất - Nguyễn Thanh
Hồ Dzếnh - Đằm thắm một giọng thơ - Nguyễn Thanh
Nguyễn Quang Trần - Trời bốn phương biết em ở phương nào? - Mai Bá Ấn
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)