Trước mắt tôi là những liếp khóm xanh tốt chạy tít tắp đến chân trời. Ngoảnh bốn phía đều là khóm, không gian tĩnh lặng như tờ. Không một bóng người, không một tiếng chim… giống chim chỉ tìm đến những vườn cây, rừng cây… còn đây là biển khóm! Cứ mỗi lần vô Đồng Tháp Mười, tôi cứ đứng lặng như thế để tận hưởng sự yên tĩnh trong lành của… vắng vẻ (!) Chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chưa đầy 70 cây số mà ở đây… không một bóng người! Ngày mới thành lập huyện Tân Phước trong vùng ven Đồng Tháp Mười này, có nơi chỉ có 5-6 người trên một cây số vuông. Sách “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của học giả Nguyễn Hiến Lê viết năm 1945 về Đồng Tháp Mười xưa kia (trước 1940) có đoạn: “Suốt ba giờ đồng hồ không gặp một túp nhà, một bóng người. Ngoài tiếng chân của chúng tôi không có một tiếng động nào khác. Nhiều lúc chúng tôi phải gọi nhau, hỏi nhau cho cảnh bớt vẻ hoang vu. Lau sậy mọc chen nhau đến nỗi phải vạch ra để tiến, lá sắc cọ vào tay đến rướm máu… Mồ hôi nhễ nhại, tuy khát mà mỗi người chỉ được nhấp vài giọt một, vì nước mang theo ít mà trong đồng toàn là nước phèn và nước cỏ thối!”
Nước phèn, cái nước sinh ra từ đất phèn mà học giả Nguyễn Hiến Lê nhắc đến, sau này được Hội nghị đất phèn thế giới lần thứ nhất, lần thứ 2… đều gọi tên chung cho nó là “Acid Sulphate Soil”, là thứ đất chua mặn, có nhiều đốm vàng “rỉ sắt”… Chính cái thứ đất phèn chết tiệt ấy đã làm nên một Đồng Tháp Mười rộng lớn (700.000 hecta) hoang vu từ bao đời. Xếp Việt Nam vào danh sách “cường quốc” đất phèn thứ 3 trên thế giới sau Hà Lan và Inđônêxia (!).
Cây khóm là cây đã trụ được trên đất phèn, mở đầu cho tỉnh Tiền Giang tiến quân thắng lợi vào vùng hoang Đồng Tháp Mười, lập huyện mới Tân Phước, đến mùa mưa năm nay (2004) là vừa trọn 10 năm. Để có được biển khóm mà người ta thấy hôm nay ở Tân Phước, cây khóm Tiền Giang đã đi qua bao chặng đường vất vả gian truân, có cả mồ hôi và nước mắt. Sau năm 1975, Tiền Giang đã thành lập đến 8-9 nông trường trạm trại để vỡ đất khai hoang trong vùng Đồng Tháp Mười. Nhưng thất bại. Cho đến năm 1982, khi nông trường Tân Lập trồng khóm thành công, giám đốc nông trường lúc đó là Sáu Huyện đã lựa vài trái khóm trên 1 ký mỗi trái đem đến biếu chủ tịch tỉnh Sáu Bình… Cầm trái khóm trên tay, ông chủ tịch đã khóc! Khóc vì mừng vui… Từ nay tỉnh Tiền Giang đất chật người đông, được mệnh danh là tỉnh Thái Bình ở Đồng Bằng Nam Bộ… đã tìm thấy lối ra; có thể san bớt người vào vùng đất còn hoang hoá rộng 40.000 hecta vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm. Huyện Tân Phước vừa khai hoang xong 15.000 hecta đất hoang được giao từ ngày thành lập huyện… Những liếp khóm chạy đến chân trời mà tôi nhìn thấy lúc này nằm trong 8.500 hecta khóm của Tân Phước, cây trồng hàng đầu của huyện!
Thiên hạ đang la làng về thảm cảnh của trái cây Việt Nam! Vì tất cả, tất cả các loại trái cây của ta đều đội giá thị trường khu vực… Chỉ có trái khóm là thơm ngon và thấp hơn giá khóm Thái Lan, đủ sức cạnh tranh với đời (!) ấy vậy mà lúc trồng khóm, người ta đã nêu khẩu hiệu: “Khóm lấn bàng, mía lấn khóm, lúa lấn mía”! Có nghĩa là, mục tiêu cuối cùng vẫn là nhằm vào cây lúa! Không có gì tai hại bằng chỉ nhìn Đồng Bằng Sông Cửu Long “qua thấu kính của cây lúa” (Trần Bạch Đằng). Vì thế, lúc trồng khóm người ta đã lên liếp thấp… để sau này còn làm lúa! Vì thế, khóm mới chết! Bây giờ thì người ta khôn hơn nhiều rồi… Các liếp khóm mà tôi đang nhìn thấy lúc này mới thẳng tắp như thế kia…
Năm 2004 dân số Tân Phước đã lên đến 170 người trên một Km vuông! Nhưng so với TP. Hồ Chí Minh chỉ cách đó 70km, nơi này là một thiên đường về môi sinh và mật độ dân số! Đang mải mê với “thiên đường” không hay Tư Xê đã đến bên và kéo tôi xuống ghe để còn đi thăm khu bảo tồn thiên nhiên. Xuôi kênh Trương Văn Sanh thẳng tắp, hai bên bờ xanh mướt những rừng tràm, thứ cây số 2 sau cây khóm… thỉnh thoảng ống kính của tôi lại bắt gặp những ghe lớn chất đầy lu, vại… từ Miền Đông trở sang. Kinh nghiệm nhiều năm “bôn ba” ở Đồng bằng cho tôi hay, hễ trên kênh rạch có ghe lớn trở đồ sành sứ từ Miền Đông qua… là chứng tỏ vùng khai hoang đó đã có dân đến định cư được. Và nếu, có ghe trở tủ thờ đến bán thì vùng đó chẳng những dân đã định cư được và còn làm ăn khấm khá nữa… Ông bà ta nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà (!) Có thương hồ còn bật mí với tôi; Buôn tủ thờ là lời nhứt. Nói bao nhiêu, mua bấy nhiêu. Nếu chồng trả giá thì vợ sẽ nạt ngay: Mua đồ thờ cúng ông bà mà trả giá nỗi gì! Đạo lý của người đi khẩn hoang là vậy.
Tư Xê vẫn ngồi ở cuối ghe. Anh đội nón tai bèo như một giải phóng quân năm xưa. Năm nay anh vừa tròn 58 tuổi, sau 9 năm làm Chủ tịch Tân Phước từ ngày thành lập huyện mới khai hoang; Khoá này Tư Xê thôi chức Chủ tịch huyện, chỉ còn giữ chân Phó bí thư huyện uỷ… vậy là tôi mừng cho Tư Xê. Cái nguyện vọng bấy lâu nay của anh sắp được thực hiện. Số là, từ những ngày đầu mới thành lập Tân Phước, đất hoang còn ngổn ngang… chưa có trụ sở, mỗi lần Tư Xê đưa tôi đi xuống các xã công tác, tối về ngồi ngay dưới sàn đất lót tấm ny-lông lai rai vài xị đế… Tư Xê chỉ có tâm sự là, khi nào hoàn thành công cuộc khai hoang ở Tân Phước, anh sẽ lui về mảnh vườn ở xã Hữu đạo, huyện Châu Thành quê anh. Làm vườn cho thoả sức. Chấm dứt cái cảnh ông chủ tịch huyện cứ chiều thứ 7 mới được phóng xe về nhà, lo cái vườn nhà mình! Thời buổi bao nhiêu người chạy ngược xuôi để lo thăng quan tiến chức, lo vơ vét để kiếm nhà trên thành phố, lo cho con cái đi học nước ngoài… Tư Xê lại chỉ lo mau được “về vườn”! Cái lúc ngồi đất lai rai luôn có tôi nhậu với anh; Nay trụ sở huyện đã lên nhà tầng, cửa kính sáng choang, phòng họp có máy lạnh chạy ro ro… Vì thế Tư Xê mới nói với mọi người: nhớ PK “từ đầu đến chân”!… Nghe được tin ấy nên tôi mò về Tân Phước thăm anh, mới có chuyến đi này! Lại nói về những ngày xuống xã với Tư Xê năm xưa. Đường thì có nhưng chưa có cầu nên lội bộ là chính… Có lần Tư Xê đưa tôi xuống xã Tân Hoà Đông tận phía bắc huyện, giáp ranh kênh Bắc Đông, đường ranh giữa hai vùng khai hoang của Tiền Giang và Long An trong Đồng Tháp Mười. Tôi được gặp gia đình bác Võ Trọng Nhã. Bác Nhã có thể xem là nhà khẩn khoang đầu tiên ở Tân Phước, từ khi Nhà nước chưa có chủ trương đưa dân vô Đồng Tháp Mười khai hoang. Bác Nhã đã là người đầu tiên “Phát Minh” ra cây khoai mỡ trên đất phèn nặng, cây trồng đứng thứ 4 ở Tân Phước hôm nay. Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, bác Nhã đã dẫn cả gia đình đông con làm một cuộc “phiêu lưu” kiếm sống trong Đồng Tháp Mười. Bác cất một căn chòi 4-5 tấm đứng giữa rừng cỏ hoang, dưới cỏ hoang là nước phèn đen như nước xá xị! Bữa cơm chỉ có 1 lon gạo còn “độn” toàn cá (!) Hàng ngày bác Nhã dẫn đàn con đi cắt đưng, bẫy chuột, bắt rắn, đơm cá… đợi đến phiên chợ đem đổi gạo sống qua ngày. Đến đêm lo chống trả với lũ chuột và rắn hổ tấn công… Bác Nhã chỉ trở nên khấm khá từ sau trận lụt thế kỷ 1978 khi phát hiện ra cây khoai mỡ sống được trên đất phèn.
Đến nay Tân Phước đã có 1000 hecta khoai mỡ và đang mơ đến chế biến bột khoai để đem bán bốn phương… Thứ khoai mỡ đất phèn này nấu canh béo ngậy và có một màu tím rất dễ thương! Lúc Tư Xê đưa tôi đến thăm nhà bác Nhã thì bác đã sắm được xe gắn máy, ghe máy, có cả máy phát điện riêng… Đến năm 1997, Chính phủ mở hội nghị tổng kết 10 năm phát triển Đồng Tháp Mười tại thị xã Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì, trước khi ra về, Thủ tướng mời cơm các nông dân giỏi có công khai phá Đồng Tháp Mười, tôi có may mắn gặp lại bác Nhã trong bữa cơm thân mật đó. Thấy tôi quen biết từ trước người nông dân tiêu biểu này, Thủ tướng đã thưởng tôi 1 ly đầy! Đó là công của Tư Xê!…
Bây giờ thì chúng tôi rời xuồng, leo lên một bãi đất rộng để quan sát khu bảo tồn sinh thái hơn 100 hecta trước mặt. Đó là những rừng tràm um tùm có xẻ kinh ở giữa. Tôi hỏi Tư Xê: - Vì sao lại chọn nơi đây làm nơi bảo tồn thiên nhiên hoang dã của tỉnh? Tư Xê cười:
- Khi xưa trong chiến tranh, chú Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt - LPK) có lần về đây lấy quân. Thiếu lương thực… đã cho người đi bắt một lúc hàng chục ký rắn hổ tại đây để nuôi quân(!) Tư Xê còn cho hay: - Chúng tôi đã thả trăn rắn… vào khu rừng kia. Mai mốt rắn, rùa, cu đinh, tôm cá sẽ sinh sôi nảy nở như xưa kia ông bà nó đã từng sinh sống tại đây…
Nghe nói Tỉnh Đồng Tháp và cả Long An có diện tích đất trong vùng Đồng Tháp Mười lớn hơn Tiền Giang rất nhiều cũng đã dành những khu bảo tồn thiên nhiên hàng chục nghìn hecta…
Có nhà khoa học trên thế giới đã lớn tiếng tuyên bố: một đất nước không có những vùng đất hoang… không ra đất nước !!!
Có lẽ thế thật chăng?!