Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.159.647
 
Sài Gòn, nhớ...
Lê Ký Thương

 

 

Đó là mùa hè năm 1965, năm có nhiều biến động thời cuộc nhất ở miền Nam Việt Nam. Hắn, lần đầu tiên từ quê nhà Nha Trang cùng đoàn Thanh niên – sinh viên – học sinh tình nguyện, bay vô Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông, tham dự Trại hè TN-SV-HS toàn quốc, được tổ chức tại Khu Phượng Hoàng, Lái Thiêu, mục đích xây dựng nhà tạm – vách đất, mái lợp lá dừa nước cho đồng bào nghèo không nhà không cửa vì chiến tranh.

Nghe nói Khu Phượng Hoàng do không ảnh chụp giống hình chim phượng hoàng đang sãi cánh bay, do bà Ngô Đình Nhu làm chủ. Sau khi “phượng hoàng gãy cánh” năm 1963, bà Nhu sống lưu vong, chính quyền sở tại quản lý, coi như đất công.

Ngỡ ngàng với đất Phương Nam sáng nắng chiều mưa như bài địa lý thời tiểu học, bất ngờ trước câu thơ tình lãng mạn của Nguyên Sa nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông; những cô gái Sài Gòn mặc áo dài quần lụa trắng, đạp xe đạp dàn đầm đi trên những con đường rợp bóng me xanh – quá thơ mộng, hay lâu lâu bắt gặp vài cô mặc quần ống túm chạy vélo-solex – căng tròn sức sống.

Chỉ có một buổi ban đầu ngắn ngủi thôi mà Sài Gòn quyến rũ hắn đến thế! Rồi hắn từ giã Sài Gòn để về Lái Thiêu dự Trại. Nhưng rất may, cơ duyên đến với hắn, hắn được sắp xếp vào Ban Báo chí của Trại cùng với một nhà thơ Sương Biên Thùy – tác giả tập thơ Nỗi Buồn Nhược Tiểu, và một cô thư ký.

Buổi sáng, hắn cùng anh bạn nhà thơ có nhiệm vụ lấy tin sinh hoạt của các đội về viết, xong tin nào chuyển ngay cho cô thư ký đánh máy lên stencil. Đúng 6 giờ chiều, sau khi cơm nước, xe đưa chỉ một mình hắn về trụ sở nằm trên đường Phùng Khắc Khoan, Sài Gòn; ở đó có một anh sinh viên phụ trách in bản tin, còn hắn chỉ phụ tá xếp đóng 100 bản để sáng sớm hôm sau chở lên Lái Thiêu phát hành. Khâu in, xếp đóng có khi đến hai ba giờ sáng mới xong! Công việc cứ quay đều như vậy trong nửa tháng thì bế mạc trại. Vài hôm trước khi bế mạc Trại, hắn nhìn thấy cái máy quay ronéo chạy điện và tiếng máy quay đều đều khiến hắn khiếp sợ không dám đến gần! Bù lại, hắn được làm công việc hắn yêu thích.

Trước khi về Nha Trang, hắn được rong chơi vài hôm trên các đường phố chính ở Sài Gòn, nhất là đường Lê Lợi có nhà sách Khai Trí lớn nhất Sài Gòn và nổi tiếng cả miền Nam, nơi mà hắn hằng ao ước được đặt chân đến. Ngoài nhà sách Khai Trí còn có nhà sách Tự Lực, Ngàn Thông… Phía bên kia đường, đối diện với nhà sách Khai Trí có những cửa hàng và kiốt sách cũ. Hắn bị hớp hồn giữa một rừng sách mới và cũ – kho tri thức của nhân loại, nhưng hắn chỉ dám lướt nhìn tên sách. Thèm lắm, mà không có tiền mua! Hắn chỉ đủ tiền mua một tập truyện ngắn của một nữ tác giả thời danh mà hắn thích, để kỷ niệm lần đầu đặt chân lên đất Sài Gòn.  

Từ đó về sau, hắn có dịp về Sài Gòn nhiều lần, nhưng không được ở lâu.

Đến giữa năm 1970, hắn nộp đơn cầu âu xin đi học một khóa truyền thông ở Mỹ. Không ngờ đầu năm 1971, đơn vị chủ quản gọi về Sài Gòn học bổ túc Anh ngữ ở Trường Sinh ngữ Quân đội. Đây là một dịp may hiếm có. Hắn nghĩ ở Sài Gòn chuyện học hành là chuyện phụ, chuyện chính là trực tiếp giúp Nguyên Minh làm tạp chí Ý Thức. Được làm báo là điều hắn mơ ước từ lâu.

Trước ngày hắn vô Sài Gòn, tạp chí Ý Thức in ở nhà in Đăng Quang, đối diện với rạp hát Long Vân, trên đường Phan Thanh Giản. Lúc bấy giờ nhà in Thanh Bình mà chủ nhân là chị Mai, chị đầu của Nguyên Minh, ở 666 Phan Thanh Giản xây chưa xong. Cũng xin nói thêm rằng lúc hắn còn ở Phan Rang, hắn trọ ở nhà Nguyên Minh và gia đình coi hắn như một thành viên.

Lúc hắn vào Sài Gòn để học bổ túc Anh ngữ thì nhà in Thanh Bình đã thành lập và hắn được chị Mai coi như em, phụ giúp Nguyên Minh quản lý nhà in. Từ thời điểm này, tạp chí Ý Thức in tại “nhà in nhà”.

Mỗi tuần hắn học sáu buổi chiều, từ 13 giờ đến 18 giờ. Giờ đầu là vào phòng lab nghe băng. Với hắn, giờ này là giờ ngủ ngon nhất, con ma ngủ đến lúc nào không hề hay biết! Mỗi lớp chỉ có hai chục học viên, nên thầy giáo người Mỹ dễ kiểm soát. Mỗi lần bắt gặp ai úp mặt xuống bàn ngủ thì thầy đến lay nhẹ một cách lịch sự.  Hắn học bao nhiêu thì trả cho thầy ngay tại lớp bấy nhiêu, về nhà hắn không hề động đến sách vở của trường, chỉ dồn thời gian vào việc làm báo. Có đôi lần hắn suýt trễ học, nếu không gặp được “quới nhơn” là ông thiếu tá đồng môn nhưng khác lớp cho đi nhờ Cub 69, những lần khác từ nhà đến trường mất 45 phút xe lam, còn taxi thì phải chờ đỏ mắt mới đón được, một phần vì giữa trưa giờ ngọ.  

Ở tòa soạn tạp chí Ý Thức trước đó có nhà thơ TNS phụ tá cho Nguyên Minh một giai đoạn ngắn, rồi TNS bỏ việc đột ngột, hắn thế chỗ của TNS. Hắn cùng NM làm tất cả mọi khâu công việc từ “bếp núc” cho tới khi hình thành một số báo rồi chở đi gởi chành để phát hành về các tỉnh bằng chiếc Suzuki cà tàng của Nguyên Minh mang từ Phan Rang vô.  Chiếc xe này, một lần hắn chạy công việc về gần tới tòa soạn thì bị cảnh sát “vịn”, hỏi bảng số xe. Nhìn xuống, bảng số rớt mất từ bao giờ! Bèn để lại xe về hỏi Nguyên Minh, Nguyên Minh cho biết hôm trước chở báo đi phát hành, gặp ổ gà rớt mất, lỡ trớn chạy luôn, không thèm quay xe lại lượm. Thôi, bỏ “nó” đi! Nghe Nguyên Minh phán một câu dứt khoát – tính anh ta là vậy, bèn nhẹ lòng.

Gần nhà in Thanh Bình có một con đường ngắn, rẽ qua thì gặp đường Trần Quốc Toản. Buổi tối, khi rảnh rỗi, hắn và Nguyên Minh tới một quán quen nằm trên đường này “làm vài ve” Con Cọp và đổi giấy lau chén đũa – cắt từ rẻo giấy in báo – để lấy một dĩa đầu vịt nhâm nhi. Sáng chủ nhựt thì đón taxi ra phố Lê Lợi, uống cà-phê ở Brodard hay La Pagode, thỉnh thoảng kéo ghế ở nhà hàng Thanh Bạch, rồi đi lên đi xuống đi qua đi lại, (may mà không có em), tha hồ “nghía” nam thanh nữ tú dạo phố, rồi tạt vô dãy kiốt sách cũ san sát nhau bán đủ loại sách Ta–Tây-Tàu để mua một hai quyển mình thích. Cả Sài Gòn, chiều thứ Bảy và trọn ngày Chủ nhựt, chỉ có phố Lê Lợi là nơi phồn hoa đô hội. Tân binh ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, sinh viên sĩ quan Trường Bộ binh Thủ Đức, rồi những người lính từ mặt trận nghỉ phép về, những khách vãng lai, hòa cùng dân Sài Gòn tạo cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” – một bức tranh hoàn hảo tiêu biểu cho một Sài Gòn năng động, nhộn nhịp mặc dầu trong thời chiến.

Giai đoạn làm tạp chí Ý Thức cũng lắm kỷ niệm không thể nào quên…

Nhà thơ-nhà giáo Hạc Thành Hoa dạy học ở Sa Đéc, thấp người lại ốm tong teo, cứ cách sáu tháng lại lên Sài Gòn tái khám định kỳ để được đổi giấy miễn dịch (miễn đi lính). Mỗi lần như vậy, anh nghỉ lại tòa soạn ba bốn bữa, nhịn ăn hoàn toàn, chỉ uống nước cầm hơi, với mục đích để giảm cân theo tiêu chuẩn miễn dịch ấn định!

Năm 1970, nhà văn Trần Hoài Thư từ chiến trường Buôn Ma Thuộc bất ngờ xuất hiện tại tòa soạn vào một sáng đẹp trời, tuyên bố hùng hồn rằng được đơn vị cho nghỉ phép về Sài Gòn cưới vợ! Bạn bè  hết sức ngạc nhiên. Mới cách đó không lâu, anh về Cần Thơ để gặp người yêu, lên lại Sài Gòn gặp bạn bè với vẻ mặt buồn thỉu buồn thiu dưới cặp kính cận nặng. Ai cũng biết chuyện gì đã xảy ra cho “cuộc tình văn chương” của anh rồi nên không hỏi tới. Đùng một cái, về lần này anh tuyên bố cưới vợ, và người vợ tương lai của anh không ai khác ngoài người mê văn Trần Hoài Thư ở Cần Thơ. Anh nhờ bạn bè Ý Thức tổ chức đám cưới cho anh. Nguyên Minh bèn nhờ chị Mai, chủ nhân nhà in Thanh Bình, làm đại diện họ nhà trai. Đến ngày cưới, họ nhà trai gồm chị Mai, chị Minh Quân (nhà văn), Đỗ Nghê (tức bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – nhà thơ), Nguyên Minh và hắn… xuất phát từ nhà in Thanh Bình và cũng là tòa soạn Ý Thức đến một khách sạn gần đó đón cô dâu cùng thân nhân nhà gái từ Cần Thơ lên, rồi họ nhà trai và nhà gái cùng đến một nhà hàng dự tiệc thân mật để hai họ làm quen. Giống như nhiều đám cưới thời chiến…

Trước khi hắn nhận visa du học ngắn hạn ở Mỹ, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan – tục gọi Cha Lan – một cây bút chủ lực của tạp chí Đối Diện giới thiệu cho hắn gặp nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nổi tiếng với ca khúc Trường làng tôiMùa thu không trở lại.

Thời gian này (12-1971) Phạm Trọng Cầu đang “bí mật” thành lập ban tứ ca gồm các ca sĩ Mai Hương, Kim Tước, Bùi Thiện và Đoàn Chính. Đúng hẹn, hắn cùng cô sinh viên ngành báo chí đang thực tập tại tòa soạn Ý Thức đến tư gia của NS Phạm Trọng Cầu cũng nằm trên đường Phan Thanh Giản. Phạm Trọng Cầu tự xưng mình là “Người Việt gốc Voi” vì vóc dáng to cao, tuy bị mất một chân trong thời kỳ chống Pháp, nhưng trông rất “nghệ sĩ” nhờ hàm râu quai nón. Anh rất hiếu khách, dễ gần, nói với người nhà pha cà-phê mời chúng tôi. Rồi Bùi Thiện đến, người kế tiếp là Đoàn Chính. Tất cả chúng tôi ngồi bên chiếc bàn tròn mà anh gọi đùa chúng mình đang tham dự hội nghị bàn tròn. Anh mở băng nhựa cho chúng tôi nghe bản demo của bốn danh ca trình diễn và hàn huyên tâm sự. Anh cho biết chưa hài lòng về bản demo này, phải thực hiện lại. Đến hơn 10 giờ đêm, khi nghe tiếng chuông reo ngoài cổng, anh vội chống gậy ra mở như đã hẹn trước với ai đó. Chúng tôi cũng chào từ giã và theo anh ra cổng. Thì ra, anh sinh viên khiếm thị ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn đến chào từ biệt thầy để mai lên đường sang Pháp du học tại Nhạc viện Paris, nơi mà thầy mình đã từng học.

Trên đường về, hắn mang theo dư âm giọng hát ngọt ngào sang trọng của ca sĩ Kim Tước: Em nghe chăng mùa thu, mùa thu không trở lại…SG, Thu 2015       

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1848
Ngày đăng: 22.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trong chiều tối - Nguyễn Thị Kim Lan
Chiếc khẩu trang và đàn chim én. - Trương Văn Dân
Tiếng hát trong lời nguyện phục sinh. - Trương Văn Dân
Cánh đồng - Bạch Diệp
Sài Gòn - Sách - Lê Ký Thương
Tháng Tư nhớ Trịnh Công Sơn - Phan Văn Thạnh
Bài chòi quê ngoại - Lê Ký Thương
Qua đèo Mã Pí Lèng - Phan Văn Thạnh
Nhớ vụn vặt về cả một gánh chịu thương chịu khó của Mẹ - Phạm Nga
Nỗi nhớ bạc màu - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)