Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.028
123.367.686
 
Người bạn Hà Nội
Minh Tứ

 

 

Tôi đọc tác phẩm báo chí, văn chương của nhà báo Tạ Việt Anh cũng nhiều, nhưng có một bài báo với tiêu đề “Về Quảng Trị” của anh làm tôi nhớ mãi. Cảm xúc để anh viết bài báo này đó là một buổi chiều trên hòn đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, trong nắng gió ào ạt, phóng khoáng của biển khơi, một đồng nghiệp trẻ ở báo Quảng Trị nêu cho anh một câu hỏi: “Điều gì đã khiến ông cùng đồng nghiệp khởi xướng và thực hiện Chương trình Nghĩa tình tháng Bảy?”. Anh bảo: “Câu hỏi mang tính nghề nghiệp nhưng đã khơi dậy trong tôi cả một nguồn cơn…”.

Quen và sau này thân với Tạ Việt Anh đã lâu, gặp nhau cũng nhiều, nhưng tôi thấy ít khi anh kể về những năm tháng ở chiến trường. Anh sinh năm Giáp Ngọ - 1954, hơn tôi 10 tuổi nhưng anh em gần gũi nhau, anh coi tôi là người em đồng nghiệp. Lần đầu gặp Tạ Việt Anh khi anh làm phó tổng biên tập Báo Hà Nội Mới. Nhân Hội nghị báo chí toàn quốc ở Hà Nội, ban biên tập báo này mời anh em đồng nghiệp cả nước đến chơi. Hồi đó nhìn thấy Tạ Việt Anh khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt nhìn như hút hồn người khác, mái tóc điểm sương, lại đi chiếc Vespa cổ, tôi nói với mấy bạn đồng nghiệp rằng: “Trông Tạ Việt Anh như là tay chơi tiểu tư sản Hà Nội”, có người gật đầu ra chiều tán đồng ý nghĩ của tôi. Hôm trước dự hội nghị, tôi chú ý Tạ Việt Anh đăng đàn phát biểu nói về tính chuẩn xác của thông tin trên báo chí. Anh cho rằng bạn đọc đôi khi cũng bất công, cứ như mặc định niềm tin rằng báo trung ương thì chuẩn xác hơn báo địa phương, rồi dẫn chứng báo Hà Nội Mới của anh đăng một kỷ lục của Sea games cùng với một số báo khác, nhưng bị một người đọc có chức sắc nhắc nhở vì thiếu chuẩn xác do báo trung ương đăng một con số khác với báo anh. Thực ra báo Hà Nội Mới đăng chuẩn xác, còn báo trung ương đăng sai, nhưng người ta cứ mặc định rằng báo trung ương có bao giờ sai… Trong giờ giải lao hội nghị hôm đó, Tạ Việt Anh bị tổng biên tập một tờ báo trung ương kêu lại quát cho một trận vì dám chơi bẻ mặt báo trung ương ở tại hội nghị. Có lẽ đó cũng là “chất lính” của Tạ Việt Anh mà sau này tôi được kiểm chứng nhiều hơn khi anh về Quảng Trị thắp hương cho đồng đội mỗi dịp tháng Bảy hằng năm.

Cách đây ngót nửa thế kỷ, lúc sắp tròn 18 tuổi, trong cơn lốc của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Tạ Việt Anh cùng rất nhiều bạn bè Hà Nội đang học phổ thông đều có mặt ở Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tạ Việt Anh tâm sự: “May mắn còn được trở về, được học hành rồi theo nghiệp báo, trong tôi luôn canh cánh những nghĩ suy, trăn trở”. Tôi hiểu, anh chẳng thể nào quên những người bạn học cùng lứa tuổi mười tám, từng ngồi chung lớp, sau lại chung một chiến trường, những người con của Hà Nội đã mãi mãi nằm lại nơi đất lửa Quảng Trị. Anh cũng không bao giờ quên tình cảm, sự đùm bọc sẻ chia của người dân vùng giải phóng Quảng Trị với những người lính đến từ miền Bắc, từ Hà Nội. Những tình cảm ấm áp làm cho các anh, những chàng trai Hà Nội mới lớn vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Những nỗi niềm canh cánh bên lòng ấy cứ nhắc nhở, thôi thúc anh phải làm một điều gì đó cho Quảng Trị. Và anh đã làm được nhiều việc nghĩa tình ấp áp mà có dịp tôi sẽ kể ở phần sau.

 

Làm báo trên quê hương Quảng Trị, tôi đã suy nghĩ thật nhiều về một lứa thế hệ cha anh là những người lính vào chiến trường trong mùa hè đỏ lửa 1972, mà bây giờ cứ vào những ngày tháng Bảy, tháng tri ân, họ lại trở về đây. Trong mỗi câu chuyện Tạ Việt Anh thường hay mở đầu với câu: “Lứa chúng tôi ngày ấy…”. Anh kể, lứa lính trẻ Hà Nội lên đường ngày ấy ai còn thì giờ tóc đã hoa râm, có người đầu bạc trắng… Và cũng  không ít người đã gục ngã trước gánh nặng cuộc sống và cả bởi những di chứng nặng nề của chiến tranh. Báo chí bây giờ hay nhắc tới một lớp vài ngàn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội gác bút nghiên lên đường đánh giặc, đã chiến đấu, hy sinh anh dũng và trưởng thành từ những ngày máu lửa ở Quảng Trị năm 1972 - đó là một thế hệ sinh viên ưu tú; nhưng cũng trong những tháng ngày ấy còn có hàng vạn con em người Hà Nội cũng lên đường cùng một hướng tiền phương, trong đó có nhiều bạn bè cùng lứa với Tạ Việt Anh, những cậu học sinh lớp 10 mới chỉ vừa học hết học kỳ của năm học cuối cùng phổ thông, không ít người vừa kịp tham gia kỳ thi tuyển học sinh giỏi của thành phố khi đã cầm trong tay tờ giấy gọi lên đường nhập ngũ. Hầu hết trong số những người con trai ấy chưa tròn 18, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật định. Vì yêu cầu của chiến trường, thành phố đã phải “vay” quân, huy động cả lứa thanh niên đáng ra sẽ có cơ hội hoàn tất chương trình phổ thông hay ít nhất họ cũng được cùng gia đình, người thân ăn xong cái Tết con Chuột năm ấy. Vậy mà bạn bè lứa Tạ Việt Anh đã lên đường, tạm biệt thành phố quê hương, xa trường, xa lớp khi mùa xuân đã lấp ló nơi vườn đào Nhật Tân, luống quất Quảng Bá. Ngày ấy, vì nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, nhiều ông bố, bà mẹ nuốt nước mắt vào trong tiễn những đứa con của mình lên đường, để lại sau lưng những khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ… Và cho đến bây giờ, đã qua hơn 45 năm, lứa các anh kẻ mất, người còn, có người nằm lại ở chiến trường mà chưa có niềm vui được cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông đặc cách, tất thảy đều thấy việc mình lên đường ngày ấy là một lẽ tự nhiên, họ lên đường như bao chàng trai, cô gái từ những làng quê, xưởng máy.

 

Những thanh niên lên đường ngày ấy như Tạ Việt Anh đã để lại một khoảng trống ở phía sau. Đó là cảm nhận của bạn bè, thầy cô và những người ở lại. Một nữ sinh Trường Cấp III Thăng Long đã viết thư gửi cho người bạn thân nơi tiền tuyến với tất cả nỗi niềm: “Các bạn đi rồi lớp mình trầm lắng hẳn. Chỗ của các bạn vẫn còn đây. Chúng tớ đã xin với thầy cứ để nguyên thế cho đến hết năm…”. Thư một bạn từ nước Nga xa xôi gửi bạn đang ở chiến trường với sự áy náy: “Tao đã đến Len được mấy tháng. Đã đi thăm Cung điện Mùa Đông, Bảo tàng  Ermitarge... Nhiều lúc nhớ mày và cứ nghĩ, chắc chắn chỗ của mày, cùng nhiều đứa khác nữa phải là ở đây, nếu chúng mày không đi bộ đội”. Và rồi thời gian đã chứng minh lời người bạn đó không phải là không có cơ sở. Bằng chứng là khi trở về từ quân ngũ, dù kiến thức rơi vãi ít nhiều, dù sức khỏe sút kém, kể cả đã để lại một phần xương máu ở chiến trường, nhiều người trong số họ không chỉ thi đỗ vào các trường đại học danh giá mà còn đủ điểm để đi học nước ngoài, không cần đến số điểm ưu tiên được cộng theo chính sách. Cũng như bạn bè cùng lứa ngày ấy, ngày trở về Tạ Việt Anh ôn thi và thi đỗ vào khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, Tạ Việt Anh về làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau này chuyển sang báo Hà Nội Mới, trưởng thành, làm phó tổng biên tập phụ trách báo Hà Nội Mới; rồi chuyển sang làm tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho đến ngày về nghỉ hưu.

 

Hơn bốn mươi lăm năm đã đi qua kể từ ngày hoà bình vãn hồi. Lứa lính trẻ của Tạ Việt Anh ngày ấy người còn sống bây giờ đã có nhiều người lên chức ông, bà. Mỗi người mỗi số phận, một công việc. Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ hay ngày chiến thắng 30/4, họ lai tụ họp, về thăm chiến trường xưa, ôn lại dòng kỷ niệm. Chỉ thấy các anh nhắc nhiều về sự tiếc thương những người bạn, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, tịnh không một lời ca thán về số phận hay sự thiệt thòi vì việc học dang dở. Năm nào tôi cũng thấy Tạ Việt Anh và những người lính chiến trường xưa về thắp hương cho đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị và làm nhiều việc tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người nghèo. Các anh làm việc đó với một nghĩa cử ân tình, như một lẽ đương nhiên như ngày nào lên đường vào chiến trường. Đó là nét đẹp trong tính cách của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng.

 

Tạ Việt Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh yêu Hà Nội của mình theo một cách riêng. Ký ức Hà Nội cứ bám riết lấy anh từ khi được cắp sách đến trường, rồi tình bạn, tình yêu đầu đời chớm nở; rồi đi xa về những phía khác nhau của cuộc đời. Trong khi các bạn gái ở lại với mái trường, một số bạn nam cùng học ngược lên phương Bắc đến với Đông Âu tiếp tục đèn sách để lập danh thì Tạ Việt Anh khi tuổi chưa qua mười tám đã cùng bạn bè trang lứa gác bút nghiên lên đường ra chiến trường. Năm 1973, trở về từ chiến trường Quảng Trị, do bị thương ở chân bởi mảnh bom B52, mẹ đón anh trong nước mắt nhạt nhòa, cảm tạ trời đất vì đứa con trai út còn sống qua chiến tranh khốc liệt, dù anh trở về trên đôi nạng gỗ. Tiếp tục nghiệp đèn sách, anh thi đỗ vào khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội với số điểm rất cao, đủ sức đi du học nước ngoài, nhưng anh đã chọn ở lại với Hà Nội. Hầu hết cuộc đời, sự nghiệp của anh gắn với hoạt động báo chí, quản lý báo chí, dù anh viết không nhiều, có cảm giác anh chỉ viết khi ký ức đã lắng đọng qua thời gian. Sau này có dịp đọc một số tản văn, truyện ngắn của anh, tôi cảm nhận được rằng những trang viết của anh thấm đẫm, sâu nặng tình yêu với Hà Nội. Trên báo, anh hay ký bút danh nhưng tôi vẫn nhận ra phong cách của anh. Sau này khi đã bước sang tuổi thất thập, tôi mới được anh tặng cuốn sách tuyển tập tản văn - truyện ngắn với cái tên thật dễ thương: “Những mảy vàng lấp lánh” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Với góc độ của nhà báo, từng trải nghiệm những buồn vui thế sự, khi đọc cuốn sách, đọng lại trên hết với độc giả là nét tinh tế của một người yêu Hà Nội đến cháy lòng. Và tình yêu ấy còn được anh nối dài theo những năm tháng với những câu chuyện hết sức quen thuộc, dung dị, gần gũi về khuôn diện phố phường, con người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Anh bộc bạch lòng mình với mọi người: “Ngót 40 năm làm nghề không nhớ hết những gì mình viết ra. Chỉ nhớ rằng, rất nhiều điều chỉ viết ra bởi trách nhiệm. Và cũng vì cái gọi là trách nhiệm mà nhiều khi không thể viết ra những điều trăn trở trong lòng. Những điều muốn viết, có thể viết, may mắn thay đã như cái neo giữ mình lại với nghề. Trong đó có những cảm nhận, tình yêu Hà Nội…”

 

Một bạn đồng nghiệp trẻ viết rằng, Tạ Việt Anh sinh ra ở Hà Nội, thời gian và trái tim của anh cũng luôn dành cho Hà Nội. Anh cảm nhận về Hà Nội theo cách của một chàng trai Hà Nội xa thành phố quê hương vào chiến trường, với nỗi nhớ về mảnh đất đầy những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ. Cả tuổi thanh xuân sau chiến tranh, nhà báo Tạ Việt Anh cũng dành thời gian và sức lực cống hiến cho Hà Nội. Đến khi về nghỉ hưu, anh càng có thời gian để hiểu, yêu và viết nhiều hơn về Hà Nội. Có một Hà Nội rất gần gũi và thân thương hiển hiện qua từng con chữ trong những trang văn của anh. Đọc tản văn của anh, người đọc như đang được sống trong đời sống Hà Nội theo từng năm tháng để hiểu rõ hơn từng góc phố, hàng cây, con người. Đó là chợ hoa tết nơi Cống Chéo - Hàng Lược, là hàng sấu trên đường Trần Hưng Đạo, một sớm Hồ Tây man mác hơi thu…

 

Nhưng đó là chuyện tình yêu thiết tha của Tạ Việt Anh với Hà Nội, còn chuyện yêu đương lứa đôi của anh thì có nhiều thầm kín, riêng tư. Thời đi học phổ thông trung học, chàng trai Hà Nội đã yêu thầm nhớ trộm một cô bạn gái cùng học lớp 10 (hệ 10 năm), sau đó cô gái đi du học ở Liên Xô. Suốt những năm tháng ở chiến trường, trong những giây phút hiếm hoi được thư thả giữa những trận đánh, tâm tưởng anh luôn hiện diện hình bóng cô bạn gái có nước da nâu mịn, cặp mắt to, sáng cùng cái mũi hếch tinh nghịch; đặc biệt là mái tóc dài trĩu nặng được tết thành hai chiếc đuôi sam luôn thả trước ngực, ôm lấy gương mặt thanh tú. Dù chưa một lần chính thức ngõ lời yêu, hai người được bạn bè nghiễm nhiên coi như là một đôi. Trong khi cô gái ấy đang du học ở Đông Âu thì anh bị thương, trở về từ chiến trường Quảng Trị, ôn thi, thi đỗ rồi đi học đại học. Tình cờ qua một người bạn thân, anh quen được một cô gái mà có lần anh mô tả, đẹp như “một nhành thủy cúc”. Cô bạn gái mới quen của anh thuộc gia đình gốc Huế, nhưng cô lại sinh ra ở Hà Nội. Hai người đã có những kỷ niệm êm đềm, trong sáng bên nhau ở Hà Nội trong một thời gian dài, tất cả chỉ chờ đợi một câu ngõ lời từ phía chàng trai. Nhưng câu ngõ lời đó chẳng bao giờ được thốt lên, kể cả khi gia đình của cô gái chuẩn bị chuyển về thành phố quê hương. Trước khi hồi hương, bố mẹ cô gái còn gợi ý cho con gái quyền quyết định ở lại Hà Nội, với điều kiện phải có một người gần gũi, trông nom. Thế nhưng lần hẹn hò bên quán cà phê góc Hồ Tây trong hoàng hôn năm ấy, khi cô gái ấy buông lời xin anh một lời khuyên ở lại hay ra đi, anh chỉ biết khuyên cô bạn gái nên đi cùng… ba mẹ. Cô gái im lặng, thời gian như ngưng đọng. Anh chỉ kịp thấy đôi mắt bạn gái ngân ngấn nước, cố hướng ra mặt mặt hồ đang bảng lảng sương chiều. Chắc cô đã hiểu rằng mình là người đến sau, còn anh, anh đang chờ người ấy trở về, vì cô cũng đã từng nghe anh kể về cô bạn gái của anh đang đi du học ở Liên Xô. Cô gái sau đó đã ra đi lặng lẽ, chỉ viết thư để lại với lời chúc anh sớm đón được hạnh phúc hằng mong chờ. Nhưng cái hạnh phúc mà cô cầu chúc cho anh đã không tới như chờ đợi của anh. Ngày cô bạn gái thời học sinh phổ thông đi du học về nước, người đón cô không phải là anh, mà là một chàng trai con của một cán bộ cấp cao, người có đủ khả năng để lo cho cô bạn của anh một chỗ làm việc tốt ở ngay Hà Nội, điều đó nằm ngoài tầm tay của anh. Khi đó anh không trách cô bạn gái, vì thực ra anh cũng chưa bao giờ ngõ lời với người ta. Sau này cũng có lúc anh nghĩ về cô bạn gái đã trở về xứ Huế, nhưng rồi anh quyết định không bao giờ nối lại, bởi thấy mình không có quyền làm điều đó. Và có lẽ anh cũng muốn giữ mãi trong tim kỷ niệm về hình ảnh một “nhành thủy cúc mảnh mai” mà có một thời gian anh hằng yêu mến. Câu chuyện với cái kết buồn này tôi nhặt được từ những trang viết của Tạ Việt Anh, mà vì lý do tế nhị, tôi chưa một lần hỏi để xác nhận chuyện tình yêu đầu đời của anh ngày đã qua.

 

Bây giờ, cuộc sống đang như một guồng quay với các phương tiện thông tin bao vây xung quanh: Smartphone, Ipad, Facebook, Email…và nhịp sống hối hả làm chúng ta quên đi con người cũng phải biết sống chậm để nhận ra giá trị của cuộc đời. Nếu những bản tin trên bàn biên tập của Tạ Việt Anh ngày trước cần mới, “thần tốc”, độc quyền, cạnh tranh, có ích cho độc giả thì những trang tản văn của Tạ Việt sau này như níu giữ con người với thời gian, để thấy, cảm nhận một Hà Nội đời thường giản dị, ấm áp qua nếp nhà, tình thầy trò, kỷ niệm về người mẹ, người thân, bạn bè, đồng đội, người xưa yêu mến, những ẩm thực bình dân như chè chén bên hè phố, bia hơi, phở Hà Nội, gốc cây sấu, ngọn thơm làng Láng… Anh tiếc nhớ tiếng leng keng tàu điện sớm khuya nay đã trở thành dĩ vãng một đi không quay lại, hay nghĩ về những nét đẹp ngày xuân của người Hà Nội nay đã phôi pha. Anh cố đi tìm “những mảy vàng lấp lánh”, hay nói theo nghĩa đen là những nét thanh lịch của người Hà Nội ở khắp nơi mà anh dự liệu rằng: “Liệu có phải là quá lo xa và cả nghĩ khi cho rằng đến một lúc nào đó, muốn phục dựng những nền nếp trong gia đình Hà Nội xưa, mà là những nền nếp vô cùng đáng trân trọng, những người Hà Nội tương lai phải tìm đến những gia đình, những cộng đồng người Thăng Long - Hà Nội xa xứ, gom lại những mảy vàng lấp lánh ở nơi xa ấy, như tôi đã từng thấy, từng khâm phục và xúc động đến nghẹn ngào!”.

 

Trở lại với Quảng Trị, vùng đất chiến trường xưa mà Tạ Việt Anh xem như là quê hương thứ hai, nỗi niềm về ký ức chiến tranh, về đồng đội, về tình cảm ấm áp của người dân Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh cứ trở đi trở lại trong anh. Nỗi niềm canh cánh ấy cứ nhắc nhở, thôi thúc anh làm một điều gì đó. Lúc đầu, anh đưa vợ con trở lại vùng đất xưa, thắp hương cho đồng đội đã nằm lại tại những nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị. Rồi anh cùng các đồng nghiệp Hà Nội đóng góp vào việc xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách từ Vĩnh Linh, Cam Lộ đến Triệu Phong, Hải Lăng… Dần dà, hình thành một nếp đẹp tổ chức những chuyến về nguồn, viếng thăm những địa danh linh thiêng: Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia: Trường Sơn, Đường 9… kết hợp thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Những chuyến hành hương đã thành nếp hằn trong ký ức để mỗi năm cứ đến tháng Bảy lại nôn nao nhớ, đến mức chẳng thể ngồi yên nếu chưa lên đường. Tạ Việt Anh trả lời câu hỏi của phóng viên báo Quảng Trị trong một chuyến về nguồn rằng: “Có một điều may mắn là ý tưởng của tôi cùng các bạn đồng nghiệp báo Hà Nội Mới, sau này là báo Kinh tế & Đô thị, báo Quảng Trị đón nhận, chia sẻ, tạo điều kiện. Từ sự đồng cảm đó đã hình thành một mối tình thâm giữa những người làm báo Hà Nội và Quảng Trị, và những hoạt động chương trình Nghĩa tình tháng Bảy cũng từ đó dần hình thành, phát triển”.

Biết Tạ Việt Anh năm nào cũng về Quảng Trị, mùa hè năm ấy các đồng nghiệp ở báo Quảng Trị thay đổi lịch trình, ngoài đi thăm, thắp hương ở các nghĩa trang liệt sĩ còn đưa anh cùng đoàn công tác báo Kinh tế & Đô thị vượt 18 hải lý đường biển có những trải nghiệm tại đảo Cồn Cỏ, bây giờ là huyện đảo. Chạm đất hòn đảo anh hùng, Tạ Việt Anh bất chợt nhớ hơn 45 năm về trước, những ngày anh cùng đơn vị công binh ghép phà chở quân qua sông Bến Hải tiến về Nam, anh hay ngắm hòn đảo này từ bãi biển Cửa Tùng. Cũng qua sách báo, anh biết tới hòn đảo này qua những câu chuyện về anh hùng Thái Văn A, qua bài hát “Con cua đá”… Người dân Cửa Tùng bảo nhìn xa, đảo Cồn Cỏ như một con rùa, còn với anh, ngày ấy với tâm thế của một người lính, anh thấy đảo mang hình dáng một con tàu và mơ một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên hòn đảo anh hùng. Hôm ấy, Tạ Việt Anh rất vui vì được dự lễ khánh thành và bàn giao công trình đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời do Công ty trách nhiệm hữu hạn Sharetech và Cổ phần điện mặt trời Vũ Phong tài trợ trị giá hơn 300 triệu đồng, cùng đoàn công tác tặng quà cho tất cả các hộ dân trên đảo và các đơn vị lực lượng vũ trang của huyện đảo. Đêm đó, dù đã về khuya, cùng các đồng nghiệp dạo bước trên con đường dẫn từ khu Trung tâm đến Cột cờ, ngắm ánh điện xanh mát tỏa sáng một khoảng trời của đảo, anh cảm thấy vui trong lòng khi những công việc của mình cùng các cơ quan báo chí làm rất có ý nghĩa, nhất là chương trình Nghĩa tình tháng Bảy đã đi qua được một chặng đường dài.

 

Tạ Việt Anh bộc bạch: “Trong cuộc đời làm báo, tôi thấy may mắn và hành phúc vì đã có những năm tháng sống và làm việc trong đại gia đình báo đảng địa phương. Trong đại gia đình ấy, tôi đã sống, làm việc, trưởng thành, có những đồng nghiệp cùng chia ngọt sẻ bùi như anh em một nhà. Một trong những kết quả của sự chia sẻ thương yêu ấy là những việc làm có ý nghĩa, trong đó có chương trình Nghĩa tình tháng Bảy. Với cá nhân tôi, với Quảng Trị, không chỉ có những hành trình Nghĩa tình tháng Bảy. Bất cứ khi nào có cơ hội là lòng tôi lại hướng về vùng đất mà tôi coi như quê hương thứ hai này. Và khi nhắc tới những chuyến đi ấy, tôi hay nói với người thân, bạn bè, đồng nghiệp rằng tôi đang về Quảng Trị!”

             

 

 

 

 

Minh Tứ
Số lần đọc: 1396
Ngày đăng: 24.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (phần 46) Thị trấn Hoa Vàng – Quê Hương Thứ 2 của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (phần 45) Huỳnh Ngọc Thương – Lãng tử bên đồi Tây nhớ đồi Đông - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 44) Nhà văn Thùy An – Kiếp Tằm nên phải nhả tơ - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ ( phần 43) Ninh Giang Thu Cúc – Người chị đồng hương của tôi - Trần Dzạ Lữ
Chuyện anh Hai miền Tây - Minh Tứ
Chim về với nước - Trương Văn Dân
Về một chuyến đi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Trắng đêm cùng tiếng sóng - Nguyễn Tiến Nên
Tình Cha Mẹ - Trần Yên Hòa
Ánh mắt thầy - Tuệ Thiền
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)