Dấu xưa xứ Quảng - Ký ức thành phố tiếng còi tàu, Tản văn của Trần Trung Sáng, do Nxb Hội nhà văn vừa ấn hành. Sách khổ 14,5x20,5cm, 250 trang. Kèm theo nhiều hình ảnh tư liệu quý hiếm, giá trị. Dấu xưa xứ Quảng là chủ đề chung của bộ sách nhiều tập và Ký ức thành phố tiếng còi tàu có thể được xem là phần 1, nội dung bao gồm các tùy bút, tản văn, ghi chép về Quảng Nam, Đà Nẵng, nhằm phản ánh đời sống văn hóa, truyền thống lịch sử, những nhân tố, con người … làm nên tính cách và sự độc đáo của đất và người xứ Quảng.
Trả lời về câu hỏi, tại sao tựa đề tác phẩm có nội dung mang dáng dấp “hai trong một” và động cơ nào để tác giả xây dựng thành bộ sách nhiều tập? nhà văn Trần Trung Sáng cho biết : “ Đây là tập sách viết về Quảng Nam và Đà Nẵng, do đó dù hiện nay có sự chia tách về hành chính, thì nói chung Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn được xem có chung một nền văn hóa xứ Quảng ( hai trong một). Tập này được xem là phần 1 với tên gọi Ký ức thành phố tiếng còi tàu, có chú trọng nhiều hơn về thành phố Đà Nẵng. Các tập sau sẽ đi sâu về các địa phương và những vấn đề khác thuộc Quảng Nam. Sở dĩ, tôi hướng đến một bộ sách dài hơi về xứ Quảng, là vì ngay từ khi thực hiện tập sách Hạt bụi bay xa (Nxb Đà Nẵng, Giải thưởng văn học đất Quảng lần thứ III 2014-2018), viết về những chân dung văn nghệ sĩ xứ Quảng đã mất, tôi nhận ra còn rất nhiều vấn đề của xứ Quảng bị bỏ sót, nếu thiếu người quan tâm tìm hiểu, thâu thập, ghi chép thì dần dần sẽ bị mai một, lãng quên…”
Ngay ở những trang sách đầu tiên, ở bài viết Quà chợ, tác giả đã dẫn dắt bạn đọc gặp gỡ lại hình ảnh xưa cũ của chợ Hội An hồi thập niên 50 - 60 thế kỷ trước : “Ấn tượng đầu tiên của tôi về con đường báo hiệu nơi dẫn đến chợ, là phải ngang qua một Nhà máy đèn liên tục rống vang một thứ âm thanh nhức óc. Kế đến, là những ngôi chùa cổ kính, cổng khép kín mà chị tôi rất sợ sệt, buộc tôi phải cúi đầu khi bước ngang. Và cuối cùng, kề cận phía sau chiếc Giếng mái công cộng: Chợ - một ngôi nhà to lớn, cổng rộng mở, nơi toàn người là người, chen chúc dày nghịt xen lẫn trong tiếng gà, tiếng vịt, tiếng chào hỏi, tiếng cười đùa, tiếng chửi mắng...” . Rồi đến ngôi trường thời thơ ấu: “Ngay cả hồi còn mới tập tểnh đánh vần, với tôi, trường Nam tiểu học Hội An *(nay là trường trung học cơ sở Kim Đồng) đã là một thế giới thần tiên, kỳ diệu của tuổi thơ, bởi đơn giản, nó ở ngay ngã tư đầu xóm nhà tôi (nằm trên đoạn đầu tiên của đường Cửa Đại – con đường nối dài phố thị ra cửa biển Hội An).Nơi đó, vào sau những giờ trường tan học, nhất là những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, bọn trẻ con chúng tôi thường rủ nhau trèo vào bờ tường khá thấp của ngôi trường để hái phượng, đánh bi, bắn chim, chơi trốn tìm, chia phe chơi đá bóng… Đặc biệt, ở một khoảng sân của ngôi trường này có một bản đồ Việt Nam rất lớn (khoảng chừng 100 m2), được xây bằng xi măng trải dài trên đất, có khắc họa đầy đủ các tỉnh, thành, sông núi, biển đảo… của đất nước. Tôi mê nhất là sau những ngày mưa, nước đọng lại ngập kín trên phần biển của bản đồ, chúng tôi có thể lội bì bỏm vào đó, hoặc xếp những con thuyền giấy thả trôi bềnh bồng mà tưởng tượng ra mình đang phiêu dạt giữa đại dương mênh mông…”. Bên cạnh những hoài niệm, lo toan về vết tích văn hóa cổ xưa ngày một mai một, chìm dần vào quá khứ… thể hiện qua các bìa viết như: Dấu xưa xứ Quảng, Ký ức thành phố tiếng còi tàu, Một thoáng phù hoa, Câu chuyện xóm Dinh…, tác giả vẫn có cái nhìn khá lạc quan về sự phát triển, hướng đến tương lai của quê hương : “Bây giờ Đà Nẵng đã thay đổi rất nhiều. Những con đường rộng mở thênh thang, nhiều xóm nhỏ nghèo nàn ở những khu dân cư lầy lội được thay thế bởi những khu phố mới khang trang. Ngang qua qua sông Hàn nối liền mạch sống thành phố với Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, nay có những nhịp cầu hiện đại, được xem là điểm nhấn độc đáo của du lịch miền Trung. Cái từ "Cu Ba" không gọi cho Q3 nữa. Cầu vồng cũng biến mất để nhường chỗ cho những chuyến xe sầm uất hướng về tương lai, vẫy chào tuổi thơ và cái rạp xi-nê với những người hùng không có thực. Giã biệt tuổi trẻ cùng những đường phố, những quán xá, những câu chuyện phiếm miên man... Phải chăng trong chút luyến nhớ ngậm ngùi, người ta lại thêm thấm thía, tin yêu hơn về những đổi thay rộn ràng tất yếu của cuộc sống hôm nay” (Đà Nẵng vẫy nhìn).
Ở hai bài viết Đến làng sông tìm một dòng sông và Đặt bia tri ân Alexandre de Rhodes ở Ba Tư, tác giả khẳng định vai trò của xư Quảng trong sự ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ. Ở bài Chuyện kể từ những tấm bản đồ, tác giả nêu cao công sức của những tâm lòng dành nhiều công sức góp phần tìm hiểu nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa như nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, nhà nghiên cứu Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa và giáo dục Viêt Nam tại New York. Đáng chú ý, trong tập sách, để nhấn mạnh sự phát triển hình thành của Quảng Nam, Đà Nẵng, tác giả đã có cái nhìn khá tinh tế, khi nhắc đến quá trình khởi nghiệp đóng góp của những gia đình cụ thể như: gia đình ông bà Phi Anh ở bài viết Một gia đình độc đáo ở phố cổ Hội An, gia đình vợ chồng Phì Lũ ở bài viết Cổ tích một gia đình “đầu bếp”, hoặc dòng tộc Trần Trung của chính tác giả ở bài viết “100 năm lưu lạc và tiếng gọi cội nguồn”. Đồng thời, một số bài viết nhắc lại nhiều dấu ấn của những văn nghệ sĩ từng có thời gắn bó hoặc chỉ là khách vãng lai trong câu chuyện, những cuộc gặp gỡ với Chế Lan Viên, Phạm Duy, Du Tử Lê, Phạm văn Hạng, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Lê Nuôi, Thu Vàng, Mai Chửng, Phan Ngọc Minh, Lưu Công Nhân, GS Nguyễn Đăng Hưng…
Theo nhà báo Cung Văn: “Tác giả Trần Trung Sáng chọn tiêu đề Dấu xưa xứ Quảng và để mở đầu cuộc tìm về, bằng Ký ức thành phố tiếng còi tàu như là một vén màn thăm dò. Thời điểm cuốn sách này đến với người đọc cũng góp phần nhạy cảm: năm thứ 20 của thế kỷ 21, một năm mà đất nước thường có những cuộc lễ lạc, hội hè đình đám kỷ niệm những sự kiện can qua. Đây cũng là cái cột mốc đánh dấu ký ức thời niên thiếu của tác giả với âm thanh phát ra từ con gà kéo (tò he trong Quà chợ) tại vùng ngoại ô Hội An…bước những bước chập chững ra chốn phồn hoa đô hội. Đà Nẵng sẽ phải “đánh thức tiềm lực” đặng các thế hệ mai sau kịp nhận thức ra rằng, thế hệ cha ông chúng từng rêu rao và cũng từng miệt thị “thành phố đáng sống hay không đáng sống?” Đúng hay không đúng? Rất mong các bạn đọc có gốc gác QN-ĐN, trẻ lẫn già, trong cũng như ngoài nước, tìm thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong DẤU XƯA XỨ QUẢNG…, sẽ không bao giờ qúa muộn, qua tác phẩm của Trần Trung Sáng”./.