Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.016
123.367.414
 
Mặt nạ của cái chết đỏ
Vương Kiều

                                                             

 [  LE MASQUE DE LA MORT ROUGE ]

 

EDGAR  POE

                                                                                                                                            

                                                                             Edgar Poe [1809 – 1849] là tài năng kỳ lạ của văn học Mỹ trong thế kỷ 19.

 

                                                                      Mặc dầu ông tại thế chỉ 40 năm nhưng thơ ca và truyện của ông đã ảnh hưởng

                                                                      khắp toàn cầu cho đến ngày nay.

 

                                                                             Người khám phá tài năng của Edgar Poe ở Pháp đầu tiên là thi hào Charles

                                                                      Baudelaire, tác giả của thi phẩm nổi tiếng “ Fleures Du Mal “ [ Hồ Ly Hoa ].

 

                                                                      Ông đã dịch tác phẩm của Edgar Poe ra tiếng Pháp “ Nouvelles Histoires Extraordinaires “

                                                                      [ Tân Truyện Kinh Dị ] từ năm 1848 cho đến năm 1865 mới hoàn thành.

 

                                                                           Tại Việt-Nam, Trường Thơ Loạn ở Qui-Nhơn, Bình-Định xuất hiện vào thập niên 30

                                                                      thế kỷ trước gồm Hàn-Mặc-Tử, Chế-Lan-Viên, Quách-Tấn, Yến-Lan mà thời ấy người

                                                                      ta gọi là “ Bàn Thành Tứ Hữu “ được giới văn học tôn vinh là “ Long, Lân, Quy, Phụng “

                                                                      thì Hàn-Mặc-Tử và Chế-Lan-Viên ảnh hưởng Baudelaire và Edgar Poe sâu đậm trong

                                                                      cảm xúc sáng tạo.

 

                                                                           Truyện của Edgar Poe là sự tiên báo cho con người trong nhiều lãnh vực đời sống

                                                                     đầy kinh dị và bí ẩn.

 

 

        Cái chết đỏ đã hoành hành, làm giảm thiểu số dân trong lãnh địa từ lâu. Bệnh dịch hạch chưa đến nổi quá nguy cấp, quá ghê rợn như thế !. Thảm họa của nó, đó là máu. Máu đỏ và sự tanh hôi của máu. Triệu chứng ban đầu là những cơn đau quằn quại, rồi một sự quật ngã bất thần và máu từ lỗ chân lông bắt đầu tươm rỉ. . . Sự sống trút hơi. Những vết thâm tím loang lổ trên thân xác, đặc biệt là trên mặt mày, đẩy nạn nhân vào bi thảm trần thế, sự cứu giúp, tình sâu nghĩa nặng đành khép lại sau lưng. Sự lan nhiễm, sự tiến chiếm, hậu quả của căn bệnh, tất cả chỉ kết thúc trong nửa tiếng đồng hồ với nạn nhân.

        Nhưng rồi vị Hoàng Thân Prospero khôn ngoan, gan dạ và có cơ may. Khi lãnh xứ của ông số dân chỉ còn phân nửa, ông đã triệu tập một ngàn thân hữu can trường, nhiệt huyết được tuyển chọn trong số những hiệp sĩ và cùng các nương tử trong sân triều của ông, rồi cùng nhau vào ẩn cư ở một tu viện kiên cố. Đó là một tòa nhà mênh mông, hoành tráng. Quả là sáng kiến của Hoàng Thân, vị trí nằm ở xa trung tâm truyền bệnh, lại là nơi bao quát hùng vĩ với tường thành dày cao, tạo nên vành đai an toàn. Tường thành có những cánh cửa sắt, những thị thần của ông chỉ một lần mang vát lò bệ, búa tạ để hàn gắn những then chốt cửa. Họ dùng chướng ngại vật nhằm ngăn chận sự tuyệt vọng bên ngoài thình lình đột nhập vào và đóng chặc mọi lối thoát với những kẻ hỗn loạn bên trong. Tu viện được tiếp tế lương thực dự trữ dư thừa. Nhờ kế hoạch phòng ngừa nầy, triều thần ném cái nhìn khinh mạn với căn bệnh lây lan. Còn thế giới bên ngoài phải tự xoay xở chống chọi với tử thần. Nhưng thời gian chờ đợi quả là nỗi lo âu, thấp thỏm đầy suy nghĩ. Hoàng Thân đã ban cấp mọi phương tiện để giải khuây . . .nào là những tên hề, những nghệ sĩ ứng khẩu ca hát, những vũ công, nhạc sĩ, khắp nơi cái đẹp có mặt dưới mọi hình thức, đầy đủ mọi thứ, kể cả mỹ tửu. Thế giới bên trong thật lộng lẫy, xa hoa. Trong khi bên ngoài là cái chết đỏ đang hoành hành.

        Vào khoảng tháng thứ năm hoặc thứ sáu, trong lúc thảm họa đang gieo rắc ở bên ngoài với mức độ điên cuồng nhất thì Hoàng Thân Prospero hạ lệnh ban thưởng cho ngàn cận thần của ông một lễ hội giả trang cực kỳ tráng lệ. Hội giả trang nầy là bức tranh khoái lạc muôn màu muôn vẻ. Nhưng trước hết tôi xin miêu tả với các bạn những cung phòng nơi lễ hội diễn ra. Tất cả gồm bảy hành cung thượng hảo hạng nằm liên hoàn. Trong nhiều cung điện những thể loại cung phòng nầy được phối cảnh theo hàng thẳng, khi những cánh cửa hạ xuống từ những bức tường mỗi bên thì mắt nhìn vẫn trông thấy bên trong không có vật cản. Ở đây kết cấu thật khác hẳn về sở thích mạnh mẽ đến kỳ quặc của ngài Hoàng Thân mà ta chỉ có thể xác định nơi ấy. Những căn phòng được bày biện không hợp thức chút nào, một lần nhìn không thể bao quát hết được. Phần cuối của khoảng rộng từ hai mươi mét đến ba mươi mét Anh, có một chỗ quẹo bất thường và mỗi khúc quanh là một cảnh sắc mới. Bên phải, bên trái, ở giữa mỗi bức tường có một cửa sổ Gothique cao, hẹp mở ra trên hành lang khép kín chạy mỗi bên theo những khúc quanh của tòa nhà. Mỗi cửa sổ được gắn kính nhiều màu hài hòa với màu sắc nổi bật với phần trang trí của căn phòng mà cánh cửa mở ra. Căn phòng nằm ở đoạn cuối hướng đông màu xanh nhạt, còn cửa sổ thì màu xanh đậm. Căn phòng thứ hai quét màu hoa cà, gạch lát màu đỏ tía, phòng thứ ba một màu xanh lá, cửa sổ màu xanh, phòng thứ tư sơn màu cam, cửa sổ cũng màu cam trông sáng lên, phòng thứ năm màu trắng, phòng thứ sáu chỉ một màu tím.

        Riêng cung phòng thứ bảy được phủ trướng bằng lớp nhung đen quái dị, trần nhà lẫn những bức tường phủ đều rồi thả rũ xuống thành sóng lượn trên tấm thảm nhung cùng màu sắc. Nhưng chỉ có phòng nầy, màu cửa sổ không hòa điệu với phần trang trí, gạch lát thì màu hồng điều, một sắc màu dữ dội của máu.

        Bảy căn phòng, vàng được trang trí khắp mọi nơi, treo cả trên những lớp vải phủ tường, vậy nhưng không thấy một cây đèn, nến nhiều ngọn cũng không. Chẳng có loại đèn nào cả, khắp nơi không có ánh sáng của đèn đốm. Nhưng trong những hành lang tạo thành vành đai, dưới mỗi cửa sổ có một cái giá ba chân dựng lên một lò lửa cháy rực, phóng ánh sáng qua những nền gạch màu sắc và chiếu sáng chói lòa trong mỗi phòng. Như vậy chúng tạo ra những cảnh đa sắc rực rỡ, ma quái. Nhưng cung phòng nằm ở hướng tây, căn phòng đen, ánh sáng của chão lửa chảy xuống những màn trướng đen đổ qua những viên gạch đỏ thắm trông thật ghê rợn, tạo thành những diện mạo kinh người, chập choạng quái dị mà những người khiêu vũ ít kẻ đủ can đảm lần chân vào cảnh tượng ma quái ấy.

        Cũng trong căn phòng nầy, phía bức tường hướng tây có treo một cái đồng hồ khổng lồ bằng gỗ mun. Quả lắc đánh qua lại vang âm thanh tic tắc nặng nề, buồn bã. Khi kim phút chạy giáp vòng thì tiếng báo giờ cất lên, ngân dài vang động mồn một bằng một loại nhạc kỳ quặc, dữ dội theo từng giờ một . . .khi ấy những nhạc công vội ngưng buổi hòa tấu để lắng nghe nhịp điệu của chiếc đồng hồ, đám người nhảy van tức thời dừng bước, thế rồi một sự náo loạn phút chốc lan khắp vũ hội đang hưng phấn. Và khi tiếng chuong ngân lên rộn rã thì những người đang vui nhộn kia mặt mày bỗng xanh tái, những người đứng tuổi trầm tĩnh cũng phải đưa tay lên bóp trán chìm trong ưu tư hoặc như cơn mơ thảng thốt, nhưng khi âm vang im bặt thì một trận cười òa ra khắp lễ hội. Những nhạc công nhìn nhau rồi cười khoái trá và họ hứa với nhau phải bình tĩnh để hồi chuông sắp tới sẽ không làm họ kinh động như thế ! Rồi sau sáu mươi phút trôi qua, tức là ba ngàn sáu trăm giây . . .thì hồi chuông mới của cái đồng hồ khủng bắt đầu và cơn rối loạn, sự run rẩy, ảo ảnh tái diễn.

        Nhưng mặc mọi sự, cuộc truy hoan và niềm vui vẫn òa vỡ. Sở thích của vị Hoàng Thân quá đổi lạ lùng. Ông để mắt đến khu vực nhiều màu sắc và xem chừng diễn biến, ông coi thường cung cách thời thượng, kế hoạch của ông thật liều lĩnh, hoang dại, quan niệm của ông dội ra những tia sáng rùng rợn. Nhiều người nói ông điên, đám quần thần biết rõ ông không điên nhưng cần phải lắng nghe, phải thấy rõ, phải nắm bắt để biết chắc là ông không hề điên.

        Trong đại lễ hội nầy, ông đã chỉ đạo phần lớn sự trang trí bày biện của bảy căn phòng, đó là sở thích muốn đạo diễn phong cách của những người tham dự hội giả trang, tất nhiên đều là những ý tưởng kỳ quái, là cảnh chói lọi, kỳ ảo, huyền hoặc ma quỷ. Nhiều điều người ta từng thấy trong “ Hernani “. Có những nhân vật uốn éo, lố lăng buông thả phi lý, những tưởng tượng điên khùng. Ở đó cũng có những cảnh thanh lịch, khác lạ, yên tĩnh không đến nổi ghê người. Tóm lại trong bảy căn phòng ấy, có rất nhiều màu sắc huyền hoặc được dàn dựng đó đây, xoắn xít khắp mọi chiều, hấp dẫn sắc màu của những căn phòng. Người ta có thể nói họ đã chơi nhạc bằng bước chân và phong cách kỳ lạ của dàn nhạc vang lên theo bước chân của họ.

        Thỉnh thoảng người ta lại nghe cái đồng hồ mun ở căn phòng phủ nhung ngân lên thì tất cả cùng lúc ngưng bặt, tất cả đều im hơi ngoại trừ tiếng ngân rền của cái đồng hồ. Những giấc mơ đông lại, mọi tư thế tê liệt. Đến khi tiếng ngân lịm dần qua nhanh thì một tràn cười chất chứa âm khí lướt vòng khắp nơi, âm nhạc lại nổi lên, những giấc mơ sống lại, họ quấn quít lấy nhau rộn rã hơn bao giờ hết. Màu sắc phản chiếu từ những cửa sổ qua ánh sáng đổ xuống của những chão lửa ba chân thật quá ngộp. Nhưng ở căn phòng phía tây không một mặt nạ giả trang nào dám mạo hiểm bước tới, vì đêm đang buông xuống và một luồng sáng đỏ hơn đang chảy qua nền gạch vuông màu máu hòa với màu đen của những tấm thảm tối tăm trông thật kinh hãi. Kẻ dại dột nào lại dám đặt chân lên tấm thảm âm u để nghe đồng hồ gỗ mun ngân rền nặng nề hơn, làm chấn động thần kinh hơn tiếng ngân đập vào màng tai của những chiếc mặt nạ đang vô tư quay cuồng ở những căn phòng khác.

        Những căn phòng đó tập trung đông người và trái tim đời sống đang đập nhịp sôi loạn nơi ấy. Tiệc tùng, vũ điệu đảo điên không dứt cho đến khi chiếc đồng hồ ngân vang báo hiệu nửa đêm. Thế rồi như tôi đã nói, âm nhạc ngưng lại, điệu vũ của những vũ công treo lơ lửng, cơn lo âu bất động lan tỏa khắp nơi như vừa mới đây. Nhưng chuông đồng hồ lần nầy đánh đến mười hai tiếng, nó cũng còn đánh mạnh vào ý thức, lướt sâu vào tư tưởng của những kẻ đang trầm tư giữa đám người tiệc tùng sôi động nầy. Vì lẽ đó nên nhiều người trong đám đông trước khi vọng âm cuối cùng của tiếng chuông gióng lên thì họ đã chìm vào thinh lặng, có thời gian để phát hiện sự có mặt của chiếc mặt nạ mà đến giờ chẳng ai buồn để ý. Sự xâm nhập của chiếc mặt nạ mới nầy liền được thì thầm lan truyền, cả hội lễ bàn tán xôn xao đầy ngạc nhiên và bất bình. Rồi cuối cùng là sự sợ hãi, kinh khiếp, ngán ngẫm.

        Trông hội lễ như tôi đã diễn tả, chắc hẳn sự xuất hiện phải dị thường lắm mới gióng lên sự kích động như vậy. Hội giả trang phóng túng đêm ấy gần như vô giới hạn. Nhưng nhân vật thành vấn đề đã vượt qua sự ngông cuồng của một “ Hérode “, băng qua những giới hạn, khi Hoàng Thân đã đặt định những điều cho phép thuộc nghi thức. Trong tim những kẻ vô tâm nhất vẫn có những sợi dây ràng buộc không để mình manh động, ngay cả những kẻ ham muốn bất thường, những kẻ mà sự sống cái chết đối với họ chỉ là trò đùa, nhưng có những sự lẽ người ta không thể đùa chơi được. Cả lễ hội bây giờ cảm thấy hết sức khó chịu và bất bình về cung cách cũng như trang phục của kẻ lạ mặt. Nhân vật cao lớn, gầy gò, phủ quanh người tấm vải liệm từ đầu đến chân. Dù đeo chiếc mặt nạ vẫn lộ nét cứng đơ của một xác chết mà soi mói kỹ cũng khó khám phá ra vẻ giả tạo. Trong lúc ấy những kẻ cuồng nhiệt như sôi nầy đã phải chịu đựng, nếu không nói đành phải chấp nhận cái vẻ xấu xí cười cợt nhà ma nầy. Nhưng quả thật cái mặt nạ hiệu ứng với hình loại của “ Cái Chết Đỏ “, y trang của nó vướng đầy máu, vầng tráng cao rộng của y cũng như mọi đường nét trên mặt đều tẩm đưởm màu hồng điều kinh rợn.  

        Khi đôi mắt của vị Hoàng Thân Prospero ngó xuống khuôn mặt quỷ ma nầy, rồi bằng một động thái chậm rãi, trịnh trọng, phô trương như để khẳng định vai trò của ông, ông bước đến chỗ nầy chỗ nọ trước mặt đám người nhảy múa. Tức thời người ta thấy y oằn mình bằng động thái rung chuyển dị thường, rồi sau cái rùng mình thứ hai, vầng tráng y nhuộm đỏ điên dại.

  • Kẻ nào dám ?

Vị Hoàng Thân hỏi.

        Bằng âm giọng khàn khàn với đám cận thần đứng gần ông.

-    Kẻ nào dám lăng nhục chúng ta với sự báng bổ mỉa mai nầy ?  Các ngươi hãy bắt lấy nó, lột mặt nạ nó đi, rồi chúng ta sẽ biết khi mặt trời lên, ai là kẻ chúng ta sẽ treo cổ ở các lỗ châu mai.

         Đó là căn phòng nằm ở hướng đông, căn phòng màu xanh nơi vị Hoàng Thân Prospero đang có mặt khi ông tuyên bố những lời lẽ nầy, âm ba vang đi thật mạnh, mồn một dội qua hết bảy căn phòng. Hoàng Thân là người đường bệ, oai phong nên ông chỉ cần vẩy tay tức thời âm nhạc im phăng phắc.

        Chính trong căn phòng Hoàng Thân đang đứng với đám cận thần mặt mày xanh tái. Trước hết khi ông nói, giữa đám đông có một chuyển động nhẹ nhàng tiến về phía trước của kẻ len lỏi trà trộn, rồi chỉ một thoáng nó đã đến ngang tầm với họ, bây giờ bằng bước chân quả quyết mạnh mẽ, kẻ len lỏi tiến gần vị Hoàng Thân. Nhưng vì nỗi khiếp sợ không xác định được mà sự táo bạo kỳ quái  của chiếc mặt nạ gieo rắc lên toàn thể, cuối cùng vị Hoàng Thân cũng không tìm thấy ai để bắt giữ, cũng như không thấy chướng ngại nào cả. Ông chuyển bước bằng bước chân của vị vương tôn, tức thời cả lễ hội đều tuân phục bằng một động tác đều rập, rút khỏi vị trí trung tâm của căn phòng dạt về phía các bức tường, ông đi tiếp không dừng lại bằng bước chân đều nhịp, oai nghiêm, khởi đầu đã tạo cho ông cá tính riêng biệt. Ông đi từ căn phòng màu xanh đến căn phòng đỏ thắm, rồi đi từ phòng đỏ thắm đến phòng xanh lục, đến phòng màu cam, rồi đến phòng màu trắng, phòng màu tím trước khi đám cận thần quyết định ngăn ông lại.

        Tuy nhiên chính lúc đó vị Hoàng Thân Prospero nổi giận và cảm thấy hổ thẹn vì sự yếu đuối của mình trong phút giây. Ông lao qua sáu phòng mà chẳng ai chạy theo kịp ông. Ông vung nắm đấm lên và tiến tới gần bóng ma ba bốn bước chân trong lúc bóng ma tháo lui. Khi bóng ma đến cuối căn phòng phủ nhung đen, thình lình nó quay lại đối mặt với kẻ đuổi theo nó . . . Một tiếng hét ré lên và một nắm tay vung qua chớp nhoáng trên tấm thảm đen tối nơi vị Hoàng Thân ngã vật xuống và tắt thở chỉ một giây sau đó.

        Trong lúc ấy đáp lại lòng dũng cảm dữ dội của người tuyệt vọng, một đám đông đeo mặt nạ chạy ào tới lao vào căn phòng màu đen quyết chộp bắt kẻ lạ mặt, kẻ đang đứng thẳng bất động tựa như một bức tường to lớn dưới cái bóng của chiếc đồng hồ gỗ mun. Họ cảm thấy ngột ngạt bởi nỗi khiếp hãi không tên, khi thấy dưới lớp vải liệm và mặt nạ xác chết mà họ muốn tóm bắt với quyết tâm mạnh mẽ, bây giờ không còn hình hài nào cầm nắm được.

        Thế rồi người ta nhận ra sự có mặt của “ Cái Chết Đỏ “, nó đột nhập như tên đạo chích trong đêm. Và tất cả khách tham dự đại tiệc lần lượt kẻ nầy kẻ khác ngã xuống giữa căn phòng hoang lạc ngập đầy máu đỏ, mỗi người chết ngã chết nghiêng theo tư thế đổ xuống tuyệt vọng của mình.

        Và sự sống của chiếc đồng hồ gỗ mun biến mất cùng với sự sống của kẻ cuối cùng trút hơi trong đám người vui chơi trụy lạc nầy.. Rồi những ngọn lửa trên chão vại ba chân vụt tắt – Bóng Tối – Sự Hủy Diệt – Cái Chết Đỏ ngự trị trên tất cả mọi vật của vương quốc không biên giới.

 

 

 

          VƯƠNG  KIỀU  Dịch

[ Từ bản dịch tiếng Pháp của Baudelaire ]

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 1984
Ngày đăng: 08.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mối tình Chơn - Trần Yên Hòa
Tình yêu không ở lại - Lê Hứa Huyền Trân
Hồ đào lá vát - Nguyễn Thị Kim Lan
Khâu vàng của mẹ tôi - Trần Yên Hòa
Thoảng gió tháng Tư - Nguyễn Thị Kim Lan
Buổi sáng, ngày cách ly. - Trương Văn Dân
Từ tro tàn bóng chữ bay lên - Trương Văn Dân
Người mẹ mù - Bùi Thanh Xuân
Bôi trơn - Trần Yên Hòa
Dưới hàng gió bách - Nguyễn Thị Kim Lan
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)