Nắng tháng Năm nghiêng bóng giếng nhà Quê. Nhìn giếng ban mai chợt liên tưởng chuyện 32 năm về trước. Lúc ấy nhà tranh, dột mỗi khi mưa về:
Mưa vô tình nhỏ xuống chỗ con nằm
Con trở giấc đôi mắt tròn ngơ ngác
Ngủ đi con nắng lên rồi hết dột
Nhà mình nghèo mưa đã nên thương…
Mưa đã nên thương vì hứng nước để dùng. Nhưng nắng tới thì tìm đâu ra nước? Khi ấy nước máy không vô trong kiệt nhỏ. Thương hiền thê rồi tự thương mình phải chịu khó lấy nước giếng khe cách nhà trên 500 mét!
Thế là bàn với hiền thê mình đào giếng em hè! Tằn tiện rồi dành dụm mua xi măng, cát, sạn… Xuống phòng công trình công cọng mượn khuôn đúc ống bi. Thương Võ Đăng, con trai của chú ruột sẵn lòng giúp anh Quê đào giếng trước sân nhà. Thợ chính đã có rồi, thợ phụ đã có chủ nhà Quê nhưng vẫn chưa đủ tay.
Thế là chạy đi níu tay nhà văn Tô Nhuận Vỹ ở Trường An; níu tay nhà thơ Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ tới làm thợ phụ. Hai nhà này nhiệt tình, tâm huyết chạy vô kiệt nhỏ đến nhà Quê cùng đào, cùng múc, cùng nhào trộn vữa, cùng vừa làm vừa cười nói vui biết mấy là vui! Nhà Quê tự nhiên thành một công trường nhỏ. Tình văn nghệ đẹp thành thơ; Tình văn nghệ trong lành, ngọt hiền vị sắc thanh hương giếng nước.
May mắn đào trúng mạch. Nước trong lòng đất tuôn trào. Chỉ ba ống bi thôi là đủ. Mùa hè dây gàu chỉ một mét, một mét rưỡi là múc được nước. Mùa đông chỉ việc thò tay xuống là đầy gàu. Tiếc ngày ấy không có máy ảnh để chụp thợ chính, thợ phụ bên thành giếng nhà Quê ngày hoàn thành 6.6.1985. Sắp tới mong có một ngày được mời thợ chính Võ Đăng, các thợ phụ Tô Nhuận Vỹ, Trần Vàng Sao tới nhà Quê chụp hình bên giếng cổ.
Từ khi có giếng cả nhà được ăn uống ngon lành những bữa cơm, những chén nước ấm lòng; Cả nhà tắm thoải mái những đêm hè; tận hưởng hơi ấm từ nước giếng những ngày đông giá. Nhà bên cạnh (nay là nhà ông bà ngoại của hai con) thấy đất vùng này giàu nước nên cũng đào giếng. Dòng Mến Thánh Giá, các nhà láng giềng cũng sang nhà Quê xin nước giếng những ngày thiếu nước. Vui nhất là cảnh Bé Nhím con nhà thơ Thái Ngọc San – Phan Lệ Dung mỗi lần lên tắm giếng thoải mái, hồn nhiên là Ca Dao, Sao Khuê rủ nhau đi trốn! Không nói ra ai cũng biết vì sao mà trốn!
Chuyện giếng nhà Quê là vậy! Những tháng ngày khốn khó mà lại giàu có nghĩa tình. Viết xong trang này mình sẽ ra giếng múc một gàu nước đưa lên miệng uống. Uống kỷ niệm đẹp của mái ấm gia đình; của bạn văn thơ; của hồn đất đai đã, đang nuôi dưỡng tình cảm, nghĩa khí nhà mình. Và múc một gàu nữa tưới lên cội đào đang mùa đơm trái.
Giếng nhà Quê, mới đó đã ba mươi hai năm! Ba mươi hai năm nước giếng ngọt lành!
.HỒN NHIÊN ĐÀO RỤNG SÂN QUÊ
Buổi sáng mở cửa thấy đào rụng trắng sân. Cây đào trồng từ 1977 nay vừa tròn 40 năm. Trái không to như xưa nhưng vị ngọt vẫn còn. Đào không có người hái nên hồn nhiên rụng theo cơn gió.
Nhìn đào rụng mà:
Nhớ đã đưa hình ảnh lá đào trong bài thơ Mạ:
Thành gia thất con nhờ cậy mạ
Gom lá đào nhen bếp lửa chiều đông
Mạ lặng lẽ chăm hai thằng cháu nội
Thương con dâu thiếu sữa xót lòng…
Nhớ đã viết tặng hiền thê bốn câu sau này nhà thơ Fred Marchant dịch sang Anh ngữ:
Con dơi đêm ăn nửa trái đào ngon
Còn nửa trái rụng buồn mặt đất
Anh dành tặng riêng em phần hạnh phúc
Phần khổ đau anh nhận riêng mình.
Sợ hiền thê thương mình nhận phần đau khổ thì tội nghiệp nên viết tiếp với thầm ý không can chi mô em nợ:
Em mời anh miếng đào sâu
Chất ngọt đằm trong lưỡi
Miếng đào sâu còn dành hương vị mới
Thì có hề chi em nỗi đau khổ giữa đời!
Nhớ Ca Dao từ căn gác gỗ leo qua cây đào mỗi đêm đi xem World Cup 1994 kẻo sợ xem ở nhà làm mất giấc ba mẹ và em mà trong nhà không ai hay!
Nhớ trẻ con láng giềng thường qua nhặt đào nay ai cũng trưởng thành trong cuộc sống…
Nhớ…
Bây giờ đào rụng trắng sân không ai nhặt. Đào đã bước qua “tứ thập bất hoặc” như mình đã bước vào “thất thập cổ lai hy”. Cây trái thảo hoa vườn nhà đang thành kỷ niệm đẹp và hiền trong từng khoảnh khắc. Nâng niu từng cội cây, huê kiểng như nâng niu từng số phận người. Cây đào trắng trước sân đang già đi; mình cũng trắng dần mái tóc. Sau vườn nhà cây vối đang vươn cao; cây nhàu vừa đơm bông mới. Hạnh phúc khi biết trân trọng giữ gìn vòng tử sinh trong nhiên nhiên bốn mùa và trong tâm hồn ta tinh khôi.
Đào trắng vẫn lác đác rụng khi đang gõ phím này. Đào rụng cho kỷ niệm hồi quang rất yêu thương!