Buổi sáng trên cao nguyên lạnh lẽo hơn dưới đồng bằng. Mặt trời mọc giữa giờ mẹo nhưng phải đến gần hết giờ thìn mới lên khỏi đỉnh đồi. Lúc ấy sương mù vẫn còn dưới những lòng thung, vạn vật mịt mờ trong sương sớm. Ăn sáng xong hai anh em họ Trương thu xếp hành lý và lên đường. Hành lý của họ thật là đơn giản chỉ gói gọn trong chiếc gùi, một vật dụng thiết thực của người Lạch là cư dân bản địa vùng này. Vừa ra khỏi lòng thung trước mặt anh em nhà Trương là những ngọn đồi lúp súp trên đó loài thông quần tụ thành những cánh rừng nhỏ, xen lẫn vào đó là những trảng trống mọc đầy lùm, bụi. Trương Đại Quá hỏi Trương Thái:
- Bây giờ ta ghé qua nhà em được chăng?
Trương Thái trả lời:
- Em tính như vầy bây giờ anh em mình chưa về nhà em vì thầy em không có nhà, em sẽ đưa anh đến nhà sư bá của em: đó là bác Năm. Bác Năm là một ông già khó tính nhưng nhất thiết anh phải làm theo lời dặn của em thì mới có thể dọ hỏi bác Năm về tộc người lùn được. Bác Năm có biệt hiệu là Vạn Sự Thông, em nghĩ bác biết chuyện người lùn nhưng tính tình bác cổ quái thích thì nói còn không thích thì không ai có thể cạy miệng bác ra được. Tháng trước khi nhận lệnh thầy tìm hiểu về tộc người lùn em có đến nhà bác nhưng chỉ vừa mở miệng bác đã mắng té tát ngay và đuổi em đi một nước. Em nghĩ kỹ rồi bây giờ em phải lập mưu cố chiều chuộng bác ấy hết mình nhưng phải có đại ca tham gia nữa mới được, kẻ tung người hứng nhất định có lúc bác phải cho mình biết thôi, đại ca thấy được không?
Trương Đại Quá khen Trương Thái:
- Em còn nhỏ mà đã cực kỳ thông minh sau này chắc sẽ làm nên việc lớn. Phải đó ta cứ tới nhà bác của em thử vận may xem sao?
Cả hai nhắm hướng bắc thẳng tiến. Đến trưa hai anh em Trương nghỉ chân dưới một gốc cây cổ thụ bên cạnh một con suối nước trong veo. Nhìn thấy suối Trương Thái la lên:
- Có thức ăn tươi rồi đại ca. Anh đặt cho em nồi cơm, em kiếm ít cá nướng ăn.
Thái quả là một tay sát cá. Nhìn Thái tìm mồi là những con sùng trong những thân cây và cách móc mồi vào lưỡi câu mà cậu đem sẳn bên mình người ta biết rằng Thái là một người câu cá chuyên nghiệp. Quả thật chỉ một lát sau khi nồi cơm Trương Đại Quá chưa kịp chín, Thái đã câu tới chục con cá đủ cho hai người ăn một bữa ngon lành. Bữa trưa của hai người dưới tài nấu ăn của Thái cũng là một bữa ăn ngon: cơm trắng ăn với canh ốc núi nấu rau rừng, muối ớt và cá suối nướng. Trương Đại Quá vừa ăn vừa khen đứa em giỏi giắng khiến Thái đỏ mặt cứ y như là một thiếu nữ con nhà khuê các. Thái nói:
- Ta lên đường khoảng giờ thân là sẽ đến nhà bác Năm nhưng em không muốn đến nhà bác vào giờ đó. Đại ca tối nay ta ở lại đây sáng mai đi thật sớm đến nhà bác Năm khoảng cuối giờ thìn là vừa, đại ca thấy sao?
- Tuỳ em thôi ta thì sao cũng được. Vậy trong chiều nay em phải chỉ ta cách câu cá còn ta chỉ cho em võ công nhập môn của bản phái, được chăng?
Trương Thái reo lên:
- Đại ca Quá hay quá nhất định em sẽ chỉ cho anh nhiều kiểu đánh bắt cá, bây giờ bắt đầu được chưa hả đại ca?
Sáng hôm sau hai anh em nhà họ Trương lên đường thật sớm, họ vẫn đi theo hướng bắc vượt qua nhiều quả đồi tròn cỏ mọc xanh tươi. Khi mặt trời vượt qua đỉnh đồi cả hai đi vào một thung lũng. Tận cùng thung lũng là một ngôi nhà tranh vách đất. Ngôi nhà dựa vào một ngọn núi khá cao, trước mặt nhà là một cái ao nước trong xanh. Trương Thái cất tiếng gọi:
- Bác Năm ơi bác có nhà không?
Cánh cửa khép hờ được mở ra. Một ông già xuất hiện trước sân nhà, lão cất tiếng hỏi:
- Ai như thằng cháu Thái… ta đã không cho ngươi trở lại nhà này trong vòng ba tháng, sao ngươi cãi lời ta hả?
Trương Thái nhìn ông già cậu chắp tay lại và cung kính vái:
- Thưa bác Năm cháu vẫn còn nhớ chứ nhưng cháu với Quá đại ca đi ngang nhà bác nếu không ghé thăm bác cháu sợ bác bảo cháu không biết tôn trọng bậc trưởng thượng. Quá đại ca đây là sư bá của em anh ra mắt đi?
Trương Đại Quá chắp tay lại và làm lễ ra mắt ông lão theo đúng môn quy của Ngọc Trản thần công. Sau khi hành lễ xong Trương Đại Quá nói:
- Cháu tên là Trương Đại Quá quê quán ở Tây Sơn, thôn Trường Định xin ra mắt lão bá.
Ông lão nheo mắt nhìn Trương Đại Quá thật kỹ ông lầm bầm trong miệng một điều gì đó, một lát sau ông nói:
- Thôi được thằng nhỏ Thái lần này ta không bắt lỗi ngươi nữa, chàng thanh niên mời vào tệ xá!
Trương Thái vui mừng ra mặt nó giục Trương Đại Quá:
- Tạ ơn sư bá đi anh!
Trương Đại Quá không nói gì miệng anh tủm tỉm cười, anh đi theo ông lão vào trong nhà. Tuy là nhà tranh vách đất nhưng rất sạch sẽ, giữa nhà treo một chữ nhẫn được viết trên giấy màu đỏ. Bên dưới là một bộ phản làm bằng một loại danh mộc có lẽ đã lâu năm nên lên nước đen bóng. Ông lão mời Trương Đại Quá ngồi:
- Ta tên là Phan Ngọc Ẩn, thứ năm nên người ta hay gọi là ông già Năm. Chàng thanh niên cháu cứ gọi ta là bác Năm như thằng cháu nghịch ngợm của ta gọi là được rồi.
- Thưa bác Năm bác ở đây chỉ có một mình thôi sao?
Trương Đại Quá hỏi ông già. Ông già trầm ngâm nghĩ ngợi hình như câu hỏi của Đại Quá chạm vào nỗi buồn của ông thì phải. Nghĩ như vậy nên Đại Quá lấy làm áy náy anh nói tiếp:
- Cháu xin lỗi bác nếu câu hỏi vừa rồi làm cho bác buồn!
Ông già cười gượng:
- Không sao đâu cháu, đời ta sống một mình ở chốn núi đỏ rừng xanh cũng đã quen rồi. Hôm nay gặp được cháu đây cũng là do duyên tiền định. Thôi ta không nói tiếp chuyện này nữa, cũng gần trưa có lẽ các cháu đói rồi cũng nên?
Quay sang Trương Thái đang chắp tay đứng hầu một bên, ông Năm nói:
- Thái à con ra vườn bắt con gà, xuống ao câu vài con cá rồi làm vài món nhắm cho ta và anh con uống rượu.
Ông Năm hỏi Trương Đại Quá:
- Cháu kể cho ta nghe cháu và thằng Thái gặp nhau ra sao mà nó gọi cháu là Quá đại ca?
Trương Đại Quá kể lại chuyện tao ngộ của anh và Trương Thái vào buổi chiều chập choạng tối cách đây hai ngày và sơ lược về gốc tích của mình. Nghe xong, ông già Năm hỏi tiếp:
- Ta hỏi khi không phải ở thôn Trường Định cháu có biết một người trạc tuổi ta, cùng họ với cháu và có tên là Bổn không?
Trương Đại Quá ngạc nhiên nói:
- Thưa bác đó chính là cha cháu!
- Quả nhiên ta đoán không nhầm. Cháu Đại Quá ta và cha cháu ngày xưa là bạn đồng môn. Mới đó mà gần ba chục năm đã trôi qua, quả đời người tựa bóng câu qua cửa sổ!
Ông già trầm ngâm nghĩ ngợi như đang hồi tưởng về quá khứ, ông quên mất Trương Đại Quá đang ngồi trước mặt. Trong lúc này Đại Quá cũng đang xúc động, anh không ngờ tại chốn xa lạ này lại gặp một người bạn của cha mình. Trương chờ nghe ông già Năm nói tiếp nhưng hình như những hình ảnh của quá khứ đang tràn ngập trong lòng ông già nên ông không nói thêm một lời nào cả. Đợi một lúc lâu không thấy ông Năm nói gì Trương Đại Quá đánh bạo hỏi:
- Thưa bác vì sao bác phải lên tận trên này cư trú, cháu chưa bao giờ nghe cha kể về bác?
Nghe câu hỏi của Đại Quá ông Năm như người sực tỉnh khỏi cơn mơ, ông xua tay:
- Thôi thôi… chuyện của ta gác lại sau này nếu có dịp ta sẽ kể cho cháu nghe. Ta hỏi cháu chuyện này: ai đặt tên cho cháu?
- Thưa bác trong làng cháu có một ông đồ, cha cháu cho cháu theo thầy học được một ít chữ thánh hiền chính thầy đặt tên cho cháu.
Ông Năm ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
- Tên của cháu rất có ý nghĩa. Ta nghĩ ông đồ nho đó đã lấy số Hà Lạc của cháu nên mới đặt tên cho cháu theo quẻ Trạch Phong Đại Quá. Lời tượng của quẻ này nói rằng: nước đầm làm chết cây là quẻ Đại Quá. Người quân tử coi quẻ này mà một mình đứng riêng độc lập với thiên hạ cũng không sợ gì, dù phải trốn đời cũng không phiền muộn. Cho nên cháu phải nhớ rằng người quân tử phải có đức độ hành vi hơn người cứ việc gì hợp đạo nghĩa và chính đáng thì làm, dù một mình đứng riêng trái với thiên hạ cũng không sợ. Nếu là việc không hợp đạo không thèm làm, dù có phải trốn đời cũng không phiền muộn. Được như vậy trên đường đời cháu sẽ thành công.
Trương Đại Quá cung kính lắng nghe lời ông Năm dạy. Anh nghĩ rằng tuy chỉ mới gặp nhau nhưng giữa anh và ông Năm hình như có một mối nhân duyên đang hình thành, ông Năm có vẻ mến anh còn anh rất kính trọng ông. Ông Năm hỏi:
- Cha mẹ cháu vẫn mạnh khỏe chớ?
Nghe nhắc tới cha mẹ Trương Đại Quá trả lời với một nét mặt buồn thiu:
- Cha mẹ cháu chết cả rồi!
Ông Năm giật nẫy người và hỏi lại:
- Cháu nói sao cha mẹ cháu đã chết cả rồi à?
- Thưa bác đúng như vậy cha cháu chết cách đây ba năm còn mẹ cháu chết sau cha cháu vừa đúng một năm.
Nghe Trương Đại Quá nói như vậy ông già Năm lại chìm trong trầm tư mặc tưởng với vẻ đau khổ hằn rõ trên khuôn mặt già nua. Nhưng chỉ trong một thoáng ông Năm đã lấy lại vẻ bình tĩnh như thường. Ông nói:
- Ta chia buồn với cháu. Chuyện sinh ly tử biệt là lẽ vô thường của một kiếp người. Chắc thằng nhỏ Thái đã làm cơm xong bác cháu ta vào dùng cơm đi thôi.
Nhà bếp là một gian nhà khá rộng. Đó là một gian nhà tranh vách đất có hẳn một chái nhỏ bên cạnh để chứa củi khô. Bếp là một cái lò đắp bằng đất và đặt lên một cái bệ hẳn hòi khác hẳn với cái bếp của những người Lạch mà Trương Đại Quá từng thấy khi lên cao nguyên này. Lúc ấy Trương Thái đang sắp cơm ra một chiếc bàn được ghép bằng những thân lồ ô to và có bốn chân chôn xuống đất. Trương Thái mời:
- Cơm canh vừa xong con kính mời bác và Quá đại ca dùng cơm cho nóng.
Trương Thái vào chái chứa củi mang ra một vò rượu màu da lương được bịt bằng lá chuối khô. Cậu rót rượu ra hai chiếc chung màu cua đồng:
- Cháu mời bác và Quá đại ca uống rượu.
Cử chỉ rót rượu và mời của Thái rất thành thục hình như chuyên này cậu làm thường xuyên thì phải. Ông Năm bưng chung rượu lên nói:
- Chúng ta bèo nước gặp nhau. Cháu Thái hôm nay ta phá lệ cháu lấy thêm một cái chung và cùng uống với chúng ta.
Trương Thái vui ra mặt lần đầu tiên cậu được đối xử như người lớn nên cậu thích thú vô cùng. Còn ông già Năm hình như lâu lắm rồi ông mới có dịp ăn chung với người khác nên ông rất vui vẻ miệng cứ tủm tỉm cười hoài. Còn về phần Trương Đại Quá trong nhiều tháng qua Trương ăn uống một cách quấy quá cho xong bữa nên hôm nay được ăn cơm một cách đàng hoàng Trương Đại Quá lấy làm thích thú. Thêm vào đó tài nấu ăn của Trương Thái quả là hiếm có, cậu chế biến thức ăn rất ngon nên bữa cơm trưa diễn ra trong không khí rất là hứng khởi cộng vào đó có mấy chung ngũ gia bì tửu lâu năm của ông Năm nên ai cũng có vẻ hài lòng ra mặt. Ăn xong ông Năm nói:
- Khá khen cho thằng nhỏ Thái nấu ăn ngon…đã từ lâu ta mới có một bữa ăn ngon như vậy!
Trương Thái cười cười rồi nói:
- Hay là bác cho tụi con ở lại với bác con và Quá đại ca hàng ngày phục dịch cơm rượu cho bác?
Ông già trợn mắt:
- Không được, ta hồi giờ không quen sống với người khác. Ta cho bọn cháu ở lại ba ngày là đã phá lệ rồi!
Nghe ông già Năm nói Trương Thái mặt buồn thiu. Cậu suy nghĩ một hồi rồi tươi tỉnh trở lại, không hiểu Trương Thái đã nghĩ ra được điều gì. Trong khi ông già Năm và Trương Đại Quá uống trà, Trương Thái rửa chén bát. Khi đã úp cái chén cuối cùng vào chạn, Thái nói:
- Bác Năm hồi sáng cháu nghe bọn trẻ con hát một bài có liên quan đến bác, cháu đọc cho bác nghe nhé?
Ông Năm lấy làm ngạc nhiên hỏi lại:
- Chúng hát những gì mau nói ta nghe?
- Nhưng bác không được la cháu vì cháu chỉ kể lại cho bác nghe mà thôi?
- Được, ngươi kể đi!
Trương Thái hắng giọng rồi đọc…một bài vè:
- Nghe vẻ nghe ve/ nghe vè núi Cấm/ có ông Ngọc Ẩn/ người thật tài tình/ mặt mũi lình sình/ mà biết hết ráo/ai cho rằng láo/ cứ tới hỏi thăm/ nhà ông già Năm/ dưới chân núi Cấm.
Nghe xong ông Năm đùng đùng nổi giận:
- Bọn láo toét ta như vầy mà dám nói là mặt mũi lình sình a?
Trương Thái vội nói:
- Bác lại giận rồi con đã nói trước con chỉ nghe trẻ nhỏ đọc thôi, không phải con bịa ra chọc giận bác đâu. Con chỉ tin có một nửa bài vè này.
- Ngươi tin điều gì nói ra ta nghe thử?
Trương Thái trả lời:
- Đó là câu: “mà biết hết ráo” trong bài vè đó. Bác ơi bác có hiệu là Vạn Sự Thông có phải là chuyện gì bác cũng biết hết phải không?
Nãy giờ Trương Đại Quá lắng nghe đến đây thì anh hiểu rõ ý đồ của Trương Thái, anh phục thầm thằng nhỏ biết dàn dựng và dẫn chuyện để khai thác ông Năm. Đúng như Trương Đại Quá nghĩ ông Năm đã bớt giận:
- Làm sao ta biết hết tất cả chuyện trong thiên hạ được nhưng ngươi hỏi như vậy là có ý đồ gì?
Trương Thái nhìn Trương Đại Quá với ánh mắt thầm nhắc lại thỏa thuận của hai người. Đại Quá mỉm cười một nụ cười đồng loã với Thái, anh nói với ông Năm:
- Thưa bác chúng cháu không có ý đồ gì đâu chẳng qua cách đây một đêm, hai đứa cháu, nói chính xác là cháu có gặp một chuyện kỳ bí anh em cháu đang định đem ra hỏi bác xem bác có biết chuyện lạ này không?
Được sự đồng ý của ông Năm Trương Đại Quá đem chuyện gặp ông già lùn kì dị ra kể lại và ý định đi tìm bộ tộc người lùn của hai anh em họ Trương. Nghe xong ông Năm nghiêm nét mặt:
- Ta khuyên hai người bỏ ngay ý định tìm hiểu tộc người lùn đi nguy hiểm lắm.
- Vì sao lại nguy hiểm hả bác?
- Ta bảo nguy hiểm là nguy hiểm còn nghe lời ta hay không là tùy hai người, ta không lý đến chuyện của anh em các người đâu.
Ông già Năm miệng nói không quan tâm nhưng thái độ của ông thì ngược lại. Nét lo lắng hiện rõ trên gương mặt ông già. Thái độ đó khiến anh em họ Trương chú ý Trương Thái buộc miệng:
- Bác ơi tụi con không sợ nguy hiểm bác chỉ dạy cho tụi con đi!
- Ta đã bảo rồi không được là không được. Các người hết chuyện làm rồi sao mà lại muốn dây vào chuyện này hả?
Trương Đại Quá từ tốn nói:
- Thưa bác không phải là chúng cháu hết việc làm nhưng mà chúng cháu cần phải vào xứ sở của tộc người lùn để tìm một loại dược thảo, chỉ bọn người lùn mới biết loại thuốc đó mọc nơi nào. Bác thấy đó người xưa nói rằng “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”. Huống chi nếu thứ thuốc mà sư phụ em Thái chế ra thì có thể giúp cho bao nhiêu người khỏi bệnh?
Ông Năm trợn mắt nói:
- Dẫy na! Thằng cháu Thái sao bay không nói với ta chuyện này?
- Lần trước con mới hỏi bác về xứ sở người lùn bác đã chửi con và đuổi con phải đi ngay làm sao con có dịp để trình với bác?
Nghe nói vậy vẻ mặt ông Năm hoà hoãn trở lại, ông nói:
- Thôi được để ta kể một chút kiến thức mà ta biết về tộc người lùn nhưng nhất thiết các cháu phải thật là cẩn thận khi hành sự chứ xứ sở của người lùn Langbiang hung hiểm vô cùng.
…Lúc ta mới lên cao nguyên này, trong lòng ta muốn xa lánh tất cả mọi người. Vì sao ta phải như vậy sau này ta sẽ kể cho các cháu nghe. Thiên nhiên hùng vĩ và xinh đẹp cộng với khí hậu tuyệt vời khiến ta say mê dong ruỗi hết ngày này qua đến tháng nọ. Người Lạch giúp ta tất cả: họ cho ta gạo, muối mắm, quần áo để mặc với một tấm lòng hào phóng không lấy của ta một cái gì. Đến nay ta đã di chuyển qua nhiều nơi nhưng người dân ở đây vẫn quý và giúp đỡ ta như ngày trước vậy. Ta nói điều này để các cháu biết rằng: người Thượng có một tấm lòng thật là chân chất họ không màng lợi lộc, đó chính là đặc điểm của những người vùng cao. Sự thật thà chất phát của họ có được chính là do sống gần gũi với thiên nhiên mà thiên nhiên trên này trong sạch vô cùng.
Ta một mình lang thang trên cao nguyên xanh này và lấy làm thích thú với một cuộc sống cô tịch. Cách nay độ năm năm ta định cư ở một nơi cách chỗ này khoảng một ngày đi đường. Ta chăn nuôi, trồng trọt làm kế sinh nhai. Đất đai vùng này rộng bạt ngàn người bản địa thì ít cho nên ta chỉ cần nói một tiếng với già làng bon Lat là ta có thể sinh sống trên đất đai tổ tiên họ để lại. Ta chỉ chăn nuôi thỏ, trồng ít rau màu để trao đổi với người Lạch là đủ sống. Ta một thân một mình nhu cầu không có gì nhiều nên cuộc sống cứ bình lặng trôi qua. Đàn thỏ của ta phát triển rất tốt. Các cháu phải biết thỏ là giống sinh sản rất nhanh ban đầu ta chỉ có hai cặp vậy mà một năm sau ta có một đàn thỏ trên cả trăm con. Ta không bán chỉ để ăn dần và trao đổi với người Lạch. Vậy mà một hôm ta thấy đàn thỏ nhà ta hao hụt một cách khó hiểu. Ban đầu ta không để ý cho lắm, ta cứ tưởng rằng con chó nhà ta cắn chết vài con thỏ nhưng đến khi ta phát hiện ra đàn thỏ chỉ còn lại trên khoảng năm chục con thì ta buộc phải nghĩ khác đi. Ăn trộm của người khác là một thói xấu và người Lạch không bao giờ mắc phải thói này. Ta giao du với họ từ lâu nhưng chưa bao giờ biết qua một vụ ăn trộm hay ăn cắp. Vậy mà lần này ta phải nghĩ người Lạch ăn trộm thỏ của ta bởi vì chung quanh ta chỉ có người Thượng thì lấy ai ra để mà ăn trộm thỏ? Ta rắp tâm tìm ra kẻ trộm nhưng hình như một màn bí mật bao trùm lên trang trại của ta. Thỏ tiếp tục bị mất một cách khó hiểu còn ta thì không cách gì tìm ra thủ phạm.
Hôm ấy ta buồn bực trong lòng ta có uống hơi quá chén. Khi đã khá say ta ra vườn. Trăng trên trời sáng quá gió mát thổi xào xạc qua những ngọn cây. Ta ngồi ngắm cảnh dưới một gốc thông già ven bờ suối và ngủ lúc nào không biết. Đến khi ta giật mình tỉnh lại trăng đã lặn vào một đám mây, gió không còn vi vu thổi nữa. Ta nhìn thấy điều gì các cháu biết không? Trước mặt ta là hai nguời lùn đang ra sức kéo hai con thỏ của ta! Ta vừa tức vừa kinh ngạc. Từ hồi nào đến giờ ta chưa bao giờ gặp một người lùn kỳ dị như vậy bao giờ. Đó là hai người già, bộ râu của chúng rất thưa và đốm đỏ đốm vàng. Nhưng bộ quần áo của chúng mới làm ta tức giận: đó chính là bộ lông thỏ của ta. Ta tỉnh hẳn rượu và đứng vụt dậy. Thấy ta hai tên lùn bỏ chạy. Trong chớp mắt chúng biến mất tăm mất tích như có phép tàng hình. Ta hồ nghi quá đổi. Ta nghĩ rằng ta trông gà hóa cuốc nhưng giải thích thế nào về hai con thỏ đang nằm trước mặt ta? Hai con thỏ đã chết vì một vết thương trí mạng trúng vào tim lúc ấy máu còn ra, thân còn âm ấm. Ta nhặt hai con thỏ đi vào nhà vừa đi ta vừa suy nghĩ. Ta cả quyết rằng ta không nhầm! Ta có uống rượu thật nhưng đâu đến nỗi quá say?
Mấy ngày sau trang trại của ta bình yên thỏ không bị mất cắp nữa, ta cũng quên đi chuyện dưới đêm trăng. Mùa trăng tháng sau chuyện cũ lập lại. Ta tức điên người và quyết tâm tìm cho ra kẻ cắp. Ta mai phục chỗ tháng trước ta bắt gặp hai thằng lùn già từ lúc mặt trời lặn bằng cách ngồi trên ngọn thông già. Đêm rằm trôi qua trong yên lặng không một động tĩnh gì. Ta kiên trì mai phục đến đêm mười bảy. Lúc gần nửa đêm ta nghe một tiếng động lạ, đó là một tiếng rúc của một loại kèn nghe rất nhỏ nhưng rất chói tai. Ta nhìn xuống con đường mòn nhỏ dưới gốc thông. Dưới ánh trăng mờ ta nhìn thấy hai tên lùn già hôm trước. Lần này ta nhìn kỹ chúng. Chúng cao cùng lắm chỉ tới đầu gối ta da nhăn nheo với một bộ râu thưa, chúng mặc một bộ áo liền quần bằng da thỏ. Thật ra cái quần chúng mặc chỉ là một cái quần đùi lòi ra đôi chân ốm nhách. Vừa đi chúng vừa thầm thì trao đổi bằng một thứ tiếng nói thoạt nghe giống tiếng xào xạc của cây cỏ khi có cơn gió thổi qua. Đích đến của chúng đúng là chuồng thỏ nhà ta. Ta nín thở theo dõi. Quả là những tay ăn trộm cừ khôi, chúng hành động không gây một tiếng động và chỉ một lát sau chúng lôi ra hai con thỏ lớn nhất đàn. Ta điên tiết la lên:
- Ăn trộm… đừng hòng chạy thoát khỏi tay ta!
La xong ta nhảy xuống đất và vung tay. Một mũi thấu cốt đinh của ta trúng một tên còn mũi thứ hai thì hụt. Thằng thoát chết co giò chạy trốn với một thân pháp nhanh nhẹn không tưởng được. Các cháu phải biết rằng ta đã có trên hai chục năm luyện môn phóng thấu cốt đinh trăm phát trăm trúng. Hôm nay để một địch nhân chạy thoát khỏi mũi đin khiến ta ngẩn cả người ra. Đến lúc này ta mới biết rằng trong thiên hạ còn có những điều vượt lên sự hiểu biết của mình chớ từ trước đến giờ ta cứ nghĩ rằng thấu cốt đinh của ta một khi đã phóng ra là không ai thoát được. Ta có tẩm một thứ độc dược nơi mũi của mỗi cây đinh. Thứ độc dược này khiến cho người trúng thương tê liệt nếu trong vòng ba tháng mười ngày không có thuốc giải của ta thì người trúng thương phải chết. Vì đã tin chắc như vậy nên ta không lý gì đến tên trúng đinh của ta, ta cứ dò tìm mãi tên chạy trốn. Đến khi thất vọng vì tìm không ra ta quay lại chỗ hồi nãy. Thật bất ngờ tên trúng thương cũng không còn nữa! Đây chính là một một roi quất trúng tính tự mãn của ta. Ta thất vọng đến đau lòng vì thất bại vừa qua, quả là trong thiên hạ người này giỏi còn có người khác giỏi hơn, chuyện ta gặp phải là một ví dụ.
Ta ra sức tìm dấu vết của hai tên ăn trộm. Dưới ánh trăng mờ một vệt máu đỏ lộ ra. Thì ra tên trúng thấu cốt đinh bị thương, y mang thương đào tẩu. Ta ngạc nhiên hết sức biệt dược mà ta tẩm vào mũi đinh có gặp hổ cũng phải chịu nằm yên, vậy mà tên trộm lùn này lại có thể chạy trốn! Ta lần theo dấu vết và mất rất nhiều thời gian. Hình như bọn người lùn này lượng máu quá ít nên khi bị trúng thương máu chảy ra ngoài không nhiều lắm hoặc chúng có một phương thuốc cầm máu chăng? Vừa săm soi ta vừa nghĩ như vậy. Đến gần sáng dấu vết dẫn ta đến một cái hang sâu hun hút. Lúc này ta đã mệt vì suốt đêm truy tìm kẻ cắp ta ghi nhớ chỗ ấy rồi ra về .
Ta nghỉ một ngày rồi đến lại cái hang đó. Trước khi đi ta ra chuồng thỏ kiểm tra. Thật là tức ói máu đêm qua ta lại bị mất trộm thêm bốn con thỏ nữa. Ta căm tức nghĩ thầm trong bụng lần này ta sẽ đốt tan cái hang của bọn ăn trộm cho hết dòng giống lũ đạo chích. Đến nơi ta tìm thật nhiều củi chất trước cửa hang và châm lửa đốt. Khi lửa tàn ta bỏ về trong bụng nghĩ rằng từ nay ta sẽ ăn ngon ngủ yên, bọn người lùn chắc là chết hết cả rồi. Các cháu biết không, không ai có thể sống mà thiếu không khí được có lẽ bọn lùn cũng vậy thôi.
Nhưng sự thật không như ta nghĩ đàn thỏ ta vẫn tiếp tục chết, cho dù ta canh gác cỡ nào thỏ vẫn chết. Lúc này thì ta biết chắc bọn lùn trả thù ta vì thỏ bị trúng thương chết tại chuồng nhưng bọn chúng không thèm đem xác thỏ về như dạo trước. Chúng không để lại một chút manh mối nào khả dĩ có thể tìm ra thủ phạm. Đến nước này ta đánh liều ta thử vào tận hang ổ của bọn lùn bằng cách chui vào cái hang hôm trước ta phát hiện ra. Cửa hang rất nhỏ so với thân hình của ta cho nên ta dùng cuốc moi thêm cho rộng ra. Cũng may càng đi sâu vào trong lòng hang càng rộng khoảng mười trượng ta không cần moi thêm nữa. Chiếc hang lúc quành bên tả lúc quay bên hữu, đặc biệt là có một làn lãnh khí cứ chực hút ta vào phía trong. Ta cũng hơi sợ nhưng do quá tức tối nên ta cố gượng lại làn lãnh khí đó và đi đến cuối đường. Trước mặt ta là một vòm trời khác biệt hèn nào bao nhiêu là khói đốt của ta không có một chút tác dụng nào!
Ta say sưa ngắm cảnh xứ sở của bọn lùn. Đó là một thung lũng cực lớn, từ miệng hang ta nhìn thấy thung lũng được bao bọc bằng những ngọn núi cao chớn chở, đỉnh núi lẫn vào trong mây trắng. Giữa lòng thung là một con suối lớn nước chảy theo hướng tây bắc đông nam chia thung lũng ra làm hai phần bằng nhau. Tò mò qúa sức ta tìm đường để vào thung lũng. Cửa hang ta đang đứng cách mặt đất khoảng mười trượng vì vậy cảnh vật ta xem nãy giờ là xem từ trên cao xuống. Ta không hiểu bọn quỷ lùn xuống bằng cách nào với khoảng cách quá cao như vậy? Còn ta, ta có thể phi thân xuống nhưng cũng hơi lo lo vì ta không biết điều gì chờ ta phía dưới. Nhưng ta cứ liều, ta quan sát cẩn thận không thấy mặt đất bên dưới có gì khả nghi ta nhảy xuống. Khi vừa chạm đất ta hoảng kinh khi nhận ra rằng mình đang rơi vào một hố sâu. Thì ra đây là một bẫy rập ta vô tình lọt vào. Những tiếng leng keng vang lên, ta hiểu ngay đó là tiếng kẻng báo động người lạ xâm nhập lãnh địa của bọn chúng. Trong chớp mắt đó ta giơ tay lên đầu theo linh tính. Chính điều này đã cứu ta. Ta biết rằng chỉ chốc lát nữa thôi bọn lùn sẽ kéo đến lúc đó ta dù có một thân võ công cao cường cũng không thể địch lại số đông. Ta cho tay vào bọc rút ngay con dao cùn đen xì của sư tổ ngươi ra và cứa vào những vòng kim loại đang quấn chặt ta khi ta vừa sa xuống hố. Đó là những vòng dây bằng sắt to cỡ ngón tay út của ta. Nếu gặp phải người khác thì không cách gì thoát ra được nhưng với chiếc dao cùn của sư phụ ta thì dù sợi lòi tói đó có to bằng cườm tay con nít cũng không là một trở ngại. Chuyện con dao này ta sẽ kể cho các ngươi nghe khi có dịp. Từng vòng dây lòi tói rơi lả tả chỉ bằng một nhát dao ta được tự do. Ta lấy sức phi thân lên mặt đất. Lúc này những tên lùn lính canh nghe báo động đã chạy gần đến chiếc hố ta vừa sa vào nếu chỉ chần chừ một chút là ta khó thoát. Nghĩ như vậy nên ta vội phi thân trở lên cửa hang. Đúng lúc đó một số tên lùn reo hò kéo đến bẫy rập. Bọn chúng thấy ta thoát được cạm bẫy, chúng lấy làm tức tối, một số tên lấy cung tên ra nhắm ta và bắn. Thật là nực cười với những đồ trẻ con, ta cũng phóng vào chúng mấy mũi thấu cốt đinh trước khi bỏ đi. Tiếng reo hò của bọn lùn văng vẳng phía sau kèm với những tiếng rú đau đớn của những tên bị trúng thương nhưng vì chân cẳng bọn chúng nhỏ, bước chân ngắn nên chỉ một lúc là ta đã bỏ bọn chúng một khoảng cách khá xa. Ta về đến nhà thì gặp một bất ngờ nữa: trang trại bao nhiêu năm chăm sóc của ta giờ đây chỉ là đống tro tàn! Ta biết đây chính là kế “điệu hổ ly sơn” của bọn quỷ lùn, ta vì coi thường bọn chúng mà mắc vào. Ta ngồi phệt xuống đất hai mắt nổ đom đóm vì tức tối.
Chính lúc đó ta thấy người ta thật là khó chịu: một làn hơi lạnh không biết từ đâu thâm nhập cơ thể ta. Ta lên cao nguyên này đã khá lâu, những vùng lam sơn chướng khí ta cũng đã gặp nhưng chưa bao giờ bị chướng khí xâm nhập cơ thể vì ta rất chăm rèn luyện. Vậy mà giờ đây ta đang rét run dưới ánh nắng ban trưa của mùa hè. Đây là một điều khiến ta thắc mắc. Ta nghĩ có lẽ ta trúng một loại độc chất nào đó của bọn quỷ lùn mà ta không phát hiện được. Nhưng nếu ta trúng độc thì trúng ở đâu, bởi vì ta chưa tiến sâu vào lãnh địa của bọn chúng lắm? Đột nhiên ta nhớ lại chuyện ngày xưa. Lúc đó ta có một chuyện buồn nên lang thang khắp nẽo để khuây khoả, đồng thời ta muốn bước đường đời của mình thêm lịch duyệt. Năm ấy ta có đi ngang qua Hồng Lĩnh sơn. Đây là một ngọn núi cao thuộc châu Hoan, châu Ái của vương quốc Chăm Pa ngày xưa. Buổi chiều hôm ấy ta đi vào một thung lũng hẹp và dài. Cuối thung lũng ta thấy một cảnh rợn người: một nhà sư gầy gò bị một con trăn gió đang ra sức quấn chặt. Gương mặt nhà sư tái mét chỉ còn cặp mắt là nhìn ta cầu cứu. Ta rút ngay một cái thấu cốt đinh và nhắm đốt xương thứ mười lăm của con trăn và phóng vào. Sau đó ta dùng con dao đi rừng chặt một khúc đuôi cỡ gang tay của con trăn. Các ngươi phải biết sức mạnh của con trăn tập trung ở khúc đuôi này nếu bị chặt đi thì con trăn chỉ còn là một đống thịt không hơn không kém. Ta lôi nhà sư ra khỏi đống thịt trăn, ông đã bị gẫy một rẻ xương sườn nhưng tánh mạng đã được bảo toàn. Vừa thoát chết nhà sư vội buông một câu Phật hiệu:
- Nam Mô A Di Đà Phật… tội nghiệt… tội nghiệt… vì ta mà con trăn phải chết!
Nhà sư đã không cảm ơn cứu mạng của ta thì chớ lại còn ý trách ta qua câu nói đó. Ta tức giận nói:
- Nếu ta không giết nó thì liệu giờ này sư phụ còn sống hay không?
Nhà sư trả lời:
- Sống cũng vậy mà chết cũng vậy… tất cả chúng sinh đều trong vòng sinh tử luân hồi.
Thật là ngang phè hết chỗ nói, ta thôi không muốn dây dưa với lão thầy tu nên định bỏ đi. Thấy ta dợm bước nhà sư chấp tay lại và nói:
- Thí chủ ta có một điều nói với thí chủ. Hiện tại thí chủ đã bị một loại chướng khi xâm nhập rất sâu vào nội phủ nếu không chữa trị kịp thời thì chỉ trong vòng ba năm nữa thí chủ sẽ mạng vong!
Thấy ta có vẻ bán tin bán nghi lão thầy tu nói thêm:
- Có phải mỗi sáng thức dậy thí chủ thấy ớn lạnh khắp người không? Làn lãnh khí như dao cắt ban đầu chỉ phớt qua nhưng càng ngày thí chủ bị lạnh càng nhiều? Khoảng ba năm nữa nếu không chữa trị thí chủ sẽ bị xuất huyết tại thất khiếu và sẽ chết!
Quả thật những ngày trước đó ta thấy một cơn lạnh y như nhà sư nói, làn lãnh khí ngày càng hành hạ ta nhiều hơn. Nghe lão sư nói vậy ta đổi thái độ và xin lão sư cứu mạng. Lão đúng là một người càn rỡ lão nói với ta:
- Ta sẽ truyền cho thí chủ một loại tâm pháp. Hàng ngày thí chủ theo tâm pháp này mà luyện tập thì sẽ tránh được tai hoạ. Nhưng giữa ta và thí chủ coi như không ai nợ ai điều gì thí chủ chịu không?
Tất nhiên là ta chịu. Lão sư bày ta cách bắt tâm ấn, cách ngồi thiền và pháp hô hấp….Trước khi chia tay lão sư nói:
- Thí chủ giữa ta và thí chủ không ai nợ ai điều gì nhưng trước lúc chia tay ta có vài lời nói thêm thí chủ chịu nghe không?
Đúng là một con người càn rỡ ta nghĩ thầm trong bụng như thế nhưng miệng vẫn trả lời:
- Xin đại sư cứ dạy!
- Vậy thì thí chủ hãy nghe đây: bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra, bệnh đã vào rồi thì kiên trì tập luyện để đuổi bệnh đi. Nhưng bệnh của thí chủ không dễ gì đi khỏi nội phủ thí chủ vì vậy từ nay về sau nhất thiết thí chủ không để cho thân tâm tức giận. Nếu thí chủ để cho tức giận, sân, si làm chủ tâm tình của thí chủ lập tức bệnh sẽ kéo về lần này chỉ có Đại La Kim Tiên mới cứu được thí chủ thôi!
Sau đó ta và lão sư nói chuyện thêm một lúc rồi đường ai nấy đi.
Trở lại chyện ta thấy một làn hơi lạnh xâm nhập cơ thể, ta nghĩ ngay đến câu dặn của đại sư. Phát hiện ra điều này ta kinh hãi vô cùng. Quả trong mấy tháng qua ta rất tức giận những người lùn và quên bén đi lời dặn của lão sư. Đến khi nhớ lại thì hậu quả đã xảy ra rồi. Lúc này ta bình tĩnh suy xét. Ta thấy chỉ có con đường duy nhất là phải bỏ tất cả mọi chuyện để chuyên tâm luyện pháp môn mà lão sư chỉ dạy nhằm cứu lấy thân. Ta tìm đến một hang động gần nhà và kiên trì toạ thiền dẫn khí đi khắp châu thân để trị bệnh. Chỉ có những lúc cần kíp ta mới rời hang động để đi xin lương thực của những người bạn Lạch. Vậy mà phải mất một năm mới có chút thành tựu, làn lãnh khí không liên tục tấn công ta nữa nó đến cách nhật, rồi năm ngày, rồi một tuần mới “viếng” ta một lần. Hiện nay hàng tháng ta đều phải đón chào người bạn không mời mà đến!
Khi đã đỡ bệnh ta dời nhà đi. Thật ra nhà ta đã cháy cả rồi nên ta chỉ gom vài vật dụng lặt vặt và tìm nơi ở mới. Ta còn phải đối phó với những tên lùn nhiều lần nữa. Chúng theo dõi ta và ra tay giết chết gia súc mà ta nuôi, ngay cả con chó vàng ta coi như bạn chúng cũng không tha. Sự trả thù của người lùn thật là tàn bạo và dai dẵng. Phần ta qua chuyện vừa rồi ta thật không dám tức giận chúng dù chuyện chúng gây cho ta khó chịu đến đâu chăng nữa. Thấy ta không có một hành động trả đũa nào mãi gần đây bọn chúng mới buông tha ta, ta đang an vui sống như những ngày trước đó thì cháu Thái đến hỏi ta về bọn chúng, vậy thử hỏi sao ta không la rầy cháu được?
Trầm ngâm một lát rồi ông Năm nói tiếp:
- Nhưng bây giờ ta biết được mục đích của hai cháu thì ta phải có cách giúp các cháu thôi. Ta tin tưởng vào tài nghệ của sư phụ cháu Thái, sư đệ ta đã sai cháu vào chỗ ở của bọn lùn tìm dược thảo tất thứ dược thảo đó rất là quý hiếm. Sư đệ ta một đời nghiên cứu y dược cứu người chỉ tiếc quá ham chơi nên thành tựu cũng giảm đi nhiều. Thôi thì thế này: ta cũng vì tưởng nhớ đến bạn đồng môn mà truyền cho các cháu một ít phương thuật phòng thân biết đâu trên đường đời có cơ sử dụng, được như vậy ta lấy làm mãn nguyện lắm rồi.
Trương Thái và Trương Đại Quá nghe ông già Năm nói vậy cả hai mừng khôn xiết, không hẹn mà hai anh em cung kính quỳ xuống lạy ông Năm một lạy. Trương Đại Quá nói:
- Thưa thầy được thầy nhận làm đệ tử dạy dỗ chúng con, chúng con xin một lạy dâng thầy, chúng con xin hứa sẽ tuân theo lời dạy của thầy làm rạng rỡ môn phái!
Lời nói của Trương Đại Quá xuất phát tự tâm, không ngờ ông Năm đứng phắt dậy và nói:
- Ta chưa bao giờ nhận anh em các ngươi làm đệ tử, vì vậy miễn cho ta phải nghe những lời lẽ rườm rà.
Trương Thái và Trương Đại Quá quá đỗi ngạc nhiên, vừa rồi chính tai hai người nghe ông già Năm nói rằng sẽ truyền cho hai người một ít phương thuật phòng thân, chẳng lẽ sau khi hai người làm lễ bái sư xong ông Năm lại nuốt lời? Quả thật là khó hiểu. Ngẫm nghĩ một hồi bỗng nhiên Trương Thái cười nói:
- Thưa bác tụi con xin tâm lãnh những gì mà bác đã dành cho tụi con, tuy bác và tụi con không phải là sư đồ nhưng trong lòng tụi con lúc nào cũng coi bác như một người thầy, nếu bác vừa là thầy vừa là cha thì tụi con không mong muốn gì hơn nữa.
Nghe Trương Thái nói như vậy Trương Đại Quá mới hiểu thâm ý của ông Năm, anh thầm phục cách ứng xử của người em kết nghĩa. Quả thật trong mấy ngày qua, Trương Thái đã hai lần có cách ứng xử rất thông minh khiến ông Năm rất hài lòng. Vẻ hài lòng của ông Năm hiện rõ trên khuôn mặt già nua, ông mỉm cười rất hiền khác hẳn thái độ khi mới tiếp xúc với Trương Đại Quá. Ông nói:
- Các con qua thư phòng bên cạnh ta bắt đầu chỉ dạy cho các con. Ta nói trước rằng những môn ta dạy là những môn học bí truyền tuỳ theo sự tiếp thu của từng người mà thành tựu có khác nhau. Trong đời không ai là người ngu dốt cả, người này mạnh về môn này có thể không hợp với môn khác. Do đó trong học tập các con phải rất cố gắng tìm tòi, nghiên cứu những gì ta chỉ dạy và tìm ra những môn học thích hợp với mình. Trong tất cả các môn phương thuật ta biết được đều bắt nguồn từ bộ Kinh Dịch. Trong bộ Kinh Dịch này một vạch liền gọi là dương, một vạch đứt gọi là âm. Các bậc tiên hiền dạy rằng: “nhất âm nhất dương chi vị đạo…”.
Từ đó hai người họ Trương tạm gác lại những nhiệm vụ của mình và ở hẳn nhà ông Phan Ngọc Ẩn. Cả hai người rất chăm chỉ học hành. Ngoài ra hai anh em còn tổ chức lại cuộc sống của ba người. Với Trương Thái những món Thái nấu cho cả nhà ăn rất được ông Năm và Trương Đại Quá khen ngợi. Ngược lại Trương Đại Quá với những kinh nghiệm trong làm nông đã trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả chẳng những đủ ăn trong nhà mà còn dư thừa anh đem đổi lấy những vật dụng cần thiết khác với người Lạch.
Ba người đàn ông sống rất hạnh phúc dưới chân núi Langbiang.
CHƯƠNG 3
CHUYỆN CŨ