Năm nay trường Trung Học tỉnh nhà có thêm luồng gió mới. Trường mở thêm một lớp đệ Tam C. Nhiều năm trước trường chỉ có hai ban A và B mà thôi, những học sinh nào muốn học ban C phải xin chuyển trường vào trung học Võ Tánh, Nha Thành, cách xa Qui Thành khoảng hơn 200 cây số. Lúc bấy giờ phương tiện giao thông cách trở, đường sá thì việt cọng gài mìn, nhiều cây cầu bị phá sập. Đường xe lửa thì coi như tê liệt hoàn toàn. Nói chung, ai ở đâu thì ở đó. Thậm chí có người chưa bao giờ rời khỏi lũy tre làng mình, nên tuy khoảng cách giữa Nha Thành và Qui Thành không xa lắm nhưng học trò lúc bấy giờ học xa như vậy cũng có thể xem như mình đang du học ở nước ngoài. Trong tỉnh, khi trường tổ chức thêm lớp đệ Tam C, thì đây là cơ hội cho học sinh thích văn chương thi phú dồn về học lớp đệ Tam C nhiều.
Có một giáo sư mới chuyển về chuyên dạy văn, và ông cũng là một luật sư có bằng hành nghề. Thầy mới tên là Tôn Thất Biệt. Ông từ Cố Đô vào đây dạy học, mướn một căn nhà gần trường. Căn nhà ông tường ngoài sơn màu hồng phấn trông thật trang nhã. Trước ngõ có một giàn hoa giấy trông rất nên thơ.
Tuy còn trẻ, dáng dấp thư sinh, mái tóc quăn quăn bồng bềnh trên vầng trán rộng nhưng khi đi dạy học lúc nào cũng thấy ông quần áo chỉnh tề - vét tông, cà ra quách thêm đôi giày đen nhẵn bóng.
Vợ ông có tên là nữ sỉ Cẩm Ly. Nàng là một trong những cây bút chủ lực của Tuần San Mùa Lúa Mới tại Cố Đô. Nàng là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng trên văn đàn thời bấy giờ: - "Vòng Tay Người Tình" và cuốn "Những Con Mèo Đêm".
Để tìm hiểu thêm về vùng đất mới và tạo sự thân thiện với học sinh của mình thầy Biệt thường tổ chức những buổi du ngoạn cuối tuần dành cho cả lớp. Buổi du ngoạn đầu tiên được tổ chức cho cả lớp là buổi đi thăm một đảo hoang có tên là Minh Hải, bên kia bờ biển của Qui Thành. Để buổi du ngoạn được tổ chức hoàn hảo hơn ông dặn ba chàng thư sinh áo rách, chiều thứ Sáu ghé nhà để thầy dặn việc. Đây là dịp mà ba chàng Tuấn, Bích, Đường có dịp ghé vào nhà của thầy. Tâm trạng của học sinh thời bấy giờ rất kính trọng thầy, được dịp kêu đến nhà thầy là một vinh dự lớn. Sau khi tan học vào chiều thứ Sáu, cả ba đến nhà thầy rất đúng giờ. Thấy ba đứa học trò áo rách lấp ló trước cổng, thầy ra ngoắt tay ra hiệu vào nhà. Sau khi bỏ giày dép, cặp sách gần cữa ra vào, cả ba rón rén theo thầy vào trong. Bước vào nhà thầy trông sạch sẽ và ngăn nắp đến độ cả ba cũng không ngờ. Tầng trệt là phòng khách rồi đến một phòng chứa sách và nhà bếp rộng có bàn ăn, trên lầu có ba phòng thầy dùng làm phòng ngủ.
Sách ở đâu mà nhiều thế! Đủ tất cả các loại, từ luật pháp cho đến văn chương triết lý... Có tự điển dày cộm, cuốn nào cuốn nấy nặng gần cả ký lô. Thôi thì Anh, Pháp, Hoa, Việt đều có trên từng ngăn, trên kệ sách. Phòng này của thầy như một rừng sách hay có thể nói là một thư viện thu nhỏ mà cả ba chưa từng thấy bao giờ.
Sau khi dắt ba đứa học trò đi giới thiệu bên trong căn nhà xong, thầy dẫn cả ba trở lại phòng sách có bàn ghế tiếp khách lại có kê thêm một bàn làm việc cho thầy. Thầy bảo nơi đây là chỗ thầy thường dùng để tiếp khách, khách hàng, thân chủ một khi có ai cần thầy giúp đỡ về luật pháp. Thầy bảo tiếp khách nơi đây kín đáo hơn là khi ngồi ở phòng khách. Thầy dặn ba đứa học trò:
- Để chuẩn bị cho cuộc du ngoạn vào thứ Bảy tới được chu đáo hơn, các em về lớp lập danh sách học sinh nào muốn tham dự và dặn các em mỗi người phải đi xe đạp, nếu ai không có xe đạp thì kiếm người đèo, chở nhau đi. Nếu muốn đem theo thức ăn thì đem theo thức ăn nhẹ cũng được. Lẽ ra thầy sẽ cho các em ăn cơm tay cầm (bánh mì), nhưng không cần, thầy sẽ cho các em ăn xôi nếp nấu chung với ít đậu phộng ăn kèm với muối đỗ hay muối mè mà cô đang chuẩn bị đây. Ba em nên dặn các học sinh trong lớp tụ tập nhau tại nhà thầy rồi từ đây chúng mình xuất phát. Địa điểm gởi xe thì thầy đã sắp đặt trước ở một nhà quen. Ghe chở học sinh thì thầy cũng đã hợp đồng với các ghe đánh cá ở dưới Tấn rồi.
Chiếu thứ Sáu hôm đó, ba chàng thư sinh áo rách vào nhà thầy thì lúc cô đang chuẩn bị bữa cơm tối. Thầy bảo ba đứa ở lại ăn cơm chung cùng với thầy cô nhưng cả ba sợ quá đành tìm đường thoái thoát cho mau. Cô đang mặc một bộ đồ lụa hồng trông càng quí phái thêm. Tiếng nói của cô như chim hót rất khó nghe nhưng âm thanh phát ra thanh thoát vô cùng. Cô nói tiếng nói của người ở đất thần kinh nên những chàng học sinh xứ "Nẫu" hiểu tiếng được tiếng mất. Nhưng khi cô nói dầu hiểu hay không hiểu cũng chẳng dám hỏi lại, cả ba cứ cuối đầu dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện mà thôi.
Thứ Bảy tuần sau những học sinh muốn cùng thầy đi du ngoạn đều chỉnh tề tập trung tại nhà thầy mỗi người một con ngựa sắt. Đường trông khỏe hơn mấy cậu học sinh khác thì phụ trách chở một cái soong thật to có nắp đậy và bên trong có một thùng nước ngọt để dành cho mọi người dùng tạm nếu trường hợp bên ấy không có sẵn nước. Bích phụ trách chở nếp và đậu phộng cùng đũa muổng linh tinh, còn Tuấn phụ trách chở theo hai thùng nước suối Vĩnh Hảo mà thầy đã mua từ trước. Từ sáng sớm tinh mơ, đoàn ngựa sắt do thầy Biệt và cô Ly dẫn đầu đã phom phom trên đường chính của Qui Thành mà tiến về phía cảng.
Thuyền qua đảo Minh Hải là một làng chài với vài ba túp lều tranh tạm bợ. Cả đoàn lại phải băng qua một ngọn đồi trọc, qua bên kia núi nơi không thấy dấu chân người mới đúng là địa điểm du ngoạn hôm nay. Bãi cát hình vòng cung, thoai thoải và trắng như đường cát. Nước biển xanh trong như nhìn thấu tận đáy, sau lưng bãi cát là một rừng cây lá xanh màu lục diệp, phong cảnh như trong truyện thần tiên. Không hiểu sao thầy vừa mới đổi đến dạy học nơi đây mà lại biết chọn được cảnh này! Nghe đâu thầy có mấy người bạn là sĩ quan hải quân thời bấy giờ và mấy người bạn này mách thầy địa điểm đặc biệt này để dẫn học sinh du ngoạn, đi chơi.
Vừa đến nơi, cả lớp như bị thu hút bỡi vẻ đẹp có một không hai của cảnh quan, ai cũng nhào mình, cùng nhau vẫy vùng trong nước biển. Khi lặn xuống bạn sẽ thấy cả một rừng san hô rực rỡ đủ màu, lung linh trong nước biển như những toà thành thật đẹp. Như chúng ta đã biết san hô khi khô thì cứng nhưng khi còn trong nước biển nó có hình dạng là những cái cây đủ màu và trôi theo giòng nước mềm mại như những cánh hoa. Khi chân bạn dẫm lên san hô bạn chẳng biết chúng thật bén như những nhát dao và sau khi lên bờ bạn sẽ thấy bàn chân bạn bị cắt ngang dọc đầy người.
Để cho đám học trò của mình vùng vẫy cho thỏa thích, thầy Biệt điều động Thịnh và Lịnh là hai học sinh có sinh hoạt trong hội đoàn Hướng Đạo được vài năm nay phụ trách nấu xôi. Hai đứa dùng chiếc dao găm nhỏ xíu lên rừng chặt cây và gom củi đốt. Chúng dùng cây rừng và dây chặt cây làm thành một cái nạng chảng ba, treo lủng lẳng chiếc nồi lên đổ nước vào nồi có nếp và đậu phộng rồi châm lửa đốt. Thầy dặn hai đứa phụ trách nấu xôi phải hoàn tất trước mười hai giờ.
Thịnh và Lịnh là hai con sóc nhỏ trong lớp, vừa phụ trách nấu xôi và chuẩn bị cho bữa ăn vừa chạy vô chạy ra trong rừng để kiếm lá chuối rừng. Không biết kiếm ở đâu, hai đứa lôi ra khoảng mấy chục tàu lá chuối rừng, tàu nào tàu nấy vừa to vừa dài và trải lên một vùng đất bằng phẳng nằm trong lùm cây to có bóng mát dùng để làm nơi sinh hoạt và ăn trưa. Những tàu lá chuối rừng trải trên vùng đất phẳng phiu làm thành một tấm đệm ngồi cho gần ba chục thành viên.
Đúng mười hai giờ trưa, thầy Biệt vỗ tay ba cái ra hiệu cho tất cả các em học sinh tụ tập nhau trên những tàu lá chuối gần bên bếp lửa mà Thịnh và Lịnh đã chuẩn bị trước để cùng nhau ăn trưa và tâm tình. Mỗi đứa được phát cho một miếng lá chuối và hai que cây cùng muổng đũa dùng để ăn xôi. Mỗi phần xôi to bằng nắm tay, ai muốn ăn mặn thêm cho hợp với vị giác của mình thì cứ lấy muối mè, muối đỗ ăn chung với xôi có nấu chung với đậu phộng beo béo mà cô đã chuẩn bị đem theo như đã nói ở phần trên.
Nước biển xanh, cá lội nhanh nhanh. Cây rừng xanh, chim hót trên cành. Thầy trò ngồi ăn xôi dưới bóng cây rừng trước mặt là một vùng cát trắng. Phong cảnh cứ như thơ! Bỗng Tuấn đề nghị thầy Biệt giảng nghĩa cho cả lớp nghe một thắc mắc trong lòng.
- Thưa thầy, hôm trước tụi em có đi nghe nhà thơ Quách Tiên Sinh kể chuyện thơ, trong lần kể chuyện ông có nhắc đến bốn chữ Phong Kiều Dạ Bạc, ông đã từng viết trong bài thơ của mình:"Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng." chúng em không hiểu Phong Kiều Dạ Bạc là cái tích gì, xin thầy cắt nghĩa cho.
Thầy Biệt vừa ngồi bệt trên tấm lá chuối non, vừa ăn xôi uống nước vừa thích thú kể chuyện cho đám chim non của mình nghe. Ông nhấn mạnh.
- Các em học văn chương cũng nên biết chút đỉnh về giai thoại của bài thơ này. Ông kể rằng tác giả bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc có tên là Trương Kế. Trương Kế vốn là nhà thơ nổi tiếng của thời Thịnh Đường nhưng người ta quên mất năm sinh và năm mất của ông, chỉ biết ông sinh thời vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông. Sinh quán của ông ở Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc (vùng có dịch Vũ Hán ngày nay, được gọi là dịch Covid-19.) Ông là người thông thái, có kiến thức rộng, say mê đàm luận. Ông đậu tiến sĩ vào năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo. Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, khi mất ông đang làm tài phú ở Hồng Châu. Trương Kế chỉ để lại một tập thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài "Phong Kiều Dạ Bạc", tức là "Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều". Thầy Biệt giải thích thêm.
- Bến Phong Kiều là một địa danh bên Trung Hoa cũng tương tự như bến Ninh Kiều ở thành phố Cần Thơ chúng ta vậy. Như chúng ta biết Trương Kế đỗ tiến sĩ thời bấy giờ được bổ nhiệm, là một mệnh quan của triều đình, có kiến thức rộng, giỏi thi phú, do đó chắc chắn ông đã nhận ra rằng thời kỳ suy tàn của một triều đại đang trên con đường sụp đổ. Thời kỳ này là thời kỳ có người đẹp Dương Quí Phi, người đẹp vợ Vua có người tình là An Lộc Sơn, và trong một cơn ghen tuông với Vua về người đẹp đã nổi loạn chiếm kinh đô - Loạn An Lộc Sơn - đã làm cho vua quan phải bỏ cả Trường An mà chạy. Với tư cách là kẻ sĩ, chứng nhân của thời đại, Trương Kế muốn nói lên điều đó, tuy nhiên lịch sử đã cho thấy rằng chữ nghĩa có thể là tai họa, nhưng không thể không nói, chính vì vậy ông đã mượn bến Phong Kiều gần thành Cô Tô để gởi gắm tâm sự của mình. Bài thơ này chỉ vỏn vẹn có 4 câu gồm 28 chữ mà làm cho danh Trương Kế đứng vững muôn đời trong văn học sử. Có người nhận xét rằng: Một nhà thơ không cần làm nhiều thơ mà chỉ cần làm một bài cho thiệt hay như bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế trên đây, như thế là đã đủ nổi tiếng muôn đời rồi. (Chú Thích: Trích Minh Tâm trong website http://www.aihuucongchanh.com/baiviet/Phongkieu.html.)
Giai thoại xưa ghi lại rằng, Trương Kế đêm trăng hôm ấy neo thuyền ở bến Phong Kiều. Trăng thì khi mờ khi tỏ, có bầy quạ chợt bay ngang qua trên đầu vừa bay vừa kêu và sương xuống đầy trời. Tức cảnh sinh tình chàng thi nhân múa bút tính viết lên một bài thơ tứ tuyệt với hai cầu đầu bàng bạc, thơm tho như thế này.
"Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên."
Dịch nghĩa:
"trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
"trước giấc mơ buồn có cây phong ở bến sông và ngọn lửa thuyền chài thấp thoáng .
Như các em đã biết: - Làm thơ viết văn hơi khác với chẻ củi, nấu cơm, đào ao, cuốc đất..., những việc lao động chân tay nói trên nếu có một chút cố gắng là làm được. Làm thơ viết văn còn phải có một cái hứng, rán một chút cũng kể là xong nhưng lời văn không hay, thiếu sự hàm súc của ý tưởng làm cho người đọc thấy thô cứng không hấp dẫn thuyết phục độc giả được. Nói chung nếu làm thơ viết văn không kèm theo một chút hứng thú thì bài văn hỏng. (Chú Thích: Phần này trích trong bài viết của tác giả Hai Trầu: "Lá Thư Văn Nghệ gởi nhà văn Lâm Chương, trong Thất Sơn Châu Đốc ngày 27 tháng 10 năm 2014." Trích tạp văn của Lâm Chương bàn về văn chương hôm nay trên tạp chí Da Màu . Lâm Chương viết:"Vác đá. Đốn cây. Bửa củi. Gánh nước. Những công việc nặng nề như thế, lúc nào cũng có thể làm được, chỉ cần vận dụng bắp thịt và thêm một chút cố gắng là xong. Thế nhưng làm thơ viết văn thì khác. Nó không cần bắp thịt và cố gắng cũng không xong. Nói thế cũng hơi quá. Cố gắng cũng có thể xong, nhưng bài viết không đủ sức lôi cuốn, làm người đọc dễ buồn ngủ...Nếu người đọc không hiểu tác giả viết gì, thì đó là lỗi ở người viết, chứ không phải lỗi ở người đọc.”)
Nơi đây trong trường hợp của Trương Kế cũng tương tự như những thi văn sĩ tài hoa khác, khi làm xong hai câu đầu của bài thơ tứ tuyệt để đời cũng được kể là một trong những thí dụ điển hình của hành trình thi hứng mà một người viết phải có khi sáng tác. Trương Kế viết xong hai câu đầu xong thì tắc tị.
Đêm ấy - Trong mẫu giai thoại văn chương kia cũng xảy ra một sự việc hết sức ly kỳ. Gần bên bến Phong Kiều kia có một ngôi chùa tên là chùa Hàn San. Cũng đêm trăng bàng bạc ấy nhà sư trụ trì tại chùa Hàn San dẫn một chú tiểu ra ngồi bên hồ sen trong chùa ngắm trăng. Không gian đẹp quá, trăng nằm sóng soãi trên từng làn nước của mặt hồ, trăng lấp lánh trên bầu trời xa vừa cao vừa rộng. Thổn thức với trăng nhà sư cũng viết lên hai câu thơ:
” Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
bán tựa ngân câu bán tựa cung."
Dịch nghĩa:
Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Rồi thì sư cụ cũng “bí vận” giống như Trương Kế, có nghĩa là không làm tiếp được nữa cho bài thơ trọn vẹn. Đang vò đầu suy nghĩ để làm tiếp hai câu sau cho trọn vẹn bài thơ nhưng không tài nào viết lên cho được. Chợt chú tiểu đang ngủ lim dim dưới chân sư phụ bỗng đúng bật dậy đi tới đi lui dưới bóng trăng và ngâm lên:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không.
Nghĩa là:
Ý nói là mặt nước hồ sen như một miếng ngọc được chia ra làm hai, nửa in ánh trăng chìm trong đáy nước, nửa mảnh trăng kia còn đọng lại trên bầu trời.
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
Nếu dùng hai câu của chú tiểu vừa đọc để ráp vào hai câu đầu vừa làm được của sư cụ thì bài thơ sẽ như thế này:
"Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tựa ngân câu bán tựa cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không."
Một bài thơ tứ tuyệt quá hay!
Như chúng ta đã biết, chú tiểu ở điệu trong chùa thường là những thiếu niên nhỏ tuổi khoảng chừng 10, 12 tuổi. Sức học và trình độ thơ văn làm sao có khả năng viết lên được những câu thơ tài hoa như thế! Nhưng đêm nay chính miệng của chú tiểu đã ngâm lên hai câu thơ nối tiếp hai câu thơ của sư cụ đang làm dang dở. Sư cụ vốn là người tận tín sự nhiệm mầu của Phật pháp nên thầm nghĩ rằng không thể nào một chú điệu nhỏ như vầy lại đủ sức làm nên hai câu thơ tuyệt tác như đã nói trên! Ắt hẳn đâu đây có sự độ trì gia hộ của chư Phật, qua chú tiểu, đã xuất khẩu thành thơ hai câu mà mình muốn viết mà viết chẳng xong! Nên đêm hôm ấy nhà sư mới vào thỉnh chuông để tạ ơn gia hộ của Tam Bảo và chư Phật. Chúng ta cũng cần phải nói thêm rằng chùa Phật ở Việt hay chùa phật ở Trung Hoa đều thỉnh chuông vào sáng sớm và buổi hoàng hôn mà chúng ta thường nói rằng thỉnh chuông công phu. Ít khi nào và cũng không có chùa nào thỉnh chuông vào thời gian khác với chuông công phu này, tức là chúng ta không nghe chuông chùa vào những giờ trưa hay nửa đêm. Hôm nay sư cụ tại chùa Hàn San thỉnh chuông vào lúc nửa đêm để tạ ơn gia hộ của chư Phật. Chính tiếng chuông sái nhịp này đã vọng xuống thuyền mà Trương Kế đang ngồi bí vận với hai câu thơ mà ông làm được nói trên. Bỗng đâu tiếng chuông trật nhịp của chùa Hàn San vọng đến tai ông vào lúc nửa đêm khiến cho ông cảm khái và làm nốt hai câu sau:
"Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền."
Dịch Nghĩa:
Chùa Hàn San ở ngoại thành Cô Tô
tiếng chuông nửa đêm vọng đến tai người lữ khách trên thuyền.
Đó là câu chuyện mà thầy Biệt kể lại cho đám học trò của mình nghe nhân chuyến du ngoạn trên đảo Minh Hải ngày xưa.
Chú Thích: Trích:http://thohoangnguyenchuong.weebly.com/th417-d7883ch-ch7919-haacuten/phong-kiu-d-bc."
Thầy Biệt đọc lại toàn bài thơ trên và cắt nghĩa:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
dịch thơ:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Bản dịch: Tản Đà)
Cảnh sắc lúc đó, sương phủ mờ cả dòng sông và bến đậu, trăng xế ngang đầu. Chiếc thuyền của nhà thơ Trương Kế đậu lẻ loi bên bến Phong Kiều. Trên bờ, ngoài thành Cô Tô, chùa Hàn San mờ ảo trong đêm. Tiếng chuông chùa ngân vang, lay động cả màn sương và bật mở hồn thơ Trương Kế.
Thầy nói:
- Chúng ta đọc lại lần nữa để mới thấy được cái hay của bài thơ.
Câu đầu, thơ đi nhịp nhàng, lửng thửng như nhà thơ đang thả hồn mình trong quang cảnh xung quanh, trong sương, dưới trăng:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Câu hai, nhịp thơ đi chậm lại để thi sĩ có dịp quan sát bên kia sông hàng cây phong, dưới sông thấp thoáng ánh lửa thuyền chài, đêm buồn dịu dàng, ray rức:
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
Câu ba, nhà thơ như sực tỉnh bỡi tiếng chuông ngân bất ngờ từ ngôi chùa ẩn hiện trong đêm:
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
Câu cuối, nhà thơ ngẩn ngơ với tiếng chuông ngân trật nhịp giửa đêm tịch mịch, làm cho sương như lung lay, nước như gờn gợn, khách trong thuyền xao xuyến cả tâm hồn:
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Buổi du ngoạn đến chừng khoảng ba bốn giờ chiều thì chấm dứt. Trời bỗng hiu hiu gió. Mặt biển xa xa từng cơn sóng gợn đều đặn vỗ vào bờ. Bỗng dưng không biết làm sao đàng xa giữa biển khơi, nước như gom lại một chỗ và cuộn lên, hút lên như hình một quả nấm tròn hình phễu, rồi mặt biển đùng đùng dậy sóng! Thầy Biệt nói biển bắt đầu động rồi. Có đứa trong nhóm học sinh cho là rồng đang hút nước. Thầy bảo đám học sinh chuẩn bị ra về. Đêm đó trong nhật ký của mình Tuấn viết:
"Nước biển xanh xanh
cá lội nhanh nhanh
Cây rừng xanh xanh
Chim hót trên cành.
Trời cao đất thấp.
***
Cá hóa rồng...
Che lấp trời Nam.
(Trích thơ của Phan Tấn Thiện - Vạn Lý Trường Không- 1962.)
Sau cuộc du ngoạn về, không hiểu tại sao cả tỉnh này đang bước vào một mùa dịch cúm. Đi đâu cũng thấy người ho sù sụ, hết nhà này đến nhà khác, hết người này đến người khác, không ai tránh khỏi. Mỗi khi có bệnh tật về thì các công ty bán thuốc, nhà bào chế, các tiệm thuốc dường như đếm tiền không kịp. Một trong những nghành nghề kiếm tiền nhiều nhứt và dễ làm giàu nhất là nghành dược phẩm trong nước Văn Lang thời bấy giờ. Khi có bệnh dịch xảy ra, những nhà bào chế dược phẩm Đông Y cũng như Tây Y đều mở hết công suất để đáp ứng thị trường mà cũng không kịp. Ngoài việc sản xuất thuốc, nhà thuốc còn lo về việc khuyến mãi cho thuốc mình, thậm chí còn có nhà thuốc dám đăng quảng cáo trên báo nói rằng bất cứ ai dùng thuốc của công ty chúng tôi mà còn nhuốm bệnh thì công ty sẽ bồi thường và thưởng. Nhà thuốc Võ Văn Dần là một trong những nhà thuốc có đăng quảng cáo này. Công ty bào chế thuốc này còn khẳng định chắc nịch rằng: "Công ty chúng tôi sản xuất thuốc chống cảm cúm hiệu con nhện thuốc được bảo quản bằng sáp ong, ai dùng thuốc của công ty Võ Văn Dần hiệu con nhện ngày uống ba lần, uống trong một tuần mà còn bị nhiễm bệnh cảm cúm thì công ty sẽ bồi thường hai chục ngàn đồng. Hiện công ty có để dành riêng hai trăm ngàn đồng trong ngân hàng Kỹ Thương tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Đô để dành trả cho khách hàng nào sử dụng thuốc của công ty theo lời dặn trong toa mà còn mắc bệnh cảm cúm."
Cô văn sĩ Cẩm Ly, vợ thầy Tôn Thất Biệt tin theo lời quảng cáo của công ty bào chế thuốc Võ Văn Dần, mua thuốc hiệu con nhện về uống đúng theo lời chỉ dẫn trong toa và đúng theo lời quảng cáo trên báo nhưng chẳng may cô cũng bị nhiễm bệnh như thường. Cô giận quá viết thư cho công ty sản xuất thuốc Võ Văn Dần và yêu cầu công ty bồi thường cho mình hai chục ngàn đồng như trong lời quảng cáo. Sau khi chờ cả tháng trời công ty gởi thư lại thông báo cho cô Cẩm Ly biết rằng công ty không chịu bồi thường. Công ty trả lời rằng quảng cáo trên báo chẳng qua là quảng cáo để bán thuốc mà thôi, ai tin thì rán chịu, nhà thuốc còn giễu cô rằng: "Làm báo nói láo ăn tiền." Nếu cô muốn thưa ra tòa thì cứ thưa, công ty sẵn sàng vát chiếu theo hầu. Công ty bào chế thuốc trả lời theo kiểu nhà giàu như thế đó đối với ai thì được nhưng đối với cô Ly thì không được rồi! Cô giận quá bàn với chồng mình là thầy Biệt đưa nội vụ ra tòa sơ thẩm Qui Thành để nhờ phán quan của tỉnh này phán quyết.
Hệ thống tư pháp thời bấy giờ được phân chia theo từng vùng lãnh thổ. Từ cấp quận, huyện thì có tòa hòa giải, hay tòa có thẩm quyền phạt vi cảnh, lên đến hàng tỉnh thì có tòa sơ thẩm, và lên cao nữa thì có tòa thượng thẩm. Nước Văn Lang thời bấy giờ có hai tòa thượng thẩm. Một tòa thượng thẩm Cố Đô dành cho các tỉnh miền Trung từ Bình Thuận trở ra. Một tòa thượng thẩm của Sài Đô thì áp dụng cho các tỉnh ở phía Nam. Chót vót trên cả nước thì có tối cao pháp viện hay tòa phá án.
Như các tỉnh khác của nước Văn Lang thời bấy giờ, tòa sơ thẩm của tỉnh này nằm trên đường Hồ Thơm, ngó ra biển lớn. Tòa nhà này cũng rộng rãi, hoành tráng không thua gì bệnh viện của tỉnh. Dân chúng Văn Lang thời bấy giờ đa số là nông dân, tám mươi phần trăm chuyên sống về nông nghiệp, quanh năm chỉ biết con trâu, cái cày, lũy tre làng không ít người biết về tư pháp, quan tòa, trạng sư...là những ai và những cái gì! Việc này cũng giống như ba chàng học trò áo rách Tuấn, Bích, Đường đã trải qua suốt thời niên thiếu ở Qui Thành mỗi lần đi ngang qua tòa án thì chỉ thấy có chữ tòa án gắn ngay trước cổng chứ chẳng biết bên trong là chứa những gì nếu không được thầy Biệt dẫn vào xem khi ông đệ đơn kiện công ty sản xuất thuốc lừa nữ sĩ Cẩm Ly. Hôm ra tòa thầy dẫn mấy đứa học sinh trong lớp của thầy và cô Cẩm Ly vào nghe tòa xử.
Phần bên ngoài tòa thì khung cảnh cũng chẳng có gì đáng nói nhưng bên trong thì lại nhộn nhịp vô cùng. Bên trong tòa chia ra làm nhiều phòng. Phòng Biện Lý, phòng Dự Thẩm và phòng xử án có đánh số khác nhau. Thầy dẫn mấy đứa học sinh vào trong phòng xử vì hôm nay tòa đăng đường để xử vụ kiện mà cô Cẩm Ly kiện công ty bán thuốc Võ Văn Dần. Đúng giờ xử án thì ông Thừa Phát Lại của tòa còn gọi là mõ tòa hô nghiêm. Mọi người đứng lên chào ông chánh án của phiên xử. Ông chánh án mặc áo choàng đen xuất hiện ngay cữa nhỏ gần bàn của ông. Khi ông ngồi xuống thì cả tòa mới được ngồi. Ông chánh án mặc sắt đen sì, trông nghiêm nghị và hình như ông chẳng lộ cảm xúc nào trên khuôn mặt.
Để đối phó với vụ kiện này, công ty sản xuất Võ Văn Dần mướn hai trạng sư, nghe nói đâu là những trạng sư nổi tiếng ở Sài Đô và ở Cố Đô. Trạng sư ở Sài Đô có tên là Trần Quang Dũng và trạng sư ở Cố Đô có tên là Vũ Văn Diệu. Sau khi mõ tòa đọc sơ lược vụ án tòa quay qua chuyển lời cho luật sư bên nguyên đơn mở lời. Thầy Biệt bắt đầu:
- Thưa quí tòa, hôm nay tôi xin đại diện cho nữ văn sĩ Cẩm Ly tên thật là Nguyễn Thị Hoàng chính thức khởi tố công ty bán và bào chế thuốc Võ Văn Dần về sự bội ước của công ty. Công ty Võ Văn Dần quảng cáo trên các báo Thời Báo, Ngôn Luận, Tự Do, Thời Mới ...vân vân và vân vân ...rằng:
"Công ty chúng tôi sản xuất thuốc chống cảm cúm hiệu con nhện thuốc được bảo quản bằng sáp ong, ai dùng thuốc của công ty Võ Văn Dần hiệu con nhện ngày uống ba lần, uống trong một tuần mà còn bị nhiễm bệnh cảm cúm thì công ty sẽ bồi thường hai chục ngàn đồng. Hiện công ty có để dành riêng hai trăm ngàn đồng trong ngân hàng Kỹ Thương tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Đô để dành trả cho khách hàng nào sử dụng thuốc của công ty theo lời dặn trong toa mà còn mắc bệnh cảm cúm."
Thầy đưa mẫu quảng cáo của công ty cắt ra trên các báo nói trên lên cho Thừa Phát Lại chuyển lên cho ông quan tòa xem xong. Thầy nói:
- Thân chủ của chúng tôi cô Nguyễn Thị Hoàng, còn được gọi là Cẩm Ly, sau khi mua thuốc này về và dùng đúng theo sự chỉ dẫn trong toa thuốc, ngày uống ba lần, trong suốt một tuần nhưng kết quả vẫn bị bệnh cảm cúm như thường và đây là lời chứng của Bác Sĩ tại bệnh viện Đa Khoa của Qui Thành là cô Cẩm Ly bị bệnh cảm cúm vào những ngày sau khi dùng thuốc hiệu con nhện của công ty Võ Văn Dần. Thầy đưa y chứng của Bác Sĩ cho quan tòa xem xong. Thầy kết luận:
- Thân chủ chúng tôi đã dùng thuốc theo lời dặn trong toa thuốc và đã thực hiện đúng như trong lời quảng cáo và lại mắc bệnh dịch cảm cúm. Tôi xin thay mặt thân chủ yêu cầu tòa buộc công ty Võ Văn Dần bồi thường cho thân chủ chúng tôi là hai chục ngàn đồng đúng như trong lời quảng cáo và phải chịu tất cả án phí tụng lệ. Nói xong thầy Biệt về ngồi lại vị trí của mình, bàn của thầy kê gần bàn của mõ tòa.
Chánh án phiên xử hôm nay có tên là Lữ Tấn Phương, một trong những thẩm phán nổi danh của nước Văn Lang thời bấy giờ. Ngoài công việc thường ngày của ông là một thẩm phán xử án, chuyên xem xét hồ sơ và xử án, ông còn dành thời gian của mình để nghiên cứu và viết lách. Trong Pháp Lý Tập San ông có viết một bài phân tích về vụ án "Võ Tòng Sát Tẩu", (vụ án ngày xưa Võ Tòng giết chị dâu của mình là người đẹp Phan Kim Liên để báo thù cho anh mình là Võ Đại Lang, là một người yếu đuối chuyên nghề bán bánh bao, đã bị chị dâu cùng nhân tình là Tây Môn Khánh đầu độc chết để thõa mãn tư tình, dâm dục trong truyện Thủy Hử của tác giả Thị Nại Am.) đọc cũng vui vui. Khi thầy Biệt nói xong, toà mời luật sư của bên bị đơn là nhà thuốc Võ Văn Dần lên tiếng. Trạng sư Vũ Văn Diệu trạng sư ở Cố Đô lên tiếng trước. Ông này bước lên, đi tới đi lui, dáng điệu dường như khoan thai và tự tin lắm nhưng đến khi ông mở lời thì thật khó nghe. Ông nói giọng trọ trẹ, giọng của những người Bắc Quảng hình như Quảng Trị, Quảng Bình gì thì phải! Ông nói:
- Theo tôi vụ án này có ba điều mơ hồ, không thể kết luận rằng nhà thuốc Võ Văn Dần mang tội bội tín, bội ước với khách hàng được. Thứ nhất, lời quảng cáo trên báo thật mơ hồ, mơ hồ về ý niệm của thời gian. Xin tòa xem lại trên lời quảng cáo không có một dòng chữ nào hạn chế về ý niệm của thời gian. Điều này có nghĩa là sự quảng cáo trên trói buộc thân chủ là nhà thuốc Võ Văn Dần phải chịu trách nhiệm đối với người dùng thuốc trong bao lâu? Hai năm, năm năm, mười năm... về lời quảng cáo này? Đồng thời trong lời quảng cáo nói trên có sự mơ hồ về việc kiểm chứng làm sao biết khách hàng có mua thuốc của chúng tôi và dùng thuốc đúng theo lời dặn trong toa hay không? Và điều mơ hồ thứ ba là mỗi khi người tiêu dùng mua thuốc uống theo lời quảng cáo có cần phải thông báo cho nhà thuốc biết là tôi có mua thuốc của ông uống đây, và nếu tôi bị bệnh là ông phải bồi thường! Tất cả các điểm mơ hồ nêu trên không được đáp ứng thõa mãn, nên tôi xin tòa phán quyết thân chủ chúng tôi không có nợ nần gì cô Cẩm Ly cả, và xin tòa bác đơn kiện của cô Cẩm Ly bỡi sự phi lý, mơ hồ của lời quảng cáo như chúng tôi đã trình bày.
Sau lời trình bày của luật sư Vũ Văn Diệu của đất Thần Kinh, đại diện của nhà thuốc Võ Văn Dần đang có mặt tại tòa để nghe tòa xử, mặt mày coi bộ hí hửng, sáng lên. Thầy Biệt và cô Cẩm Ly thì mồ hôi vã ra trên trán. Riêng ông Bao Công mặt sắt đen sì ngồi trên bàn xử án kia thì không lộ một nét gì! Bây giờ thì ông Bao Công Lữ Tấn Phương mới mời luật sư thứ hai của công ty bào chế thuốc lên tiếng. Luật sư Trần Quang Dũng của Sài Đô mới có dịp trổ tài , ông nói:
- Thưa quí tòa, nếu chiếu theo án lệ của nước Văn Lang mà nói từ trước đến nay chúng ta chưa có vụ án nào mà người bệnh nhân đi kiện công ty bán thuốc theo lời quảng cáo trên báo mà người đi thưa được thắng kiện cả, bỡi lẽ, một quảng cáo trên báo không đủ yếu tố để hình thành một bản hợp đồng trọn vẹn đúng nghĩa giữa nhà sản xuất thuốc và người tiêu thụ. Theo luật, một hợp đồng trọn vẹn phải hội đủ ba yếu tố: Lời đề nghị (offer); sự chấp thuận (acceptance); và sự trao đổi (consideration). Nếu xem mẫu quảng cáo nói trên là một lời đề nghị và sự trao đổi là mua thuốc uống và tiền thưởng là hai chục ngàn đồng thì vẫn còn thiếu một yếu tố cần thiết nữa cho bản hợp đồng là sự chấp thuận của đàng bán và đàng mua, hay nói cách khác hơn là sự chấp thuận giừa thân chủ nhà thuốc chúng tôi và cô Cẩm Ly dùng thuốc. Thưa quí tòa một bản hợp đồng không trọn vẹn thì không được xem như một hợp đồng, và lời quảng cáo trên không được xem như một hợp đồng chính thức giữa thân chủ chúng tôi là nhà thuốc và người tiêu thụ thì xin tòa tiêu hủy vụ án và phán vụ kiện này không đủ cơ sở để khởi tố.
Là một nhà văn có tiếng trên văn đàn, nhưng cô Cẩm Ly không giấu được nỗi xúc động của mình khi nghe hai trạng sư kia bắt bẻ, mặt cô biến đổi theo từng lời nói của luật sư bên kia, khi trắng, khi xanh. Còn thầy Biệt thì dường như đang nghĩ ngợi lung lắm. Có lẽ thầy đang nghĩ mình sẽ giải thích làm sao cho tòa hiểu được nỗi oan trái, bực tức, thiệt hại của vợ mình. Dường như thầy có chủ đích trước và chuẩn bị sẵn sàng. Sau lời biện luận của luật sư Trần Quang Dũng đại diện nhà thuốc xong thì tòa mời thầy Biệt lên phản biện. Thầy Biệt bước lên, hai tay thầy vịn chắc trên thành ghế và từ tốn nói:
- Thưa quí tòa, chúng tôi rất đồng ý với quan điểm vừa đưa ra của người anh em ở phía bên kia là một hợp đồng trọn vẹn phải đạt đủ ba yếu tố: - Lời đề nghị - Sự chấp thuận của đối tác; và - Sự trao đổi. Tuy nhiên trên cõi đời này chúng ta còn có những hợp đồng dưới dạng khác nhau: - Hợp đồng song phương, hợp đồng đơn phương, hợp đồng bằng miệng, hợp đồng bằng chữ viết hay hợp đồng ám thị... vân vân và vân vân... Tùy theo hoàn cảnh, trường hợp khác nhau mà tòa án sẽ có những cái nhìn khác nhau khi phán quyết. Một hợp đồng song phương là thí dụ dễ hiểu nhất theo luật hợp đồng, ví dụ khi các bạn mua bán nhà. Người mua mở lời đề nghị, người bán chấp thuận và sự trao đổi là căn nhà và số tiền mà người mua phải trả. Để diễn tả hợp đồng khế ước một cách vui vui trong văn chương bình dân chúng ta có bài thơ "Thằng Bờm". Thầy vừa đọc thơ Thằng Bờm vừa giải thích:
"Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu."
Ba câu thơ trên diễn tả một cuộc trao đổi giữa thằng Bờm và phú Ông. Ba câu trên mở đầu cho một bản hợp đồng kỳ lạ. Phú Ông đề nghị (offer) đổi cái quạt mo với ba bò chín trâu (consideration), và thằng Bờm từ chối (no acceptance) lời đề nghị này. Lời thơ bình dân kia không dừng lại ở đó mà còn đi tiếp. Hai bên chưa đồng ý chấp thuận cuộc trao đổi ly kỳ mà còn tiếp tục thương thuyết cùng nhau.
Phú Ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè.
Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim.
Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi.
Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười."
Bài thơ đi tiếp từ những cuộc trao đổi cao sang, quí giá xuống thang lần cho đến nắm xôi thì Bờm cười. Anh chàng Bờm này chấp thuận hợp đồng này vào giờ phút chót.
"Thông thường khế ước được lập do một bên khởi sự bằng mời chào dạm hỏi (offer) và bên kia hoàn tất bằng chấp thuận (acceptance). Thí dụ như Phú ông liên tiếp đưa lời dạm hỏi thằng Bờm đổi hết trâu bò, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi để lấy cái quạt mo nhưng Bờm từ chối tất cả, cuối cùng là đề nghị đổi lấy nắm xôi thì được Bờm chấp nhận, sự trao đổi giữa hai người đã hình thành một hợp đồng có hiệu lực theo luật khế ước. Tuy nhiên trong thực tế rất khó tìm được một hợp đồng hoàn hảo theo lý thuyết vì phần nhiều khế ước ẩn chứa ngôn từ mơ hồ thiếu chính xác.
Giả sử ngay từ lúc đầu Phú ông vì thích cái quạt mo quá và Bờm nhận lời ngay đề nghị đổi ba bò chín trâu, sau đó Phú ông thấy tiếc trâu mà đưa ra tòa xin đòi lại vì lẽ giá trị của cái quạt và trâu bò quá chênh lệch nhau thì chắc chắn tòa sẽ bác bỏ lời xin của Phú ông. Bờm vẫn thắng kiện vì chỉ có mỗi một cách thẩm định giá trị công bằng của cuộc đổi chác là sự tự nguyện của người mua và người bán trong việc ký kết hợp đồng.
Như vậy một khi hai người hứa hẹn và bằng lòng với nhau thì giao kết ấy luôn luôn hợp pháp? Thực ra không hẳn như vậy mà còn tùy thuộc vào tính cách hợp lệ của lời hứa theo nguyên lý trao đổi (consideration doctrine) có nghĩa là một điều gì cho đi để bù lại một điều gì nhận được từ người khác.
Theo nguyên lý này tất cả các cuộc trao đổi hai chiều đều có hiệu lực. Trở lại thí dụ chuyện thằng Bờm, Bờm nhận nắm xôi của Phú ông để đổi lấy cái quạt mo dĩ nhiên là một cuộc trao đổi hợp lệ vì cả Bờm lẫn Phú ông đều hành xử quyền tự do lập khế ước của mình do đó có thể coi như một hợp đồng có hiệu lực vì khi giao ước cả hai bên đều hiểu rõ giá trị của lời mình hứa.
Theo án lệ trên một khế ước hay hợp đồng không hẳn cần thiết phải viết ra thành văn bản. Chỉ cần hai bên tỏ thành ý thỏa thuận thì lời hứa miệng cũng đủ ràng buộc. Tuy nhiên có vài loại khế ước phải viết ra với chữ ký mới có hiệu lực. Những điều hứa hẹn này được chi phối do luật về Lừa Ðảo (Statute of Frauds) theo đó liệt kê những loại giao kèo có tính cách dễ bị lừa gạt cần phải viết ra rõ ràng mới có hiệu lực thí dụ như: Giấy nợ, giấy hôn thú, bằng khoán bất động sản (nhà cửa, đất đai) hay những giao kèo có hiệu lực trên một năm hoặc có giá trị trên $500.
Luật về Lừa Ðảo được đắc dụng bảo đảm khế ước vì khi ký văn bản hợp đồng có nghĩa người ký tỏ ra đứng đắn thi hành giao ước. Tuy nhiên tòa án cũng nới lỏng áp dụng của luật Lừa Ðảo để xét xử một vài trường hợp đặc biệt không có văn kiện chính thức nhưng có thể chứng minh bằng nhiều hình thức khác như thư từ, mẫu đơn, chi phiếu hay biên lai do đôi bên đưa ra thế vì khế ước.
Bất cứ ai cũng có quyền lập khế ước, nhưng có hai nhóm người được luật khế ước miễn trừ là trẻ vị thành niên chưa đến tuổi trưởng thành hợp pháp (thường là mười tám tuổi) và những người bị bệnh thần kinh. Hai nhóm này được liệt vào loại không có khả năng ký kết (lack the capacity to contract), do đó lập giao kèo với những người này đều bị coi như vô hiệu (voidable). Tuy nhiên tòa án cũng đặt ra một số ngoại lệ, thí dụ giao kèo với một trẻ vị thành niên để cung cấp những đồ thiết dụng như thực phẩm, săn sóc y tế, hay giáo dục thì cũng có hiệu lực kể cả trường hợp trẻ vị thành niên khai man số tuổi sẽ bị buộc phải trả những gì đã nhận theo giao kết."
( Chú thích: Phần này trích theo Luật sư LyLy Nguyễn (Người Việt Online): "Tin đầu tư EB-5 - Luật Thương Mại - Nói thêm về khế ước.") Thầy Biệt nói tiếp:
- Hợp đồng giữa nhà sản xuất thuốc là công ty Võ Văn Dần và thân chủ của chúng tôi là cô Nguyễn Thị Hoàng là một hợp đồng đơn phương của công ty bào chế thuốc đưa ra cho tất cả mọi người trên thế gian này nhằm mục đích bán thuốc cho nhiều, hợp đồng đơn phương theo kiểu này, chính đối tác đưa ra hợp đồng đã mặc nhiên công nhận rằng mình không cần phải được thông báo để hình thành sự chấp thuận, một trong những ba yếu tố mà một hợp đồng thông thường đòi hỏi. Cũng chính vì yếu tố không cần sự chấp nhận của đối tác, nên chúng tôi kết luận hợp đồng giữa cô Nguyễn Thị Hoàng và công ty bào chế thuốc Võ Văn Dần đã thành lập và chúng tôi yêu cầu công ty phải bồi hoàn cho chúng tôi là hai chục ngàn đồng như trong lời quảng cáo của bản hợp đồng đã ghi rõ, và công ty phải có trách nhiệm thực hiện hợp đồng.
Thầy Biệt nói đến đây thì bọt mép sủi trên miệng thầy. Có lẽ do vì tức giận hay vì xúc động mà thầy nói liên tu bất tận không ngừng. Đến đây thì ông mặt sắt mới nghiêm mặt tuyên bố:
- Sau khi lắng nghe lời tranh biện của cả hai bên, bản tòa nhận thấy rằng nội vụ sẽ gút lại vào việc tranh luận của câu hỏi chính của vụ án này như sau:
- "Khi một người đưa ra lời đề nghị đơn phương quảng cáo trên báo chí hoặc hệ thống truyền thông để bán sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt có phải họ đã mặc nhiên chấp nhận rằng người tiêu dùng không cần thông báo cho họ biết là có chấp nhận quảng cáo này không?"
Để trả lời cho câu hỏi chính này trước hết bản tòa xin nêu ý kiến về ý niệm mơ hồ và ý niệm thời gian của lời quảng cáo mà luật sư Vũ Văn Diệu trình bày ở trên. Theo sự nhận xét của bản tòa mặc dầu mẫu quảng cáo trên có phần mơ hồ về ý niệm thời gian, nhưng dịch cảm cúm vừa mới xảy ra trên toàn tỉnh của chúng ta rất gần đây và vụ án này hôm nay được tuyên xử thì ý niệm thời gian chỉ là vấn đề thời sự và yếu tố thời gian chỉ là sự thõa mãn và đồng ý của các vị luật sư trong cuộc. Hơn thế nữa luật sư Diệu còn cho rằng mẫu quảng cáo này phi lý không đáng được xem là mẫu quảng cáo nghiêm túc, bản tòa không nghĩ như vậy. Sau khi đọc kỹ mẫu quảng cáo có một chi tiết đáng chú ý bản tòa xin nhắc lại nơi đây: "Hiện công ty có để dành riêng hai trăm ngàn đồng trong ngân hàng Kỹ Thương tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Đô để dành trả cho khách hàng nào sử dụng thuốc của công ty theo lời dặn trong toa mà còn mắc bệnh cảm cúm." Nếu căn cứ theo lời nói này trong mẫu quảng cáo, bản tòa nghĩ rằng công ty sản xuất thuốc Võ Văn Dần khi đăng quảng cáo đã thiệt tâm muốn cho người tiêu thụ dùng sản phẩm của mình và xem quảng cáo này không phải là chuyện đùa chơi.
Bây giờ chúng ta sẽ đi đến phần chính của vụ án hôm nay là liệu rằng với những mẫu quảng cáo kiểu như vậy trên báo chí, người đứng ra quảng cáo là công ty sản xuất thuốc đã tự mình từ bỏ sự chấp thuận và không cần sự thông báo của người tiêu thụ? Trả lời câu hỏi này bản tòa khẳng định rằng câu trả lời phải ở vào thể xác định. Tức là đúng như vậy, nhà sản xuất thuốc đã mặc nhiên chấp nhận rằng người tiêu thụ không cần thông báo từ người dùng thuốc và không cần sự chấp thuận của nhà bào chế thuốc.
Khi nhận thấy cán cân công lý hơi nghiêng về phía nguyên đơn là cô Cẩm Ly qua nhận xét của quan tòa, thì hai trạng sư của nhà thuốc Võ Văn Dần bắt đầu thay đổi chiến thuật. Hai trạng sư đều nêu lên ý kiến:
- Thưa quí tòa, đây chưa phải là một hợp đồng ràng buộc cho cả hai bên. Thực ra trong mẫu quảng cáo này thân chủ chúng tôi đã thể hiện một ý định, nhưng ý định này không thành hình một lời hứa hẹn. Mẫu quảng cáo trên đây thật sự mơ hồ để hình thành nên một bản hợp đồng, nói một cách cụ thể hơn, nó không có sự giới hạn về thời gian cũng như khó lòng kiểm soát được người tiêu thụ có thật sự đã dùng thuốc và dùng đúng theo lời chỉ dẫn trong toa hay không! Những hành xử này của người tiêu thụ làm sao kiểm chứng cho nổi! Hơn thế nữa, không có sự trao đổi từ nguyên đơn - Chắc gì nguyên đơn, người tiêu thụ, đã mua thuốc của hảng chúng tôi. Biết đâu họ có thể ăn cắp thuốc và dùng rồi hô toáng lên rằng họ đã dùng đúng theo lời quảng cáo và cách chỉ dẫn trong toa thuốc mà không hết bệnh để bây giờ họ đưa nội vụ ra tòa và xin bồi thường! Lẽ ra khi mua thuốc và sử dụng thuốc, người tiêu thụ phải minh thị điều này cho mọi người biết, cho nhà thuốc biết, họ chẳng làm như vậy, họ âm thầm thực hiện việc mua và sử dụng thuốc trong bóng tối không ai biết, nay thì họ la toáng lên rằng thuốc không công hiệu và đòi bồi thường. Nếu cho rằng đây là một hợp đồng thì chúng tôi cho rằng đây chỉ là hợp đồng trên danh nghĩa là một vụ đánh cược với nhau mà thôi, mà đánh cá, đánh cược với nhau thì hợp đồng xem như vô giá trị. Chúng tôi xin kịch liệt phản đối nếu quí tòa phán rằng bản án có lợi cho nguyên đơn.
Ông thẩm phán mặt sắt Lữ Tấn Phương im lặng ngồi nghe hai đàng tranh biện. Bên nào cũng có cái lý của nó. Vụ xử xảy ra hơn ba tiếng đồng hồ. Ba chàng thư sinh áo rách cũng cảm thấy mỏi lưng. Mấy chiếc quạt máy treo trên trần cứ rù rù mà chạy, cũng không giảm được cái nóng của miền Trung. Cái nóng của những ngọn gió Lào. Những ai đã biết ngọn gió Lào ở miền Trung của nước Văn Lang thì mới thắm thía hai câu thơ:
"Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn."
(Trích thơ: Tiếng Nghệ của Nguyễn Bùi Vợi.)
Tội nghiệp nhất là cô thư ký của tòa. Cô cứ chăm chỉ ghi chép lại những lời tranh biện của cả hai bên lẫn những nhận xét của quan tòa . Không biết khi viết cô sử dụng phương pháp gì mà đôi tay cô cứ thoăn thoắt theo từng giọng nói, lời nói của mỗi người. Có người nói rằng làm thơ ký tòa phải biết viết theo lối tốc ký, mới ghi kịp những lời phát biểu trong tòa.
Đến đây thì ông mặt sắt mới từ tốn nói:
- Tôi xin trạng sư của hai bên về nghiên cứu kỹ lại vụ án và nhất là nghiên cứu kỹ lại luật đối chiếu mà chúng ta đã từng học qua nơi trường luật. Tôi đã đọc kỹ vụ án trước mặt chúng ta hơn ba tháng nay và cũng đồng ý với nhận xét của luật sư Trần Quang Dũng rằng trong án lệ của chúng ta khó mà tìm thấy có vụ án nào mà người tiêu thụ đi kiện nhà sản xuất thuốc và thắng kiện. Chúng ta cũng không có bộ luật nào qui định cụ thể về trường hợp này. Đây chính là một lỗ hổng của pháp chế nước ta. Nhưng với tư cách của một thẩm phán, chúng tôi cũng xin nói rõ cho các bạn hiểu khi có lỗ hổng về pháp luật, người thẩm phán xử án phải nghiên cứu sâu về luật đối chiếu, tức là phải tham khảo thêm về luật của những hệ thống luật pháp khác ví dụ luật của hệ thống của Pháp mà chúng ta thường gọi là luật Civil hay luật của hệ thống các quốc gia nói tiếng Anh mà chúng ta thường gọi là luật Common Law, hay là luật của các quốc gia theo Hồi Giáo...chính bản thân tôi đã tham khảo thêm về một án lệ lâu đời trong luật Anh. Trong luật hợp đồng khế ước luật pháp của nước này có một nguyên tắc thường nhắc đến đó là:"Cái gì anh thấy là cái gì anh được" nguyên tắc này nếu diễn giải sang tiếng Anh để được dễ hiểu hơn đó là: "What you see is what you get." Điển hình của nguyên tắc này nằm trong vụ án: Carlill v. Carbolic Smoke Ball Co. [1893] Q.B. 256 (C.A.).
Đây là một vụ án đặc biệt, đôi khi một lời quảng cáo trên báo chí lại trở thành một bàn hợp đồng không hơn không kém. Thẩm phán Lữ Tấn Phương nói tiếp:
-Vào mùa dịch cúm năm 1892, thì bà Elizabeth Carlill, là một nhà văn và cũng là vợ của một trạng sư mua của bị đơn một loại thuốc có tên là ‘Carbolic Smoke Ball’, nhà sản xuất thuốc tuyên bố huyên hoang rằng nếu người nào dùng thuốc này sẽ trị được bệnh cúm. Công ty sản xuất thuốc còn đăng báo quảng cáo hứa rõ rằng nếu ai dùng thuốc này mà còn bị bệnh cúm thì công ty thưởng cho 100 Quan Tiền Bảng Anh. Công ty còn mạnh dạn nói thêm rằng công ty sẵn sàng để dành số tiền lá 1,000 Quan Tiền Bảng Anh trong ngân hàng Alliance dự liệu để trả cho bệnh nhân, nếu cần thiết. Bà Carlill dùng thuốc đúng như lời quảng cáo mà vẫn bị bệnh như thường. Đúng là tiền mất tật mang! Mọi việc xảy ra không đúng như lời quảng cáo trên báo. Bà Carlill đứng đơn thưa công ty bán thuốc. Nhưng công ty bán thuốc không chịu trả tiền và họ lý luận rằng những lời quảng cáo trên báo chẳng qua là những lời "quảng cáo ba xạo, quảng cáo dõm" mà thôi, theo ngôn ngữ bình dân là nhà báo nói láo ăn tiền, và công ty từ chối không trả tiền cho bà Carlill.
Bà Carlill giận quá đâm đơn kiện công ty bán thuốc ra tòa và bà đã thắng. Nói cho rõ thêm không thôi người thường đọc qua bản án này sẽ khó hiểu là tại sao bà thắng và bà dùng lý luận gì để thắng? Tòa căn cứ Luật Hợp Đồng Khế Ước để xử bản án nói trên. Luật Hợp Đồng Khế Ước của Anh là Luật chỉ dựa vào án lệ mà phân xử. Theo án lệ một hợp đồng thành hình phải hội đủ 3 yếu tố:
1. Offer (lời đề nghị);
2. Acceptance (chấp thuận lời đề nghị);
3. Consideration (sự cân nhắc, suy xét, trao đổi thường là bằng tiền, hay hiện vật.)
Tòa ra án lệnh công ty bán thuốc phải trả cho bà Carlill 100 bảng Anh như trong lời quảng cáo. Công ty không chịu nên nội vụ kháng cáo lên đến tòa trên.
Khi lên đến toà trên thì thẩm phán Lindley tuyên bố rằng:
"Đối những quảng cáo như vậy, người tiêu thụ chỉ cần mua và làm đúng theo lời dặn trong toa thuốc mà không cần thông báo cho nhà sản xuất thuốc biết việc sử dụng thuốc của mình."
Khi một người đưa ra lời đề nghị đơn phương quảng cáo trên báo chí hoặc hệ thống truyền thông để bán sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt có phải họ đã mặc nhiên chấp nhận rằng người tiêu dùng không cần thông báo cho họ biết là có chấp nhận quảng cáo này không?
Thẩm phán Lindley nhận xét:
- Đúng vậy. Khi một người đưa ra một đề nghị đơn phương để bán sản phẩm của mình bằng phương tiện quảng cáo trên báo chí hoặc truyền thông thì họ đã mặc nhiên chấp nhận không cần sự thông báo của đối tác, chính là những người tiêu thụ, thông báo về sự chấp thuận của sản phẩm mình, nếu mục đích của họ là thu hút được nhiều người mua và bán được sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt.
Tòa đã từng xử rằng khi một người quảng cáo đưa ra đề nghị có thể họ đã đưa ra yêu cầu rằng họ không cần thông báo của người tiêu thụ về sự chấp thuận của mình.
Khi chấp thuận môt hợp đồng, người tiêu thụ chỉ cần làm theo lời chỉ dẫn về cách chấp thuận hợp đồng. Nếu người đưa ra đề nghị đưa ra trong quảng cáo của mình rằng họ mặc nhiên chấp nhận rằng nếu người tiêu thụ làm theo lời chỉ dẫn trên hợp đồng thì điều này đủ kết luận rằng khi thực hiện lời chỉ dẫn này thì sự thông báo chấp thuận hợp đống là không cần thiết.
- Tòa án còn đi xa hơn khi chỉ ra rằng một mẫu quảng cáo trên báo chí là một lời đề nghị đối với tất cả mọi người đủ tiêu chuẩn để chấp nhận nó. Nếu một mẫu quảng cáo như vậy thì người tiêu thụ, người đề nghị không cần phải thông báo cho người mở lời đề nghị là mình đang thực hiện hợp đồng.
Tòa án còn chỉ rõ thêm rằng, quảng cáo trên là một lời hứa nghiêm túc hay chỉ là một mẫu quảng cáo tào lao? Tòa còn đưa ra nhận xét rằng công ty Carbolic Smoke Ball đã quảng cáo rằng công ty đang có sẵn 1000 Bảng Anh trong ngân hàng Alliance Bank để trả cho những khách hàng nào mua thuốc và sử dụng thuốc mà vẫn còn bị bệnh. Tòa án quyết định xử rằng chính câu nói này chứng tỏ công ty sản xuất thuốc có ý định bày tỏ sự thành thật của mình là sẽ trả cho những ai đã dùng thuốc mà còn mắc bệnh.
Người đồng nhiệm trong hội đồng xét xử là thẩm phán Bowen cũng đưa ra nhận xét của mình. Ông nói:
- Đã đành rằng theo luật lệ của chúng ta yếu tố bày tỏ sự chấp thuận trong một bản hợp đồng là cần thiết. Người đề nghị thường khi thông báo rõ trong lời quảng cáo của mình là họ muốn có sự thông báo chấp thuận hợp đồng. Người đề nghị có thể nói rõ ra hay mặc nhiên tạo ra một cách hay một phương pháp bày tỏ sự chấp thuận hợp đồng. Người được đề nghị chỉ cần thực hiện phương pháp đề nghị đó là coi như hợp đồng đã được chấp thuận rồi. Yêu cầu sự chấp thuận của một hợp đồng theo kiểu này phải được phán đoán theo tiêu chuẩn khách quan.
Trong vụ án quảng cáo này, theo tôi chúng ta có thể rút ra được kết luận rằng người tiêu thụ không cần phải thông báo cho nhà sản xuất rằng mình đang thực hiện hợp đồng. Khi mình thực hiện những yêu cầu trong mẫu quảng cáo thì sự thông báo tự nó đã xảy ra rồi. Khi xử án chúng ta phải nhìn cho kỹ những điểm cần thiết của hợp đồng này và người mở lời đề nghị đã mở lời trong hoàn cảnh nào. Trong vụ án này, theo tôi người đề nghị không cần người tiêu thụ thông báo cho mình rằng họ chấp thuận hợp đồng.
Bà Carlill thắng kiện được tòa thưởng. Đây là một hợp đồng đơn phương bao gồm cả lời đề nghị qua quảng cáo trên báo chí của nhà bào chế thuốc và sự chấp thuận lời đề nghị nói rõ trong lời quảng cáo là người mua chỉ cần thực hiện những điều kiện nói rõ trong lời đề nghị.
Tòa cho rằng đây là một lời đề nghị hợp lệ mà ai ai cũng có thể được thực hiện được. Đây không phải là lối rao bán hàng tào lao mà bằng chứng là công ty tuyên bố rằng công ty đã gửi sẵn 1000 quan tiền trong nhà băng Alliance để chứng minh sự chân thành của quảng cáo này. Ngôn ngữ trong lời quảng cáo không phải là quá mơ hồ để được thực thi.
Thẩm phán Bowen còn đưa ra một ví dụ cụ thể hơn ông nói:
- Giả sử rằng tôi có con chó bị mất. Nếu tôi quảng bá với trên báo chí hay các phương tiện truyền thông rằng con chó của tôi bị mất, và bất kỳ ai mang con chó của tôi đến một địa điểm cụ thể sẽ được trả một số tiền. Thế thì không lẽ tất cả các cảnh sát hoặc những người trong các doanh nghiệp chuyên đi tìm con chó con mèo hay vật bị mất hay những người thường khác chú ý đến quảng cáo của tôi và họ cố công giúp tôi đi tìm không lẽ trước khi đi tìm họ lại phải ngồi xuống viết cho tôi một lá thư lưu ý với tôi rằng họ đã chấp nhận đề nghị của tôi? Bổn phận của họ là đi tìm cho ra con chó bị mất và bổn phận của tôi là trả tiền cho họ khi họ giao con chó đến địa điểm qui định trong tờ quảng cáo.
Nói đến đây thì ông mặt sắt kết luận:
- Đứng trước bản án này, dầu phán quyết của tôi có làm buồn lòng quí vị đi nữa, tôi xin kết luận rằng hợp đồng giữa nhà thuốc Võ Văn Dần và cô Cẩm Ly là một hợp đồng đúng nghĩa. Nhà thuốc phải bồi thường cho cô Cẩm Ly đúng theo yêu cầu của luật sư của cô Cẩm Ly khiếu nại. Bên thua cuộc có hai mươi ngày để kháng cáo vụ án lên tòa trên nếu cho rằng phán quyết này không hợp lý. - Ra lệnh bãi tòa.
Nói xong ông thẩm phán gõ chiếc búa gỗ trước mặt ông. Ông đứng dậy và biến mất sau khung cữa nhỏ gần bàn xử án. Mọi người lục tục đứng dậy ra về. Đại diện của công ty sản xuất thuốc mặt buồn như chấu cắn. Hai ông trạng sư của nhà thuốc lo xếp giấy tờ vào trong cặp của mình và kề tai nói nho nhỏ với nhau những gì nghe không rõ.
Giáo sư luật sư Tôn Thất Biệt dắt tay cô Cẩm Ly theo sau là đám học trò nhỏ của ông cũng vội vàng rời phòng xử án. Khi ra đến sân tòa ông nói:
- Nếu bên kia không chấp nhận phán quyết này họ sẽ kháng cáo lên tòa trên, tòa thượng thẩm Cố Đô, thì đây cũng là dịp hai đứa mình về lại thăm quê. Còn nếu họ chịu thua thì mình được hai chục ngàn đồng. Chiều nay hai đứa mình dẫn mấy em ra bò bảy món Ánh Hồng ngoài bờ biển cho tụi nhỏ thưởng thức mùi bò bảy món thưởng công cho các em đi ủng hộ tụi mình. Khi đang ăn thì Tuấn nói.
- Cô thì tên Ly còn thầy thì tên Biệt, ghép lại thành hai chữ Biệt Ly nghe ra có vẻ đau thương và mất mát làm sao! Nhưng em thấy cô thầy trông không có vẻ gì là biệt ly cả mà lại đối xử nhau hết sức mặn nồng! Cuộc đời nghĩ cũng có nhiều chuyện trùng hợp ly kỳ! Thầy cô nhìn sang Tuấn mỉm cười. Bên kia Bích lấy ngón tay gõ nhịp xuống bàn và hát nho nhỏ một bài hát của Doãn Mẫn:
"Biệt Ly!nhớ thương từ đây...
chiếc lá rơi theo... heo may!
người về có hay..."