SCL : Lúc 9 giờ 20 ngày 18-11-2005 nhận được hai bài thơ của Linh Phương,NH có chuyển Anh Vũ phong Lưu đọc và nếu được viết vài giòng,bất ngờ 15 giờ 30 cùng ngày nhận được bài này .
“Tha phương, lữ thứ, giang hồ...
Chết rồi còn muốn đội mồ... về quê.”
Tôi phải bật lên mấy câu như thế khi đọc xong hai bài thơ về kiếp giang hồ của anh Linh Phương. Bài thứ nhất có cái tên: “Giang hồ”, bài thứ hai có tên: “Ta về làm khách quê nhà”. Cám ơn anh Nguyễn Hòa ở Văn nghệ sông Cửu long đã gửi cho tôi hai bài thơ đó.
Nhà thơ Phạm Hữu Quang từng có câu thơ tuyệt tác về giang hồ: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Thi sĩ Trần Ninh Hồ cũng từng đọc cho tôi nghe câu thơ rất hay của Vũ Hữu Định : “Giang hồ nào có ai phong ấn / mà cũng từ quan, trở lại quê”. Nguyễn Bính xưa có một thời thơ rực rỡ nhất chính là thời giang hồ: “Chao ôi ba bốn tao ân ái / Đã đủ tan tành một kiếp trai / Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ / Đành phụ nhau thôi kẻo có ngày / Khăn gói gió đưa lên xứ lạ / Ai cười cho được lúc chia tay” - (Giời mưa ở Huế)... Ông như thế là đã “giang hồ” cả trong đời thực lẫn tình yêu (...ba bốn tao ân ái). Về sau, ông buộc phải trở thành một “công chức” thơ, biên chế chết dí ở một Ty văn hoá thì con người thơ trong ông kể như đã chết. Có ai tin rằng thi sĩ lừng lẫy ấy từng phải viết như thế này không: “Thâm canh cải tiến bàn sôi nổi / Giống má phân gio tính kĩ càng / Sản xuất cho hăng là thắng Mĩ / Là xây miền Bắc giúp miền Nam”... - (Thật đáng cho hưởng bậc lương cán sự bốn, cán sự năm...) Song dù thế nào, thì hậu thế vẫn thông cảm, vẫn yêu và tha thứ cho Nguyễn Bính bởi trước khi phải chấm dứt kiếp giang hồ, chính ông đã tự làm lễ “bế mạc” cái đời thi sĩ của mình: “Xếp lại chăn bông cùng áo dạ / mở toang bốn cửa cất then cài / Nắng lên mất thú ngồi bên lửa / chậu hết hoa rồi bạn với ai”. Sau này có ai nghiên cứu về Nguyễn Bính, cho phép tôi được phát biểu một ý kiến, rằng thơ của Nguyễn Bính về sau còn nhiều, nhưng thơ của thi sĩ Nguyễn Bính thì bài này là bài cuối cùng.
Sở dĩ tôi lan man như thế là vì muốn nói rằng cái giang hồ sao mà nó gắn liền với thi sĩ đến thế, nhất là đối với những người như Nguyễn Bính. Bởi giang hồ quên đi thì thôi, chứ hễ nhớ ra là lập tức hóa thành tâm trạng. Bằng chứng là cái “Giang hồ” của tác giả Linh Phương sau đây. Bài thơ gồm bẩy khổ thơ theo kiểu tứ tuyệt liên hoàn. Giọng “Thơ Mới”, niêm luật tuy có “phá”, song vẫn đầy chất “cổ điển”, lại có cả hơi hướng cảm khái như thể tráng ca:
“Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành - thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa”
“Thất thế” xin không bàn, bởi thời nào mà chả có ít nhất chín chục phần trăm kẻ thất thế. Tiếp theo, “Chí lớn không thành - thà ẩn cư” thì đồng ý rồi. Có điều “ẩn cư” đáng lẽ phải tìm chỗ nào vắng vẻ, hoặc hang cùng ngõ hẻm, hoặc “vùng sâu vùng xa”... chứ? Đằng này lại “ẩn cư” nơi giang hồ, nơi “viễn xứ”, để mà : “Hết đời phiêu bạt chốn quê xa” thì quả là một điều ghê gớm đấy. Xưa có những bậc đại hiền, vì ghét thói đời ô trọc, không muốn cho ai biết đến mình nên đành ẩn thân giữa nơi... chợ búa. Có khi làm người giữ cổng thành, có khi lẫn vào với đám mổ heo, đánh bạc... Tư tưởng “ẩn cư” của tác giả quả đã gặp gỡ tiền nhân ở chỗ ấy. Dù sao, tôi vẫn cứ muốn đọc câu cuối của khổ thơ này thành “Trọn đời phiêu bạt chốn xa quê” bởi “trọn đời” nghe hợp vận hơn, vả lại “xa quê” mới đúng là mỗi người chỉ có một quê...
Liên quan đến cái tâm trạng giang hồ gồm ba “nhân vật” chính: Mẹ, Cha và Em. Ba khổ thơ tiếp theo dạt dào những kí ức về họ:
“Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông
Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn - tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm
Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya - tiếng nguyệt cầm”
Những câu thơ buồn và thương đến não nề. Thế mà vẫn cứ phải trọn kiếp giang hồ, không về sống với Mẹ và Em được? Thì ra cuộc đời sinh ra đã bắt phải như vậy. Khổ thơ viết về Em lãng mạn, hay như một bài thơ tình hoàn chỉnh. Tiếc rằng câu: “Đốt đồng khô khói phủ che trời” ở khổ thơ trên hơi cụ thể quá, vừa giảm chất thi sĩ, vừa làm hỏng nhịp điệu thơ. Tại sao lại cứ phải “đồng khô” cơ chứ? (đồng “lội” tôi vẫn thấy người ta đốt đấy). Dẫu biết rằng phải “khô” mới đốt được. Song khô quá nhiều khi lại ít khói, chưa chắc đã “che” được trời.
Giờ đến kí ức của chính kẻ giang hồ:
“Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân”
Ta hiểu rằng chiến tranh chính là một trong những nguyên nhân làm nên cuộc giang hồ này. Người xưa thì “Ai hay sông bãi xương vô định / giấc mộng phòng khuê thiếp vẫn chờ” - (Đường thi). Còn ở đây là cảnh đứa con đợi hồn người Cha đã: “Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm”. Thật là một nỗi đau muôn đời: “Phách lạc đâu còn chỗ nương thân”. Nhưng ở câu trước đó, giá sửa chữ “bia” thành chữ “suông” (mộ suông...) thì nỗi đau càng “đến nhẽ” hơn, bởi người Cha đã “bỏ xác trên rừng” thì mộ có khi còn chẳng có, nói gì đến bia. Vả lại “mộ bia” chỉ là tả cái bề ngoài. “Mộ suông” mới tả cả cái (vô định) bên trong. Nấm mộ trong câu thơ này chắc là đắp (tượng trưng) ở quê, chỉ là một nấm đất... suông đấy thôi.
Hai khổ thơ cuối đạt đến cực đỉnh của nỗi lòng kẻ giang hồ:
“Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng
Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông”
Giang hồ thì không thể nào “quen” được. Dẫu có “trăm bận” thì bận nào cũng buồn, bận nào cũng đau, cũng nhớ, cũng thèm... Lại còn hẹn nữa chứ? Thì cứ hẹn cho yên ủi đấy thôi. Hẹn mà có bao giờ thực hiện được đâu. Đời làm gì có cho ta cơ hội. Hai câu kết của bài thơ: “Ta về làm bạn cùng chim chóc / Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông” rốt cuộc mãi mãi chỉ là ước mơ mà thôi. Hình ảnh “...muỗi mòng chín cửa sông” cục kì ấn tượng. Tuy vậy, “giang hồ” khi đã hóa thơ thì cũng không uổng kiếp người.
Bài thơ thứ hai: “Ta về làm khách quê nhà” chính là nỗi “nhân quả” của cái kiếp giang hồ, bởi giang hồ nên về quê mới hóa thành “khách”, đây là một kiểu “khách” thơ. Tôi chợt nhớ đến hai câu của nhà thơ Trần Ninh Hồ: “Xa quê lâu, hóa mất quê / hẹn thề lâu, hóa hẹn thề trong mơ” thực là hợp với tâm trạng của tác giả khi viết bài thơ này. Bài thơ như sau:
“Ta về làm khách ở quê
Của ngày thơ ấu. Bờ đê đi tìm
Tiếng con dế gáy. Từng đêm
Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông
Ta về nhìn lại nhánh còng
Sông Tiền - sông Hậu - long đong một thời
Phù sa ngầu đục - đắp bồi
Rạ rơm vàng lối - chào người năm xưa
Chuồn chuồn ớt ngủ giấc trưa
Tìm trong hương cỏ bốn mùa đã xa
Ta về làm khách quê nhà
Tự dưng buồn bật khóc òa vậy thôi”
Một bài thơ lục bát, âm hưởng lục bát, nhịp điệu lục bát... Thế mà chen vào một câu cực kì sái vần: “Tiếng con dế gáy. Từng đêm / Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông”. Nhưng chính câu sái vần này: “Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông” lại là câu hay nhất. Hay nhất cho nên đành phải bỏ qua cả vần. Kẻ giang hồ, xa quê... lúc quay về làm “khách” mới hay những con dế, con chuồn chuồn, những cây lúa, nhánh còng, những dòng sông (sông Tiền, sông Hậu)... đều đã hóa thành thân phận, chẳng khác gì thân phận kẻ giang hồ.
Đại Thi hào Nguyễn Du có câu: “Dột lòng mình mới nao nao lòng người”. Lòng mình phải (buồn) đến mức “dột” rồi, thì thơ viết ra (may lắm) mới “nao nao” lòng người. Huống chi những cái buồn giả, buồn non, buồn chưa đến nhẽ thì cùng lắm chỉ tạo ra những bài... văn có vần mà thôi. Bài “Ta về làm khách quê nhà” giản dị, giản dị đến... nghiệp dư mà vẫn dào dạt nỗi thương mình, thương quê hương, xứ sở. Không nhắc đến kiếp người nào, chỉ có mỗi một nhân vật (ta), vậy mà vẫn tưởng như có bao thân phận, bao kiếp sống của bà con vùng sông Tiền, sông Hậu sắp hàng đâu đó. Nỗi buồn quả đã “lây” sang người đọc. Thơ thế là thành công, và đó chính là thi sĩ. Bởi thi sĩ cho nên chẳng cầu kì. Nỗi buồn nay đã hóa thành thơ. Đúng như Paul Verlain đã viết: “Con sinh từ lòng Mẹ / Hoa từ Đất nở ra / Nguồn - đẻ ra sông bể / Buồn - đẻ ra thi ca”.
11/2005
GIANG HỒ
Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành- thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa
Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông
Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm
Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm
Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân
Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng
Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông
LINH PHƯƠNG
TA VỀ LÀM KHÁCH QUÊ NHÀ
Ta về làm khách ở quê
Của ngày thơ ấu. Bờ đê đi tìm
Tiếng con dế gáy. Từng đêm
Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông
Ta về nhìn lại nhánh còng
Sông Tiền- sông Hậu- long đong một thời
Phù sa ngầu đục-đắp bồi
Rạ rơm vàng lối- chào người năm xưa
Chuồn chuồn ớt ngủ giấc trưa
Tìm trong hương cỏ bốn mùa đã xa
Ta về làm khách quê nhà
Tự dưng buồn bật khóc òa vậy thôi
LINH PHƯƠNG