Nhà thơ Mạc Uyên Linh là một cây bút có kinh nghiệm trong văn đàn Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước dưới bút hiệu Huỳnh Thượng Nhan. Anh sinh năm 1944 tại Bến Cát, Bình Dương hiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh làm thơ trước 1975, viết tùy bút, truyện ngắn. Từng làm trưởng nhóm Thi đàn VÙNG HOA DẠI, thư ký biên tập Nguyệt San 43 . Tính đến nay anh đã có 5 tập thơ riêng và 3 tác phẩm in chung.
Tập thơ “TA NHƯ VIÊN ĐÁ CÒN LĂN”- NXB Hội nhà văn quý II năm 2019 gồm 81 bài thơ , ngoài ra còn có 3 bài: văn xuôi, tùy bút và phụ bản. Có thể nói 81 bài thơ đều là thơ trữ tình : trữ tình tâm tình và trữ tình thế sự, trữ tình công dân… được đan xen hài hòa . Đây là những dòng cảm xúc rất đỗi chân thành . Thơ Mạc Uyên Linh giàu hình ảnh, lời thơ trong sáng dễ hiểu. Thơ anh có những sắc thái tình cảm và cách diễn đạt phong phú. Nồng nàn, đắm say , và ngọt ngào trong tình yêu và khắc khoải ưu phiền trong nỗi buồn nhân thế. Hạnh phúc và khổ đau , những vật vã của kiếp người .Thơ anh buồn mà đẹp! Hơn hết vẫn là những vần thơ tha thiết với tình yêu, với cuộc đời . Chiều sâu trí tuệ thể hiện trong cảm hứng trữ tình khiến thơ anh để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.
Thơ tình Mạc Uyên Linh trong một bút pháp lãng mạn , điêu luyện trong cách lập tứ, gieo vần , sử dụng ngôn từ . Anh viết nhiều thể thơ : Lục bát, thất ngôn, ngủ ngôn….ở thể thơ nào anh viết cũng hay, cũng lôi cuốn người đọc . Phải yêu tha thiết cuộc đời, đắm say , mãnh liệt với tình yêu , thi nhân mới mới có những vần thơ tình nồng nàn như thế!
“Ta chờ em nửa đời như hổ đói
Muốn ăn tươi nuốt sống ánh trăng vàng”
( Hoang vu)
Anh nói về tình yêu như là điều tất yếu của cuộc sống.
“ Cây nào chẳng tháng ngày không thay lá
Ta cần em cho xanh một nhánh đời
Tìm hơi nhau như sông về biển cả
Ôm nồng nàn siết chặt để cùng bơi”
( Đời vui vì đã có em)
Anh đưa ra những cứ liệu của sự vật, hiện tượng tự nhiên để chững minh rằng: Cuộc sống cần có tình yêu như cây lá cần sống và phát triển. Ta có em thì cuộc đời này mới có ý nghĩa. Sống và yêu ,đến với nhau như một lẽ tự nhiên như sông về biển cả.
Anh là học trò của cố thi sỹ Vũ Hoàng Chương. Vì vậy tư tưởng thơ anh ít nhiều có ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của cụ và các bậc tiền bối khác . Trong thơ anh có chất say của Vũ Hoàng Chương, có chất ngông của Tản Đà,có cái điên, bất cần đời của Bùi Giáng, có nồng nàn dữ dội của Xuân Diệu và tha thiết, đắm say của Nguyễn Bính.
Dù thi nhân là kẻ bất cần đời đi nữa nhưng có một điều chắc chắn rằng: Thi nhân rất cần tình yêu ! Như dòng sông cần nước. Đó là một chân lý. Sông không có nước thì không thể là con sông nữa cũng như ta không có em thì cuộc sống trở nên vô nghĩa biết nhường nào. Dẫu cuộc sống thanh bần vẫn cần có tình yêu, để dìu nhau vượt qua bão dữ cuộc đời!
“Ta là kẻ bất cần em cũng biết
Nên bạc tiền chẳng chung thủy , bền lâu
Ta cần em như sông cần nước
Để cùng nhau chảy hết những úa nhàu”
( Đời vui vì đã có em)
Anh cũng có thú vui uống rượu.
Đối với cụ Tản Đà :
“Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ, không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm , nét mực mờ”
( Tản Đà)
Thì Mạc Uyên Linh :
“ Đời cứ say, dẫu rách nát cóc cần
Uống cho cạn chén sầu này nghiêng ngả”
( Hoang vu)
Thi văn như một nghiệp dĩ, mấy ai sống sung túc nhờ vào nghiệp văn chương . Xuân Diệu đã từng cay đắng mà rằng: “ Cơm áo không đùa với khách thơ”.Âu cũng tại vì “ Văn chương hạ giới rẻ như bèo’’ ( Tản Đà) . Vì thế thi nhân mấy ai mà chẳng nghèo. Nhưng cuộc sống dù nghèo mà vui. Vì vậy nếu cho đổi nghiệp dĩ này các thi nhân không dễ gì chấp nhận! Bởi vì sống mà tách rời đam mê thì còn gì là sống. Những thi sỹ tài hoa xưa nay vẫn để lại trong lòng độc giả sự ngưỡng mộ và xót xa !
Thơ tình Mạc Uyên Linh luôn tôn thờ cái đẹp và dĩ nhiên thơ anh không thể thiếu giai nhân.
“ Thơ ta cũng một đời điên mê tín
Yêu đàn bà và ca tụng giai nhân
Dẫu túi quần vài đồng xu không dính
Đời vẫn vui cho đến lúc từ trần”
Nhà thơ đương đại Mạc Uyên Linh của chúng ta như trên đã nói ít nhiều có ảnh hưởng phong cách các nhà thơ tên tuổi trước, nên cũng “nghênh ngang” như Tản Đà , đôi khi cũng “ nổi máu giang hồ” như Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm… Thơ anh bộc lộ khí phách hào sảng của kẻ sỹ lỡ vận . Đau đáu với nước non. Một đời trai cũng lên thác xuống ghềnh, có oanh liệt mà cũng đầy cay đắng. Thân nam nhi trong cõi nhân sinh mang tâm hồn thi sỹ nên anh ôm hết những ngọt ngào và cay đắng. Cho những ưu phiền , khắc khoải gửi vào thơ.
“Sông nước đã cuốn trôi thời oanh liệt
Một đường gươm hứng vạn vết dao đâm”
( Nhớ em nhé)
Với nghệ thuật tương phản ngôn ngữ: “Thời oanh liêt” với “ vạn vết dao đâm”nói lên bi kịch của kẻ sỹ thời li loạn. Không gặp thời , lỗi vận nhưng vần thơ vẫn mang cốt cách của kẻ sỹ. Người xưa nói “ không thể lấy thành bại để luận anh hùng” thì dẫu cuộc đời nhiều khi không như ý nhưng chất ngang tàng, hào sảng vẫn tiềm ẩn trong tâm hồn thi nhân, dẫu rằng thực tế đã phũ phàng :
“Ôm tủi nhục từ khi tàn chiến trận
Mắt em buồn khi hạt nắng chưa tan
Tóc buông xuống như rừng hoang nguyệt tận
Mộng hoàng kim theo gió thổi lên ngàn”
( Định mệnh)
Ta đứng giữa rừng xanh tàn bạo ấy
Ngọn cỏ mềm lau lách suốt thời gian
Trong bóng tối lời nguyền bừng tỉnh dậy
Dễ gì đâu- chỉ một mớ tro tàn”
( Nỗi niềm)
Dâu bể cuộc đời vẫn còn nhiều gian trá bủa vây nhưng tình yêu vẫn cho ta những giây phút ngọt ngào với cảm giác hạnh phúc. Tình yêu như một điểm sáng , là cứu cánh để ta tiếp tục bước đi trong bể đời nghiệt ngã.
“Đời gian ác tháng ngày không ngừng nghỉ
Thương nhớ em giây phút lãng quên đời
Em đẹp nhé! Cho mùa thu bước tới
Những hoàng hôn xanh tóc mượt mây trời”
( Nỗi niềm)
Cuộc đời ô trọc vẫn còn nhiều trăn trở, bất an. Đâu đó vẫn còn lắm nhiễu nhương. Bởi vì trong xã hội vẫn còn những kẻ hách dịch, cửa quyền.
“Núi sông một dải đoạn trường
Vong nô một lũ diễn tuồng cà lăm’
( Câm)
Biết mà không nói thì cũng như câm, không nói thì viết vậy! Nên những vần thơ dùng ngôn ngữ táo bạo, , bất cần, ngang tàng trong cốt cách. Đó cũng là cách để giải tỏa ưu phiền, khắc khoải.
“ Ta trù ta chết mà chưa chết
Cứ sống nhăn răng để ngạo đời
Rượu uống cả đời không thấy hết
Say rồi lấy đá chọi trời chơi”
( Níu trời mà hỏi)
Nghệ thuật dùng điệp từ, điệp ngữ , lần nữa nhấn mạnh cái “ngông” , trăn trở với thế sự , yêu tha thiết quê hương .
“Ta trù ta chết mà chưa chết
Ngồi ngó giang sơn cảm thấy buồn
Say rồi ta đập bàn mà hỏi
Còn ai yêu đất nước quê hương”
( Níu trời mà hỏi)
Cảm giác cô đơn luôn hiện diện trong con người thơ thì thơ sẽ là điểm tựa tinh thần “Có những phút ngã lòng.
Tôi vịn câu thơ và đứng dậy…”( Phùng Quán) và Mạc Uyên Linh nhờ câu chữ để chuyển tải nỗi niềm. Tôi nhiều lần tự hỏi nếu không có thơ ca thì thi nhân biết gửi gắm nỗi buồn vào đâu? Chúng ta đọc thơ để thấu hiểu, để cảm thông và tìm thấy tiếng nói tri âm âm khi có cùng tâm trạng. Mà suy cho cùng nỗi buồn đâu chỉ của riêng ai.
Bằng biện pháp tu từ: so sánh ví von , sự tương phản của ngôn ngữ, hình ảnh ( “ Bình minh” , “ hoàng hôn”) để diễn đạt thấu tâm can của nỗi buồn dâu bể :
“Ngày vẫn buồn như là chiếc lá
Mới bình mình mà nhận được hoàng hôn
Ta vẫn bước con dốc tình nghiệt ngã
Từng cơn đau thể xác lẫn tâm hồn”
( Ta như viên đá còn lăn)
Với câu hỏi tu từ và những thi ảnh, thi liệu rất ấn tượng thể hiện lần nữa cảm giác cô đơn , luôn cần được có người bên cạnh chia sẻ buồn vui!
“ Đưa tay níu trời cao mà hỏi
Còn ai đứng cạnh với ta không?
( Lệ này chảy xuống thành sông)
“ Đời cô đơn không ai buồn như thế
Lúc đêm về cũng cần lắm một bờ vai
Có những lúc lạnh lùng trời trở gió
Cũng thèm thuồng hơi ấm một bàn tay”
( Đời vui vì đã có em)
Buồn! Nên cần một lời an ủi, vỗ về, cần một bờ vai, một cái nắm tay thật chặt để đời bớt khổ.
Thi nhân viết về tình yêu sao mà tha thiết thế! Có phải người ta còn sống là còn yêu? Yêu cho đến khi tim ngừng đập. Với Mạc Uyên Linh thì yêu em cho đến khi anh không còn trên cõi đời này nữa. Đó là nét mới, rất riêng của anh.
“Mai ta chết xác ta nằm dưới đất
Hồn ta về nằm cạnh ở bên em
Ta sẽ đắp chăn mền ngày xưa cũ
Cho em đừng lạnh lẽo gió mưa đêm”
(Nhớ em nhé)
Thường thì người đời khi chia tay nhau, mỗi người đi về một hướng thì tình yêu cũng đặt dấu chấm hết. Nhưng đối với Mạc Uyên Linh, anh vẫn cảm nhận được tình yêu chưa mất đi, vẫn âm ỉ cháy dẫu đã rời xa nhau.
“Thương làm sao những cuộc tình lãng mạn
Bỏ nhau rồi lòng vẫn cứ si mê”
(Thu cô đơn)
Thơ Mạc Uyên Linh là những dòng ký thác tâm sự.
“Buồn/ điên biết gửi về đâu?
Hồn mưa nổi loạn cơn sầu nát tan
Mua thu lá rụng trên ngàn
Có ta rớt xuống hai hàng mi em”
(Ta là giọt nước còn lăn)
Đến với tập thơ “Ta như viên đá còn lăn“, không có bài nào tôi chỉ đọc một lần. Thơ anh phải đọc nhiều lần, thật chậm, thật kỹ để lần theo cảm xúc của nhà thơ, đi vào thế giới nội tâm của anh để vui buồn cùng tác giả trên từng câu chữ. Khám phá nghệ thuật lập tứ gieo vần và dùng từ rất sáng tạo .
“Trong bóng tối mùa đông vừa chạm đến
Rét tâm hồn lạnh cả tiếng yêu em
…Ôm giấc mơ để rơi trong khoảnh khắc
Mà yêu đương lạnh lẽo ở đêm trăng
Em đâu thể đến bên ta lần nữa
Dù một đêm có chết cũng bằng lòng”
(Định mệnh)
Anh cũng đã một đôi lần đến Huế và cũng từng có một bóng hồng làm anh xao xuyến thời trai trẻ. Có lẽ vì vậy mà anh làm thơ về Huế rất hay. Ba bài in trong tập thơ này là: “Có phải em là mùa thu (trang 15), Huế yêu (trang 61), Huế trong tôi (trang 30)” thi ý rất ngọt ngào lãng mạn, sâu lắng và thiết tha.
“Có phải em là mùa thu của Huế
Nên Trường Tiền soi bóng nước sông Hương
Để tôi nhớ và những chiều như thế
Có bóng em thơm ngát những con đường”
(Có phải em là mùa thu)
“Có phải Huế từ lâu rồi lãng mạn
Hay Huế tình bởi chiếc nón bài thơ
Em trong tôi từ khi nào gặp gỡ
Có một chiều thương mãi Huế yếu ơi”
(Huế yêu)
Ai đã từng trải qua cuộc đời dâu bể tang thương hẳn trái tim cũng se lại trước những dòng thơ buồn man mác của thi nhân. Vẫn biết là “vật đổi sao dời” mọi quy luật nghiệt ngã đều có thể xảy ra. Cảnh cũ người xưa làm lên những thi liệu, thi ảnh đầy sức ám gợi trong thơ tình buồn của Mạc . "Con dốc tình" "trời mưa tháng sáu" là nhân chứng , là cọc tiêu cho bến tình bám víu, anh đã chọn những hình ảnh ấn tượng để khắc họa thành công bức tranh ngoại cảnh mà cũng sâu thẳm nội tâm “ tả cảnh ngụ tình”.
“Vẫn còn đó con dốc tình năm cũ
Mưa vẫn còn như thưở nắm tay nhau
Đôi mắt em chưa khô trời tháng sáu
Áng thơ buồn rớt xuống những niềm đau”
(Dã quỳ)
Quả là thế giới nội tâm của thi nhân đầy những bí ẩn của tình yêu. Được thể hiện trên mỗi vẫn thơ cần suy ngẫm và lắng đọng. Đọc lên nghe nao lòng vì nỗi niềm rất thật. Tác giả chỉ mượn thơ để gửi gắm lòng mình. Vì thế có những câu thơ hay để lại ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc
“Con chim cũ về rừng xưa đứng hót
Đợi nhân tình về lót lá phu thê
Ta cũng đã bao mùa thu nhặt lá
Những chiều phai chờ đợi bước em về “
(Con tình)
“Con chim cũ” cũng về lại khung cảnh rừng xưa để hót, đợi bạn tình về xây hạnh phúc cũng như người thơ bao mùa nhặt lá vàng rơi - một việc làm tưởng như vô nghĩa mà lại có nghĩa đối với thi nhân. Chỉ là thi nhân muốn lưu giữ những kỷ niệm. Giữ mùa lá rụng để mùa thu đừng đi và em sẽ về.
Tình yêu và những thương mong khắc khoải khiến thi nhân ngồi đếm thời gian theo từng chiều. “Chiều” thì cũng đã nhiều người nói đến, còn “chiều rơi” là sáng tạo của Mạc Uyên Linh mà tôi từng biết đến. Anh đã sử dụng một hình tượng thời gian, cụ thể hóa một cách rõ nét “ chiều rơi trên mái tóc”. Đây là một ý thơ hay, ít lời mà nhiều ý. Buổi chiều, chiều tà, chiều phai, xế chiều vừa nói đến một khoảng không gian nửa cuối ngày mà cũng nói về nửa bên kia triền dốc của một đời người. Tuổi trẻ đi qua mái tóc dần điểm bạc. Đếm thời gian bằng hình ảnh “chiều rơi trên mái tóc” thật là biểu cảm. Hình ảnh mưa dột ở tâm hồn cũng là một sáng tạo đáng ghi nhận, người ta thường nói mưa dột trên mái nhà còn Mạc Uyên Linh thì cảm được sự lạnh lẽo của hạt mưa trong tâm hồn đã nhọc nhằn vì biến thiên dâu bể.
Nhưng xuyên suốt tập thơ thì tình yêu vẫn là mãnh lực, là đam mê cháy bỏng. Và đó là thơ tình không tuổi của Mạc Uyên Linh.
“Đã mấy hôm rồi mưa không dứt hạt
Một trời buồn lạnh lẽo quá em ơi!
Ta muốn cùng em nằm khơi ngọn lửa
Cháy rực bờ môi suốt cả đêm trôi”
(Ta có em trời đất vẫn ngoan hiền)
Tình yêu như một cái nghiệp nó đeo đẳng cả đời thi nhân. Và chủ thể trữ tình như “ con bướm dại” cứ say hoa và hút mật nhụy đời để làm nên những áng thơ tình say lòng đọc giả.
“Ta đã một đời rồi như bướm dại
Tình yêu gì dai dẳng cả trăm năm
Đêm xếp cánh nhìn mùa thu đưa đẩy
Nghe mùa thu về kể chuyện gối chăn”
(Ta có em trời đất vẫn ngoan hiền)
Hình tượng mưa trở đi trở lại trong thơ Mạc Uyên Linh, ta nghe trong vần thơ chứa lệ. Những giọt lệ buồn trào lên câu chữ của một đời thơ. Nhưng dù sao đi nữa thì tình yêu vẫn là cứu cánh để con người tồn tại. Lời thơ của thi nhân mà như tiếng lòng của tất cả chúng ta
“Đời như thể đêm mưa không chỗ trú
Đêm lạnh lùng ta nấp giữa đời em
Dù gió giông hay bão bùng có dữ
Trong đau thương trời đất vẫn ngoan hiền”
(Ta có em trời đất vẫn ngoan hiền)
Những câu thơ về nỗi đau đời, đau nhân tình thế thái. Hình tượng “ngọn roi đời” trong khổ thơ sau cũng làm cho người đọc quặn thắt lòng.
“Ta ngã xuống bóng tà dương hấp hối
Ngọn roi đời còn đập mãi trên lưng
Có phải ta – một thằng vô số tội
Nên búa rùi cứ chém mãi không ngưng”
Thơ anh còn đọng những khắc khoải ưu phiền cho chí nam nhi lỡ vận. Đời người thì hữu hạn, chẳng mấy chốc cũng đã về chiều. Mọi ước mơ đành dang dỡ với buồn đau.
“Đã nửa đời mài gươm chưa bén
Thì làm sao chém chết nỗi buồn đau
Như lau sậy từ ngàn xưa vẫn sống
Sao nghìn năm vẫn còn mãi cúi đầu”
(Mộ điệu)
Và có lẽ đây là câu trả lời cho sự thành bại của chí hướng nam nhi
“Bởi vì cây lá trổ mầm non trong bão lũ
Những niềm đau vùi dập dưới cơn mưa”
(Mộ điệu)
Còn rất nhiều những áng thơ hay tôi rất muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Nhưng trong khuôn khổ của bài viết, phần trích dẫn xin dừng ở đây!
Những áng thơ tình nồng cháy, chan chứa yêu thương, nhà thơ tình đương đại Mạc Uyên Linh đã làm say lòng đọc giả từ hơn nửa thế kỷ qua với cảm nhận tinh tế, bút pháp điêu luyện ngôn từ trau chuốt. Vần thơ có vẻ đẹp trang nhã mà se sắt lòng người được anh chuyển tải nỗi niềm trong 81 bài thơ: thơ lục bát, thơ bát ngôn, thất ngôn và ngũ ngôn. Ở thể thơ nào anh cũng chứng tỏ là ngòi bút đầy kinh nghiệm. Việc chọn thi liệu thi ảnh kết hợp với nhạc tính hài hòa. Các biện pháp nghệ thuật: sử dụng câu hỏi tu từ, so sánh, ví von, ẩn dụ, hoán dụ, phép tương phản ngôn ngữ hình ảnh, điệp từ điệp ngữ, cảm thán, anh đã viết nên những vần thơ tình đắm say . Dẫu có buồn nhưng cũng đầy nghĩa khí, hào sảng tạo nên tính thẩm mỹ cao . Vì thế “Ta như viên đá còn lăn” là một thi phẩm hay bởi vì đó là những dòng xúc cảm được chắc lọc từ con tim và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc để rút ra những sợi tơ lòng gửi gắm trong đó.
Hãy đến với thơ tình Mạc Uyên Linh để khám phá vẻ đẹp của tập thơ.
Sài Gòn, ngày 09/05/2020