Mùa nắng bắt đầu ở cao nguyên cỏ cây xanh một màu bất tận. Màu xanh và nắng vàng tràn ngập không gian mênh mông những gió. Cơn gió ban mai mang hơi lạnh đánh thức anh em Trương Đại Quá dậy. Đêm qua anh em nhà họ Trương thức hơi khuya để nghe ông K’Rè kể chuyện ông nội ông đã nhìn thấy cây trầm dó như thế nào. Ông K’Rè là một người nói ít nhưng từng lời của ông gần như cô đọng những ý tưởng của một con người sống gần với thiên nhiên. Cả đêm ông già ngồi khơi bếp lửa, miệng ngậm tẩu thuốc thỉnh thoảng phà ra một làn khói khét lẹt của loại thuốc lá tự trồng.
Qua chuyện kể của ông K’Rè anh em nhà họ Trương mới biết rằng ông nội của ông K’Rè đã tìm thấy một cây dó cổ thụ, có lẽ cây dó này đã sống ngàn năm tuổi và trong thân cây ẩn chứa một lượng lớn trầm hương. Gốc và rể cây là nơi kết tụ của kỳ nam, phần tinh túy nhất của cây dó. Ông K’Rẻo, ông nội của ông K’Rè đã vô tình tìm thấy cây dó cổ thụ này và đã gom hết số trầm hương và kỳ nam vô giá đó. Ông K’Rẻo không sử dụng ngay số dược liệu này, ông biết giá trị của nó và cất vào một nơi bí mật để chờ lúc cần thiết thì mang ra dùng. Đến bây giờ Trương Thái mới biết thêm một tính cách của người Thượng: đó là tấm lòng họ khoáng đạt vô cùng. Mọi của cải vật chất người Thượng chỉ chú ý đến công dụng mà thôi, ngoài ra họ không bao giờ có tấm lòng tham lam mưu cầu lợi ích cá nhân. Chính vì vậy mà trải qua bao nhiêu năm số trầm kỳ trong cánh rừng đại ngàn bên cạnh dòng K’Rông Nô vẫn còn đó để chờ những người con của bon Cây Ngo đỏ tìm về và mang đi đổi …muối. Nhưng tìm ra chỗ cất giữ trầm kỳ sau mấy chục năm trời thông qua lời kể của ông nội ông K’Rè quả là không dễ dàng gì.
Mặt trời vừa nhô lên đoàn người tìm trầm men theo dòng sông đi dần về phía hạ lưu, hôm nay họ lên đường rất sớm khi sương mù còn lãng đãng phủ kín vạn vật. Theo lời ông K’Rè họ cần phải tìm ra một cây thông có một nhánh lớn bằng thân cây. Đó chính là dấu hiệu để nhận diện: nhánh cây chỉa về hướng nào hướng đó chính là hướng kho báu nằm dưới một tàng cổ thụ với khoảng cách…một cái xà gạc. Không biết trải qua bao nhiêu là năm tháng cây thông đó có còn không? Đây chính là điều anh em nhà họ Trương băn khoăn nhất. Còn những người Lạch họ vẫn bình thường với nét mặt vô tư. Nếu cây thông không còn vì một lý do nào đó chuyến đi của những người tìm trầm xem như thất bại. Trương Thái lo lắng vô cùng vừa đi cậu vừa ngắm cảnh vật dọc hai bên đường, cậu ngóng tìm một cây thông có một nhánh to bằng thân cây như truyền thuyết ông K’Rè kể. Nhưng vùng này là loại rừng hỗn giao ngoài loài thông ta còn tìm thấy nơi đây những loài cây khác. Cây lá rộng với những phiến lá to như cố vươn lên trời xanh bất tận để đón lấy ánh nắng mặt trời đang hào phóng tỏa xuống thế gian những quầng sáng vàng màu mật. Trời bắt đầu oi bức những con ruồi vàng bay theo quấy rầy mọi người khiến Trương Thái cảm thấy khó chịu. Trương Thái không theo đoàn người tìm trầm nữa, cậu tách ra và đi về phía dòng sông. Thái muốn rửa mặt mũi để xua đi mệt nhọc. Dòng sông K’Rông Nô vẫn vô tư hát ca khúc của mình bằng những âm điệu lúc du dương lúc trầm lúc bỗng. Thái vốc một bụm nước vã lên mặt mình. Mát quá cậu thầm nghĩ như vậy. Dòng sông trong xanh bóng mấy con cá sông thấp thoáng dưới một gộp đá khiến Thái nhớ ngay đến sợi dây câu. Mắt Thái sáng lên đã hơn một tuần rồi Thái chưa được ăn một bữa cá nào cả. Đơn giản vì đoàn người tìm trầm vẫn còn ở đất săn của người Lạch. Muôn thú nhiều vô kể với tài thiện xạ của K’Quang và K’Sa, cả đoàn không lo thiếu thức ăn. Vì vậy Thái cũng không phải trỗ tài câu cá và săn thú nữa. Nhưng sáng nay thấy mấy con cá tràu sông đang nhả từng chuỗi dài bọt nước khiến Thái thèm món canh cá tràu nấu với me rừng quá chừng. Quả thật món này rất ngon, nhất là trong thời tiết nóng bức như hiện nay mà có được một bát canh chua cá tràu thì phải biết. Trương Thái thường nấu canh chua bằng một loại me đất để cho thầy giã rượu nhưng ở trong rừng loại rau này không có. Trương Thái nhìn quanh mắt cậu sáng lên khi nhìn thấy một bụi lá giang mọc ven bờ sông. Vậy là được rồi, cậu nghĩ ta chỉ cần câu được cá là có món canh chua cho mọi người giải nhiệt. Từ món canh chua cá tràu Thái nhớ đến nhiều món ăn khác mà thầy đã dạy cho Thái cách chế biến. Thật đáng tiếc Thái không còn một chút nước mắm để có thể chế biến món rắn băm nhuyễn rồi nhồi vào bộ da đã “làm lông” sạch sẽ sau đó đem hấp và chiên. Chỉ có rắn hổ hành mới cho nhiều thịt để làm nên món rắn mà thầy rất thích. Thái đã ăn nhiều loại rắn khác nhau nhưng rắn hổ là ngon nhất. Có lẽ do loài này lớn tướng nên nhiều thịt chăng? Có lần Thái đã bắt được một con hổ chúa nặng dễ đến trên mười cân. Cậu cho máu rắn và túi mật vào hủ rượu của thầy. Còn bộ lòng Thái xào lên với một ít hành lá làm món nhắm cho thầy nhắm rượu. Nhìn gương mặt thầy ra vẻ hài lòng khi nhắm rượu và xem cậu chế biến thức ăn Thái thấy vui vui. Cậu “làm lông” con hổ chúa thật sạch và nhồi món thịt rắn đã được băm kỹ và ướp cẩn thận vào bộ da con rắn. Nhất thiết phải có chút nước mắm thì mới dậy mùi. Thầy cậu nói như vậy. Ngoài ra còn phải có hạt tiêu, hành hương, xả và một chút rượu trắng. Thứ gì chứ rượu là thứ mà thầy cậu không thể thiếu được. Hàng năm sau khi thu hoạch xong vụ lúa đồi bao giờ thầy cậu cũng dành một phần gạo để cất rượu. Thật lạ dòng suối trước nhà hai thầy trò bao giờ cũng cho ra những mẻ rượu ngon nhất. Thầy cậu đặt tên là Hoàng hoa tửu. Không biết vì sao mà thầy lại đặt tên như vậy. Thung lũng hai thầy trò ở vào cuối mùa mưa hoa quỳ nở vàng ối không gian còn ngoài ra chẳng có một loại hoa vàng nào cả. Không lý lại lấy tên loại hoa quỳ có sắc vàng kia để đặt tên cho một loại rượu mà thầy ưng ý? Nhưng cái tên hoàng hoa tửu ăn sâu vào trí nhớ của cậu mỗi khi rót cho thầy một chén rượu sủi tăm. Cái tăm nhỏ xíu sủi lên từ đáy một vật có thể chứa nước và nhìn thấu suốt bên trong mà một hôm cậu tình cờ nhặt được trong rừng. Cậu lấy làm lạ với vật thể này, từ trước đến giớ cậu chỉ thấy toàn là vò, hủ bằng đất nung chứ chưa bao giờ thấy một vật chứa được nước như vậy. Cậu hăm hở đem vật lạ về khoe thầy. Trái với sự chờ đợi của Thái, thầy cậu trầm ngâm và gương mặt ông đăm chiêu khi nhìn thấy vật lạ. Một hồi lâu ông mới nói:
- Con tìm thấy cái này trong rừng à? Đây là cái chai thủy tinh của người Phú Lãng Sa từ nay đất này không yên được nữa rồi!
Thái không biết chai thủy tinh là gì cả, cậu không dám hỏi nữa khi thấy thầy không vui nhưng cái chai lạ cậu nhặt được là một nỗi ám ảnh trong cậu. Cậu phải tìm cho ra tại sao thầy cậu lại đăm chiêu khi nhìn thấy một vật kì bí và đẹp đẽ mà cậu coi như một báu vật? Quả thật Thái thích cái chai này lắm. Nó trong veo khi cậu đong đầy rượu, cậu khẻ lắc một cái một chuỗi tăm từ đáy chai bay lên trông đẹp mắt vô cùng. Chưa bao giờ cậu trông thấy một vật tương tự như vậy. Cậu mang cái chai vào bếp và dùng đựng rượu cho thầy. Những lúc rảnh rỗi, Thái thường ngồi bất động bên cái chai và ngắm say sưa. Cái chai có một dòng loằng ngoằng nỗi cộm lên bên dưới đáy. Đó là gì cậu không biết. Và không có ai trả lời những thắc mắc cho cậu cả. Còn thầy cậu hình như không mấy thích thú khi nhìn thấy nó.
Mải nghĩ ngợi sợi dây câu căng ra lúc nào không biết. Thái thắc thỏm mừng thầm: như vậy trưa nay đoàn người đi tìm trầm hương sẽ có một bữa cá sông rồi. Từ nhỏ Trương Thái đã là một tay sát cá nên khi câu trên dòng K’Rông Nô cậu nghĩ rằng mình sẽ bắt được một vài chú cá to. Có như vậy mới đủ cho cả đoàn năm người ăn chứ vài con cá nhép thì bỏ bèn gì? Thái bậm môi và giật mạnh chiếc cần. Hình như là một chú cá to Thái nghĩ thầm như vậy. Quả thật một chú cá lăng dễ trên mười cân đang ra sức vùng vẫy để thoát khỏi lưỡi câu oan nghiệt. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của Thái con cá tuyệt vọng vẫy vùng và chịu chết để cho cậu bắt lên bờ nửa canh giờ sau. Thái phát ngay ra những món ngon khi lôi con cá ra khỏi lưỡi câu. Cái đầu và khúc mình cá dứt khoát là phải nấu canh chua. Còn thân cá muốn cho gọn Thái sẽ ướp muối ớt và nướng trên lửa than của loại dẻ khô có rất nhiều trong rừng. Loài cây này có tên là loại dẻ cau bởi nó rất là rắn chắc vì có những mắt gỗ xoắn hình quả cau. Khi còn tươi loài cây này rất dễ chẻ nhưng khi đã khô rồi nó cứng cứ như là một loại thiết mộc vậy. Than của loại dẻ này rất đượm chính điều này khiến cho món cá nướng chín từ từ, nhờ đó hương vị cá càng ngọt ngào hơn.
Trước đây khi cậu làm món cá nướng bao giờ thầy cậu cũng uống vài chén rượu. Thái không được phép uống rượu nhưng nhìn thầy vừa nhâm nhi chén rượu vừa nhắm cá nướng và kể cho cậu nghe vô vàn những chuyện hay, chuyện lạ trong thiên hạ. Nhờ vậy vốn kiến thức của Thái ngày càng được nâng lên. Tuy sống ở vùng rừng xanh núi đỏ nhưng chuyện thiên hạ Thái cũng am hiểu ít nhiều qua những bữa rượu của thầy. Chính vì ham học hỏi nên Thái hay tìm những món ngon vật lạ làm mồi nhắm rượu cho thầy. Thật lạ hình như Trương Thái có năng khiếu nấu ăn trời cho, cậu sáng chế ra những món ăn mà không cần ai chỉ vẻ. Nhưng chúng lại rất ngon ít nhất thầy cậu nói như vậy.
Bây giờ câu được con cá to, Thái thích thú khi nghĩ đến những gương mặt dãn ra của mọi người khi ăn món cậu nấu. Thái hú lên một tràng dài đúng cách mà K’Quang dạy cho cậu khi cần tìm người ở trong rừng. Âm thanh đồng vọng từ cánh rừng trước mặt dội lại một hồi lâu nhưng Thái vẫn không nhận được tín hiệu hồi âm. Thái bắt đầu lo lắng không hiểu điều gì xảy ra cho nhóm người tìm trầm kỳ? Thái tiếp tục hú thêm một tràng dài nữa nhưng ngoài tiếng đồng vọng của mình không gian bao la huyền bí của rừng núi cao nguyên vẫn im lìm không một chút tăm hơi. Sốt ruột Trương Thái quay về lối cũ chỗ lúc nãy cậu tách đoàn vẫn còn dấu vết. Men theo đó Trương Thái vừa đi vừa quan sát. Một con đường nho nhỏ mà đoàn người của Trương Đại Quá để lại dẫn Thái đến một gốc thông. Thái ngước lên bất giác cậu reo lên:
- Đây rồi!
Đúng là cây thông mà đoàn người cần tìm. Một nhánh thông to đúng bằng thân cây chỉa về hướng tây như một dấu hiệu giúp Thái tìm đến những người thân. Hăm hở cậu đi men theo một triền đồi và nhắm về phía một cánh rừng trước mặt. Khi mặt trời gay gắt phả những tia nắng nóng xuống mặt đất, Trương Thái đến một con suối nhỏ. Bên kia bờ suối là một cây cổ thụ có tàng rộng phủ kín một quả đồi con. Trương Thái lội suối mắt hướng vào cây cổ thụ. Không biết có phải là cây cổ thụ chứa đựng một lượng trầm kỳ quý giá mà ông K’Rè đã nói? Đoàn người tìm trầm kỳ đã đến đây chưa? Biết bao câu hỏi nẩy sinh trong lòng Thái nhưng chưa có một lời giải đáp!
Đó là một loài cây lạ Trương Thái chưa thấy bao giờ nhưng cậu không chú ý đến điều đó. Điều mà cậu quan tâm là anh Trương Đại Quá và ba người Lạch giờ này đang ở đâu, họ có biết là cậu đang rối lòng vì họ chăng? Trương Thái quan sát mặt đất dưới gốc cây, cậu đi quanh gốc to đến mấy chục người ôm không hết. Có lẽ đại thụ này có tuổi dễ đến ngàn năm không chừng nó đã chứng kiến biết bao những cảnh vật đổi sao dời. Đi giáp vòng nhưng không tìm thấy một chút manh mối nào chứng tỏ có sự hiện diện của con người ở dưới gốc cây, Trương Thái thất vọng ngồi bệt xuống một chiếc rễ cây nổi trên mặt đất. Trước mặt Trương Thái một dòng mủ màu trắng đục từ một chiếc rễ khác đang ứa ra. Mắt cậu sáng lên. Cậu cẩn thận tiến đến bên chiếc rễ cây và quan sát thật kỹ. Đúng rồi, Thái thầm reo lên đây chính là lưỡi xà gạc của K’ Sa chặt vào chiếc rễ cây này. Cậu tin chắc rằng chính K’Sa chứ không phải là ai khác vì K’Sa có thói quen ghi lại dấu vết bằng cách đó. Hơn nữa trong những ngày qua Trương Thái chưa bao giờ gặp một người lạ mặt nào khác trong vùng này. Có thể nói sau hôm cứu được ông Võ Vô Thường đoàn người tìm trầm là những người duy nhất trong cánh rừng nguyên sinh dọc hai bên con sông K’Rông Nô. Nghĩ đến đó Trương Thái như trút được gánh nặng trong lòng. Như vậy là những người thân của cậu đã đến đây, cậu đã tìm ra dấu vết của họ nhưng họ đi đâu mà Trương Thái không thấy?
Trương Thái vừa thoát khỏi một mối lo thì một mối lo khác lại đến. Cậu lo lắng khi nghĩ rằng đoàn người của anh Trương Đại Quá đã gặp chuyện gì không may chăng? Nghĩ như vậy nên Thái gọi thật to:
- Anh Đại Quá ơi!
Bên kia cánh rừng tiếng vọng lại vang dội một hồi lâu mới hết nhưng không có một tiếng hú trả lời nào ngoài tiếng chim “bắt cô trói cột” hốt hoảng vừa bay vừa hót trên bầu trời không một gợn mây. Lo lắng và bực tức Trương Thái nhìn theo con chim “bắt cô trói cột” như thể chính nó là nguyên nhân khiến người thân của cậu mất tích dưới gốc cây này. Không thể ngồi yên được Trương Thái nới rộng vòng tìm kiếm chung quanh gốc. Nếu mọi người đã đến đây thì họ sẽ để lại dấu vết. Nhất định như vậy vì với bốn người thì không thể nào không có một chút manh mối? Vạch từng lùm bụi Trương Thái càng lúc càng xa gốc cây. Gốc cây cổ thụ vẫn là một tâm điểm giúp Thái định hướng trong việc tìm kiếm của mình.
Mặt trời xuống từ từ cánh rừng bắt đầu tối. Ai từng ở trong rừng mới biết rằng ban đêm mới chính là thời gian mà những bất trắc có thể xảy ra. Điều này thì Trương Thái biết rõ hơn ai hết nên cậu ngừng việc tìm người khi ánh nắng bắt đầu nhạt. Việc đầu tiên cậu làm là tìm cho mình một chỗ trọ qua đêm. Khi đã ưng ý với một cái hốc kín đáo dưới gốc cây cổ thụ Trương Thái vơ một đống lá khô làm đệm và vần một viên đá to chận ngang trước cửa hang. Cậu nấu cơm chiều thật nhanh. Việc này vừa làm cậu vừa để tâm nghe ngóng, khi màn đêm chính thức đến với núi rừng đống lửa trước cửa hang như là một dấu hiệu của sự sống duy nhất trong rừng đêm huyền bí. Đầu con cá lăng không có dịp nấu canh chua cậu để nguyên trong chiếc lá rứng to bản, Trương Thái uể oải nướng thân cá và nghĩ đến Trương Đại Quá. Trương Đại Quá rất thích món canh chua cá tràu do Thái nấu. Tuy đây là cá lăng nhưng nếu được ăn nhất định Trương Đại Quá cũng thích như ăn canh chua cá tràu vậy. Con cá vàng ươm dưới bàn tay của Thái và tỏa ra một mùi thơm điếc mũi. Thế nào rồi mọi người cũng về thôi Thái hy vọng vậy nên cậu chỉ ăn một góc cá nhỏ ở phía đuôi. Phần còn lại cậu để dành cho mọi người biết đâu khuya nay lúc mọi người mệt lữ kéo về dưới gốc cây cậu sẽ có cái ăn dành cho họ?
Đêm trong rừng thật là yên tĩnh. Thỉnh thoảng tiếng một con tắc kè núi làm vỡ không gian vốn im bặt nãy giờ. Trương Thái nhìn ra cánh rừng đen thui trước mặt, cánh rừng như một câu đố huyền bí mà cậu chưa có một lời giải nào hợp lý. Khi không còn chịu đựng cơn buồn ngủ được nữa cậu chui vào đống lá khô và ngủ vùi mặc cho đống lửa sắp tàn.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu cánh rừng đêm vẫn bí hiểm như vốn có. Dưới gốc đại thụ ngọn lửa heo hắt thỉnh thoảng bùng lên bởi một cơn gió thổi qua. Giờ này tàn cây cổ thụ chìm trong sương mù trắng xóa. Điều này càng khiến cho rừng đêm càng trở nên âm u. Thỉnh thoảng có tiếng một con vật rú lên và tắt nghẹn trong cổ họng. Có lẽ chúa sơn lâm đã kiếm được bữa ăn ngon? Quy luật sinh tồn đang vận hành hệt như vốn xảy ra từ ngàn xưa vậy.
Trương Thái ngủ say như chưa bao giờ được ngủ. Cậu trở mình và vùi người vào tấm chăn mỏng bên ngoài phủ đầy lá khô. Hơi ấm của đống lửa từ đầu hôm hình như nhạt dần, sương mù tràn xuống gốc cây và len vào cái hốc Thái đang ngủ. Hơi sương cộng hưởng với hơi đất khiến cậu rùng mình. Cậu muốn ngồi dậy để nhen lại đống lửa hầu như đã tàn nhưng không hiểu vì sao Thái không thể nào nhúc nhích được. Cậu ngạc nhiên và cố một lần nữa xem thử có trở mình được không nhưng vô ích! Không biết có một lực nào đó gìm cậu xuống nền đất lạnh giá trong lúc đầu óc cậu tỉnh táo như thường?
Thái mở to mắt nhìn ra ngoài cửa hang, lúc ấy sương mù bao phủ khắp nơi. Bà chúa màu sữa đục hình như hả hê với trò chơi phủ kín vạn vật của mình, thỉnh thoảng bà lại dạt ra để hở một khoảng trống cho thấy một bụi cỏ, một cây dẻ gai, thậm chí là một cây thông lớn đang ủ mình trong sương gió. Đó chính là lúc sương mù đang di chuyển. Đêm cũng sắp qua và chỉ hai canh giờ nữa thôi mặt đất sẽ được hâm nóng bằng những tia nắng mang lại sự sinh tồn.
Thái không lạ gì với cảnh rừng thiêng trong đêm về sáng. Cậu nhìn ra bên ngoài và bất lực khi không nhúc nhích được một chút nào. Thốt nhiên một cơn gió lớn ào qua, làn sương mù đang hả hê đùa giỡn với vạn vật bỗng nhiên dạt ra và tạo một khoảng trống trước cửa hang. Trong tích tắc ấy Trương Thái lạnh cả người khi nhìn thấy …K’Sa! Đúng là K’Sa thật rồi, Thái đang định mở miệng gọi K’Sa nhưng cậu vừa hả miệng chưa kịp phát ra âm thanh thì ngậm lại ngay khi phát hiện ra phía sau K’Sa là một đoàn rồng rắn những người…lùn. Thái rùng mình. Một cơn ớn lạnh chạy khắp thân thể cậu. K’Sa bị những tên lùn dong đi trong tiếng quát nạt nghe rất lạ. Tay K’Sa bị một sợi dây lòi tói trói ra phía sau. Hình như anh đau đớn lắm thì phải. Trương Thái trợn mắt nhìn ra cửa hang. Bóng K’Sa vừa khuất dạng đoàn người lùn theo sau cỏ vẻ hả hê và râm ran trò chuyện bằng một ngôn ngữ Thái chưa từng nghe bao giờ. Đang nói cười ầm ỉ bọn lùn đang dẫn K’Sa đi bỗng phát hiện ra đống lửa giờ này chỉ còn là những cục than dẻ cau sắp tàn. Chúng tri trô một hồi một tên có vẻ là chỉ huy lấy ra một vật và đưa vào miệng. Một tràng âm thanh nhỏ nhưng rất chói tai phát ra. Một lát sau tên giải K’Sa đi trước quay trở lại. Cả bọn ngồi chung quang ngọn lửa vừa được một số tên mang củi quẳng vào và thổi bùng lên. Bọn lùn xô K’Sa nằm xuống mặt đất lởm chởm những rễ của gốc cây cổ thụ. Một tên leo lên ngồi trên đầu K’Sa, rồi cả bọn hò reo leo trèo lên người K’Sa và tranh giành nhau chỗ ngồi mà tên đầu tiên phát hiện ra. Chỉ có tên ra vẻ chỉ huy không tham gia vào trò chơi đó hắn đứng tách riêng ra và ngồi ngay xuống chiếc rễ cây hồi chiều Trương Thái từng ngồi. Ánh sáng của đống lửa bùng lên soi rõ bọn người lùn. Lúc này Trương Thái mới có dịp quan sát kỹ những vị khách bất ngờ không mời mà đến. Đó là những sinh vật lạ kỳ. Chúng rất thấp có lẽ chỉ đứng đến thắt lưng của Trương Thái là cùng. Quần áo chúng mặc là những tấm lông thú được chế tạo sơ sài, hình như là lông của loài chồn cáo, đôi chỗ lông đã rụng trơ ra lớp da nhăn nheo trông thảm hại vô cùng. Khuôn mặt của bọn người lùn thật là kỳ quái. Tên nào cũng có râu, những sợi râu rất thưa lại có màu vàng nhạt. Chúng hình như lúc nào cũng cười vì cái miệng của chúng rộng đến…mang tai! Tên nào cũng mang theo binh khí, cũng những thứ như cung tên, dáo mác, nhưng binh khí của chúng nhỏ như đồ chơi trẻ nít!
Bọn lùn vô tư nô đùa. Chúng dùng K’Sa làm vật chơi và hết ngồi lên lại trụt xuống người anh. Có tên lại thò bàn tay nhỏ xíu của chúng vào hạ bộ của K’Sa rồi lại rụt ra và cười ré bằng một tràng âm thanh nhỏ nhưng rất quái dị. Đó là Trương Thái đoán chúng cười đùa giỡn không biết có đúng như thế không cậu không rõ lắm. Không nghe một tiếng phản ứng của K’Sa có lẽ anh quá mệt với bọn lùn và để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm? Thái rùng mình. Không biết anh Trương Đại Quá và hai người Lạch kia có bị bắt như K’Sa không? Trong đầu cậu có hàng trăm câu hỏi nhưng không ai có thể trả lời cậu được. Bọn người lùn ở đâu ra mà tìm bắt được K’Sa còn những người kia đâu? Và bọn chúng bắt K’Sa đi đâu, làm gì?
Đang ngồi nhìn ngọn lửa cháy, một tên lùn đứng lên và dạo quanh gốc cây cổ thụ. Thái lo thầm trong bụng nếu chúng tìm thấy Thái, cậu lại trở thành tù binh của bọn quỷ lùn thối tha này. Nhưng Thái cả lo tên lùn bỏ đồng bọn, nó đi ra xa và ngồi xuống đằng sau một bụi cây. Thì ra nó đi đại tiện. Như vậy bọn người lùn cũng là giống người thôi, chúng cũng phải giải quyết những nhu cầu của con người. Phát hiện ra điều này Thái thấy bớt lo được một chút. Tên lùn quay trở lại. Nó không ngồi lại chỗ cũ mà ngồi xuống con cá lăng nướng mà Thái gói lại bằng mấy chiếc lá rừng. Lúc tối Trương Thái quên mang con cá nướng vào hốc cây, cũng vì cơn buồn ngủ chết tiệt! Tên lùn cúi xuống hắn sờ soạng con cá, mắt hắn sáng lên khi bóc lớp lá ra. Hắn cười như điên như dại và ôm ngay con cá vào lòng rồi định chạy đi. Nhưng con cá lăng to lớn mà Trương Thái chỉ ăn có một chút là một vật nặng quá sức đối với tên lùn tham lam. Tên ra vẻ chỉ huy thấy con cá và tên lùn đang định ăn mảnh một mình, hắn nổi giận rút ra một chiếc roi và quất liên hồi kỳ trận vào đồng bọn. Tên lùn tham lam bỏ chạy, lần này nó chỉ chạy một mình để tránh những ngọn roi của tên chỉ huy. Tên chỉ huy ra vẻ hài lòng nhìn chiến lợi phẩm tự nhiên mà có, hắn bốc một miếng to cá nướng cho vào miệng và ra vẻ thích thú với món ăn ngon.
- Huầy!
Tên chỉ huy kêu lên một tiếng sau khi hắn ăn no bụng. Hình như chỉ chờ có vậy lập tức bọn người lùn lao vào con cá và chẳng mấy chốc con cá lăng to tướng chỉ còn lại mấy cái xương. Trương Thái đoán già đoán non rằng tiếng “huầy” của tên chỉ huy có nghĩa là “các người hãy ăn đi!”. Có đúng như vậy không cậu không biết nhưng nhìn những khuôn mặt hả hê của bọn lùn, Thái thấy chúng ra vẻ khoan khoái lắm khi được ăn món cá nướng của cậu. Chỉ có tên lùn tham lam là không được ăn, hắn ở xa xa nhìn đồng bọn dành nhau món cá nhưng không dám lại gần. Hắn sợ chiếc roi của tên chỉ huy thì phải.
Khi đã ăn xong con cá lăng chín vàng bọn người lùn hình như còn thòm thèm, chúng tản ra chung quanh có lẽ chúng nghĩ thức ăn còn đâu đây nên chia nhau đi tìm chung quanh mong có thể tìm ra một món khác nữa chăng? Chúng kêu lên thích thú khi phát hiện chiếc đầu cá mà Trương Thái gói trong chiếc lá dầu nhưng chúng vứt ngay khi biết đầu cá chưa được nấu nướng rồi lãng ra tìm thứ khác. Cũng may chiếc gùi buổi chiều Trương Thái đã mang vào hốc cây khi tìm ra chỗ tá túc qua đêm, nếu không có lẽ bọn lùn sẽ chén sạch lương thực mà Trương Thái mang theo cùng với những đồ dùng ít ỏi của cậu. Thái nín thở nằm im cậu sợ bọn lùn tìm ra cái hốc cây nhưng hình như bọn chúng không để ý đến một khối đá chắn ngang chỗ ngủ của Thái, chúng ơ hờ không thèm có một tia nhìn vào trong cái hốc cây ấy!
Ánh nắng chói chan chiếu vào mắt khiến Trương Thái giật mình tỉnh giấc. Tia nắng xuyên qua kẽ lá chiếu đúng mắt cậu. Trên cây cổ thụ bầy khỉ bắt đầu kiếm ăn. Những con khỉ con nô đùa chí chóe trong khi những con khỉ già bắt chí cho nhau. Tiếng kêu khẹc khẹc của bầy khỉ khiến khu rừng rộn vang tiếng ca muôn thuở của cuộc sống. Trương Thái say sưa ngắm hoạt cảnh của tự nhiên lòng thấy vui vui. Bỗng nhiên Trương Thái nhớ đến giấc mơ tối hôm qua, cậu đưa mắt tìm kiếm khúc mình con cá lăng cậu để ngoài hốc cây nhưng tuyệt nhiên không thấy!
CHƯƠNG 6
HỌC VIỆN LANGBIANG