Năm 1979, tôi tham dự một khóa học về quản lý hợp tác xã nông nghiệp trong ba tháng tại thị xã Tuy Hòa. Lúc này, hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa nhập chung với tên gọi tỉnh Phú Khánh. Học viên khóa này dành cho những người là cán bộ hợp tác xã ở các xã thuộc thuộc vùng Khánh Hòa như Diên Khánh, Cam Ranh, thành phố Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Giã.
Học viên phải đóng tiền ăn cho trường, do hợp tác xã chu cấp, để mua lương thực (nửa gạo, nưa bột mì). Địa điểm trường đóng nơi Tòa Hành chánh Phú Yên cũ, nằm cạnh bãi biển. Khóa học của chúng tôi nhằm vào mùa mưa bão ở Tuy Hòa. Tháng chín, tháng mười, mỗi lần, ngày cũng như đêm, nghe tiếng ễnh ương kêu giục người gặt lúa mà nhớ nhà đứt ruột.
Mỗi ngày chúng tôi được các chị nuôi cho ăn ba bữa. Mỗi bàn ăn có bốn người, ngay trong bữa ăn đầu tiên, tôi may mắn được ngồi chung bàn với những người lớn tuổi, ăn uống biết nhường nhau, biết biết san sẻ cho nhau khi thì chút muối đậu phọng, khi thì trái ớt hĩm ở nhà mang theo mỗi dịp về phép... Thực đơn mọi ngày như một ngày. Sáng hai cái “bánh xe lịch sử” – đó là tên của món ăn mang đậm dấu ấn “lịch sử của thời bao cấp” làm bằng bột mì (sắn) nặn tròn như bánh xe, luộc trong nồi nước sôi chứ không trong xửng, rồi vớt ra ăn với nước muối pha với nước trà giả làm nước mắm. Trưa: mỗi khẩu phần ăn hai chén cơm trắng kèm theo hai “bánh xe lịch sử” chan với “canh bộ đội”. Chiều: cũng giống như khẩu phần ăn bữa trưa, chỉ có “canh bộ đội” là thay đổi, khi thì canh rau muống thả ao cọng cứng, khi thì canh rau cải… Còn nước chấm thì ba bữa đều như nhau. Ngặt nỗi, buổi ăn chiều bắt buộc phải đúng 5g30, sau khi tan buổi học từ 1g đến 5g, để cho nhà bàn dọn dẹp và rửa chén bát, đúng 6g30 thì nhà ăn đóng cửa. Trong thời gian từ 6g30 tối đến 6g30 sáng hôm sau, có người đói bụng, nhất là thanh niên, vì ăn không no nên đành… hút thuốc cho no bụng! Thuốc thì phổ biến nhứt là thuốc rê. Một vài người “bắn” thuốc lào, “phê” rồi lăn đùng ra ngủ quên đói. Buổi tối, trời lạnh buốt xương. Có người phải trùm “poncho” mà ngủ.
Lạ thật! thời tiết sau 75 thay đổi thất thường, nhứt là vào mùa mưa. Bãi biển Tuy Hòa nhìn ngút mắt, không có núi che chắn như bãi biển Nha Trang. Đêm nằm ngủ, lắng nghe sóng vỗ từ xa từng tràng dài như tiếng súng đại liên, thấy vui tai, nhưng đến bờ, bỗng nổ ầm một tiếng, hết hồn.
(Năm mười bảy mười tám tuổi, thời kỳ mộng mơ phát tiết, tôi mơ sau này sẽ mình cất một túp lều tranh trên bờ biển hoang vắng, cô tịch, dựa lưng vào vách núi, hàng đêm ngồi trầm tư mặc tưởng về từng con sóng vỗ mà tìm hiểu ý nghĩa của nó. Bây giờ, sóng biển Tuy Hòa vào những đêm mùa đông đã cuốn trôi và biến ước mơ thời trai trẻ của tôi từ lãng mạn thành lãng... xẹt!).
Tối thứ bảy hay chủ nhựt nghỉ học, đôi khi tôi đi bộ năm cây số từ trường đến nhà anh Trần Sĩ Huệ, vừa đi vừa đếm cột điện cho quên đường xa, chơi với gia đình anh. Lúc này, anh Huệ đã “qui cố hương” từ Nha Trang và sống êm ấm với vợ con, sau khi nghỉ công tác ở Sở Văn hóa – Thông tin Phú Khánh. Chị vẫn còn dạy học. Hai đứa con trai của anh, lúc đó đứa học cấp 1, đứa học cấp 2, những ngày nghỉ học xách bao xuống vườn dương xa nhà đến chục cây số để lượm trái dương khô về tích trữ thay củi nấu ăn. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấm thía câu “tùy cơ ứng biến”.
Trên đường từ nhà anh Huệ lại về trường, khi đi ngang chị bán bánh bột lộc ngồi bệt trên vỉa hè, dưới ngọn đèn hột vịt tù mù thắp bằng dầu cặn, lúc nào tôi cũng mua cho chị 1 xu 3 cái bánh bột lọc. Nhân bánh được làm bằng tép và chỉ có một con cỡ bằng đầu đủa tre. Tôi nghĩ, dù sao mình cũng may mắn hơn những học viên khác là còn có dịp để … đổi món.
Tôi nếm cái lạnh đầu tiên của Tuy Hòa là năm 1965, ở sân bay Đông Tác vào thời điểm cận Tết. Từ Tuy Hòa, tôi phải bay vô Sài Gòn cho kịp công việc. Đường bay này mỗi ngày chỉ có một chuyến khứ hồi. Hành khách tập trung tại điểm bán vé hàng không ở thị xã rồi đi xe trung chuyển đến sân bay.
Chiều hôm đó, xe vừa bỏ khách xuống rồi bỏ chạy về ngay. Hành khách đang ngồi đợi giờ lên máy bay thì cậu bé giữ mày bay, khoảng mười hai mười ba tuổi đến thông báo một động cơ máy bay bị hỏng – loại máy bay Dakota hai động cơ – đang sửa chữa, sáng mai mới bay về Sài Gòn. Hành khách hụt hẫng! Lúc đó chẳng có phương tiện nào để liên lạc với người nhà hay thân nhân đem xe đến đón về thị xã, cũng chẳng có xe ôm. Hành khách ngồi trong phòng đợi trống huơ trống hoắc giống như chàng Robinson sống trong ốc đảo, hoàn toàn bị cắt đứt với mọi phương tiện giao thông và liên lạc, dù chỉ cách thị xã 7 cây số. Gió từ đồng lúa Tuy Hòa và từ biển phóng túng bao la càng lúc càng mạnh, mang theo những đám bụi cát mù trời và cái lạnh buốt thịt buốt da. Mọi người, kể cả trẻ con, không ai bảo ai đua nhau đi tìm bất cứ thứ gì có thể làm củi, gom lại đốt lửa sưởi ấm. Tôi và người bạn phát hiện cạnh máy bay có quầy hàng PX dành riêng cho quân đội Mỹ trú đóng ở đây. Chúng tôi vội chạy đến với hy vọng mua được hai lon coca và hai cái bánh mì sandwich ăn trừ bữa tối. Nhưng khi chúng tôi trả tiền Việt thì người lính Mỹ lịch sự lắc đầu và hỏi chúng tôi chúng tôi có đô-la không? Chúng tôi lắc đầu. Chúng tôi lắc đầu, nói “sorry, thank you” và tiu nghỉu đi về phòng chờ máy bay trong tâm cảnh đã chịu đựng cái gió lạnh Tuy Hòa và từ giờ phút này phải chịu thêm cái đói! Chúng tôi tới gần chỗ máy bay đậu thì bất ngờ gặp hai em bé giữ máy bay trạc bằng tuổi nhau. Chúng tôi hỏi cầu may xin ngủ nhờ, hai em đồng ý ngay và còn giục chúng tôi lên máy bay liền kẻo những hành khách khác trông thấy. Quả thật buồn ngủ mà gặp… tiên đồng! Hai em phát cho chúng tôi hai cái mền, hai khẩu phần ăn dành cho hành khách – mỗi khẩu phần gồm nửa con gà rôti, bánh mì, bơ, rau đậu… và một lon coca. Được ăn ngon, ngủ ấm, sáng hôm sau chúng tôi chúng tôi cám ơn và từ giả hai em, hai em còn “bồi thêm” cho chúng tôi hai gói kẹo chanh đi đường. Ôi, cái tình của hai em ngọt ngào và đằm thắm như đường La Hai, đã khiến tôi không bao giờ quên vị ngọt đó.
Trở lại Tuy Hòa lần này, tuy chỉ đến thăm gia đình anh Huệ, nhưng những gương mặt văn nghệ ở Tuy Hòa tôi vẫn nhớ rất rõ.
Năm 1966, tôi “giang hồ vặt” ở đây khoảng nửa tháng. Tôi được anh em văn nghệ Tuy Hòa mỗi sáng sớm đưa đến quán Cà-phê Nhớ, nằm dưới chân Núi Nhạn, để ngắm nhìn những giọt cà-phê đậm đặc nhỏ từ từ như những hạt mưa rơi và lắng nghe những lời tình tự của Trịnh Công Sơn phát ra từ chiếc máy Akai đặt nơi góc quán. Nghe đâu cô chủ quán là Nàng Thơ của một nhà văn thời danh ở Sài Gòn.
Tôi nhớ mãi hình ảnh của nhà văn Y Uyên hôm đầu tiên cùng vài người bạn đến thăm anh. Anh đàng ngồi trên ghế dựa trước hiên nhà, tì tay lên xấp giấy ca-rô, đang hí hoáy mải mê sáng tác. Lúc này anh đã nổi tiếng với truyện ngắn Tiếng hát của người lính gác cầu và những truyện ngắn khác đã đăng trên tạp chí Văn, Bách Khoa…Một Nguyễn Phương Loan hiền lành như con gái nhưng tướng tá lại con trai, vui tính, nói cười rặt giọng địa phương, làm thơ, chết trẻ. Khánh Linh thì cao liêu nghêu. Nguyễn Lệ Uyên tướng tá cao ráo, vạm vỡ, nước da ngâm đen, giống y một chàng nông dân, nhưng những truyện ngắn sau này của chàng thỉnh thoảng có… “lệ” rơi! Phạm Cao Hoàng làm thơ kiêm “ngâm sĩ”, có giọng ngâm rất ấm và truyền cảm. Có thể so tài với Hoàng là Phạm Ngọc Lư, vừa làm thơ vừa viết truyện ngắn. Phạm Ngọc Lư người Huế, chẳng họ hàng gì với Phạm Cao Hoàng người Tuy Hòa, chàng này vừa tốt nghiệp sư phạm thì được chuyển về dạy học ở đây. Một kỷ niệm nhỏ giữa tôi và Lư ở Tuy Hòa là tôi khắc tặng Lư trên chiếc zippo giả hiệu, rẻ tiền một câu đùa nghịch mà bây giờ không tiện nói ra. Ở Tuy Hòa có nhóm Sóng do Hoàng Đình Huy Quan chủ trương, in ronéo. Lần đầu tiên tôi Loan ở nhà Quan. Ấn tượng nhứt đối với tôi là khi Quan cười lộ chiếc răng vàng ở hàm trên sáng chói. Theo tôi biết những nhà giàu cư ngụ trên vùng đất Phú Yên đều thích trồng răng vàng. Trong phòng của Quan còn có một bộ trống chơi tân nhạc.Còn Đặng Kim Côn, Mang Viên Long, Nguyễn Tường Văn… tôi chỉ biết tên họ qua sách báo, mãi sau này mới có dịp gặp. Riêng Nguyễn Sông Ba, năm 1974 tôi lên Đà Lạt để nhờ in bìa tập thơ “Bếp lửa còn thơm mùi bã mía” của tôi, Ý Thức xuất bản, tại cơ sở ấn loát Việt Anh, thì anh đang phụ trách trình bày và minh họa tại đây. Anh có tài viết chữ trên giấy “master” sắc sảo như chữ in.
Năm 1987, tôi có dịp thăm lại Tuy Hòa lần nữa. Lần này cùng đi với Cao Duy Thảo và Thế Vũ. Đêm đầu tiên, chúng tôi ngủ ở nhà Nguyễn Lệ Uyên, cách thị xã Tuy Hòa 5 cây số. Nhà anh có sân rộng, bao quanh là vườn cây trái xanh um. Buổi tối, chúng tôi ngồi trước sân ngắm trăng và thưởng thức rượu gạo do anh nấu. Anh kể cho chúng tôi nghe lý do anh nấu rượu là vì mê, không cách gì cưỡng nổi âm thanh tí tách của từng giọt rượu rơi từ lò nấu xuống bình thủy tinh đựng rượu trong một truyện ngắn của G. Maupassant. Một lý do chính đáng đậm chất nghệ thuật! Trước khi đi ngủ, anh lặng lẽ vào nhà xách ra một chai rượu nhỏ dành riêng đãi khách quí đồng thời để “giải nghễ” sau khi uống say. Loại này là loại tinh chất từ lo nhỏ ra những giọt đầu tiên, đến 60 độ, nhưng uống vào, tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái và ngủ say một giấc cho tới sáng trên bộ ván ngựa của nhà anh.
Đúng là một thời để yêu và một thời để nhớ.
Sài Gòn, tháng 12-2013
(Ghi chú: Người viết ngồi dưới chân bia Núi Nhạn)