Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.014
123.367.409
 
Dọc đường văn nghệ (phần 49) Phù hư – Nhà thơ “Ngậm thẻ qua sông”
Trần Dzạ Lữ

 

 

 

 

Trước 75, nhà thơ Phù Hư xuất hiện trên một số báo và tạp chí ở Sài Gòn.Đặc biệt là anh xuất hiện trên tạp chí Văn với bài thơ Ngậm Thẻ Qua Sông có phong cách lạ- nói đúng hơn là một bài hành được nhiều người yêu thích mà tôi còn nhớ đến giờ.

Sau 75 thì chim bay tan tác…mỗi người một phương !

Đến thập niên 80 tôi mới gặp lại Phù Hư ở quán cà phê anh Giáo nằm trên đường Lê Văn Sỹ-Anh Giáo là anh của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn.Thời gian này, xuất hiện nhiều tay văn nghệ sĩ như Ngô Tắc Tích, Kim Hoa Bà Bà, Y Vũ, Phù Hư, Nguyễn Ước,Sơn Quăn…Lúc này thì tôi ngất ngư vì phải đạp xe lên tận ruộng ở Tân Bình mua rau Muống về cho vợ bán ở chợ THT.Đang gò lưng đạp thì Phù hư gọi tôi:”TDL, ghé quán uống cà phê đã rồi đi.”Tôi dừng xe, bước vào quán ngồi cạnh Phù Hư.Trước ly cà phê đen đang bốc khói , giọng anh trầm trầm:” Làm rứa chi cho khổ hèo? Theo mình buôn bán thứ ni nì”.Phù Hư móc xâu đồ nghề đưa tôi xem rồi chỉ tôi cặn kẽ.Đây là nghề ve chai “ cao cấp” mà nhẹ nhàng.Tôi nhận ra nào đồng hồ mạ vàng, nào viết Parker, nào kính Pilot, nào đồng tiền nữ hoàng của Pháp bằng bạc thật.Tiếp thị xong, Phù Hư trả tiền cà phê rồi móc túi cho tôi 5 đồng bạc Bắc.Tôi trố mắt nhìn rồi hẹn sẽ theo bạn.Vậy là ,ngày mai tôi để vợ lấy rau tại chợ và tôi trở thành một tên “ ve chai hành” ( Bùi Chí Vinh có làm bài thơ đáng nhớ)

 

Buổi sáng tụ tập quán cà phê hơn 9 giờ mới xuất hành.Những thứ tôi và đám ve chai cần mua đang còn trong dân chúng nên thong dong đi vài giờ là có tiền sống khoẻ trong một ngày.Ai may mắn thì trúng mánh ăn cả tháng.Nhưng hơn một năm sau, nghề này cũng lụi tàn.Tôi quay trở lại chợ bán mua cùng người vợ khổ.Phù Hư may mắn hơn tôi có gia đình căn bản nên xoay qua làm tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay.Được mấy năm rồi tờ tạp chí cũng chết.

Phù Hư được cái là có lòng nên luôn là người đứng ra vận động ACE văn nghệ giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật…ở SG cũng như các tỉnh.Như trường hợp nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, Ngô Cang…mà tôi đã thấy thực sự.

Nay thì lớp chúng tôi đã vào tuổi hoàng hôn.Cái tuổi quá ngậm ngùi của một đời người.Chỉ còn thơ văn là điều để còn nhớ tới như những lời ru, ru mình sống tiếp cuộc phù vân…

 

THƠ PHÙ HƯ

NGẬM THẺ QUA SÔNG

 

thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng

ven thôn vừa ghé buổi di quân

khói mẹ sau lều cơm chín tới

nước em chè lá đậm phèn sông

tôi đời trận mạc xa quê quán

buổi ghé nương em núp bóng nhà

em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa

lâu tin vắng trông mòn đường xóm

tôi ở quá bên hông nhà gió sớm

đợi dùm em tin chinh chiến gửi về

đêm nay mưa em mất ngủ khuya

tôi lạnh gió tin địch về vẫn thức

làng em ở gió Lào qua rất độc

ngày mưa mù khuất núi mù sông

mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng

em nhắn gửi bao lần tin vẫn biệt

rụng vườn em trăng sương ngày tháng chạp

tôi gác đêm như bóng người rình

tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông

sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt

tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc

thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu

đồng đội tôi ngủ mệt thôn sâu

ngại làm động mẹ ho vừa chợp mắt

tôi nương bóng nhà trăng che khuất

ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi

nhìn xa trăng định trốn sau đồi

sông tiếng vạc dặm buồn như tiếng cú

thức có khuya mới nghe hồn bớt ngủ

mới hay trăng tháng chạp úa quanh đời

nghe em thở não mãi không thôi

em thở đó hay gió kêu mùa giá

nhà em ở miệt đông xóm hạ

bên triền sông không bến phải vắng thuyền

đầu trăng con nước rất vô duyên

lên mấp mé vườn em vai phơi áo

em rất nhỏ ngày trông vào gánh gạo

mẹ thì già vồn cải với nương rau

bước sau hiên vui mẹ dây trầu

mùa tốt lá xanh hồn tôi mới ghé

buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ

em thẹn thùa tôi tưởng thuở bình yên

tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng

trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió

một tháng tròn ngỡ như ngày thuở nhỏ

em là em mẹ là mẹ xưa

tôi lêu nghêu lúc đi sớm về trưa

cơm nửa buổi giữa khuya kêu bụng đói

nhà thưa quạnh tôi gượng vui chẳng nổi

mẹ thẫn thờ em heo bóng trong sân

tôi trận mạc nhầu không kể đến thân

sương nhiều lắm trời không che nắm đất

em vẫn bảo tôi mái tranh không chật

tôi cười xoà xó xỉnh miết đâm quen

tròn tháng rồi đấy nhớ không em

hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép

lúc quân đi chắc em không hề biết

đội tôi ngùi ngùi ngậm thẻ qua sông

còn tôi co ro lạnh mãi gió đông

một lần cuối nhìn nhà em đóng kín

tin chồng em chắc chưa về đến bến

như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà

cũng mấy năm rồi biền biệt phương xa

em còn nhớ một lần tôi ghé ở

thơm lửa hương khoai vùi bếp cũ

hồn em xa lắm cũng quanh đây

( 1972)

 

PHỐ ÂM XANH

 

tắt người, biển thẳm, sóng lao

đêm đen mun xuống vàng sao trên đầu

âm xanh vọng phố thưa sâu

đèn chia đường nhợt sương cầu gió rơi

sóng về kể nhịp đầy vơi

sương hình như ngậm kín trời đại dương

người xa lòng có mỏi cồn

để chân viễn phố dưới hồn cát rung

 

NỤ HÔN ĐẦU

 

nẻo em cồn bão đêm tù

núi khi tàn xuống biển từ dâng lên

cách em đến mấy nghìn đêm

môi còn ẩn nụ hôn riêng ban đầu

 

PHÙ HƯ

 

Bao giờ cũng ngậm ngùi thương nhớ thuở thanh xuân…phải không Phù Hư-người Ngậm Thẻ Qua Sông?

 

(SG 6.2020 )

 

Hình ảnh: Nhà Thơ PHÙ HƯ

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 2261
Ngày đăng: 04.07.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc áo len Và Cha tôi - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (phần 48) Ngô Cang, một phận người nghiệt ngã - Trần Dzạ Lữ
Bến quê - Trần Khởi
Dọc đường văn nghệ (phần 47) Hà Vũ Giang Châu – ngày nào lịch lãm - Trần Dzạ Lữ
“Nghề” bán dừa – Nụ cười và những giọt nước mắt. - Trang Thùy
Người bạn Hà Nội - Minh Tứ
Nửa miền thương nhớ (thương tặng Quảng Nam) - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ (phần 46) Thị trấn Hoa Vàng – Quê Hương Thứ 2 của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (phần 45) Huỳnh Ngọc Thương – Lãng tử bên đồi Tây nhớ đồi Đông - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 44) Nhà văn Thùy An – Kiếp Tằm nên phải nhả tơ - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)