Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
833
123.236.516
 
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 7: Cuộc hỏi cung)
Võ Anh Cương

 

 

Vào buổi tối học viện Langbiang im lặng một cách thần bí. Mới đây thôi lũ học trò nhỏ còn tranh nhau miếng thịt nướng tẩm gia vị là một thứ lá có mùi hăng hắc. Những chiếc lá ấy do chính thầy Mat hái tận trong cánh rừng sâu. Theo như lời Mat, học viên của trường một mùa trăng ít nhất phải ăn một lần lá gia vị đó để con mắt sáng, cái chân đi không biết mỏi và nhất là thân hình uốn éo như con rắn bò. Không ai biết lá mọc ra từ loại cây nào trừ Mat và Mat luôn luôn khó chịu khi ai đó vô tình hỏi về vấn đề này. Mat không muốn trả lời nhưng lại vui vẻ khi bọn học trò nhỏ của mình mời thầy một miếng sườn heo nướng tẩm lá gia vị bí mật kia. Đặc biệt khi Vương Đình Huệ mời người thầy nghiêm nghị miếng sườn heo nướng bao giớ Mat cũng gật đầu khen ngon. Cũng như thầy Huệ có bí quyết riêng khi nướng miếng sườn heo. Anh chọn miếng sườn vừa phải, không nhiều mỡ lắm và trước mặt mọi người Huệ luôn xin đúng hai chiếc lá rồi bóp nhỏ và anh trộn với miếng sườn trong một nồi đất. Chiếc nồi làm bằng đất của người Chăm luôn làm cho miếng thịt thêm ngon nhưng không ai biết rằng bên trong chiếc nồi màu đỏ có những vết màu đen kia Huệ đã để sẳn một ít mật ong rừng. Và muối là một thứ gia vị không thể thiếu! Anh ướp miếng sườn heo trong một khắc, trong khi chờ đợi Huệ đốt một đống củi dẻ cau. Dẻ cau luôn cho người ta thứ than tuyệt hảo nếu dùng nướng sườn heo thì không có thứ than nào so sánh được!

Chiều nay cũng vậy Huệ mời Mat miếng sườn heo nướng. Và cũng như những lần khác, Mat vui vẻ nhận món quà của người học trò. Khi bữa ăn chấm dứt, Mat cho tất cả học trò đi ngủ trừ Vương Đình Huệ. Trước những cặp mắt ngạc nhiên của học trò, Mat giải thích:

- Các con còn nhỏ, ta chọn Vương Đình Huệ làm phụ tá cho ta trong việc hỏi cung tù binh. Đây là một việc làm quan trọng, các con không giúp gì cho ta được.

Khi tất cả học trò đi về lán trại của mình, mặt trời đã chìm sâu vào hướng tây, ngôi sao hôm lấp lánh phía chân trời báo hiệu đêm đã bắt đầu. Chung quanh học viện là một không gian tỉnh mịch, lúc này chưa phải là thời điểm săn đêm nên thú rừng và chim chóc còn ẩn náu trong hang ổ của chúng. Hai thầy trò Huệ cũng chìm sâu vào trong im lặng. Huệ hiểu tính Mat, chưa đến lúc nói dù có hỏi cũng chẳng được trả lời mà còn bị Mat mắng cho nữa. Anh tập trung vào những gì cần phải làm sau những diễn biến ngày nay. Lúc khiêng tù binh về nhóm Tư Đực đi chậm nhất. Cũng phải thôi nhóm này gồm những đứa nhỏ con nhưng bù lại chúng đông hơn các nhóm khác. Theo luật lệ của trường, các nhóm phải hoàn toàn tự lực trong bất cứ công việc nào. Điều này giúp cho lũ trẻ phát huy những tài năng riêng biệt đang tiềm ẩn trong mỗi đứa. Nhóm Tư Đực phụ trách chừng mười đứa, lớn tuổi nhất là Tư Đực, chúng nhận nhiệm vụ do Huệ phân công là giải một tên tù binh trẻ về trường. Không hiểu chúng làm những gì mà sau khi tất cả các nhóm hoàn thành nhiệm vụ mãi đến sáng sớm hôm sau chúng mới về tới trường. Theo thông lệ không ai hỏi chúng vì sao, dù gì thì chúng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi nhìn vào mắt của nhóm Tư Đực, Vương Đình Huệ nhận thấy một điều là tất cả bọn chúng đều rất vui! Điều này gây ngạc nhiên cho Huệ nhưng anh không nói với ai và âm thầm theo dõi những đứa nhỏ nghịch ngợm cùng lớp Nhập môn với mình. Khi được lệnh của Mat, chúng hấp háy những đôi mắt vui tươi và hình như chúng đang truyền tải một thông điệp gì đó mà chỉ có chúng hiểu mà thôi! 

Vương Đình Huệ muốn lỉnh đi tìm hiểu điều gì khiến lũ trẻ vui vẻ đến vậy nhưng Mat chưa nói gì nghĩa là Huệ còn phải ở bên cạnh Mat và có nghĩa vụ làm tất cả những gì mà Mat muốn. Im lặng hồi lâu, cuối cùng rồi Mat cũng mở miệng:

- Ta có một ý này, thay vì ta hỏi cung chúng, ta sẽ phỏng vấn. Đi!

Hai thầy trò đến chỗ nhốt tù binh. Đó là một điểm bí mật, chỉ có Mat và những người có trách nhiệm của trường mới được biết. Điều này khiến cho Vương Đình Huệ lấy làm hãnh diện vô cùng, dù gì Huệ cũng là một người quan trọng! Hai thầy trò vượt qua hai vọng gác hai tên lính hỏi mật khẩu bằng một giọng thì thào y như tiếng xào xạt của lá:

- Ô quy?

Không chần chừ Mat đáp:

- Cây thông đỏ!

Hai tên lính gác rút ngay về hai chiếc đao dài bằng chiều cao người chúng và tránh ra một bên nhường đường cho hai người. Cuối cùng họ cũng đến được chỗ giam giữ tù binh. Đó là một cánh cửa dẫn đến một tầng hầm dưới đất. Tại chỗ  này mật khẩu lại được trao đổi một lần nữa cánh cửa mới được mở ra. Cả hai thầy trò cúi đầu chui vào cánh cửa nhỏ, ngay lập tức cánh cửa được đóng lại. Trước mặt Vương Đình Huệ là một màu đen, anh không thấy được cảnh vật chung quanh. Lập tức Vương Đình Huệ nhớ ngay bài học thầy dạy, những lúc này phải dùng thuật nhìn trong đêm như con nai con hoẵng vậy. Nghĩ là làm, Huệ bắt đầu vận dụng phương thuật Rừng sâu. Như một phép màu trước mắt Huệ bừng lên một màu xanh, thứ ánh sáng xanh ma quái khiến Huệ ngạc nhiên quá chừng. Nhưng anh không bỏ một chút nhịp thời gian nào, anh bước theo chân Mat ngay lập tức khiến Mat rất hài lòng. Điều đó thể hiện nơi cái gật đầu của Mat. Hai người lần theo con đường hầm đến một cánh cửa bằng gỗ màu đen, đó là thứ hắc mộc chỉ có trong một cánh rừng cách học viện một ngày đường về hướng đông nam. Mat cho chìa khóa vào ổ y như lời dặn của tên lính canh khi trao chìa khoá cho hai người. Cánh cửa bật ra ngay và khép lại tức khắc khi cả hai đã vào hẳn phòng giam. Trước mặt hai người là bốn người đàn ông kẻ nằm người ngồi trong một căn phòng vừa phải. Thấy hai thầy trò vào tất cả đứng dậy, mắt lộ những tia nhìn kỳ dị. Mat lặng lẽ tiến về phía họ và bằng một cử chỉ thân thiện khác hẳn ngày thường, Mat nắm tay ngưới cao tuổi nhất và nói:

- Ngồi xuống đi, ta đến đây với một thiện chí mà!

Tất nhiên Mat nói bằng tiếng Lạch, điều này bọn Vương Đình Huệ đã tường trình cặn kẽ với thầy. Ngạc nhiên hết sức, người đàn ông cao tuổi đóng một chiếc khố có hai dải lòng thòng phía trước và phía sau vội ngồi xuống. Ông ta đã ngồi nhưng đầu ông ta còn cao hơn hai thầy trò Mat đang đứng trước mặt họ. Mat làm như không để ý đến điều này, ông nói:

- Ông tên là gì? Tại sao phạm vào lãnh địa của học viện Langbiang?

Dù cố hết sức và ráng làm ra vẻ dõng dạc nhưng giọng nói của Mat vẫn có âm hưởng xào xạt của ngọn gió rừng, người đàn ông tư lự một chút rồi hỏi lại:

- Đây là đâu? Tại sao chúng tôi ở đây?

Có lẽ ông thắc mắc về hoàn cảnh của mình và với câu hỏi vừa rồi người đàn ông hy vọng người đối diện sẽ giải đáp thắc mắc cho mình. Vương Đình Huệ cố dỏng tai lên và vận dụng thuật Tri tâm đọc tư tưởng của người đàn ông đứng tuổi. Thuật này đòi hỏi người thực hiện phải tập trung tư tưởng cao độ và nhìn vào giữa hai hàng lông mày của người đối diện. Theo lời Mat dạy vị trí này là một cửa sổ mở vào cánh cửa tâm hồn của một người. Từ chút một Huệ nhìn thấy một màu xám nhợt nhạt hiện ra chung quanh khuôn mặt góc cạnh của người đàn ông. Trong lúc ấy Mat nhắc lại câu hỏi:

- Ông từ đâu tới?

Trước mặt Huệ màu xám bạc hiện ra lờ mờ một trảng rừng trên một ngọn núi cao cao, trong đó có một dãy nhà dài mái lợp lá rừng. Dãy nhà được dựng trên những thân cây cao khoảng đầu người đàn ông và có một cầu thang được đẻo bằng một thân cây rừng làm lối lên xuống nhà. Hai bên đầu hồi cũng có hai cầu thang như vậy. Đó là kiểu nhà dài của người Lạch, Vương Đình Huệ lẩm nhẩm trong đầu và cố nhớ lại những kiến thức về tộc người này Mat đã dạy cách đây mấy tuần trăng. 

Hình như hình ảnh không xuất hiện từ trước mặt của Vương Đình Huệ, những hình ảnh đó đến từ một phía khác, nhất thời Huệ không xác định được. Thời gian lúc này đang vào buổi sáng, một đoàn người gồm đàn ông, đàn bà, trẻ con đang rời ngôi nhà dài, trên vai họ là những cái gùi, tay họ cầm những xà gạc. Có lẽ họ bắt đầu lên rẫy, Huệ nghĩ trong bụng, nương rẫy của người Lạch, Vương Đình Huệ “a” lê một tiếng thầm trong đầu. Đúng vậy, đoàn người đang đi làm buổi sáng, dãy nhà dài là nơi ở của những người lạ mặt, Huệ khẳng định như vậy.

Hình ảnh tiếp tục xuất hiện trong đầu Vương Đình Huệ khi Mat hỏi một câu khác.

Mat hỏi:

- Các ông tới đây làm gì?

Lập tức một chuỗi hình ảnh khác xuất hiện trước mắt Huệ. Đó là cảnh hai người trai trẻ trông khác hẳn những người Lạch đến một bon có một cái nhà dài vào một buổi chiều. Người đàn ông hai thầy trò đang phỏng vấn tiếp hai người trai trẻ kia cạnh một bếp lửa.

- Phải rồi, Huệ nghĩ trong đầu. Hai người trẻ tuổi này rủ người đàn ông làm một việc gì đó. Kìa người nhỏ tuổi lấy ra trong cái gùi một nắm những hạt xanh xanh đỏ đỏ, mắt người đàn ông sáng lên kìa, hình như ông ta thích thú thứ hạt đó lắm thì phải?

Lần lượt những hoạt cảnh diễn ra trong tâm thức người đàn ông đứng tuổi tái hiện ra trong tâm trí Huệ. Anh ráng nhớ những chi tiết cho dù nhỏ nhất để cùng bàn luận với thầy Râu Dài đối sách với bọn người thâm nhập bất hợp pháp vào khu vực cấm của học viện Langbiang. Câu chuyện được kể bằng hình ảnh rất chi tiết và sống động, những hình ảnh ấy xuất hiện trong đầu của Huệ một cách tự nhiên. Đầu tiên Vương Đình Huệ có hơi sững sốt, tâm trí bị dao động, lập tức những hình ảnh ấy mờ dần. Ý thức được sự cần thiết phải tập trung, Huệ gạt ngay trong đầu những nghi kỵ mới xuất hiện khi sử dụng thuật Tri tâm. Đây là lần đầu tiên anh áp dụng phương thuật này và lấy làm đắc ý với kết quả đạt được trong lúc Mat phỏng vấn nhóm tù binh.

- Đủ rồi, con đã biết hết về người đàn ông này!

Mat hài lòng nhìn người học trò của mình, ông không dặn nhưng Huệ đã biết vận dụng phương thuật trong lúc ông phỏng vấn người tù binh cao tuổi, Mat nói:

- Giỏi lắm Huệ, ta rất hài lòng về con!

Quay sang nhóm tù binh, lúc này cả nhóm không còn kẻ đứng người ngồi như lúc nãy, tất cả đều nằm xuống nền đất ẩm ướt và bất động. Mat thở dài:

- Đã gần sáng, họ không cử động được vào ban ngày đâu, ta về thôi.

Lúc đó trời đã bắt đầu chiếu những tia nắng yếu ớt xuống mặt đất nơi toạ lạc của học viện Lang biang.

 

CHƯƠNG 8

TÙ NHÂN

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 794
Ngày đăng: 06.07.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 6: Học viện Langbiang) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 5: Lạc mất nhau) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 4: Cuộc gặp gỡ định mệnh) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 3: Chuyện cũ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 2: Bái Sư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 1: Hai anh em) - Võ Anh Cương
Đặc nhiệm chính phủ (Chương 1: Phố của mùi lanh chanh) - Nguyễn Thị Kim Lan
Đền rùa vàng (phần cuối) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 2) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 1) - Ngô Nguyên Dũng
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)