Trong mỗi cuộc đời có lẽ ai cũng có một ước mơ. Tôi cứ hay nằm mơ thấy mình phiêu diêu trên chiếc xe đạp nhỏ lướt nhẹ trên mặt bờ đê, tâm hồn phơ phới như một cánh diều trong một buổi chiều lộng gió, chỉ là chiếc xe đạp thôi. Ba tôi thì khác, ông có một điều ước lớn nhất cuộc đời là… cất được một ngôi nhà sàn bằng cây thao lao, một ngôi nhà lợp lá rộng ba gian, chễm chệ bên dòng sông Hậu tính khí thất thường mà cứ vào mùa nước lũ thì nhà tôi lại lĩnh bĩnh dòng nước trong veo, mà bầy cá rô non đầu mùa vẫn thường dạn dĩ tung tăng trong nhà, lạ một điều là dù rất dạn dĩ nhưng chẳng bao giờ chúng thèm nhìn đến cái lưỡi câu của tôi, hình như cũng có lúc, chúng liếc xéo thằng bé ngớ ngẩn như tôi đang bó gối chống càm mà chờ đợi trên cái chõng tre ọp ẹp.
Quê tôi, ai cũng mơ ước có được một ngôi nhà sàn, khi nông nhàn, tòn teng trên cái võng trước hiên nhà mà ca vọng cổ... Ba tôi cũng vậy, ông rất khoái ca vọng cổ, cái dĩa hát bự bằng cái mâm trà có in hình con chó và dòng chữ Asia ''Phạm Công Cúc Hoa'' bên nhà tên ủy viên cảnh sát thường mở mà ba tôi ổng thuộc nằm lòng, cứ mỗi lần nghe thì ba lại ngậm ngùi:
- Ôi, còn chi buồn bằng cảnh "Gà trống nuôi con"?
Cũng đúng thôi, bởi vì má tôi đã chết vào năm Mậu Thân trên đường từ ruộng chống xuồng trở về nhà... Có lẽ cái khăn rằn trên cổ má đã thu hút cả một bầy trực thăng săn đuổi... Má chết năm tôi mới 5 tuổi, tôi còn nhớ rất rõ. Má nằm chết trên đám bông lục bình màu tím, tóc xõa dài trên chiếc xuồng con bê bết máu, bông lục bình là món đồ chơi mà tôi rất thích, đó là trò chơi một mình của đứa bé con nhà nghèo giữa nơi hoang vắng.
Sau khi má tôi chết, ba và anh hai tôi như trầm mặc hẳn đi, căn chòi tranh dột nát bên bờ sông như im hẳn tiếng cười, cái bàn thờ nhỏ trên chái nhà cũng lạnh tanh, ba cha con tôi hình như sống trong cái tĩnh lặng mà rất hung hiểm của chiến tranh triền miên. Cứ mỗi lần máy bay Mỹ bắn phá, ba tôi lại ôm tôi vào lòng trong cái hầm ngoài bụi tre già, tôi ngửi cái mùi thuốc lá quen thuộc, nhớ má lắm mà vẫn thấy lòng mình ấm áp biết bao.
*
Gánh cải lương Sóng Vang về làng, cái thông tin hấp dẫn ấy làm xôn xao cả cái xóm nhỏ ven sông nầy. Tôi dám cá một ăn mười là hễ ai mà nông dân thì đều khoái cải lương cả, không như anh hai tôi lúc nào cũng ra rã ca cái bài gì mà người ta mời rượu ông Đơn Hùng Tín trước lúc ổng ra đi, tôi thì chỉ khoái mấy màn đánh kiếm chan chát trong lúc ban nhạc đánh cái bài gì mà nghe nôn cả ruột gan phèo phổi...
Ngộ lắm, làng tôi rất nghèo, thậm chí chỉ có thể ăn được miếng thịt heo vào ngày đám cưới của hàng xóm, còn thì quanh năm chỉ là rau với mắm và món cá linh quen thuộc kho lỏng bỏng, như má tôi hay nói: "Cơm với cá như má với con". Vậy chớ có gánh hát về là ai cũng chắt mót đi coi cho bằng được...
Ba tôi vui hẳn lên, không chỉ vì có gánh hát về mà còn là vì ông bầu lại là bạn cũ của ổng, tôi như mở cờ trong bụng, hằng đêm hiên ngang vô coi hát ''cọp'' mà chẳng hề bị ai nắm đầu đá đít cả.
Đêm cuối cùng đoàn hát lui ghe, ông bầu tới nhà nhậu với ba tôi tới gần sáng.
Nằm trong mùng dù rất buồn ngủ, tôi vẫn nhìn thấy ba tôi mở cái tụng đệm đựng tiền để dành cất nhà sàn, đếm và đưa cho ông bầu.
Sáng hôm sau thì ủy viên cảnh sát Đen tới, con Phèn thấy đám dân vệ mà không dám sủa, hực hực mấy tiếng rồi nằm im bên gốc rơm trước nhà, đôi mắt buồn hiu. Ba tôi bình thản ngồi trên võng vấn điếu thuốc rê, thằng cảnh sát đen như cột nhà cháy chống nạnh, hất hàm hỏi ba tôi:
- Thằng con lớn ông đâu?
Ba tôi ngước nhìn, chậm rãi:
- Nó theo gánh cải lương rồi!
Tên cảnh sát cười nham hiểm:
- Ngộ quá há, tới tuổi quân dịch mà lại đi gánh hát.
Ít khi tôi thấy ba tôi nhăn nhó như lần đó:
- Dạ, ông thông cảm ''Sanh con ai nỡ sanh lòng'', thằng nhỏ trốn nhà theo cải lương tui đâu có hay.
Cũng may rồi mọi việc cũng nhẹ nhàng trôi qua như dòng sông trước nhà, ba tôi lại đặt lợp, giăng câu, làm thuê làm mướn để lo cho cuộc sống của hai cha con, tôi cứ nhớ hoài cái hôm ba đi làm đất về, mình mẩy ướt nhem, lục kiếm cái keo chao, để đựng cho tôi con cá lia thia có màu xanh mượt mà... Ba tôi thương tôi lắm. Cuộc sống của người nông dân nghèo khổ không đất đai ruộng vườn như cha con tôi cứ nhẹ nhàng trôi lướt đi theo tháng ngày, thỉnh thoảng ba cũng nhận được thư của anh Hai tôi gởi về, ông lại chạy qua nhà chú Năm nhờ đọc cho nghe rồi về nhà xếp từ mảnh giấy giấu trên bàn thờ má tôi... Đến lá thư thứ tư của anh tôi thì ba tôi không còn phải chạy qua nhà chú Năm nhờ đọc nữa, bởi vì tôi đã biết đọc sau mấy tháng mày mò nắn nót ở lớp Truyền bá Quốc ngữ ngoài đình làng và đó cũng là lần cuối cùng ba tôi sung sướng mỉm cười nghe tôi đọc thư anh tôi trên cái võng bố tòn teng... Năm đó là năm 1972, ba tôi bị chết đuối ngoài đầu vàm sông cái khi gỡ lưới.
Tôi từ chối không qua ở nhà chú Năm mà vẫn một mình, tiếp nối công việc giăng câu, đặt lợp và làm mướn trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm đau buồn của ba má tôi. Theo thời gian, mọi điều rồi cũng qua đi, tuổi thơ của tôi, một đứa bé bất hạnh giữa đồng hoang cỏ cháy chỉ là những bi kịch, những bất trắc chực chờ trong chiến tranh lửa đạn, là những rủi may như chiếc lá khô giữa dòng thác dữ. Lúc lối xóm chung lo hậu sự cho ba tôi, trong lòng cậu bé mồ côi tội nghiệp như tôi loáng thoáng chút muộn phiền vì sự vắng mặt của anh hai tôi, những rồi cũng dần phai đi khi mà hằng ngày tôi phải tìm sự sống trong một vùng đất đã chết vì bom đạn, may mà thiên nhiên vẫn chở che nuôi sống tôi, những con cá vẫy mình trong cái lờ tre, những con rắn cuốn tròn trong cái lưới giăng, những con chuột có đôi mắt lém lỉnh núp dưới gốc rạ thơm nồng, cây điên điển vẫn trổ hoa vàng rực bên cái hố bom sau nhà và có lẽ, tôi vẫn sống được là nhờ bà con chòm xóm rộng lòng đùm bọc chở che. Trong sự cùng khổ, cái tình người như lại càng tỏa sáng rực rỡ hơn chính là tấm lòng của người nông dân Nam bộ.
*
- Cái ''rui'' chỗ tay thằng Chín, qua trái một chút, chút nữa... được rồi.
Anh Hai tôi đứng dưới chỉ huy tụi tôi oai phong y như ông Đơn Hùng Tín của ảnh trên sàn diễn.
Hôm nay là ngày dựng nhà... như ước mơ của ba tôi, một ngôi nhà sàn cột thao lao đỏ au.
Cuối cùng rồi vở bi kịch của gia đình tôi và của đất nước tôi cũng đến hồi kết thúc.
Anh Hai tôi trở về trong ngày cờ hoa rực đỏ thắm tươi như nỗi vui mừng rộn rã của mọi người, từ gánh cải lương Sóng Vang của ông bầu có cái răng vàng làm duyên, anh tôi đã đi thẳng vào rừng gia nhập Đoàn Văn công Giải phóng...
Tôi đã lớn khôn để không còn giận anh tôi nữa bởi vì, trong hờn căm sôi sục, trong chiến đấu sống còn với kẻ thù, mọi điều, kể cả những điều thiêng liêng nhất đều trở thành vô nghĩa để đành tất cả cho cuộc chiến giải phóng miền Nam.
Nghe anh Hai tôi kể mà tôi không sao cầm được nước mắt, ba tôi chết được hơn hai tháng thì anh tôi nhận được thơ của chú Năm báo tin ba tôi mất... Anh khóc đôi mắt đỏ hoe mà ở giữa rừng cũng ngồi ''làm mặt'' chuẩn bị diễn phục vụ cho một đơn vị bộ đội mới từ miền Bắc vào B.
Khổ nỗi, vốn to con vạm vỡ, anh được chọn vào các vai phản diện, đêm đó, anh thủ vai một tên đại úy Sài Gòn vừa hung hiểm, vừa lố lăng, vừa hài hước lố bịch, tội nghiệp anh tôi trên sàn diễn anh cười khơ khớ đầy vẻ tự mãn say men chiến thắng của tên xâm lược, anh tạo cho khán giả những tràng cười sảng khoái dưới ánh đèn màu mà trong lòng anh tan nát với nỗi lòng một người con mất cha và còn có một đứa em mồ côi mồ cút tội nghiệp chẳng biết phải sống ra sao...
Khán giả đêm ấy rất ái mộ anh diễn viên hài phản diện xuất thần trong vai diễn, miệng cười mà nước mắt lã chã tuôn rơi. Có lẽ, anh tôi không chỉ khóc cho cái mệnh số của gia đình mình mà còn khóc cho cả cái đất nước đang bị giày xéo dưới sự hung hiểm tàn ác của kẻ thù mà nơi ấy còn có biết bao cảnh đời tang thương thù hận... Anh nhớ những bữa cơm gia đình đơn giản chỉ có mắm và rau dưới mái tranh nghèo dột nát ở cuối dòng sông, anh nhớ má với tấm lòng thương con như biển rộng sông dài, nhớ ba suốt đời lao khổ chỉ ước ao có được một mái nhà, và anh cũng nhớ đến' thằng em trai đen thủi đen thui khờ khạo đã mười tuổi mà vẫn chưa được đến trường tối ngày quanh quẩn ngoài đồng vắng với cái áo không có cái nút cài nào...
Sau đêm diễn, anh ngồi khóc nức nở như một đứa bé thơ trong "lán" hóa trang trước sự thương cảm của đồng đội.
Trách nhiệm của một người chiến sĩ đã ra lệnh cho trái tim của người anh phải quên đi những nỗi niềm riêng tư mà hoàn thành nghĩa vụ của một người lính.
Mái nhà đã lợp xong, theo triều cường, gió ngoài sông cái lộng vào mát rượi, ngồi nhà sàn khang trang mà ba tôi hằng mơ ước đã được hình thành. Tôi đốt mấy nén nhang trên bàn thờ, lòng bùi ngùi:
- Phải chi ba còn sống để nhìn thấy ngôi nhà này.
Phải chi, muôn ngàn lần điều phải chi ấy chính là cái tâm cảm của những người nông dân nghèo bất hạnh, chấp nhận một đời thua thiệt trong chiến tranh, họ sống anh dũng như một người lính, một người lính không vũ khí mà chỉ có tấm lòng yêu quê hương đậm đà, và quanh họ, chiến tranh như một cơn lốc xoáy thản nhiên mà tàn bạo cuốn họ vào tâm điểm của một cơn bão dữ, nơi ấy mệnh đời như một cuộc chơi nghiệt ngã của rủi may.
Ngày ấy đã qua rồi và ánh bình minh của một ngày mới lại bắt đầu rực rỡ phía cuối dòng sông.