Tập sách ĐỀ LÀM GÌ của Đỗ Hồng Ngọc dày 416 trang, do Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh ấn hành tháng 5/2020 với 68 tạp bút và phụ lục. Cũng với khổ vuông 17x17cm như xưa nay của tác giả Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê trên hàng chục đầu sách dù là thơ, tùy bút, tản văn về các đề tài thiền học, Phật học hay sức khỏe, gia đình…
Dễ tưởng Để làm gì là một câu hỏi (?) nhưng thật ra tác giả đã tự hỏi với mình từ tập tản văn “Về Thu Xếp Lại” năm 2019 mới đây. Anh hỏi mình mà không trả lời và như trong Lời ngỏ: “…không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”… như một câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Ta đã làm chi đời ta”, có thể thấy đã “giải mã” cho cái tựa bỏ lửng phần nào! Trong tập có đến chục bài anh viết từ ký ức một thời tuổi thơ, về bạn văn thân thiết, về mảnh đất Phan Thiết, La Gi (Vơ vẩn cùng Mây, Thy đạo, Lẽo đẽo phương quỳ, Về Phan Thiết, Bãi Phan Thiết, Biết bao điều thì thầm, Một chuyến đi hụt…). Cái tình đó đã ngấm từ thời còn trẻ, dường như từ thuở “Mũi Né ơi người xưa đã xa/ Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ”… là một câu thơ trong bài “Mũi Né” của anh đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1970. Ở phần Bạt, nhà thơ Trần Vấn Lệ (cùng quê Bình Thuận) viết: “Đỗ Hồng Ngọc cho ra đời đúng lúc tập tùy bút ở tuổi tám mươi này. Chúng ta thử nghĩ rằng mình đang gặp lại cái gì đây, chuyện gì đây, người nào đây… và các bạn sẽ gặp lại chính mình”. Cũng ở phần Bạt, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh viết: “Nhìn những bong bóng nước vỡ tôi thấy mình quá thắm thía câu tủm tỉm, để làm gì. Có phải khi người ta bình yên nói để làm gì là lúc người ta buông bỏ mọi mong cầu, là lúc người ta không còn đôn đáo với những mục tiêu mà mới đây thôi đã là điểm cho họ hăm hở bước đến?”
Nhiều cái tưởng là chuyện “cà kê dê ngỗng” theo anh nói, mà rất tinh tế, đầy ắp sự rung động, mặn mòi. Như ở “Bãi Phan Thiết” (trang 237), Đỗ Hồng Ngọc viết: “Bãi ở đây dĩ nhiên là bãi biển rồi! Không thể không thiên vị khi nói về bãi biển Phan Thiết của tôi. Với tôi, đó là một bãi biển tuyệt đẹp, đẹp nhất… thế giới, chạy từ Cà Ná đến Cù Mi, qua Cổ Thạch, Mũi Né, Kê Gà, La Gi đến tận Bình Châu-Bà Rịa”. Theo anh, ẩm thực quê nhà bao giờ cũng là ngon hơn cả: “Dân Phan Thiết thường cho rằng bánh Căn xứ mình là… ngon nhất, đúng “chuẩn” nhất! Bánh Căn thực chất là một món bột gạo nướng, ăn với nước mắm. Có lẽ vì nước mắm Phan Thiết nổi tiếng nên bánh Căn Phan Thiết… cũng ngon hơn các nơi khác chăng” (Về Phan Thiết-trang 234).
Tản mạn trong tập là những nơi anh đến, những chỗ anh ngồi và những khoảnh khắc cho anh nhiều kỷ niệm… Đó đây từ miền bắc, Hà nội đến Huế, Tây nguyên, rồi miền Tây sông nước và xa nữa Boston, Paris, Melbourne, Cà-tì-la-vệ (Nepal)… Chuyện bạn bè, Đỗ Hồng Ngọc không thôi nhớ đến một thời quá đẹp với tạp chí văn chương Ý Thức từ 1967 ở Phan Rang chỉ in ronéo, rồi chững chạc typo giữa Sài Gòn với tài quán xuyến của Nguyên Minh. Những bút danh định hình cho đến sau này như Lữ Kiều (trg.56), Lữ Quỳnh (trg.183), Lê Ký Thương (trg.199), Trần Hoài Thư (trg.120), Trần Hữu Lục, Võ Tấn Khanh (trg.202), Ngụy Ngữ… và Đỗ Nghê/Đỗ Hồng Ngọc cũng từ đó.
Vẫn một phong cách viết dung dị, gợi mở, trầm tư để người đọc ngộ ra nhiều điều thú vị và đôi chút ngậm ngùi của yêu thương. Nhưng rồi mình cũng nhận ra được câu tự trả lời “để làm gì” với dòng sông đời đang chảy.
(PC, Lagi)