Trong những tháng ngày cao điểm nhất của cơn đại dịch Covid 19, cả thế giới như chìm đắm trong tang thương tột cùng của sự sợ hãi lẫn đau đớn. Tuy vậy, đó cũng là thời điểm mà nhân loại cùng hướng đến những điều tốt lành cho nhau. Những cử chỉ tương thân tương ái, những đồng cảm sẻ chia giữa người trao người trong cơn biến động đã phần nào góp phần xoa dịu, tạo động lực giúp nhau vững vàng tin vào tương lai tươi sáng hơn. Trong đó tập thơ Tứ Tuyệt Covid - 19 của nhà thơ Võ Quê do NXB Thuận Hoá ấn hành vào tháng 4 năm 2020 được xem như là một tín hiệu quý.
Nói về lý do tập thơ ra đời, nhà thơ Võ Quê đã viết: "50 bài thơ những mảnh ghép của tình/ Khiêm tốn hoà cùng nỗi đau trần thế/ Là khát nguyện bình an sức khoẻ/ Thương yêu Người tôi chỉ có thơ dâng." Đó là những lời bộc bạch tự thẳm sâu con tim đầy trăn trở của ông và cũng là bài thơ thứ 50, bài thơ cuối cùng trong tập thơ tứ tuyệt này.
Thấu hiểu nỗi đau cùng nhân loại, có những buổi trưa ông đến nhà thờ, nơi ấy, cảnh sắc an nhiên trong tiếng chuông giáo đường ngân vang, ông viết: "Chuông giáo đường thanh thoát vang ngân/ Tôi một mình trời trưa đứng bóng/ Nương lời chuông tôi dâng niềm hy vọng/ Dịch tan rồi thế giới nẩy mầm xuân."
Những dòng tin vẫn nối tiếp những dòng tin, nỗi đau bao phủ lên nhân loại cũng là những nỗi đau vò xé trong tâm hồn nhân từ của nhà thơ. Nhưng nhà thơ vẫn luôn giữ vững một niềm tin, về một ngày thế gian vang khúc ca khải hoàn chiến thắng, bài số 10 trong tập thơ đã nói lên điều này: "Tin ngày nào cũng báo tử vong/ Nỗi bi thương tràn trên trái đất/ Chung tay nào! Lạc quan ngừa dịch/ Giữ thân tâm tinh tấn an nhiên"
Vốn là Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng, tâm huyết với Ca Huế, nay vì cơn đại dịch mà tất cả mọi hoạt động du lịch trong đó ca Huế cũng như mọi ngành giải trí khác theo sự chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y Tế đều phải tạm dừng việc tổ chức thì điều đó quả thật là một nỗi nhớ lớn trong ông. "Bặt tiếng cầm ca mùa đại dịch/ Sau khẩu trang cũng giấu môi cười/ Chỉ biết thương nhau trong lặng lẽ/ Cho mắt nhìn ánh chút xuân tươi..." (bài 5). "Vắng nhịp phách tình mùa đại dịch/ Nhớ tri âm đêm ấy bồng bềnh/ Hẹn gặp sông Hương ngày an lạc/ Nhạc hoà thanh cùng giọng ca tình" (bài17).
Cũng như bao gia đình trên quê hương Việt có con em đang ở nơi xa, hải ngoại… mong một ngày đoàn tụ trong cơn đại nạn để nương vào nhau, bài thơ thứ 9 và bài thứ 21 là tiếng lòng của ông nói lên điều ấy: "Thương lo con trong nỗi xa nhà/ Lòng thắt thỏm hướng về quê mẹ/ Ba nhắc con bảo toàn cơ thể/ Và tĩnh tâm trước cảnh tai ương..." (bài 9) Cha mẹ khuyên con, chồng khuyên vợ/ Ông bà bảo cháu... giữ gìn nhau/ Chống dịch lan nhanh, mình sống tốt/ Mái ấm êm đềm không khổ đau..." (bài 21).
Những ngày này, tâm hồn nhà thơ mặc dù có những nỗi đau thương khi hàng ngày chứng kiến những con số tử vong tăng dần khủng khiếp, ông vẫn luôn nhủ lòng mình giữ vững sự lạc quan. Ông dành thời gian cho gia đình, vui vầy bên con cháu và không quên chăm sóc những luống hoa trong vườn nhà. Những đoá hồng, bông trang, cành phượng vườn nhà ông hàng ngày vẫn đua nhau khoe sắc. Đó cũng là niềm vui bình dị mà nhà thơ tự tạo ra cho mình. Ở hoàn cảnh nào nhà thơ vẫn có những tứ thơ thấm đẫm thiết tha yêu cuộc sống: "Bông hồng vàng lên trang thơ/ Ánh ngày lên dịu dàng tươi mới/ Ở nhà ngắm hoa làm thơ chờ đợi/Biết ơn em bông hồng vàng." (bài 44).
Tập thơ Tứ Tuyệt Covid - 19 là một tiếng nói nhân ái, lạc quan và đồng cảm của nhà thơ Võ Quê dành cho nỗi đau chung của toàn nhân loại chứ không chỉ riêng quê hương Việt Nam bằng sự đồng cảm, sẻ chia và truyền tín hiệu lạc quan cho nhau trong lúc cuộc chiến đấu giữa loài người trong cơn đại dịch này đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Xin mượn một trong những tứ thơ trong Tứ Tuyệt Covid - 19 để thay lời kết cho những dòng cảm xúc này: "Người gần nhau dù cách mấy đại dươn/g Ta san sẻ cho nhau tình nhân loại/ Những màu da chung hồn thiêng thời đại/ Trái đất này nguồn hy vọng hồng tươi."