Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.157.051
 
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu)
Võ Anh Cương

 

 

Học viện Langbiang không chỉ có một lớp học duy nhất, ngoài lớp Nhập môn của thầy giáo Râu Dài - tức Mat - trường còn có những lớp học khác, một trong những lớp đó là lớp Khám Phá của thầy Bạc Đầu Râu cũng là người chủ trường (theo cách ta gọi bây giờ là hiệu trưởng). Hiện giờ Bạc Đầu Râu chưa có học trò, ông đang chờ thầy Râu Dài chuyển học trò qua lớp ông sau môt cuộc sát hạch, vì vậy Bạc đang rảnh rỗi.

 

Không ai biết xuất xứ của thầy giáo Bạc Đầu Râu, đơn giản vì thầy sống rất kín tiếng. Chẳng trách thầy được, cũng như thầy giáo Râu Dài, Bạc Đầu Râu nổi danh với những phương thuật khiến cho lũ trẻ lác mắt! Thầy có thể khiến một vật thể tự bay đến tay thầy mà không cần phải làm một động tác nào cả. Có khi một học viên đói bụng, thầy thương hại, tức thì trên tay thầy liền xuất hiện một con gà rừng nướng nóng hổi khiến ai cũng thèm khát nhưng chưa ai từng hân hạnh thưởng thức món ăn trên tay thầy, ngay cả Bạc Đầu Râu cũng vậy. Nhưng đó là những trò lẻ, thầy Bạc Đầu Râu còn có những phương thuật nhiếp hồn người. Một trong những người sùng bái Bạc Đầu Râu là cô Nghỉ. Đó là một người đàn bà tội nghiệp, cô xuất thân là người bon Kon Ka Kinh, bon Kon Ka Kinh ở dưới chân núi La Ngư, một ngọn núi cao vời vợi, không người bon Kon Ka Kinh nào có thể thấy được đỉnh ngọn núi này. Đơn giản vì ngọn núi cao quá, lúc nào đỉnh núi cũng có một đám mây che phủ. Thầy Bạc Đầu Râu dẫn cô Nghỉ về trường sau một chuyến du hành phương nam cách nay đã nhiều năm.

 

Đó là một người đàn bà nhỏ con, dường như ngoài cô Nghỉ không ai đã trưởng thành lại nhỏ con đến vậy. Nước da cô không đen như những người bản địa mà trắng hồng cộng với mái tóc đen dầy tạo cho cô một nét ưa nhìn. Quả vậy cô Nghỉ đều được học viên Langbiang yêu mến, không yêu cô sao được khi mà hàng ngày cô nấu một bữa ăn trưa cho lũ trẻ hoặc những thanh niên vừa mới lớn đang háu đói, chúng phải tự nấu vào buổi sáng và buổi chiều theo cách của chúng, tất nhiên là dỡ so với cô Nghỉ nấu một trời một vực. Món ăn độc đáo mà cô thường nấu mỗi mùa trăng một lần vào ngày trăng tròn nhất đó là món thịt heo nấu với măng rừng. Heo là con vật được nuôi trong trại heo của trường, nói cho cùng đó chỉ là một vạt đất được bao bọc bởi những cây rừng trồng ken nhau thật dầy là nơi trú ngụ cho những con vật phàm ăn khi đêm về. Ban ngày lũ ủn ỉn kéo nhau ra phía cánh rừng thưa, nơi ấy tha hồ chúng rúc vào những bờ bụi xen kẽ là những củ chuối rừng là nguồn thực phẩm vô hạn của chúng. Mỗi một mùa trăng người học viên trực nhật có trách nhiệm giết ba con heo đến tuổi, vòng cổ khoảng ba cái gang tay trở lên và giao phần thịt đã thui vàng cho cô Nghỉ. Cô không dám đứng xem cảnh con heo tội nghiệp bị làm thịt nhưng khi chúng trở thành những miếng thịt hồng hồng có lớp da cháy sém vàng thì cô thả hồn mình vào những món ăn cô chế biến. Sườn heo mỗi đứa học trò được dành cho một miếng. Do số sườn có hạn cho nên chỉ những đứa lập được thành tích đặc biệt hoặc tỏ ra giỏi giang theo nhận xét của thầy giáo mới được chia. Chúng tuỳ nghi sử dụng món sườn để chế biến thành thức ăn theo ý thích cũng như cô Nghỉ tuỳ nghi chế biến bộ lòng heo theo cách riêng của cô và mời thầy hiệu truởng, tức Bạc Đầu Râu hoặc thầy Râu Dài hay ai đó mà cô nghĩ đến.

Món heo hầm măng rừng hôm nay ngon quá, bọn trẻ say sưa húp thứ nước vừa đăng đắng vừa ngon ngọt và hăm hở nhai thứ thịt vừa chín tới trong những chiếc chén đất nung màu đen lẫn đỏ. Cô Nghỉ đứng nhìn lũ học viên háu đói ăn với tia nhìn của một người mẹ cho dù cô chưa bao giờ làm mẹ. Làm mẹ sao được khi cô Nghỉ quá nhỏ con có người chồng nào xứng đôi với cô chứ? Bọn học trò đứa nào cũng cao hơn cô một cái đầu, trong đầu óc chúng, chưa bao giờ chúng nghĩ rằng một ngày cô Nghỉ đi “bắt chồng”. Cô làm gì có những con dê béo, những con gà gáy vang vọng một cánh rừng và những con heo hai, ba gang tay để cưới chồng? Cô Nghỉ cũng vậy, chưa bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ có chồng và sinh ra những đứa con cô sẽ địu sau lưng như những bà mẹ K’Ho. Thế cho nên cô hứa với lòng sẽ phục vụ học viện cho đến khi nào không còn làm việc được nữa thì thôi.

 

Bạc Đầu Râu nghĩ về cô Nghỉ ra sao không ai biết cả, đơn giản ông thầy này rất kín tiếng và hiếm khi ông biểu lộ tình cảm của mình ra khuôn mặt. Trưa nay sau khi ăn món sườn heo nướng mật ong, Vương Đình Huệ bất ngờ ghé qua nhà cô Nghỉ, anh đi rất êm như bản tính anh vẫn thế. Anh nhìn qua cửa nhà cô Nghỉ, cô Nghỉ đang khóc trông thật thảm thương. Ngồi trên chiếc ghế phòng cô là thầy giáo Bạc Đầu Râu. Không biết ông ta đã nói hoặc làm một điều gì mà cô Nghỉ khóc ghê thế? Vương Đình Huệ ngạc nhiên. Linh tính mách bảo Vương dừng lại không tiến về phía trước và lập tức biến thành một vạt cỏ mọc hoang bên hông căn nhà. Mat từng nói:

- Bạc Đầu Râu không biết phương thuật này khi gặp sự cố có liên quan đến ông ấy, các con nhớ phải lập tức sử dụng phương thuật ẩn thân để né tránh sự phát hiện của ông ta.

Vương Đình Huệ là một học trò xuất sắc của Mat nên anh thuộc lòng những lời căn dặn của thầy mình. Vừa lúc đó anh nghe cô Nghỉ hỏi:

- Như vậy cha con là ai chứ?

Vương không nghe tiếng trả lời của ông Bạc, chỉ nghe tiếng khóc nỉ non và tiếng thở dài rất nhẹ của người đàn ông bí hiểm trong phòng cô Nghỉ.

Một lúc sau Vương Đình Huệ thấy ông giáo Bạc ra về với một khuôn mặt khó đăm đăm, ông không buồn ngó một chút về phía bụi chuối bên hông nhà có một đám cỏ xanh xuất hiện một cách khả nghi. Vương chờ ông Bạc đi xa, anh xuất hiện và làm như mình vừa tới, anh hỏi:

- Cô Nghỉ ơi cô đang làm gì đó?

Với một cặp mắt sủng nước cô Nghỉ cố rặn ra một nụ cười:

- Huệ đấy à cháu tìm cô có chuyện gì không, hôm nay cô không khoẻ mai cháu đến nhé?

Nói xong cô đóng ngay cánh cửa phòng mặc Vương Đình Huệ ngẩn ngơ trước nhà. Về thôi, Huệ tự nhủ với lòng như vậy, trong lòng anh ngổn ngang với câu hỏi chưa có câu trả lời: chuyện gì đã xảy ra cho cô Nghỉ?

Chiều hôm đó Huệ lại đến nhà người đàn bà tội nghiệp, anh gõ cửa. Không có tiếng trả lời, hình như cô Nghỉ đi ra ngoài. Đúng như vậy khi Vương Đình Huệ ghé mắt nhìn qua khe cửa, trong nhà không có một ai! Cô Nghỉ đi đâu chứ?

Vương Đình Huệ đem chuyện cô Nghỉ kể lại với Mat, người đàn ông từng trải cau mặt, ông nhẩm tính một hồi lâu và không nói gì với Huệ. Sốt ruột, anh hỏi:

- Con phải làm sao hả Mat?

Một thứ ánh sáng lấp lánh xuất hiện từ đôi mắt của Mat, ông nhìn người học trò cười nói:

- Không sao đâu con đừng lo, cô Nghỉ đang ngồi dưới gốc cây thông cách đây một canh giờ đi bộ. Ta thấy cô đang rất buồn, cô khóc. Cứ để cô thoải mái nhưng ta nghĩ, con nên đi về hướng tây và đừng cho cô biết, nhỡ trên đường về nhà có sự cố xảy ra cho cô thì con sẽ can thiệp kịp thời.

Ôi…Mat, quả là người thầy đáng kính. Đúng như Mat nói Vương Đình Huệ tìm thấy cô Nghỉ dưới một gốc thông già, cô không còn khóc nữa nhưng nom bộ dạng cô buồn hiu hắt. Nhớ lời thầy Vương Đình Huệ không xuất hiện, anh âm thầm đi sau lưng cô Nghỉ khi cô uể oải đứng dậy quay về. Vương Đình Huệ thương cô Nghỉ quá, giá gì anh được cô chia sẻ một chút buồn thì cô sẽ thấy nhẹ lòng thôi. Nghĩ như vậy nên Huệ đi tắt qua một cánh rừng và ra vẻ mừng rỡ khi gặp cô Nghỉ:

- A cô Nghỉ, cô đi đâu về vậy?

Cô Nghỉ cũng rất ngạc nhiên khi gặp Vương Đình Huệ tại con suối Quả Bầu Tròn. Cô hỏi:

- Cháu làm gì ở đây vậy?

Huệ trả lời:

- Cháu đang định bắt vài con cá ở suối này tặng cô đây.

- Vậy ư? Ta cảm ơn cháu trước. Nhưng mà nè, làm sao cháu bắt được cá bằng tay không chứ?

Vương cười:

- Cô xem nhé tại con suối Quả Bầu Tròn này có một loại cá quả rừng nếu cô nấu canh thì ngon phải biết. Cháu sẽ tặng cô hai con, tí nữa cô nấu canh mời cháu ăn chứ?

Cô Nghỉ vui vẻ gật đầu. Thấy vậy Vương Đình Huệ cười tươi, anh cởi nhanh bộ áo liền quần đang mặc, trần xì với chiếc khố màu nâu Vương nhảy ùm xuống suối. Cô Nghỉ mon men đi lại bờ suối, cô muốn xem thằng nhỏ bơi lội như thế nào. Cô thất vọng, cô không thấy Vương Đình Huệ đâu cả, chỉ có mấy con cá lòng tong đang cười nhạo cô bởi những cái vẫy đuôi điệu nghệ. Cô Nghỉ ngồi xuống bãi cỏ ven suối. Quả đúng như tên gọi con suối Quả Bầu Tròn này là tập hợp những dòng suối mang dáng quả bầu nối tiếp nhau chạy men theo chân một quả đồi. Cô Nghỉ nhẩm đếm có đúng 10 quả bầu như vậy, không biết Vương Đình Huệ đang ở đâu trong số 10 quả bầu nước kia? Lâu nay cô Nghỉ từng qua suối Quả Bầu Tròn này nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên cô ngồi ngắm suối. Cô cũng không biết dưới mặt nước êm đềm kia lại có thứ cá quả rừng mà Vương Đình Huệ giới thiệu là ngon lắm. Cô nhớ lại cách nấu thức ăn với món cá mà cô học được ở bon Kon Ka Kinh. Món cá theo cô ngon nhất vẫn là cá nướng muối ớt. Vị cay xé lưỡi của món này hoà quyện bởi vị ngọt của thịt cá, vị béo của mỡ cá và vị mặn của muối tạo nên một thứ hương vị làm tê đầu lưỡi khiến nước bọt cứ ứa ra!

Vương Đình Huệ xuất hiện từ quả bầu thứ 9, anh cười tươi giơ hai tay cho cô Nghỉ thấy 2 con cá quả to đùng còn đang dẫy dụa. Cô Nghỉ ngạc nhiên:

- Ô, cháu bắt được cá thật ư?

- Cô thấy rồi còn gì?

Hai cô cháu ra về lúc xế chiều, vừa đi họ vừa nói chuyện với nhau. Vương Đình Huệ toàn kể chuyện vui cho cô Nghỉ nghe còn cô Nghỉ vừa nói chuyện với Huệ, cô lại tính toán trong đầu món canh cá theo yêu cầu của Huệ. 

Đến nhà cô Nghỉ nói:

- Cháu giúp cô nhé, đặt hộ cô một nồi cơm, còn cô sẽ làm món cá nướng và canh cá chiêu đãi cháu, đồng ý không?

Vương Đình Huệ giơ cả hai tay lên trời tỏ vẻ đồng ý và chạy ngay ra bếp. Bữa cơm của hai cô cháu ngon quá, ngoài hai món cá cô Nghỉ còn dọn ra một thứ dưa chua muối bằng măng dây mây. Thức ăn này có vị đăng đắng nhưng hình như nó kích thích người ăn gắp thêm gắp nữa sau khi nuốt gắp dưa đầu tiên vào bụng. Quả là món dưa ngon quá, lần đầu tiên Vương Đình Huệ được ăn món này, anh hỏi:

- Cô ơi, làm món dưa này có khó không cô?

- Cũng không khó lắm, cháu thấy có ngon không?

- Quá ngon là đằng khác cô ạ.

Cô Nghỉ cười tươi:

- Cháu có biết cháu vừa ăn một vị thuốc không? Món dưa măng mây này trị được nhiều thứ bệnh như sốt, đau bụng, viêm nhiễm… và nó còn có công năng phòng bệnh nữa đó cháu à. Ngoài ra nó sẽ giúp cháu nhiều thứ khác…sau này cháu sẽ biết! 

Giọng cô Nghỉ có vẻ bí mật nhưng Vương không để ý, Vương Đình Huệ ngạc nhiên quá sức, anh càng ngạc nhiên hơn nữa khi đòi cô Nghỉ bày cho cách chế biến món dưa măng mây rừng:

- Cháu tưởng dễ có thứ măng này sao? Ta phải đi từ lúc con gà rừng gáy lần thứ nhất đến chân núi Langbiang và tìm vào một thung lũng duy nhất có thứ dây mây màu đen pha tím. Dây mây đặc biệt này chỉ mọc ven bờ một con suối nhỏ. Phải đi vào đầu mùa mưa mới có măng mây. Khi đem măng về ta phải ngâm trong nước mấy ngày, rồi ủ trong một cái ghè chứa sẳn 24 vị lá rừng trong nửa tuần trăng, sau đó mới đem muối dưa. Cháu biết không, mùa măng năm nay ta chỉ tìm có 25 đọt măng mây, cháu vừa ăn hết 24 đọt, còn một đọt cuối này cháu cũng ăn đi cho đủ bộ!

Vương Đình Huệ mắc cỡ quá, anh đỏ mặt:

- Ôi, cháu không biết cô phải vất vả như vậy mới làm được món ăn này mà cháu lại tham ăn, cháu ăn hết phần của cô, cháu mắc cỡ quá cô ơi!

Cô Nghỉ cười hiền hậu:

- Cháu không phải mắc cỡ đâu, ta chủ ý dành cho cháu phần thuốc năm nay đó cháu ạ? Nó sẽ giúp cháu tai qua nạn khỏi!

Chưa hết áy náy, Vương Đình Huệ tự vả vào miệng mình:

- Hư quá, cái miệng này tham ăn quá, đáng đánh đòn quá đi!

- Thôi cháu ăn đi rồi phụ cô dọn bàn.

Lúc đang uống nước, Vương Đình Huệ làm ra vẻ vô tình, anh hỏi:

- Cô ơi hôm nay thầy Bạc đến thăm cô phải không ạ?

Ngạc nhiên cô Nghỉ hỏi lại:

- Sao cháu biết?

- Vì cháu thấy thầy Bạc từ nhà cô đi ra mà?

- Vậy ư? Đúng, sau bữa ăn trưa thầy Bạc đến nhà cô, thầy cho cô biết một chuyện nhưng mà đau lòng lắm cháu ơi?

- Chuyện gì vậy cô, cô nói đi, cháu có giúp được gì cho cô không?

Trầm ngâm một lúc hình như cô Nghỉ quyết định kể chuyện của cô cho Vương Đình Huệ nghe:

- Ta kể cho cháu nghe chuyện này nhưng mà nhất thiết cháu không được kể cho bất cứ ai nghe, cháu hứa không?

Vương Đình Huệ nghiêm nghị nói:

- Cháu năm nay cũng đã lớn rồi, một người trưởng thành khi làm bất cứ chuyện gì cũng phải suy nghĩ cả, cô đã dặn cháu sẽ không kể với bất cứ ai đâu, cô yên tâm đi cô nhé!

Mắt cô Huệ loé lên một tia sáng, cô nhìn vào xa xăm:

- Huệ này, cháu có biết rằng vì sao cô lại nhỏ xíu thế này không? 

Thấy Vương im lặng lắc đầu, cô Nghỉ nói:

- Ta cũng tưởng mình sinh ra trên đời này đã là những người lùn như thầy Bạc, như cháu hay như anh em nhà K’RaJan nhưng không phải vậy. Thầy Bạc vừa cho ta biết khi ta lên bốn tuổi ta ăn phải một chiếc lá rừng có tên là “Quà tặng của Thần Rừng” cho nên ta không bao giờ lớn thêm lên được. 

Cô Nghỉ kể cho Vương Đình Huệ nghe câu chuyện cuộc đời cô. Hoá ra cô không phải người bon Kon Ka Kinh như cô tưởng. Mẹ cô là một người đàn bà ở tận bên kia nhiều dẫy núi, xa tít tắp về phía tây của vùng này. Thầy Bạc năm ấy đi tìm lá thuốc, ông gặp người đàn bà bụng mang dạ chửa đang cố chạy trốn mấy con chó rừng tinh khôn đuổi phía sau. Ông Bạc biết rằng lũ chó này không phải là chó hoang tuy nó vẫn là chó rừng nhưng chúng có chủ. Người chủ sai bảo bầy chó lùng sục tìm người đàn bà chửa đang trốn chạy. Khi ông Bạc vào cánh rừng thưa ở đầu bon Kon Ka Kinh đúng lúc đó người đàn bà kiệt sức, thấy ông Bạc, bà ta mừng rỡ:

- Ôi, cứu tôi với, lũ chó….

Chỉ nói được có vậy người đàn bà đã ngất xỉu. Nhìn bầy chó sắp chạy vào cánh rừng, mũi chúng đánh mùi của người đàn bà, ông Bạc cau mày. Ông cho tay phải vào chiếc gùi vẫn mang trên vai chọn vài lá thuốc, tay trái móc hòn đá lửa, chân dồn đám lá khô. Ông đánh lửa, một tia lửa mỏng manh bắt lấy chiếc lá và bốc cháy, ông nhanh tay cho mấy chiếc lá thuốc vào. Lúc ấy một cơn gió rừng từ phía trong thung lũng thổi ra, làn gió cuốn đám khói từ đống lá về phía đàn chó. Như một phép lạ đang chạy theo mùi người đàn bà, lũ chó khựng lại và đồng loạt ngã xuống.

Khi người đàn bà tỉnh lại, bà ngạc nhiên thấy mình nằm trong một ngôi nhà sàn cạnh một đống lửa ấm. Ông Bạc hỏi:

- Bà đã tỉnh?

Người đàn bà khóc và nói:

- Chắc ông là người cứu tôi, tôi xin đội ơn ông suốt đời.

Ông Bạc gặng hỏi nhiều lần về nguyên nhân đàn chó rừng đánh đuổi nhưng người đàn bà vẫn lắc đầu không nói một điều gì. Sau đó ông Bạc gởi người đàn bà ở lại bon Kon Ka Kinh, ông bảo với già làng rằng cô Nghỉ là cháu ruột ông, một Gru nói ra điều gì chính là điều thần linh muốn. Ông Bạc phải trở về trường để giải quyết công chuyện. Bốn năm sau ông mới có dịp trở lại nơi này người đàn bà đã chết bỏ lại đứa con ăn nhầm lá “Quà tặng của Thần Rừng”. Ông Bạc đặt tên cho cô là Nghỉ - đứa con gái không chịu lớn mà nghỉ giữa chừng trong quá trình trưởng thành của một đời người!

Câu chuyện buồn của cô Nghỉ là như vậy đó!

- Ông ấy là một Gru, hèn nào!

Vương Đình Huệ lẩm bẩm điều ấy trong miệng khi chia tay người đàn bà tội nghiệp lúc con trăng vừa le lói đỉnh đồi sau nhà.

 

CHƯƠNG 10

DẪN DƯỢC

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 986
Ngày đăng: 23.07.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 8: Tù nhân) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 7: Cuộc hỏi cung) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 6: Học viện Langbiang) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 5: Lạc mất nhau) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 4: Cuộc gặp gỡ định mệnh) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 3: Chuyện cũ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 2: Bái Sư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 1: Hai anh em) - Võ Anh Cương
Đặc nhiệm chính phủ (Chương 1: Phố của mùi lanh chanh) - Nguyễn Thị Kim Lan
Đền rùa vàng (phần cuối) - Ngô Nguyên Dũng
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)