Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.159.523
 
Đà – Lạt ngày ấy
Vương Kiều

                                                   

      Ngồi trước cabin xe cạnh hai người đàn ông, vừa nghe họ nói chuyện, vừa lơ mơ ngủ, đường lên đất hoa, mỗi đoạn đường là mỗi cảm xúc. Thiên nhiên Đà-Lạt đổi mới từng lúc từng khi, những năm tháng về qua tôi đã sống hình như không mệt mỏi, không hề chán chường, cho dù cuộc sống bấp bênh thời ấy không biết đâu là bờ, có khi ngày chỉ cần một ly cà-phê, một trái bắp mà bụng không đói, dạ không kêu, hình như sự sống hơi thở quyết định sinh tồn, thức ăn là cái phụ gìn giữ thân xác. Những năm tháng về qua tôi đã sống ở Đà-Lạt như vậy, sống bằng hơi thở, bằng tình yêu . . .yêu cỏ hoa, yêu những đồi thông trầm tư vi vu, yêu những con đường dốc lên dốc xuống, yêu những người bạn đánh liều vào cuộc đời đọa đày, viễn mộng, yêu đôi chân kỳ hồ của mình và trên hết tôi yêu người kiều nữ ấy, nàng đã cho tôi biết đâu là cái đẹp, đâu là cảm xúc khi đi qua những con đường vắng đầy hoa, khi nghe dòng suối róc rách, khi nhìn một làn sương mỏng bay bay trước cổng nhà nàng.

      Xe đã đến Đơn-Dương, người tài xế vỗ vào vai tôi :

      -  Ông thầy, đến nơi rồi, thầy ngủ say quá !

     Tôi choàng mắt, đây là trạm điện Đa-Nhim cách bến xe khoảng hai cây số, tôi nói lời cám ơn hai vị thủy điện. Họ nhiệt tình tốt bụng vì ngỡ tôi là đồng nghiệp của thầy giáo Trần-Minh-Triền

      Tôi đi về hướng bến xe, lòng nao nao hồi hộp, tưởng chừng như sắp gặp lại người thân sau nhiều năm mất tích. Thị trấn hoa quỳ vàng tôi đã sống, làm việc từ năm 1976 – 1978. Ba năm, Đơn-Dương đã cho tôi nhiều màu sắc thắm thiết, không gian thanh bình với những đồi thông cao vút trên hồ nước Đa-Nhim, dòng sông vàng rực hoa quỳ, bến xe, phố chợ một thời người đi kẻ về rộn ràng, tất bật, những chiếc xe thổ mộ lóc cóc mang theo nổi buồn cơm áo của người lẫn vật, bạn bè tôi thủa ấy cùng chung một cuộc say. Triền, Cường vẫn là thầy giáo, Phan-Bá-Chức đã đổi lên Đà-Lạt, còn Thân-Đình-Châu và Nguyễn-Thành tôi nghe nói đã vượt biên không hiểu sống chết ra sao. Và bóng hình đam mê của tôi thời ấy, cô gái người dân tộc To-Prong Nai-Sương, nàng đã lấy chồng.

 

                                                     

Ôi ! To Prong Nai-Sương

 đôi môi hồng của em là để yêu anh

 như chim thiên nga soi hồ Gươm tình tứ

 chim chơi xuân trên sóng biếc hoa hồng.

 

 Anh đi tìm cõi đời thơ mộng

để em yêu như thể anh yêu !

                                                      

Trong bao la tình sầu

dẫu thật nhiều niềm đau và nhiều nỗi khổ

nhưng đôi mắt chim câu của em

bóng dáng thiên thần của em

đã đưa anh về xanh xanh tinh tú

xanh xanh Đơn-Dương kìa đây nhật nguyệt

xanh xanh không trung biên biếc sông Ngân

xanh xanh Tutra và rừng thiêng trầm mặc

 khi em xanh nhẹ gót hoa đào

 khi em xanh hát khúc nghê thường đẹp ngời pho tượng                                                      

  như Hélène diễm tuyệt huyền xưa

  như Hélène nữ kiều Hy-Lạp.

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..

    [ To Prong Nai-Sương ]   

                                                                                    

                                                                                   

       Tôi dừng chân trên cầu bắt qua dòng Đa-Nhim, nước sông vẫn lặng lẽ như thủa nào dưới trời nắng trưa, hai bên bờ những con ngựa thả buồn gặm cỏ và giàn hoa giấy trước cổng nhà Nai-Sương vẫn thắm sắc, xa kia là đập thủy điện Đa-Nhim, những hàng cau  trước sân Thánh Thất Cao-Đài thôn Quảng-Lạc vẫn ngã nghiêng theo gió. Thánh Thất ấy tôi đã ngụ cư ba năm với người mẹ Huế tốt bụng, tháng 7/1978 tôi bị trục xuất khỏi Đơn-Dương, sáu năm đã qua cảnh vật không thay đổi gì mấy. Đi qua bến xe tôi nhìn vào, chiếc bàn tôi làm việc hồi ấy vẫn còn, đồng sự của tôi chắc vẫn còn ! Chỉ có tôi là bị mất, mất theo số phận của mình và cái mất đối với tôi như là một định mệnh. Ừ ! Cuộc đời chưa có ý thức dừng thì phải đi, đi là đổi thay, là biến dịch, là phiêu lưu, rốt cùng đi là để tìm con số không xem ở trong ấy có những gì !

      Không muốn ghé thăm ai cả, tôi hướng về đập Đa-Nhim, nơi Thánh-Thất Cao-Đài nằm dưới chân đập chỉ cách một nương ruộng để thăm người đã khuất, thăm lại hàng cau, những cây mít trĩu trái thơm nồng. Đi qua trước nhà Nai-Sương, lầu hoa cũ đã đổi màu sương giá, cạnh bên là một căn nhà mới trông xinh xinh, chung quanh là một vườn hồng chín trái, muốn ghé vào thăm nhưng mà thôi, đừng đem bước chân bụi đường khuấy động con người kiều diễm ấy, hãy để cho huyền ảo còn và còn mãi trong lòng những kẻ yêu nhau.

      Tôi đứng lặng trước ngôi Thánh Thất, bốn bề tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió và tiếng chim hòa ca trên những hàng mít ở sau chùa, không biết sau khi ông bà Luyến quy tiên ai thay thế coi sóc chùa ? Căn nhà tịnh trai bên cạnh vẫn mái tranh xưa, vẫn phên gỗ gió lùa, những tảng đá chống cột nhà vẫn bất di.

      Tôi đẩy cánh cửa kẻo kẹt bước vào trong, dãy bàn thờ rất nhiều bài vị ngày trước còn y nguyên, bên cạnh có thêm nhiều bài vị mới, trong ấy có người mẹ Huế đã lo cơm nước cho tôi suốt ba năm ròng. Tôi đốt một nén nhang cắm đủ các bài vị, khấn nguyện mẹ Luyến mà thấy lòng có lỗi, tôi đọc nhẫm bài thơ “ Mẹ Đa Nhim “ tôi đã làm trong những năm xa mẹ :

 

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

  Đa Nhim ơi ! Những đồi thông cao vút

  vươn mình lên trong nắng chan hòa

  đêm sương xuống sông chiếu ngàn ánh điện

  tưởng Đa Nhim là một dãi Ngân Hà.

 

  Mẹ gởi dùm con nỗi lòng thương nhớ

  dòng sông xưa vàng nở lắm mùa hoa

  nước sông trôi có bồi thêm đất lở

 ngày con đi khuất nẻo hướng trời xa.

  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

   [ Mẹ Đa Nhim ]

 

      Về đến Đà-Lạt thì sương đêm đã buông xuống, hồ Xuân Hương, nốt ruồi duyên trên đôi má hoa đào đã mất đi một phần quyến rũ bên trong. Đà-Lạt biến đổi thật nhiều, tôi ngồi bên cạnh hồ với ý thức mênh mông, là mình đang trở về nơi thiên đường đã mất. Mặt đất và thiên đường cách xa mấy tầng không gian, chỉ có đôi cánh tình yêu mới kỳ diệu đem thiên đường xuống trần gian, người mất đi tình yêu là mất thiên đường, chỉ còn trần gian với sự buồn vui điên dại của kiếp người.

      Dự tính lên Đà-Lạt ở chơi với vợ chồng Phan-Bá-Chức vài hôm, chuyện trò trước sau cho thỏa lòng nhưng đôi chân tôi lại có quyết định tự do của nó. Tôi lang thang lên phố Hòa-Bình, rẽ xuống đường Duy-Tân thì gặp Nguyễn-Công-Nhàn. Sáu năm chúng tôi mới trong thấy mặt nhau đứa nào cũng mừng và ngạc nhiên :

  • A ! Nhàn . . .
  • A !  Mãnh [ Trần-Đại-Mãnh ]
  • Mới lên, vợ con khỏe không ?
  • Ư ! Cũng được, ngày mai mình đi Nha-Trang, cậu đi chơi với mình không ? có xe của Hội Chữ Thập Đỏ.                                                                  
  • ! ! !  Định ở lại vài hôm nhưng Nhàn đi thì mình đi luôn.

Đêm ấy tôi ngủ lại với Nhàn, vợ con lúc nào cũng vui, khi thiếu cũng như khi no, Nhàn lúc nào cũng có rượu và đặc biệt chị Vân, vợ Nhàn, lại thích làm món nhắm cho chồng và bạn tâm sự. Những cuộc rượu Sài-Gòn và Đà-Lạt thật khác nhau, Sài-Gòn náo loạn bao nhiêu thì Đà-Lạt đằm thắm bấy nhiêu. Thiên nhiẹn Đà-Lạt là mẹ hiền, đêm ấy tôi ngủ thật ngon trong lời ru của rừng thông và lời ca của người kiều nữ đã mất.

      Tôi thức dậy trong chăn ấm, mang mang không biết mình ở đâu ! Một phút định tỉnh mới nhớ là mình đang ở Đà-Lạt. A ! Mình đang ở Đà-Lạt, tôi tung chăn ngồi dậy thì nghe tiếng Nhàn :

      -  Mãnh ơi ! Dậy đi.

            Chợt nhớ sáng nay sẽ cùng Nhàn đi Nha-Trang, vậy là không lên Mã Thánh thăm mộ của người xưa được rồi. Tôi đến và đi khoảnh khắc như gió, chỉ nói được với vợ con Nhàn vài lời quyến luyến rồi tạm biệt

      Nhàn dẫn tôi đến nhà anh Sáu, tài xế của Hội Chữ Thập Đỏ, bác tài người thâm thấp, khuôn mặt vui cười, việc tôi quá giang về Nha-Trang không là ý nghĩ, thời ấy [1984] chen chân mà mua được tấm vé xơ cả tóc lẫn tai mà chưa chắc đã được, chỉ có xe của cơ quan nhà nước là thoải mái bon bon trên đường, dù qua trạm nầy trạm nọ cũng không bị công an, thuế vụ hành hạ như những chiếc xe khách. Chúng tôi ngồi uóng cà-phẽ ở cuối đường Duy-Tân, nắng đã lên, sương đêm tan dần, những lò than hừng hực lửa, hương cà phê bay lừng trong không khí xua tan một phần cái lạnh ban mai. Đà-Lạt và những quán cà phê góc đường, từ bao lâu đã trở thành nếp sống tinh thần, bạn bè lang thang của tôi như thi sĩ Lê-Văn-Ngăn, Phạm-Tấn-Hầu, Trần- Nhơn mỗi khi nhớ về Đà-Lạt thì nhắc đến cà phê chị Sáu ở bến xe, cà phẹ cô Thoa đẹp người ở sau phố Hòa-Bình, cà phê Domino ở đường Phan-Bội-Châu và nội tâm hơn là cà phê Tùng, đã trở thành hình ảnh tu từ trong giới văn nghệ sĩ khắp nước.       

      Cà phê và câu chuyện ban mai vừa đủ ấm, bác tài nói :

  • Hai anh ngồi đây đợi, tôi đến garage đánh xe lại rồi lên đường.    
  • Ừ ! Anh Sáu tranh thủ đi. Nhàn nói, rồi hỏi tôi :
  • Về Nha-Trang cậu đi đâu ?
  • Đến Nha-Trang rồi hay !        

Một lát sau xe đến, đó là chiếc xe camgnon màu trắng, có dấu chữ thập đỏ, xe rộng thênh không chở gì hết, hai chúng tôi ngồi trước cabin, tôi nhìn lên dốc đường Duy-Tân, tâm tưởng nhớ về bóng hình ngày ấy. Con đường ấy tôi và Minh-Sang đã biết bao lần hò hẹn, con đường ấy đã cho tôi biết thế nào là tình yêu cũng như vị đắng biệt ly. Cái đêm tháng 7/1978 cuối cùng, lòng tôi những ngày đó hoang mang làm sao, linh cảm tai ương ở một nơi tối tăm đang rình rập,  hôm tôi từ Đơn-Dương lên Đà-Lạt hẹn hò, chúng tôi tay trong tay đi qua con đường dốc xuống hồ Xuân-Hương, Đà-Lạt đêm ấy sương nhiều hơn, gió lạnh nhiều hơn, những hàng thông rên rỉ nhiều hơn. Cuộc sống mặt trái mặt phải thế nào thì Đà-Lạt vẫn là thành phố của tình yêu. Đêm đêm tình nhân dìu nhau đi trên mọi ngã đường như những đôi uyên ương chấp cánh, họ hạnh phúc và lãng quên, đó là cái đẹp, là ý nghĩa hoa đào. Đêm ấy tôi không còn cảm nhận cái đẹp nầy nữa, bởi lòng tôi nghĩ đến ngày mai mà giật mình. Tôi định nói với Minh-Sang rằng, vài hôm nữa tôi sẽ giã từ Đà-Lạt, rằng mình phải tạm chia tay, rằng vì lý do nầy lý do nọ nhưng vẫn không thốt được lời nào. Minh-Sang thấy tôi buồn và có vẻ mệt, nàng hỏi :

      -  Anh làm việc ở bến xe có mệt lắm không ?

      -  Ừ !. . .ừ !

      -  Nếu mệt thì anh về Đà-Lạt để em lo.

      -  Không đâu ! Anh có hai tay mà đến nổi gì phải để Sang lo. Nhưng mà Sang nầy, có lẽ anh phải về Sài-Gòn.

      -  ? . .? . . .Sao vậy anh ?

      Sang nghẹn ngào hỏi tôi, tôi đưa tay quàng qua vai nàng nửa đùa nửa thật :

      -  Bệnh cũ tái phát.

      Nàng hoảng hốt :

      -  Anh bệnh gì ?

      -  Bệnh giang hồ.    

      Tôi thấy đôi mắt nàng sụp xuống nhìn mặt hồ nơi những cơn gió lạnh thổi sương đêm xao xuyến bốn bề, phút chốc cả mặt hồ trắng xóa màu sương, chúng tôi dìu nhau đi lẩn trong màu trắng ấy, cả tôi và Minh-Sang đều linh cảm màu trắng của biệt ly sắp đến mai nầy, chúng tôi xiết chặc tay nhau cố tìm hơi ấm như mọi lần nhưng mà tay tôi lạnh, tay Sang cũng lạnh, hình như cái lạnh vô hình nào đó đã dập tắt ngọn lửa nồng nàn trong tim chúng tôi. Nàng nói giọng đầy lo âu :

  • Tối nay anh về ngủ với Sang, Hùng nó đi Sài-Gòn rồi, anh ngủ ở phòng nó.
  • Lỡ hai bác biết thì sao ?  
  • Về nhà anh đợi ở ngoài rồi em mở cửa sau anh vào, giờ nầy ba mẹ và mấy đưa ngủ hết rồi.  

      Giọng Sang nói đầy thương yêu níu giữ, nàng muốn thể hiện hết lòng để mong tôi đừng đi. Ừ ! Làm sao tôi bỏ Đà-Lạt cho đành, nhưng định mệnh nói rằng, “ Ta muốn mi cong là cong, thẳng là thẳng “ Và ngày ấy tôi đã nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần tới đâu ?

      Về đến nhà Minh-Sang thì bốn bề chỉ còn ánh trăng và tiếng gió. Sang vào gọi cửa, tôi nép mình bên giàn hoa cạnh lối đi sau đứng đợi. Mười phút sau cửa hé mở, tôi tháo giày và nhẹ như con mèo, Sang dẫn tôi bước lên lầu trên, nàng kề vào tai tôi thì thầm :

  • Anh nằm đây nghỉ lát nữa em qua.

Tôi cởi hết áo quần giá lạnh, ngã mình xuống tấm nệm ấm, đầu óc không nghĩ gì nữa, tôi nhắm mắt và giấc ngủ đến rất mau.

            Nửa đêm Sang qua với tôi, chúng tôi quấn mình trong tấm chăn bông ấm áp, nhìn nhau qua ánh đèn ngủ, thì thầm bên tai nhau, tôi nghe tiếng nàng lập lại mãi

-  Anh đừng đi, đừng đi nhé !

    Nàng thức tôi dậy vào lúc 5g sáng, ngủ thêm nữa người nhà biết thì nguy. Buổi sáng trời lạnh khiếp, Minh-Sang lấy chiếc áo ấm màu xanh của Quang em nàng đưa cho tôi mặc thêm, nàng dẫn tôi xuống lầu mở cửa sau, lần cuối nàng nói :

-  Anh đừng đi ! Anh đi thì Sang chết mất.

Tôi ôm đầu nàng hôn lên trán :

  • Ừ ! Anh sẽ trở về với Sang.

      Than ôi ! “ Sang chết mất “ đó là câu cuối cùng tôi nghe nàng nói, bốn năm sau tôi rời địa ngục môn lên Đà-Lạt tìm nàng thì trăng thiếu phụ đã ngủ yên trên đồi Mã Thánh, dưới mộ sâu của thành phố hoa đào.

  • Mãnh nhớ người yêu hay sao mà mặt mày mơ huyền vậy ? Nầy ! Hút điếu thuốc cho tỉnh.

Nhàn vỗ vào vai tôi vừa nói vừa cười, tôi khẻ giật mình cầm lấy điếu thuốc nói :

  • Ừ ! ừ ! Tâm hương đốt nén linh cầu.

Xe đến Trại Mát thì dừng lại trước căn nhà có người thiếu phụ hai má ửng hồng đứng đợi sẵn với mấy bao hàng bên cạnh.

      Nhàn nói với tôi :

      -   Mình xuống đi quanh chơi, để bác tài làm ăn.

         Thời ấy một giỏ hành, một túi khoai tây, một kg cà phê, kg trà . . .rời khỏi Đà-Lạt là một vấn đề, tất cả đều bị ngăn cấm, buôn bán thương mãi đồng nghĩa với tội phạm, nhưng sự sống vẫn là trên hết, nên người ta đua nhau chuyển hàng bằng mọi cách từ nơi cung đến nơi cầu và nền kinh tế lòn lách ấy đã cứu vớt cuộc sống của rất nhiều tầng lớp. Những chuyến xe công tác của anh Sáu là đối tượng an toàn của chị em đi buôn, thế là họ liên kết trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Chúng tôi quay lại thì bác tài đã dấu hàng lẫn người kín đáo trên xe, công an, thuế vụ có liếc mắt nhìn cũng khó phát hiện. Bác tài phủi tay sạch sẽ giục chúng tôi lên xe, xe qua Cầu-Đất rồi đổ dốc xuống Trạm- Hành, bỗng cái tay lái rung rinh, còn chiếc xe thì lắt lư . . .bác tài hoảng :

  • Tay lái sao kỳ vậy nè ?    

      Rồi vội giảm ga thắng xe lại bên đường dốc, chúng tôi đồng loạt nhảy xuống, anh Sáu kiểm tra từng bánh xe một, mấy bánh xe sau chẳng có gì, bánh xe trước bác tài dùng hai tay lắc mạnh, bỗng mấy con ốc  xiết vành bánh  long ra rơi xuống đất, mặt mày chúng tôi biến sắc, bác tài hú vía :

  • Trời ơi 1 Cái bọn nầy, hôm qua bỏ xe cho chúng làm xăm lốp, vậy mà chúng xiết bulon thế nầy, chuyến nầy lên tao cho biết tay.

      Tôi nhìn xuống thung lũng bên cạnh, vực sâu và những cây thông vươn cao, nếu như cái bánh xe ấy bung ra thì chúng tôi bây giờ thế nào nhỉ ? Có lẽ bể đầu, gãy tay, gãy chân, không chừng chết với nhau, sự sống đang tồn tại đây mà tử thần xuất hiện thì hoảng thật. Nhưng lạy ơn trời ! Chúng tôi đã thoát nạn.

      Tôi giã từ Đà-Lạt với dấu ấn sinh tử khó quên, con đường đèo Dran nầy, ba năm điều hành Đôi 5 Hành Khách Đơn-Dương

Tôi đã đi về hằng trăm lần, hồi ấy đường còn tốt, cảnh sắc hai bên thiên nhiên chan hòa với sự lặng lẽ bình yên của cuộc sống, giờ đây đường đèo dốc nầy tan nát từng mảng, bụi đỏ tung mù mỗi lần có xe qua, nhà cửa vườn tược hai bên nhuộm đầy bụi đỏ không còn phân biệt được vườn hồng, giàn su. . .hai tay bác tài quẹo trái quẹo phải liên hồi để tránh ổ trâu, ổ voi. Bác tài vừa than thở vừa cười :

  • Không đón người đẹp thì mình đi đường đèo Prenn khỏe hơn.

      Đúng rồi, người thiếu phụ đang nằm phía sau có đôi má hồng thật hồng, dáng người phơi phới, trắng trẻo, thảo nào anh Sáu hớn hở ra mặt. Ừ ! Đó là niềm vui của những người sống trên đường dài, ngoài việc lo áo cơm nuôi vợ con, cánh tài xế còn một khoảng trời riêng với truyện ngắn, truyện dài nhiều tập. Xe đã qua khỏi Đơn-Dương anh Sáu lên tiếng :

  • Anh Nhàn, sắp tới trạm Eo Gió, anh chuẩn bị giấy tờ xuất trình.

      Mặt mày bác tài tỉnh táo lại, dừng xe bên đường kiểm tra lại hàng và người, anh lên tiếng :

  • Người đẹp, nằm cho yên nhé ! Sắp qua trạm đó.

      Tôi nghe một tiếng “ dạ “ tròn trịa “ phát ra trên thùng xe, xe tiếp tục lăn bánh.

      Trạm Eo Gió nằm cách bến xe khoảng bốn km, nổi tiếng với đám thuế vụ hung thần, thời tôi còn điều hành Đội 5 Đơn-Dương, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tan thương của trạm nầy. Mỗi sáng, những chuyến xe từ Đà-Lạt, Đơn-Dương qua trạm, 1/3 hành khách là các chị em buôn chuyến, hàng hóa là đặc sản cây trái Đà-Lạt, xe đến gần trạm là chị em hồi hộp như vát hàng qua cầu treo lắc lẻo, lắm lúc rủi nhiều hơn may, bác tài nào khôn khéo nhiều mặt thì xe qua an toàn, còn bác nào cứ vô tư thì xe bị lục tung, khoai tây, hành hẹ, cà rốt. . .lăn lóc rơi đổ giữa đường . .. chị em mặt mày mếu máo, chạy tới chạy lui vang xin, còn các đồng chí công an, thuế vụ mặt lạnh như cục sắc, hung hăng tìm tòi trên mui xe, dưới gầm xe cho ra trà, cà phê mới thôi. Cảnh đi buôn thời ấy là cả đại bi kịch áo cơm, ấy vậy mà người dân vẫn lao vào để sống và để ngắc nghẻo, bởi lẽ họ không còn lối thoát nào hơn, hàng hóa trót lọt thì lời to, còn lỡ bị tịch thu thì ôi  thôi ! Sạch vốn.

      Xe chúng tôi gần đến trạm, từ xa tôi đã thấy cái barrière chắn ngang đường, năm ba chiếc xe khách nằm sát lề và cái cảnh sáu năm về trước tái diễn không khác. Nhàn thong thả bước xuống xuất trình giấy tờ, hai vị đồng chí, một công an, một thuế vụ đi ra nhìn vào thùng xe rồi khoát tay cho bác tài tiến tới, ừ xe nhà nước đi công tác mà, qua khỏi trạm anh Sáu vui vẻ nói vọng :

  • Người đẹp, ngủ lấy sức đi, về Nha-Trang anh đưa đi tắm biển.

      Có tiếng cười phía sau đồng cảm với câu nói đùa của anh Sáu, ai mà biết được mức độ của hai người tới đâu, có điều khi qua khỏi trạm Sông Pha thì anh Sáu mời người đẹp rời khỏi chuồng cu lên ngồi cạnh bác tài, Nhàn và tôi tế nhị lui sau để họ thoải mái “ làm thơ “ anh Sáu nháy mát cười vui.

  • Không sao ! Không sao !

      Chúng tôi đến Nha-Trang thì đã bảy giờ tối, Nhàn rủ tôi về nhà của gia đình nhưng tôi từ chối, mặc dầu chưa biết về đâu ! Tôi rủ Nhàn xuống xe ở đầu đường Độc-Lập, Nhàn hỏi tôi :

  • Cậu ghé Minh-Hương à ?
  • Chưa ! Bọn mình tìm quán nào lung linh vài ly cho vui.

      Chúng tôi rẽ qua đường Trần-Quý-Cáp, ghé vào quán bên đường, Nhàn gọi rượu và hột vịt lộn, rót rượu nâng cốc, tôi nói :

  • Tiếc là ông bận công tác, bằng không ở lại Nha-Trang vài ngày thì hay.
  • Ừ ! Ngày mai mình phải lo thủ tục nhận thuốc rồi cho xe lên ngay, còn cậu về đâu ?
  • Có lẽ ngày mai mình ra Tuy-Hòa, quê ngoại của mình, thành phố và dân tình ở ngoài ấy hiền lắm.
  • Nầy ! Trước nay cậu có gặp Minh-Hương không ?
  • Năm ngoái mình có ghé thăm, nàng vẫn chưa chồng.
  • ? . . .
  • Biết làm sao được, âu cũng là duyên nghiệp.

      Nhàn ngồi cụng ly với tôi cho đến khi phố vắng người đi, mấy phu xích bên cạnh đã ngà say thốt lên tiếng chày tiếng cối, Nhàn nói :

  • Thôi khuya rồi, mình phải đi, tối nay cậu ngủ đâu ?
  • Lát nữa mình ra biển, trăng Trung Thu mà.
  • Nầy ! Cậu ra biển cong an tó đầu, lúc nầy người ta bắt vuôt biên nhiều lắm.
  • Thế thì . . .thì mình ngủ ở bến xe vậy.

      Nhàn đi rồi, tôi ngồi uống hết phần rượu trong chai và định hướng xem nên về đâu ! Ra biển thì không được rồi, ghé nhà Minh-Hương vào giờ nầy với cơn say bụi bặm thì không nên, tốt nhất là về bến xe nội tỉnh ở QL. 1 ngủ ở đó hợp lý, an toàn với cái giấy cớ mất trời ơi trong túi. Đi qua ngõ vào nhà Minh-Hương, hai chân tôi lại rẽ lối, cửa nhà chung quanh đã ngủ yên, căn lầu Hương ở vẫn còn sáng ánh đèn. Tôi nhìn lên thoáng có bóng người, muốn lên tiếng gọi “ Hương ơi ! “ nhưng ý thức ngăn tôi lại. Thôi thì ! Thôi thì ! Ngày mai rồi ghé, tôi quay gót nói lời thầm “  Chúc Hương ngủ ngon, người bạn thời thơ ấu của tôi. “

      Bến xe nội tỉnh vào giờ ấy đã yên vắng, dù không lắm cảnh lăn lóc như bến xe liên tỉnh nhưng đám người rêu cỏ như tôi cũng nằm la liệt trước phòng vé, ngày mai còn ở lại Nha-Trang thì tội gì phải giành chỗ mua vé, tôi tìm một góc quán bỏ trống, lấy ba lô làm gối ngã lưng, dù muổi mòng vo ve bốn phía nhưng giấc ngủ cũng đến rất mau nhờ cơn say.

      Những chuyến xe đầu tiên vào bến đã đánh thưc tôi dậy, có lẽ khoảng bốn năm giờ sáng, các hàng quán chung quanh đã mở cửa, tôi vào quán cà phê gọi ly đen nóng luôn tiện xin nước rửa mặt. Ban mai thành phố biển có khác, gió biển thổi vào đầy hương muối làm cho con người khỏe khoắn, tỉnh táo ra, uống hết ly cà phê với bình trà thì điện đường vừa tắt, Nha-Trang đã thức dậy bắt đầu ngày sinh hoạt mới. Ra khỏi quán tôi đi về hướnng biển, có lẽ dân phố biển tự nhiên hơn nơi nào khác, trên đường tôi gặp đủ tầng lớp, già, trẻ, lớn, bé, gái, trai, ai ai cũng hướng về biển, trai thì mặc quần đùi ở trần, gái thì khoát đồ tắm đủ kiểu, trẻ em, người đứng tuổi cũng không khác. Họ cùng nhau ra biển, người đi, kẻ chạy, người vươn tay, kẻ vươn chân, đón những luồng gió trong lành thổi vào từ biển xanh.

      Đi hết con đường Lê-Lợi là tới biển, tôi đi dọc theo hàng dừa xanh nhìn đám đông chạy nhảy trên cát, vẫy vùng trong nước mà thích thú, muốn tắm, muốn tìm lại sức lực của người sinh ra ở biển, sãi tay trên sóng nước vô tư, lặn xuống vốc những vỏ sò, vỏ ốc có thiên hình kiến trúc, sắc màu kỳ lạ. Tôi đến nơi bãi tắm xa xa, vắng người ngồi xuống gốc dừa, đợi phút giờ mặt trời từ biển xanh xuất hiện.

      Nha-Trang ban mai đẹp như kiều nữ khỏa thân, ngoài xa những hòn đảo in hình sơn thủy lên bầu trời. Tôi cởi bộ áo quần cáu bẩn bỏ vào ba lô, vươn vai đón bình minh, hít đầy hương muối vào phổi và lao xuống làn nước trong xanh, nước mát lạnh, những cơn sóng mơn man lướt khắp thân thể, bao nhiêu bụi đường mồ hôi, mệt nhọc phút chốc tan biến. Biển đã hóa giải, đã chan hòa sức sống vào muôn nơi trong trường ca hiến dâng bất tận của trùng dương sóng biếc.

      Mặt trời lên cao dần, uy nghi, thần thánh, nước biển có phần lạnh hơn và sóng biển dập dồn hơn, tôi bơi lặn một hồi nữa rồi lên ngồi sưởi nắng và thay áo quần sạch của kẻ bụi đường. Tựa lưng vào gốc dừa nhìn những người tắm biển lần lượt đi vào thành phố, họ thoải mái thật, diễm phúc của họ là được sinh ra ở biển yến rừng trầm, vùng đất có tiếng hiền hòa rất mực. Chuyện kể ngày xửa ngày xưa Khánh-Hòa rất nhiều cọp, cọp hay đi thành bầy đàn xuống đồng bằng đánh bạn với lũ trẻ chăn trâu, đôi bên chơi thân như bạn bè, nhưng mấy chú mục đồng vốn tinh nghịch, thấy bộ dái cọp chúa ngồ ngộ, bèn đưa tay bóp, cọp chúa gầm lên, hoảng vía, vắt giò lên cổ chạy thục mạng, thế là cả đàn quất đuôi chạy theo, từ đó về sau loài cọp mâu thuẩn với người, không thèm xuống đồng bằng chơi nữa.

      Bãi biển đã thưa người, nắng chan hòa trong màu xanh biển biếc, lấp lánh ánh thủy tinh trên cát vàng, một thoáng chốc tôi hòa nhập vào vẻ đẹp của trời đất thiên nhiên. Biển là mẹ, đại dương là cha, biển vừa cứu thoát vừa hiểm nguy, bất hạnh cho kẻ ra khơi mà không biết luật của muối.

      Tóc trên đầu tôi đã khô thấm vị muối, tôi vát ba lô lên vai đi dọc theo bờ về hướng Cầu Đá để tìm ngôi Như Ý Tự, nơi có sư Pháp-Tâm trụ trì. Đi mãi đi mãi vẫn không thấy bóng chùa, đi một trường sa nữa, tôi gặp tảng đá trơ gan nằm giữa bãi cát. Đây rồi, đúng rồi, tảng đá nầy nằm sau chùa cách sóng biển vài mươi mét. Như Ý Tự đã biến mất. Tảng đá nầy thang 8/1974 sư Thiện-Tâm trên đường tìm nơi tu tập đã dừng lại đây, chiều chiều sư tựa lưng vào tảng đá mãi mê đọc kinh Na Tiên Tỳ Kheo, vị Bồ Tát biểu tượng tinh hoa của Theravada, với những câu đối đáp sáng tạo, làm người đọc hoát nhiên khai trí nhờ ánh sáng thông minh của Ngài giảng giải về chân lý của Đạo Phật. Bây giờ Như Ý Tự đã biến thành hư không, Đại Đức Phap-Tâm không biết về đâu, phố nhà phía trước cổng chùa cũng đã biến mất, trước mắt tôi là bãi cát cùng hàng dương liễu cất lời hoang vắng. Sau nầy gặp đồng đạo tôi có hỏi thăm về sư Pháp-Tâm thì được biết Như Ý Tự cũng như phố nhà trước chùa đều bị giải tỏa đi kinh tế mới còn sư Pháp-Tâm thì ra hòn đảo nào đó ở Nha-Trang dựng cốc làm chùa tiếp tục tu hành.

      Mặt trời đã đứng bóng, thời tiết tháng 8, những ngọn gió lành ở biển thổi vào mát rượi, tôi đến những gốc dương im bóng để tránh nắng, lấy bánh mì ra ăn nhưng nước đâu mà uống, nhìn quanhchẳng có quán xá gì hết. Thôi ! Chịu khó khô cổ một vài tiếng cũng không sao, cảm thấy vết phỏng hình trái tim mà Trần-Phá-Nhạc gởi tặng ở cánh tay trái nhức rát, tôi xắn tay áo lên xem thì lớp da phồng nước đã vỡ, thế nầy thì nguy, thuốc đâu mà xức ? Không khéo nhiễm trùng bung mủ thì thật bất tiện trên đương dài. À ! Chiều nay đến thăm Minh-Hương nhờ nàng băng vết thương, nhà Hương thiếu gì thuốc, dãy lầu 82 – Độc-Lập dài ra tận phía sau Trần-Quý-Cáp trước 75 là pharmacie Lan-Hương, bây giờ là công ty dược thuộc nhà nước, sau khi bác Hương vượt biên thì họ tịch thu, họ dành cho chị em Hương phần lầu phía sau từ trên xuống dưới. Tôi để ba lô vào gốc dương làm gối, cát vàng làm nệm nhìn những đám mây lơ lửng tụ tán thất thường trên không trung xanh thẳm, đời người đến đi cũng như mây vậy, không biết đâu là ý nghĩa lẽ thường, cảm xúc thì như sóng trên biển, sóng không phải là biển, sóng chỉ là hiện tượng và con người có là hiện tượng tử sinh của vũ trụ không ? Tất cả là hiện tượng, buồn vui, hạnh phúc, giàu sang, nghèo hèn, tri thức, ngu đần cũng chỉ là hiện tượng, nhưng con người nói với trời xanh rằng, tình yêu và đau khổ thì có thực, dù ở hành tinh nầy hay hành tinh khác, dù vũ trụ có huyền bí đến đâu thì tình yêu và đau khổ vẫn thường hằng, thường hằng cả trong cõi mà xác thân không còn hiện hữu.

 

[ Trích từ Hồi Ký CHUYỆN  ĐỜI  TÔI ]                                                                                                                                                      

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 1257
Ngày đăng: 01.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư cho anh - Trần Hạ Vi
Tình thiêng - Trần Dzạ Lữ
Nén hương lòng mừng Châu Hương Viên - Trang Thùy
Dọc đường văn nghệ (phần 49) Phù hư – Nhà thơ “Ngậm thẻ qua sông” - Trần Dzạ Lữ
Chiếc áo len Và Cha tôi - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (phần 48) Ngô Cang, một phận người nghiệt ngã - Trần Dzạ Lữ
Bến quê - Trần Khởi
Dọc đường văn nghệ (phần 47) Hà Vũ Giang Châu – ngày nào lịch lãm - Trần Dzạ Lữ
“Nghề” bán dừa – Nụ cười và những giọt nước mắt. - Trang Thùy
Người bạn Hà Nội - Minh Tứ
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)