Trên lầu sáu của bệnh viện Sydney, phía cánh phải có đề hàng chữ : Ngân hàng Mắt Lions của tiểu bang N.S.W (Lions NSW Eyes Bank). Tôi trao lá thơ cho cô mặc cái váy xanh. Có tiếng mở cửa, một người ốm cao, đầu cắt ngắn nhưng mái tóc bạc trắng - ông ta vồn vã ra chào - rồi tự giới thiệu là John Akister.
Mấy ngày trước tôi đã biết, ông ta được Nữ Hoàng Anh quốc phong tước vì những sự nghiệp và hy sinh cao quý đã cống hiến cho đời. Tuy có văn phòng trong bệnh viện, nhưng Sir John Akister không phải là bác sĩ... nói chuyện với nhau, ngắm kỹ cái khuôn mặt không những bô trai và đôn hậu. Rồi ông ta hỏi thăm nhiều điều về Việt Nam, ông lắc đầu giơ hai tay lên cao như sợ hãi, sợ hãi chiến tranh vùng Vịnh mới chấm dứt tháng qua ở Kuwait, Irắc... ông lại dẫn tôi đi giới thiệu hai nữ nhân viên trong Ngân hàng mắt này, chỉ tủ sách tư liệu, băng video, máy vi tính ... liên quan đến ghép Giác mạc mà trong những ngày tới, tôi được phép tự do học, nghiên cứu... nơi đây. Ông ta pha cho tôi một ly cà phê sữa rồi nói :
- Dr. Hung sẽ làm việc ở đây hai tuần, sau đó sẽ qua bệnh viện Mắt Sydney thực tập.
Tôi gật đầu rồi nhờ cô nhân viên áo xanh chụp hình tôi với Sir John Akister, kỷ niệm ngày đầu tiên gặp nhau trong căn phòng ông làm việc. Căn phòng nằm phía sau bệnh viện, nối tiếp là một thảm cỏ xanh của công viên thành phố Sydney. Cỏ chạy dài nối tiếp đến bờ biển, thấy được sóng xanh vỗ từ xa, thấy nắng trắng tỏa rộng một vùng thành phố nổi tiếng của châu Úc.
x
x x
Những ngày kế tiếp, tôi vẫn đến nghiền ngẫm trong Ngân hàng Mắt đó. Cái căn phòng nhỏ đó, chỉ có 3 người làm việc, nhưng họ đã tiếp nhận hàng ngàn con mắt trong tiểu bang này, do người chết cống hiến - Mắt ngwòi chết cho người còn sống, những người mù lòa đang trông chờ.
Ngân hàng thông thường là tòa nhà cao to đẹp nhất của một thành phố, cầm lấy tiền bạc điều hòa hàng ngàn công việc của mọi người, của các Công ty và ngay cả Chính phủ. Còn ở đây Ngân hàng lại có nhiệm vụ thâu nhận những đôi mắt của người, con người cao cả và nhiều thứ khác nữa trong cơ thể... ước mong khi từ giã cuộc đời, họ còn giúp những kẻ bất hạnh đang ngóng chờ - chờ mong thấy chút ánh sáng trong đời.
Cô mặc áo blouse xanh ngồi ở phòng trong có nhiệm vụ làm kế hoạch những chương trình tuyên truyền trên tivi, các bệnh viện, những nơi công cộng... để mọi người nhận biết, kêu gọi sự tình nguyện dâng hiến tạo cơ hội cho những con người tật nguyền mù lòa có cơ may nhìn thấy ánh sáng. Quanh phòng cô ngồi có khá nhiều những tấm bìa lớn in hình ảnh khổ đau của người mù, bên cạnh đó là lời kêu gọi lòng nhân ái, tính cao thượng của mọi người, vì những người đáng thương... Những tấm áp phích này tôi thấy dán ở hành lang ra vào bất cứ bệnh viện lớn nhỏ nào ở Úc châu.
Ngược lại cô áo xanh tóc uốn dài ngồi ngoài có nhiệm vụ nhận tất cả thông tin của tiểu bang, tên địa chỉ của những người cho mắt... báo cho bệnh viện Mắt đi lấy mắt khi có trường hợp tử vong, rồi phân phối Giác mạc mắt đến bất cứ khoa mắt khi cần có "ca" ghép giác mạc.
Bệnh viện Sydney có kiến trúc cổ, nằm tọa lạc trên đại lộ Macquerie, sát cạnh Bảo tàng thành phố ngay chính giữa trung tâm. Theo con đường một chiều đó không xa, là đổ xuống một con dốc, bên kia là bệnh viện Mắt thành phố.
Ở dưới tầng hai khu nhà này, có môt dãy phòng chất chứa những con mắt người đã chết. Những người bác sĩ bệnh viện Mắt khi có thông báo sẽ đến từng bệnh viện lấy mắt trên người tử vong. Mắt được lấy ngâm trong dung dịch Chodrodite Suffate - CS - trong nhiệt độ 4oC. Một sự bảo tồn đơn giản ngoài sức tưởng tượng của tôi. Sau đó, giác mạc mắt được thẩm định để dùng ghép hoặc để nghiên cứu khoa học. Nhiều thứ khác nữa như da, màng bao cơ... được lưu trữ, dùng trong nhiều trường hợp chữa bệnh khác.
x
x x
Chiếc ghế đá trở thành thân quen với tôi, kể từ khi có dịp tới đây. Ghế nhìn qua bệnh viện Sydney, nằm cạnh tượng đài phun nước suốt đêm ngày. Khi có gió lớn, vài giọt nước rơi trên chiếc ghế tôi ngồi. Qua màng nước thấy rõ nguyên cái tháp trung tâm của thành phố, cách không xa vài trăm mét.
Dưới chân tháp là một khu trung tâm mua bán sầm uất. Có một người bạn gái gốc Long Xuyên, tên T.P., người Việt độc nhất trong khu vực này. Cô là người đẹp ở đây, lại có một gian hàng làm móng tay khá nổi tiếng, khi nào cũng đầy khách, có trên chục thợ là người Úc làm việc giúp cô.
Người thân Thùy P. ở trong nước thường ghé phòng mạch tôi chữa bệnh, nên tụi tôi quen nhau. Về tài chánh cô rất thành công, có cái ưa thích khác người, ngoài chiếc xe Mercedes và ngôi nhà trong vùng sang trọng North Sydney, ngoài số tiền giúp đỡ cha mẹ bà con trong nước, Thùy P. chỉ có cái ham thích là có bao nhiêu tiền là mua áo quần treo đầy nhà, để ngắm dù biết không có thì giờ mặc tới. Áo quần mới nhất, mới xuất hiện mode Xuân Hạ, Thu Đông đều mua đem về, chất đầy vài trăm cái... chật nhà !
Những dòng người đi qua lại quanh ghế đá dưới nắng trưa của cuối năm. Họ rộn ràng sắm sửa cho mùa giáng sinh sắp tới. Cả tháng trước đây trên các đường phố đã chưng đèn kết hoa chuẩn bị cho năm mới. Mùa này mặt trời kéo dài tới gần khuya mới chịu lặn sau nóc nhà kia. Khi nhiều nơi trên thế giới đang cuối đông, thì Úc châu là mùa hè nóng nực, mặt trời đỏ quanh ngày. Họ hạnh phúc sung sướng - xứ sở văn minh và may mắn. Nhiều vùng khác thì ngược lại.
Nhiều người ở các ghế đá giống tôi, ăn trưa, đôi mắt chăm chú trên trang báo hay cuốn sách. Đống tư liệu của ngân hàng Mắt dính liền với tôi trên chiếc ghế này - ăn, đọc, rồi ngẫm nghĩ. Đời sống cũng lạ kỳ. Khi còn ở trong nước thì ao ước đi ra ngoài. Người ở ngoài rồi, thì lại mơ ước quay về. Có người đang nhắm mắt tưởng là ngủ, chính thật họ đang mộng mị, đang sống trong một thế giới khác. Nghèo thì ao ước giàu có. Khi được giàu sang, họ ước mơ giàu sang hơn... xã hội sung túc quanh tôi đôi lần làm tôi nhớ về những con người mù lòa, tật nguyền trong thành phố tôi sống. Rồi nhớ đến những vùng đất xa, có những con người khốn nghèo đó đã gặp trong những dịp đi công tác ở Đầm Dơi, Hồng Ngự, Tam Nông... thành phố đông người chờ đợi được ghép giác mạc năm này qua tháng nọ nằm chờ trong Bệnh viện thành phố.
Với những hình ảnh khó quên, bàn tay run rẩy nắm lấy một bàn tay. Đôi bàn chân cũng vậy lê bước trên miếng ván trơn trượt, để qua một con kênh nhỏ, để mong được khám. Tôi nhìn người đàn bà mù khác tụt xuống một con đò bên kia sông, mong qua bên này. Bà té lăn xuống bờ, bùn đen bám quanh người. Thế mà đã hơn chục năm rồi nơi vùng Đầm Dơi có nhiều muỗi.
Mùa nước nổi, đoàn y tế phải lội qua một vũng nước lớn, ngập đến đầu gối mới vào được bệnh viện huyện Hồng Ngự. Chung quanh là sình và đất đỏ. Những chiếc giường bệnh nhân cũng gần nổi theo nước. Những người bệnh vẫn lặng im cam phận. Chuyện khám cũng đã là khó, vì quanh đây chỉ là nước và rác bẩn nổi trôi. Hàng ngàn người chờ đợi khám và mổ, thế là may mắn mượn được lầu một của cơ quan tài chính làm phòng khám, rồi phòng mổ. Giường mổ là những bàn làm việc kê dài của phòng thuế... Thế mà đoàn cũng mổ an toàn mấy trăm người mù lòa. Vùng đất nắng bụi mưa bùn, lắm người đau mắt hột, mắt đỏ, mắt cườm... Buổi tối, trên lầu cao không xa có ánh đèn sáng, có tiếng la hét ăn nhậu, bia lon rót ướt một đám người ngã nghiêng. Phía sau người ta đang cho xây dựng một rạp hát, lớn hơn cả rạp Hòa Bình quận 10 trên thành phố. Không biết để làm gì ? Nghỉ buồn thật!
Mới rạng sáng, từng đoàn người kéo tới. Đứa cháu dẫn bà Nội từng bước một đi trên con đường nhỏ lầy lội... từng đoàn người vịn nhau đi khám chữa bệnh, mong có thêm chút ánh sáng.
Nhìn đôi tay quờ quạng đó, rồi đôi mắt đục ngầu do cái sẹo đục trắng dán trước mắt tôi. Người đó chắc chắn khổ đau - đâu nhìn thấy đời bên cạnh những xấu xa còn lắm thứ đẹp : con sông Cửu Long cuốn mình quanh cồn đất, hàng lá lung linh dưới mưa. Nhìn con thấy cháu, khuôn mặt xinh trai của đứa cháu dẫn đường, nhìn hùng vĩ một đất nước.…
Nhưng, những con người đau khổ đó, nếu trong thành phố hay ở thủ đô có được một ngân hàng Mắt, một sự hiến dâng mắt của nhiều người khi chết cộng thêm một đội ngũ có sẵn các bác sĩ Mắt hiện có, chắc chắn đôi mắt họ sẽ khác, họ sẽ hạnh phúc hơn. Đôi mắt mù lòa rực sáng vào thời điểm khoa học bây giờ - một thời điểm người ta định nghĩa Y Khoa như là một lãnh vực tạo dựng trên chính con người.
Trong bài phỏng vấn một Giáo sư trường Đại học Y thành phố được đăng tải trên báo Sàigòn có khoảng 21.000 người cần phải ghép giác mạc... cả nước khoảng 100.000 người cần ghép, chưa kể chỉ định rộng rãi hiện nay cho ghép trên những trường hợp bị mộng thịt, sẹo nhỏ trên giác mạc... một con số thật lớn cần điều trị. Hàng loạt biến chứng cho thấy xảy ra trong những trường hợp ghép giác mạc từ khâu chỉ định lấy mắt, vận hành, thao tác kỹ thuật... Tất cả tại chúng ta chưa có ngân hàng Mắt (thời điểm 1994). Nhưng tôi không đồng ý theo lời Giáo sư, cần đến nửa triệu đôla để làm ngân hàng Mắt ?
Chỉ nhìn ngân hàng Mắt bên kia đường Macquerie, với một căn phòng nhỏ đó người ta điều hành hết cả tiểu bang N.S.W có diện tích hơn nước ta. Họ chỉ có 3 người cộng thêm một tấm lòng dâng hiến của những người đang sống, dâng hiến khi từ giã cõi đời này cho những kẻ bất hạnh.
Những điều Giáo sư có ý kiến trên báo rất giống tôi khi còn ở trong nước. Ngân hàng Mắt chắc nó dữ tợn và ghê gớm lắm ! Nhưng kỳ thực ngược lại - cái khó khăn nhất ai là người cho Mắt ? "Nó đơn giản - rất nhân bản - chỉ là tình người !" Không phải là Tiền và cái khó khăn nhất vẫn là nó : Tình người !
Đất đai ở Úc thì mênh mông, nhưng người ta còn hà tiện khi chết thì thiêu - chôn 5 - 7 người cùng môt nấm mồ. Người mình chết thì rềnh rang, khoe khoang, chiếm đất càng rộng càng tốt, để xây mồ mả cao hai ba tầng, sơn son thếp vàng... - những thành phố dành cho Ma không chịu làm nhà cho chắc chắn cho người sống ở ! Cứ thế thì làm sao có Mắt cho người Mù !
Chuyện ghép giác mạc xảy ra thời ông bác sĩ Samuel Bigger, năm 1837 tại Dublin. Nhưng ngân hàng Mắt đầu tiên là tại Mỹ trước đại chiến thứ Hai, kế tiếp các nước Châu Âu, còn ở Úc được 20 năm. Nó khác Ngân hàng thông thường là Ngân hàng Mắt không mua bán, cạnh tranh, mà hợp đồng của con người đang sống khi chết, bằng lòng hiến Mắt cho mục đích cao cả trên.
Một người bạn thân là bác sĩ P. đã hiến kế cho tôi viết thư cho Sir John Akister để xin theo học về ngân hàng Mắt - xem có gì lạ ? Chuyện đọc trong sách báo sao khó hiểu quá ! Sau hai tuần tôi gởi thư, có thư phúc đáp đồng ý những điều tôi yêu cầu. Chẳng có một điều kiện nào cả. Người tốt trên thế giới đâu cũng có, nhưng trên nhiều nước tôi đi qua, thành phố Sydney là nơi tôi may mắn gặp nhiều người tốt nhất. Từ những người bạn mới quen, họ dễ thương giúp đỡ tôi nhiều điều ngay cả mấy ông giáo sư Úc. Ông giáo sư Hollows thì khỏi nói, con người nhân ái tiêu biểu nước Úc, giúp tôi có một chỗ trong bệnh viện Princes of Wales - thuộc đại học N.S.W. khoa Mắt đại học này không có ngân hàng Mắt. Rồi đến ông giáo sư Mac. Carthy, Trưởng khoa giải phẫu thẩm mỹ và tạo hình R.P.A Hospital thuộc đại học Sydney, ông già đáng kính suốt ngày chăm chỉ dạy học, khám, mổ. Bác sĩ chuyên khoa ở đây tuần làm việc có một ngày còn lại làm tư, giáo sư ngược lại làm suốt năm.
Giáo sư xứ người ta có khác. Khi ông giáo sư qua đời, hội đồng Đại học mới phong tước giáo sư cùng ngành cho người kế tiếp. Ông Giáo sư nào cũng bắt tôi ngồi cạnh ông mỗi ngày khi khám bệnh. Rồi vào phòng mổ làm việc chung.
Tính ông bác sĩ nào cũng thế, trường hợp nào có trường hợp lạ, mới, là hấp dẫn. Nhiều bệnh gặp thường quá trong nước thì xem cũng chán, học cũng chán. Vào những lúc như thế, tôi thường ra phòng ăn (Phòng ăn nối tiếp với phòng mổ. Bác sĩ mổ xẻ, nghỉ ngơi, ăn trưa tối đều trong đó, ngăn hai ba lớp cửa kín đáo như tu viện). Qua lớp cửa kính một vòm hoa tím bao quanh, hoa tím màu giống hoa sầu Đông miền Trung, nở rộ dưới nắng trong vàng. Tôi tranh thủ thì giờ chạy tuốt qua ngân hàng Mắt để học hỏi thêm.
Cũng lạ ! Người ta phải mất hơn nửa thế kỷ để tìm ra chất bảo quản giác mạc thay thế những lạc hậu cũ như phương pháp Filatof (1937), rồi phương pháp đông khô của Payrau và Pouliquen (1960), rồi phương pháp đông lạnh nitrogen, dung dịch sinh lý...v.v... hôm nay đã có chất CS xem như là một chất tối ưu giữ giác mạc để ghép cho người mù lòa. Chất nước trong đang giữ gìn giác mạc treo lơ lững trong chiếc bình thủy tinh. Bảo quản giác mạc mắt khỏi hư trước khi ghép cho một người khác.
Hiện nay trên thế giới những ngân hàng Mắt thường trực thuộc khoa mắt, nhưng thực tế dưới sự tổ chức và điều hành của những hội từ thiện - đó là một tổ chức đơn giản ít tốn kém nhất nhưng mang nhiều lợi ích : mang đến ánh sáng cho những người khốn khổ... mang đến cho người đang sống cơ hội hiến dâng cho đời sống kể cả sau khi mình chết...
Trên cái tháp cao ở Center Point, trong căn phòng uống cà phê, người bạn cho tôi xem cái bằng lái xe - rồi chỉ cho tôi cái ký hiệu trên tấm giấy đó - ký hiệu ấy ghi chú nếu một mai tôi qua đời, bất cứ lý do nào (tai nạn, bệnh...) thì đôi mắt này sẽ hiến dâng cho đời. Đây là một điều đặc biệt ở Úc, được ghi trên bằng lái xe.
Tất cả người ở hai tiểu bang Adelaide và Perte chấp nhận 100%. Riêng tiểu bang N.S.W này người sống cam kết cho mắt hơn 50%.
Qua khung kính, nắng rực sáng giữa cơn mưa tưởng không dứt, bao trùm thành phố bên dưới. Vùng đất sáng mưa, chiều nắng. Trưa nóng, tối rét. Nắng mưa xen kẽ với nhau như người - thiện ác - tốt xấu - người tỏ - người mù cùng sống chung nhau. Người mù lòa tưởng như bóng tối phủ vây mãi mãi, có thể họ không biết ? Họ sẽ có chút sáng thấy được đời nếu những người hiện tại sẵn sàng cống hiến đôi mắt khi lâm chung. Chút ánh đèn lóe sáng cuối con đường hầm tăm tối tưởng dài vô tận có được nhờ có chút tình người.