Huế, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa vật thể mà ai cũng biết, Huế còn là xứ sở của thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật… Chỉ trong một không gian thành phố thôi mà Huế đã hình thành nhiều câu ca dao, nhiều câu hò, điệu hát ru… gợi nên hình ảnh một cảnh quan thiên nhiên trữ tình, thơ mộng cũng như sinh hoạt đời thường của người dân Huế xưa, nay.
Từ việc bắt gặp ngọn nguồn thơ ca ấy, lâu lắm rồi, tôi cứ ôm ấp hoài về một cuộc hành trình du lịch Huế theo những địa danh được nhắc đến trong câu hò tiếng hát của người xưa. Biết đâu cái ý tưởng tâm thành của tôi trong tương lai Huế sẽ có thêm một sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách trong và ngoài nước với tên gọi: Du lịch cùng thi ca Huế.
Này nhé! Xin mời cùng tôi chọn Phu Văn Lâu là điểm xuất phát đầu tiên. Trong khi chưa có một cô gái Huế với nghiệp vụ thuyết minh du lịch đi cùng trong tour đầu tiên này, tôi xin tình nguyện làm người hướng dẫn và cất giọng hò mái nhì quen thuộc với lời ca của thi sĩ Ưng Bình:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
Những câu ca dao tiếp theo trong khu vực kinh thành này lại được ngân vang ngợi ca đại nội với Ngọ Môn, kỳ đài Huế, điện Cần Chánh… nhưng đồng thời cũng nói lên nỗi bất hạnh của người phụ nữ một thời “sinh em ra phận gái chớ hỏi chốn kinh thành làm chi” bởi khi đã vào cung cấm rồi thì việc gặp lại cha mẹ, người thân nơi quê nhà yêu dấu ấy là điều không thể!
- Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Kỳ đài ba cấp Phu Văn Lâu hai tầng
- Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai cửa quanh
Sinh em ra phận gái chớ hỏi chốn kinh thành làm chi
- Ai ơi chớ phụ đèn chai
Thắp trong Cần Chánh sáng ngoài ngọ Môn
Rời Phu Văn Lâu, rời Đại Nội, theo hướng tây thành phố Huế du khách tiếp tục đến cầu Bạch Hổ, tạm dừng chân nghe tiếp một bài ca khái quát cảnh quan non nước Thần Kinh. Khúc âu ca đã trỗi giọng tình, quê hương thanh bình đang đón đợi khách muôn phương về chung cuộc hòa âm:
Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch
Non xanh nước biếc điện ngọc đền rồng
Tháp bảy tầng ,Thánh miếu, Chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế trống rung Tam Tòa
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long hữu Bạch Hổ đến đây đợi khách âu ca thanh bình
Chưa hết ngẩn ngơ với các công trình kiến trúc được nhắc đến trong những dòng lục bát nêu trên, Kim Long – một địa danh nổi tiếng với mười bốn chữ mượt mà gợi tình đã hiện lên trước mặt:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi
Giai thoại vua Thành Thái lên tuyển nữ binh tại Kim Long theo cuốn “Giai thoại trào phúng trong thi ca xứ Huế” của Hoàng Trọng Thược xuất bản năm 1973 lại được đem hầu chuyện cùng du khách cùng mối cảm hoài về những cuộc tình hợp tan, bèo nước trên từng con nước sông Hương
Tình về Đại Lược duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng,
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào
Sau chút cảm hoài sâu lắng nhớ nhớ, thương thương ấy, tháp bảy tầng chùa Thiên Mụ linh thiêng chợt hiện. Tâm hồn du khách trở nên tĩnh tại, an nhiên. Gió sông Hương hiền hòa êm mát trong đôi dòng lục bát:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Nhưng hình như Huế vốn là nơi thường có những nỗi đoạn trường, u uẩn nên từ hai câu tả cảnh chùa Thiên Mụ lại lồng vào “cái tình chi” khắc khoải đôi đường:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái dòng Hương
Đến đây tâm sự đôi đường đắng cay
Tạm bái biệt chùa Thiên Mụ, du khách tiếp cận các danh thắng khác:
Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u
Qua câu ca du khách biết thêm cách quy hoạch cây trồng trên các công trình kiến trúc của kinh thành Huế. Bóng mát từ những hàng cây trong câu ca dường như cũng lung linh.
Địa danh Hương Hồ, Long Hồ, Ngọc Hồ từ lâu nổi tiếng với biếc xanh cây trái, vườn tược sum suê tươi tốt. Nơi đây nổi tiếng một thời các đặc sản vườn xanh: thơm, mít, dâu…
Đưa em cho tới làng Hồ
Em mua trái mít em bồ trái thơm
Trái thơm là trái thơm non
Bỏ vô hũ mắm ăn ngon như dừa
Tọa lạc ở làng Ngọc Hồ ven dòng Hương Giang là núi Ngọc Trãn với tên chữ dân dã là Hòn Chén nơi ngày xưa người Chàm thờ nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, hằng năm có hai lễ hội lớn diễn ra nơi đây: “Tháng Bảy giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”:
Nước đầu cầu, khúc sâu khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long
Sương sa, gió thổi lạnh lung
Sóng xao, trăng lặn chạnh lòng nhớ thương
Tại điện Hòn Chén (điện Huệ Nam) làn điệu chầu văn ngân lên cùng vũ điệu thượng ngàn. Âm thanh cung đàn, gọng hát hòa quyện hương trầm cùng màu sắc lung linh nến đỏ hương hồng có lẽ đã làm du khách ngẩn ngơ hồn và cảm nhận một Huế hào hoa, lãng mạn, một Huế ”Có khi vui thú sơn hà - Ba ngàn thế giới đâu là chẳng chơi…” mà ngã ba Tuần là điểm hẹn cho những ai phong lưu sành điệu.
Thuyền rồng năm chiếc chèo chơi
Ngã ba Tuần lãnh là nơi đi về
Vượt cầu Tuần sang bờ nam non ngàn núi biếc, Ngự Bình khiêm tốn tĩnh tọa hài hòa với dòng Hương êm đềm để từ đó Huế còn được gọi tên là non nước Hương Bình.
Mượn hình dáng non Bình, mượn sắc màu nước sông An Cựu. người Huế muốn ngợi ca lòng chủy chung như nhất để đừng có những cuộc biệt ly sầu thảm, để người nữ, người nam khi đã tìm đến nhau bằng tình cảm lứa đôi thì quyến luyến, nâng niu đời nhau hết kiếp người:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Vì ai ăn ở một dạ hai lòng
Cho loan không ôm lấy phượng,
Phượng chẳng bồng lấy loan
Có một đặc sản Huế nay đã thất truyền nhưng khi đã nghe tên An Cựu thì ta không thể không liên tưởng, ấy là “gạo de”. Gạo de mà ăn với tôm rằn thì có nguồn dinh dưỡng tốt. Tinh thần hiếu hạnh của người Huế được đề cao bằng những hình tượng giản đơn như gạo với tôm cung phụng mẹ già. Ai hiếu thảo với mẹ cha, người ấy sẽ thành danh trong cuộc đời này:
Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Nếu cứ bám từng địa danh mà kể thì nội dung vô cùng phong phú. Mỗi tên đất, tên miền đều gắn liền cùng giai thoại.
Cầu Trường Tiền cũng là một điểm nhấn trong cuộc hành trình du lịch Huế. Nội dung thuyết minh về lịch sử cầu Trường Tiền rất phong phú, đa dạng. Các loại hình văn học nghệ thuật đã đưa hình ảnh cầu Trường Tiền ra khắp nơi trên châu lục, nhất là ca dao hay những câu hò:
- Ngó xuống nước, sáu vài mười hai nhịp
Ngoảnh trên khô, sáu nhịp mười hai vày
Sông không sâu mà nước cứ chảy hoài.
Bỏ thì thương (mà) sương thì nặng...
(chớ) cứ nhớ hoài mầng răng ? !
- Đứng trên cầu Trường-Tiền, ngó xuống dưới cầu, nước xanh như tàu lá,
Ngó về Đập Đá, phố xá nọ nghinh ngang.
Kể từ ngày bị bọn Tây sang
Em ham đồng xu, bạc giác, bỏ nghĩa chàng bơ vơ...
Mượn cầu Trường Tiền người Huế không muốn đổ lỗi cho nhau khi có cuộc tình xa. Chỉ có trời mới làm cho hai ta cách ngăn!
- Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em đi không kịp tội lắm ai ơi
Bởi vì ai mà em phải mang tiếng chịu lời
Có xa nhau đi nữa cũng tại trời mà xa
- Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em đi không kịp, tội lắm anh ơi!
Thà rằng không biết thì thôi,
Chớ biết rồi (mà) mỗi đưá mỗi nơi cũng buồn...”
hoặc là:
Cầu Trường-Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em đi không kịp tội lắm anh nờ...
Nghĩa tào khang, ai đà sớm dứt,
Đêm nằm tấm tức, lụy ứa đầy gan...
- Ngó xuống nước, sáu vài mười hai nhịp
Ngoảnh trên khô, sáu nhịp mười hai vài
Sông không sâu mà nước cứ chảy hoài.
Bỏ thì thương (mà) sương thì nặng...
(chớ) cứ nhớ hoài mầng răng ? !
Còn câu ca dao dưới đây đã làm nhiều người liên tưởng đến giọng thơ Bút Tre: “Liên Xô rất đổi tự hào, ông Ga-ga-rỉn bay vào vũ tru (trụ). À thì ra trước Bút Tre, ngày xưa ấy Huế đã có loại thơ này rồi!
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moon (xi-măng)
Ai người lỡ chuyện chồng con
Đến đây tính cuộc vuông tròn trăm năm
Chợ Đông Ba một thời nối Đập Đá bằng những con đò ngang hiền lành phúc hậu. Rồi những con đò dọc về Vỹ Dạ, làng Sình, về với phá Tam Giang đầy ắp chuyện ân tình, nhơn ngãi:
- Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá
Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng xế trăng chênh
Theo nhau cho trọn mối tình nước non
- Bên chợ Đông Ba tiếng gà eo óc
Bên chùa Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương rợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng
Nhắc tên Vỹ Dạ, du khách không thể quên chuyện cuộc tình giữa nhà thơ Hàn Mặc Tử và một cô gái nơi đây. Văn học đã đưa Vỹ Dạ đến tận cùng của vẻ đẹp:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mỗi công trình ở bờ bắc cầu Trường Tiền như cuốn hút chân người:
Đông Ba Gia Hội hai cầu
Ngó qua Diệu Đế trống lầu giá chuông
Cách cầu Gia Hội, chùa Diệu Đế không xa về hướng đông, chợ Dinh “ bán áo con trai” với giai thoại một vị quan trong triều Nguyễn muốn chợ Dinh chỉ bán áo con trai để cầu tự đã đi vào câu hò ru em quen thuộc:
Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón Mậu Tài bán kim
Các tên gọi Chợ Dinh, Nam Phổ, Triều Sơn, Mậu Tài… cũng mở ra những cảnh quan sinh động. Chữ trầu cau làm ta hình dung chuyện dựng vợ gã chồng, chữ nón, kim gợi dáng người nữ Huế công dung ngôn hạnh. Huế từ câu hò ru em mà đằm thắm, lạ chưa!
Điểm cuối của chuyến đi này là tìm về đặc sản Thuận An. Bên cạnh cá, tôm, mực tinh tươi, ngon lành, bổ dưỡng, vò vọ (ghẹ) ở Thuận An lại được đưa vào văn học dân gian, vò vọ ở Thuận An có hai nguồn cung cấp là vò vọ nước lợ phá Tam Giang và vò vọ sinh sống ngoài biển.
Thi ca xứ Huế qua các địa danh được người dân chương trình qua các làn điệu hò mái nhì, hò ru em, hò giã gạo, hát chầu văn, ngâm thơ, làn điệu vè… có lẽ cũng đã tròn đầy. Hải sản Thuận An đã hào soạn đón mời du khách. Cũng nhờ có chuẩn bị cho cuộc đi này nên tôi xin được mời du khách nâng ly rượu Chuồn, gõ chén hát chơi:
Vò vọ mà chắm muối rang
Ai thích ăn vò vọ tìm Thuận An mà về!