Chia tay Vương Đình Huệ với lời bình luận “hậu đậu” của người trưởng tràng, Tư Đực tức lắm. Từ ngày vào trường nhập học đến nay nó đã cố hết sức để không thua chúng bạn. Một luật tục đã có từ ngàn đời trong trường là luật “tự mình”. Luật tự mình quy định tất cả những gì, từ chuyện sinh hoạt đến việc tiếp thu những kiến thức do các thầy giáo dạy đều phải tự mình làm lấy. Học viên không được phép nhờ cậy đồng môn trong tất cả công việc trừ trường hợp là anh em đồng bọc, nghĩa là sinh đôi như trường hợp của anh em nhà K’RaJan Đích và K’RaJan Đa. Hai anh em nhà này chỉ được tính là một người thôi cho nên số học viên trong học viện Langbiang lúc này là 101 người nhưng Bạc Đầu Râu chỉ tính có 100! Biết làm sao được khi mà học viện phải tuân thủ vô điều kiện luật tục “những lời dạy của Gru Lớn”. Khi ăn mỗi học viên được phát một phần, anh em nhà K’RaJan tuy hai người cũng chỉ có một phần! Bọn trẻ thường không để ý đến điều này, chúng không biết anh em nhà K’RaJan hau háu nhìn thức ăn đang được chúng thưởng thức, bởi vì anh em nhà họ ăn nhanh lắm, chúng luôn cảm thấy đói cho dù chỉ mới ăn xong.
Cô Nghỉ là một người đàn bà cô biết chuyện đói lòng của anh em K’RaJan. Không đói mới là chuyện lạ, hai người chỉ có một phần ăn thôi mà! Cô thương chúng lắm, nói đúng ra cô thương tất cả bọn học viên đang học tại đây để trở thành những người thông thái! Chưa biết bao giờ mới có thể trở thành nhà thông thái, nhà thông thái xuất hiện trong học viện không phải lúc nào cũng có nhưng đã là người thì ai mà chả cần ăn uống? Cô Nghỉ cảm thương cho anh em nhà K’RaJan như vậy đó! Có một lần, cô tìm cách thêm cho anh em nhà nó một chút cơm cháy, cô những tưởng chúng mừng rỡ, trái lại chúng tỏ vẻ kinh tởm khi mở gói lá chuối rừng ra, K’Jan Đích la lên:
- Cái gì thế này?
Cả lớp ngừng ăn nhìn gói lá chuối cô Nghỉ dúi vào tay anh em nhà K’RaJan, một tiếng thì thầm phát ra từ đâu đó:
- Một dề cơm cháy!
Bất ngờ thằng Đích hét to mắt nó đỏ lên trông dễ sợ:
- Chúng ta không phải là heo!
Nói xong nó ném thật mạnh dề cơm cháy vàng óng mà cô Nghỉ cẩn thận cho thêm tí mỡ heo ra thật xa. Dề cơm cháy bay là là rồi đáp xuống mặt đất, lũ lợn đang tìm thức ăn thừa cạnh nhà bếp, thói quen của chúng vào mỗi giờ ăn, chạy xô vào nhau dành món quà từ trên trời rơi xuống!
Thằng K’RaJan Đa cũng hét lên “chúng ta không phải là heo!”, rồi cả hai anh em vừa khóc vừa chạy nhanh ra khỏi nhà ăn đến nỗi mọi người ngừng ăn há hốc nhìn cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra trong giờ ăn của học viện. Cô Nghỉ đứng chết trân như trời trồng, cô nhìn không chớp mắt về hướng chạy của anh em nhà K’RaJan, mặt cô tái mét, cô thở hào hễn trông tội nghiệp làm sao! Vương Đình Huệ đứng dậy anh tiến đến cô Nghỉ, anh nói:
- Cô ngồi nghỉ chút đi!
Dìu cô Nghỉ ngồi xuống chiếc ghế nơi đầu bàn ăn xong, Vương Đình Huệ chạy đi tìm một cái bầu chứa nước, anh mang lại cho cô Nghỉ thứ nước mát dịu lấy từ suối Đen, anh nói như vỗ về:
- Thôi cô ạ, cô đừng buồn làm gì bọn chúng chắc là mắc bệnh tà nên mới làm như vậy?
Cô Nghỉ cảm động nhìn Vương, cô thong thả hớp từng hớp nước suối Đen quả nhiên một lát sau cô bình tỉnh trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra.
Chiều hôm ấy Tư Đực hỏi Vương Đình Huệ:
- Anh Vương à, tại sao bọn nhà K’RaJan lại tỏ vẻ ghê tởm khi nhìn thấy dề cơm cháy vậy?
Vương Đình Huệ giải thích:
- Theo phong tục của người Mạ cơm cháy chỉ dành cho heo mà thôi, cơm cháy còn gọi là cơm heo con người không được ăn cơm này! Mỗi khi nấu ăn người chủ nhà, là đàn bà trong một hộ của nhà dài, chỉ lấy một nửa trên của nồi cơm để mọi người ăn, nửa nồi dưới trong đó có cơm cháy để dành cho heo, mày hiểu rồi chứ?
Tư Đực ngạc nhiên:
- Quê em lại khác cơm cháy là một món ăn khoái khẩu, bọn trẻ con chúng em mỗi lần được cho một miếng cơm cháy thì khoái lắm!
Vương Đình Huệ tò mò:
- Mày người ở đâu ta?
Đang định trả lời bỗng nhiên Tư Đực trợn mắt:
- Anh quên nội quy rồi sao: không ai được cho người khác biết chuyện riêng của mình, điều này là luật tục điều thứ sáu. Nếu tui nói với Mat, chắc chắn anh sẽ bị phạt, còn tui báo với thầy Bạc Đầu Râu, anh biết hậu quả ra sao rồi chứ?
Vương Đình Huệ cười xí xoá:
- Quả là tao quên, mày bỏ qua cho tao nghe?
Tư Đực cũng cười:
- Thôi được, dù sao anh cũng có lòng tốt hỏi thăm tui mà anh Huệ, anh em nhà K’RaJan đi đâu hả anh?
- Mat nói chúng chỉ đi ra suối Quả Bầu Tròn tắm thôi, anh em nhà thằng này kỳ quái lắm, khi giận một ai chúng đều đi tắm và nhanh chóng quên mất chuyện giận dỗi liền? Mày nhớ hôm bắt được tù binh Mat đã phạt 2 anh em nhà K’RaJan mười ngày không được nói, sau đó chúng cũng nhảy xuống suối Quả Bầu Tròn và quên mất chuyện bị phạt, mày thấy có hài hước không cơ chứ?
Tư Đực cười to:
- Hèn nào mà chúng trẻ mãi không chịu già, anh biết tụi nó bao nhiêu tuổi rồi không, gần mười tám tuổi đó!
Vương Đình Huệ trợn mắt:
- Mày nói sao anh em nhà K’RaJan mà mười tám tuổi à, lớn hơn cả tao sao?
- Đúng vậy, thầy Bạc nói rằng chúng lớn tuổi nhưng vì vô tâm nên khuôn mặt chúng như đứa trẻ lên mười!
Hôm nay nghe Vương Đình Huệ chê mình hậu đậu, Tư Đực tức lắm, nó phải chứng tỏ cho Vương biết rằng mình không như anh ấy nghĩ nhưng biết chứng tỏ bằng cách nào đây? Nghĩ một hồi không ra cách nào cả, Tư Đực mở cửa đi ra ngoài. Trời còn tối lắm, trên bầu trời không một ngôi sao bởi những đám mây đen sì đang từ đằng đông kéo tới. Vài hột mưa to đùng rơi xuống đất. Tư Đực rùng mình, nó vội đi vào nhà và không quên khép cửa lại. Bỗng nhiên một tiếng sấm gầm vang lên, mưa như trút hết nước xuống mặt đất đang oằn mình chịu trận lôi đình của ông trời. Tư cố ngủ lại nhưng trong cơn mưa to, gió giật từng cơn khiến nó không thể nào chợp mắt. Nó lại nghĩ đến hòn đá thần của anh Huệ cho, nó mang ra xem tay mân mê hòn đá. Trong ánh lửa bập bùng của ngôi nhà dài hòn đá trong tay Tư Đực thỉnh thoảng ánh lên một thứ ánh sáng kỳ dị khi có ánh lửa chiếu qua. Tư Đực ngồi bật dậy, nó thổi bùng bếp lửa và chăm chú nhìn hòn đá. Màu đen của hòn đá quả nhiên ánh lên một tia sáng khi ngọn lửa được thổi to, vậy là hòn đá này bắt ánh sáng. Đây là phát hiện đầu tiên kể từ ngày Vương Đình Huệ tặng cho Tư hòn đá thần. Tư nhìn chăm chú hòn đá. Đó là một hòn đá bình thường, hình tròn dẹt, gần giống như chiếc đĩa nhưng nhỏ hơn. Màu đen của hòn đá khá đặc biệt, nó không giống những màu đen của vật khác, bên trong hình như ẩn chứa một màu khác, màu này chỉ xuất hiện khi có ánh sáng rọi vào. “A! đây chính là phát hiện thứ hai”. Tư Đực mừng quá, nó không ngờ trong đêm nay nó phát hiện đến hai điều bí ẩn từ hòn đá thần chả bù cho cả nửa mùa trăng qua, nó không biết một chút nào về vật bí ẩn mà nó là chủ nhân.
Tư nhắm mắt lại, nó cố ghi nhớ cách mà mình vừa phát hiện. Phải rồi, từ quan sát hòn đá thần một cách tỉ mỉ nó đã phát hiện ra hai điều bí ẩn kia. Đây là hướng đi đúng, khác hẳn với cách của Vương Đình Huệ. Anh Huệ nói với Tư rằng anh tin chắc hòn đá này là hòn đá thần. Chỉ vỏn vẹn vậy thôi, Huệ không nói với Tư phải làm cách nào mới biết được hòn đá thần này? Mặc kệ anh ấy, Tư nghĩ, luật tục đã quy định rằng phải “tự mình” mà. Tư chìm vào giấc ngủ muộn với nụ cười mãn nguyện trên môi.
Sáng hôm sau trong sương mù còn che kín vạn vật, phải một khắc nữa ông mặt trời mới ló lên đỉnh núi, Tư Đực đã thức dậy và đi về phía ngôi nhà dài mà tối qua bốn người Trương Đại Quá bị Mat xông cỏ Tương Tư. Ngôi nhà ấy nằm cạnh bìa rừng cách biệt hẳn với những ngôi nhà khác của học viện Langbiang. Bên kia là một cánh rừng hỗn giao âm u, cánh rừng này ngăn cách với ngôi nhà khách bằng một hàng cây thông đỏ và một dòng suối nhỏ. Bọn trẻ học viên thường ít khi lai vãng đến ngôi nhà khách này, chúng không có nhiệm vụ tiếp khách. Hơn nữa khách của học viện hàng năm đến đây không quá năm đoàn mà đa phần là đoàn người tiếp tế lương thực cho học viện Langbiang.
Ngôi nhà dài cô đơn có vẻ hoang vắng, cỏ hoang mọc cạnh lối lên xuống, không có ai dọn cả. Tư Đực cau mày. Đây là nhiệm vụ của anh em nhà K’RaJan trong mùa trăng qua, chúng đã lãng tránh công việc nhạt nhẽo này nên ngôi nhà khách mới có vẻ hoang vu như thế. Mat mà biết được thì…, Tư “hừ” trong cuống họng, tiếng hừ của mình nghe cũng có vẻ người lớn lắm, Tư tự mãn nghĩ.
Cánh cửa tối hôm qua Mat khép lại giờ đã mở toang, chắc hồi đêm cơn gió cuồng nhiệt của trận mưa đã làm nên chuyện này. Tư hăng hái bước lên nhà bằng cầu thang một đầu hồi. Luật tục định rằng, chủ nhà phải đi cầu thang hai bên đầu hồi, còn khách chỉ được dùng cầu thang chính giữa. Chủ nhà của những người Lạch là những người đàn bà, còn ở học viện này, Gru Lớn quy định tất cả thầy giáo và học viên đều là chủ nhà. Bước vào bên trong, Tư Đực nheo mắt vì hơi tối. Trước mặt nó bốn người đàn ông nằm thẳng cẳng trên chiếc phản tre. Họ đã mặc quần áo vào, không còn lõa lồ như hồi đêm khi bọn học viên mang họ đến ngôi nhà này và lột quần áo họ ra để Mat báo với Giàng rằng học viện có thêm bốn người được xem là những người phục vụ cho học viện.
Tư Đực cẩn thận tiến về phía những người này, nó biết rằng họ không cử động được vì bây giờ đã là ban ngày nhưng đây là lần đầu tiên nó tiếp xúc với “tù binh” của học viện Langbiang nên nó cũng có chút nghi ngại. Cả bốn người đều nhắm hờ mắt, trông cách họ nằm cùng một kiểu, họ nằm ngửa, hai tay mở ra lòng bàn tay hướng lên trời và để song song với thân người, hai chân hơi dang ra cách nhau độ một gang tay, Tư nghĩ rằng họ đang làm một việc gì đó. Họ thở đều và sâu, bụng họ phình ra khi hít vào và thóp lại khi thở ra. Tư Đực im lặng quan sát những người lạ mặt, bây giờ phải gọi là những người phục vụ, bài học hồi đêm nó tự khám phá ra đựơc nó áp dụng một cách triệt để. Tư thấy người mà Vương Đình Huệ nói chuyện mà nó nghe lóm tên là Trương Đại Quá có hơi thở chậm, sâu và dài hơi hơn ba người còn lại. Như vậy người này có vẻ là người lãnh đạo của cả nhóm, anh ta có lẽ đang tập một bí pháp nào đó chăng? Nếu đúng, đó là bí pháp gì? Tư điểm lại trong đầu những phương thuật mà nó được thầy Mat chỉ dạy, không có một phương thuật nào liên quan đến hơi thở và cách nằm của bốn người này cả. Thôi vậy, ta biết đây là một bí thuật là một điểm thắng lợi bước đầu rồi, chuyện còn lại từ từ kiến giải hoặc hỏi anh Huệ, hoặc hỏi Mat hay Bạc Đầu Râu.
Tư Đực đằng hắng một tiếng, Trương Đại Quá mở mắt, anh thấy một thằng lùn lạ mặt đang nhìn mình cười. Trương hỏi:
- Mi vào đây làm gì?
Thằng lùn trả lời bằng một giọng xào xạc như những thằng lùn khác mà Trương Đại Quá tiếp xúc thời gian qua:
- Chào anh, tui tới thăm các anh đây.
Trương hỏi tiếp:
- Đây là đâu chứ?
Thằng nhỏ cười:
- Anh không biết à, đây là nhà khách của học viện Langbiang, các anh không phải là học viên nên Mat cho ở tạm đây. Tui chắc rằng ngày mai hoặc ngày mốt, Mat sẽ cho bọn trẻ chúng tôi cất cho các anh mấy ngôi nhà để ở, nhà phục vụ đã hết từ năm trước rồi.
Thằng lùn nói một thôi một hồi, Trương nghĩ, thằng này là một thằng lắm chuyện ta phải khai thác nó mới được. Lúc này ông K’Rè, K’Quang và K’Sa đã mở mắt ra. Như thói quen vốn có họ im lặng để mình già làng Trương Đại Quá đối đáp với thằng nhỏ lùn. Trương Đại Quá hỏi dấn tới:
- Nhà phục vụ là nhà gì?
- Đó là nhà dành cho những người làm những công việc chung của học viện, những công việc đó có thể là phụ cô Nghỉ nấu ăn, hoặc đi vào rừng lấy củi, xuống suối bắt con cá làm cá khô xông khói, vào rừng săn con min tẩm bổ cho lũ học trò…. Nói chung các anh là kẻ ăn người ở trong học viện, nói theo cách văn hoa là những người phục vụ, còn nói theo cách dân gian, các anh là những “người ở” của chúng tôi, ai cũng có quyền sai các anh làm việc cả!.
Trương giận dữ:
- Tại sao lại có chuyện bất hợp lý như vậy chứ, các người…các người không được phép sai bảo chúng ta, chúng ta không thực hiện mệnh lệnh thì các người làm gì được chúng ta nào?
Tư Đực cười lớn, một lúc sau nó nói:
- Chẳng có ai làm gì các anh cả nhưng nếu anh rời xa học viện này chỉ độ một ngày đường thôi thì các anh sẽ là những người bị Thần Núi bắt mất linh hồn!
- Nghĩa là sao?
- Là sao à, khi ấy các anh không có nước suối Đen để uống, các anh sẽ quên hết quá khứ, hiện tại các anh không biết một chút gì, còn tương lai là một màn đêm u tối!
- Ta vẫn chưa hiểu?
- Là bị điên, giờ các anh đã hiểu rồi chứ?
Nói xong Tư Đực giải thích cặn kẽ những điều biết cho Trương Đại Quá và ba người bạn nghe. Nghe xong, Trương trầm ngâm:
- Quả là hoạ vô đơn chí!
Nói xong anh nhắm mắt lại, vờ như không để ý đến thằng lùn lạ mặt, anh tập trung tập khí công nằm. Tư Đực nhìn nhóm người ở mới thấy họ im lặng, nó cụt hứng định ra về. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định một cơn gió thoảng qua làm nó giật mình, Mat hiện thân trước mặt Tư Đực, ông thầy Râu Dài nhìn trừng trừng thằng học trò nhỏ, mắt ông toé lửa, chắc là ông tức tối điều gì đây, Tư nghĩ trong đầu như vậy. Cười cầu tài, Tư Đực cúi đầu:
- Con chào Mat!
Ông thầy không trả lời, ông im lặng, một sự im lặng đáng sợ báo hiệu một cơn bão sắp xảy ra. Đúng như vậy, Mat quát to:
- Ai cho mi đến đây?
- Thưa Mat, con không xin ai cả!
- Ha ha… thằng này giỏi, thằng này giỏi!
Tư Đực tái mặt, mỗi khi Mat nói “thằng này giỏi” có nghĩa là cơn giận của ông thầy Râu Dài đã đến cực điểm, Tư sợ lắm nhưng nó vẫn không hiểu nó đã phạm lỗi gì? Nó hỏi:
- Thưa Mat con phạm lỗi gì mà Mat giận dữ vậy ạ?
- Lỗi à, mi không phạm lỗi, mi phạm tội biết chưa?
Tư Đực chết điếng, nó không nhận ra mình phạm tội tày đình gì mà Mat giận dữ như vậy? Mat nghiến răng:
- Ai cho phép mi đến đây để tiếp xúc với những người này, mi có phải làm nhiệm vụ truyền thông không hử?
Vụt nhớ đến luật tục “ai làm việc nấy” mà Gru Lớn quy định. Một cơn ớn lạnh chạy qua xương sống Tư Đực, lúc này mặt nó không còn một chút máu! Mat nghiêm giọng:
- Mi đã biết tội chưa?
- Thưa Mat con biết rồi, con xin chịu hình phạt một tuần trăng tự giam trong khu rừng ma!
Tư Đực buột miệng nói ra câu ấy không kịp nghĩ gì trong đầu. Thầy Râu Dài trợn mắt nhìn Tư Đực, ông thở dài và không nói nên lời. Đây là điều thứ mười lăm trong nội quy của học viện Langbiang, điều này quy định khi học viên tự nhận một hình phạt tương ứng hoặc cao hơn mức phạm tội, người thầy không có lý do gì mà không chấp nhận. Mat phải chấp nhận cho Tư Đực theo đúng luật tục vào sống trong khu rừng ma một tuần trăng, Mat thoáng rùng mình, không biết sau một tuần trăng đó, người học trò nhỏ của mình có còn không nữa?
CHƯƠNG 12
RỪNG MA