Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
948
123.137.043
 
Chiếc đòn khênh võng của một bậc quốc sĩ
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Trong lần được tham dự Hội thảo khoa học: “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ” tổ chức tại Quy Nhơn - Bình Định vào đầu năm 2013, khi tới thăm từ đường họ Lê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tôi rất chú ý tới bản vẽ mô hình một chiếc đòn khênh võng - kỷ vật duy nhất của cuộc đời làm quan do chính cụ Lê Đại Cang đem về Từ đường họ Lê khi về hưu.

     Ai cũng biết rằng: hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định. Nhưng không phải ai cũng biết: chiếc đòn khênh võng đó chứa đựng một lai lịch thật đặc biệt, có khả năng giúp mọi người hiểu rõ về sự nghiệp và thân thế của một nhân vật lịch sử cũng thật đặc biệt.

     Hội thảo khoa học trên đã khôi phục vị trí đáng có của Lê Đại Cang trong lịch sử; và đi tới những nhận định thống nhất: Giữa một giai đoạn cực kỳ phức tạp của lịch sử, nho tướng văn võ toàn tài Lê Đại Cang đã dấn thân vào chốn quan trường nhiều cám dỗ đầy bất trắc, nguyện đem trí tuệ xuất chúng và tài năng đa diện của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đầy gian khó, với tâm niệm “ngày đêm chăm chỉ, một lòng báo quốc… vì nước quên nhà, vì công quên tư” (Lê thị gia phả).

     Trong 41 năm làm quan qua 3 triều vua Nguyễn, Lê Đại Cang đã từng để lại nhiều dấu ấn, nhiều công tích tại Hà Nội, Sơn Tây, các tỉnh miền Tây Bắc, Quảng Nam, An Giang, Hà Tiên… - nghĩa là khắp cả ba miền đất nước, qua rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn hóa, ngoại giao... Nhưng điều đáng nói hơn cả là, trong cuộc đời làm quan liên tục thăng giáng, quá nhiều bất trắc hiểm nguy, quá nhiều thử thách sống còn, Lê Đại Cang đã bền lòng vững chí để làm được những việc ích nước lợi dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vị trí nào.

 

     Chiếc đòn khênh võng đó liên quan đến hai biến cố đặc biệt trong giai đoạn làm quan ở phương Nam của Lê Đại Cang, giúp chúng ta hiểu thêm bản lĩnh và nhân cách của cụ: năm 1833, khi đang là Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, vì cô thế, để mất thành An Giang vào tay quân phiến loạn, trong cảnh ngộ từ một đại quan văn bị cách chức thành lính khiêng võng, phải ra trận đi đầu lập công chuộc tội, cụ đã tự chiêu tập binh mã, trở thành một võ quan đích thân huấn luyện một đội quân hỗn hợp Việt - Miên, từ đó góp phần đánh bại quân phiến loạn và quân xâm lược. Và năm 1838, khi đang là Trấn Tây tham tán đại thần bảo hộ Cao Miên, cụ lại bị cách chức bởi bất tuân mệnh triều đình theo lối ngu trung; nhưng trong thân phận một anh lính khiêng võng, cụ lại nhận lãnh việc tổ chức và huấn luyện lại đội binh đang rời rã kỷ luật và yếu kém kỹ năng chiến đấu, biến nó thành đội hùng binh đánh giặc Chân Lạp.

 

     Vì việc này mà cụ đã bị vua Minh Mạng phê phán: "Đại Cang tội cách hiệu, sao dám tôn mình là đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận", và khép vào tội mất đầu cho "trảm giam hậu" (Theo "Quốc triều chính biên toát yếu").

     Thử nghĩ: một người đang là lính khênh võng, sao lại có thể kêu gọi được người khác quy tụ dưới ngọn cờ lệnh của mình, sao có thể thuyết phục nổi vị thống lĩnh nọ trao quyền cho mình huấn luyện quân sĩ? Cụ không có thuật phù thủy gì cả, ngoài tiếng tăm về đức độ và tài năng đã thấm sâu vào nhiều tầng lớp "dân đen con đỏ", ngoài những việc làm cụ thể với tất cả ý thức trách nhiệm về công vụ, với lòng yêu nước thương dân sâu xa, và cả lòng nhẫn nhịn phi thường nữa trên cơ sở đại lượng, hiểu thấu sự đời và lòng người như một trong những biểu hiện của Phật tính. Phải là một trái tim nhân hậu và một nghị lực kiên cường, tha thiết với vận mệnh đất nước đến thế nào mới "Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận" như vua đã quy tội!

 

     Khi hưu quan, cụ Cang chỉ mang theo về một thanh đại đao và chiếc đòn khênh võng nói trên. Thanh đại đao sau đó gắn với nhiều giai thoại huyền bí, và đã bị thất lạc, nên ở đây chúng ta chỉ nói đến chiếc đòn khênh võng. Một số ý kiến trong hội thảo đã bàn tới nó, tiêu biểu là của nhà văn Hoàng Quốc Hải: "Việc Lê Đại Cang giữ lại chiếc đòn khênh chính là cụ muốn lưu một vật chứng tượng trưng cho sự khinh bỉ" (Nhân cách bậc quốc sĩ), hay của nhà thơ Thanh Thảo: "Với Lê Đại Cang, chiếc đòn khênh võng không khiến ông giàu có về tiền bạc, trái lại, nó là một kỷ niệm đau đớn của đời ông. Nhưng ông quý trọng nó vì nó chứng minh bản lĩnh quân tử nơi ông... dù trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng không đổi dời tâm tính. Nó khiến ông giàu có về tâm hồn" (Mấy bài học từ Lê Đại Cang).

 

     Theo cảm nghĩ của riêng tôi, chiếc đòn khênh ngoài tư cách "là một kỷ niệm đau đớn", nó được cụ Cang trân trọng mang về quê như một lời nhắn nhủ con cháu thật da diết, xúc động: Vật dụng nào cũng có ích, con người ta dù ở cương vị nào cũng có thể tạo nên những giá trị cho cuộc sống- miễn là trung thực và lương thiện. Điều đó tựa nội dung những câu đối giàu giá trị văn chương và đạo lý làm người của cụ Lê Đại Cang để lại ở từ đường họ Lê làng Luật Chánh mà tiêu biểu nhất là vế đối: Tích thiện di tử tôn khả cửu khả đại, có nghĩa: Sống làm điều thiện để lại phúc cho con cháu thì phúc đó được lâu dài và to lớn.

 

    Tìm đến Bảo tàng Bình Định mới biết: Trong khi các hiện vật lịch sử của phòng trưng bày triều Nguyễn quá sơ sài thì chiếc đòn khênh võng của cụ Cang đã bị nhét trong kho từ bao giờ! Với lời giới thiệu của một người có uy tín, và với sự nhũn nhặn, khéo léo, tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Bảo tàng cho lục tìm rồi mang chiếc đòn khênh võng phủ bụi ra để lau chùi, đánh biển chữ và bày biện như nó đang được hiện diện trước khách tham quan, để có thể quay phim, chụp ảnh chỉ trong nửa giờ! Vâng, trong nửa giờ tác nghiệp đó bên chiếc đòn khênh võng, tôi đã được sống trong một cảm xúc thực kỳ lạ, kính phục xen lẫn bùi ngùi, sau đó là thương mến, tự hào.

 

     Cụ Cang không để lại một tấm hình chân dung nào, thì đây, có chiếc đòn khênh võng làm vật thay thế! Một chiếc đòn khênh võng từng thấm mồ hôi của một trong những con người làm vẻ vang cho vùng“địa linh nhân kiệt”, chốn "Thượng võ tôn văn", nơi phát tích, quy tụ và lập nghiệp của nhiều anh hùng, nhiều thi nhân nổi tiếng, vùng đất mà danh sĩ Phan Huy Ích từng ca ngợi: "Quy Nhơn thang mộc địa/ Khu Hoãn ỷ khôi thạc" (Phủ Quy Nhơn là đất quý của vua/ Vùng trọng yếu phải dựa vào bậc anh tài nắm giữ)... Chiếc đòn khênh võng đó bất chợt trở thành một biểu tượng chân thực, sống động của một hiện tượng lịch sử khá bi hùng: trong khi vượt qua tấn "bi kịch nhân cách của nhà nho và bi kịch của hệ tư tưởng quan lại" (viện sĩ Alêchxêep1), nho tướng Lê Đại Cang đã vượt qua những hạn chế của thời đại, đã lập nên một sự nghiệp lớn và bộc lộ những phẩm chất tuyệt vời của một bậc quốc sĩ.

 

      Sau khi đã tạm thỏa cái "Chí nam nhi" như tên một bài thơ của Nguyễn Công Trứ, trên "con đường làm quan cay cực", lúc hưu quan, cụ Lê Đại Cang đã dồn sức làm công việc "Chép lại chuyện cũ/ Nhằm phát triển đạo hiếu" cùng với việc sửa sang Từ đường dòng họ. Và, có một điều rất lý thú song không hề bất ngờ là: cụ đã cho làm một cái am nhỏ gần từ đường đặt tên là Giác Am, tự lấy hiệu là Giác Am cư sĩ để bắt đầu sống với "độc hạc, cô vân", ngẫm về lẽ vô thường của cõi đời và tu thiền trong thế giới ẩn dật hằng mong mỏi (Thời loạn đi về như hạc độc/ Tuổi già hình bóng tựa mây côi - Nguyễn Khuyến). Thực ra đó cũng là chí hướng của những danh nho tiết tháo mọi thời. Nguyễn Trãi từng tâm sự: Đừng lạ, nếu một ngày nào đó tôi cũng sẽ tu thiền (Lân kỳ ngã diệc thượng thừa thiền). Nguyễn Bỉnh Khiêm khi rời thế sự liền dựng quán Trung Tân, lập am Bạch Vân. Ngô Thời Nhiệm bỏ mũ quan trường liền tự mệnh là Trúc Lâm đệ tứ tổ, viết sách về Phật giáo (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh), v.v. Trong phần IV "Thuật lại sự việc nhà Lê" của "Lê thị gia phả", đặc biệt là với những người chuyên tâm xuất gia sùng đạo Phật trong dòng họ mình, cụ Cang đã kể lại bằng một niềm say mê, yêu kính, trân trọng khác thường. Nhất là những dòng viết về người con trai thứ ba của cụ Thúc Linh - ông Khắc Văn: "Nhà sư tính khoan hậu, hay cứu người, không tiếc của, thấy việc nghĩa là làm dù hết nhà cũng được, đứng trước việc ngang trái không hề sợ sệt, làm người như vậy rõ trời phú tính". Vị sư này viết chữ đẹp nên được tiến cử vua làm bổ dụng làm Thị thư, nhưng "mỗi khi nhìn việc nước ngày càng tệ hại" thì đều khóc những giọt nước mắt của lòng tự trọng, của nỗi khát khao được làm nhiều điều có ích cho Dân Nước: "Ăn thì ăn tới nơi, khi có việc thì chết điếng, cái chức của kẻ bầy tôi này nó thế, phận tôi cầm bút chép sách, nhưng chẳng lấy việc bút nghiên thờ người khác làm đủ". Và tác giả cuốn Gia phả đã hạ lời bình luận khá kỳ lạ: "Vì chiếc mão quan của một thời, cho nên lúc bấy giờ từ công khanh, đại phu, đến sĩ thứ chen nhau chi chít mỗi nhà đội mấy chiếc, vậy mà nhà sư há còn mang danh nhà thư pháp (của cung đình - MA NAT chú thích) nữa ư?" Cụ Lê Đại Cang đặt mình trong tâm trạng của nhà sư viết chữ đẹp đó để tự thán và thốt lên nỗi thất vọng của mình đối với triều đình & thời cuộc... Chúng ta có thể nhận ra tâm sự thầm kín của cụ Lê Đại Cang: việc cụ phải sử dụng tới thanh đại đao để dẹp loạn, diệt giặc ngoại xâm là tuy là việc nghĩa nhưng đó là công việc bất đắc dĩ của một thời, còn việc lâu dài có ý nghĩa cao thượng nhất chính là tu dưỡng tâm tính để hoàn thiện mình đặng có thể quảng bá lòng nhân hậu và các vẻ đẹp khác của tình người cho đồng bào trên tinh thần của Phật tính - và đó cũng là một cách "hóa giải" hữu hiệu "tấn bi kịch nhân cách của nhà nho"... Trong thời đại nho giáo độc tôn, và bản thân cụ Cang tự nhận "Nhà ta đời đời vốn theo nghiệp nho" (Lời dẫn của Gia phả), mà cụ Cang vẫn nhận thấy sự cấp bách phải khôi phục lại tinh thần Phật giáo chân chính của dân tộc - như một biểu hiện sáng rõ của Nhân tính, Việt tính - điều này cho tới hôm nay càng có ý nghĩa thời sự nóng hổi.

     Và đó cũng là ý nghĩa triết lý ẩn sâu trong chiếc đòn khênh võng của cụ Lê Đại Cang!

_________________________________

1. Dẫn theo: Trần Ngọc Vương - Loại hình học tác giả văn học: Nhà nho tài tử và văn học VN, Nxb. Giáo dục, 1995, tr.64

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1300
Ngày đăng: 09.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà Văn Hải Ngoại Hồ Trường An - Nguyễn Vy Khanh
Phân tâm học - Võ Công Liêm
Du lịch cùng thi ca Huế - Võ Quê
Mai Văn Hoan – Hồn thơ nồng nàn và đa cảm - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyên Sa: Thơ thời hải ngoại - Nguyễn Vy Khanh
Những cái “tôi” và tiếng lòng của Trần Bảo Định - Trương Văn Dân
Về cách-tân tiểu-thuyết - Nguyễn Vy Khanh
Hoa Nhài và những vui buồn quanh hoa Nhài - Nguyễn Anh Tuấn
Trò chuyện với thiên thần, Lắng nghe. Dừng lại và Suy ngẫm - Elena Pucillo Truong
Đặng Đình Hưng, đời của thơ… - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)