Đời của Mệ là tên ấn phẩm mới của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông do nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà thực hiện.
16 tác phẩm văn học trong Đời của Mệ đều có những nét hay độc đáo riêng, giúp người đọc hiểu sâu về Huế một thời với những con người Huế thâm trầm, nhân hậu, biết tự trào, trân trọng những giá trị văn hóa tâm linh, truyền thống dòng tộc, gia đình cũng như tinh thần tôn quý vẻ đẹp thiên nhiên, bốn mùa hoa lá, cảnh quan, kiến trúc kinh thành Huế… trong đó bài “Mệ” tự bạch đã giúp nhiều bạn đọc hiểu sâu hơn về cái từ “Mệ” ở Huế mà trước nay được hiểu nhiều cách khác nhau. "Mệ Huế" ấy là từ gọi không chính thức, nhưng thường được sử dụng, nhất là khi người ngoại tỉnh muốn so sánh tính cách của người Huế với nơi khác. Nó vừa bao hàm ý nghĩa thân mật, pha chút dí dỏm, nhưng không phải có dụng ý của người so sánh.
"Các Mệ" là từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc Nguyễn, các hoàng thân cư trú trong nội, ngoại thành ở những phủ đệ quanh Huế. Từ nghĩa hẹp ấy, "Mệ Huế" đã trở thành khái niệm bao hàm một số thuộc tính của người Huế, hằn lên trong tính cách và lối ứng xử, khiến trong nhận xét của người nơi khác,ở một chừng mực nào đó, không còn dành riêng để chỉ tầng lớp quý tộc Nguyễn nữa" (Mệ tự bạch)
Lâu nay nhiều độc giả vốn thường quen giọng văn của tác giả Nguyễn Hữu Thông qua những tác phẩm, công trình nghiên cứu, biên khảo đỉnh đạc, uyên bác giờ đây Đời Của Mệ xuất hiện, độc giả hâm mộ sách ông có thêm cảm nhận mới về một nhà văn Nguyễn Hữu Thông với bút pháp uyển chuyển, tinh tế, nhẹ nhàng, nhiều hình ảnh, giàu chất thơ được thể hiện trong nhiều nội dung rất Huế mà tiêu biểu là Dưới bóng hoàng lan, Trái cấm vườn nhà tôi, Hương đêm, Vườn xuân trong ký ức, Góc nhỏ miền cực lạc… giúp người đọc có cảm giác mình đang cùng sống, cùng buồn vui, cùng tận hưởng những trạng thái phiêu bồng, lãng mạn trong bối cảnh Huế của ”các Mệ” thuở nào.
Những hồi ức đẹp và thơ từ những mái nhà Huế cổ kính “tứ đại đồng đường”, các ngôi vườn Huế “xanh như ngọc” hiền thơm, từ vẻ đẹp đầy dũng khí “trường giang như kiếm lập thanh thiên” đến vóc dáng trữ tình “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã từng đưa vào ca khúc Tình ca “biết ái tình trên dòng sông Hương…” cùng hình ảnh của những người Huế nhiều thế hệ qua những mẫu chuyện buồn vui, thanh tục… đã được tác giả tài hoa tái hiện sinh động, vừa thực, vừa ảo trong Đời của Mệ. “Mặt nước của dòng sông này một thời là nơi chứng kiến không chỉ ca Huế, hò Huế, mà còn có cả ca Trù, hát Quan họ, đờn ca Tài tử, và những bài thơ, bản nhạc thoát khỏi niêm luật, thoát khỏi ngũ cung truyền thống được sáng tác vì nó và trong lòng nó, được truyền tụng lâu dài. Đó là chuyện thanh cao, nhưng bên cạnh cũng không thiếu những chiếc noốc tròng trành với chuyện mây mưa...” (Trang 170)
Nhà xuất bản Hà Nội nhận xét rất đúng về phong cách viết của tác giả Nguyễn Hữu Thông trong Đời của Mệ: “Người Huế viết về Huế luôn đầy mâu thuẫn, yêu quá mà khen thì thành dỡ, chê cũng không đành. Tác giả Nguyễn Hữu Thông có cách tiếp cận lúc thì “phê bình”, khi lại “tự hào”, nhưng cả hai đều không đối lập nhau. Bởi ở những trạng huống khác nhau, tác giả mang tới cho độc giả khi thì cảm nhận sự ý nhị, nhẹ nhàng, khi thì thích thú, lúc lại thương cảm, thấu hiểu…”
Để được thương cảm và thấu hiểu, xin mời bạn tìm đọc Đời của Mệ và đồng cảm với ông, một người tâm huyết, nhiệt thành, luôn mong “thể hiện sự đa dạng nét đặc trưng mang tính khí con người của từng vùng miền, địa phương, để làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc”