Rồi cuối, Niệm cũng kể với tôi về những cơn mưa và nỗi chờ đợi một mùa mưa nào đó rất xa thời thơ bé. Tôi không trả lời, cứ ngước theo những miền mây xám chưa thành hình hài rồi tiếc mãi không còn tuổi hát đồng dao để lạy trời mưa xuống, nên chắc mưa còn ở đâu xa lắm so với một đợi chờ. Nguyên Sa cầu mưa cho một tình riêng: “Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”, còn tôi, đợi mưa, đơn giản chỉ để được đi, về đâu đó, dưới mát lành.
Làm sao mà nhớ hết những cung buồn bởi những mùa mưa Huế rơi xuống và chìm sâu trong tôi, chúng cứ làm tươi mới những cảm xúc tưởng đã nguội lạnh theo thanh xuân đời người, và trở thành ẩn dụ của nỗi buồn thật đẹp đã lãng quên. Nhưng tôi biết, cái cảm xúc ấy chỉ ngủ yên và đợi chờ đâu đó rồi một ngày bất chợt về theo mưa, reo lên như một hẹn ước xanh ngời. Đó là mưa tha hương ở một thị trấn xa lạ, mưa rong chơi ở những thành phố tôi về không hẹn, nửa đêm nhìn từng sợi đan nghiêng dưới đèn vàng trên hàng cột điện đứng chôn chân chờ sáng… Cả cơn mưa đau như roi quất trong một con hẻm tối sâu cùng những mưa chiều lê thê trong núi làm người ta muốn nằm xuống ngủ vùi. Đi để được xóa trắng dưới mưa và tưởng mình biến mất đồng nghĩa với hạnh phúc ngọt ngào.
Tôi, thoảng hoặc, vài năm về Huế một lần, như loài chim tạm cư những ngày mưa bão bằng những chuyến thiên di ngắn. Như một mặc định, nên không thể không về, dù chẳng phải là nơi chốn sinh ra. Và vì thoảng hoặc, nên bao giờ cũng thấy thiếu Huế, ngay cả khi mình đang ở giữa lòng. Hôm qua, mượn chiếc xe máy của một người bạn, đã choàng áo mưa cho một cuộc dạo chơi nhưng rồi xếp lại, bởi mưa nhỏ, kỳ thực, muốn ngồi xe đội mưa mà đi để có lại cái cảm giác ướt lạnh dưới một chiều mưa Huế. Nhớ hồi lên chơi Mỹ Sơn, chiều ấy nhìn mưa trôi trên những gờ tường tháp cũ, chảy tràn xuống ngực trần linh tượng mà nhói đau bởi thời gian vô tình, thảng thốt nhìn gạch hồng rơi theo chân tháp rồi ém nhẹm riêng cho mình nỗi sầu cố xứ giữa núi hoang Duy Xuyên. Bây giờ bên lăng tẩm cố đô cái cảm giác đó ùa về, vỡ ra theo dòng bất tận rồi chìm sâu trong dãy tường uy nghiêm của Đại Nội.
Ở Huế, tôi là người xưa, mưa là mưa cũ, mà mỗi lần đi về lại một lần khác, vừa thân quen vừa lạ lẫm nên lòng cứ hân hoan tươi non như lá mới. Cứ thế, bao mùa mưa Huế rủ tôi đi, háo hức nhìn đời sống cuống quýt sinh sôi, xanh lên, tàn úa như nó đã từng.
Quanh tôi lúc này là lặng im, chỉ tiếng mưa rủ rỉ trên mái ngói như sầu ca từ nghìn năm trước vọng về. Không gian đẫm mùi của rêu ngậm nước. Và mùi của tháng năm. Tôi như cây đàn căng hết dây đợi mưa chạm vào là ngân lên vô vàn cung bậc, tràn dâng như thác và biến tấu thành những hợp âm dữ dội, bùng nổ, rồi lặng im. Lúc này, ẩn sâu dưới sắc rêu tươi ngời im ắng tưởng nghe gạch đá thở, tiếng cột kèo trở mình, tưởng tiếng gió vỗ phất phơ áo xiêm mỹ nữ, hay ngỡ nghe ra một khúc nhã nhạc ba phần hoan hỉ bảy phần sầu bi của những ca công xênh xang áo mũ. Mưa nuôi rêu xanh, rồi chính rêu và bụi lớp lớp chất chồng, là một xúc tác không thể thiếu làm nên lịch sử thăng trầm của Huế, đã nhấn chìm rồi đánh thức tháng năm ngủ yên nơi đây làm chúng trở nên bi ai và rực rỡ. Tôi cứ nghĩ mưa như một lẽ tử sinh, là một phần của đời sống Huế, mà thiếu nó, Huế sẽ mất đi vẻ u buồn làm người ta hoài nhớ. Sẽ thật vô nghĩa một sáng mai, tự dưng có cái cảm giác bị bỏ quên khi mở mắt với chiếu chăn còn ấm, co ro nằm nghe bên ngoài ô cửa không còn chuyến mưa nào ghé lại để nghe một chút lạnh thấm vào.
Không gian Huế có cấu trúc hai lĩnh vực tưởng riêng biệt, phố và lăng tẩm, cung đền. Nhưng cái hiện đại và cái xưa cũ ấy quyết liệt chiếm chỗ nhau từng giờ, như ánh sáng và bóng tối cạnh tranh nhau trên khuôn mặt người vào thời khắc nhập nhoạng cuối ngày, rồi không biết từ bao giờ, từ đối kháng đã giao hòa, chìm lẫn vào nhau không thể phân ly, đã tạo nên một thị thành riêng rất Huế, đẹp, sống động nhưng u hoài. Và chính mưa Huế đã làm nó càng trở nên u hoài và lung linh như ảo ảnh. Tôi đã ngang qua mà không thể không ngước nhìn một Saigon Morin Hotel sang trọng hay một Moonlight Hotel Hue rực rỡ sắc màu, và tôi cũng đã dừng lại để nghe bầy sẻ sớm mai ngồi bên nhau nhìn mưa mà mơ mộng trên chót vót tháp chuông nhà thờ chính tòa Phủ Cam thâm nghiêm rêu phủ. Cũng như đã gần suốt buổi chiều ngồi nghe hoang vu kéo về trong một phủ đệ nào đó trên đường Phan Đình Phùng tình cờ lạc vào, nơi chân tường chốn đó vẫn còn cây ngô đồng từ thời vàng son cũ đang cố nở mấy chùm hoa tím khói lã lay, mong manh nhưng tuyệt đẹp dưới mưa, như chút kiêu hãnh của những ông hoàng bà chúa xưa còn sót lại, dù thời thế đã đổi thay vẫn cố giữ cho riêng mình một thời khinh bạc. Hoặc đôi khi đang trên một con đường tấp nập, bỗng ngoái nhìn bởi giọng rao dịu dàng của một gánh hàng rong trên phố sớm, hay chỉ một tiếng còi và bóng xích lô thong dong ngang qua mưa lạnh. Âm thanh ấy nghe lạc lõng giữa phố đông nhưng chính là một phần hồn vía Huế, bởi Huế vốn bao giờ cũng cưu mang trong mình những phận đời bé nhỏ, những đơn sơ quen thuộc làm nên nét duyên khiến người ta mê đắm. Như tôi đã từng mê đắm những phố rêu, nhà thấp tường vàng, mãi mãi là hồn cốt của một Hội An xưa. Hay vẫn mãi hoài nhớ những tượng mồ đứng trầm tư mưa nắng của những năm luân lạc trên Tây nguyên.
Chính lúc này, ngang qua tôi là một o hàng rong còn rất trẻ, ánh nhìn thăm thẳm dưới vành nón, một đầu gánh có cái trả lửa để nồi nước lèo đang reo tí tách, cái gánh lửa hồng làm tôi ấm lại rất nhiều giữa sáng mưa trên phố chợ Đông Ba. Tiếng rao và dáng ấy, thoăn thoắt lặng thầm nhưng không làm nghĩ đến số phận cơ cực bởi cơm áo mà thấy ẩn chứa một bền bỉ, nhẫn nại. Ở nơi đây, tôi có thể dừng nghỉ đâu đó bất chợt để thảnh thơi ăn ly chè bắp gánh rong ngọt lịm hoặc tô cơm hến cay thơm bên quán ven đường mà không cảm thấy ngại ngần với mình, vừa ăn vừa nheo mắt nhìn mưa rơi mù trên hàng phượng bay mà nhớ câu thơ Mường Mán: “Mai về giũ bụi bên lều quán/ Ta nhớ quá chừng cơm hến ơi !” để thấy mình sao còn mãi hoài phiêu dạt. Và sẽ lại ghé qua công viên Thương Bạc, rón rén sờ tay vào mấy cây nhạc ngựa cổ thụ xù xì, đứng đợi đến khi nghe tiếng những chùm trái khô reo lên mơ hồ trong kí ức, chừng đó thôi cũng đủ làm đêm về thương tiếc một thanh xuân.
Rồi tôi nhất định phải lên con dốc Nam Giao. Tôi yêu Nam Giao từ bé, yêu trong cái ngày đầu tiên học bài giảng văn Thương Vay của Xuân Diệu, dù chưa một lần gặp mặt: “Chiều lên dần dần, tôi càng đi trời càng tối, những bước đi cũng đồng thời với triều bóng dâng... Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng, tôi khởi sự đi trong ánh sáng và tới dần trong bóng tối…” Lần đầu tiên ra Huế, tôi biết mình phải một lần về đây để tận mặt Nam Giao. Thật lạ, cái tình thủa mười ba tưởng mong manh hóa ra dai dẳng và làm khổ tôi dến tận bây chừ, giống như căn bệnh trầm kha, có lúc ngủ yên, tưởng đã hết, nhưng bỗng một ngày cơn đau thức dậy, vùng vẫy làm quặn thắt tâm can. Còn lúc này tôi đang đứng nơi đây trong mờ tối, nương khuất dưới bóng một ngôi chùa, một chút tịnh tâm thôi không đủ để đừng ái ngại cho mấy bông trà my cố rướn lên khoe chút rạng rỡ cuối cùng trước khi chìm xuống đêm sâu. Đàn Nam Giao còn đó, im lìm dưới thông buồn, tôi ngang qua thật chậm rồi đứng yên, nghe tiếng mưa lẫn tiếng đêm khẽ khàng rơi như tiếng thở dài trên bước chân âm trầm của những ông vua nhà nguyễn, khoan thai dừng lại trên Viên Đàn bắt đầu cho một lễ cầu. Và tôi tự hỏi, lễ nghi ấy đã được bao lần làm cho quốc thái dân an? Nam Giao bây giờ không phải là Nam Giao trong trí tưởng của tôi mấy mươi năm trước. Cứ biện minh chỉ là cảm giác đánh lừa nhưng sao thấy mất mát quá chừng. Hồi chưa gặp, cứ nghĩ đưa tay ra là sẽ chạm được Nam Giao, bây giờ tôi đến thì chốn cũ lại cứ vời xa, chập chờn như đuổi bắt. Đêm rỗng sâu và rất lạ, mưa như dao cứa, phất phơ từ cõi khác mưa về, làm người ta muốn buồn một chút, muốn cô độc một chút mà vẫn cố ngăn mình lại, cố giằng co, mặc cả với chính mình. Thấy vừa bị đánh cắp vừa là kẻ nợ, ngổn ngang trong hụt hẫng, tiếc nhớ vây quanh. Vừa đi vừa cố không ngoảnh nhìn Nam Giao đang run rẩy dưới mưa, và cứ để mình buồn rầu.
Cuối cùng, tôi cũng kịp bước lên Trường Tiền trước khi buổi chiều nghiêng xuống trên những vai cầu màu nhủ bạc, đứng bất động ở một nhịp nhìn sông Hương đang mãi miết trong mưa và tự hỏi đời sông đã chia mấy nhánh, đã mang theo, đã chứng nhân cho bao lần đổi thay của đất kinh kỳ cùng bao nhiêu cơn bão trong tâm tư của người xứ Huế. Tôi cố hình dung một Huế không có sông Hương chảy qua nhưng trăm lần không thể. Con người và thiên nhiên đã thiết lập chốn đây một dáng mạo vững bền rồi. Và dòng sông chính là tâm hồn Huế chảy qua một miền hào hoa và cổ kính. Cái hào hoa đủ để rủ rê gã lang bạt tôi thỉnh thoảng quay về. Phía con đường dưới xa một cô bé áo mưa đỏ đạp chiếc xe đạp nhỏ, chốc lại đưa bàn tay trắng nhỏ ra, chạm vào mấy bụi cây ven đường cho mưa bắn ra tung tóe rồi cười khanh khách, làm nhớ thời còn thơ bé hứng mưa giỡn nước. Mưa ngày ấy đã vĩnh viễn qua. Tóc xưa đã lên màu khác. Tôi giờ là lữ thứ tựa bên vai cầu nhìn màu trời biến đổi trong hoàng hôn mưa và màu sông loang tím miên man những hoa mưa trắng nở ra, thản nhiên trôi qua tôi. Nghe một chút cô đơn vừa đủ để ngậm ngùi .
Hôm qua lên chơi lại nơi căn nhà gỗ cũ bên đồi, phía dưới Thiên An là những triền thông chồng lấn, nhòe mờ vào xa tít tắp, cứ muốn trườn ra để khỏi bị khống chế trong tầm ngắm kẻ lãng du. Mùa này vắng quá. Ở đây chỉ có mưa và cỏ cây thi nhau ngự trị. Tự dưng thấy mình cũng như mưa về trú tạm hiên người, cô đơn, tả tơi như Thiên An trong luân vũ. Biết chắc sẽ còn lâu lắm mới lên lại chốn này, nghe mưa âm ba trên cao và thả rông khát khao tuổi trẻ. Những khát vọng mãi không bao giờ già, như tầng tầng lá thông rụng xuống bao mùa, chất chồng dưới chân, không chịu khô đi mà cứ âm thầm giữ mãi sắc vàng nâu nồng nàn như màu rượu cognac. Bốc một nắm trên tay, nghe lá thơm còn rung động. Chiều ấy về, Niệm chơi bản Hungarian sonata, không điêu luyện như Richard Clayderman nhưng trong trẻo lắm theo cách riêng của Niệm. Những giọt dương cầm cứ thánh thót reo, tựa mưa trôi đi trên cánh đồng. Tự dưng làm nhung nhớ và cũng muốn trôi theo trong vô vàn cơn mưa ngày xưa của Trịnh, để lại một lần được nghe “mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ”. Tôi không biết trong đó có bao nhiêu là mưa Huế, nhưng, mưa ấy, suốt đời long lanh kí ức.
Đêm, về giở đọc mấy bài thơ cũ, rồi cao hứng viết lại. Thấy vẫn còn một chút mưa của Phạm Công Thiện, của somerset maugham, mưa của Bùi Giáng, phạm Duy, cả Đặng thế phong…và tôi cũng biết là trong cái chiều mưa ấy, và cả những chiều mưa này mình đã sống, đã khổ đau, vui sướng. Tất cả cũng tại tôi quá đa đoan chăng, nên dù muốn hay không tôi cũng không thể nào thoát ra khỏi cái thế giới mưa như ảo ảnh mà tôi thuộc về. Nhớ một dạo phương Nam, hôm đó cà phê, nghe KL hát Thà như giọt mưa ở một quán bên kênh Nhiêu Lộc. Nước kênh xanh lè, rong rêu, con kênh hẹp mà tôi cứ mơ màng tưởng sông lộng gió đôi bờ. Và tôi, từ lâu rồi đã biết chẳng còn ai “về qua sông rộng” để mà chạy đuổi mòn hơi cho một cuộc tình. Nhưng có hề chi, bởi trưa ấy bình yên quá, gió mát thổi lên từ kênh, giọng KL chơi vơi tận cùng làm tôi muốn nằm xuống bên kè đá, gối tay ngủ muộn, trôi vào cõi vắng xa nào đó, mặc ngoài kia phố người cùng những tháng năm luân lạc…
Một ngày, qua Dã Viên, bất chợt gặp dáng mộc miên đơn độc nơi cầu ấy, hoa đã tàn mùa, làm nhớ hồi ở Krông Bông, buổi trưa trên lớp về qua cây cầu sắt, cảm giác ai đang nhìn. Dừng xe ngoái lại, sau lưng là cả một trời mộc miên đỏ như màu gạch vừa chín tới, đẹp nao lòng. Hoang dại, rừng rực giữa trời xanh. Tự dưng nghe chán những hoa kiểng được chăm chút, sắp đặt bởi tay người. Hình như mộc miên ấy mới nở hôm qua mà trên mặt đất hoa đã rụng đầy như áo đỏ. Nhặt một cánh, còn thơm mùi mưa đầu. Tôi còn nhớ mộc miên Huế cánh hoa nhỏ hơn và màu cũng tươi hơn, thắm như màu son môi con gái. Hoa đó ở thành phố Huế bây giờ đang lạc lõng dần giữa vô vàn kiêu sa khác. Nhưng tôi yêu bởi vẻ thắm tươi và giản dị riêng mang. Niệm nói, mộc miên như một loài thảo mưa, hễ có mưa là rụng xuống tơi bời, quyến luyến mãi rồi cũng thát lìa sắc cũ tàn theo. Một sáng nào ngang qua, tàn phai ấy vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Cứ vậy bao mùa, quay quắt, thương nhớ như tình đầu.
Tôi về Huế đâu chỉ vì một miền mưa ám ảnh, mà còn bởi trót yêu những bóng hình thiếu nữ trong tranh của ĐC. Nhớ người trai đã sống trọn một thời hai mươi thật đẹp nơi đây, đã rong chơi, đã yêu lắm nên vẽ con gái Huế làm vậy. Những bức tranh mà chỉ cần xem một lần là mãi không nguôi. Tôi không biết, trong ấy có bao nhiêu bức anh đã vẽ vào những ngày mưa triền miên ở Bến Ngự, Bao Vinh hay một nơi nào đó giữa mùa đông sắt se của Thành Nội. Cái màu tím phai và màu sông đêm trong tranh mơ hồ, ma mị, cứ quẫy đạp, dắt díu tôi đi mãi miết với những cổ dài, vai gầy guộc, với tay thon dịu dàng và ngóng chờ vô vọng. Đôi khi ngỡ thấy một nàng liều lĩnh bước ra khỏi khung hình như lén ra khỏi ngôi nhà Huế kín cổng để rong chơi trong một một đêm sáng trăng mộng mị. Và bây giờ, thật lạ lùng, khi người tài hoa ấy đã thong dong ở cõi khác thì tôi một mình về đây nghe mưa mà tiếc thương thục nữ, tìm một bóng hình thạch thảo trên nền đá khuya hay chút kí ức lộng lẫy trên bức tường hoang mưa. Có lẽ tôi muốn tìm một mình hạc xương mai ngày nào cùng chút đoan hạnh giữa một Huế đã dần đổi thay, dẫu biết, trong biến thiên khủng khiếp của cuộc đời này chắc gì còn một bờ tóc xõa tự do bay theo chiếc phu la trong ráng chiều huyết dụ.
Với tháng năm tôi, mưa Huế đã đầy. Nhưng tôi biết mình sẽ trở lại.
Krông Bông, đầu mưa 2018