Phà Long Đại là bến phà trọng điểm đánh phá thời chiến tranh. Lính tráng không gọi Long Đai mà gọi Long Đầu. Cách gọi của lính nói lên sự ác liệt, máu lửa và cả mùi chết chóc của địa danh, một con sông với cả trăm thác đổ hiểm trở, với dòng chảy ngoằn nghoèo theo địa thế vùng núi, đẹp như hình rồng cuốn, chứa đầy những hoang dã của biết bao thần bí thiêng liêng. Và số phận cuộc chiến cho nó cái tên đi vào lịch sử.
Triều lần đầu vào tuyến lửa. “Tuyến lửa”. Nghe “tuyến lửa” thấy run và như đã thấy mùi khói lửa chiến tranh, nhưng, nhẹ và thấp hơn nhiều cấp so với Long Đầu. Thằng nào lần đầu đi mà không run. Có ông lính cũ kể chuyện, lần đầu lâm trận, sợ vãi đái ra quần nữa kia. Thật ra thì Triều không run nhưng hồi hộp và căng thẳng thì có. Cũng có lúc tim đập loạn, không phải vì cô gái quê mà là vì xe qua những trọng điểm thường xuyên bị đánh phá. Hình như, ở tuyến lửa, cứ chỗ nào có cầu qua sông là thành trọng điểm. Thời khắc đó căng thẳng lắm. Những lúc căng thẳng, Triều chỉ im lặng. Không gian im ắng là khi nó đang tích tụ năng lượng, chuẩn bị cho sự bùng phát. Những lúc đó, mặt mũi và nói chung toàn thân, luôn ở trong tình trạng lo lắng, căng cứng, chỉ sợ cái điều không hay xảy ra. Triều nghĩ đến chuyện ông lính cựu, tự an ủi, mình cũng kinh nhưng chưa đến nỗi.
Sau chuyến đi đó, Triều dần quen hơn với những nơi ác liệt. Những cái tên cua tay áo, dốc tử thần, đèo Đá đẽo hay cổng trời này, mây trời nọ… lần lượt bình yên vượt qua và Triều trở nên dạn dày. Nhưng với việc qua sông phải chờ phà, đón đò thì vẫn luôn có tâm trạng thấp thỏm.
*****
Chẳng hiểu mấy người chờ phà đây, có ai thấu hiểu được cái cảnh ngóng mẹ về chợ tuổi thơ? Triều thì rất nhớ. Nhà Triều nghèo như mọi nhà. Ngày đó thì có mấy nhà giàu, mấy nhà trung lưu? Có giàu hay có trung lưu chăng nữa thì cái cảnh bòn xẻn, tiết kiệm vẫn cứ diễn ra với tất cả người làng. Sự hoang phí hầu như không có. Cứ nghĩ đến lúc mẹ về, có mấy cái kẹo bột hay tấm bánh đa chia cho mấy chị em mà thèm và bây giờ thì thương. Thương quá ngày xưa thơ ngây trong nghèo khó. Vì quá trẻ con, nên Triều cũng chưa cảm nhận hết cái tủi, cái nhục của cái nghèo. Kể cả sự vất vả của mẹ. Mẹ Triều ở vậy nuôi ba chị em vì sợ chúng khổ và cũng sợ mình khổ. Cảnh làm lẽ hay đi bước nữa đâu có sung sướng. Có lẽ vì vẫn được sống trong sự ấp ủ của mẹ, trong cảnh rau cháo có nhau, mà chị em Triều không sớm nhận ra?
Quê Triều nằm bên sông. Một cái làng nhỏ, một con sông nhỏ, gày gò như một kẻ sốt rét rừng, gắn với tuổi thơ của Triều. Cái làng chỉ dăm chục nóc nhà và con sông không lớn, khi nước đổ về, chiều ngang chỉ độ dăm chục mét. Vậy nhưng vẫn luôn là nỗi nhớ của dân làng khi xa quê, nghĩ về cái làng nghèo khó, quanh năm chỉ tất tưởi chạy ăn. Cái gặp thường trực là những bộ mặt rầu rĩ, cằn cỗi, hốc hác. Triều nhớ con sông, gắn bó với nó, cái con sông còm nhom, oặt oẹo. Từ khi vào cấp ba, phải sang trường huyện, thì nó lại thành thân thiết. Triều được cả nhà nâng niu, mẹ và chị chăm bẵm, cả đứa em gái sát sau út ít cũng biết chiều anh.
Cái năm lên cấp ba là cái năm Triều phải qua sông hằng ngày. Vậy là vào cấp ba, Triều mới biết sự vất vả trong chuyện học với con nhà nghèo. Để được học, Triều thường xuyên phải dậy sớm để vượt sông sang trường huyện. Mỗi ngày, nếu thuận lợi, thông đồng bén giọt, Triều mất bốn giờ đồng hồ trên đường và trên sông. Đoạn trên sông thú vị nhất nhưng nhiều khi cũng rất sốt ruột. Rất nhiều lần Triệu chậm tiết đầu. Vẫn may, Triệu nghĩ, còn hơn khối đứa phải bỏ học và phải trọ học.
Cái nghèo thể hiện ra cái khổ những tháng năm học cấp ba. Nhiều lần phải nhịn đói vì tiết học kéo dài hoặc buổi chiều có tiết học. Những lúc đó, Triệu oán con sông. Đâu có còn cái “con sông đã tắm cả đời tôi” nữa.
*****
Ánh đèn dù pháo sáng chập chờn phía xa và gió sông, gió núi của đất trời Long Đại khiến nỗi nhớ về dòng sông quê cồn cào, day dứt. Cái căng thẳng biến mất khi những hình ảnh quê hương hiện về. Triều nghĩ về con sông quê và con sông chinh chiến này. Khác nhau quá! Sông quê, bình yên, hiền hòa còn con sông chinh chiến này dữ dội hơn. Số thác ghềnh trên dòng sông chưa đến trăm cây số này đã đủ khiếp, cứ trung bình, non cây số là có một thác. Mà “cái thác” đặc biệt hơn cả, chính là chỗ Triều đang đợi phà sang sông. Triều không muốn nghĩ về trọng điểm này nữa. Vậy mà cứ ám ảnh. Nơi đây phải gọi là gì? Một trọng điểm đầy những bom đạn và tiếng phản lực gầm rú. Những hố bom làm lở loét cánh rừng và những quả đồi. Chúng khoét thành những cái ao to tướng trên lên mặt, những vũng nước trong hố bom có màu xanh nhờ nhờ, kỳ lạ, ma quái. Nó là tọa độ lửa, tọa độ bom, tọa độ chết hay tọa độ của thử thách của lòng dũng cảm, của ý chí… Triều nghĩ lung tung, bát nháo, rời rạc trong cái đêm đầu tiên. Khi cận kề sự sống và cái chết, ý nghĩ con người cũng thật vô cùng lộn xộn, cái lộn xộn thể hiện sự thiếu khả năng nhìn nhận, phán đoán. Có cả cái lộn xộn phó thác cho sự may rủi. mà đa phần là vậy. Trên bến sông này, may rủi là điều dễ xảy ra.
Nhưng hôm nay với sự từng trải, những lo lắng, căng thẳng đã bị vất sang một bên. Triều chọn chỗ đứng gần một cái hầm kèo, nhìn ánh đèn dù chập chờn như ma trơi rồi đưa mắt nhìn sông, nhìn núi. Giá có một quả núi ở bến đò mình vẫn đi, chắc đỡ lẻ loi cho những buổi chờ đợi.
Tiếng máy bay rú ầm ĩ trên đầu. Bến phà nháo nhác trong phút chốc, rồi mọi người biến hết xuống mặt đất. Bến phà phút chốc quạnh quẽ, im ắng trong lạnh lẽo của ánh đèn dù. Quang cảnh tiêu điều hiện ra dưới ánh trăng và pháo sáng. Mọi người như ngừng thở, hồi hộp, chờ đợi, lo âu lắng nghe tiếng bom..
Hôm nay sáng trăng, mặt đường rõ từng ổ gà. Trung úy chỉ huy đoàn xe 4 chiếc, cho xe cuối quay đầu, chạy về phía Bắc, theo hướng ngược lại, Triều trên chiếc xe này. Mục đích để thu hút máy bay về mục tiêu di động, ba chiếc còn lại tìm chỗ trú an toàn hơn. Ba chiếc xe lùi cách xa nhau và dẹp hết sang tà luy dương, nơi có thể lấy độ cao che chắn cho xe phần nào. Trong ánh pháo sáng, ngồi trong hàm ếch phía tà luy dương, nhìn rõ mồn một từng chiếc xe hàng, chiếc nào chiếc ấy, to lù lù như những ngôi nhà giữa đồng không mông quạnh.
Tất cả những chuyện đó diễn ra trong chớp mắt. Và bom nổ chát chúa, tiếng bom bi rao rào, hầm kèo rung bần bật. Bom nổ rất gần, đất đá đổ ào ào xuống mặt đường. Xong ba loạt bom, một lát sau xuất hiện những bóng người từ hầm ra mặt đường nghe ngóng binh tình. Có tiếng “cút rồi, ra thôi”, mọi người trở lại mặt đất quen thuộc và thân yêu, nỗi lo sợ đã qua. Hai trong ba chiếc xe nằm bên ta luy dương, trúng bom bi, bốn chiếc lốp và một thùng xăng bị thủng. Lái xe đã lấy ni-lon bịt chỗ rò. May mà vết bi làm thủng phía trên thùng xăng. Mùi xăng nồng nặc.
Nửa giờ sau, Triều trên chiếc xe quay đầu chạy về hướng Bắc, quay lại. Vậy là hai xe lành co kéo, dìu hai xe bị thương, lùi về phía sau, tìm một cánh rừng nghỉ và khắc phục, sửa chữa xe.
Cái dạn dày, từng trải của Triều được tôi luyện trong những trường hợp như thế.
Sau đợt giao hàng đó, Triều được đi học sĩ quan và được tranh thủ rẽ qua nhà.
*****
Gió sông, hương núi lại đưa suy nghĩ của Triều về chuyến qua sông đầu tiên của mình sang học trường huyện. Triều còn nhớ như in cái lâng lâng có chút tự hào sáng hôm đó. Cả thôn chỉ có hai đứa. Cái Hạnh gần nhà cũng được vào cấp ba, nhưng nó bận lấy chồng. Ở miền quê xa vắng này, với con gái, lấy chồng là sự việc quan trọng nhất đời. Đặc biệt trong thời chiến. Chẳng vậy mà người ta nói về cái giá của nó “trai thời loạn, gái thời bình” là thế. Chiến tranh thế này, biết đến bao giờ… Vậy là Triệu cô đơn trên đường đến trường. Trên nó cũng có hai ba người nhưng đều rẽ ngang, không ở quê. Cậu tú thời đó là của quý hiếm.
Sau hai ba tiếng gọi “đò ò ơi…” rải trên mặt sông còn đang ngái ngủ, nó nhìn thấy con đò bên kia cựa quậy. Ông Khả đang chậm chạp tháo dây buộc. Chỉ khoảng năm phút sau đò đã đến. Triều cẩn thận bước xuống bến, không để những vết bùn bắn lên bộ quần áo mới từ đôi dép cao su. Triều chọn chỗ khô ráo bên khóm tre chờ.
Triều nhận ra người lái đò không phải ông Khả mà là cháu ông, con Na “đét”, như người làng vẫn gọi. Vì đò chỉ có một mình, nên hôm nay Triều mới chú ý nhìn rõ mặt nó. Nó có đét đâu mà gọi nó là Na “đét”. Thậm chí, Triều còn thấy mắt nó rất đẹp. Nhưng đáng chú ý nhất là cái dáng cong cong, dướn người của nó khi khua mái chèo, mềm mại, uyển chuyển và cả điệu đàng nữa. Chiếc áo nâu ôm khít người, phía ngực hơi nhô cao, khoe cái vẻ đã là thiếu nữ. Con đò nhẹ nhàng cặp bờ mà người đứng không hề bị xô ngả. Mọi động tác của nó đều rất đẹp và thuần thục.
Sau vài buổi đưa đón, nhân dịp cũng có chuyến chỉ có Triều và nó, Triều nhìn trời còn đang nhập nhèm giữa tối và sáng, thấy có một ông sao xa tít, nói bâng quơ, “sao thương nhớ ai mà sao không tắt/mắt thương nhớ ai mà mắt không khô…” thấy nó nhoẻn cười: “đèn hay sao hở anh”. Triều mạnh dạn hơn: “Mắt em đẹp thế sao người làng lại gọi Na “đét”? Nó cười ngặt nghẽo rồi nghiêm trang: “Bởi em xấu nên người làng gọi vậy chứ sao…” “Ai bảo em xấu?” “Người làng mình và cả anh nữa đó…” “Anh đâu có…”Triệu chống chế “anh không gọi vậy đâu nhé, bây giờ anh gọi là Na “đẹp”. Đẹp, chứ không phải đét…” Đò cặp bến, Triệu lên và ngoái lại, gí gí cánh tay như động tác vẫy: “Na đẹp nhé…”
Cứ vậy, hàng ngày hai lần hai đứa gặp nhau. Chuyện Na “đẹp” hay Na “đét”, Triều không quan tâm nữa. Nhưng có nghe người làng kháo nhau, con Na trông càng ngày càng xinh.
Hai năm sau, khi đang học lớp 10, Triều bất ngờ nhận ra, đã lâu không phải “đò ò ò ơi… đò” mỗi sáng. Khi thì thấy đò đang sang, khi thì thấy đò đã chờ sẵn bên khóm tre trong dáng chờ, dáng đợi của… con đò. Những lúc đó, Triều thấy ánh mắt Na liếc rất nhanh, đôi mắt nó sáng lên như ánh nắng ban mai. Triều cũng thấy nóng rát mặt mỗi khi thấy cái Na… Triều nhìn cái Na: “Sao dạo này không thấy bố em?” “Bố em đau lưng”. Hôm sau, khi xuống đò, Triều đưa cho nó một bó ngải cứu: “Em hơ nóng cho rồi chườm cho bố, nhớ rắc thêm ít muối đấy”. Nó nhìn Triều, cảm động, lí nhí: “Cám ơn anh, em cũng đang chườm cho bố…”.
Chẳng hiểu sao, cũng có lúc Triều không dám nhìn thẳng vào mắt nó, cũng không dám trêu nó như những năm trước nữa. Nó đã thành một thiếu nữ. Cái Na quả rất đẹp. Bất giác Triều nhớ truyện kể về nàng tiên cá bên bờ biển. Ở cái Na có gì đó hao hao… là cái gì nhỉ? Nó là một bông hoa, cũ kỹ quá. Nó là hình ảnh cô lái đò mà bao thơ ca nhạc, họa lấy cảm hứng. Đúng, nhưng những điều đó thường xảy ra trong trí tưởng tượng và đôi khi không thật. Không, cái Na có hình hài con người đầy đủ, nó ở đây, tự nhiên và gần gũi cơ. Nó là bến sông quê. Phải rồi, nó là hình ảnh giản dị, nghèo khó nhưng nhân hậu, nghĩa tình của quê hương. Triều nghĩ vậy và rồi thấy tiếc, nhỡ đến khi nào đó, nó thuyền theo lái, gái theo chồng, để bến sông này vắng vẻ.
*****
Triều về quê với sự háo hức của anh lính xa nhà, mong gặp mẹ, gặp chị, gặp em. Triều vẫn dối lòng, còn một người nữa, đó là cái Na “đẹp”, muốn thấy lại ánh mắt hồi nào đó, lóe lên như tia nắng, làm rám mặt cậu học trò bên bến quê này. Thậm chí cái mong này còn lấn át cả mấy cái mong kia. Nhưng bảo nếu chỉ được chọn một, thì lại làm khó cho Triều.
Hồi đó, có những sáng, có phải là do sương sớm mát lành và trong trẻo, mà Triều chỉ muốn, chuyến đò đầu tiên không có thêm ai, để đừng ai nhận ra, nó đang luống cuống trước một ánh mắt, cũng có thể để bâng quơ buông một câu gì đó, đại loại như: “ánh mắt ai mà cứ như có sương sớm sao chiều bên trong ấy nhỉ… hoặc khi nào thì cô “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông. Cô lái đò xưa đi lấy chồng…”Cái si mê rất đỗi học trò, rất mộng mơ và rất chi ư là muốn để tỏ cái gì đó cho người ta biết.
Đường về quê gần mà xa. Con đường quen thuộc suốt ba năm học cứ nhíu bước chân Triệu làm Triệu vấp liên tục. Có người mong? Mẹ vẫn bảo như vậy mỗi lần ai trong nhà vấp chân. Ai? Ai nào? Ai nhỉ? Tất tần tật đều không thay đổi nhưng sao Triệu lại nóng ruột vậy. Bến sông đây rồi. Những bãi rau cải đang xanh. Đường xuống bến cỏ dại lan gần hết lối mòn, chỉ hằn những vết chân trâu và mùi nước đái của chúng. Vẫn đấy mà khác. Thưa bóng, luễnh loãng và hoang hoải. Có cục gì chặn đứng trong cổ. Lẽ nào cái Na đã bỏ quê đi lấy chồng? Hóa ra, ông nhạc sĩ kia đã viết đúng một sự thật, cái sự thật khiến Triều khắc khoải.
Gió làm nghiêng ngả những bông lau ven sông. Một cái buồn ngơ ngác, một ánh mắt trống rỗng. Người ở bến sông quê ngày nào chỉ còn là ký ức.
Một cánh cò vẫy nắng bên sông cho Triều gặp lại ánh mắt sông quê ngày nào.
17/6/20