Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.280
123.156.833
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư)
Võ Anh Cương

 

Chia tay Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá đi về nhà của mình. Trong lòng anh lúc này hình ảnh cô Nghỉ luôn ngự trị, nói cho đúng đó là hình ảnh của cô Ba Trần Thị Huyền. Không biết giờ này ở quê, cô Ba có nhớ đến anh không? Ngẫm lại thời gian anh bỏ quê ra đi cũng đã khá lâu, lúc ra đi ý nguyện tìm đựơc hai chiếc sừng tê giác mới trở về đã chi phối tâm hồn anh. Anh không dám gặp mặt cô Ba, anh chỉ viết vài chữ nhờ ông chủ quán trao cho cô Ba khi có dịp. Trong thư Trương Đại Quá thề với cô Ba rằng khi nào có sừng tê giác anh mới trở về, sau ba năm nếu không thấy anh về, cô Ba nên đi lấy chồng. Ông bá hộ họ Trần không bao giờ để con gái của mình ở giá bao giờ, Trương Đại Quá biết như vậy. Nhẩm tính lại thời gian, Trương Đại Quá ra đi cũng đã gần bốn năm, không biết ở quê nhà cô Ba ra sao rồi….

Ông K’Rè đón anh ở bậc cửa với một nụ cười:

- Anh đã trở về rồi, Quá à, bác báo cho anh biết một tin vui: từ sáng tới giờ bác vẫn cử động như thường, chắc là cái gọi là cấm chế đã hết tác dụng?

Trương Đại Quá vui mừng:

- Chúc mừng bác, còn anh Quang và Sa ra sao hả bác?

- Chúng nó cũng có tiến bộ, ông mặt trời lên độ một ngọn cây cao chúng mới phải nằm im, đà này chắc chỉ trong vài ngày tới chúng sẽ được như bác thôi?

 Sau khi bấm huyệt cho Quang và Sa, Trương Đại Quá kêu ông K’Rè:

- Bác ơi, bác tính coi từ chỗ này đến nơi cất giấu trầm hương bao xa hả bác?

Ông K’ Rè nhìn Trương Đại Quá với vẻ hồ nghi:

- Anh hỏi chuyện đó trong lúc này làm gì?

Trương Đại Quá im lặng. Không lẽ anh nói cho ông Rè chuyện tâm sự của anh sao? Không thể được, thứ nhất ông K’Rè hơn hẳn tuổi Trương, ông sẽ không hiểu chuyện yêu đương của thanh niên như anh đâu. Thứ hai, ông K’Rè là một người sống từ nhỏ trong thiên nhiên hoang dã, ông không có thời gian để những tình cảm yêu đương chi phối vì bao giờ ông cũng phải đương đầu với cuộc sống để có miếng ăn cho mình và bon Cây Ngo đỏ. Trương cười buồn:

- Bác à, chuyện đó nếu thấy tiện thì bác trả lời, còn vì sao cháu hỏi, xin lỗi bác, cháu không nói được!

Ông K’Rè nhìn thật sâu vào mắt Trương Đại Quá:

- Anh Quá, người Lạch chúng tôi có một câu hay lắm, đại ý thế này: dắt con trâu cái đi đường núi, dắt con trâu đực đi đường bằng, đi và về nên đi đúng đường. Anh biết ý nghĩa câu đó chớ?

Ngẫm nghĩ một lúc Trương Đại Quá cười:

- Cám ơn bác cháu hiểu rồi.

Cả hai im lặng, mỗi người nghĩ đến chuyện của mình. Ông K’Rè nghĩ đến những người bon Cây Ngo đỏ, không biết giờ này họ sống ra sao? Trách nhiệm của một người đứng đầu khiến ông lo nghĩ. Trong dãy nhà dài gồm hơn hai mươi hộ, không hộ nào còn một hạt muối. Số muối ít ỏi mà anh em Trương Đại Quá cho buôn làng, ông đã ra lệnh là để dành cho những người bệnh, còn ngoài ra người khác phải ăn tro tranh thay cho muối. Ông dự tính trong vòng ba tuần trăng, ông và hai chàng trai của bon sẽ trở về với ba gùi muối, dân làng sẽ tha hồ mà ăn để bù vào những ngày đói muối. Vậy mà giờ đây ông và hai chàng trai lại bị chôn chân ở cái học viện quái quỉ này. Ông K’Rè biết rằng những gì mà những người lùn nói với Trương Đại Quá thời gian qua là những điều có thật, họ không nói dối để doạ ông và các chàng trai. Vì vậy ông lo lắm nhưng ngoài mặt ông vẫn tỏ ra bình tỉnh để lên tinh thần cho họ. Đó là kinh nghiệm nhiều năm làm Già làng mà ông rút ra được, trong mọi trường hợp, người đứng đầu bao giờ cũng là chỗ dựa của cộng đồng.

Hơn ai hết ông K’Rè biết tác dụng của khói cỏ Tương tư, cái tên cỏ mà bây giờ ông mới biết. Người Lạch đều biết chuyện này trong truyền thuyết nhưng chưa bao giờ người ta biết loại cỏ đó hình thù thế nào để mà tránh né, vậy mà ở cái học viện này, lão lùn kỳ dị lại có được thứ cỏ tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết.  Ngay cái nơi mà ở đây người ta gọi là học viện ông cũng chưa nghe bao giờ. Ông chỉ biết rằng những người cao tuổi trong tộc người Lạch, bao giờ cũng dặn con cháu rằng có một khu vực cấm bất cứ ai xâm nhập, nếu lỡ vào đó rồi thì vĩnh viễn không ai trở ra được. Vùng đất đó ở đâu không nghe những người già nói cụ thể, chỉ biết rằng chung quanh vùng đất đó có một loại cây đặc biệt mọc thành hàng, loại cây này chính là ranh giới giữa vùng tự do và khu cấm địa….

Còn Trương Đại Quá để tâm hồn trôi trở về dĩ vãng. Ở quê nhà, ngôi nhà của cha ông để lại chắc là hoang vắng lắm, không có hơi người, ngôi nhà sẽ lạnh tanh, lạnh ngắt. Tuy Trương Đại Quá có gởi gắm xóm giềng chăm sóc hộ căn nhà, thắp hương cho cha mẹ anh nhưng chính tay anh không làm đám giỗ cho cha mẹ là một điều dày vò anh nhiều năm qua. Trương Đại Quá tự an ủi mình rằng đến ngày giỗ chạp anh thắp một nén tâm nhang nhớ về công ơn tiên tổ chắc tổ tiên, ông bà cha mẹ cũng chứng cho tấm lòng của anh. Rồi anh nghĩ đến đám bạn bè thời trẻ nhỏ có lẽ ai cũng có vợ có con. Tục lệ ở quê anh, con trai lấy vợ sớm lắm, ai cũng cố sinh ra một thằng con trai để nối dõi tông đường mới là người có hiếu. Dĩ vãng lôi kéo anh đến những ngày xưa vui vẻ, đến những trò chơi đồng quê như chăn trâu, đánh đáo, đấu võ…và cả chọc ghẹo đám thôn nữ sau những ngày đi cày đi cấy, gánh lúa về nhà. Tâm trí anh lại nhớ đến cô Ba nhớ cái nắm tay trong đêm trăng mờ huyền ảo dưới rặng tre làng nhìn ra dòng sông đẫm hơi sương. Cô Ba, cô Ba… anh kêu thầm tên người con gái chiếm lấy trái tim anh, vậy mà giờ đây anh đã thấy được khuôn mặt khả ái của cô nhưng với một phiên bản thu nhỏ, nhỏ đến lạ thường. Đó là khuôn mặt mà các chú lùn gọi là cô Nghỉ. Cô Nghỉ lại có một cuộc đời kỳ dị, thân xác của cô nhỏ xíu vì tác dụng của Quà tặng của thần linh, một thứ lá rừng kỳ dị. Cô Nghỉ sẽ trở lại người thường nếu có một ít Kỳ nam làm vị thuốc, theo lời của thằng lùn Vương Đình Huệ. Lúc ấy, lúc ấy Trương Đại Quá sẽ ngắm được cô Ba nguyên bản, ôi giây phút đó mới nao lòng làm sao. Bỗng nhiên Trương Đại Quá nhớ Trần Thị Huyền da diết. Không ngăn được lòng mình, chàng trai si tình nói với ông K’Rè:

- Bác ơi, bác giúp cho thằng Huệ một ít Kỳ nam được không hả bác?

Thì ra thằng nhỏ này nghĩ đến người con gái bị Thần núi nguyền rủa. Ông K’Rè không gọi thứ lá rừng làm con người ta không lớn được là Quà tặng. Không, không thể là quà tặng, quà tặng gì mà không cho người ta lớn chứ, cứ mãi mãi nhỏ thế làm sao gùi được những thân lồ ô to đến suối để lấy nước? Làm sao lên rẫy chọc lúa và  tuốt lúa chứ? Vì vậy ông già tự đặt thứ lá ấy cái tên là Thần núi nguyền rủa cho dễ nhớ. Vả chăng, chỉ những ông Gru mới biết thứ lá đó mọc ở đâu, người thường không khi nào biết và đó cũng là điều cấm kị trong cộng đồng. Bây giờ ông mới biết người ta có thể giải thứ lá Thần núi nguyền rủa bằng dược liệu, như vậy những ai vô tình ăn nhầm thứ lá đó có thể thành người bình thường? Như vậy những phép thuật lâu nay những ông Thầy cúng dùng để đe doạ mọi người chỉ là trò bịp bợm? Người Lạch không chấp nhận sự dối trá, ông K’Rè cũng vậy, ông rất ghét những ai không thành thật trong mọi chuyện, vì vậy ông trả lời Trương Đại Quá bằng một cái gật đầu chắc nịch:

- Được, bác sẽ giúp!

Trương Đại Quá cảm kích nói:

- Cháu xin cám ơn bác trước, nếu cô Nghỉ mà trở lại người thường thì bác là ân nhân của cô ấy!

- Quá à, người miền cao không bao giờ lấy chuyện giúp người khác bất cứ việc gì là chuyện ơn nghĩa đâu, đơn giản khi ta sống trong rừng núi như thế này nếu không có cộng đồng thì ta sẽ không sống được đâu, anh biết không?

- Thưa bác, khi cháu một mình lang thang khắp vùng này, cháu cô đơn vô cùng. Đến khi gặp được người em kết nghĩa, cháu mới biết con người ta cần cho nhau đến độ nào. Không biết giờ này Trương Thái ra sao nữa?

Một không khí trầm tư xuất hiện giữa hai người, ông K’Rè không để chàng trai buồn, ông nói:

- Bác đoán chúng ta đang ở cách cây cổ thụ nơi cất trầm kỳ không xa lắm đâu, chỉ độ một hai ngày đường thôi. Nhưng bác có một chuyện muốn bàn với anh, đó là làm sao ta đem đủ nước để uống trong hành trình đi lấy trầm hương? Còn chuyện đổi trầm hương lấy muối bác biết rằng khó lắm rồi một khi chúng ta vướng vào cái thứ khói cỏ Tương tư!

Trương Đại Quá gật đầu:

- Cháu cũng thấy khó quá, một ngày chúng ta nếu đi hai người cần hai bầu nước là ít nhất, nếu chẳng may tìm không ra chỗ cất giấu trầm kỳ thì làm sao ta trở về cho kịp?

Cả hai chưa tìm ra cách nào để đem nước theo khi đến gốc cây cổ thụ, thì thằng nhỏ phụ bếp xuất hiện, nó nói:

 - Anh Quá, cô Nghỉ mời anh qua nhà bếp nhận phần cháo cá, nhân thể anh nhận luôn phần lương thực cho ba người này.

Trương Đại Quá đi theo thằng nhỏ, trong bụng anh vui lắm vì sẽ gặp được cô Nghỉ, người con gái có khuôn mặt của người anh yêu. Nhưng khi cả hai đến nhà bếp, cô Nghỉ không còn ở đó, thằng nhỏ phụ bếp chỉ nồi cháo bốc hơi nghi ngút tỏa ra một mùi thơm khiến nước miếng người ta ứa ra, nó nói:

- Cô Nghỉ dặn anh mang nồi cháo này về nhà ăn, chiều mang nồi qua nhà bếp trả lại cho cô là được.

Nó dáo dác nhìn quanh rồi thấp giọng:

- Này anh, anh có thể cho tôi một bát cháo được không, chỉ một bát thôi mà?

Trương Đại Quá cả cười:

- Được thôi em à, chỗ cháo này một mình ta làm sao ăn cho hết, ta sẽ mời ba người bạn của ta cùng ăn, chia cho em một bát có nhiều nhặn gì đâu, em dùng hai bát nhé?

Mắt thằng nhỏ sáng lên:

- Ôi anh tốt quá, em chỉ cần một bát thôi nhưng….nếu anh có lòng tốt em xin thêm bát nữa, em mang về cho thằng bạn lúc nãy, nó cũng thèm cháo cá như em vậy! 

Rồi thằng nhỏ tiếp tục nói:

- Anh biết không, cô Nghỉ nấu cháo này kỳ công lắm đó, cô dùng một thứ bột củ mài cho vào gạo ninh thật nhừ. Còn cá, cô ướp với mấy thứ gia vị đặc biệt, khi cháo nhừ cô mới bỏ cá vào và cho em đi gọi anh ngay, như thế cá chỉ vừa chín tới, hương vị nồi cháo mới đạt cực đỉnh, cô Nghỉ nói với em như vậy đó? Bây giờ anh cho em ăn cháo, anh tốt quá, cảm ơn anh.

- Ta đã nói rồi, đó là chuyện nhỏ ơn với huệ gì?

Bỗng nhiên Trương Đại Quá nhớ đến vấn đề nan giải của anh và ông K’Rè, anh vụt hỏi:

- Em à, nếu được em đi tìm giúp ta Vương Đình Huệ, ta cần gặp nó, được chăng?

Thằng nhỏ cười:

- Tưởng chuyện gì, anh chờ em một lát nhé. Mà thôi, anh mang cháo và gùi gạo này về đi, em bảo Vương Đình Huệ đến nhà anh là được.

Khi Trương Đại Quá bón cho Quang và Sa ăn cháo cá xong, đang vét đến bát cuối cùng, ông Rè nói:

- Quá à, hình như thằng nhỏ lùn đến tìm anh đó.

Đúng như vậy, Vương Đình Huệ đang leo lên cầu thang chính giữa, với nhà Trương Đại Quá, nó là khách nên không thể đi bằng cầu thang hai bên đầu hồi như ở nhà khách ngày hôm trước. Nó hỏi:

- Anh tìm tôi có chuyện chi?

Trương Đại Quá mời:

- Em ngồi xuống đây đã, ta có câu chuyện muốn bàn với em mà!

Vương Đình Huệ nóng lòng, anh hỏi liền khi vừa ngồi xuống:

- Chuyện chi vậy anh?

Chỉ qua ông K’Rè, Trương Đại Quá trả lời:

- Bác K’Rè mới là chủ nhân chính hiệu của số trầm kỳ cất giấu trong rừng, đây là chỗ tổ tiên ông bà để lại cho con cháu bon Cây ngo đỏ. Ta đã trao đổi với bác và bác đã đồng ý tặng cho em ít kỳ nam để làm dược liệu giúp cô Nghỉ. Nhưng chúng ta không thể nào đi lấy thuốc cho em vì không tìm ra cách nào mang theo nước con suối Đen để khống chế với khói cỏ Tương tư. Em nghĩ xem có cách nào giúp đỡ bọn ta chăng?

Vương Đình Huệ chau mày, một lát sau anh nói:

- Bác nhớ chỗ cất trầm kỳ cách đây bao xa hả bác?

Ông Rè nói:

- Khoảng mười cái xà gạc là cùng!

Mặt Vương Đình Huệ giãn ra trông thấy:

- Xong, chuyện đó không thành vấn đề!

Trương Đại Quá mừng rỡ:

- Sao, cách nào hả em?

Vương cười:

- Cách đây hai con trăng, học viện săn được một com min (bò rừng), Mat có cho ta một cái bao tử và nói ta ngày sau sẽ có lúc dùng, không ngờ lại dùng sớm như thế, Mat giỏi quá. Ta có nuôi một con ngựa, cứ chất lương thực, nước uống lên lưng nó là xong. Bây giờ ta về đây, ta sẽ xin Bạc Đầu Râu đi lấy trầm kỳ cùng với anh và bác đây. Ta đi nhé?

Nói xong Vương Đình Huệ đi liền, anh nóng lòng giúp cho cô Nghỉ trở lại người thường, sau đó cô Nghỉ còn tìm gia đình của mình nữa chứ?

Trong căn phòng của Mat, người thầy đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ dựng sát tường. Hình như ông đang đợi cậu học trò thân tín. Đúng vậy, khi Vương Đình Huệ vừa bước vào, ông nói liền:

- Việc đi tìm trầm kỳ của mấy người phục vụ, con phải báo cáo với ông Bạc nhưng con biết đó, ông Bạc chưa công khai chuyện cô Nghỉ cho bất cứ ai biết cả, vì vậy làm sao con có thể đề đạt nguyện vọng với ông ấy?

Trầm ngâm và ra vẻ suy nghĩ, Vương Đình Huệ nói bằng một giọng buồn:

- Con cũng chưa biết cách nào, Mat ơi, con phải làm sao… con thương cô Nghỉ quá?

- Ta biết con thương cô Nghỉ nhưng luật tục là luật tục, muốn rời trường phải có lệnh của Bạc Đầu Râu. Thôi con cứ về chuẩn bị sẳn đi, để ta tính cách đã.

Vương Đình Huệ buồn bã chào thầy và chậm rãi đi về. Anh suy nghĩ rất lung chuyện tìm cơ hội ra ngoài trường để lấy trầm kỳ cho Mat luyện thuốc đưa cô Nghỉ về với vóc dáng thật của cô.

Tối hôm đó như thường lệ, Vương Đình Huệ ra ngoài cánh đầm lầy tự học thuật thoát hơi người. Sau khi bôi một lớp bùn lên khắp người, Vương Đình Huệ trần truồng nằm im mặt ngữa lên trời. Đêm nay không có trăng, trên trời cao những ngôi sao đang nhấp nháy, chúng tạo thành những hình thù kỳ lạ. Không biết có tất cả bao nhiên ngôi sao, Vương đoán trong đầu nhiều lắm cũng không thể vượt qua số cây có ở cánh rừng ma. Nhớ tới rừng ma Vương Đình Huệ giật thót người, thằng Tư Đực vào khu rừng đó đã năm ngày, không biết nó có gặp nguy hiểm gì không nữa. Theo luật tục, không ai được phép vào rừng để trợ giúp cho nó, cả học viện đều biết một mình thằng Tư trong cánh rừng nổi tiếng là ăn người như vậy rất là nguy hiểm nhưng mọi người đành chịu. Luật tục là luật tục, không ai có thể vượt qua, xét cho cùng, luật tục là để mang lại lợi ích cho cộng đồng mà thôi.

Vương Đình Huệ thiếp đi trong ý nghĩ đó. Lúc ấy là nửa đêm!

 

CHƯƠNG 16

GẶP BẠCH HỔ LÚC NỬA ĐÊM

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 733
Ngày đăng: 25.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 8: Tù nhân) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 7: Cuộc hỏi cung) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 6: Học viện Langbiang) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 5: Lạc mất nhau) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)