1.Đứng lên, trả tiền, Kim Thy ngoái lại hai chị em chị hàng bánh cuốn tráng tay, dặn làm cho em ba suất, 11 giờ em xuống lấy, khen nước trà ướp hoa mộc thơm đậm, rồi cô đeo túi qua vai, quay gót về cơ quan, tòa nhà 7 tầng, cách đó một quãng, phía bên kia hàng cây hoa sữa.
Thường thì Kim Thy lo việc ở nhà ( bữa sáng, trà cho hai bố mẹ; giao việc trong ngày cho chị Thảo ) thì mệt, vội, cô thường không kịp có những phút lưu dấu kỉ niệm về một ban mai trong ngôi nhà, như là pha một tách trà, nướng một lát bánh và nghe ngóng mùi thơm của chúng hòa với mùi buổi sớm tràn vào qua ô cửa sổ thông sang khu vườn mùa này đang xanh tốt. Khi đã mặc lên mình chiếc đầm lụa màu hồng sứ, có điểm các bông hoa nhỏ xíu tím và xanh sậm, đến khuỷu. Thường là không kịp. Không rõ tại sao lại không kịp, khi mà Kim Thy có cả mười mấy tiếng với mấy trăm phút tính từ lúc tan Sở chiều qua. Đại loại. Kim Thy đến cơ quan, như với tất cả một gói đồ kí gửi là sự mệt, sự đói ngủ, sự nặng của sách vở tài liệu và máy tính. Và cả nhưng mơ hồ kì vọng vu vơ một đáp số, một hạnh ngộ, một kì duyên nào đó sẽ bay bay và đậu lên đâu đó trên vai, tay, tóc, túi cô.
Cứ thế, cất đồ vào góc làm việc, chào hỏi mọi người xong, Kim Thy mới xuôi cầu thang xuống phố. Thật rồi, xuống phố luôn đó. Hạ độ cao, cởi khuy gió, thánh thót thánh thót bước nắng mưa hay hiu hiu lạnh, tùy ngày tùy mùa. Duyên thì luôn đầy giữa Kim Thy và phố. Là thế. Ở phố về, không hẳn là no, không hẳn là thấy ngon, mà nhiều hơn/ ít hơn thế, khác thế. Kim Thy cứ lâng lâng, phiêu suốt ngày trong góc công việc của cô sau khi mang về từ phố những nụ hôn của ngọn gió đêm ( em đạo tên một cuốn tiểu thuyết của Mỹ rất thịnh 30 năm trước). Nhưng đó là những ngày hồi nảo hồi nào. Hôm nay ,lúc này cô đang còn trên phố, phía bên này hàng cây. Và chỉ 5 giây nữa thôi, mọi điều sẽ khác. Sau này, cô nghĩ mãi về khoảng xanh êm mênh mông ở ngã ba ấy.
2. Tiếng phanh rít xé như tiếng tạc đạn trong các tiểu thuyết về chiến tranh, một loạt tiếng va chạm đanh, giòn, chói óc xé ngã ba, xé buổi sáng bên này hàng cây. Đã vừa xảy ra một tai nạ, ngay kề sát Kim Thy. Một phụ nữ đi xe máy màu sữa và một chiếc ô tô đen lừng lững đã nhào vào nhau. Cô ấy nằm bất động, gương mặt xinh xắn, còn thơ ngây, hiển hiện lên một câu hỏi. Quanh cô ấy, là chiếc túi xách màu ghi bật nắp. Từ đó văng ra sữa hộp, những chiếc nơ và kẹp tóc có lẽ của trẻ con, vài cuốn sổ công tác, chiếc ví nhỏ màu da cam…Xung quanh im phắc, rồi có tiếng xì xào nho nhỏ nghèn nghẹn: Khéo mà …Cô ấy đi mất rồi… Rồi tiếng còi xe cảnh sát hay 115, tiếng thì thào, rồi cảm thấy đau ở đâu đó, gẫy ở đâu đó. Rồi tiếng rên thoát ra từ lồng ngực. Rồi luồn vào một sợi dây, phía trên cao là bầu trời, nghiêng đi là phía bên này hàng cây hoa sữa và chị hàng bánh cuốn với chiếc tạp dề Hàn quốc in chữ trắng. Rồi mùi gì đó của gỉ sắt, mùi mồ hôi trên chiếc băng ca, lẫn vào mùi nước hoa buổi sáng nơi cườm tay mà Kim Thy không khi nào quên, mùi lụa nhẹ và khô từ chiếc đầm màu hồng sứ, mùi hơi thở đói veo của một sớm ngồi vào bàn ăn mà lại để hết cả hồn vía lên rặng cây hoa sữa mùa này đang bắt đầu đơm hoa non. Kim Thy đi lên cầu thang vào chỗ làm việc. Một cơn đau dữ dội ập đến.Tay cầm phích nước, tay vịn ghế ngồi, cô gieo xuống, mà từ đó, không nhận ra các bức tường, các cánh cửa và các gián cách thời gian nữa.
3. Kim Thy ( có lẽ thế ) bỗng rơi qua một tầng nước, ngồi xuống một bãi cát trắng, lấp lánh. Phía trước là một bãi biển rộng, nước xanh lam tận đáy. Gió nhẹ, gợn lăn tăn cả nước và cát và làn da trên cánh tay và khoảng vai trần, cả trong lòng cô nữa. Buồn the the the the. Cô nhớ vừa ban sáng lúc rời nhà đi, trong lúc lấy đồ mặc từ trong tủ trao cho Nhân, cô còn hơi để cánh tay mình khẽ chạm tay anh, ánh mắt còn vương lại chút nơi áo quân phục sĩ quan của chồng. Như tạo một linh dẫn, cố ý để anh gửi lại một tin cảm ấm. Nhưng Nhân đưa tay cầm mắc áo, lững thững ra phía cửa, môi mím chặt. Vai bẻ thẳng, phồng căng ngực và ngẩng cao mái tóc nhóng nhánh xoăn đen. Như cách đi dưới quân kì. Ai mà chạm tới. À, mà vẫn thế từ ngày họ về với nhau mà. Họ chỉ gần lại nhau về thân thể khi thế năng và vectơ bằng không. Ấy là khi bóng tối của tỉ người trăm loài buông xuống, sự mỏi rũ các đôi chân, sự chùng rùng của các dải cơ, sự ỉ lại của mọi tế bào não lên hộp sọ. Khi ấy, cùng với gối, thở, nghiêng, ngáy, chìm… thì đôi họ yêu đương. Thì rồi cũng yêu đương theo một cách nào đó. Loạng quạng như đầy thì nghiêng trút, đói thì đưa tinh bột vào bao tử, như khát thì uống gì đó, nước chẳng hạn. Không hơn không kém màu sắc, dinh dưỡng và dư vị. Song, khi đó, khi họ ngoài đôi mươi, đầy sinh lực và ngô nghê. Cơm áo chưa biết đùa mà khách thơ chưa gõ cửa. Nhu cầu còn giản đơn mà thăng tiến chưa vời gọi, cám dỗ chưa rắc thính. Trẻ con chưa đem mùi nước tiểu vào mộng của cha mẹ và quờ tay chưa chạm gồ ghề các thứ bầu bình bỉm bô bát. Làn da trên bụng nàng còn mỏng mượt. Núi đồi cao nguyên không hẳn là mướt xanh miên man nhưng chí ít cũng còn căng tròn mỡ màu đậm đạp. Chí ít thì cũng đạt điều kiện cần. Còn đủ, thì chưa có tình huống. Vậy là những cuộc thân mật đã đến, rất thuần nhuần như đồng với ruộng như nước với kênh, như muối và biển, như bát và đũa, như sàn nhà và nước lau nhà vậy. Ngày đó, rời cô, anh rút tay khỏi, kê lại gối cho bản thân và nghiêng về phía bên kia của chiếc giường. Không có nụ hôn hoàn lưu, không có vòng ôm tĩnh lặng; không thức dậy nửa đêm và tì cằm lên vai người nữ mà nhìn gương mặt cô ngái ngủ trong ánh sáng hắt vào từ phía bên kia tấm rèm cửa, nhè nhẹ. Đã không có ngay từ thời điểm đương nhất của sự có mặt, thì khó lòng có ở sự vãn hồi. Tại sao họ không đem đến những đêm trai- gái của họ cái thanh xuân xao động mãi tận chân trời mộng tưởng? Tại thế thôi. Họ đâu có nhựa trong thân để mong tách vỏ mà thành chồi. Họ đâu có những cơn mơ để nhận thấy mình bay bổng khi tỉnh thức. Thì ra, họ đã ở cạnh nhau mà chưa hề tan biến vào nhau. Chỉ mới là mối hàn chì, là chiếc mooc, là các tấm ghép thôi. Những chấn động ngoại lai hoặc tự thân như lớp hơi ấm hay các trận động đất nặng nhẹ đã làm rời rã cái liên kết vốn chưa là liên kết ấy. Họ bắt đầu lo lắng chuyện tiền thuê nhà tăng, tiền điện mùa hè tăng, tiền bỉm và sữa cho con tăng. À, thêm tiền con ốm khám bác sĩ, taxi cấp cứu. Mẹ bắt đầu xộc xệch vì thức đêm con quấy, vì thức trưa cho con ăn. Việc cơ quan bắt đầu nghuệch ngoạc. Báo cáo hàng tuần có một La Mã mà không có hai La Mã. Các buổi trực bị nhờ, đổi, xin về sớm. Đến cơ quan ngày đại lễ mà tóc có cháo con, áo có vết dầu ô liu.Và mùi trẻ. Cái mùi làm nên sự xuống hạng nghiêm trọng với một phụ nữ, dù tuổi nàng ấy còn xanh đến cỡ nào. Có một điều đắng đót mà Kim Thy nhận ra là cùng với mọi thứ kém đi ở bên ngoài thì tình của Nhân cũng xuống dốc theo nốt. Mắt anh không còn ấm khi nhìn vợ, vợ nhờ việc gì cùng xị mặt. Anh càng ngày càng về muộn. Đi đá bóng, đi xem các trận ngoại hạng đến trong hạng, đi sinh nhật, đi tân gia, đi tiếp khách, đi tân niên, đi họp lớp. Đời giờ là chuỗi các sự kiện. Nhà giờ là nhà hàng. Anh về, say. Như là say. Nôn ọe, quờ quạng, lèm bèm. Và ngủ như chết. Họ thực sự xa lạ với nhau ngay trong một nốt nhac khi chưa hề hết thanh xuân. Rồi Nhân phải đi học để thăng tiến. KimThy ở nhà, quay quắt đưa đón cơm cháo cho hai đứa trẻ. Cô xọm đi như một đàn bà mắc chứng hậu sản. Lưng gù xuống, bụng èo ẹo da và mỡ. Mặt nám đen. Hơi thở úa vàng. Tự mình, cô nghĩ, đáng mang đến bệnh viện phục hồi chức năng. Cuối tuần Nhân về, áo quần thơm căng nhựa, mắt lóng lánh, môi mím nhẹ một nụ cười cố giấu. Sự phương trưởng ấy như tự bên trong, Nhân mộng du trong ngôi nhà mẹ bỉm sữa, như một đấng quân vương đi lạc vào trại nuôi gia súc gia cầm của bà nông dân trung cổ. Và bất đắc dĩ ở lại với chủ trang trại, đợi ngày hóa đại bàng, chim tước mà bay về vườn thượng uyển để hòa tan vào các bầy phượng, ưng, khiếu vậy. Cô cạu cọ, ấm ức, hỏi han, căn vặn một cách thảm bại, do gặp thái độ nhơn nhơn đầy khinh khi và thách thức của Nhân. Luôn có ý là : Thế đó. Thì sao. Cô nhìn lại cô đi. Kim Thy luôn đối chiếu hình ảnh ảnh Nhân ngày xa xưa, ( trong ảo giác chăng) chân tình, thắm thiết, ân cần, với bây giờ. Cô lại tự đổ lỗi, dằn vặt bản thân. Tại cô để mình xấu xí nhếch nhác đi. Tại cô không giàu có để không gian gia đình lãng mạn. Tại cô kém cỏi nên không càng ngày càng duyên dáng mặn mà hơn lên. Vậy ư? Lỗi trăm lần tại cô. Nghĩ thế, cô ăn năn và quyết phải đền bù cho Nhân. Kim Thy càng ngày càng tận tụy hơn. Tận tụy với con vì con, đã đành. Còn tận tụy với bọn trẻ như tận tụy với ấu chúa như cách để lập công và giàng buộc. Để tạo đối trọng làm anh vì yêu con mà động lòng. Chúa ơi. Không, anh càng lúc càng kiêu ngạo. Càng lúc càng như cảm thấy mình vì gặp vợ không ra gì mà thiệt thòi, tội nghiệp. Vợ người ta thế kia thế kia. Mát cả mặt cả ruột cả tay chân vân vân. Tay cô nọ mềm thơm. Hơi cô kia thở bạc hà. Và… thôi. Nói ra thì lại bảo lính tráng bặm trợn. Nhưng ức lắm. Đánh thì không rồi. Đánh đàn bà trí thức là mất điểm sĩ quan. Mà cô ta cũng không có tội gì để đánh. Chỉ mắc tội không đáng yêu- theo cách mà anh muốn. Mà ai chả muốn thế. Cô ta cứ nghĩ nấu cơm nóng canh nóng cháo nóng thậm chí nước nóng là ok ư. Tạp vụ và cấp dưỡng cơ quan làm tốt vạn lần. Mà cung kính. Mà không một lời ra vào. Mà thơm ngon cay chua mặn ngọt đủ điều. Còn việc làm chồng làm vợ. Đã nói thì nói cho ra nhẽ. Cô ấy mà nghĩ là có mặt để phụng sự chồng, thì, thua ngay từ vòng gửi xe. Đàn bà nên và cần biết hư, biết lẳng, biết mình muốn gì. Và trong cách đó, ta- đàn ông bình đẳng 50/50, đều phải đào ao thả muống như nhau. Thế có phải là đỡ mệt mỏi hơn không. Còn các thứ khác chưa kể. Khi cô ta xác định cô ta thích, muốn, và đàn ông ta là thượng đế, thì tiệc tùng đêm ngày, cao lương mĩ vị cô ta sẽ xăm xắn, chu phụng toàn bích. Biết rằng ông bà tổ tiên đã sinh ra giáo điều và cô ta là hệ lụy. Nhưng cô ta cũng phải có sự chủ động thoát ra và thay đổi chứ. Ai mà chả sinh ra từ cái cội nào đó. Nhưng có tươi xanh hay héo úa còn phải tự thân. Làm gì có gì miễn phí. Có tiếng động, hình như ai đó trở mình thức giấc. Phải đi khỏi thôi. Kim Thy giật mình đi ra khỏi ý nghĩ của Nhân, để trở về với chính cô. Toàn thân nhức mỏi. Mùi nước gỉ sắt phảng phất. Cảm giác choáng váng như sắp ngất. Cô quay lại bàn làm việc và tiếp tục biên tập tập thơ. Một thứ công việc kì quái. Học nhau cách làm thơ đã khiếp. Khiếp y như đi vay nụ hôn, vay một cánh tay hay một đêm trắng từ chồng người hàng xóm vậy. Nhột hết biết vì cảm giác vô nghĩa và xa lạ. Thơ bản chất là sự hấp thụ vũ trụ, chuyển hóa vào máu thịt xương cốt, rồi kết tinh thành chồi nụ lá hoa hương. Thơ đâu phải là hành vi cởi, bọc, gói, dán tem. Biên tập thơ còn hơn thế. Anh đã bằng kinh nghiệm và bản lĩnh cá nhân, văn hóa cá nhân mà gò gẫm cắt xén hay phả vào hay hư cấu một sinh thể ảo, gọi là thơ ma đi. Để làm gì nếu không phải là để tự dối chính chủ thể, về một sự vô nghĩa tê liệt, tan rã mà không dám tuyên bố phá sản. Cô vẫn phải làm, lúc trồi lúc trụt. Chỉ đơn giản đó là công việc của cô, công việc mà cô định ăn đời ở kiếp.
Đang loay hoay khó xử bởi một bài thơ đạo. Thật khó xử. Bỏ không xong, sửa không ổn, để nguyên càng khó chịu. Kim Thy sáng chưa ăn đủ no và quên mang thuốc chống co thắt tim mạch. Đúng lúc Kim Thy ôm mặt, định buông vào cơn đau, thì Bảo vòng tay lên trên đầu cô, khẽ nhấc cô và kê tay mình vào. Anh nhẹ kéo cô vào lòng, vỗ vỗ vào lưng cô: Cưng mơ gì mà giật mình thế. Anh đây anh đây. Đừng sợ gì cả. Hãy bỏ nỗi sợ ra bên cạnh. Và mình sẽ làm mọi thứ tốt hơn. Bàn tay Bảo vừa vỗ nhẹ vào lưng vợ, vừa khẽ xoa các đốt ngón tay nàng. Cô nghĩ vừa khóc vừa kể cho anh nghe về cơn đau lúc cô ngã xuống đập vai vào mặt đường. Về máu. Và gì đó liên quan đến bữa ăn của hai đứa trẻ. Về nỗi buồn nào đó đem đến do sự lạnh lẽo, bỏ mặc. Về mùa xuân đã không đủ mưa xuân và bụi trầu đã nghẹn mùa lá. Cô ấy nhắc đi nhắc lại nỗi mệt. Em mệt rồi. Em không thể cố hơn được nữa. Chắc cô ấy mê sảng.
3. Kim Thy ốm đã một tuần. Cô giật mình trong giấc ngủ. Khóc và hét vô cớ. Cô hay nhắc ai đó Nhân ơi, em đây. Cô gọi tên Cún, tên Kem. Cún bỏ điện thoại xuống và ăn cơm ngay kẻo mẹ phạt. Kem không bắt nạt anh. Để về mách bố anh Cún trêu Kem nhé. Hôm nay bố không trực, chắc bố sẽ về sớm mua pizza cho hai anh em. Hai đứa có thương mẹ không? Có à ? Nhiều à? Vậy thu dọn đồ chơi giúp mẹ. Mẹ đang mệt. Cún rót cho mẹ cốc nước và lau bàn hộ mẹ. Mẹ cảm ơn. Mẹ ốm, nhỡ mẹ chết thì hai anh em có thương mẹ không? Thương mẹ thì lúc ấy nhớ dắt tay nhau về ngoại nhé. Về ngoại với dì. Để dì chăm. Dì sẽ chăm thay mẹ. Đừng giận bố nhé. Yêu bố giúp mẹ. Nếu mà còn gặp lại bố nữa, mẹ sẽ không nhận lời để bố yêu và không lấy bố. Cho đến khi cả hai bố mẹ phải biết ý nghĩa của yêu thương và biết chăm lo vun vén cho nhau đã. Không có ai là tiên cô tiên cậu cả. Chỉ có tốt lành và rộng mở mới chắp đôi cánh cho con người bay vào vùng trời cổ tích kì diệu thôi. Cún nhớ pass facebook của mẹ nhé. Là ngày sinh của con- của em Kem- của bố- và của mẹ.…Con nói lại với bố. Con yêu bố đi, thơm bố đi. Đừng sợ bố… Cứ thế Kim Thy lăn lộn suốt đêm trên giường, trong tay Bảo. Cô như là một ai đó khác hẳn, ai đó có hai đứa trẻ, có một người chồng tên Nhân hình như là sĩ quan. Họ hình như đang gặp khó khăn về đời sống tình cảm. Và cô ấy, cái cô đang ẩn trong thực thể Kim Thy của Bảo ấy, thì đang rất tội nghiệp và đau đớn. Bào bỗng nhiên hơi rùng mình. Anh bỗng cảm thấy phát sốt lên đột ngột. Và anh hiểu điều gì đã diễn ra với Kim Thy.
Bảo có chơi thân với một anh chuyên gia địa ốc ở cơ quan. Anh ấy biết nhiều về các giấc mơ, các linh hồn, các cuộc gặp gỡ và giao thoa giữa hiện thực và mộng tưởng. Hai anh em giao Kim Thy cho em gái cô trông coi, lặn lội trở lại nơi cô làm việc. Anh Nghĩa đã hỏi han gì đó ông bảo vệ, quày quả đến ngã ba nơi có hàng cây hoa sữa bắt đầu trổ bông lúc chớm thu. Bảo nghe anh nói đủ nghe, bên trụ điện, trước hàng bánh cuốn: “ Tôi biết em là một cô gái tốt. Em yêu chồng, thương con và em rất cố gắng. Kim Thy thương em lắm. Tôi biết em quyến luyến Kim Thy vì cô ấy rất yêu các loài hoa. Mà em là một loài hoa. Hãy giúp chúng tôi để Kim Thy khỏe mạnh. Và chúng tôi sẽ cùng với Kim Thy giúp em, giúp các con em.” Một trận gió cuối hạ đầu thu không hiểu sao thê thiết, vò lên chỏm xanh của hàng cây, hoa bỗng rơi lả tả, lấm tấm, như một cơn mưa xanh giữa những ngày thu chớm.
Kim Thy hết các cơn mê sảng. Cô nằm trên tấm thảm của người Dao, một nửa. Một nửa cô đắp lên người. Bảo gối đầu cô vào hõm vai anh. Hõm vai ấy tự nó đựng hết các ý nghĩ buồn lo của cô. Như là hố đen đựng các nỗi buồn đợi ngày hóa thành diễm hạnh vậy. Và giấc ngủ của cô mơn mởn trở lại từng đêm.
4. Kim Thy tìm đến Nhân. Là do Bảo nhờ cô giúp, “em giúp bạn anh’’. Không thể tin được. Anh ta cao lớn, đẹp một cách kiêu ngạo và lạnh lùng. Cô mở máy tính, gõ tên vợ Nhân, bảo anh ta pass để đăng nhập. “Mọi nỗi niềm cô ghi hết cả vào mess và cô ấy gửi cho chính cô. Anh đọc đi. Tôi đợi.”
Khi Kim Thy ngẩnglên, chắc phải cả mấy tiếng sau, nhìn thấy mặt Nhân tái mét, nước mắt ướt đầm. Đôi môi đẹp và kiêu ngạo giờ đang cố mím lại để khỏi bật khóc. Anh ta nói gì đó như là xin lỗi. Anh sai rồi. Anh sai rồi. Chính anh đã giết em, từng ngày. Không phải tai nạn. Kim Thy vỗ nhẹ vào vai anh ta. Dặn lại địa chỉ và số điện thoại. Cô ra về.
5. Bảo giúp Nhân chuyển nhà đến cùng khu nhà anh. Để Kim Thy phụ giúp chăm hai đứa trẻ. Nhân đón bố mẹ vợ về nhà. Hàng ngày lo săn sóc. Kim Thy vẫn không biết gì về cơn đau đầu và những ngày cô mang linh hồn người mẹ trẻ tội nghiệp kia. Lạ là, tụi trẻ yêu cô, cô cho chúng ăn, tắm gội, ngủ nghê và đi chơi ý như cách của mẹ chúng. Mà khi chúng không hỏi mẹ đi đâu, Kim Thy trả lời như Bảo đã nói với cô : Cô ấy bệnh nặng và phải đi chữa bệnh ở Singapo. Mà Kim Thy cũng không mảy may ngạc nhiên chút xíu nào về tất cả.
Bảo và Nhân, hai người đàn ông chạy vòng quanh hai người phụ nữ và hai đứa trẻ và mấy người già, họ cũng không thắc mắc gì. Thy thoảng Kim Thy đưa mấy đứa trẻ đến hàng bánh cuốn. Mùa thu, có những trận gió đuổi nhau trên phố, chạy quanh chân, hất tung lên, chạy qua mái tóc bờ vai Kim Thy, rồi bỗng nhiên, lại thấy hàng cây bên kia đường mưa xuống bao nhiêu là chấm hoa xanh.
6. Chị hàng bánh cuốn, lúc sáng, đưa cho cô một chiếc túi. Ồ túi của cô. Em để quên từ hôm ngã tư có tai nạn. Chị đợi em mãi. Sợ có đồ ăn sẽ hỏng, chỉ bảo con mở ra xem. Thì ra là một tập sách. Con chị đọc cho chị nghe, chị cứ chảy nước mắt mãi. Thì ra, mẹ hai đứa bé đã chết, đã tìm nhập vào đúng người em gái bị lạc của gia đình. Mà không ai biết cả. Cô ấy quanh quất đâu đây, ở trên hàng cây kia, để rì rào và tỏa hương. Vì cô ấy nhớ các con. Nhất là, cô ấy thương em gái. Cô ấy hóa thành cây hoa để cứ mỗi năm mỗi mùa lại về ở quanh quẩn bên dì ấy.
Kim Thy mỉm cười cảm ơn chị hàng bánh cuốn. Và cô viết một stt trên facebook tự chế giễu tính đãng trí của mình. Bảo cmt rằng: Không sao đâu, cô gái của anh. Em cứ đi lạc đi. Anh đã mua cho em tất cả các vé khứ hồi. Cứ đến mùa hoa là em lại về với ga trung tâm của tình yêu chúng ta.
27.8.2020